Hiển thị các bài đăng có nhãn Úc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Úc. Hiển thị tất cả bài đăng

26 tháng 11 2019

Gián Điệp Trung Cộng

Wang Liqiang/ Nguồn: Steven Siewert/ Mark Stehle
Theo nhật báo The Sydney Morning Herald, hôm qua 25/11/19, Wang “William” Liqiang, một điệp viên của Trung Cộng (TC) đã “phản thùng” và cung cấp nhiều tin tức tình báo cho cơ quan phản gián Úc (ASIO), một tổ chức tương tự như CIA của Mỹ. 

Anh ta cho biết danh tính của trùm gián điệp quân đội Trung Cộng ở Hong Kong, cũng như các kế hoạch và nguồn tài trợ dùng để can thiệp chính trị ở Hong Kong, Đài Loan và Úc.

Wang cung cấp tin tức việc TC đã thông qua một số công ty lớn trên thị trường chứng khoán Hong Kong để cung cấp kinh phí cho các hoạt động gián điệp bao gồm việc theo dõi và lập hồ sơ những người phản kháng, kết hợp các các hoạt động truyền thông nhằm định hướng dư luận, tổ chức những vụ đe dọa khủng bố qua mạng đối với các nhân vật bất đồng chính kiến.

Wang đã có sự nối kết với một số điệp viên đã được cài cắm sâu và lâu năm tại Úc. Wang dính líu tới hoạt động tình báo nằm trong một công ty đăng ký tại Hong Kong, China Innovation Investment Limited (CIIL) nhằm thâm nhập vào các trường đại học ở Hong Kong, mở các chiến dịch truyền thông thân Bắc Kinh với lại các hoạt động của phong trào dân chủ và tự do ở Hong Kong.

Wang trực tiếp tham dự vào việc bắt cóc chủ đại lý sách Lee Bo ở Hong Kong sau đó đưa sang TC hồi tháng 10/2015. Wang cũng tham dự vào các tổ chức của TC mở các cuộc tấn công trên mạng đối với phong trào phản kháng. Wang tham dự vào các chương trình mua vũ khí của các nước khác, để từ đó đánh cắp các kỹ thuật quân sự của Mỹ.

Wang được cung cấp một hộ chiếu giả của Nam Hàn dùng để vào Đài Loan và sau đó hỗ trợ cho các hoạt động của TC, tổ chức lực lượng “quân đội trên mạng” để tấn công, định hướng và làm sai lệch các cuộc bầu cử cấp địa phương ở đây trong năm 2018. TC cũng đã có kế hoạch tác động vào cuộc bầu cử ở đây sắp tới vào năm 2020.

Wang cho biết ĐCS TC dưới thời Tập Cận Bình “xâm nhập vào mọi quốc gia trong vùng, bao gồm quân đội, thương trường, và các tổ chức hoạt động văn hóa nhằm để đạt được những mục tiêu của họ”; và rằng: “Quý vị không nên coi thường tổ chức của chúng tôi… Chúng tôi được huấn luyện và cài cắm lâu năm trong các tổ chức trước khi nhận những nhiệm vụ quan trọng”. Wang đã xuất hiện ở Hong Kong trong vài trò là một thương nhân cho công ty CIIL, dưới sự điều hành của một điệp viên thuộc tổ chức tình báo của quân đội TC.

Công việc của Wang cũng bao gồm việc kết nối các sinh viên TC trong các chương trình học bổng, tour du lịch, hội sinh viên… kêu gọi tinh thần yêu nước của họ, yêu đảng CS TC và lãnh tụ, phản ứng lại các phong trào đòi độc lập, ly khai, dân chủ ở Hong Kong. Wang cho biết, anh ta đã gặp một điệp viên cao cấp của TC ở Canberra, thủ đô Úc.

Báo chí Úc cũng đăng tin: một năm trước, một thành viên của đảng Tự Do (Liberal) Úc châu, Nick Zhao, người Úc gốc Hoa, chuyên kinh doanh xe hơi hạng sang, đã được các tổ chức tình báo TC móc nối với các hợp đồng nhiều triệu đô-la, để cắm anh vào quốc hội liên bang Úc, như là một điệp viên làm việc cho TC. Zhao được biết là đã trình báo việc này cho tổ chức phản gián ASIO của Úc. Sau đó, vào tháng 3/2019, người ta tìm thấy xác của Zhao trong một khách sạn ở Melbourne. Cảnh sát Úc, hiện vẫn chưa công bố kết quả điều tra về nguyên nhân cái chết của Zhao.

Giám đốc cục phản gián Úc, Mike Burgess cho biết, tổ chức của ông ta sẽ tiến hành việc thẩm tra hết sức nghiêm túc về các thông tin do Wang cung cấp. ASIO cho biết các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Úc nhằm can thiệp vào nội bộ chính trị của quốc gia này chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, rằng nó vượt xa thời kỳ chiến tranh lạnh. Cựu Giám Đốc ASIO, Duncan Lewis, phát biểu rằng, TC muốn khống chế chính trường Úc, qua các hoạt động “can thiệp từ trong”, xuyên qua các hoạt động tình báo.

Thủ Tướng Úc, ông Morrison phát biểu rằng, Úc không “ngây thơ” trước các đe dọa. “Chúng tôi đã gia tăng cao nhất mức đầu tư tài nguyên và nhân lực để bảo sự an toàn và tự do của đất nước này”.

_______
26 Tháng Mười Một 2019
Nguyên Đại, tổng hợp và lược dịch từ các nguồn:

Chinese foreign interference allegations ‘deeply disturbing’: Morrison/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Anthony Galloway.

Defecting Chinese spy offers information trove to Australian government/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Nick McKenzie, Paul Sakkal and Grace Tobin.

ABC News: How a dead Liberal Party member put a fresh spotlight on Beijing’s foreign interference efforts/Dan Conifer/ Updated November 25, 2019.

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

18 tháng 8 2016

Nhạy cảm. (chấm-không nói thêm)

Công an khóa đường vào Long Tân

Vâng, đây là lý do mà phía VN đưa ra để từ chối việc Úc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Long Tân, một sự kiện có tính quân sử của Úc, được dự trù diễn ra vào hôm nay ở Bia Thánh Giá Long Tân, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào hôm nay (18/8/2016).

Tổng Hội Cựu Quân Nhân Úc đã chuẩn bị cho sự kiện này từ 18 tháng trước. Việc chuẩn bị đã hoàn tất.

Sự kiện này bao gồm đêm họp mặt và triển lãm kỷ niệm chiến trường với có mặt của Đại Diện Nữ Hoàng và Thủ Tướng Úc, Thủ Lãnh Đối Lập và Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh Tân Tây Lan tổ chức tại Hội Trường Quốc Hội ở thủ đô Canberra của Úc cùng với hơn 900 người khác, bao gồm 400 cựu quân nhân Úc trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, vào đêm 17/8/16; trước khi, theo dự trù, sẽ có hơn 1000 người Úc bao gồm những quân nhân đã trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử đó, lần đầu tiên trở lại vùng đất chiến trường tại Việt Nam, sau nửa thế kỷ cùng với thân nhân của họ. 

Một cách hết sức đột ngột, lúc 3h30 chiều ngày 16/8/16, phía VN gởi một điện văn tới Úc, nói rằng, họ không đồng ý cho tổ chức sự kiện tại Bia Thánh Giá Long Tân, Việt Nam, lý do phía VN đưa ra là tính nhạy cảm của sự kiện đối với khu vự đó ("local sensitivity"); dù rằng hằng năm lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức (với quy mô nhỏ hơn) từ năm 1989.

Hôm qua 17/8/16, công an VN đã chận các xe của truyền thông Úc cách 200 mét trước khu vực này. Trong khi Ngoại Trưởng Úc, bà Julie Bishop xác nhận là phía VN đã không cho phép tổ chức lễ kỷ niệm ở Bia Thánh Giá Long Tân, thì Thủ Tướng Úc trả lời với giới báo chí rằng ông muốn nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ Tướng Việt Nam. TT Malcolm Turnbull nói rằng thông báo từ phía VN vào đúng phút chót của sự việc chứng tỏ sự coi thường những người Úc đã đến VN để tham dự sự kiện.

Khoảng 60,000 quân nhân Úc đã tham dự chiến tranh Việt Nam, trước khi họ rút đi vào năm 1973. Trong số đó có 521 người đã hy sinh, và hơn 3000 người bị thương. Chiến trường Long Tân đặc biệt đã đi vào quân sử Úc bởi tại rừng cao su Long Tân cách Sài Gòn 40 cây số về phía Đông Nam, 50 năm trước (ngày 18/8/1966) đã chứng kiến sự đụng độ ác liệt giữa 108 binh sĩ thuộc Đại Đội D, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Gia Úc với sự bao vây và quyết tâm tiêu diệt của một lực lượng đông hơn 20 lần của QĐ CSVN thuộc Trung Đoàn 275 và sư đoàn D455.

Phía VN, trong một bài báo mạng của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa hồi tháng Năm, năm nay ghi nhận rằng di tích Long Tân đánh dấu "sự thảm hại của quân đội Hoàng Gia Úc trong việc tiêu diệt quân giải phóng". Phía Úc ghi nhận có 18 quân nhân thiệt mạng, và 24 người khác bị thương trong trận này, cùng với 245 binh lính CSVN tử thương và ước lượng khoảng hơn 350 người khác bị thương, sau khi các binh sĩ Úc thuộc Đại Đội D được các đơn vị đồng đội xuất phát từ căn cứ Núi Đất gần đó phá được vòng vây trong đêm, và quân đội CSVN rút đi. Bia Thánh Giá Long Tân được ở vị trí chiến trường đúng vào ngày 18/8/1969.

Nửa thế kỷ trôi qua, dòng lịch sử chảy xiết với những đổi thay cùng với những sự kiện không thể nào thay đổi. Nhật Bản là một bạn hàng không thể thiếu, một một đồng minh không thể thay thế của Mỹ ở biển Hoa Đông, cho dù mấy trăm ngàn người Nhật đã biến mất sau khi hai quả bom nguyên tử đã tạo nên những cột nấm khổng lồ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, năm 1945. Quân đội Đức và Ý từng là kẻ thù của người Mỹ trong thế chiến thứ hai đã sát cánh trong các cuộc hành quân của NATO hiện nay.

Trong số hàng chục ngàn người định cư mà Úc tiếp nhận hàng năm từ Việt Nam có nhiều người là quân nhân của QĐ CSVN, có lẽ không thiếu những người đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Long Tân, Núi Đất. Những kỷ sư, công nhân Úc hoàn thành nhiều công trình xây dựng ở VN bao gồm chiếc cầu qua bắc Mỹ Thuận nối liền hai bờ của một nhánh Cửu Long chắc chắn có những người là con, cháu của những cựu quân nhân Úc trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam nhiều năm về trước.

Từ chối vào phút chót sự trở về thăm lại chiến trường xưa của những người lính già, trong những năm cuối đời, đến từ hai phía của chiến tranh để nhớ lại những ngày tháng nghẹn ngào kỷ niệm, đối với họ là một sự nhẫn tâm.

Lý do "Nhạy cảm" (Chấm. Không nói thêm) mà phía VN đưa ra trong sự việc này gợi nhớ đến một diễn biến khác mà người viết đã trình bày cách đây hai ngày về việc Úc từ chối việc hai công ty Trung Cộng trong việc mua lại mạng lưới cung cấp điện ở một tiểu bang của Úc, với lý do ngắn gọn: an ninh quốc gia. Không lẽ có sự liên hệ giữa hai việc này. Nếu đúng như vậy, đó là những liên hệ quái đảng.

Nguyên Đại
18/8/16

Tham khảo:
Battle of Long Tan
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan

Releasing photos to gallery
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

VN hủy lễ kỷ niệm 50 trận Long Tân
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160817_vn_cancels_anniversary_battle_longtan

Battle of Long Tan 50th Anniversary event announced
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

Long Tan: Vietnamese authorities cancel 50th anniversary commemoration event:
http://www.abc.net.au/news/2016-08-17/vietnam-police-block-access-to-long-tan-site/7756984

Hình: Công An Việt Nam phong tỏa đường vào khu vực kỷ niệm ở Long Tân - ABC News, Liam Cochrane

15 tháng 8 2016

An Ninh Quốc Gia. (Chấm). Không cần nói thêm.

Scott Morrison
Hai ngày trước (13/8), Tổng Trưởng Tài Chánh Úc, ông Scott Morrison, đã thông báo quyết định của chính phủ trong việc rút giấy phép đầu tư của các công ty Trung Quốc vào mạng lưới cung cấp điện cho tiểu bang New South Wales (NSW).

Lý do mà nhân vật quyền lực số 2 trong chính phủ, sau Thủ Tướng Úc, đưa ra là: “an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, ảnh hưởng cụ thể của việc đầu tư này đối với nền quốc phòng Úc như thế nào đã không được ông đưa ra chi tiết; mặc dù ông nhấn mạnh rằng, quyết định của ông dựa trên các báo cáo về quốc phòng. Nói một cách ngắn gọn: Úc từ chối nhận 10 tỉ đô la của Trung Cộng với một câu duy nhất: "an ninh quốc gia". Chấm. Không cần nói thêm.

Quyết định của ông Tổng Trưởng gây "sốc" đối với nhiều người, lớn tiếng nhất là Cựu Thủ Hiến NSW Bob Carr, hiện là Chủ Tịch Viện Quan Hệ Úc-Trung, và Phó Thủ Lãnh Đối Lập, ông Anthony Albanese.

Trong khi ông Albanes chỉ vào sự thiếu thống nhất trong chính sách của chính phủ, khi vừa cuối năm ngoái (2015) đã cho phép các công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin, mặc dù có sự cảnh báo của Hoa Kỳ, thì ông Carr đặt câu hỏi rằng tại sao việc tương tự có thể xảy ra ở tiểu bang Victoria, và Nam Úc trước đó, lại không thể xảy ra đối với tiểu bang NSW bây giờ, và việc loại bỏ gói thầu đã làm thiệt hại cho nền kinh tế của tiểu bang NSW. Ông nói thêm rằng có vẻ như quyết định này mang tính chính trị nhằm mục đích kiếm phiếu, và là chỉ dấu của phong trào Bài Trung đang lan rộng.

Các dự án đầu tư về năng lượng của Trung Cộng cũng cũng bị dội lại ở Anh và Mỹ. Tháng trước (7/16), bà Thủ Tướng Anh Quốc vừa mới nhậm, Theresa May, đã ra lệnh vào phút cuối việc đình chỉ dự án năng lượng hạt nhân lên đến 30 tỉ đô la, theo sau cáo buộc của cảnh sát liên bang Mỹ rằng cố vấn cao cấp Allen (Szuhsiung) Ho (Hồ) của Công Ty Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power) đã tuyển mộ các chuyên gia của Mỹ với mục đích ăn cắp thông tin khoa học bí mật về hạt nhân để bán cho Trung Cộng. Ông Hồ sẽ phải ra hầu tòa vào tuần tới, và nếu bị buộc tội, ông sẽ đối diện với bản án 10 năm tù và đóng phạt $250, 000 đô Mỹ về việc vi phạm các điều luật bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.

Quyết định của chính phủ Úc hôm 13/8 được đưa lên bảng tin hàng đầu ở nhiều thông tấn xã trên thế giới không phải vì nó mới, mà bởi vì nó ngắn; như đã nói ở trên, lý do đưa ra là: "an ninh quốc gia" (Chấm). Điều đó gởi đến một thông điệp quan trọng cho các công ty của Úc rằng sự hợp tác của họ với các công ty của Trung Cộng có thể bị chấm dứt bất ngờ với cùng một lý do cực kỳ ngắn gọn như vậy.

Mấy chữ ngắn gọn đó có vẻ như một hiệu lệnh cho thấy sự cảnh báo cao độ của chính phủ đối với dã tâm của Trung Cộng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và năng lượng như một vũ khí chiến lược để thực hiện giấc mơ Trung hoa của họ. Hiểm họa Trung Cộng đã được báo động rõ ràng, và phải chấm dứt.

Trong khi đó, người viết không dám tin là chính phủ CSVN hoàn lại tiền thuế để công ty Formosa của Trung Cộng tiếp tục hoạt động; và hôm qua 14/8, công ty này đã đã tiến hành việc xả khí thử nghiệm ở 6 ống khói đã hoàn tất trong số 23 ống khói theo dự án. Tác hại đối với môi trường do công ty này tạo ra sẽ vượt sức tưởng tượng của nhiều người theo sau việc hủy hoại mội trường sinh thái biển ở các tỉnh miền Trung từ 4 tháng trước.

Cũng trong thời gian này có tin VN đã đưa tên lửa ra các đảo mà VN đang giữ thuộc khu vực đảo Trường Sa. Theo ông Gregory Poling, Giám Đốc Tổ Chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu thì tổ chức của ông ta không thể xác nhận hay phủ nhận điều này. Quan điểm của người viết, thực chất của việc xuất hiện tên lửa của VN ở Trường Sa không phải là điều quan trọng tới mức sống chết. Trường Sa có thể chỉ là một cái bẫy. Thực ra vấn đề không phải ở đảo, mà là ở đất liền.

Vũ khí khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất của Trung Cộng, đối với Việt Nam, không phải là tên lửa hay tàu ngầm mà là các dự án, các công trình lớn nhỏ đang ngày mỗi nhiều hơn trên khắp mọi tỉnh thành Việt Nam. Hiểm họa Trung Cộng đối với Việt Nam đã quá rõ ràng. Hiểm họa này phải chấm dứt, cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam.

Yêu cầu mà hàng chục ngàn người dân đang xuống đường để biểu tình hôm nay cũng rất rõ ràng: Formosa phải đóng cửa.

Nguyên Đại
15/8/16 

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh