Hiển thị các bài đăng có nhãn China. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn China. Hiển thị tất cả bài đăng

27 tháng 1 2020

ChiNa CoroNA

Tết năm nay đã qua đi rất nhanh, không ai để ý. Người đọc Facebook lướt vội qua những trang tiệc tùng của bạn bè, cắm đầu tìm kiếm những thông tin về con vi-rút ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – Coronavirus.

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng những điều sau đây đã được xác định:

1. Đã có hơn 100 người chết vì nhiễm loại vi rút này, và hơn 4000 người xác nhận bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới;

2. Chưa có thuốc để chống lại vi-rút này. Nếu có, ít nhất phải cuối tháng 3 năm này, nếu không là cuối năm 2020;

3. Gần 35 triệu người sống trong hơn 7 thành phố của Trung Quốc đã bị cô lập. Tập Cận Bình tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lục địa Trung Hoa.

Mông-Cổ và Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới, nhưng Việt Nam thì không? Phản ứng quá chậm và quá ít của đảng CSVN đặt toàn bộ dân tộc VN trong một nguy cơ có nhiều người chết vì dịch bệnh này.

Ai có thể ra lệnh đóng cửa biên giới? Nguyễn Phú Trọng là người chuyên “trốn” khi đất nước có khủng hoảng và cần có những quyết định dứt khoát, nhưng sẽ “lú” ra sau đó để “đốt lò”. Vụ Formosa – cá Chết miền Trung và mới đây nhất là vụ Đồng Tâm là những ví dụ Trọng “biến” khi đất nước khủng hoảng. Có vẻ như Trọng đang dưỡng bệnh và không muốn có quyết định đóng cửa biên giới.

Nguyễn Xuân Phúc đang cố hết sức lấy lòng “bạn vàng” để lobby chức TBT-CTN trong đại hội 13 sắp tới sẽ không quyết định đóng cửa biên giới vào lúc này. Chị Ngân dĩ nhiên không dám, không có đủ quyền hạn, cho một quyết định như vậy.

Biên giới Việt – Trung sẽ không được đóng cho tới khi có nhiều người chết ở VN vì đại dịch này; khi đó việc đóng cửa biên giới hay không sẽ không còn quan trọng nữa và cũng không còn ý nghĩa gì.

Vận mệnh của Trọng, Phúc, Ngân của đảng CSVN dường như lúc này giao hết cho con vi-rút ChiNa CoroNa này. Nó chết sớm thì họ sống. Nó sống mạnh và lây nhiễm dữ dội thì “sản tức vong”.

Đối diện với một quả bom định giờ, phải làm sao? Tìm chỗ ẩn nấp, may ra có cơ hội sống sót. Sinh mạng chỉ có một, không có cơ hội để hoang phí cho một trận đại dịch.

Nguyên Đại

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân, ngày: 28-01-2020

Tiếng Dân Facebook, ngày 28-01-2020


01 tháng 10 2019

Quốc Khánh hay Quốc Táng?

Hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2019, Trung Cộng tổ chức lễ “quốc khánh” kỷ niệm 70 năm ngày ĐCS Trung Quốc cai trị Hoa lục.

Các lãnh tụ đã về hưu và đương nhiệm tập trung ở quảng trường Thiên An Môn để dự khán cuộc duyệt binh với 15 ngàn binh lính cùng với vũ khí hiện đại bao gồm các siêu máy bay tự động (không người lái/ drone) và giàn hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (intercontinental ballistic missiles).

Theo sau là cuộc diễu hành của “dân chúng”, cùng với hình ảnh của các lãnh tụ, kể từ Mao Trạch Đông, kèm theo một đội ngũ thanh thiếu niên dùng xe đạp, như một nhắc nhở rằng Trung Cộng đã tiến một bước khá dài từ sau cải tổ kinh tế hồi thập niên 1980.

Nhưng, người ta không khỏi liên tưởng đến việc: Chính nơi đây 30 mươi năm trước (1989), từng đoàn xe tăng nghiến lên thân xác của những sinh viên Trung Quốc, tụ tập để yêu cầu lãnh đạo thay đổi, dân chủ hơn cho đất nước Trung Hoa. Và, hàng triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình đòi độc lập với Bắc Kinh; cộng với sự cương quyết không chấp nhận sát nhập với Trung Cộng của quân và dân đảo quốc Đài Loan; đồng thời cuộc thương chiến với Mỹ không có dấu hiệu giảm nhiệt nào; tất cả đã tạo nên những nhức nhối không thể làm ngơ, được hiện rõ trên khuôn mặt các lãnh đạo Trung Cộng.

Để chuẩn bị cho ngày “quốc khánh”, thủ đô Bắc Kinh như bị khóa lại, không có bất cứ thứ gì được bay lên trên trời cho dù là cánh diều, bồ câu nuôi, hay các máy bay đồ chơi; và người dân cư trú trên con đường duyệt binh được yêu cầu phải rời khỏi nhà trước đó. Các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến đều nhận được lệnh không được tiếp xúc với truyền thông nước ngoài. Người nào ủng hộ cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong đều nhận được lệnh không được đến nơi này cho đến sau lễ “quốc khánh”.

Ở Hong Kong, các buổi lễ trong các văn phòng chính phủ dường như rất lặng lẽ. Một nhóm những người biểu tình đã trưng các băng-rôn với dòng chữ “Không có quốc khánh, chỉ có quốc táng. Chấm dứt độc đảng cai trị”. (There is no national celebration, only national mourning. End one-party rule”.

Trong lúc bà Carrie Lam đang ở Bắc Kinh, và là một trong số rất ít những phụ nữ trên khán đài quan chức nhìn xuống quảng trường Thiên An Môn. Không hiểu bà có cảm giác như thế nào khi liên tưởng những gì đã xảy ra nơi đây 30 năm trước, và hiện đang xảy ra ở Hong Kong, một quê hương dưới sự ủy trị của bà.

Tập Cận Bình mặc đúng bộ quần áo giống như Mao Trạch Đông, đứng ngay vị trí mà Mao Trạch Đông đứng vào ngày 1/10/1949, để đọc diễn văn. Các lãnh đạo khác (những người còn sống) như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào… thì mặc bộ vest bình thường.

Lời lẽ trong diễn văn của Tập Cận Bình có đoạn như sau: “Không có một sức mạnh nào có thể làm lung lay vị trí của quốc gia vĩ đại này. Không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản nhân dân và đất nước Trung Quốc tiến về phía trước”.

Quan sát kỹ nét mặt của ông Giang Trạch Dân, từ lúc ông ngồi như bất động trong bộ vest chỉnh chu, cho tới lúc ông đứng dậy, nhìn chiếc xe chở tấm hình “vĩ đại” của mình, cùng với đám đông dân chúng chung quanh với những vòng hoa. Không thấy ông có nụ cười.

Có vẻ như ông vẫn không để xuống được những bực bội vì Tập Cận Bình vạch một dấu bằng giữa Tập và Mao “Chủ Tịch Vĩ Đại”, và cái cách mà buổi lễ được tổ chức rất “tháu cáy” của Tập như cướp đi tất cả thành quả, bao gồm xương máu, của các vị lãnh đạo trước Tập. Có lẽ ông lẩm bẩm: “Mày có thể lừa người khác, chứ không thể nào qua mắt được ‘bố mày’ đang ngồi đây. Một ngày ‘quốc khánh’ rất TC, rất Tập Cận, rất ‘Tháu Cáy’…”

Nguyên Đại
1 Tháng Mười 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân
Người Biểu Tỉnh ở Hong Kong "Không có quốc khánh, chỉ có quốc táng"