31 tháng 8 2021

GIẤC MƠ TRỞ LẠI

Bây giờ là 8 giờ sáng ở Saigon, ngày 31 Tháng Tám 2021, vài giờ trước đây, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi A-phú-hãn (Afghanistan). Lịch sử ghi nhận những ngày cuối cùng của họ ở đây, với hàng trăm ngàn người dân tháo chạy khỏi chế độ Taliban. Họ và đồng đội đã giúp đưa hơn 123.000 người dân A-phú-hãn rời khỏi phi trường Kabul, cũng là nơi mà mười ba (13) sinh mạng đồng đội của họ đã mất đi vào tuần trước.

Nhiều người ở A-phú-hãn sẽ không bao giờ quên được sự có mặt của họ ở đây. Cuộc đời của nhiều người đã và sẽ hoàn toàn thay đổi nhờ sự có mặt của họ vào những ngày tháng cuối cùng này. Có lẽ nhiều người trong số họ sẽ không cầm được nước mắt, vì đã không làm được nhiều hơn để giúp cho người dân A-phú-hãn.

Họ là những chiến sĩ của Tự Do. Họ là những anh hùng.

***
Cũng vào đúng giờ này, 8 giờ sáng, ngày cuối cùng của tháng Tư, 1975, có một kết thúc tương tự ở Miền Nam Việt Nam, khi tướng Dương Văn Minh yêu cầu quân đội VNCH buông súng.

Những ngày cuối cùng ở Saigon đã thay đổi nhiều cuộc đời, nhiều gia đình Việt Nam. Nhiều người vẫn cứ chưa quên những giây phút đó, và có lẽ không bao giờ quên.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, Việt Nam đã và đang đi về đâu? Người Việt đã chịu những khổ đau như thế nào sau cái ngày cuối cùng đó? Chế độ CS và những sai lầm triền miên của họ đang chứng kiến nhiều ngàn sinh mạng đã và đang mất đi từng ngày.

Có những người lính Mỹ cũng đã rời khỏi Việt Nam, vào những giờ phút cuối cùng đó. Lịch sử đã chứng minh lý tưởng Tự Do mà họ phục vụ là đúng đắn. Sự có mặt của họ vào những ngày cuối cùng ở Saigon đã mở đầu những giấc mơ của hàng trăm ngàn người Việt di tản. Sự trở lại của họ đang là giấc mơ của nhiều triệu người đang khao khát Tự Do ở Việt Nam.

Nguyên Đại
31-08-2021

Hình:
1) Đại tướng Chris Donahue, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm nay, 31-8-2021.
2) Những người Việt di tản khỏi Saigon, ngày 30-04-1975.

Tham khảo:
https://www.usatoday.com/story/news/world/2021/08/30/afghanistan-live-updates/5645806001/
https://www.youtube.com/watch?v=zuYaKVcYLyM

28 tháng 8 2021

QUÂN ĐỘI ĐÓNG PHIM

Tướng Phan Văn Giang, Bộ Trưởng Quốc Phòng quân đội đảng CSVN, hôm đầu tuần này 23-08-2021, đã tuân lệnh thủ tướng, đưa quân đội đi chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông tướng quyết liệt: “Đây là trận chiến, không thắng, không về”.

KẺ THÙ là ai?
Quân đội đem xe tăng, thiết giáp, xe đặc dụng, và các vũ khí nặng nhẹ khác, hùng hổ tiến vào thành, nơi không có đối thủ nào ở đó cả. Không ai có vũ khí! Quan chức và tư bản thì ở trong phòng lạnh, lương thực đầy đủ. Chỉ có nhóm dân nghèo đói, tìm cách ra đường kiếm chút gì bỏ bụng. Đối phó với họ: súng AK nâng lên. Đừng! Họ chính là nhân dân, những người thực sự VÔ SẢN. Nòng súng đã nhắm SAI kẻ thù.




TRẬN ĐỊA ở đâu?
Là Saigon, trọng tâm kinh tế của cả nước. Sử dụng quân đội phong tỏa toàn thành là tiêu diệt sức mạnh kinh tế cột trụ của quốc gia. Thành phố “mang tên bác”, năm 2021, KHÔNG phải là trận địa của quân đội đảng CSVN.

VŨ KHÍ là gì?
Đi chống dịch, nếu miễn cưỡng, có thể gọi con virus là kẻ thù, và kẻ thù này chỉ “sợ” “vũ khí” vaccine, nhưng quân đội KHÔNG sở hữu hoàn toàn kho vaccine. Vũ khí hiệu quả này chỉ có từ hàng viện trợ của “đế quốc Mỹ”, kẻ “cựu thù” của quân đội đảng CSVN.

CHIẾN THUẬT ra sao?
Quân phục ngụy trang dùng để “tàng hình” trong các khu rừng, lại “hiện nguyên hình” giữa lòng đô thị. Các “chú bộ đội” ít hay nhiều cũng được huấn luyện sử dụng vũ khí để chiến đấu. “Đùng một cái”! được lệnh đi chợ và giao hàng. Đi chợ, họ không bằng các bà nội trợ, giao hàng dĩ nhiên họ không quen thuộc bằng các “shipper”. Đi chợ và giao hàng KHÔNG, và chưa bao giờ, là chiến thuật của một quân đội.




Không có chiến thuật, không có trận địa, không có vũ khí, và không có kẻ thù, lời thề: “không thắng, không về” nghe cứ như lời thoại trong phim cổ trang diễm tình Hong-Kong, rằng: ta sẽ chờ nàng ở cổng thành, thề không gặp không về…

Nguyên Đại
28-08-2021

Hình:
1) Phó thủ tướng Lê Văn Thành, và Bộ trưởng Quốc Phòng đảng CSVN Phan Văn Giang. Nguồn: tuoitre.vn
2) Bộ đội thuộc lữ đoàn Tăng-Thiết Giáp 26, quân khu 7 đang đi chợ. Nguồn: vtn.vn

Tham khảo:
https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-quoc-phong-phan-van-giang-day-la-tran-chien-khong-thang-khong-ve-20210823165825722.htm

https://vtv.vn/xa-hoi/cam-dong-hinh-anh-anh-bo-doi-di-cho-giup-dan-20210826222123976.htm

27 tháng 8 2021

KHÔNG THỂ SO SÁNH

Hôm nay, 27-08-2021, hai cuộc đánh bom tự sát đã nổ ra ở phi trường Kabul, Afghanistan giết đi 13 người Mỹ đang phục vụ công việc di tản, 60 người Afghanistan, và làm bị thương nhiều người khác.

Những người này không ở lại để tranh giành tài sản, đất đai, hay quyền lực với “những học trò Hồi Giáo" Taliban. Họ bỏ chạy thục mạng, vì không muốn chia sẻ “thiên đường hạnh phúc” với người chiến thắng. TẠI SAO phải giết họ?



***

Ngày 29-04-1975, hơn 150 quả đạn pháo (rocket) đã bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc di tản. Hai lính Mỹ và hàng ngàn người Việt di tản bị giết chết, một chiếc máy bay C-130 của Không Lực Hoa Kỳ giúp người di tản bị phá hủy.


Những người này không muốn ở lại để hưởng thụ một chế độ mà “giai cấp bị xóa bỏ”, không có cảnh “người bóc lột người”, một xã hội “độc lập – tự do – hạnh phúc”. Họ không muốn gì hết, chỉ biết chạy bán mạng, chạy thật xa, bỏ lại tất cả, không tranh giành bất cứ cái gì với “bên thắng cuộc”. TẠI SAO phải giết họ?

***
Báo đảng những ngày này viết: Taliban là “tàn khốc, hà khắc” không thể so sánh với “quân đội giải phóng” vì “đại thắng mùa xuân 1975” chứng minh “trí tuệ và thao lược” của đảng. Họ đã nói đúng: Taliban không thể so sánh, CSVN dã man hơn gấp nhiều lần.

Nguyên Đại
27-8-2021

Hình:
1) Một người bị thương trong vụ đánh bom ở phi trường Kabul hôm nay. Nguồn: CNN
2) Chiếc VNAF C-130A trúng đạn rocket của VC bốc cháy ở phi trường Tân Sơn Nhất ngày 29-04-1975

Tham khảo:
https://edition.cnn.com/2021/08/26/asia/afghanistan-kabul-airport-blast-intl/index.html

https://www.nytimes.com/1975/04/29/archives/saigon-defenses-attacked-airport-under-rocket-fire-the-following.html

https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/khong-the-danh-dong-su-kien-o-afghanistan-voi-chien-thang-30-4-1975-cua-viet-nam-i625289/

22 tháng 8 2021

PHIẾM: ĐẤU GIÁ VIỆT NAM

Tuần sau, bà Kamala Harris, nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ đến Việt Nam. Bà cũng là phó tổng Mỹ đầu tiên có nguồn gốc Phi Châu và Á-châu.

Tại sao bà không “ở nhà cách ly” mà “đi thẳng vào tâm dịch” thế này, lúc mà “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” tiến về thành phố Hồ Chí Minh, vào nửa đêm nay (22-08-2021), để chống dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra? Và, cơn hậu chấn chính trị ở Afghanistan vẫn chưa lắng dịu.

Nội các của ông Biden vẫn quyết định không dời ngày chuyến đi ngoại quốc lần thứ hai của bà Harris trong vai trò phó tổng thống, hình như muốn đẩy bớt sự chú ý của giới truyền thông về tình hình A-phú-hãn, rằng Mỹ thu lại vai trò ở Trung Đông để chuyển sức mạnh về Đông-Nam Á.

Thêm vào đó, đây là thời điểm mà cơn khát vaccine Mỹ dường như chưa bao giờ cháy bỏng hơn đối với Việt Nam. Quân đội đã được triển khai như một giải pháp chống dịch cuối cùng, để khắc phục hậu quả của việc tiêm vaccine viện trợ cho quan chức, công cụ bảo vệ chế độ và gia đình của họ, thay vì là các nhóm người có nguy cơ cao nhất, dẫn đến tình trạng mà thi thể của dân trong vùng dịch cứ chồng chất từng ngày.

Lọ vaccine Mỹ chắc chắn sẽ là món quà đầu tiên được bà Harris đặt lên trên bàn đàm phán với các lãnh đạo chính phủ đảng CSVN. Cái gì sẽ được đưa ra từ phía “đối tác toàn diện” Việt Nam, trong cuộc thương lượng này?

                                                                                    ***  

Ngài thủ tướng rất thích dùng những lời lẽ có cánh của Việt Nam mà chúng ta có thể tưởng tượng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra, qua hình ảnh ngài ngước nhìn lên khẩu hiệu rất to, dưới hình bác “Không có gì quý hơn…”, nở một nụ cười rất tươi và dõng dạc:

Thưa bà phó tổng thống, ngày 25-11-2019, cũng tại thành phố Hà-Nội này, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng của chúng tôi, đã tuyên bố Sách Trắng (2019 Vietnam National Defence), sau hơn một thập kỷ nghiên cứu tư tưởng vĩ đại của bác Hồ là “Không Có Gì”, và đã phát triển từ “Ba Không” lên đến “Bốn Không”: “Việt Nam chủ trương [1] không tham gia liên minh quân sự; [2] không liên kết với nước này để chống nước kia; [3] không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; [4] không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Tôi mong bà đừng nghe lời của bọn “phản động” nói: đây là một chính sách “tự sát”, rằng: Không là thành viên trong bất cứ liên minh quân sự nào thì sức mạnh ở đâu? Không liên kết với các nước khác thì làm sao chống lại các khối, các liên minh quân sự khác? Không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thì lấy cái gì để “không cho” các nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, lấy cái gì để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tụi nó còn “hỗn hào” rằng: con chó nó còn biết sủa để giữ nhà, con chim con gà nó còn biết cào cấu khi tổ của nó bị xâm phạm, “không dùng vũ lực…hoặc đe dọa…” thì có khác nào phơi một con giun trước miệng gà.

Mặc dù chúng tôi đã vận dụng tư tưởng “Không Có Gì” của bác, nhưng các cựu bộ đội của chúng tôi cũng cằn nhằn là: từ ngày thành lập đảng chưa bao giờ có chuyện này: Bác Mao đã giúp bác Hồ chúng ta đánh Pháp. Việt Nam không nhận sự giúp đỡ, vũ khí và viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc thì làm sao đánh Mỹ? À quên, xin lỗi bà, “giành độc lập”. Bây giờ các ông tuyên bố “Bốn Không”, đâu khác nào “phủ định sạch trơn” đường lối lịch sử thành công của đảng ta.

Như bà thấy đấy, chúng tôi yêu chuộng hòa bình, nên không dám đánh nhau…Ồ! không, quân đội chúng tôi chuyển sang phát triển kinh tế để nâng cao khả năng tự vệ, chúng tôi không muốn đánh, chứ không phải không dám… Chúng tôi yêu chuộng tự do. Quân đội hiện đang sử dụng sức mạnh ưu việt từ vũ khí đã được hiện đại hóa để ghì chặt dân chúng thành phố Saigon không cho lây lan nước bọt, lẫn tư tưởng phản động.

Không muốn cắt lời, thiếu phong độ ngoại giao, bà phó tổng thống, vừa viếng thăm các binh sĩ Hải quân Mỹ trên chiến hạm Tulsa đang neo ở Singapore hôm trước, nhẹ nhàng lấy thêm ra một lọ vaccine của Anh quốc AstraZeneca đặt trên bàn và nói: Ngài nói đúng, “Nothing is impossible” và ”Không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có đồng minh vĩnh viễn”. Chúng tôi đang nghĩ tới việc thay đổi một kẻ cựu thù thành một đối tác chiến lược trong khu vực Đông-Nam Á.

Ông thủ tướng, nuốt nước miếng xuống (cho thấm giọng), rồi cao giọng: bà nói rất đúng “Không có gì là không thể”, rồi tiếp luôn (lật ngữa bài): Bà thấy đấy, chúng tôi vẫn nhớ là đã có cuộc chiến tuy ngắn nhưng rất đẫm máu với Trung Quốc, và hiện không có căn cứ quân sự nào của Trung Quốc đặt tại Việt Nam. Hải quân của chúng tôi vẫn đánh cá trong cảng Cam Ranh… Ồ không! ý tôi là bảo vệ các thuyền đánh cá. Chúng tôi không sử dụng Không Quân, vì vẫn còn đang điều tra vụ chiếc tiêm kích SU-30MK2 vỡ vụn trên vùng biển Nghệ An ngày 14-6-2016, và chiếc CASA 212 tan xác trên vịnh Bắc Bộ hai ngày sau đó.

Ông nở một nụ cười khó hiểu và tiếp luôn: Tôi biết có những căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển của chúng tôi, nhưng nếu Đệ Thất Hạm Đội không được lệnh chỉ ngắm hoàng hôn thì nơi đó đâu trở nên như bây giờ, không thể đổ hết cho cái công lệnh của một người tiền nhiệm của tôi, tên Đồng-Phạm được (viết theo thứ tự tiếng Mỹ).

Bà là một người rất giỏi ngôn ngữ, trước khi trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ; và dân chúng Việt Nam rất thích tiếng Mỹ, chẳng hạn từ ngữ: u + action = auction (Bạn + Hành Động = Đấu Giá). Trong một cuộc đấu giá, cái giá là do người mua đưa ra chứ không phải người bán, phải không thưa bà. Sách Trắng chúng tôi soạn thảo mới đây nói rất rõ ràng là “Bốn Không”…

Bà Harris không còn giữ kẽ nữa, mà bật cười lớn rất tự nhiên, nghĩ bụng: À thì ra, cái gọi là “Bốn Không”, thực ra chỉ có một “Không”, nghĩa là “không cho giá” trước. Là người có nhiều kinh nghiệm trong chính trường, bà thẳng thắn: Dù sao thì chúng tôi vẫn có một nền kinh tế đứng số một trên thế giới, và một quân đội mạnh nhất hành tinh, chưa kể các Đồng Minh. Chúng tôi có “số Một” đứng trước nhiều “số Không”. Không có khách mua nào có thể đấu thắng với chúng tôi, nếu chúng tôi quyết mua cho bằng được. Ông cũng biết đấy, khi đi mua nhà, “ngôi nhà” phải được chuẩn bị như thế nào, trước khi được cho giá.

Hiện Việt Nam phụ thuộc về Trung Quốc về mọi mặt. Bản thân ngài, trước khi nhận chức thủ tướng, đã cổ xúy tối đa cho các khu kinh tế đặc biệt của người Trung Quốc: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc. Sẽ là một điều khôi hài cho dân chúng Hoa Kỳ, nếu các binh sĩ thuộc các căn cứ chiến lược của chúng tôi ở gần đây đấu bóng chuyền với các “công nhân” Trung Cộng, trong các khu vực đặc biệt như Formosa chẳng hạn…

Tôi rất thích chữ “auction” của ông, nhưng cũng muốn nói thêm rằng, các cuộc đấu giá thường kết thúc bằng một tiếng búa gỏ xuống mặt bàn, dứt khoát và chát chúa.

Tôi cảm ơn các ngài về những tiếp đãi rất nồng hậu trong lúc quý ngài đang gồng mình đối phó với dịch bệnh. Tôi sẽ để lại vài lọ vaccine trên bàn, như một sự hữu hảo. Đồng sự của tôi sẽ thảo thuận thêm với thuộc cấp của ngài về một số người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ. Tôi sẽ đi Hawaii, sẽ nói chuyện với các binh sĩ hải quân của chúng tôi ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbour) về thất bại cũng như niềm tự hào của quân đội chúng tôi trong chiến tranh thế giới thứ hai, trước khi về lại Mỹ. Tôi chúc quý ngài sức khỏe…

Bà Harris chỉ ở lại Việt Nam một ngày sau khi làm việc ở Singapore ba ngày trước đó. Có lẽ, cố tổng thống Lý Quang Diệu của Singapore đã đúng, khi bắt buộc dạy Anh Ngữ cho học sinh từ nhỏ. Người Singapore nói tiếng Anh giỏi hơn nhiều so với các quan chức Việt Cộng. Bà Harris cảm thấy dễ hiểu người Singapore hơn, nên đã dừng lại ở đây lâu hơn nhiều, dù rằng diện tích Singapore chỉ nhỉnh hơn một phần ba diện tích của Saigon.

Nguyên Đại
22-8-2021

Hình:
1) Phó tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris. Nguồn Reuters
2) Số người chết hôm nay, dù chưa hết ngày 22-8, đã có 737 người chết, theo Worldometers.
3) Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25/11/2019. Nguồn: VOA Tiếng Việt


Đã đăng trên báo Tiếng Dân

20 tháng 8 2021

NHỮNG ĐỔ VỠ GIỐNG NHAU

Cuộc chiến ở A-phú-hãn (Afghanistan) đã ngốn nhiều ngàn tỉ đô la Mỹ cùng với sinh mạng của gần 3600 binh sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh, cộng với hơn 4000 nhân viên dân sự, cùng với 66.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan. Gần 50.000 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến, thiệt hại nhân mạng tương tự trong lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác.
 
Bức tranh về cuộc chiến ở A-phú-hãn (Afghanistan) có thể sẽ được rộng hơn, nếu đi ngược dòng lịch sử một chút:
 
Chưa đầy một (1) tháng sau vụ 11-9, ngày 7-10-2001, liên quân Anh-Mỹ đã dội bom vào các lực lượng Taliban đang nắm quyền tại A-phú-hãn. Hai tháng sau, liên quân Anh-Mỹ đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ của quốc gia này. Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq, các lực lượng của Mỹ ở A-phú-hãn được điều phối sang chiến trường Iraq, việc này đã tạo cho Taliban cơ hội trỗi dậy nhiều nơi ở A-phú-hãn.

Năm 2009, tổng thống Obama đương nhiệm tăng 30.000 quân vào A-phú-hãn, nơi mà khi đó đã có 68.000 binh sĩ Mỹ trú đóng. Ngày 2-5-2011, Mỹ tuyên bố đã tìm thấy và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ba năm sau đó, tháng 5-2014, Obama tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào năm 2016.
 
Tháng 9-2014, liên quân NATO tuyên bố chấm dứt sứ mạng quốc tế của họ tại A-phú-hãn, các lực lượng an ninh thuộc chính phủ A-phú-hãn chịu toàn bộ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho A-phú-hãn; và người Mỹ tiếp tục cuộc chiến đấu của họ tại đây.

Ngày 29-2-2020, tại Doha, đại diện của chính phủ Trump đã ký một hiệp ước bao gồm 4 điểm với Taliban. Taliban cam kết sẽ không dung chứa những thành phần khủng bố chống lại Hoa Kỳ và Đồng Minh. Đổi lại, Mỹ hứa sẽ rút hết quân Mỹ khỏi lãnh thổ A-phú-hãn trong vòng 14 tháng. Sau khi Mỹ công bố và bảo đảm việc rút quân đúng thời hạn, Taliban sẽ thương thảo với các nhóm Afghan (“Afghan sides”) về các vấn đề nội bộ và tiến trình đình chiến lâu dài ở A-phú-hãn.

Mỹ đồng ý duy trì một lực lượng chỉ hơn 8000 quân, trong vòng 5 tháng kể từ khi hiệp ước Doha được ký kết. Ngày 17-11-2020, Ngũ Giác Đại tuyên bố sẽ chỉ để lại 2500 binh sĩ Mỹ ở A-phú-hãn vào ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump.

Mười bốn (14) tháng sau hiệp ước Doha, ngày 4-5-2021, Taliban bắt đầu mở đợt tấn công quy mô. Ngoài vài trận giao tranh ác liệt lúc khởi đầu, các thủ phủ của các tỉnh sau đó gần như bị bỏ ngỏ. Ngày 15-8-2021, quân Taliban tràn ngập Kabul.

Hai cuộc chiến: một ở Việt Nam, một ở A-phú hãn, cách nhau gần nửa thế kỷ, nhưng giống nhau đến kỳ lạ, ngay cả các mốc tăng giảm quân vào các thời điểm quan trọng của cuộc chiến.

Sau đây là một vài tóm lược, về cuộc chiến ở Việt Nam:
Hiệp định Geneva được ký vào tháng 7-1954, chia đôi hai miền Nam-Bắc VN. Một năm sau đó, năm 1955, ông Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa và trở thành vị tổng thống Việt Nam đầu tiên.

Tám năm sau đó, lo sợ những bất ổn ở Miền Nam Việt Nam có thể ảnh hưởng tới công cuộc chống cộng sản của Mỹ và Đồng Minh ở khu vực Đông-Nam Á, cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA) dưới thời của tổng thống Kennedy đã lên kế hoạch và hỗ trợ cuộc đảo chính vào ngày 1-11-1963. Ông Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị giết chết trong ngày này. Ba tuần sau, ngày 22-11-1963, tổng thống thứ 35 của Mỹ, John F Kennedy bị ám sát.
 
Từ năm 1963 -1965, miền Nam VN rơi vào bất ổn chính trị sau cái chết của ông Ngô Đình Diệm. Năm 1965, Lyndon Johnson là tổng thống kế nhiệm Kennedy quyết định đưa quân Mỹ chính quy vào chiến trường Việt Nam.
 
Tháng 1-1973, Mỹ ký hiệp đình đình chiến Paris và rút quân sau đó. Tháng 4-1975, Việt Cộng tràn ngập Miền Nam Việt Nam.

Trong cả hai cuộc chiến ở VN và A-phú-hãn, quân Mỹ có quân số cao nhất vào khoảng năm thứ 10 của của chiến (1965: VN, 2011: Afghanistan).

Điều trùng hợp tiếp theo là vào năm thứ 19 của hai cuộc chiến (1973: VN, 2020: Afghanistan) hiệp định đình chiến được quân Mỹ ký với đối thủ, dọn đường cho việc rút quân sau đó của họ.

Sẽ là một thiếu sót nếu bỏ qua một điểm tương đồng này nữa: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan là một quan hệ hết sức phức tạp. Ấn Độ và Pakistan chưa bao giờ duy trì quan hệ hữu hảo từ khi cả hai quốc gia này giành được độc lập từ vương triều Anh Quốc. Dù vậy, cả hai đều là đồng minh của Mỹ.
 
Mặc dù Taliban dung túng Al-Qaeda, kẻ đã tổ chức vụ 11/9; trùm khủng bố Osama bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tìm thấy và giết chết tại Abbottabad, một quận hạt giàu có, cách thủ đô Islamabad của Pakistan chỉ 35 dặm (khoảng 50 km), chứ không phải trên lãnh thổ Afghanistan.

Tương tự, giai đoạn 1968 -1972 trong lúc giao tranh xảy ra ác liệt ở cả hai miền Nam-Bắc Việt, Trung Cộng hỗ trợ Bắc Việt, Mỹ ở Nam Việt Nam; Nixon (Tổng Thống Mỹ) và Đặng Tiểu Bình (CT Trung Quốc) lại là đồng minh trong việc chống lại Liên Xô, nhất là khi ngoại trưởng Mỹ thời đó, Henry Kissinger, đi lại như con thoi giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.

Câu chuyện 20 năm (2001-2021) của Afghanistan được kể qua 4 đời Tổng Thống của Mỹ: Bush Jr., Obama, Trump, và Biden. Lịch sử 20 năm (1955 -1975) của Việt Nam có sự can thiệp hết sức quan trọng của 5 đời Tổng Thống Hoa Kỳ: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon and Ford. Dĩ nhiên không thể bỏ qua sự có mặt của tất cả các chính trị gia của lưỡng đảng trong quốc hội Hoa Kỳ.
 
Dĩ nhiên tình hình ở mỗi nước khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự trùng hợp về chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và Afghanistan.
 
Sự đổ vỡ sau cuộc chiến cũng rất giống nhau. Nhiều người A-phú-hãn liều chết lao vào các phi đạo, bám vào máy bay, hy vọng được rời khỏi A-phú-hãn, họ sợ bị Taliban trả thù. Số khác lại ra đến đầu làng, tay bắt mặt mừng các chiến binh Taliban, như thể họ là những đứa con xa vừa trở về nhà.

Những ngày đầu của năm 1975, Việt Nam chứng kiến từng gia đình vợ chồng con cái bồng bế lên trên một chiếc xe honda chạy nháo nhào lánh xa Việt Cộng, trong khi những người hàng xóm của họ trưng hình Hồ Chí Minh lên nơi trang nghiêm nhất trong nhà, chuẩn bị đón quân “giải phóng”.

Truyền thông quốc tế hôm nay ghi nhận đoạn video Taliban xử bắn cựu Tư Lệnh Cảnh Sát thuộc chính phủ Afghanistan, và các tay súng Taliban đang “đi săn” từng nhà, dù rằng họ hứa khi vừa tới thủ đô là sẽ không trả thù.
 
Hình ảnh các tay súng Taliban tịch thu vũ khí, xe bọc thép, trực thăng mà quân đội chính phủ Afghanistan bỏ lại cũng đã được ghi nhận. Trong khi các quốc gia khác đang tiếp tục di tản người của họ ra khỏi thủ đô Kabul, thì Trung Cộng, Nga và cả Pakistan đang gia tăng ảnh hưởng của họ đối với các ông chủ mới của A-phú-hãn.

Làn sóng người vượt biên bắt đầu ở các biên giới của A-phú-hãn. Ấn độ đã mở cửa biên giới đón người tỵ nạn.
 
Còn nhiều nữa những đổ vỡ đau lòng, rất giống nhau…

Nguyên Đại
20-8-2021

Hình:
Haji Mullah Achakzai, cựu Tư Lệnh Cảnh Sát Afghanistan, bị Taliban xử tử hôm nay. Nguồn: news.com.au

Tham khảo:









SAI LẦM LẬP LẠI


Đất nước Afghanistan rộng gấp hai lần Việt Nam, hiện nay do Taliban kiểm soát. Quân đội gần 300.000 quân của chính phủ Afghanistan thân Mỹ đã tháo chạy kể từ khi Taliban khởi động các cuộc tấn công trở lại vào hơn ba tháng trước. Nhiều ngàn tỉ đô la Mỹ đã tiêu tốn ở quốc gia này cùng với hơn 3000 binh sĩ Mỹ và Đồng Minh thiệt mạng ở đây. Có thể thêm vào danh sách này nhiều thứ, bao gồm sự hỗn loạn hiện nay, thiệt hại hậu chiến và nguy cơ bị khủng bố cao hơn ngay trong nội địa các quốc gia đã tham chiến tại chiến trường này. 

Sẽ là vấn đề còn gây tranh cãi nhiều năm để giải thích cho việc một quân đội được huấn luyện hơn hai mươi năm và trang bị vũ khí hiện đại, lại tháo chạy “thần tốc”, bỏ ngõ một quốc gia rộng hơn 652.000 km vuông cho một đội quân không được đào tạo một cách chính quy như những người “học trò Hồi Giáo” Taliban chiếm giữ hoàn toàn.

Ngày 29-2-2020, tại Doha, đại diện của chính phủ Trump đã ký một hiệp ước bao gồm 4 điểm với Taliban, trong đó: (1) Taliban hứa không dung chứa các tổ chức khủng bố chống lại Hoa Kỳ và Đồng Minh trên lãnh thổ Afghanistan. (2) Quân Mỹ và Đồng Minh rút khỏi Afghanistan, (3) Sau khi Hoa Kỳ và Đồng Minh công bố và bảo đảm lịch trình rút quân trong vòng 14 tháng, phía Taliban sẽ tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ (intra-Afghan negotiations) với “các nhóm Afghan” (Afghan sides), và điểm cuối cùng là (4) Lịch trình ngưng bắn lâu dài và toàn diện sẽ là một đề tài trong các cuộc thảo luận nói trên. 

Hiệp ước Doha dù ghi rõ rằng, Hoa Kỳ không công nhận Quốc Gia Hồi Giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan), không có dòng nào về chính phủ hoặc quân đội đương nhiệm ở Afghanistan lúc đó, thay vào đó là cụm từ hết sức mù mờ “các bên Afghan” (Afghan sides) là lực lượng mà Taliban cần phải tiến hành thương thảo về các vấn đề nội bộ của đất nước Afghanistan, sau khi hiệp ước được ký kết. Mỹ đồng ý chỉ duy trì một lực lượng gồm 8.600 quân, trong vòng 135 ngày đầu tiên, kể từ khi hiệp ước được ký. Sau đó, toàn bộ quân Mỹ và Đồng Minh sẽ hoàn tất việc rút quân hoàn toàn trong vòng 9 tháng rưỡi sau đó. 

Ngày 4-5-2021, Taliban bắt đầu mở đợt tấn công quy mô vào miền Nam tỉnh Helmand. Liên Hiệp Quốc công bố con số thường dân bị giết hay bị thương trong tháng Năm và Sáu của năm này là 2.400 người. Ngày 15-8-2021, quân Taliban tràn ngập Kabul. 

Có quá nhiều điểm tương đồng trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan trong những ngày này, với sự sụp đổ của Saigon năm 1975. Nhiều tấm hình chụp lại cứ giống như bản sao của nhau từ máy photocopy. Hiệp định Paris được ký khi ông Richard Nixon thuộc đảng Cộng Hòa đang là Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng vậy, hiệp ước Doha được ký lúc ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa đang tọa vị ở Tòa Bạch Ốc. 

Hai năm sau khi hiệp định Paris được ký, Saigon mất tên. Hơn mười sáu (16) tháng từ lúc hiệp ước Doha ráo mực, Taliban chiếm Kabul. Cho dù ông Gerald Ford thuộc đảng Cộng Hòa kế tục ông Nixon, sau vụ bê bối Watergate, Jimmy Carter là tổng thống thuộc đảng Dân chủ phải giải quyết tất cả các vấn đề hậu chiến sau khi quân đội miền Nam Việt Nam sụp đổ. Tương tự, Tổng thống Biden của đảng Dân Chủ phải giải quyết tất cả những di sản mà hiệp ước Doha dưới thời chính quyền Trump để lại. 

Trong cuộc chiến với khối Cộng Sản, mặc dù tiến quân vào lãnh thổ Đức và duy trì lực lượng quân sự tại đây, Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức là một chính phủ độc lập, được thành lập và phát triển vững mạnh. Ngược lại, khi Mỹ tiến quân vào Nhật, họ tước vũ khí hoàn toàn quân phiệt Nhật Bản. Dù vẫn duy trì triều đại Nhật Hoàng, trong khoảng hơn nửa thế kỷ, quân đội Nhật coi như không tồn tại. Người Mỹ đã không rõ ràng và dứt khoát như vậy đối với Việt Nam trước đây, và hiện nay đối với Afghanistan. 

Dĩ nhiên tình hình ở mỗi nước khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự thất bại về chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và Afghanistan. Việc đưa quân Mỹ tham chiến ở các quốc gia này không giúp chấm dứt được chiến tranh tại đây, ngược lại làm cho quân đội và chính phủ ở đây phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Mỹ. Việc rút quân của Mỹ và Đồng Minh đã làm sụp đổ nhanh chóng chính phủ và quân đội ở các quốc gia này. 

Kinh nghiệm đã không được học thuộc, nên sai lầm ở Việt Nam đã lặp lại ở Afghanistan sau gần nửa thế kỷ. 

Nguyên Đại 
20 Tháng Tám 2021 

Tham khảo:



Những người đàn ông có vũ trang tham dự một cuộc tập họp, tuyên bố ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan và họ sẵn sàng chiến đấu chống lại Taliban, ở ngoại ô Kabul, Afghanistan, vào ngày 23/6/2021. 

Ảnh: Reuters


17 tháng 8 2021

LÒNG DÂN KHÔNG THỂ "CHIẾN THẮNG"

Nếu ông Thủ Tướng (TT) chính phủ của đảng CSVN trước đây có những phát biểu làm nên thương hiệu của ông, như “cờ lờ mờ vờ”, “nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”… thì ông TT hiện nay ăn nói tốt hơn, “có tâm, có tầm” hơn, theo báo đảng.

Chủ Nhật tuần rồi, ngày 15/8/2021, ông Phạm Minh Chính, trong chức vụ Thủ Tướng chính phủ đảng CSVN hiện nay, đã phát biểu: “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, chiến thắng dịch bệnh là “chiến thắng lòng dân” và truyền thông đảng theo lệ cũ, đưa ông lên mây.

Người viết đóng góp ý kiến như sau để ông “chiến thắng lòng dân”: ông hãy công bố danh sách các lãnh đạo và thông tin chi tiết: ai, ở đâu, lúc nào, đã được chích vaccine gì? Ông sẽ được vinh danh là người nói và làm xuất sắc nhất trong lịch sử cách mạng, bởi dân chúng sẽ biết được vaccine tốt nhất đã được chích cho ai, sớm nhất vào lúc nào? Ông chắc chắn sẽ “chiến thắng lòng dân” sau khi công khai thông tin này. Tại sao điều ông và đồng chí của ông đã làm, ông lại không nói?

Còn bây giờ muốn giải quyết lượng vaccine Trung Quốc không hiệu quả, nhiều nước không công nhận, ông và đồng chí của ông lại cứ muốn chích cho dân thành phố “mang tên bác” sớm nhất để thành loại “tốt nhất”. Cách cư xử như vậy vừa xúc phạm tới bác, vừa không thể “chiến thắng lòng dân”, bởi dân ở thời đại 4.0 này không phải cứ nói, cứ thổi linh tinh là họ mát bụng. Ông coi thường họ quá, thì làm sao “chiến thắng” được lòng của họ.

Từ đầu mùa dịch, chính phủ của ông đã ỷ lại vào việc giãn cách, việc “bịt chặt” không cho virus đi qua, việc “chống dịch như chống giặc”, lập “đường mòn HCM trên không”, “trường kỳ kháng chiến”, hô các khẩu hiểu thời “đánh Mỹ”. Con virus không có liên hệ với ý chí cách mạng, với lòng dũng cảm, “chỉ đạo quyết liệt”, “chiến thắng lòng dân” gì cả. Con virus chỉ “sợ” vaccine. Nhưng, chính phủ của ông đã không có chính sách vaccine kịp thời và hữu hiệu, dẫn đến cái chết của nhiều người dân; điều đó là tội ác.

Những người nhiễm virus là nạn nhân, họ không phải là tội phạm, họ phải được giúp đỡ, không phải bị bắt nhốt (đi cách ly tập trung) trong điều kiện tồi tệ, và lìa xa với gia đình con cái của họ trong những ngày tháng đau thương, hoạn nạn nhất này. Chính sách “tách F0 ra khỏi cộng đồng” như trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam cũng là một tội ác. Không ai đối xử tàn bạo với người khác để lấy lòng của họ cả.

Giãn cách là biện pháp tránh lây lan, người thực hiện giãn cách phải có nhu cầu tối thiểu để sống còn. Người ở tù cũng phải được ăn, mặc, sinh hoạt tối thiểu. Giãn cách mà không tính đến việc bảo đảm đời sống cơ bản của người dân có khác nào nhốt họ lại trong tình trạng thiếu thốn những nhu cầu cơ bản nhất.

Ông Chính và các đồng chí của ông đã làm gì để bảo đảm nhu cầu tối thiểu, sống còn đó của người dân? Cái chỉ thị 16 gì đó: “người cách ly người, nhà cách ly nhà…” đọc cứ như thơ, đã làm cho hàng hóa không di chuyển, đẩy giá sinh hoạt lên đắt đỏ… Chỉ thị đó có khác gì việc giam người dân lại, bỏ đói họ. Dân đói mà, lòng của họ trống rỗng, cồn cào, thì có cái gì để cho ông “chiến thắng”.

Không chịu nổi cái đói, cái chết do dịch bệnh đang chực chờ, họ lên đường về quê, thì bị chận lại. Ông không thấy, không nghe những cảnh đời oan trái trên khắp các ngả đường Việt Nam? Con thú khi đói còn biết kêu gào, người dân chỉ chạy về nơi họ còn có chút hy vọng có miếng ăn, ông cho người ngăn họ lại. Bụng họ trống rỗng, nước mắt cũng không còn, họ không còn gì để cho ông và các đồng chí của ông “chiến thắng” cả.

Người sống không có gì ăn, lại không được chạy tới chỗ có cái ăn. Thân nhân của họ, người đã chết, họ không có tiền để chôn cất mai táng. Lòng dân đã chết, không còn gì nữa để ông và các đồng chí của ông chiến thắng. Cái mà họ nhận được từ ông và các đồng chí của ông, may ra, chỉ còn là những nắm tro… những tang tóc, thảm thương.



Họ đang chờ một cơ hội để tái sinh. Lòng dân đang nhóm thành cơn bão. Cơn bão trong lòng đại dương đang cuồn cuộn đến. Ông và các đồng chí của ông không thể chiến thắng được cơn bão trong lòng dân. Hãy nhận ra những điều đó trước khi quá muộn.

Nguyên Đại
17-8-2021


Việt Luận - Úc Châu - Sydney

16 tháng 8 2021

TALIBAN CHIẾN THẮNG "ĐẾ QUỐC MỸ"?

Hôm nay các chiến binh Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan chấm dứt cuộc chiến tranh với liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đây sau 20 năm, kể từ khi hai tòa tháp đôi ở New York bị nổ sập vào ngày 11/9/2001.

Taliban đã chiến thắng quân Mỹ?
Người ta so sánh ngày hôm nay ở Kabul với ngày 30/4/1975 ở Saigon, khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người Việt Nam ngơ ngác thời đó không hiểu sao một quân đội Mỹ đồ sộ lại có thể bị bại trận nhanh như vậy. 

Giờ đây, sau 46 năm, chính họ đã trở thành người Mỹ, có con em là các tướng lãnh trong quân đội Mỹ hiện nay. Ngay cả những người ở bên kia vĩ tuyến trước năm 1975, hiện nay đã có mặt ở Mỹ, là công dân Hoa Kỳ, và có thể có con em làm việc trong các tổ chức, công ty quan trọng trên đất Mỹ. Người Việt, ngoại trừ một số ít có vấn đề tâm lý, đều có câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi trên.

Các tướng lãnh trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ vài ba năm trước đó, khi mà các hành lang chính trị được nối lại giữa quân Mỹ và Taliban, kéo theo các hiệp ước ngưng bắn trong giai đoạn. Cũng vậy, người Mỹ đã chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, từ lúc Không Quân Mỹ ngưng oanh tạc Bắc Việt, và sau đó hiệp định Paris được ký kết giữa các chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt, và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, ngày 27/1/1973.

Sau khi tiến vào Afghanistan, đánh bại các căn cứ của Al-Qaeda, quân Mỹ không rút đi, mà ở lại đó xây dựng một chính phủ thân Mỹ, và một quân đội đồng minh mới ở đây. Khác với quân đội Đức Quốc Xã, và quân phiệt Nhật Bản, họ bị quân Mỹ và Đồng Minh đánh bại hoàn toàn, tiếng súng chiến tranh chấm dứt, ngưng hẳn, và họ bắt tay kiến thiết quốc gia sau chiến tranh. Ở Afghanistan và Việt Nam chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó. Việt Cộng nhận vũ khí của Trung Cộng và Nga-Sô cầm chân quân Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa Thủy Quân Lục Chiến vào cảng Đà Nẵng năm 1965. Taliban nhận vũ khí của một số quốc gia trong khối Ả Rập và Hồi Giáo tham dự một cuộc chiến hơn 20 năm, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khối Cộng Sản đã dùng Việt Cộng như một đội quân tiên phong cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Quân Mỹ không thể hoàn toàn đánh bại quân đội Việt Cộng, trừ khi khai chiến luôn với Trung Cộng và Liên Xô. Chiến trường Việt Nam không thể thắng bằng tiếng súng. Sau khi khai thác mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Nga Sô, Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) đã thõa hiệp với Bắc Kinh, và rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam.

Cũng vậy, cuộc chiến ở Afghanistan không thể chiến thắng bằng súng đạn, trừ khi tấn công luôn vào các đồng minh của Mỹ bao gồm Pakistan và Arab Saudi, trong số những quốc gia đã viện trợ vũ khí cho Taliban chống Mỹ. Mỹ rút quân, và quân Taliban reo hò tiến vào Kabul.

Quân Mỹ đã rút, không tham chiến nữa, năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, và hôm nay 16/8/2021 ở Afghanistan. Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, chiến trường sắp tới là ở đó. Đối thủ của Mỹ hiện nay là Trung Cộng, mũi súng của quân Mỹ quay về khu vực Đông Bắc Á. Đó là vấn đề thay đổi trong chiến lược. Chúng ta đều hiểu rất rõ, quân Mỹ không có “thắng” hay “thua” ở Việt Nam năm 1975, và hôm nay cũng vậy, họ cũng không “thắng” hay “thua” tại Afghanistan.

Khổ Đau?
Ừ thì: “dân tộc Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ”. Ừ thì: “những người học trò Hồi Giáo, cầm súng trường và lựu đạn đã chiến thắng Liên Xô, và liên quân Mỹ-Tây Phương”.

Dân tộc Việt Nam đã quá cay đắng với “chiến thắng” đó, hy vọng điều đau khổ này không lặp lại trên đất nước Afghanistan, nhưng có vẻ như còn quá sớm để có thể nói được điều gì, trong cơn say “chiến thắng” hôm nay.

Mỹ và Đồng Minh “thua” ở Việt Nam, nhưng 15 năm sau đó, toàn bộ khối Cộng Sản ở châu Âu sụp đổ. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ “thua” ở Afghanistan? Thắng, thua là điều có thể tranh cãi, có thể chưa biết rõ ràng sau một vài thập niên.

Nhưng, khổ đau là sự thật, không thể phủ nhận, không thể tranh cãi. Những đau khổ ngút trời của người Việt ở cả hai miền Nam-Bắc trong và sau cuộc chiến là không thể đong đếm. Nước mắt…biển khơi.

Nhìn xác của những người lính trẻ thuộc quân đội của chính phủ Afghanistan trước đây rải rác trong trên các ngọn đồi khô của một đất nước tan hoang sau bao năm dài chiến tranh, những người vài tháng trước đây còn say sưa với lý tưởng dân chủ tự do Tây phương…có nhớ lại thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa không?

Nhìn những chiến binh Taliban lớn lên trong cuộc chiến dường như chẳng biết gì ngoài súng đạn ngơ ngác trước những gì họ thấy tại thủ đô, tại các dinh thự người Mỹ bỏ lại, có nhớ những bộ đội Trường Sơn ngây ngô, đến tội nghiệp, ngày xưa không?

Nhìn lại cục diện hôm nay và năm xưa để thấy sự thật cuả “thắng” và “thua”. Một dân tộc tránh được chiến tranh mới là một dân tộc chiến thắng, một dân tộc có thể hòa giải những khác biệt mới là một dân tộc thật sự chiến thắng. Bài học đang ghi ở đó bằng lịch sử của dân tộc Việt Nam, bằng lịch sử của dân tộc Afghanistan hôm nay.

Nguyên Đại
16 Tháng Tám 2021

Hình: 
1) [Aamir Qureshi/AFP] Trang đầu trên một nhật báo của Pakistan về Afghanistan.
2) [Time Magazine] Việt Cộng chiếm Sai-gòn ngày 30/4/1975

Đã đăng trên báo Tiếng Dân:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive Tivi 20/8/2021