20 tháng 8 2021

NHỮNG ĐỔ VỠ GIỐNG NHAU

Cuộc chiến ở A-phú-hãn (Afghanistan) đã ngốn nhiều ngàn tỉ đô la Mỹ cùng với sinh mạng của gần 3600 binh sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh, cộng với hơn 4000 nhân viên dân sự, cùng với 66.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan. Gần 50.000 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến, thiệt hại nhân mạng tương tự trong lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác.
 
Bức tranh về cuộc chiến ở A-phú-hãn (Afghanistan) có thể sẽ được rộng hơn, nếu đi ngược dòng lịch sử một chút:
 
Chưa đầy một (1) tháng sau vụ 11-9, ngày 7-10-2001, liên quân Anh-Mỹ đã dội bom vào các lực lượng Taliban đang nắm quyền tại A-phú-hãn. Hai tháng sau, liên quân Anh-Mỹ đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ của quốc gia này. Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq, các lực lượng của Mỹ ở A-phú-hãn được điều phối sang chiến trường Iraq, việc này đã tạo cho Taliban cơ hội trỗi dậy nhiều nơi ở A-phú-hãn.

Năm 2009, tổng thống Obama đương nhiệm tăng 30.000 quân vào A-phú-hãn, nơi mà khi đó đã có 68.000 binh sĩ Mỹ trú đóng. Ngày 2-5-2011, Mỹ tuyên bố đã tìm thấy và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ba năm sau đó, tháng 5-2014, Obama tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào năm 2016.
 
Tháng 9-2014, liên quân NATO tuyên bố chấm dứt sứ mạng quốc tế của họ tại A-phú-hãn, các lực lượng an ninh thuộc chính phủ A-phú-hãn chịu toàn bộ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho A-phú-hãn; và người Mỹ tiếp tục cuộc chiến đấu của họ tại đây.

Ngày 29-2-2020, tại Doha, đại diện của chính phủ Trump đã ký một hiệp ước bao gồm 4 điểm với Taliban. Taliban cam kết sẽ không dung chứa những thành phần khủng bố chống lại Hoa Kỳ và Đồng Minh. Đổi lại, Mỹ hứa sẽ rút hết quân Mỹ khỏi lãnh thổ A-phú-hãn trong vòng 14 tháng. Sau khi Mỹ công bố và bảo đảm việc rút quân đúng thời hạn, Taliban sẽ thương thảo với các nhóm Afghan (“Afghan sides”) về các vấn đề nội bộ và tiến trình đình chiến lâu dài ở A-phú-hãn.

Mỹ đồng ý duy trì một lực lượng chỉ hơn 8000 quân, trong vòng 5 tháng kể từ khi hiệp ước Doha được ký kết. Ngày 17-11-2020, Ngũ Giác Đại tuyên bố sẽ chỉ để lại 2500 binh sĩ Mỹ ở A-phú-hãn vào ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump.

Mười bốn (14) tháng sau hiệp ước Doha, ngày 4-5-2021, Taliban bắt đầu mở đợt tấn công quy mô. Ngoài vài trận giao tranh ác liệt lúc khởi đầu, các thủ phủ của các tỉnh sau đó gần như bị bỏ ngỏ. Ngày 15-8-2021, quân Taliban tràn ngập Kabul.

Hai cuộc chiến: một ở Việt Nam, một ở A-phú hãn, cách nhau gần nửa thế kỷ, nhưng giống nhau đến kỳ lạ, ngay cả các mốc tăng giảm quân vào các thời điểm quan trọng của cuộc chiến.

Sau đây là một vài tóm lược, về cuộc chiến ở Việt Nam:
Hiệp định Geneva được ký vào tháng 7-1954, chia đôi hai miền Nam-Bắc VN. Một năm sau đó, năm 1955, ông Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa và trở thành vị tổng thống Việt Nam đầu tiên.

Tám năm sau đó, lo sợ những bất ổn ở Miền Nam Việt Nam có thể ảnh hưởng tới công cuộc chống cộng sản của Mỹ và Đồng Minh ở khu vực Đông-Nam Á, cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA) dưới thời của tổng thống Kennedy đã lên kế hoạch và hỗ trợ cuộc đảo chính vào ngày 1-11-1963. Ông Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị giết chết trong ngày này. Ba tuần sau, ngày 22-11-1963, tổng thống thứ 35 của Mỹ, John F Kennedy bị ám sát.
 
Từ năm 1963 -1965, miền Nam VN rơi vào bất ổn chính trị sau cái chết của ông Ngô Đình Diệm. Năm 1965, Lyndon Johnson là tổng thống kế nhiệm Kennedy quyết định đưa quân Mỹ chính quy vào chiến trường Việt Nam.
 
Tháng 1-1973, Mỹ ký hiệp đình đình chiến Paris và rút quân sau đó. Tháng 4-1975, Việt Cộng tràn ngập Miền Nam Việt Nam.

Trong cả hai cuộc chiến ở VN và A-phú-hãn, quân Mỹ có quân số cao nhất vào khoảng năm thứ 10 của của chiến (1965: VN, 2011: Afghanistan).

Điều trùng hợp tiếp theo là vào năm thứ 19 của hai cuộc chiến (1973: VN, 2020: Afghanistan) hiệp định đình chiến được quân Mỹ ký với đối thủ, dọn đường cho việc rút quân sau đó của họ.

Sẽ là một thiếu sót nếu bỏ qua một điểm tương đồng này nữa: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan là một quan hệ hết sức phức tạp. Ấn Độ và Pakistan chưa bao giờ duy trì quan hệ hữu hảo từ khi cả hai quốc gia này giành được độc lập từ vương triều Anh Quốc. Dù vậy, cả hai đều là đồng minh của Mỹ.
 
Mặc dù Taliban dung túng Al-Qaeda, kẻ đã tổ chức vụ 11/9; trùm khủng bố Osama bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tìm thấy và giết chết tại Abbottabad, một quận hạt giàu có, cách thủ đô Islamabad của Pakistan chỉ 35 dặm (khoảng 50 km), chứ không phải trên lãnh thổ Afghanistan.

Tương tự, giai đoạn 1968 -1972 trong lúc giao tranh xảy ra ác liệt ở cả hai miền Nam-Bắc Việt, Trung Cộng hỗ trợ Bắc Việt, Mỹ ở Nam Việt Nam; Nixon (Tổng Thống Mỹ) và Đặng Tiểu Bình (CT Trung Quốc) lại là đồng minh trong việc chống lại Liên Xô, nhất là khi ngoại trưởng Mỹ thời đó, Henry Kissinger, đi lại như con thoi giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.

Câu chuyện 20 năm (2001-2021) của Afghanistan được kể qua 4 đời Tổng Thống của Mỹ: Bush Jr., Obama, Trump, và Biden. Lịch sử 20 năm (1955 -1975) của Việt Nam có sự can thiệp hết sức quan trọng của 5 đời Tổng Thống Hoa Kỳ: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon and Ford. Dĩ nhiên không thể bỏ qua sự có mặt của tất cả các chính trị gia của lưỡng đảng trong quốc hội Hoa Kỳ.
 
Dĩ nhiên tình hình ở mỗi nước khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự trùng hợp về chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và Afghanistan.
 
Sự đổ vỡ sau cuộc chiến cũng rất giống nhau. Nhiều người A-phú-hãn liều chết lao vào các phi đạo, bám vào máy bay, hy vọng được rời khỏi A-phú-hãn, họ sợ bị Taliban trả thù. Số khác lại ra đến đầu làng, tay bắt mặt mừng các chiến binh Taliban, như thể họ là những đứa con xa vừa trở về nhà.

Những ngày đầu của năm 1975, Việt Nam chứng kiến từng gia đình vợ chồng con cái bồng bế lên trên một chiếc xe honda chạy nháo nhào lánh xa Việt Cộng, trong khi những người hàng xóm của họ trưng hình Hồ Chí Minh lên nơi trang nghiêm nhất trong nhà, chuẩn bị đón quân “giải phóng”.

Truyền thông quốc tế hôm nay ghi nhận đoạn video Taliban xử bắn cựu Tư Lệnh Cảnh Sát thuộc chính phủ Afghanistan, và các tay súng Taliban đang “đi săn” từng nhà, dù rằng họ hứa khi vừa tới thủ đô là sẽ không trả thù.
 
Hình ảnh các tay súng Taliban tịch thu vũ khí, xe bọc thép, trực thăng mà quân đội chính phủ Afghanistan bỏ lại cũng đã được ghi nhận. Trong khi các quốc gia khác đang tiếp tục di tản người của họ ra khỏi thủ đô Kabul, thì Trung Cộng, Nga và cả Pakistan đang gia tăng ảnh hưởng của họ đối với các ông chủ mới của A-phú-hãn.

Làn sóng người vượt biên bắt đầu ở các biên giới của A-phú-hãn. Ấn độ đã mở cửa biên giới đón người tỵ nạn.
 
Còn nhiều nữa những đổ vỡ đau lòng, rất giống nhau…

Nguyên Đại
20-8-2021

Hình:
Haji Mullah Achakzai, cựu Tư Lệnh Cảnh Sát Afghanistan, bị Taliban xử tử hôm nay. Nguồn: news.com.au

Tham khảo:









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét