26 tháng 4 2019

Đông Lào diễn nghĩa (Phần 2)

Đông Lào Diễn Nghĩa - Phần 2

Nguyên Tác:                   La Quá Hạ
Dịch, Chú, và Bình:     Nguyên Đại

(Tiếp theo phần 1)

Hồi Thứ 44
Trực chỉ Kiên Giang, Lu vương té ghế
Đông Lào lật chủ, Phát tể thế thân


Lu vương từ từ mở mắt, “chúc mừng bệ hạ” quan ngự y và các y công đồng loạt xướng lên, nói cười râm ran. “Đây là đâu và các ngươi là ai?” Lu vương thều thào hỏi, mọi người tranh nhau tâu, nhưng cuối cùng thì nhường lời cho quan ngự y rằng: bệ hạ đang ở Kiên Giang phủ thì bất ngờ ngã quỵ, chúng thần vội vả đưa bệ hạ về phủ y-quán, sau đó đưa bệ hạ về đây. Đoạn, quan ngự y bảo mọi người ra ngoài để Lu vương nghỉ ngơi.

Nằm một mình, Lu vương cố nhớ lại mọi việc: tại sao ta lại ngã quỵ vào đúng ngày này? Trước đó vài hôm Mẫu hậu đã can rằng, hãy đợi thêm vài ngày để tổ chức mừng thọ cho ta, nhưng được tin của Thám quan, ta đã quyết trực chỉ Kiên Giang phủ, để cha con tên tặc thần Tấn Dung không kịp trở tay.

Nào ngờ… Không lẽ thám quân, thám quan của ta có vấn đề? Ngự y đoàn đã cho ta uống loại thuốc gì? Ta nhớ là cũng không có gì đặc biệt, dường như là có thêm một qườn thuốc cảm vặt, không lẽ chuyện là ở đây? Ngự y đoàn của ta có vấn đề? Không đâu, nếu mà có, mạng của ta đâu còn tới bây giờ. Nhưng, cũng có khi tụi nó bất cẩn; hay là… Lu vương cố mím môi. Không lẽ nào, tên tặc thần Tấn Dung không dại gì hại ta ngay ở tại nhà hắn ở Kiên Giang phủ, cái đầu của thằng con nó cứng hơn lưỡi đao trảm quan của ta sao? Hoặc giả, nó có liều mạng, hay hư hư thật thật, tương kế tựu kế chăng?

Nghĩ liên thuyên, đoạn Lu vương bất giác rùng mình… Không lẽ lại là lão Bằng (Hoàng Đế Cán Bằng của đại quốc Lũ-Tau). Nếu thật vậy, mạng của ta nguy rồi. Không lẽ việc ngọn đèn thứ ba, phía nam bị tắt trong lăng Thái Tổ đêm nào lại ứng rằng: mạng của ta phải kết thúc ở vùng hải địa ba đào Kiên Giang, kiêng gió này sao?

Lu vương mở mắt nhìn không chớp lên trần y quán. “Khuôn xanh nào biết vuông tròn mà hay”, quả thật đời người qua nhanh; thoáng chốc, hình hài, màu sắc đã đổi thay, nào ai biết, nào ai hay. Lúc ta còn đứng vuông vức, hiên ngang ở Kiên Giang phủ, một màu chói đỏ. Chớp mắt, giờ đã ở đây xung quanh là những chai lọ ngổn ngang, tròn trịa, và chỉ còn những màu xanh, trắng. Màu đỏ nơi đây là màu của tử thần, của sợ sệt, lo âu…Chợt có người vào báo, có quân sư Trần Vượn đến viếng. Lu vương cho mời vào.

Lu vương cho đuổi hết mọi người ra, chỉ để lại hai cận vệ tin cẩn nhất, y công cũng được cho lui ra ngoài mấy trượng. Lu vương nghe quân sư báo lại nội vụ, nghĩ đoạn, rồi hỏi: theo ý quân sư, ta nên như thế nào? 

Trần Vượn hạ giọng: Tạm thời bệ hạ cứ ở đây nghỉ ngơi một thời gian, thần sẽ theo ý chỉ của bệ hạ làm một số việc: lệnh cho tất cả cận thần phải hoàn toàn tuyệt đối giữ bí mật về sức khỏe của bệ hạ. Chừng nào mà thần sắc của bệ hạ còn là một bí mật, thì chừng đó những kẻ đối nghịch với bệ hạ còn tranh cãi, phân vân về những bước kế tiếp của bọn chúng, ta như người ở trong tối, ẩn mình quan sát tình hình cho kỹ, không nên vọng động.

Lu vương gật gù, đoạn thở dài, rồi rằng: Ta còn nhiều việc muốn làm, ta không cam tâm, chừng nào mà tên tặc thần Tấn Dung và bè lũ của nó còn nhởn nhơ cười cười nói nói… Trần Vượn tiếp lời: Bệ hạ là bậc minh quân, tặc thần Tấn Dung không thể sánh được với bệ hạ, trời sẽ cho bệ hạ sức khỏe để diệt nó. Lu vương cười, có chút mếu máo, vì phần miệng và nửa người bên trái không được toại ý. Trần Vượn đỡ Lu vương dậy, và định lấy chén sâm đưa cho Lu vương, nhưng Lu vương lắc đầu, ý là không cần.

Lu vương có ý kêu Trần Vượn tới gần hơn để nghe cho rõ, rồi tiếp: Ta muốn ngươi giúp ta một việc: Triệu tập các chỉ huy ngự lâm quân mở cuộc điều tra toàn diện đối với thám quân, vệ binh, ngự y đoàn và dĩ nhiên là tất cả những người trong Kiên Giang phủ, trực tiếp và gián tiếp có liên hệ tới các cuộc tiếp xúc với ta trong suốt thời gian ta ở Kiên Giang phủ và ngay cả nhiều ngày trước đó, ta muốn ngươi, đích thân ngươi, thừa ý chỉ của ta, rà xét lại toàn bộ mọi việc.

Trần Vượn gật đầu: Thần tuân lệnh. Lu vương nói nhỏ, ngay cả tên Phạm Chính cũng không được bỏ qua, hừm… nói gì là “ngọn đèn thứ ba…”. Trần Vượn dường như không hiểu câu cuối cùng, liên quan gì đến đèn đuốc??? Lu vương xua tay, ồ… không cần đâu, không quan trọng. Trần Vượn xin phép lui ra.

Đi được ba bước, như chợt nhớ ra điều gì, Lu vương vội ra dấu cho vệ sĩ gọi Trần Vượn quay lại. Đoạn Lu vương nói tiếp: mọi việc khác ngươi cứ việc thay ta, nhưng tuyệt đối không nên gặp lão Bằng, hắn có thể giết ta không được, tức mình hại ngươi luôn, thì nhà Lu của ta nguy mất. Trần Vượn cũng vừa chợt nhớ ra, còn một việc quan trọng chưa thỉnh ý Lu vương, ai sẽ thay Lu vương sang gặp Bằng lão hoàng đế. Lu vương nói nhỏ: ngươi không được đi, như ta đã nói, nên sắp xếp để cho Niêng Phát tể tướng đi thay ta.

Trần Vượn đã biết ý Lu vương, nhưng giả bộ nhìn Lu vương, để Lu vương nói ra cho chắc ăn. Lu vương cười (cũng còn chút mếu máo): bảo nó đi, nếu lão Bằng có nổi điên mà giết nó, thì coi như lão giúp ta, nhưng ta nghĩ lão không giết thằng “trẻ con cao tuổi” này đâu.

Lu vương chợt nhìn xa xăm… nhớ lại lúc chính lão Bằng đã có ý muốn Niêng Phát thay chỗ của Tấn Dung. Lu vương nói tiếp: Ta muốn mỗi ngày, người vào đây thăm ta một lần. Trần Vượn hiểu ý, dạ thật to, rồi xin phép cáo từ.

Lu vương cố gắng lắm, mỗi ngày cố gắng đi lại, ban đầu trong phòng, rồi dần dần ra hành lang, đi đi lại lại, ngắm các cây bon-sai trong vườn y quán. Lu vương bảo với quan ngự y rằng: Hãy nói với các quan trong triều, những người muốn gặp ta, là ta chưa được khỏe. Ta không muốn tiếp ai cả, người nào ta muốn gặp, ta sẽ báo cho ngươi biết. Ngự y vâng dạ.

Lu vương có nhiều thời gian hơn, không còn gặp quá nhiều người, nghe, đọc nhiều tấu chương, chợt cảm nhận hạnh phúc của một lão gia vui thú điền viên, không màng đến thế sự… Nhưng chỉ là vài phút thoáng qua, còn thì không thể quên được khi nhớ lại cái cảm giác té quỵ trong Kiên Giang phủ, lẽ nào “trời đã sinh Lu, sao còn sinh Tấn”. Không thể nào: Gia Cát là thần nhân, còn thằng Tấn Dung đâu có xứng. Ta còn sống, là trời còn thương, ta phải bắt nó tống vào thiên lao, thì ta mới cam lòng nhắm mắt đời này.

Trần Vượn làm y như vậy, mỗi ngày vào thăm Lu vương một lần, báo cáo tình hình. Có một ngày, Trần Vượn không vào, hôm sau mới vào, Lu vương gặp Vượn nhướn mày, có ý hỏi. Trần Vượn vội vàng tâu, xin bệ hạ tha tội, nguyên lão tam triều, tướng Bùi Lang vừa qua đời hôm qua, nên thời biểu của thần có chút xáo trộn. 

Lu vương cười gằn từng tiếng: lão già độc nhỡn đó bây giờ mới chịu chết à, không vì hắn kỳ-đà cản mũi che chở cho gian tặc Tấn Dung thì ta đã giải quyết xong thằng Tấn lâu rồi, không phải đến bây giờ, chưa bắt được được nó, mà phải té quỵ trong phủ của nó mới tức chứ!

Trần Vượn thấy Lu vương giận quá, không dám nói gì. Chờ cho Lu vương nguôi giận bèn tiếp, nhưng mà tang lễ của nguyên lão tam triều cần hoàng thượng đứng làm chủ lễ, đó cũng chính là điều quan trọng mà thần muốn thỉnh ý bệ hạ hôm nay.

Lu vương ngồi trầm ngâm một chặp khá lâu, nghĩ bụng: ta còn có thể đi lại được, mà không đứng ra làm chủ việc này thì không ổn. Tục lệ Đông Lào từ bao năm nay không thể bị phá trong tay ta. Nhưng đứng ra làm chủ lễ trong tình trạng chân miệng bất toại như thế này không khéo lại làm cho lũ phản tặc hả hê, ta thật không cam lòng. 

Ta cũng không thể lưu lại ở đây quá lâu, các vụ điều tra không hiểu vì sao tiến hành quá chậm chạp, không thấy có kết quả gì. Hay là bệnh già? Ồ, không đâu, vua nước Ma-Lày hơn ta những 19 tuổi, ta không sao đâu, Lu vương tự nói với mình. Người xưa cũng nói, nước không thể một ngày không vua, ta cũng không thể ẩn ở đây quá lâu, quan quân nghi ngờ, sinh biến loạn.

Nghĩ đoạn, Lu vương cười cười nói với Trần Vượn rằng: quân sư yên tâm, ta sẽ đích thân làm chủ vụ này, ta nghỉ ngơi cũng đủ rồi, giờ là lúc phải ra mặt để ổn định tình hình và tiếp tục các trận hỏa công còn dang dở, ta phải thắp đèn, và quân sư phải giúp ta chuẩn bị bài vị cho cái tên phản tặc. Đông Lào đang mùa hè nên lửa phải tiếp tục cháy.

Trần Vượn chợt rút khăn tay thấm mồ hôi vì trời nóng quá… và thấm luôn cả mồ hôi lạnh, vì bất chợt y cảm thấy rùng mình.

Nguyên Đại
26 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

23 tháng 4 2019

Đông Lào diễn nghĩa (Phần 1)

Nguyên tác:                   La Quá Hạ
Dịch, chú và bình:         Nguyên Đại

Hồi thứ nhất

Giữa triều cô thế Lu vương bật khóc
Lạm quyền Dung tể khảy móng tay ca

Đệ Tam Thiên Niên, năm thứ 12, vua xứ Đông Lào bấy giờ họ Lu, tên là Trong là người đã cao tuổi, bề ngoài nhìn hiền lành nên được một số cận thần rất yêu kính. Tuy vậy, có số khác, số này đông hơn, lại cho là quá nhu nhược, nên thường thậm thọt, chạy sang phủ phục trước dinh Tể Tướng thời bấy giờ họ Tấn, tên là Dung.

Tấn Dung ít tuổi hơn Lu vương, dung mạo sáng sủa, nhưng có nhiều thủ đoạn vơ vét công quỹ, và dùng những của cải đó để kết bè kéo cánh gây thế lực, trên coi Lu vương không ra gì, dưới dung túng cho thuộc hạ nhũng nhiễu dân lành. Lu vương đau lòng lắm, đã nhiều lần tìm cách bớt đi quyền hành của Tấn Dung, nhưng lần nào cũng bị Tấn Dung biết trước, nên kế hoạch không thành.

Lu vương buồn lắm, nhưng không làm gì được. Mọi việc đã có Tấn Dung một tay ngang tàng che trời làm loạn. Ngày nọ, Lu bèn vào lăng Thái Tổ, thắp nhang, khóc mà rằng: Bớ Thái Tổ, ngài có linh thiêng, xin giúp tiểu tôn diệt trừ tặc thần Tấn Dung, kẻo bằng nó phá nát sự nghiệp vĩ đại mà Tổ đã để lại, tử tôn đã không tiếc xương máu của dân, mà gắng sức gìn giữ từ bao năm nay.

Tương truyền nước Đông Lào đã học được cách ướp xác người chết của người Ngã-sa, nên xác của Thái Tổ, họ Lu (dĩ nhiên là cùng họ với Lu vương) tên là Ai-Quấc, thoạt nhìn vẫn tươi tắn, hồng hào như những hình giả-nhân, bằng loại chất rất lạ giống như đồ chơi của bọn trẻ con ngoại tộc (giống như búp bê làm bằng nhựa – chú thích của dịch giả). Lăng Thái Tổ được thiết kế công phu, bình thường không cho ai vào, có mấy đội lính gác, ước đoán hơn trăm người, mỗi ngày đi qua đi lại, giáo gươm sáng quắc, quần áo chỉnh tề, giữ nhiệm vụ gác lăng.

Vì Thái Tổ mất đã gần ngũ thập niên (50 năm), nên đã có dòng họ ba đời gác lăng: ông nội gác lăng, bố gác lăng, rồi đến lượt con trai cũng gác lăng. Dĩ nhiên công việc gác lăng này không phải giao cho ai cũng được, phải là thành phần cẩn cẩn trung thành với nhà Lu. Chẳng hạn như ông nội phải là người theo Lu Thái Tổ phò ngoại xung nội, thanh Bắc diệt Nam; bố phải là thành phần trung kiên với nhà Lu, rồi bây giờ tới lượt con, mới được giao cho trọng trách này. Dân chúng vào thăm lăng Thái Tổ, nhìn những thanh niên khỏe mạnh, giáo gươm sáng quắc, mặt lạnh như tiền, thấy vừa sờ sợ, vừa thương cảm.

Chỉ có vua và quan cận thần mới được lưu lại trong lăng Thái Tổ lâu hơn, dân chúng vào những dịp lễ lạc, mới được cho viếng lăng, và phải sắp hàng rồng rắn nối đuôi giữa sân nắng nóng rất lâu mới được vào. Khi vào được đến chỗ Thái Tổ nằm, chỉ được phép đi qua nhìn Thái Tổ nằm thẳng cẳng với đôi hia cổ bốn-quai nhìn rất biệt dị, ngài được lộng trong lồng bằng thủy tinh đặc biệt; dân chúng vừa đến lồng kiếng là phải đi qua luôn chứ không được phép dừng chân, người nào cả gan mạo phạm dám dừng lại bên lồng Thái Tổ nằm để ngắm nghía, soi bói, sẽ bị các lính gác với khuôn mặt lành lạnh, tới nhắc nhở ngay.

Thái Tổ băng hà, vào ngày trùng, nên tương truyền rất linh thiêng. Tục truyền, khi Thái Tổ còn tại vị, nhiều vị phu nhân của các cận thần đôi khi cũng được đặc cách gặp riêng Thái Tổ, nên khi ngài qua đời, nhiều quan chức, kể cả các vị phụ-mẫu phu nhân, có việc gì khó không giải tỏa được cũng có thể vào xin ý chỉ của ngài. Chuyện lăng Thái Tổ còn dài, rất nhiều giai thoại dân gian về sự linh thiêng của Thái Tổ, xin được kể vào những hồi sau.

Lại nói về Lu vương, sau khi thắp nhang, khóc lóc cầu cứu Thái Tổ, một hồi lâu, vì tuổi cũng đã cao, nên thiếp đi chừng một khắc, chợt đâu tiếng gió làm lay động nhẹ cửa ra vào phát ra âm thanh kèn-kẹt, như vừa có người đẩy cửa bước vào, Lu vương giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai, chỉ thấy một cơn gió thoáng qua làm các ngọn đèn phía bắc như sáng hơn, và ngọn đèn thứ ba ở phía nam tắt đi. Lu vương đứng dậy quày quả đi ra, sau khi vái Thái Tổ đúng bốn lạy, rồi bảo lính thắp đèn lại cho tươm tất.

Vài hôm sau, Lu vương quên bẳng chuyện đã xảy ra trong lăng Thái Tổ, vì bận phê duyệt các tấu chương chuẩn bị cho ngày họp các triều thần đã gần kề. Tới ngày họp, khoảng cuối năm thứ 12 (chừng tháng 10), giữa cuộc họp có mặt đông đủ các triều thần, Lu vương bấm gan nói lớn, kể ra các trọng tội của Tấn Dung, nào là lập bè kết lũ, rút ruột công quỹ, mua các chiến thuyền đã mục nát, rệu rã ở xứ Ngã-sa bằng rất nhiều ngân lượng, nào là cố tình làm thất thoát tài sản quốc gia để chiếm đoạt làm của riêng, coi trời bằng vung, nào là chiếm dụng đất đai của dân lành để lập trang trại ăn chơi, v.v…

Lu vương đã định xướng tên Tấn Dung ra, nhưng khi nhìn qua thân tín của mình, thấy họ lắc đầu liên tục, và nhìn xuống các triều thần thì nhiều kẻ a-dua nịnh nọt cứ nhìn Tấn Dung cười cười ra chiều đắc ý, vài người ít oi từng được ơn dày của nhà Lu đã mấy đời thì lấm lét nhìn xuống như muốn rơi lệ và tránh cái nhìn của Lu vương. Lại nhìn sang bên Tấn Dung, thấy nó đang giả bộ như khảy các đồ dơ trong các móng tay, Lu vương vừa giận vừa buồn rầu, không cầm được, nghẹn ngào, rồi bật khóc thành tiếng. Triều thần ngơ ngác, có người kín đáo kéo tay áo lau nước mắt khóc theo Lu vương. Phiên chầu hôm đó đành phải ngưng lại.

Sau này, khi bị triều thần gạn hỏi, tên của tên tặc thần mà Lu vương muốn nói là ai; quan Ngự Sử bấy giờ họ Tràng tên Sảng, sau khi nhìn quanh đã nói nhỏ và nhanh quá, nghe như là “a-iết” (ý là “ta biết” – chú thích của người dịch), không hiểu sao các triều thần nghe như là “ba-ếch”. Từ đó biệt danh “Ba-ếch” đã được mặc nhiên coi như một tên thứ hai của Tể tướng Tấn Dung.

Vài ngày, sau phiên chầu thất bại đó, Lu vương đang ngồi một mình, chợt có lính vào báo có quan Thượng thư bộ Lễ, họ Phạm tên là Chính, đến thăm. Phạm Chính là một trong số ít cận thần thân tín của Lu vương, nên Lu vương cho lính mời vào. Được một tuần trà, Lu vương bổng nhớ lại chuyện xảy ra chưa quá một tuần trăng bên lăng Thái Tổ. Phạm Chín ngồi im ra chiều như suy nghĩ đăm chiêu, mông lung lắm, bổng hạ giọng nói nhỏ với Lu vương, rằng:

– Thái tổ có ý chỉ đường cho bệ-hạ, này nhé: Các ngọn đèn ở phía bắc bổng sáng lên, ý là cứu tinh của bệ hạ đến từ phía bắc, xin bệ hạ tha tội, phía bắc nước ta là nước Lũ-Tau, gần đây đã ngưng quấy phá biên giới phía Bắc của ta, và có ý kết giao để tương trợ nhau. Thái Tổ lúc còn trị vì có quan hệ rất thân thiết với hoàng đế nước Lũ-Tau thời đó là Mào Trạch, chắc bệ hạ còn nhớ?

Lu vương gật gù. Phạm Chính giả vờ trầm ngâm nhưng mắt không ngừng quan sát sắc mặt của Lu vương, khi thấy cá đã có vẻ cắn câu, bèn tiếp:

– Thần có quen biết với một chức sắc, hắn có nhiều liên hệ với nước Lũ-Tau, để thần tiếp cận hắn xem sao.

Lu vương cười tươi hơn chút. Biết đã chắc ăn, nên Phạm Chính quăng tiếp:

– Còn ngọn đèn thứ ba, hướng nam, chợt tắt, là điềm lành. Tấn Dung sinh ở phủ Kiên Giang, thuộc miền Nam nước ta, là vùng đất có nhiều sóng gió ba đào, ngọn đèn thứ ba tắt, ý Thái Tổ đã rất rõ ràng, là ngài linh thiêng sẽ phù trợ cho bệ hạ diệt Tấn Dung.

Lu vương cười lớn thành tiếng “Thuận thiên thừa… vận” “đã hợp lòng trời”. Hai bên hàn huyên vài chuyện nho nhỏ, không quan trọng lắm, rồi thì Phạm Chính cáo từ, Lu vương tiễn ra tận cửa. Hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Lu vương ngủ được một giấc rõ dài.

Nguyên Đại
23 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

17 tháng 4 2019

Diễn Văn 30/4 ?

“Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã khai sinh một quốc gia mới trên lục địa này, dựa trên nền tảng của tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Chúng ta bước vào cuộc nội chiến thách thức sự tồn tại lâu dài của quốc gia này. Chúng ta gặp nhau trên chiến trường và nơi đây trở thành chốn yên nghỉ cuối cùng của nhiều người, để cho quốc gia này được tồn tại. Tất cả chúng ta đều đã làm đúng những gì mà chúng ta phải làm.

Nhưng, trong nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể biến đất nước này trở thành một linh địa. Chính những con người anh dũng, dầu đã ngã xuống hay còn sống hôm nay, đã chiến đấu nơi đây đã làm cho vùng đất này trở thành một linh địa. Thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay, nhưng sẽ không bao giờ quên được những hy sinh của họ nơi đây. Họ đã chiến đấu, với danh dự cao cả, cho cuộc sống của chúng ta và để chúng ta tiếp tục những công việc còn dang dở của tất cả chúng ta.

Chúng ta ở đây hôm nay vinh danh những nhiệm vụ vĩ đại của những người đã danh dự ngã xuống và sẽ tiếp tục phát triển những cống hiến của họ đến mức cao nhất, để những hy sinh của họ không trở nên oan uổng. Và đất nước này, dưới sự che chở của Thượng Đế, tự do được tái sinh – một chính phủ của tất cả người dân, do người dân tạo ra, và vì người dân – sẽ không lụi tàn trên mặt đất.”

Đó là bài diễn văn của kẻ chiến thắng 30/4/1975? Đúng một nửa.

Nửa đúng là diễn văn của lãnh tụ bên thắng cuộc.

Và, nửa còn lại là: đó là bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln (bản tạm dịch của người viết) đọc vào ngày 19/11/1863 trên lộ trình kết thúc cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cuộc chiến giữa Liên quân các tiểu bang miền Bắc nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Lincoln, và tổng chỉ huy của tướng Ulysses S. Grant, là người sau này trở thành vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, và quân đội của các tiểu bang miền nam nước Mỹ dưới sự chỉ huy của tướng Robert E. Lee. Các tiểu bang miền Nam chủ trương duy trì giai cấp nô lệ, trong khi các tiểu bang miền Bắc chủ trương sự bình đẳng cho tất cả mọi người.

Bài diễn văn đã đi vào lịch sử nhân loại bởi vì: (1) rất ngắn, chưa tới 300 chữ; (2) không có một từ ngữ nào về chiến thắng; (3) vinh danh những người đã hy sinh từ hai phía của cuộc chiến, họ – tất cả họ – đã anh dũng, và danh dự ngã xuống cho sự tồn tại của Hoa Kỳ, bao gồm vị Tổng Thống Abraham Lincoln, là người đã bị một tay súng ủng hộ liên quân miền Nam ám sát bằng súng vào vào ngày 14/4/1865, chỉ 5 ngày sau khi quân đội miền Nam đầu hàng liên quân miền Bắc.

Hơn một tháng sau, ngày 1/6/1865, khi tiếng súng chiến tranh thật sự im bặt, Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner đã viết rằng, Tổng Thống Lincoln đã có một “nhầm lẫn” khi nói rằng: “thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay”, bởi, khác hơn là, “thế giới đã ghi nhận lập tức những điều ngài đã nói, những trận đánh, tự bản chất của nó, đã không còn quan trọng bằng những lời lẽ này của ngài”. Ông Sumner đã phán đoán chính xác, nhân loại không bao giờ quên những lời lẽ đó của Tổng Thống Abraham Lincoln.

Những lời lẽ ngắn gọn đó có sức mạnh khép lại tất cả những bất đồng, hướng đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 750 ngàn binh sĩ tử trận từ hai phía chiến tuyến, chưa kể những thường dân. Những lời lẽ đó định vị cho một tương lai chung cho mọi người trên đất Mỹ, cho tất cả mọi người từ hai phía của cuộc chiến. Và, nhiệm vụ của tất cả những người còn sống là xây dựng một chính phủ của tất cả người dân, vì tất cả, và cho tất cả người dân.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua (1863-1975), những người “chiến thắng” – những người Việt cộng sản – quả thực không học hỏi được điều vĩ đại đó từ lịch sử nhân loại. Hơn 150 năm sau, họ – vẫn cứ huênh hoang trên xương máu anh em, vẫn cứ khoét sâu những rạn nứt tương tàn, và loay hoay với những giáo điều không tưởng, dối trá.

Chừng nào mà những “ngợi ca”, những “hồ hởi”, những “tự sướng”, còn tung bay như những ngọn cờ thấm máu đồng bào trên các nẻo đường của quốc gia này, chừng đó dân tộc này còn thất bại. Thất bại bởi không học hỏi bài học hy sinh, bài học tương tàn, bài học về sự khác biệt, bài học con người.

Nguyên Đại
17 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook