Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phú Trọng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phú Trọng. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 12 2019

Phiếm: Tròng lộn

Nguyễn Bắc Son và "vua" Trọng

Tên công an đi rồi, gã ngồi bệt xuống bục xi-măng trong phòng giam. Chút bực mình nhỏ nhoi, cở tên công an này ngày xưa nhìn mặt gã còn không dám nhìn thẳng, bây giờ gã sa cơ; hắn còn đẩy đẩy, trợn trợn, hỏi gì cũng không trả lời, ra vẻ quan trọng hình sự. Nhưng thôi, tức làm chi với lũ ấy. Đời mà! “Hổ lạc bình dương khuyển mã khi”.

Gã là ai? Nguyễn Bắc Son, tù nhân chung thân mới nhất của chế độ “XHCN tươi đẹp”, từ hôm qua 28/12/19.

Thực tình, gã vẫn không tin được, khi tên quan tòa gào lên “chung thân”. Sao lại thế được nhỉ? Gã đã giao hết tiền rồi mà, gần 3 triệu đô Mỹ (66 tỷ VNĐ) cũng đâu ít gì! "Vua" Trọng nói: “người ta đã trả rồi thì nên tha cho người ta”. Vượng "Phó Vua" cũng nói: “…nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng”. Nghĩa là giao hết tiền thì tha, “giơ cao đánh khẽ”, “chữa bệnh” nhưng “cứu người”. Gã làm đúng mà; vậy là sao?

Có người nói, thần tượng của Trọng là Tập Cận Bình. Trọng sẽ đi theo Bình, sẽ không tử hình quan chức cao cấp của đảng: Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang tất cả hiện đang thụ án chung thân, sau khi bị bắt và kết án vào các năm 2013 và 2015. Nên, có hằn học đến đâu, thì hình phạt cao nhất mà gã có thể bị phán là “chung thân”; cho dẫu gã có nói gì, và tụi quan tòa có nói bá láp bá xàm gì ở ngoài tòa.

Hóa ra 3 triệu đô gả nộp vô, không giải quyết được việc gì cả, chỉ có việc “đấm mõm” cho cái bọn ngọng nghịu, líu lo đó, thiệt là tức chết. Gã thở dài cay đắng!

Hồi còn làm Bộ Trưởng, gã ghét nhứt câu này “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”, vì trước nhất nó là của ông Thiệu. Thứ hai, là dân chơi Facebook cứ trích đi, trích lại miệt mài.

Câu nói của ông Thiệu, thế mà hay, có điều bây giờ gã mới nhận ra. Bố khỉ!!! Cuối đời mà còn bị nó lừa một cú đau quá!!! Gã bỗng dưng cười …ra nước mắt!!!

Thằng Vũ, nhỏ hơn gã 19 tuổi. Gã đẻ nó ra được. Vụ này nếu trót lọt, nó hốt 300 triệu đô, nó đưa gã 3 triệu đô. Mẹ kiếp! dân gian nôm na: “cầm c. cho nó đái” cũng không xong! Bây giờ nó nhận án 3 năm; qua một lần “quốc khánh” và “giải phóng Tp HCM” là nó ra tù.

Còn gã, “chiến tranh” giữa Trọng với Dũng mà không ngã ngũ, thì gã còn viết “nhật ký trong tù” dài dài chứ không đùa đâu. Gã lại thở dài, bực tức mấy tháng trời cũng chai đá! Nhưng 300 triệu đô: 3 năm. Ba triệu đô: Chung Thân. Tính toán kiểu gì cũng thấy tào lao.

Thằng Tuấn cứ đổ hết tội cho gã, cũng không giải quyết được việc gì; 14 năm thành án, chắc nó thuộc lòng như cháo cuốn sách nó viết: “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Bố khỉ!!! Có ăn thì im đi, bày đặt viết sách lung tung, vô tù tụi nó tặng ngược lại mấy cuốn sách đó, thì có đi… kiểu gì cũng không hết. Tự nhiên gả cười lớn…

Thực ra, thì đối với dân nghèo và ngay cả với việt kiều bình dân, thì ba triệu đô cũng là số đáng kể, nhưng đối với quan chức thì đâu có nhiều, sao bác Trọng lại nặng tay với gã như vậy?! Gã cứ suy nghĩ hoài, cứ thấy không ổn. Hay là có chút hiểu lầm gì chăng?

Năm nay gã đã 66 tuổi, nộp vô 66 tỷ, nhận án chung thân, chẳng lẽ phải ở 66 năm. Không đâu! một phần tư số đó gã cũng đủ chết.

“Bác Trọng ơi, bác có tròng lộn cái án này vào đầu ta không?! Nếu có tròng lộn, bác cũng nên nghĩ là ta cũng đã từng làm phó ban tuyên giáo mà nghĩ lại cho ta. Bác Trọng ơi! Đừng tròng lộn án cho ta…”

“Đừng tròng lộn cho Son, bác Trọng ơi!”. Gã vỡ òa, nấc lên thành tiếng…rồi bất giác cười như điên. “Tròng lộn rồi…Tròng lộn rồi…Trọng ơi!…”

Nguyên Đại
29 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Nguyễn Xuân Châu Blog

Đã đọc trên YouTube:
Thông Tấn Việt TV- ngày 30-09-2020








16 tháng 5 2019

Chí Lò Vương Ngọa Triều

Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà. Thái tử Lê Long Việt được chỉ định nối ngôi. Người em là Lê Long Tích khởi binh tranh ngôi với anh. Hai bên giao chiến, Tích thua trận chạy vào nam, thuộc khu vực nước Champa thời bấy giờ, sau đó Tích bị người Champa giết chết. Long Việt lên ngôi, nhưng bị một người em khác là Lê Long Đỉnh (Đỉnh còn có tên khác là Lê Chí Trung, cũng lại “Chí”) cho người thuốc chết; cướp ngôi vua.

Sử ký ghi lại, Đỉnh rất tàn ác, đã sai lính bắt trói và chôn những người đã từng chống đối ông xuống bờ sông lúc thủy triều rút xuống. Đỉnh hạ lệnh là chỉ chôn đến ngực, để khi triều dâng, nhưng người này bị chết từ từ trong kinh hoàng và đau đớn.

Sau này Đỉnh bị bệnh trĩ, không ngồi được, nên sai người khiêng luôn cái giường ra để Đỉnh nằm nghe tấu trình và phán định công việc triều chính (có sách lại nói rằng, Đỉnh không ngồi dậy được vì hoang dâm quá độ). Trong lịch sử Việt nam, chỉ có Đỉnh là nằm thiết triều, nên dân gian đặt tên ông là vua Lê Ngọa Triều.

Long Đỉnh làm vua được 4 năm thì mất. Lý Thái Tổ lên ngôi, mở đầu triều đại Nhà Lý, một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử và cũng là duy nhất, lấy công làm thủ, đại tướng Lý Thường Kiệt đã đem quân nam đánh bại các quân Tống đang đồn trú ở hai tỉnh biên giới phía Bắc Việt nam, phá vỡ kế hoạch xâm lăng Đại Việt.

Lịch sử có vẻ tái diễn sau 1000 năm ở Đông-Lào, lần này là sau khi Tấn Dung thất thế chạy vào miền Nam (xưa thuộc nước Champa). Đại Quàng lên ngôi, nhưng không bao lâu thì bị trúng độc mà chết. Lu Trong thay Đại Quàng, lên ngôi tước hiệu là Lu Trong Vương. Khác với Long Đỉnh, người đã dùng thủy hình với những kẻ không theo ông ta, Lu Vương dùng hỏa hình, các quan lại trước đây không phò Lu Vương, lần lượt bị đưa vào “lò”.

Thắng thế ở phương bắc, Lu Vương cùng bộ hạ trực chỉ vào nam, vào cứ địa của Tấn Dung, bất ngờ bị té quỵ, phải nằm trong phòng kín. Khoảng 2 tuần sau, Lu Vương đã tỉnh dậy, cũng giống như Long Đỉnh, Lu Vương chỉ huy việc “hỏa hình”, đốt “lò” từ giường bệnh của mình.

Sau một tháng, Lu Vương đã tỉnh hẳn, tiếp tục dụng hỏa hình, đưa vào “lò” các quan lại không cùng phe cánh. Cao tuổi và vừa tỉnh dậy sau trận đột quỵ, nên khi thiết triều, Lu Vương phải dùng dây để buộc mình vào ghế cho an toàn. Một dụng cụ đặt biệt được các ngự y đeo vào tay Lu Vương có tác dụng phòng độc.

Triều đại của Lu Vương, các quan lại kẻ thì bị trúng độc, người thì bị đưa vào “lò”, kẻ thì trốn chạy qua các nước Tây phương. Dù vậy, Lu Vương bất chấp tuổi cao, trọng bệnh, quyết chí đốt “lò” cho bằng được. “Củi” tươi hay khô gì, đốt được là Lu Vương cho vào “lò” tất, nên dân gian đặt tên là Chí-Lò Vương, hay ngắn gọn hơn: Lò Vương.

Nguyên Đại
16 Tháng Năm 2019

Đã đăng trên :
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook


26 tháng 4 2019

Đông Lào diễn nghĩa (Phần 2)

Đông Lào Diễn Nghĩa - Phần 2

Nguyên Tác:                   La Quá Hạ
Dịch, Chú, và Bình:     Nguyên Đại

(Tiếp theo phần 1)

Hồi Thứ 44
Trực chỉ Kiên Giang, Lu vương té ghế
Đông Lào lật chủ, Phát tể thế thân


Lu vương từ từ mở mắt, “chúc mừng bệ hạ” quan ngự y và các y công đồng loạt xướng lên, nói cười râm ran. “Đây là đâu và các ngươi là ai?” Lu vương thều thào hỏi, mọi người tranh nhau tâu, nhưng cuối cùng thì nhường lời cho quan ngự y rằng: bệ hạ đang ở Kiên Giang phủ thì bất ngờ ngã quỵ, chúng thần vội vả đưa bệ hạ về phủ y-quán, sau đó đưa bệ hạ về đây. Đoạn, quan ngự y bảo mọi người ra ngoài để Lu vương nghỉ ngơi.

Nằm một mình, Lu vương cố nhớ lại mọi việc: tại sao ta lại ngã quỵ vào đúng ngày này? Trước đó vài hôm Mẫu hậu đã can rằng, hãy đợi thêm vài ngày để tổ chức mừng thọ cho ta, nhưng được tin của Thám quan, ta đã quyết trực chỉ Kiên Giang phủ, để cha con tên tặc thần Tấn Dung không kịp trở tay.

Nào ngờ… Không lẽ thám quân, thám quan của ta có vấn đề? Ngự y đoàn đã cho ta uống loại thuốc gì? Ta nhớ là cũng không có gì đặc biệt, dường như là có thêm một qườn thuốc cảm vặt, không lẽ chuyện là ở đây? Ngự y đoàn của ta có vấn đề? Không đâu, nếu mà có, mạng của ta đâu còn tới bây giờ. Nhưng, cũng có khi tụi nó bất cẩn; hay là… Lu vương cố mím môi. Không lẽ nào, tên tặc thần Tấn Dung không dại gì hại ta ngay ở tại nhà hắn ở Kiên Giang phủ, cái đầu của thằng con nó cứng hơn lưỡi đao trảm quan của ta sao? Hoặc giả, nó có liều mạng, hay hư hư thật thật, tương kế tựu kế chăng?

Nghĩ liên thuyên, đoạn Lu vương bất giác rùng mình… Không lẽ lại là lão Bằng (Hoàng Đế Cán Bằng của đại quốc Lũ-Tau). Nếu thật vậy, mạng của ta nguy rồi. Không lẽ việc ngọn đèn thứ ba, phía nam bị tắt trong lăng Thái Tổ đêm nào lại ứng rằng: mạng của ta phải kết thúc ở vùng hải địa ba đào Kiên Giang, kiêng gió này sao?

Lu vương mở mắt nhìn không chớp lên trần y quán. “Khuôn xanh nào biết vuông tròn mà hay”, quả thật đời người qua nhanh; thoáng chốc, hình hài, màu sắc đã đổi thay, nào ai biết, nào ai hay. Lúc ta còn đứng vuông vức, hiên ngang ở Kiên Giang phủ, một màu chói đỏ. Chớp mắt, giờ đã ở đây xung quanh là những chai lọ ngổn ngang, tròn trịa, và chỉ còn những màu xanh, trắng. Màu đỏ nơi đây là màu của tử thần, của sợ sệt, lo âu…Chợt có người vào báo, có quân sư Trần Vượn đến viếng. Lu vương cho mời vào.

Lu vương cho đuổi hết mọi người ra, chỉ để lại hai cận vệ tin cẩn nhất, y công cũng được cho lui ra ngoài mấy trượng. Lu vương nghe quân sư báo lại nội vụ, nghĩ đoạn, rồi hỏi: theo ý quân sư, ta nên như thế nào? 

Trần Vượn hạ giọng: Tạm thời bệ hạ cứ ở đây nghỉ ngơi một thời gian, thần sẽ theo ý chỉ của bệ hạ làm một số việc: lệnh cho tất cả cận thần phải hoàn toàn tuyệt đối giữ bí mật về sức khỏe của bệ hạ. Chừng nào mà thần sắc của bệ hạ còn là một bí mật, thì chừng đó những kẻ đối nghịch với bệ hạ còn tranh cãi, phân vân về những bước kế tiếp của bọn chúng, ta như người ở trong tối, ẩn mình quan sát tình hình cho kỹ, không nên vọng động.

Lu vương gật gù, đoạn thở dài, rồi rằng: Ta còn nhiều việc muốn làm, ta không cam tâm, chừng nào mà tên tặc thần Tấn Dung và bè lũ của nó còn nhởn nhơ cười cười nói nói… Trần Vượn tiếp lời: Bệ hạ là bậc minh quân, tặc thần Tấn Dung không thể sánh được với bệ hạ, trời sẽ cho bệ hạ sức khỏe để diệt nó. Lu vương cười, có chút mếu máo, vì phần miệng và nửa người bên trái không được toại ý. Trần Vượn đỡ Lu vương dậy, và định lấy chén sâm đưa cho Lu vương, nhưng Lu vương lắc đầu, ý là không cần.

Lu vương có ý kêu Trần Vượn tới gần hơn để nghe cho rõ, rồi tiếp: Ta muốn ngươi giúp ta một việc: Triệu tập các chỉ huy ngự lâm quân mở cuộc điều tra toàn diện đối với thám quân, vệ binh, ngự y đoàn và dĩ nhiên là tất cả những người trong Kiên Giang phủ, trực tiếp và gián tiếp có liên hệ tới các cuộc tiếp xúc với ta trong suốt thời gian ta ở Kiên Giang phủ và ngay cả nhiều ngày trước đó, ta muốn ngươi, đích thân ngươi, thừa ý chỉ của ta, rà xét lại toàn bộ mọi việc.

Trần Vượn gật đầu: Thần tuân lệnh. Lu vương nói nhỏ, ngay cả tên Phạm Chính cũng không được bỏ qua, hừm… nói gì là “ngọn đèn thứ ba…”. Trần Vượn dường như không hiểu câu cuối cùng, liên quan gì đến đèn đuốc??? Lu vương xua tay, ồ… không cần đâu, không quan trọng. Trần Vượn xin phép lui ra.

Đi được ba bước, như chợt nhớ ra điều gì, Lu vương vội ra dấu cho vệ sĩ gọi Trần Vượn quay lại. Đoạn Lu vương nói tiếp: mọi việc khác ngươi cứ việc thay ta, nhưng tuyệt đối không nên gặp lão Bằng, hắn có thể giết ta không được, tức mình hại ngươi luôn, thì nhà Lu của ta nguy mất. Trần Vượn cũng vừa chợt nhớ ra, còn một việc quan trọng chưa thỉnh ý Lu vương, ai sẽ thay Lu vương sang gặp Bằng lão hoàng đế. Lu vương nói nhỏ: ngươi không được đi, như ta đã nói, nên sắp xếp để cho Niêng Phát tể tướng đi thay ta.

Trần Vượn đã biết ý Lu vương, nhưng giả bộ nhìn Lu vương, để Lu vương nói ra cho chắc ăn. Lu vương cười (cũng còn chút mếu máo): bảo nó đi, nếu lão Bằng có nổi điên mà giết nó, thì coi như lão giúp ta, nhưng ta nghĩ lão không giết thằng “trẻ con cao tuổi” này đâu.

Lu vương chợt nhìn xa xăm… nhớ lại lúc chính lão Bằng đã có ý muốn Niêng Phát thay chỗ của Tấn Dung. Lu vương nói tiếp: Ta muốn mỗi ngày, người vào đây thăm ta một lần. Trần Vượn hiểu ý, dạ thật to, rồi xin phép cáo từ.

Lu vương cố gắng lắm, mỗi ngày cố gắng đi lại, ban đầu trong phòng, rồi dần dần ra hành lang, đi đi lại lại, ngắm các cây bon-sai trong vườn y quán. Lu vương bảo với quan ngự y rằng: Hãy nói với các quan trong triều, những người muốn gặp ta, là ta chưa được khỏe. Ta không muốn tiếp ai cả, người nào ta muốn gặp, ta sẽ báo cho ngươi biết. Ngự y vâng dạ.

Lu vương có nhiều thời gian hơn, không còn gặp quá nhiều người, nghe, đọc nhiều tấu chương, chợt cảm nhận hạnh phúc của một lão gia vui thú điền viên, không màng đến thế sự… Nhưng chỉ là vài phút thoáng qua, còn thì không thể quên được khi nhớ lại cái cảm giác té quỵ trong Kiên Giang phủ, lẽ nào “trời đã sinh Lu, sao còn sinh Tấn”. Không thể nào: Gia Cát là thần nhân, còn thằng Tấn Dung đâu có xứng. Ta còn sống, là trời còn thương, ta phải bắt nó tống vào thiên lao, thì ta mới cam lòng nhắm mắt đời này.

Trần Vượn làm y như vậy, mỗi ngày vào thăm Lu vương một lần, báo cáo tình hình. Có một ngày, Trần Vượn không vào, hôm sau mới vào, Lu vương gặp Vượn nhướn mày, có ý hỏi. Trần Vượn vội vàng tâu, xin bệ hạ tha tội, nguyên lão tam triều, tướng Bùi Lang vừa qua đời hôm qua, nên thời biểu của thần có chút xáo trộn. 

Lu vương cười gằn từng tiếng: lão già độc nhỡn đó bây giờ mới chịu chết à, không vì hắn kỳ-đà cản mũi che chở cho gian tặc Tấn Dung thì ta đã giải quyết xong thằng Tấn lâu rồi, không phải đến bây giờ, chưa bắt được được nó, mà phải té quỵ trong phủ của nó mới tức chứ!

Trần Vượn thấy Lu vương giận quá, không dám nói gì. Chờ cho Lu vương nguôi giận bèn tiếp, nhưng mà tang lễ của nguyên lão tam triều cần hoàng thượng đứng làm chủ lễ, đó cũng chính là điều quan trọng mà thần muốn thỉnh ý bệ hạ hôm nay.

Lu vương ngồi trầm ngâm một chặp khá lâu, nghĩ bụng: ta còn có thể đi lại được, mà không đứng ra làm chủ việc này thì không ổn. Tục lệ Đông Lào từ bao năm nay không thể bị phá trong tay ta. Nhưng đứng ra làm chủ lễ trong tình trạng chân miệng bất toại như thế này không khéo lại làm cho lũ phản tặc hả hê, ta thật không cam lòng. 

Ta cũng không thể lưu lại ở đây quá lâu, các vụ điều tra không hiểu vì sao tiến hành quá chậm chạp, không thấy có kết quả gì. Hay là bệnh già? Ồ, không đâu, vua nước Ma-Lày hơn ta những 19 tuổi, ta không sao đâu, Lu vương tự nói với mình. Người xưa cũng nói, nước không thể một ngày không vua, ta cũng không thể ẩn ở đây quá lâu, quan quân nghi ngờ, sinh biến loạn.

Nghĩ đoạn, Lu vương cười cười nói với Trần Vượn rằng: quân sư yên tâm, ta sẽ đích thân làm chủ vụ này, ta nghỉ ngơi cũng đủ rồi, giờ là lúc phải ra mặt để ổn định tình hình và tiếp tục các trận hỏa công còn dang dở, ta phải thắp đèn, và quân sư phải giúp ta chuẩn bị bài vị cho cái tên phản tặc. Đông Lào đang mùa hè nên lửa phải tiếp tục cháy.

Trần Vượn chợt rút khăn tay thấm mồ hôi vì trời nóng quá… và thấm luôn cả mồ hôi lạnh, vì bất chợt y cảm thấy rùng mình.

Nguyên Đại
26 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

23 tháng 4 2019

Đông Lào diễn nghĩa (Phần 1)

Nguyên tác:                   La Quá Hạ
Dịch, chú và bình:         Nguyên Đại

Hồi thứ nhất

Giữa triều cô thế Lu vương bật khóc
Lạm quyền Dung tể khảy móng tay ca

Đệ Tam Thiên Niên, năm thứ 12, vua xứ Đông Lào bấy giờ họ Lu, tên là Trong là người đã cao tuổi, bề ngoài nhìn hiền lành nên được một số cận thần rất yêu kính. Tuy vậy, có số khác, số này đông hơn, lại cho là quá nhu nhược, nên thường thậm thọt, chạy sang phủ phục trước dinh Tể Tướng thời bấy giờ họ Tấn, tên là Dung.

Tấn Dung ít tuổi hơn Lu vương, dung mạo sáng sủa, nhưng có nhiều thủ đoạn vơ vét công quỹ, và dùng những của cải đó để kết bè kéo cánh gây thế lực, trên coi Lu vương không ra gì, dưới dung túng cho thuộc hạ nhũng nhiễu dân lành. Lu vương đau lòng lắm, đã nhiều lần tìm cách bớt đi quyền hành của Tấn Dung, nhưng lần nào cũng bị Tấn Dung biết trước, nên kế hoạch không thành.

Lu vương buồn lắm, nhưng không làm gì được. Mọi việc đã có Tấn Dung một tay ngang tàng che trời làm loạn. Ngày nọ, Lu bèn vào lăng Thái Tổ, thắp nhang, khóc mà rằng: Bớ Thái Tổ, ngài có linh thiêng, xin giúp tiểu tôn diệt trừ tặc thần Tấn Dung, kẻo bằng nó phá nát sự nghiệp vĩ đại mà Tổ đã để lại, tử tôn đã không tiếc xương máu của dân, mà gắng sức gìn giữ từ bao năm nay.

Tương truyền nước Đông Lào đã học được cách ướp xác người chết của người Ngã-sa, nên xác của Thái Tổ, họ Lu (dĩ nhiên là cùng họ với Lu vương) tên là Ai-Quấc, thoạt nhìn vẫn tươi tắn, hồng hào như những hình giả-nhân, bằng loại chất rất lạ giống như đồ chơi của bọn trẻ con ngoại tộc (giống như búp bê làm bằng nhựa – chú thích của dịch giả). Lăng Thái Tổ được thiết kế công phu, bình thường không cho ai vào, có mấy đội lính gác, ước đoán hơn trăm người, mỗi ngày đi qua đi lại, giáo gươm sáng quắc, quần áo chỉnh tề, giữ nhiệm vụ gác lăng.

Vì Thái Tổ mất đã gần ngũ thập niên (50 năm), nên đã có dòng họ ba đời gác lăng: ông nội gác lăng, bố gác lăng, rồi đến lượt con trai cũng gác lăng. Dĩ nhiên công việc gác lăng này không phải giao cho ai cũng được, phải là thành phần cẩn cẩn trung thành với nhà Lu. Chẳng hạn như ông nội phải là người theo Lu Thái Tổ phò ngoại xung nội, thanh Bắc diệt Nam; bố phải là thành phần trung kiên với nhà Lu, rồi bây giờ tới lượt con, mới được giao cho trọng trách này. Dân chúng vào thăm lăng Thái Tổ, nhìn những thanh niên khỏe mạnh, giáo gươm sáng quắc, mặt lạnh như tiền, thấy vừa sờ sợ, vừa thương cảm.

Chỉ có vua và quan cận thần mới được lưu lại trong lăng Thái Tổ lâu hơn, dân chúng vào những dịp lễ lạc, mới được cho viếng lăng, và phải sắp hàng rồng rắn nối đuôi giữa sân nắng nóng rất lâu mới được vào. Khi vào được đến chỗ Thái Tổ nằm, chỉ được phép đi qua nhìn Thái Tổ nằm thẳng cẳng với đôi hia cổ bốn-quai nhìn rất biệt dị, ngài được lộng trong lồng bằng thủy tinh đặc biệt; dân chúng vừa đến lồng kiếng là phải đi qua luôn chứ không được phép dừng chân, người nào cả gan mạo phạm dám dừng lại bên lồng Thái Tổ nằm để ngắm nghía, soi bói, sẽ bị các lính gác với khuôn mặt lành lạnh, tới nhắc nhở ngay.

Thái Tổ băng hà, vào ngày trùng, nên tương truyền rất linh thiêng. Tục truyền, khi Thái Tổ còn tại vị, nhiều vị phu nhân của các cận thần đôi khi cũng được đặc cách gặp riêng Thái Tổ, nên khi ngài qua đời, nhiều quan chức, kể cả các vị phụ-mẫu phu nhân, có việc gì khó không giải tỏa được cũng có thể vào xin ý chỉ của ngài. Chuyện lăng Thái Tổ còn dài, rất nhiều giai thoại dân gian về sự linh thiêng của Thái Tổ, xin được kể vào những hồi sau.

Lại nói về Lu vương, sau khi thắp nhang, khóc lóc cầu cứu Thái Tổ, một hồi lâu, vì tuổi cũng đã cao, nên thiếp đi chừng một khắc, chợt đâu tiếng gió làm lay động nhẹ cửa ra vào phát ra âm thanh kèn-kẹt, như vừa có người đẩy cửa bước vào, Lu vương giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai, chỉ thấy một cơn gió thoáng qua làm các ngọn đèn phía bắc như sáng hơn, và ngọn đèn thứ ba ở phía nam tắt đi. Lu vương đứng dậy quày quả đi ra, sau khi vái Thái Tổ đúng bốn lạy, rồi bảo lính thắp đèn lại cho tươm tất.

Vài hôm sau, Lu vương quên bẳng chuyện đã xảy ra trong lăng Thái Tổ, vì bận phê duyệt các tấu chương chuẩn bị cho ngày họp các triều thần đã gần kề. Tới ngày họp, khoảng cuối năm thứ 12 (chừng tháng 10), giữa cuộc họp có mặt đông đủ các triều thần, Lu vương bấm gan nói lớn, kể ra các trọng tội của Tấn Dung, nào là lập bè kết lũ, rút ruột công quỹ, mua các chiến thuyền đã mục nát, rệu rã ở xứ Ngã-sa bằng rất nhiều ngân lượng, nào là cố tình làm thất thoát tài sản quốc gia để chiếm đoạt làm của riêng, coi trời bằng vung, nào là chiếm dụng đất đai của dân lành để lập trang trại ăn chơi, v.v…

Lu vương đã định xướng tên Tấn Dung ra, nhưng khi nhìn qua thân tín của mình, thấy họ lắc đầu liên tục, và nhìn xuống các triều thần thì nhiều kẻ a-dua nịnh nọt cứ nhìn Tấn Dung cười cười ra chiều đắc ý, vài người ít oi từng được ơn dày của nhà Lu đã mấy đời thì lấm lét nhìn xuống như muốn rơi lệ và tránh cái nhìn của Lu vương. Lại nhìn sang bên Tấn Dung, thấy nó đang giả bộ như khảy các đồ dơ trong các móng tay, Lu vương vừa giận vừa buồn rầu, không cầm được, nghẹn ngào, rồi bật khóc thành tiếng. Triều thần ngơ ngác, có người kín đáo kéo tay áo lau nước mắt khóc theo Lu vương. Phiên chầu hôm đó đành phải ngưng lại.

Sau này, khi bị triều thần gạn hỏi, tên của tên tặc thần mà Lu vương muốn nói là ai; quan Ngự Sử bấy giờ họ Tràng tên Sảng, sau khi nhìn quanh đã nói nhỏ và nhanh quá, nghe như là “a-iết” (ý là “ta biết” – chú thích của người dịch), không hiểu sao các triều thần nghe như là “ba-ếch”. Từ đó biệt danh “Ba-ếch” đã được mặc nhiên coi như một tên thứ hai của Tể tướng Tấn Dung.

Vài ngày, sau phiên chầu thất bại đó, Lu vương đang ngồi một mình, chợt có lính vào báo có quan Thượng thư bộ Lễ, họ Phạm tên là Chính, đến thăm. Phạm Chính là một trong số ít cận thần thân tín của Lu vương, nên Lu vương cho lính mời vào. Được một tuần trà, Lu vương bổng nhớ lại chuyện xảy ra chưa quá một tuần trăng bên lăng Thái Tổ. Phạm Chín ngồi im ra chiều như suy nghĩ đăm chiêu, mông lung lắm, bổng hạ giọng nói nhỏ với Lu vương, rằng:

– Thái tổ có ý chỉ đường cho bệ-hạ, này nhé: Các ngọn đèn ở phía bắc bổng sáng lên, ý là cứu tinh của bệ hạ đến từ phía bắc, xin bệ hạ tha tội, phía bắc nước ta là nước Lũ-Tau, gần đây đã ngưng quấy phá biên giới phía Bắc của ta, và có ý kết giao để tương trợ nhau. Thái Tổ lúc còn trị vì có quan hệ rất thân thiết với hoàng đế nước Lũ-Tau thời đó là Mào Trạch, chắc bệ hạ còn nhớ?

Lu vương gật gù. Phạm Chính giả vờ trầm ngâm nhưng mắt không ngừng quan sát sắc mặt của Lu vương, khi thấy cá đã có vẻ cắn câu, bèn tiếp:

– Thần có quen biết với một chức sắc, hắn có nhiều liên hệ với nước Lũ-Tau, để thần tiếp cận hắn xem sao.

Lu vương cười tươi hơn chút. Biết đã chắc ăn, nên Phạm Chính quăng tiếp:

– Còn ngọn đèn thứ ba, hướng nam, chợt tắt, là điềm lành. Tấn Dung sinh ở phủ Kiên Giang, thuộc miền Nam nước ta, là vùng đất có nhiều sóng gió ba đào, ngọn đèn thứ ba tắt, ý Thái Tổ đã rất rõ ràng, là ngài linh thiêng sẽ phù trợ cho bệ hạ diệt Tấn Dung.

Lu vương cười lớn thành tiếng “Thuận thiên thừa… vận” “đã hợp lòng trời”. Hai bên hàn huyên vài chuyện nho nhỏ, không quan trọng lắm, rồi thì Phạm Chính cáo từ, Lu vương tiễn ra tận cửa. Hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Lu vương ngủ được một giấc rõ dài.

Nguyên Đại
23 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

16 tháng 3 2019

Trung Cộng: Cắm và siết ốc

Nguyễn Phú Trọng trà đàm
với Tập Cận Bình:
Trà Việt Nam không ngon bằng
 trà Trung Quốc.
Ảnh: Internet
Nếu muốn nối hai vật thể, hai thanh sắt hay gỗ ngay cả hai mảnh xương, phải làm gì: Cắm và Siết Ốc. Trung Cộng (TC) đã thực hiện chiến lược này đối với nhiều nước, đặc biệt là với Việt Nam.

1974
Sau chuyến đi Trung Quốc của TT Mỹ Nixon năm 1972, quan hệ chiến lược Mỹ-Trung chống Liên Xô được chính thức ký kết ở Thượng Hải. VNCH bị bỏ rơi, buộc phải ký hiệp định Paris năm 1973. 

Mỹ án binh bất động và TC chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 cây số, với sự thỏa thuận của VC trước đó nhiều năm (Công Hàm Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai năm 1958).

Các cầu không và hải vận được thiết lập để chuyển khí tài và nhân lực đến Hoàng Sa biến nơi này trở thành một căn cứ quân sự có tính chiến lược trên biển Đông. Bốn mươi lăm (45) năm đã trôi qua, Hoàng Sa trở thành Tam Sa của TC. “Con ốc” Hoàng Sa đã được cắm và siết chắc, cố định như thể được hàn cứng xuống lòng biển để trở thành một trạm gác đối với VN, một pháo đài của TC trên biển Đông.

1984
Tranh thủ viện trợ toàn diện của cả Liên Xô và TC, xé bỏ hiệp định Paris, VC chiếm Miền Nam VN năm 1975, biến toàn cõi VN thành một trại cải tạo khổng lồ bọc trong một cả nước – hợp tác xã chìm trong thất bại và nghèo đói. Thỏa thuận với Liên Xô, VC đưa bộ đội sang Cambodia đánh bại quân Pol-Pot do TC hỗ trợ; và TC xua quân thọc vào toàn tuyến biên giới phía Bắc VN để “dạy cho VN một bài học”.

Các thế hệ thanh niên VN, sau 21 năm chiến tranh Nam-Bắc, tiếp tục đổ xương máu xuống cả hai mặt trận phía Tây và Bắc, năm 1979. Vướng vào hai cuộc chiến cục bộ ở hai tuyến biên giới, cộng với việc ôm cứng mô hình kinh tế XHCN “truyền thống Mác-Lê”, VC đã làm kiệt quệ nền kinh tế VN; trong khi các cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã khởi sắc đại lục Trung Cộng.

TC chiếm giữ một số vị trí chiến lược ở biên giới trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn mười năm sau đó. Ải Nam quan một vị trí có ý nghĩa lịch sử bị TC chiếm, nhưng được nhắc nhiều nhất là các va chạm đẫm máu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, năm 1984. “Con ốc” phía Bắc được TC cắm vào nền đất cứng biên giới trên lãnh địa VN.

1994
Chuẩn bị xây dựng thêm một pháo đài nữa trên biển Đông, năm 1988 TC tiến chiếm các bãi đá Colin, Len-Đao và Gạc-Ma, thuộc quần đảo Trường Sa; trong khi Liên Xô đã có những xáo trộn, nứt gãy sâu sắc sau một thời gian chạy đua vũ trang với Mỹ, đuổi theo các mô hình kinh tế XHCN sai lầm, và bị liên minh Mỹ-Trung bao vây. 

VC rơi vào tình trạng kiệt quệ, thiếu chỗ dựa, tìm cách hướng về TC để duy trì chế độ. Lê Đức Anh đã ra lệnh buông súng và 64 binh sĩ VN trên đảo Gạc Ma đã bị hải quân TC tàn sát ngày 14/3/1988.

Năm 1989, VC rút quân khỏi Campuchia. Linh-Mười-Đồng đã ký hiệp ước Thành Đô với Giang Trạch Dân và Lý Bằng ở TC vào tháng 9-1990, dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, cùng với các trung gian Lê Đức Anh và Trương Đức Duy, viên Đại Sứ TC tại VN vào thời điểm đó.

Căng thẳng quân sự biên giới giữa VC và TC coi như tạm ngưng, và ngưng hẳn theo sau những nhượng bộ về đất đai dọc tuyến biên giới, với các cột mốc được cài sâu vào trong phần đất của Việt Nam, kèm theo một số nhượng bộ khác của VN trên vịnh Bắc Bộ. 

Các chướng ngại địa lý và chiến lược được dọn dẹp, mở đường để quan hệ giữa hai đảng CS Trung-Việt rẽ sang một bước ngoặc mới, đưa đến việc Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt ký hiệp định mậu dịch Trung-Việt vào tháng 11/1991 tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.

Hỗ trợ cho chính phủ Hun-Sen của Campuchia, TC áp sát sườn Tây của VN, đóng thêm một “con ốc” nữa trên quần đảo Trường Sa, phía Đông VN, và thiết lập các đường dẫn cho các bước tiến “mềm mại” từ phía Bắc. Bên cạnh đó, TC đẩy hộp kẹo nhãn hiệu “Liên Quan Thông Đồng” và chai nước tương (xì-dầu) [Sơn thủy tương liên. Lý Tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan] về phía VC trên bàn đàm phán để cùng “phát triển kinh tế trong hòa bình hữu nghị” và duy trì sự sống-còn và quyền lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS.

2004
Sau Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo của hai ĐCS thường xuyên thăm viếng qua lại, diễn biến hòa bình từng bước xác lập. Sang Việt Nam: TT Lý Bằng (1992), TBT Giang Trạch Dân (1994), CTQH Kiều Thạch (1996), TT Chu Dung Cơ (1999), và Giang Trạch Dân (lần thứ hai) năm 2002. 

Quan trọng nhất phải kể đến chuyến viếng thăm của Hồ Cẩm Đào vào cuối năm 2005 với tư cách là TBT Đảng CSTQ, Chủ Tịch nước CHND Trung Hoa, và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Chỉ trong chuyến đi này, TC và VC đã ký kết với nhau 14 hiệp ước và các thỏa thuận kinh tế với tổng số vốn lên đến 1.2 tỷ USD.

Năm 1999, Giang Trạch Dân đã “hát” tặng Lê Khả Phiêu bài “16 chữ vàng”: “Ổn định lâu dài. Hướng tới tương lai. Hữu nghị láng giềng. Hợp tác toàn diện”. Một năm sau, Nông Đức Mạnh với chức Tổng Bí Thư và “song ca” với Giang Trạch Dân ca khúc 16 chữ vàng và bốn tốt [láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt] trong chuyến viếng thăm TC vào tháng 11/2000.

Quan hệ giữa VC và TC được nâng tầm từ các thỏa thuận mậu dịch, biên giới, sau đó lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo sau chuyến đi của Nông Đức Mạnh đến Trung Quốc vào năm 2008. 

Trước đó, vào ngày 10/4/2007, tại Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ Tịch Quốc Hội VN, đã tuyên bố “quan hệ Trung-Việt chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này”. Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 30 triệu USD năm 1991 tăng lên thành 22.5 tỷ USD vào năm 2009, gấp 700 lần sau 18 năm.

VN xuất khẩu sang TQ chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô: than đá, dầu thô, quặng Bauxite … và nhập khẩu các máy móc, thiết bị, hóa chất, sản phẩm kỹ nghệ. Vấn đề là sự mất cân bằng mậu dịch: trong khi hàng hóa VN không đủ sức cạnh tranh ở thị trường TQ, thì hàng hóa TQ lại thống trị hoặc phá hoại nền kinh tế lệ thuộc và èo uột của VN. 

TC đã cung cấp vốn cho VC qua các hình thức viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi, ngược lại các dự án về cơ sở hạ tầng, ngay cả liên quan đến an ninh, ở tất cả các thành phố quan trọng của VN đều do TC thực hiện.

TC cấp nhiều học bổng cho sinh viên VN. Các đoàn văn công của hai quốc gia thường xuyên đi lại. Phim ảnh TQ tràn ngập thị trường và các đài tivi nhà nước của VN. Sách giáo khoa lịch sử VN, không viết gì đằng sau chữ “giặc” (giặc gì không cần biết). Truyền thông VN khi diễn dịch các va chạm giữa tàu thuyền trên biển giữa VC và TC, họ viết: tàu Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công.

Năm 2013, Nguyễn Văn Thơ Đại Sứ VN tại TQ, phát biểu: “quan hệ Trung-Việt về tổng thể đã đạt nhiều phát triển mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu”, nghĩa là “các con ốc” trên khắp các lãnh vực địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa đã được cắm nhiều và sâu vào VN. Sự lệ thuộc của VC vào TC dường như bất khả vãn hồi.

2014
Đã xảy ra một vụ “chạm điện” trên sân khấu “ca-nhọt” của hai phía; tháng 5-2014, TC đưa giàn khoan 981 vào gần quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN. Vụ tranh cãi này đưa đến một số va chạm của tàu thuyền giữa hai “láng giềng tốt”. Các cuộc biểu tình nổ ra phản đối TC, ở cả trong và ngoài VN, đáng kể là các cuộc biểu tình của công nhân các khu vực công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, và Sài-gòn, đồng thời ở Vũng Án/ Hà Tĩnh.

Một vài cơ sở thương mại của người nói tiếng TQ bị đốt phá. Thêm vào là các cuộc biểu tình khác ở khu vực có đông người tỵ nạn VN sinh sống: Cali, Berlin, Frankfurt. Ngày 23/5/14 đã có một phụ nữ châm lửa tự thiêu trước Dinh Độc Lập. Ngày 20/6/14 có thêm một cuộc tự thiêu nữa của một cựu sĩ quan pháo binh VNCH ở Floria, Hoa Kỳ.

Trong khi nội bộ ĐCS Trung Cộng khá đồng nhất về các vấn đề với VN, thì nội bộ ĐCS VN đã có một số đồng chí đặt câu hỏi về “đồng chí tốt” TC. Ngày 22/5/14, trong chuyến viếng thăm Philippines, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”, và “những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” [câu này lập lại một ý rất quen].

TC coi giàn khoan 981 như một cái “cặp nhiệt”, và phép thử này cho thấy có một số “đối-TÁT” chưa “tốt” do bị “nhiễm khuẩn” thân Mỹ và Tây Phương. Thắng VN trong một cuộc chiến trên biển là một điều không mấy khó khăn, nhưng nó phá hoại tất cả mọi cố gắng “mềm mại” đã thực hiện đối với VN trong hơn hai thập niên, kể từ mật ước Thành Đô. Hơn nữa, điều này có thể đẩy các nước trong khu vực tranh chấp ở biển Đông xích lại và gắn kết hơn trong một liên minh dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Ngày 15/7/14, giàn khoan 981 rút đi vì “đã thực hiện xong các hoạt động thăm dò trong khu vực” theo Hồng Lỗi, phát ngôn của Bộ Ngoại Giao TC, một ngày sau đó. Phát biểu hông-lỗi này “đúng” và chính xác trong từng dấu chấm, nhấn, và nháy. Tháng 7 nhằm đầu mùa mưa bão trong khu vực biển Trung phần VN, rõ ràng là cái mà TC thăm dò không phải là dầu. Tháng 8/14, Nguyễn Phú Trọng cử đặc phái viên Lê Hồng Anh sang TQ theo lời mời của chính phủ TC để hạ nhiệt tình hình.

Cần phải có một sự thanh lọc toàn diện các “đồng chí tốt” ở VN để chuẩn bị nhân sự cho bước kế tiếp. Tháng 11/2015, Tập Cận Bình đến Việt Nam, tiếp xúc với Sang, Trọng, Hùng, Dũng. Sang đã mệt mỏi dã tâm, Hùng bất tài, Dũng không dùng được. Tập chọn Trọng.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã được khởi trồng từ năm 2012, sau đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc, nở rộ vào đúng thời điểm này. Thượng Tướng TC Quách Bá Hùng bị khai trừ khỏi ĐCS TQ tháng 7/2015. Trước đó một tháng là Bộ Trưởng Công An Chu Vĩnh Khang, một năm trước đó là Từ Tài Hậu, phó CT quân ủy trung ương ĐCS TQ. 

Sẽ không có điều gì thích hợp hơn là giúp Trọng giành quyền lực, thanh lọc hàng ngũ chống TQ trong nội bộ ĐCS VN với chiêu bài “chống tham nhũng”. “Con ốc” Nguyễn Phú Trọng được cắm vào chóp bu của ĐCS VN, và chiếc cờ-lê ma-dze in “chống tham nhũng” bắt đầu xiết thuận theo chiều kim đồng hồ theo sự điều khiển của siêu kỷ sư chế tạo robot, Tập Cận Bình.

Tham nhũng là mặt trái của đồng bạc, mặt kia là quyền lực tập trung, là độc tài cai trị. Vì vậy, từ tổ trưởng tổ dân phố đến chủ tịch nước, chỉ cần chỉ tay tới thì ma quỷ tham nhũng hiện nguyên hình. Việc bắt giam, quy án, xét xử đúng quy trình “tứng từng tưng” bất cứ “đồng chí” nào cũng đều không sai, và chắc chắn được sự ủng hộ của dân chúng. 

Cái bắt tay của ông Tập đối với ông Trọng đã nói rất rõ những điều tương tự như vậy, rằng: ta sẽ giúp ông lấy lại uy tín của đảng, sẽ giúp ông trở nên một minh quân, hay là một “ông Phật” cũng được (nếu ông muốn gọi như vậy), cùng với một đội ngũ cán bộ trung kiên, và trung thành với ông [và dĩ nhiên cũng sẽ trung thành với ta, với những mục tiêu mà ta và ĐCS TC nhắm đến].

Hai tháng sau khi Tập viếng thăm VN, tháng 1-2016, đại hội ĐCS VN lần thứ 12 được tổ chức: Hùng, Dũng, Sang đều được ĐH “cho phép rút tên” cùng với Rứa, Nghị và Hải. Tống Đào, đặc phái viên của Tập, có mặt tại VN trong suốt thời gian xảy ra ĐH. Các “tàu đánh cá” và hải cảnh của TC “tự nhiên” xuất hiện nhiều hơn trên vịnh Bắc Bộ. Các đơn vị bộ đội đặc biệt “không biết thuộc bộ chỉ huy nào” được triệu về thủ đô để bảo vệ ĐH. Dường như trong lịch sử ĐCS VN, chưa có một ĐH nào được bảo vệ chặt chẽ đến mức như vậy.

Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí Thư và nói nhỏ nhẹ đến “dễ thương”: “… được ban chấp hành TƯ…bầu tôi làm Tổng bí thư, gần như 100% tuyệt đối, đấy là tôi bất ngờ… tuổi tôi là cao nhất, sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng trách nhiệm của đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành”. 

Thực ra, người đắc cử chức TBT qua đại hội này không phải là ông Trọng, mà là ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã nắm được ĐCSVN, điều này chỉ có Mao Trạch Đông làm được với Hồ Chí Minh, khi chưa bị Lê Duẩn đề nghị “bác” ngồi chơi và “nghiên cứu lại các tập thơ” đã sao chép.

Các phe phái trong ĐCS VN đã có những tranh chấp dữ dội kể từ sau ĐH 12. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ được cử sang giữ chức phó chủ tịch quốc hội, giúp việc gì đó cho bà Ngân CTQH. Việc này tương tự như lúc ĐT Võ Nguyên Giáp được thăng thẳng sang chức Chủ tịch Ủy ban Sinh đẻ Có kế hoạch, dưới triều Lê Duẩn. 

Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, “không biết đi lạc ở đâu” không thấy về làm việc. Tư lệnh quân khu 2, tướng Lê Xuân Duy, “đột ngột qua đời”. Mười một ngày sau khi tướng Duy chết, bí thư và chủ tịch tỉnh Yên Bái nơi Duy làm việc bị giết. Vụ ám sát đôi này được tròng vào đầu Đỗ Cường Minh, được cho là tự tử sau khi gây án bằng cách “tự bắn vào gáy”.

Các tay anh chị trong ngành ngân hàng: Hà Văn Thắm, Trầm Bê, Trần Bắc Hà lần lượt sa lưới. Tay dính dầu Trịnh Xuân Thanh, BT tpHCM Đinh La Thăng, và bé hơn một chút, Vũ “Nhôm” cũng không thoát. Gần đây nhất, CTN Trần Đại Quang bị nhiễm bệnh lạ và qua đời, sau cái chết giống đến lạ lùng của Nguyễn Bá Thanh mấy năm trước đó. Buổi chiều, ở Trung Nam Hải, ngồi nhâm nhi ly rượu Mao-Đài thượng hạng, có đứa bé bên cạnh đang chơi game chiến tranh robot, ông Tập cười một mình.

2024
Tháng 3-2019, VN tổ chức hội nghị Trump-Kim, người ta không thấy ở đó có bất kỳ một sự tương đồng nào giữa Mỹ và Hàn Cộng về vấn đề giải giới vũ khí hạt nhân, nhưng có thể thấy rõ một liên minh chặt chẽ giữa Trung Cộng-Việt Cộng-Hàn Cộng. 

Đối với Tập, Trump là một ông già bị bệnh khó ngủ, cứ khoảng sáng sớm là nhảy “tuýt” lung tung trên mạng xã hội. Trump cần một người trẻ hơn để đi dạo chơi, và cậu Un đã được Tập đề nghị để cùng thư giãn với ông Trump một chút. Sau đó, hai người Trump-Kim đã dắt tay nhau đi vòng vo ở Singapore và Hà nội, rồi… về.

Nếu Trump ngồi tiếp được ở Nhà Trắng thêm được một nhiệm kỳ nữa, ông cũng tiếp tục là một “ông già dễ mến” đối với Tập trong vấn đề VN. Việc duy trì chính sách “Một nước Mỹ vĩ đại là trên hết” là một sự hỗ trợ cho các chiến lược quốc tế đối với TC, bao gồm các chiến lược đối với VN.

Nếu Trump buộc phải rút lui, vị tân tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết các vấn đề mà Trump để lại, bao gồm các vấn đề pháp lý trong nội bộ nước Mỹ. Đây chính là thời điểm cho một BOT Việt Nam thiết lập trên con đường tơ lụa của TC.

Nguyễn Phú Trọng bước vào tuổi 80, có muốn gì nữa trời cũng không cho, nhưng nợ của Tập thì phải trả. Ngày 23/10/18, khi nhận chức CTN sau cái chết của Trần Đại Quang, ông Trọng lẩy Kiều rằng:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay


Những ngày tháng sắp tới có lẽ, ông phải nghe, từ ông Tập và nhiều phía khác, đối lại rằng:
Nghĩ mình phận mỏng tính chuồn (hả)
Nợ nần phải trả, không tròn biết tay (ta).

Nguyên Đại
16 Tháng Ba 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

17 tháng 2 2019

Trọng không lú, mà là láu!

Ngày này, 17-2, đúng 40 năm trước, năm 1979, Trung Cộng tấn công Việt Cộng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hệ thống tuyên truyền của ĐCS VN hoạt động với công suất tối đa, khuyếch đại lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam. 

Lúc đó không ai dám hát “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, ôi tình hữu nghị sáng như biển Đông…”. Bài ca con cá này VC đã hát suốt thời kỳ nhận viện trợ toàn diện của Trung Cộng để tấn công chính quyền Miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến tranh biên giới giữa VC và TC diễn ra chớp nhoáng trong khoảng một tháng nhưng đã cướp đi trung bình mỗi ngày, mỗi phía hơn 1000 nhân mạng. Quân chủ lực Trung Cộng sau đó kéo về phía bên kia biên giới, tàn sát mọi sinh vật và tiêu hủy mọi thứ, trên đường rút quân.

Sau năm 1979, chiến tranh vẫn âm ỉ ở mức độ cục bộ suốt 10 năm sau đó. Trung Cộng vẫn không ngừng, bằng mọi thủ đoạn, lấn đất, lấn biển. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc bây giờ đã nằm sâu trong phần đất thuộc quyền kiểm soát của Trung Cộng. Mặt trận biên giới Vị Xuyên 1984 -1989 với trận chiến đẫm máu ở Lão Sơn đâu có nhiều người biết. Báo chí đảng cũng không nói đến trong thời gian xảy ra chiến tranh.

Năm 1988, Lê Đức Anh ra lệnh không nổ súng và toàn bộ sĩ quan, bộ đội Việt Nam đóng ở đảo Gạc-Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, đã bị hải quân Trung Cộng tàn sát. Trong suốt 10 năm đó, hệ thống tuyên truyền của ĐCS VN vẫn không nhắc tới những trận đụng độ cục bộ giữa VC và TC. Tại sao? VC phạm những sai lầm chiến thuật, mất nhiều nhân mạng và cứ điểm?

Năm 1989, Đông Âu sụp đổ, và sau đó Liên Bang Xô-Viết tan rã, ĐCS VN mất chỗ dựa, họ buộc phải thương lượng với TC. Nguyễn Văn Linh đang cổ súy cho chính sách “Perestroika” theo mẫu mã của Liên Bang Sô-Viết, buộc phải khựng lại. 

Mật Ước Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) ra đời năm 1990, và VC bẻ hướng “đổi mới” theo kiểu của Đặng Tiểu Bình. Từ đó, hệ thống tuyên truyền của VC không được phép nói gì về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cũng như các cuộc đụng độ nhỏ hơn trong 10 năm sau đó. Rồi thì, như “quý vị đã biết”: “16 chữ vàng, 4 tốt” mà Trung Cộng ban cho VC ra đời.

Vài tuần trước, tự nhiên hệ thống tuyên truyền VC lại mở hết các loa về cuộc chiến biên giới 1979. Điều này làm ngạc nhiên không những “bọn phản động” mà các đồng chí “bò đỏ” cũng chẳng hiểu mô-tê, ất giáp gì cả, họ “hớ toàn diện”. 

Các ông GS-TS VC cũng bán tín, bán nghi, bèn phán rằng là phải tránh các từ nhạy cảm như “dã man” v.v… khi nói về sự tàn phá và tàn ác của quân Trung Cộng đối với các phụ nữ và trẻ em ở các tỉnh biên giới khi TC chiếm giữ các nơi này. “Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam” mở hội thảo về đề tài này lần thứ HAI, lần thứ nhất vào năm 1979!

Câu hỏi là, tại sao “nín” tới 40 năm, để rồi bây giờ mới cho “xả”? Chơi chiêu: “Trăm Hoa Đua Nở”, “Dụ Rắn Xuất Động”? Không, bởi vì kể từ khi internet và các trang mạng xã hội phát triển, không phải “trăm hoa” mà là “triệu hoa” đua nở, không cần đảng “cho phép”. Luật An Ninh Mạng (i.e. “Animal”) cũng không giải quyết được điều gì. Bắt “thằng” viết, không lẽ không bắt “thằng” “comment”, và rồi cũng phải bắt luôn “thằng” thích/ like và love/ “thả tim”. Bắt hết rồi thì nhốt ở đâu?…

“Gió đổi chiều”? Ngả hẳn về phía Mỹ? Không, cả hai phía Mỹ và VC đều chưa có sự chuẩn bị cho một lộ trình như vậy. Ông Trọng, cách đây không lâu cũng đã tuyên bố là “quan hệ Việt Trung chưa bao giờ tốt đẹp hơn…” và “kiên định đi theo con đường XHCN”.

Vậy thì, hà cớ gì mà cho mở hết “loa phóng thanh” như vậy? 

Trước hết, ai cho phép? Vụ này Trọng không gật đầu, không ai dám làm. Phúc và Ngân không thể đơn phương tự quyết việc này được. Vậy thì tại sao Trọng gật?

Dĩ nhiên không phải là ý của Tập Cận Bình. Tập không tâm thần đến nỗi yêu cầu bộ máy tuyên truyền của Trọng tấn công đảng, nhà nước và quân đội nhân dân Trung Hoa. Vậy là giữa Trọng và Tập có chút vấn đề. Ủa, mới dắt tay nhau đi như “không thể nào gần hơn nữa”, và Trọng ký một loạt 15 văn bản với TC, bây giờ là vấn đề gì?

Chỉ có thể giải thích bằng cách là: Tập muốn Trọng thực thi các văn bản đó, bao gồm mật ước Thành Đô, nhưng Trọng thì bảo rằng, chưa được, cần phải có thời gian. Mật ước Thành Đô, mấy “đồng chí” ký xong, qua ải rồi, ăn nhậu và hạ cánh an toàn hết, bây giờ bảo “tớ” thực thi… “Tớ” cũng “thất thập cổ lai hy” và từ xưa tới nay tớ chỉ có dưới chủ tịch Hồ Chí Minh, còn thì không thua cho bất kỳ một đồng chí TBT nào cả trong lịch sử Đảng CSVN để có thể vừa nắm công an, quân đội, chủ tịch nước và TBT đảng. “Lú” thì là do tụi nó đặt thôi chứ, tớ “đâu có ngu”!

Trong khi đó, quyền hạn của Tập cũng chỉ có sau mức của Mao Trạch Đông lúc còn tại thế chứ tuyệt đối không thua bất kỳ ai cả, kể cả Đặng Tiểu Bình. Tập muốn VN phải là một khu vực tự trị, hay ít nhất phải để Tập kiểm soát biển Đông, trong lúc Tập còn đương quyền, chứ không “hẹn hò” gì cả. Tập không muốn bị Trọng cho “leo cây”, và leo “cho đến bao giờ”.

Vậy thì phải làm sao? Vũ khí, quân đội, kinh tế, tất cả mọi thứ đều bị TC khống chế. Kinh tế? Tiền không đủ để trả tiền lời vay từ ngoại quốc, làm sao đấu với ông chủ nợ của thế giới. Vũ khí, quân đội? Các tướng lĩnh VC quá “tâm tư” trong việc làm kinh tế, nên không đủ tài lực để đương đầu với một cuộc chiến như năm 79, nhất là không có sự hậu thuẫn của một cường quốc. 

Bây giờ, chỉ còn là “nòng” người thôi. Mở “loa” lên để Trọng có cớ nói với Tập rằng: “bác” thấy đấy, tớ bảo chưa được mà, lòng người dân Việt Nam sùng sục thế kia, bác không cho thời gian thì tớ phải làm sao? 

Mở “loa” cho phép hệ thống tuyên truyền, tuyên giáo hoạt động hết công suất về cuộc chiến 1979 sẽ được lòng các đồng chí đi lên từ cuộc chiến chống bành trướng Trung Quốc. Đồng chí X trước đây có nói một câu được lưu chú khá nhiều là “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông…”. Tập ghét câu này của Dũng nên đã giúp Trọng đưa Dũng về: vừa làm “người tử tế”… vừa run. 

Còn Trọng bây giờ cho nguyên cả một bộ máy tuyên truyền phản kích Trung Cộng, như vậy so với các đồng chí trong đảng, Trọng “ngon” hơn đồng chí X nhiều. Các đồng chí “anh hùng các lực lượng vũ trang” lại gần bên tớ, sao lại đứng xa thế kia, đừng sợ… Tớ chỉ “thịt” đồng chí X vì nó vừa ăn tạp vừa láo, chứ các đồng chí thì không việc gì phải sợ…

Mở “loa” vừa được tiếng là “không hèn với giặc” như bọn “phản động” vu vạ. Các ông chửi TC, thì bây giở tôi cũng chửi TC, chúng ta là “khúc ruột” dẫu “ngàn dặm”, bây giờ các ông muốn sao, hử?

Mở “loa” và đăng cai tổ chức hội nghị Trump-Kim, Trọng gởi một thông điệp tới Trump rằng: Ông cứ yên tâm, ông không thích TC, tui cũng vậy. Chừng nào ông còn cho chiến hạm đi tuần ở biển Đông, thì chừng đó TC không nuốt được biển Đông, và tui cũng không cho TC vào hẳn VN, và ông thấy đó “quân của tui đang chửi nó xối xả” đó, ông cứ làm Tổng Thống của ông, tui làm Tổng-Chủ của tui, vậy nhé!

Cái chiêu mở “loa”, “nhứt tiễn xạ hai ba con chim”, thực ra đâu phải dở… Trọng không lú a, mà là “láu” cá!

Nguyên Đại
17 Tháng Hai 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube




27 tháng 8 2016

Về "Đôi Lời" của Thái Bá Tân

Tôi thích những vần thơ năm chữ của ông Thái Bá Tân (TBT). Tôi nghĩ có lẽ hầu như ai sinh hoạt Facebook (FB) cũng đều biết tới những vần thơ đó của ông. Tôi đọc ở đâu đó trên FB nói về một lưu ký (status) với đầu đề "Đôi Lời" của TBT và rất ngạc nhiên.

Tôi không tin là của ông, cho nên đã vào trang nhà của TBT để tìm bài này, và tôi đã thấy "Đôi Lời" ở đó, cùng với những bài thơ, những truyện ngắn của ông Tân. Nếu tất cả đều là của một ông Tân, thì xin có vài lời trao đổi với ông Tân, với sự tôn trọng:

1. "Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết..." [TBT]
Ông Trọng có phải là người liêm khiết hay không? Không ai biết, hay chính xác hơn, (tôi) chưa thấy có tài liệu nào về tài sản của ông như về các khối tài sản kếch sù của các quan chức CS khác. Hồi ông Nông Đức Mạnh là TBT, tôi cũng không nghe ai nói về tài sản của ông Mạnh, nhưng có lẽ ông Tân đã thấy những hình ảnh, và băng hình ghi lại cuộc viếng thăm của các phóng viên ở cơ ngơi ông Mạnh (sau khi ông Mạnh hết làm TBT).

Nói về "liêm khiết" có lẽ ông Trọng so với ông Hồ (HCM) sẽ có khoảng cách (theo báo đảng), nhưng có lẽ ông Tân không xa lạ với những tài liệu về ông Hồ, ngay cả từ những người là đồng chí của ông ở phía bên kia biên giới. Người ta đã từng tin tưởng vào sự vĩ đại, liêm khiết, mẫu mực của các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông... cho đến khi bị chính các đồng chí của họ phơi bày một cách rõ ràng. Tôi nghĩ ông Tân biết rõ ràng những điều đó.

Hitler là kẻ thù của cả hai phe cộng sản và tư bản, vì vậy cả hai phía đều không có lý do, và không thêu dệt những điều tốt về Hitler. Chuyện của Hitler đã được ánh sáng lịch sử soi rọi đến mọi ngóc ngách từ hơn nửa thế kỷ qua.

Trong suốt những năm tháng cầm quyền, Hitler chỉ ăn độc một món, tương tự như cháo trắng, cho bữa sáng, và di chúc của con người đã tạo nên Thế Chiến Thứ Hai cướp đi hơn 30 triệu sinh mạng viết rằng: "Tất cả những gì tôi có, những thứ có chút giá trị nào đó, đều thuộc về đảng [Đảng Đức Quốc Xã]. Nếu đảng không còn, thì là tài sản của nước Đức, và nếu quốc gia này bị tàn phá, thì điều này không cần quyết định của tôi nữa". Tôi không được biết đến bất kỳ di chúc nào của bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào có những lời lẽ nào tương tự như vậy.

Xét về chuyện "liêm khiết", nhiều lãnh tụ quốc gia của cả hai phía có lẽ cách Hitler một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, tham vọng quyền lực đã biến Hitler trở thành kẻ thù của nhân loại. Không vì "liêm khiết" mà lịch sử nhân loại không ghi nhận những tội ác của Hitler mà một trong số đó là việc đưa hơn 6 triệu dân Do Thái vào lò sát sinh.

Giả như ông Trọng "liêm khiết'', thì không phải vì vậy mà ông Tân không thấy việc ông Trọng im lặng trong suốt những tháng biển miền Trung gánh chịu những thảm họa do Formosa gây ra, một nhà máy của Trung Cộng mà ông Trọng đã cho phép nó hoạt động và hiện đang dung dưỡng nó.

Ông Tân viết : "... làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.". Những ngày cá chết trắng biển, Facebook như lên cơn sốt, ông Tân chắc có biết, và cũng có biết việc ông Trọng ghé thăm một cơ sở trồng rau sạch gần đó, nhưng không nhắc gì về thảm họa diệt chủng mà đồng bào đang gánh chịu. Tôi thật không hiểu lắm về "cái tốt" trong việc "làm quan" của ông Trọng, như ông Tân đã viết nó có ý nghĩa gì.

2. " Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu" [TBT]
Khi Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận tuyên bố về hải phận của Trung Cộng, ông Tân mới 9 tuổi, ông Tân có thể nói ông không biết. Nhưng, sau hiệp định Paris, quân Mỹ rút đi, viện trợ quân sự cho VNCH bị cắt xuống nghiêm trọng, và Trung Cộng tấn công Hoàng Sa, lúc đó ông Tân đã là một thanh niên trưởng thành, có lẽ đã tốt nghiệp đại học, không biết ông Tân có biết đến bất kỳ một văn kiện nào của "lãnh đạo ta" phản đối về việc chiếm giữ đó không?

Hôm nay, ở tuổi "thất thập cổ lai hy", có lẽ ông Tân không thiếu kinh nghiệm sống đến nỗi chưa từng thấy qua việc người ta dù vẫn ở trong căn nhà của mình; tuy nhiên căn nhà đó đã bán đi từ lâu, hay đã thế chấp gần như trọn vẹn cho ngân hàng.

Vua Bảo Đại của Việt Nam cho tới năm 1945 mới thoái vị, trong khi Việt nam đã là thuộc địa của Pháp từ hơn nửa thế kỷ trước đó, một người uyên bác như ông Tân đâu lẽ nào tin rằng các vua quan nhà Nguyễn từ sau năm 1884 mới là chủ nhân thật sự của nước Việt. Có lẽ tới tuổi gần đất xa trời, nếu ông Tân chưa có dịp đến các tỉnh phía Bắc biên giới Việt Nam, Trung Cộng, ông nên đi đến đó ít nhất một lần, biết đâu niềm tin của ông sẽ thay đổi.

Khi Tập Cận Bình sang Việt Nam, tất cả các phóng viên báo chí đều ở bên ngoài để theo dõi một cái tivi có hình mà không có tiếng, ông Tân thấy buồn không? Nếu như chính phủ của một quốc gia "độc lập" mà không có khả năng bắt giữ và truy tố một người phạm pháp đến từ một quốc gia "lạ", trong khi sinh mạng của ngư dân mình nổi trôi theo cơn sóng may rủi từng ngày, thì quốc gia đó có thực sự "độc lập" không, ông Tân?

3. "Ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy" [TBT]
Có lẽ ông Tân đang so sánh những gì ông đang thấy với những gì ông đã trải qua trong thời kỳ bao cấp, khi những người cộng sản làm kinh tế với những tư tưởng được viết ra từ cách đó một thế kỷ.

Khi so sánh, sự khác biệt nằm ở chỗ đối tượng đem ra so sánh. Khoảng năm 79, trong số hàng trăm những người tôi biết trong thành phố tôi ở, có khoảng vài đứa có "xế nổ", nó thuộc con nhà giàu, và có chỗ dựa chi đó, nên nó không sợ. Bây giờ, hầu như rất nhiều người có thể có một chiếc "xế nổ", không lẽ ông cho rằng người Việt đã "tiến bộ, và đổi mới lắm rồi đấy".

Không lẽ ông không biết rằng ông Lý Quang Diệu đã có lúc ao ước Singapore chỉ bằng Sài-gòn. Sau bao nhiêu năm, những con đường sau cơn mưa biến Sài-gòn thành hồ hôm 26/8 vừa qua nếu so sánh với những đường phố của Singapore, ông sẽ thấy khoảng cách đó dường như ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Nhiều thanh thiếu nữ Việt Nam có lẽ sẽ thấy thật sự đổi đời nếu họ có được một cơ hội để ra nước ngoài lao động, thậm chí là để bán thân, trong khi những người đáng tuổi ông ngoại, ông nội của họ, giống như ông, cười hài lòng với những "tiến bộ" mà ĐCS mang lại cho đất nước này, đó có phải là một nghịch lý, không thưa ông Tân?

4. '' Con người VN cơ bản tốt'' [TBT]
Ở đâu cũng có những tội phạm hình sự, những kẻ cướp, giết người, hãm hiếp...Nước Mỹ, nơi đạt được những tiến bộ khoa học có thể gọi là số một trên thế giới hiện nay cũng không ngoại lệ. Luật lệ tự do sở hữu súng ở một số tiểu bang của nước Mỹ tạo ra không ít những bi kịch cho nhiều người vô tội.

Vấn đề không phải là có hay không, mà là mức độ, tỉ lệ. Không lẽ ông không thấy sự việc bạo lực ở học đường là đáng báo động, không lẽ chứng kiến cảnh người trẻ liếm ghế ngồi của các sao Hàn, ông không thấy xót xa. Không lẽ ông không thấy nhiều ngôi chùa ở VN hiện nay họ thờ tượng của một ông gì đó, hao hao hoặc giống như đúc, ông Hồ.

Không lẽ ông không thấy các quán nhậu Việt Nam mở tưng bừng từ sáng tới khuya và hàng tỉ lít bia rượu được bán ra trong một năm không phải là điều đáng chú ý, và là "cơ bản vẫn tốt". ĐCS trong mục đích duy trì sự cầm quyền đã tạo nên những chia rẽ sâu sắc các thành phần trong xã hội để họ không thể tập hợp lại được.

"Đoàn kết" nhưng phải dưới ngọn cờ của đảng, và trong đảng thì họ thanh toán lẫn nhau, một xã hội phân rã, những tuổi trẻ mất định hướng hoặc bị tẩy não không thể là "cơ bản tốt" được. Không bi quan, nhưng không thể chữa một căn bệnh hiểm nghèo bằng thuốc giảm đau mang nhãn hiệu "xuyên tâm liên".

5. "Tôi ...biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới" [TBT]
Khi những ngư dân Hà Tĩnh nhận những hạt gạo hỗ trợ của chính quyền CS, sau khi Formosa đã chiếm biển và cơ hội sinh sống của họ, những hạt gạo đã bị mốc xanh, đến gà chó cũng không ăn; tôi không biết có người nào biết ơn chế độ vì đó là gạo chứ không phải là sắn, hay bo-bo như những ngày chiến tranh, bao cấp.

Tôi cũng không nghe nói đến họ biết ơn chính phủ vì họ có thể xuất ngoại - sang Lào để kiếm sống - chứ không như thời chưa "đổi mới" mà việc mang vài cân gạo từ vùng ngoại ô lên thị trấn gần đó là một việc làm "phạm pháp".

Chính vì vậy, khi đọc những dòng "biết ơn" này của ông Tân, tôi không khỏi sửng sốt. Tôi tin là ông Tân cũng sẽ gặp những người đã trải qua thời bao cấp, họ có thể nói thẳng với ông rằng, thời bao cấp người ta sống còn có "chút tình" hơn bây giờ nhiều lắm.

Và, dù đói, nhưng hồi đó có lẽ ít người mắc bệnh ung thư hơn bây giờ nhiều, và thức ăn thiếu thốn lắm, nhưng nếu họ có được miếng rau, cục thịt mỡ, thì họ cảm thấy khá ngon vì biết nó không có chất độc. Không lẽ nào, một trí thức lão thành và tên tuổi như ông Tân, lại không thấy nước Việt có những bước lùi đáng sợ như vậy, và cảm ơn chế độ về những "đổi mới", "tiến lên" đó.

6. "Tôi tin...sớm muộn gì sẽ có dân chủ và tự do thật sự" [TBT]
"Chủ Nghĩa Xã Hội nhất định thắng lợi", từ năm 1917 người ta đã nói như vậy rồi, và nhiều người cũng đã tin như vậy, nhiều thế hệ trẻ ở một nửa nhân loại cũng đã đổi sinh mạng của mình cho một niềm tin như vậy.

Nhưng từ khi các sĩ quan Liên Xô không còn tin như vậy để từ chối quay nòng súng xe tăng vào phong trào dân chủ; từ khi Đức Giáo Hoàng người Ba Lan thổi bùng khát vọng độc lập của những người dân cùng quốc gia của ông thì thế giới đã chứng kiến những đổi thay. Sự thay đổi không phải đến từ niềm tin mù quáng mà là sự thức tỉnh thật sự để nhận diện đúng-sai.

Khi một bác ngư dân, không nhiều chữ nghĩa, nói rằng "các ông không làm được thì xuống đi, để người khác làm..." và "đừng coi thường chúng tôi quá, vì chúng tôi không có gì để mất", tôi hiểu là bác đã thấy rất rõ trắng-đen, đúng-sai hơn cả một trí thức uyên bác lão thành trong khi tin rằng ông Trọng liêm khiết (gần) giống như ông Hồ, "quan như thế là tốt", "lãnh đạo ta không bán nước", và cảm ơn những đổi mới mà chế độ đem lại cho dân tộc này...vẫn, mặt khác, tin rằng dân chủ và tự do "sớm muộn gì cũng sẽ tới".

Vài hàng thô thiển "kính lão đắc thọ" gởi đến ông Thái Bá Tân.

Nguyên Đại
27/8/16

Đã đăng trên:
Trang "Ba Sàm" - Cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Vỉa Hè



***************************
ĐÔI LỜI
Fb Thái Bá Tân, 25/8/16, 2.30pm

Thái Bá Tân. Ảnh: Internet
Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.

Nói rõ thế này nhé.

Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.

Nhân tiện:

1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.

2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.

3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.

4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.

6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.

Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.

Hơi thật thà quá. Xin lỗi.

29 tháng 1 2016

Ai thắng?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thắng trong cuộc đua về chiếc ghế Tổng Bí Thư ĐCS. Ông Trọng có biệt danh là "Trọng Lú", vậy thì ông có lú không? Và, tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà trước đây, tưởng chừng như chiếc ghế TBT đã ghi tên ông và chỉ cần ông đến là có thể chễm chệ ngồi vào, lại phải "xin rút" tên trong danh sách ứng cử?

Ngược lại với mấy năm trước, khi mà Vinashin chìm xuồng, ông Dũng tưởng như phải bị kỷ luật, nhưng đến lúc phải đem ra hội nghị mổ xẻ, thì trong khi ông Dũng điềm nhiên ngồi khảy móng tay, ông Trọng đã không dám gọi thẳng tên ông Dũng. Sau đó Dũng được Trương Tấn Sang đặt cho biệt danh là "Đồng chí X.". Trước đại hội đảng 12, có người đã nói rằng ông Dũng là Thủ Tướng có nhiều quyền hạn nhất, và ngược lại ông Trọng là TBT ít quyền hạn nhất, trong lịch sử đảng CSVN.

Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời tương đối rõ ràng có lẽ phải đợi nhiều năm nữa, khi mà một số thông tin được bạch hóa, và khoảng vài chục cuốn hồi ký ra đời, thì sự đấu đá khốc liệt trong thâm cung của đảng CS mới có thể một phần nào được hé lộ. Người viết bài này chỉ chia sẻ một vài suy nghĩ để rộng đường dư luận.

Ông Trọng đã tuyên bố Tổng Bí Thư (TBT) phải là người miền Bắc và phải là người có lý luận. Không kể đến tác hại của tuyên bố này đối với sự đoàn kết dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị chia cắt vì thuộc địa và nội chiến, tuyên bố đó rõ ràng phản ánh sự chia rẽ và phân biệt vùng miền trong nội bộ ĐCS. Đối với ông Trọng mà nói, nó có lợi cho ông trong việc lôi kéo các đảng viên gốc miền Bắc về phía ông, và đặt ông Dũng ở thế đối đầu với họ. 

Tuyên bố đó coi như một lời tuyên chiến giữa hai ông Trọng và Dũng trước thềm đại hội. Chia rẽ là kẻ thù của sự hợp tác và phát triển, nhưng nó thường xuyên được sử dụng như là một vũ khí của những chính trị gia. Trước mắt bàn dân thiên hạ thì ông Trọng có vẻ như "lú" càng "lú" hơn khi tuyên bố như vậy, nhưng đối với nội bộ ĐCS thì coi như sau một tiếng chuông mở màn cho hai võ sĩ quyền anh thượng đài, ông Trọng đã đánh trước một cú "direct" (cú đấm thẳng trực tiếp). 

Trong khi đó ông Dũng được biết đến như là một người cấp tiến, thân Mỹ, có thể trở thành một Putin phiên bản Việt Nam. Sau vụ Vinashin, ông Dũng trở nên như một nhân vật bất khả xâm phạm. Thực tế cho thấy, ông Dũng sau những năm tháng trong các chức vụ khác nhau đã tạo nên một hệ thống quyền lực chằng chịt, một đế chế Mafia. Ở đó, quyền lực có thể được phân chia cho những thuộc cấp tin tưởng và thân nhân gia đình; nhưng trụ cột chính, mũi nhọn quyền lực vẫn phải nằm trong tay một "Bố Già".

Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình
Người ta nói ông Dũng thân Mỹ và Tây Phương, nhưng thực ra ông được tập thể các nhân vật nặng ký trong Đảng giao nhiệm vụ làm gạch nối (chính) giữa ĐCSVN với thế giới tư bản; và ông Dũng đã lợi dụng điều này để mở rộng quyền hạn đế chế của riêng ông, cũng như củng cố lợi ích những phe nhóm có liên hệ hay chịu ảnh hưởng. 

Điều đó cũng phản ánh chính sách ngoại giao đu dây của ĐCSVN, một chính sách nhằm kéo dài sự tồn tại của của ĐCS hơn là một chiến lược dài hạn nhằm vào sự phát triển đất nước. Bản thân các ông Dũng, Trọng cũng không muốn bị cho là đứng hẳn về một phía: hoặc Mỹ hoặc Trung Cộng. Ông Trọng vẫn thăm dò sự ủng hộ của Mỹ khi viếng thăm chính thức TT Obama. 

Và, trong khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Dũng đã muốn chứng minh rằng ông cũng được sự ủng hộ của ông Tập qua việc hai ông "ôm qua ôm lại" đến ba lần khi gặp nhau ở VN mấy tháng trước đây. Cho dù là bản thân của các ông, khi ôm nhau như vậy, đã không phải ngây thơ đến nỗi tin tưởng rằng sẽ "sống chết có nhau", nhưng "diễn được thì cứ diễn", tại sao lại từ chối việc "tương kế tựu kế".

Đối với Trung Cộng, mà người đại diện là ông Tập, thì việc lựa chọn giữa ông Dũng và ông Trọng không phải là một câu hỏi khó khăn. Tại sao không chọn cho "người anh em" một ông già lèm nhèm, tham quyền cố vị, không có quyết sách, giỏi việc hậu trường, trung thành với thiên triều; mà phải ủng hộ cho một người giảo hoạt hơn, có khuynh hướng thân Mỹ hơn và đã từng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ chủ quyền Việt nam đối với các vùng biển và quần đảo Hoàng-Trường Sa. 

Câu trả lời là dễ dàng và dứt khoát; cho dầu cách đây một thập niên, chính họ đã ủng hộ cho ông Dũng vào các chức vụ quan trọng vì tin tưởng ông này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước (và ông này đã thi hành khá nghiêm chỉnh). Trong khi Mỹ không ủng hộ ông Dũng, như vụ đảo chánh năm 1963; và ông Trọng được sự ủng hộ của Bắc Kinh, thì ông Dũng không có cách nào an toàn hơn là đi phía sau ông Trọng.

Ông Dũng nên sớm hiểu là ông đã hết giá trị sử dụng đối với Trung Cộng, vì những người thay ông sẽ mở đường mạnh hơn và rộng hơn cho sự xâm lược của Trung Cộng vào Việt Nam bằng cả hai cách ngấm ngầm và công khai. Người ký bản án tử hình cho sự nghiệp chính trị của ông Dũng, không phải là một ông già đang say men chiến thắng ở gần hồ con Rùa vừa chết, mà chính là đồng chí Tổng Bí Thư kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Trung Cộng Tập Cận Bình, người vừa nồng nhiệt ôm ông Dũng cách đây không lâu. 

Việc ông Nguyễn Sinh Hùng sang yết kiến ông Tập trước ngày đại hội ĐCS không có gì khác hơn là khẳng định lần cuối cùng sự tồn tại của một bản án như vậy đối với đồng chí X. Có thể nói người thắng cuộc trong cuộc đấu đá vừa rồi trong nội bộ ĐCS VN không phải là một ông "chánh tổng" đang bắn pháo bông ở Bắc Bộ Phủ, mà chính là ông Tổng Chánh ở Trung Nam Hải.

Đồng chí Tổng khẳng định thêm sự ủng hộ của Bắc Kinh cho phe của ông Trọng bằng cách cho tàu đánh cá trá hình và giàn khoan áp sát Vịnh Bắc Bộ và cho máy bay gầm rú trên không phận Việt Nam trước thềm ĐHĐ cũng vừa để đo lường sức mạnh quyền lực và quyết tâm của ông Dũng, cũng như thăm do phản ứng cứng rắn của CSVN nói chung. 

Thực tế cho thấy là chính phủ Việt Nam chỉ phản ứng có lệ, và ông Dũng cũng không khẳng định sức mạnh quyền lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền như đã từng tuyên bố. Thực ra thì ông không thể có đủ thời gian để đối phó với quá nhiều mũi tấn công trong một thời gian ngắn như vậy. Mô hình "đế chế Mafia" có khả năng bảo đảm uy thế của ông đối với hệ thống mà ông tạo ra không có khả năng bảo vệ ông đối với đòn "đánh hội đồng, có hậu thuẫn" mà phe ông Trọng và Bắc Kinh tiến hành.

Nhưng chỉ như vậy không cũng chưa đủ, phe ông Trọng đã âm thầm chiêu dụ các "tướng tá" trong hàng ngũ của ông Dũng, trong số đó ông Phúc được nhắm đến đầu tiên, vì là người "cực kỳ" giảo hoạt và tham vọng, mặc dù ông đã chứng minh sự trung thành giai đoạn của mình đối với ông Dũng trong việc hạ gục ông Nguyễn Bá Thanh. 

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là sẽ thay ông Dũng sau khi ông Dũng chính thức về vườn, đã từng là một cộng sự, cánh tay đắc lực của ông Dũng. Với mục tiêu là ông Dũng, phe ông Trọng có thể thỏa thuận ngay cả với lãnh chúa của địa ngục. 

Ông Trần Đại Quang, cũng nằm trong tầm ngắm này, và khi gió đã có vẻ đổi chiều, ông Quang không thể không dương buồm theo hướng gió. Những ngày trước đại hội, Hà Nội rung chuyển với "lực lượng chống khủng bố, bảo vệ ĐHĐ". Những bệnh nhân tâm thần cũng không tin là khủng bố Hồi Giáo lại rảnh đến độ đi tấn công ĐHĐ CSVN. 

"Các thế lực thù địch" thì không đủ mạnh để làm chuyện đó, và phe ông Trọng cũng không cho ông Dũng thấy là ông Dũng "bị dồn vào góc tường" để phải chọn một sinh lộ cuối cùng trong tử địa. Cuộc hành binh bảo vệ ĐHĐ không có gì khác hơn là chứng tỏ sự mất kiểm soát của ông Dũng đối với công an và quân đội. Lẽ tất nhiên là ông Dũng không đơn phương chủ trương cuộc hành binh này để có thể bị rớt ngay xuống thung lũng tử thần.

Nhưng tại sao một đế chế Mafia của ông Dũng có thể tê liệt nhanh như vậy, cho dù nó đã rất hữu hiệu trong vụ Vinashin. Câu trả lời, theo người viết, vẫn là ở ông Tổng, xin lặp lại: ông Tổng Chánh Tập Cận Bình chứ không phải ông chánh tổng Nguyễn Phú Trọng. 

Tình báo Hoa Nam đã thâm nhập đến mọi ngóc ngách quyền lực của cả hai phe: Trọng và Dũng, và khi được bật đèn xanh thì họ muốn bên nào thắng thì bên đó có muốn hy sinh chọn thua cũng không được cho phép. Cho dù ông Dũng có cho đàn em phủ đầu ông Trọng trong kỳ họp đầu tiên rằng ông Trọng bán đất biển cho Tàu, làm tay sai cho Trung Cộng v.v... thì với sự giúp đỡ của tình báo Hoa Nam, phía ông Trọng cũng đã chuẩn bị cáo trạng dài hơn 300 trang về các hoạt động "Mafia" của ông Dũng với đầy đủ vật chứng, nhân chứng, trong số đó có những người mà ông Dũng đã hết sức tin tưởng. 

Giống như nàng Kiều khi biết Sở Khanh là người của Tú Bà, ông Dũng không còn cách nào hơn là chấp nhận ký đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử và lùi lại đi phía sau ông chánh tổng Trọng. Dù vậy, không thể coi thường ông Dũng cũng như lính và tướng của ông ta. Cả hai phía đều đi đến một sự thỏa thuận ngầm vì lẽ phía ông Trọng dù "thắng nhanh, thắng đẹp" thực lực ông Trọng có vẻ như "đồ mã" nhiều hơn, và chiêu "dĩ hòa vi quý" được đưa ra để bảo vệ sự toàn vẹn tạm thời của ĐCS. Phía ông Dũng cũng cần thời gian để thu dọn, cài cắm, và quan trọng nhất là "hạ cánh an toàn".

Chế độ cộng sản và một nền dân chủ thật sự không thể đứng chung, như nước và dầu, như ban ngày và ban đêm. Mơ ước, khao khát của một dân tộc cũng chỉ mãi là mơ ước chừng nào mà bất hạnh ra đi nhường chỗ cho sự xuất hiện những kỳ duyên. Có vẻ như ngày đó trước mắt vẫn còn xa...

Nguyên Đại
29/1/2016