Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời Sự. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời Sự. Hiển thị tất cả bài đăng

22 tháng 8 2021

PHIẾM: ĐẤU GIÁ VIỆT NAM

Tuần sau, bà Kamala Harris, nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ đến Việt Nam. Bà cũng là phó tổng Mỹ đầu tiên có nguồn gốc Phi Châu và Á-châu.

Tại sao bà không “ở nhà cách ly” mà “đi thẳng vào tâm dịch” thế này, lúc mà “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” tiến về thành phố Hồ Chí Minh, vào nửa đêm nay (22-08-2021), để chống dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra? Và, cơn hậu chấn chính trị ở Afghanistan vẫn chưa lắng dịu.

Nội các của ông Biden vẫn quyết định không dời ngày chuyến đi ngoại quốc lần thứ hai của bà Harris trong vai trò phó tổng thống, hình như muốn đẩy bớt sự chú ý của giới truyền thông về tình hình A-phú-hãn, rằng Mỹ thu lại vai trò ở Trung Đông để chuyển sức mạnh về Đông-Nam Á.

Thêm vào đó, đây là thời điểm mà cơn khát vaccine Mỹ dường như chưa bao giờ cháy bỏng hơn đối với Việt Nam. Quân đội đã được triển khai như một giải pháp chống dịch cuối cùng, để khắc phục hậu quả của việc tiêm vaccine viện trợ cho quan chức, công cụ bảo vệ chế độ và gia đình của họ, thay vì là các nhóm người có nguy cơ cao nhất, dẫn đến tình trạng mà thi thể của dân trong vùng dịch cứ chồng chất từng ngày.

Lọ vaccine Mỹ chắc chắn sẽ là món quà đầu tiên được bà Harris đặt lên trên bàn đàm phán với các lãnh đạo chính phủ đảng CSVN. Cái gì sẽ được đưa ra từ phía “đối tác toàn diện” Việt Nam, trong cuộc thương lượng này?

                                                                                    ***  

Ngài thủ tướng rất thích dùng những lời lẽ có cánh của Việt Nam mà chúng ta có thể tưởng tượng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra, qua hình ảnh ngài ngước nhìn lên khẩu hiệu rất to, dưới hình bác “Không có gì quý hơn…”, nở một nụ cười rất tươi và dõng dạc:

Thưa bà phó tổng thống, ngày 25-11-2019, cũng tại thành phố Hà-Nội này, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng của chúng tôi, đã tuyên bố Sách Trắng (2019 Vietnam National Defence), sau hơn một thập kỷ nghiên cứu tư tưởng vĩ đại của bác Hồ là “Không Có Gì”, và đã phát triển từ “Ba Không” lên đến “Bốn Không”: “Việt Nam chủ trương [1] không tham gia liên minh quân sự; [2] không liên kết với nước này để chống nước kia; [3] không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; [4] không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Tôi mong bà đừng nghe lời của bọn “phản động” nói: đây là một chính sách “tự sát”, rằng: Không là thành viên trong bất cứ liên minh quân sự nào thì sức mạnh ở đâu? Không liên kết với các nước khác thì làm sao chống lại các khối, các liên minh quân sự khác? Không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thì lấy cái gì để “không cho” các nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, lấy cái gì để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tụi nó còn “hỗn hào” rằng: con chó nó còn biết sủa để giữ nhà, con chim con gà nó còn biết cào cấu khi tổ của nó bị xâm phạm, “không dùng vũ lực…hoặc đe dọa…” thì có khác nào phơi một con giun trước miệng gà.

Mặc dù chúng tôi đã vận dụng tư tưởng “Không Có Gì” của bác, nhưng các cựu bộ đội của chúng tôi cũng cằn nhằn là: từ ngày thành lập đảng chưa bao giờ có chuyện này: Bác Mao đã giúp bác Hồ chúng ta đánh Pháp. Việt Nam không nhận sự giúp đỡ, vũ khí và viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc thì làm sao đánh Mỹ? À quên, xin lỗi bà, “giành độc lập”. Bây giờ các ông tuyên bố “Bốn Không”, đâu khác nào “phủ định sạch trơn” đường lối lịch sử thành công của đảng ta.

Như bà thấy đấy, chúng tôi yêu chuộng hòa bình, nên không dám đánh nhau…Ồ! không, quân đội chúng tôi chuyển sang phát triển kinh tế để nâng cao khả năng tự vệ, chúng tôi không muốn đánh, chứ không phải không dám… Chúng tôi yêu chuộng tự do. Quân đội hiện đang sử dụng sức mạnh ưu việt từ vũ khí đã được hiện đại hóa để ghì chặt dân chúng thành phố Saigon không cho lây lan nước bọt, lẫn tư tưởng phản động.

Không muốn cắt lời, thiếu phong độ ngoại giao, bà phó tổng thống, vừa viếng thăm các binh sĩ Hải quân Mỹ trên chiến hạm Tulsa đang neo ở Singapore hôm trước, nhẹ nhàng lấy thêm ra một lọ vaccine của Anh quốc AstraZeneca đặt trên bàn và nói: Ngài nói đúng, “Nothing is impossible” và ”Không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có đồng minh vĩnh viễn”. Chúng tôi đang nghĩ tới việc thay đổi một kẻ cựu thù thành một đối tác chiến lược trong khu vực Đông-Nam Á.

Ông thủ tướng, nuốt nước miếng xuống (cho thấm giọng), rồi cao giọng: bà nói rất đúng “Không có gì là không thể”, rồi tiếp luôn (lật ngữa bài): Bà thấy đấy, chúng tôi vẫn nhớ là đã có cuộc chiến tuy ngắn nhưng rất đẫm máu với Trung Quốc, và hiện không có căn cứ quân sự nào của Trung Quốc đặt tại Việt Nam. Hải quân của chúng tôi vẫn đánh cá trong cảng Cam Ranh… Ồ không! ý tôi là bảo vệ các thuyền đánh cá. Chúng tôi không sử dụng Không Quân, vì vẫn còn đang điều tra vụ chiếc tiêm kích SU-30MK2 vỡ vụn trên vùng biển Nghệ An ngày 14-6-2016, và chiếc CASA 212 tan xác trên vịnh Bắc Bộ hai ngày sau đó.

Ông nở một nụ cười khó hiểu và tiếp luôn: Tôi biết có những căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển của chúng tôi, nhưng nếu Đệ Thất Hạm Đội không được lệnh chỉ ngắm hoàng hôn thì nơi đó đâu trở nên như bây giờ, không thể đổ hết cho cái công lệnh của một người tiền nhiệm của tôi, tên Đồng-Phạm được (viết theo thứ tự tiếng Mỹ).

Bà là một người rất giỏi ngôn ngữ, trước khi trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ; và dân chúng Việt Nam rất thích tiếng Mỹ, chẳng hạn từ ngữ: u + action = auction (Bạn + Hành Động = Đấu Giá). Trong một cuộc đấu giá, cái giá là do người mua đưa ra chứ không phải người bán, phải không thưa bà. Sách Trắng chúng tôi soạn thảo mới đây nói rất rõ ràng là “Bốn Không”…

Bà Harris không còn giữ kẽ nữa, mà bật cười lớn rất tự nhiên, nghĩ bụng: À thì ra, cái gọi là “Bốn Không”, thực ra chỉ có một “Không”, nghĩa là “không cho giá” trước. Là người có nhiều kinh nghiệm trong chính trường, bà thẳng thắn: Dù sao thì chúng tôi vẫn có một nền kinh tế đứng số một trên thế giới, và một quân đội mạnh nhất hành tinh, chưa kể các Đồng Minh. Chúng tôi có “số Một” đứng trước nhiều “số Không”. Không có khách mua nào có thể đấu thắng với chúng tôi, nếu chúng tôi quyết mua cho bằng được. Ông cũng biết đấy, khi đi mua nhà, “ngôi nhà” phải được chuẩn bị như thế nào, trước khi được cho giá.

Hiện Việt Nam phụ thuộc về Trung Quốc về mọi mặt. Bản thân ngài, trước khi nhận chức thủ tướng, đã cổ xúy tối đa cho các khu kinh tế đặc biệt của người Trung Quốc: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc. Sẽ là một điều khôi hài cho dân chúng Hoa Kỳ, nếu các binh sĩ thuộc các căn cứ chiến lược của chúng tôi ở gần đây đấu bóng chuyền với các “công nhân” Trung Cộng, trong các khu vực đặc biệt như Formosa chẳng hạn…

Tôi rất thích chữ “auction” của ông, nhưng cũng muốn nói thêm rằng, các cuộc đấu giá thường kết thúc bằng một tiếng búa gỏ xuống mặt bàn, dứt khoát và chát chúa.

Tôi cảm ơn các ngài về những tiếp đãi rất nồng hậu trong lúc quý ngài đang gồng mình đối phó với dịch bệnh. Tôi sẽ để lại vài lọ vaccine trên bàn, như một sự hữu hảo. Đồng sự của tôi sẽ thảo thuận thêm với thuộc cấp của ngài về một số người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ. Tôi sẽ đi Hawaii, sẽ nói chuyện với các binh sĩ hải quân của chúng tôi ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbour) về thất bại cũng như niềm tự hào của quân đội chúng tôi trong chiến tranh thế giới thứ hai, trước khi về lại Mỹ. Tôi chúc quý ngài sức khỏe…

Bà Harris chỉ ở lại Việt Nam một ngày sau khi làm việc ở Singapore ba ngày trước đó. Có lẽ, cố tổng thống Lý Quang Diệu của Singapore đã đúng, khi bắt buộc dạy Anh Ngữ cho học sinh từ nhỏ. Người Singapore nói tiếng Anh giỏi hơn nhiều so với các quan chức Việt Cộng. Bà Harris cảm thấy dễ hiểu người Singapore hơn, nên đã dừng lại ở đây lâu hơn nhiều, dù rằng diện tích Singapore chỉ nhỉnh hơn một phần ba diện tích của Saigon.

Nguyên Đại
22-8-2021

Hình:
1) Phó tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris. Nguồn Reuters
2) Số người chết hôm nay, dù chưa hết ngày 22-8, đã có 737 người chết, theo Worldometers.
3) Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25/11/2019. Nguồn: VOA Tiếng Việt


Đã đăng trên báo Tiếng Dân

17 tháng 8 2021

LÒNG DÂN KHÔNG THỂ "CHIẾN THẮNG"

Nếu ông Thủ Tướng (TT) chính phủ của đảng CSVN trước đây có những phát biểu làm nên thương hiệu của ông, như “cờ lờ mờ vờ”, “nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”… thì ông TT hiện nay ăn nói tốt hơn, “có tâm, có tầm” hơn, theo báo đảng.

Chủ Nhật tuần rồi, ngày 15/8/2021, ông Phạm Minh Chính, trong chức vụ Thủ Tướng chính phủ đảng CSVN hiện nay, đã phát biểu: “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, chiến thắng dịch bệnh là “chiến thắng lòng dân” và truyền thông đảng theo lệ cũ, đưa ông lên mây.

Người viết đóng góp ý kiến như sau để ông “chiến thắng lòng dân”: ông hãy công bố danh sách các lãnh đạo và thông tin chi tiết: ai, ở đâu, lúc nào, đã được chích vaccine gì? Ông sẽ được vinh danh là người nói và làm xuất sắc nhất trong lịch sử cách mạng, bởi dân chúng sẽ biết được vaccine tốt nhất đã được chích cho ai, sớm nhất vào lúc nào? Ông chắc chắn sẽ “chiến thắng lòng dân” sau khi công khai thông tin này. Tại sao điều ông và đồng chí của ông đã làm, ông lại không nói?

Còn bây giờ muốn giải quyết lượng vaccine Trung Quốc không hiệu quả, nhiều nước không công nhận, ông và đồng chí của ông lại cứ muốn chích cho dân thành phố “mang tên bác” sớm nhất để thành loại “tốt nhất”. Cách cư xử như vậy vừa xúc phạm tới bác, vừa không thể “chiến thắng lòng dân”, bởi dân ở thời đại 4.0 này không phải cứ nói, cứ thổi linh tinh là họ mát bụng. Ông coi thường họ quá, thì làm sao “chiến thắng” được lòng của họ.

Từ đầu mùa dịch, chính phủ của ông đã ỷ lại vào việc giãn cách, việc “bịt chặt” không cho virus đi qua, việc “chống dịch như chống giặc”, lập “đường mòn HCM trên không”, “trường kỳ kháng chiến”, hô các khẩu hiểu thời “đánh Mỹ”. Con virus không có liên hệ với ý chí cách mạng, với lòng dũng cảm, “chỉ đạo quyết liệt”, “chiến thắng lòng dân” gì cả. Con virus chỉ “sợ” vaccine. Nhưng, chính phủ của ông đã không có chính sách vaccine kịp thời và hữu hiệu, dẫn đến cái chết của nhiều người dân; điều đó là tội ác.

Những người nhiễm virus là nạn nhân, họ không phải là tội phạm, họ phải được giúp đỡ, không phải bị bắt nhốt (đi cách ly tập trung) trong điều kiện tồi tệ, và lìa xa với gia đình con cái của họ trong những ngày tháng đau thương, hoạn nạn nhất này. Chính sách “tách F0 ra khỏi cộng đồng” như trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam cũng là một tội ác. Không ai đối xử tàn bạo với người khác để lấy lòng của họ cả.

Giãn cách là biện pháp tránh lây lan, người thực hiện giãn cách phải có nhu cầu tối thiểu để sống còn. Người ở tù cũng phải được ăn, mặc, sinh hoạt tối thiểu. Giãn cách mà không tính đến việc bảo đảm đời sống cơ bản của người dân có khác nào nhốt họ lại trong tình trạng thiếu thốn những nhu cầu cơ bản nhất.

Ông Chính và các đồng chí của ông đã làm gì để bảo đảm nhu cầu tối thiểu, sống còn đó của người dân? Cái chỉ thị 16 gì đó: “người cách ly người, nhà cách ly nhà…” đọc cứ như thơ, đã làm cho hàng hóa không di chuyển, đẩy giá sinh hoạt lên đắt đỏ… Chỉ thị đó có khác gì việc giam người dân lại, bỏ đói họ. Dân đói mà, lòng của họ trống rỗng, cồn cào, thì có cái gì để cho ông “chiến thắng”.

Không chịu nổi cái đói, cái chết do dịch bệnh đang chực chờ, họ lên đường về quê, thì bị chận lại. Ông không thấy, không nghe những cảnh đời oan trái trên khắp các ngả đường Việt Nam? Con thú khi đói còn biết kêu gào, người dân chỉ chạy về nơi họ còn có chút hy vọng có miếng ăn, ông cho người ngăn họ lại. Bụng họ trống rỗng, nước mắt cũng không còn, họ không còn gì để cho ông và các đồng chí của ông “chiến thắng” cả.

Người sống không có gì ăn, lại không được chạy tới chỗ có cái ăn. Thân nhân của họ, người đã chết, họ không có tiền để chôn cất mai táng. Lòng dân đã chết, không còn gì nữa để ông và các đồng chí của ông chiến thắng. Cái mà họ nhận được từ ông và các đồng chí của ông, may ra, chỉ còn là những nắm tro… những tang tóc, thảm thương.



Họ đang chờ một cơ hội để tái sinh. Lòng dân đang nhóm thành cơn bão. Cơn bão trong lòng đại dương đang cuồn cuộn đến. Ông và các đồng chí của ông không thể chiến thắng được cơn bão trong lòng dân. Hãy nhận ra những điều đó trước khi quá muộn.

Nguyên Đại
17-8-2021


Việt Luận - Úc Châu - Sydney

16 tháng 8 2021

TALIBAN CHIẾN THẮNG "ĐẾ QUỐC MỸ"?

Hôm nay các chiến binh Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan chấm dứt cuộc chiến tranh với liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đây sau 20 năm, kể từ khi hai tòa tháp đôi ở New York bị nổ sập vào ngày 11/9/2001.

Taliban đã chiến thắng quân Mỹ?
Người ta so sánh ngày hôm nay ở Kabul với ngày 30/4/1975 ở Saigon, khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người Việt Nam ngơ ngác thời đó không hiểu sao một quân đội Mỹ đồ sộ lại có thể bị bại trận nhanh như vậy. 

Giờ đây, sau 46 năm, chính họ đã trở thành người Mỹ, có con em là các tướng lãnh trong quân đội Mỹ hiện nay. Ngay cả những người ở bên kia vĩ tuyến trước năm 1975, hiện nay đã có mặt ở Mỹ, là công dân Hoa Kỳ, và có thể có con em làm việc trong các tổ chức, công ty quan trọng trên đất Mỹ. Người Việt, ngoại trừ một số ít có vấn đề tâm lý, đều có câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi trên.

Các tướng lãnh trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ vài ba năm trước đó, khi mà các hành lang chính trị được nối lại giữa quân Mỹ và Taliban, kéo theo các hiệp ước ngưng bắn trong giai đoạn. Cũng vậy, người Mỹ đã chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, từ lúc Không Quân Mỹ ngưng oanh tạc Bắc Việt, và sau đó hiệp định Paris được ký kết giữa các chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt, và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, ngày 27/1/1973.

Sau khi tiến vào Afghanistan, đánh bại các căn cứ của Al-Qaeda, quân Mỹ không rút đi, mà ở lại đó xây dựng một chính phủ thân Mỹ, và một quân đội đồng minh mới ở đây. Khác với quân đội Đức Quốc Xã, và quân phiệt Nhật Bản, họ bị quân Mỹ và Đồng Minh đánh bại hoàn toàn, tiếng súng chiến tranh chấm dứt, ngưng hẳn, và họ bắt tay kiến thiết quốc gia sau chiến tranh. Ở Afghanistan và Việt Nam chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó. Việt Cộng nhận vũ khí của Trung Cộng và Nga-Sô cầm chân quân Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa Thủy Quân Lục Chiến vào cảng Đà Nẵng năm 1965. Taliban nhận vũ khí của một số quốc gia trong khối Ả Rập và Hồi Giáo tham dự một cuộc chiến hơn 20 năm, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khối Cộng Sản đã dùng Việt Cộng như một đội quân tiên phong cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Quân Mỹ không thể hoàn toàn đánh bại quân đội Việt Cộng, trừ khi khai chiến luôn với Trung Cộng và Liên Xô. Chiến trường Việt Nam không thể thắng bằng tiếng súng. Sau khi khai thác mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Nga Sô, Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) đã thõa hiệp với Bắc Kinh, và rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam.

Cũng vậy, cuộc chiến ở Afghanistan không thể chiến thắng bằng súng đạn, trừ khi tấn công luôn vào các đồng minh của Mỹ bao gồm Pakistan và Arab Saudi, trong số những quốc gia đã viện trợ vũ khí cho Taliban chống Mỹ. Mỹ rút quân, và quân Taliban reo hò tiến vào Kabul.

Quân Mỹ đã rút, không tham chiến nữa, năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, và hôm nay 16/8/2021 ở Afghanistan. Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, chiến trường sắp tới là ở đó. Đối thủ của Mỹ hiện nay là Trung Cộng, mũi súng của quân Mỹ quay về khu vực Đông Bắc Á. Đó là vấn đề thay đổi trong chiến lược. Chúng ta đều hiểu rất rõ, quân Mỹ không có “thắng” hay “thua” ở Việt Nam năm 1975, và hôm nay cũng vậy, họ cũng không “thắng” hay “thua” tại Afghanistan.

Khổ Đau?
Ừ thì: “dân tộc Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ”. Ừ thì: “những người học trò Hồi Giáo, cầm súng trường và lựu đạn đã chiến thắng Liên Xô, và liên quân Mỹ-Tây Phương”.

Dân tộc Việt Nam đã quá cay đắng với “chiến thắng” đó, hy vọng điều đau khổ này không lặp lại trên đất nước Afghanistan, nhưng có vẻ như còn quá sớm để có thể nói được điều gì, trong cơn say “chiến thắng” hôm nay.

Mỹ và Đồng Minh “thua” ở Việt Nam, nhưng 15 năm sau đó, toàn bộ khối Cộng Sản ở châu Âu sụp đổ. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ “thua” ở Afghanistan? Thắng, thua là điều có thể tranh cãi, có thể chưa biết rõ ràng sau một vài thập niên.

Nhưng, khổ đau là sự thật, không thể phủ nhận, không thể tranh cãi. Những đau khổ ngút trời của người Việt ở cả hai miền Nam-Bắc trong và sau cuộc chiến là không thể đong đếm. Nước mắt…biển khơi.

Nhìn xác của những người lính trẻ thuộc quân đội của chính phủ Afghanistan trước đây rải rác trong trên các ngọn đồi khô của một đất nước tan hoang sau bao năm dài chiến tranh, những người vài tháng trước đây còn say sưa với lý tưởng dân chủ tự do Tây phương…có nhớ lại thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa không?

Nhìn những chiến binh Taliban lớn lên trong cuộc chiến dường như chẳng biết gì ngoài súng đạn ngơ ngác trước những gì họ thấy tại thủ đô, tại các dinh thự người Mỹ bỏ lại, có nhớ những bộ đội Trường Sơn ngây ngô, đến tội nghiệp, ngày xưa không?

Nhìn lại cục diện hôm nay và năm xưa để thấy sự thật cuả “thắng” và “thua”. Một dân tộc tránh được chiến tranh mới là một dân tộc chiến thắng, một dân tộc có thể hòa giải những khác biệt mới là một dân tộc thật sự chiến thắng. Bài học đang ghi ở đó bằng lịch sử của dân tộc Việt Nam, bằng lịch sử của dân tộc Afghanistan hôm nay.

Nguyên Đại
16 Tháng Tám 2021

Hình: 
1) [Aamir Qureshi/AFP] Trang đầu trên một nhật báo của Pakistan về Afghanistan.
2) [Time Magazine] Việt Cộng chiếm Sai-gòn ngày 30/4/1975

Đã đăng trên báo Tiếng Dân:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive Tivi 20/8/2021





17 tháng 10 2020

Cơ chế "Cờ Lờ Vờ"

Khoảng 4 năm trước, ngày 2-12-2016, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân Hàng Phát Triển Á-Châu (ADB), thủ tướng Phúc đã gây “chấn động” trên cộng đồng mạng với bài diễn văn có một đoạn như sau: “Mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác của khu vực như: Tiểu vùng Mekong, ACMECS, Cờ Lờ Mờ Vờ và Cờ Lờ Vờ về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”. 

Ông Phúc, đương kim Thủ tướng Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, “đăng ký thương hiệu” “Cờ Lờ Mờ Vờ” và “Cờ Lờ Vờ” từ đó. Có ai vui tính tặng ông thủ tướng cái tên “Bảy nghẻo”. Người nói có thể nghẻo, bây giờ hoặc sau này; nhưng có vẻ như bảy (7) chữ nổi tiếng đó sẽ không bao giờ nghẻo, sẽ đi theo tác giả nhiều năm sau.

Nếu nói chín trong mười người Việt nam trưởng thành đều biết tác giả của bảy chữ đó là ai cũng không phải là quá cường điệu. Hình như nó trở thành tên gọi của một cơ chế? Cơ chế “Cờ Lờ Vờ”.

Có thể nói mà không sợ tranh cãi là diễn văn mà ông Phúc đọc đó do người khác viết. Vậy thì ai viết? Trình lên cho thủ tướng (TT) khi nào? TT có đọc trước không? Tại sao TT không kiểm tra lại với tác giả bài viết? Đành rằng rất tức, nhưng ông Phúc cũng đủ tỉnh táo để không khui một con “cờ” (một “đồng chí” đánh máy chẳng hạn) để đổ lỗi, bởi nếu khui ra sẽ “rối” và “thối” nữa; nên phải “lờ” và “vờ” đi.

Tương tự, một cuốn sách tập đánh vần Lớp Một do nhiều Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ biên soạn lại dính một loạt những lỗi “kinh hoàng”. Thử đặt một số câu hỏi tương tự: Ai viết? (Không lẽ mấy ông GS, TS đó mỗi người viết vài trang? Nếu vậy, thì ai viết trang nào?). Ai đọc lại để chỉnh sửa bản thảo? Ai ký phê duyệt bản cuối cùng trước khi cho in? Không thấy “khui” ra “con cờ” nào, bởi tương tự như trường hợp của TT Phúc, khui ra sẽ “rối” và “thối” nữa.

Trong vụ ông Phúc thì “lời nói thoảng gió bay”, nhưng vụ sách giáo khoa thì “giấy trắng mực đen” tới mấy trăm ngàn cuốn, không thể nào cứ nghẻo, cứ “lờ” và “vờ” đi là xong được. Dân mạng đâu chịu! Nên các giáo sư, tiến sĩ chủ biên phải đăng đàn “chữa lửa” rằng: phải nhìn cuốn sách như nhìn một cô gái, tổng thể “đẹp là được” còn soi chi tiết sẽ thấy vết đen vết trắng là chuyện thường, rằng giáo viên phải có nhiệm vụ giảng cho “trong sáng” sách giáo khoa, rằng học sinh lớp Một cần “hiểu cái sai” để “làm cái đúng” v.v…Càng chữa càng cháy, càng bao biện càng tào lao.

Vấn đề là bây giờ chỉnh sửa làm sao? Đồng loạt xé bỏ mấy trang đó? Tuyển lại một đội ngũ soạn sách giáo khoa khác? Vậy còn tiền tài trợ của chính phủ? Tiền bán sách có trả lại cho phụ huynh không? Tiền vô túi rồi, lỡ tiêu xài, lo lót cấp trên rồi, làm sao thối lại. Càng khui, càng “rối” và “thối”; vậy thì cái chắc sẽ là “lờ” và “vờ” đi, cho tới năm sau, lại “cải cách” tiếp.

Rồi tới vụ bão lụt hiện nay ở miền Trung, tin tức ghi nhận là có một tướng, một số sĩ quan cấp tá và úy trong quân đội đã đi cứu hộ và qua đời. Lại thử đặt một vài câu hỏi tương tự như hai vụ trên: Ai ra lệnh cho quân đội đi chống lũ? Ai yêu cầu quân đội tham gia cứu hộ? Kế hoạch như thế nào? Từ lúc nào, trong quân đội VN các tướng tá phải đi trước để nắm bắt thông tin trước khi ra lệnh, mà không phải là các đơn vị đặc nhiệm?

Ai phải chịu trách nhiệm về những hy sinh không cần thiết và những cái chết oan uổng của những tùy tùng, và người dân vô tội. Các tướng tá và sĩ quan đó đem theo phương tiện gì để cứu hộ? Đi bằng xe làm sao băng qua vùng lũ, và thấy được gì? Tại sao không dùng trực thăng v.v… Càng khui lại càng “rối”.

Điều “nhức đầu” trong vụ này là lần này liên quan đến “nước”, không phải “lửa” như vụ Đồng Tâm, nên không kiếm ra tụi phản động, khủng bố nào “đổ” nước mưa xuống hố làm cho các đồng chí phải hy sinh. Có vẻ như không thể (hay không nên) khui ra con “cờ” trong vụ này, nên phải kéo cờ rủ, phong liệt sĩ, rồi thì “lờ” và “vờ” đi.

Cơ chế “cờ lờ vờ” quả thật bi hài, như khởi thủy của nó.

Nguyên Đại
16 Tháng Mười 2020

Tham khảo:
https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/videos/1434804776532260/?v=1434804776532260

Đã đăng ở:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv 20/10/20

09 tháng 10 2020

Không Thể Nào

Ngày 6-10-2020, hội thảo về nhân quyền lần thứ 24 giữa Hoa Kỳ và Việt nam được tổ chức. Ngay khi hội thảo vừa xong, trong đêm 6-10-2020, công an CSVN bắt cô Phạm Đoan Trang, người thường xuyên chỉ trích các vi phạm nhân quyền của đảng CSVN, đặc biệt gần đây trong vụ Đồng Tâm. Cô Trang bị bắt theo điều khoản: Tuyên truyền, phát tán tài liệu chống nhà nước…, theo Điều 117, bộ luật hình sự của đảng CSVN 2015. Điều khoản này hình sự hóa các chỉ trích về đường lối cai trị độc tài của đảng trong việc điều hành đất nước.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt cách đây một năm, bị buộc “tội’’ theo điều khoản nói trên, hiện chưa rõ tin tức, như người viết đã đề cập gần đây trong bài “Ông Tiến Sĩ nào phải bị bắt”. Các tù nhân lương tâm, những nhà đối kháng bị bắt theo điều luật này “coi như” những tội phạm hình sự. Thế là, nhà nước “ta” “coi như” không có tù nhân chính trị.

Một cách đơn giản nhất, nhân quyền bao gồm việc được nói, viết, trình bày những điều mà mình suy nghĩ, đặc biệt là đối với việc làm bất công, thiếu minh bạch, gian dối của các viên chức trong bộ máy nhà nước. Đàn áp nhân quyền là bắt bớ, giam giữ, cách ly, tra tấn, thậm chí thủ tiêu những người chỉ trích, hay có tiếng nói không cùng quan điểm với đảng cai trị.

Nói theo cách dễ hiểu nhất, loài vật khi bị đau còn cất tiếng bi thương. Con người bị trấn lột hàng ngày khi đi ra đường, mất đất, mất nhà, giam cầm, tra tấn… nhưng buộc họ phải im lặng, đó là điều trái với luật tự nhiên, là điều không thể nào. Vì vậy việc bắt giữ, cách ly những tiếng nói bất đồng, không làm cho sự phản kháng dịu đi; trái lại chỉ chứng tỏ sự tối tăm, thất bại và bế tắt của nhà cầm quyền.

Có hai điều đã quá cũ, nhưng lẽ ra bộ máy cai trị của đảng cần phải “nghiên cứu”, chứ không phải là việc thể hiện “cơ bắp”; không phải những nụ cười cầu tài vì được quyền lực như ý, hay những bộ mặt méo xệch khi bị thất sủng.

Thứ nhất: Không có một nhà nước nào trong lịch sử con người có thể tồn tại bằng cách tiêu diệt những tiếng nói bất đồng. Lịch sử ngàn năm của con người đã chứng kiến sự xóa sổ của chế độ nô lệ, nơi mà chủ nhân có thể giết chết nô lệ bất cứ khi nào họ muốn. Hitler dù đã tổ chức một đội ngũ hàng triệu đảng viên trung kiên, trấn áp mọi tiếng nói đối kháng, cuối cùng cũng đã bị lịch sử nghiền nát.

Thứ hai: Ba mươi năm trước, toàn bộ khối CS Đông Âu và Liên Xô sụp đổ không phải vì vũ khí của Đồng Minh. Các chế độ đó sụp đổ vì sự bất bình của dân chúng đối với đảng cai trị ở những đất nước đó. Bộ máy cai trị của đảng CSVN không thể nào là ngoại lệ của lịch sử nhân loại. Người cộng sản không thể đi ngược lại quy luật tự nhiên.

Nhà nước ở các nước tự do không làm điều gì phức tạp. Họ chấp nhận đối lập và đặt ra luật “chơi” công bằng và minh bạch. Vậy đó, mà chỉ hơn hai trăm năm lập quốc, họ trở thành cường quốc số một hành tinh. Tháng sau, họ có bầu cử, và cho dẫu có như thế nào thì đất nước họ cũng bình yên và tiếp tục phát triển; bởi duy trì đối lập là lịch sử bình yên và phát triển trên đất nước của họ.

Những điều viết ở đây dường như có thể hiểu được đối với một học sinh tiểu học, bởi nó đơn giản hơn chuyện ngụ ngôn ở nước Nga mà “quý vị” vừa đưa vào chương trình sách giáo khoa lớp Một năm nay.

Sẽ là một điều không thể nào, nếu cho rằng, “quý vị” đang khăn áo đi dự Hội nghị Trung ương vào những ngày này, chưa từng được nghe những điều vừa đề cập ở trên hoặc tương tự như vậy. Quý vị chỉ không muốn hiểu, bởi vì toàn bộ tâm lực của quý vị đặt ở chỗ tranh giành và duy trì quyền lực.

Quý vị nhắm mắt và lao vào cơn bão quyền lực, cho đến khi bị chính đồng chí của quý vị tiêu diệt hoặc bị cầm tù, hoặc bị nhân dân chà đạp, nguyền rủa một ngày không xa. Quý vị đang đi trên con đường mang tên “Không Thể Nào”, và ngược với con đường tự nhiên của nhân loại.

Nguyên Đại
9 Tháng Mười 2020
_____

Đã đăng ở:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv - 11-10-2020 - Không Thể Nào
Nguyên Đại





01 tháng 10 2020

Ông Tiến sĩ nào phải bị bắt

Cách đây gần một năm, tháng 11-2019, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt với “tội”: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (1). Từ đó đến giờ không có tin gì về ông.

Ông Phạm Chí Dũng, quê ở Đồng Tháp, là nhà văn, nhà báo, Tiến sĩ Kinh tế. Cha của ông Dũng là ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy tp HCM. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Dũng về làm việc tại Ban An ninh Nội chính tpHCM. Ông đã từng phục vụ trong quân đội CSVN, và có 20 năm tuổi đảng (1993 -2013).

Ông viết rất nhiều về kinh tế và chính trị VN, phê bình đường lối cai trị của đảng CS đối với người dân VN. Năm 2012, ông bị công an CSVN bắt và giam giữ sáu (6) tháng về “tội”: “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Năm 2013, ông làm đơn xin ra khỏi đảng CSVN, vì theo ông, “đảng cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân”.


Năm 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đã vinh danh ông Phạm Chí Dũng là một trong 3 người Việt trong số 100 “anh hùng thông tin” trên toàn thế giới. Cùng năm, tổ chức giám sát về nhân quyền của Liên Hiệp quốc (UN Watch), đã mời ông tham dự hội thảo về nhân quyền ở Geneva, Thụy sĩ. Ông không đi được vì bị công an thu hộ chiếu tại phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon. Tháng 7-2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Năm 2020, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp hạng Việt Nam thứ 175 trên 180 về hồ sơ đàn áp nhân quyền (Trung Cộng hạng 177, và Bắc Hàn cuối bảng 180/180).

Cách đây một tuần, ngày 23-9-20, Võ sư – Tiến sĩ Phạm Đình Quý ở tpHCM bị bắt về tội tố cáo Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắk-Lắk đã “đạo văn” cho luận án tiến sĩ về “chân vịt” tàu thủy. Ông Quý bị công an Đắk-Lắk quy tội hình sự là “vu khống” (2).

Việc bắt giữ Tiến sĩ Dũng xảy ra một cách bài bản, có các nhà báo của đảng tham dự đưa tin. Nhưng, việc bắt giữ Tiến sĩ Quý xảy ra hết sức tùy tiện như một vụ bị “sơn tặc” bắt đem lên núi ngày xưa: Vây bắt trong đêm, đem lên “núi” (Đắk Lắk), không cho liên lạc với người nhà, sau đó gởi thư bằng đường bưu điện tới nhà báo tin.

Có một điều mà bộ máy cai trị của đảng không thấy (hoặc không muốn thấy) là: sự bắt bớ (điên cuồng) đó không dập tắt được tiếng nói phản kháng. Càng ngày càng có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo, trí thức bước sang hàng ngũ đối kháng với đảng.

Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của tiểu thuyết “Đất Nước Đứng Lên” viết về anh hùng “Núp” của Tây Nguyên, một tác phẩm điển hình của dòng “văn học cách mạng” mà bất cứ một học sinh trung học nào sau năm 1975 đều phải biết.

Năm 2015, cùng với 19 nhà văn, nhà thơ khác, Nguyên Ngọc tuyên bố rời khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam. Tháng 3-2018, ban tuyên giáo ra lệnh rút toàn bộ các tác phẩm của họ ra khỏi chương trình sách giáo khoa. Nguyên Ngọc, với bút danh Nguyễn Trung Thành, viết “Đường Chúng Ta Đi” tuyên bố rời khỏi đảng vào tháng 10-2018.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc, với bút danh Dương Hương Ly viết “Bài Thơ Về Hạnh Phúc”, “Mẹ đào hầm”, những bài thơ làm sôi sục bao nhiêu thế hệ trẻ đi làm “cách mạng”. Bùi Minh Quốc sau này phải viết “Cay Đắng thay” với: “Cái guồng máy nhục mạ con người/ Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất/…Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt/ Lại đúc nên chính cỗ máy này”.

Bùi Minh Quốc bị khai trừ khỏi đảng năm 1989 cùng với Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà văn, trí thức phản chiến ở miền Nam. Năm 2014, Bùi Minh Quốc cùng với Phạm Chí Dũng và một số nhà báo khác thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và giữ chức Phó Chủ tịch Hội.

Nếu trong thời chiến tranh, đảng đã kết hợp được một đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo nên dòng “văn học cách mạng” liều thuốc tinh thần cho nhiều thế hệ thanh niên “sinh Bắc tử Nam”; cán bộ văn hóa của đảng đã lợi dụng hoàn cảnh xã hội phức tạp ở miền Nam trong thời chiến để lôi kéo một số trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam “đi theo cách mạng”, thì sau khi đã có chính quyền, đảng đã không nuôi dưỡng được cái tinh thần cách mạng đó, không khơi rộng được dòng văn học cách mạng đó để phục vụ việc xây dựng đất nước trong hòa bình. Ngược lại, đã hủy diệt cái tinh, cái thần của phong trào cách mạng đó.

Cùng với một số người tiền nhiệm, ông “tiến sĩ xây dựng đảng” Nguyễn Phú Trọng hiện nay thực chất đã kế tục sự nghiệp phá hoại đảng, hơn là xây dựng. Ông không tập hợp được đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người có thực tài có thể kích hoạt và làm dâng cao những làn sóng cách mạng thật sự để phát triển đất nước.

Ông và hệ thống của ông không bảo vệ được cho những người có khả năng để họ phát huy được sức mạnh của họ. Những người tinh anh đó hoặc rời bỏ đảng, hoặc bị thanh trừng cô lập, hoặc bị tù, hoặc bị cho “nhảy lầu”, hoặc ra nước ngoài.

Ông đã xây dựng một đội ngũ gọi là “văn nghệ sĩ” thời đại mới có “một đống” bằng cấp vay mượn, ngụy tạo với một việc duy nhất là “Nịnh”, và tất cả những gì còn lại là khả năng liên kết với các nhóm lợi ích để làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của phụ huynh và con em học sinh dưới một nền giáo dục rỗng tuếch và sa lầy.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Tiến sĩ Phạm Đình Quý phải được trả tự do.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng mới chính là người phải bị bắt, ngay hôm nay.

Nguyên Đại
1 Tháng Mười 2020

_______

(1) Theo điều 117 bộ Luật Hình Sự của đảng CSVN năm 2015 (sửa đổi năm 2017)

(2) Theo điều 156 bộ Luật Hình Sự của đảng CSVN năm 2015 (sửa đổi năm 2017)

Đã đăng ở:

Đã đọc ở:
Nguyên Đại: Ông Tiến sĩ nào phải bị bắt - Ngày: 2-10-2020




30 tháng 9 2020

Không phải thánh

Quan hệ giữa luật sư và thân chủ trong một nhà nước pháp trị (không phải đảng trị) không đơn giản trong nhiều trường hợp. Không phải giống như tôi cần sản phẩm A, anh giao tôi đúng sản phẩm A thì nhận tiền. Sau đây là một vài ví dụ:

Nếu thân chủ không nhận tội (plead Not Guilty), luật sư phải cảnh báo thân chủ về những rủi ro có thể xảy đến khi thân chủ quyết định như vậy. Một trong những rủi ro đó là, tòa án có thể tuyên án phạt nặng hơn sau khi bồi thẩm đoàn kết luận là thân chủ có tội (Guilty).

Nếu thân chủ đã hiểu và chấp nhận rủi ro đó, đồng thời giữ nguyên quyết định “không nhận tội” của mình; thì vai trò của luật sư trước tòa là tôn trọng quyết định của thân chủ, tìm và chỉ ra những nghi điểm đối với các bằng chứng của bên công tố, cùng lúc trưng ra các bằng chứng có thể thuyết phục được bồi thẩm đoàn, rằng thân chủ của mình là vô tội.

Nếu luật sư đã tận sức và chuyên nghiệp, nhưng thân chủ vẫn bị tòa phán là có tội, luật sư đã hành xử theo đúng đạo đức nghề nghiệp. Họ hoàn thành vai trò chuyên nghiệp được luật pháp bảo vệ. Họ xứng đáng với sự tôn trọng của công chúng và đồng nghiệp.

Nếu thân chủ chỉ sẵn sàng trả giá cao cho một phán quyết “vô tội”, và luật sư tư vấn rằng điều đó chỉ có thể bảo đảm nếu nhân chứng của bên công tố không thể làm chứng trong phiên tòa. Sau đó, nếu thân chủ thuê người thủ tiêu nhân chứng, hoặc luật sư tìm cách làm cho nhân chứng không thể xuất hiện trước tòa, thì luật sư đã hành xử không đúng theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải đối diện với các hình phạt do pháp luật quy định.

Vai trò chuyên nghiệp của luật sư là tranh đấu cho quyền lợi hợp pháp của thân chủ, chứ không phải là “gánh vác” các rủi ro của thân chủ hoặc chuyển các rủi ro đó sang cho mình.

Về mặt lý thuyết, ví dụ trên có thể không quá khó hiểu. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp vô tình hoặc cố ý “nhầm lẫn” đã xảy ra. Trường hợp của luật sư Michael Cohen và Tổng Thống Trump là một điển hình thời sự.

Michael Cohen và Donald Trump, những ngày còn nồng ấm. Nguồn: WSJ

Khi ông Trump ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ, dĩ nhiên ông không muốn những góc tối của đời tư của mình bị phanh phui, nên đã yêu cầu ông Cohen, luật sư riêng của mình, mua sự im lặng của các cô đã từng có quan hệ tình ái với ông Trump.

Luật hình sự giữa các tiểu bang của Mỹ hoàn toàn khác biệt nhau. Cùng một vụ việc, bang này xem đó là phạm tội, trong khi bang khác thì không. Ngoại tình hay quan hệ tình ái “ngoài chồng ngoài vợ” là vấn đề thuộc về luật hình sự ở một số tiểu bang. Mang súng ra đường ở một số tiểu bang là hợp pháp, nhưng ở một số tiểu bang khác sẽ là một tội hình. Tương tự, ở đa số tiểu bang của Mỹ, ngoại tình không phải là một tội hình sự. Luật pháp ở đó không can thiệp vào đời tư của một người trong những vấn đề được cho là thuần túy đạo đức.

Ngược lại, luật hình sự ở 21 tiểu bang khác của Mỹ quy định ngoại tình là vi phạm hình sự, có thể bị phạt tiền hay tù. Tuy nhiên, việc công tố viện ở một tiểu bang có thể vượt qua những rào cản pháp lý (và chính trị) để truy tố một tổng thống đương nhiệm về “tội” ngoại tình hay không sẽ liên quan tới những vấn đề phức tạp khác trong luật pháp Mỹ.

Việc mua sự im lặng của ai đó về đời tư của mình tự nó không phải là một tội hình sự. Đây không phải là chuyện “hối lộ” giữa dân và quan, mà là một thỏa thuận dân sự giữa hai người dân. Một thỏa thuận dân sự như vậy không vi phạm luật pháp trong một đất nước tự do.

Nhưng, luật liên bang Mỹ quy định rằng, ứng viên trong một cuộc bầu cử vào một chức vụ trong hành pháp Mỹ sử dụng tiền bạc để che đậy sự thật, định hướng sai lạc cử tri, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử là một tội hình sự.

Dù vậy, việc công tố viện liên bang Mỹ có thể truy tố Tổng Thống Trump về vai trò của ông liên quan đến việc dùng tiền để mua “sự im lặng” của các cô về những “sự thật”, có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vào năm 2016 là một trường hợp khó khăn.

Việc Cohen không hành xử như một luật sư chuyên nghiệp là khá rõ ràng. Cohen đã “rửa” số tiền mà Trump đã đưa cho Cohen trong các “phi vụ mua im lặng” nói trên, biến nó thành những khoản trao đổi hợp pháp.

Cohen đã tìm cách “biến” ông Trump trở nên hoàn hảo về đạo đức trước ngày bầu cử. Khi bị luật pháp phanh phui, cùng với các giao dịch khác về tài chính có liên quan đến thuế, luật ngân hàng và các quy định về việc quản lý quỹ tranh cử của Trump, Cohen phải trả cái giá 3 năm tù (1).

Cohen đã tìm cách chuyển cái rủi ro của Trump thành các rủi ro của mình. Các rủi ro của Trump không biến mất (có khi còn nặng hơn), nhưng các rủi ro của Cohen thì xuất hiện đồng loạt.

Cựu Tổng Thống Bill Clinton trước đây bị “nhức đầu” về vụ Monica Lewinski cũng trong một hoàn cảnh khá tương tự. Lúc bước vào Tòa Bạch Ốc để làm cô sinh viên tập sự, Monica 22 tuổi; và quan hệ giữa cô với TT Clinton (lúc đó 49 tuổi) không có tính cưỡng bức.

Ông Clinton có quá đáng là sử dụng văn phòng làm việc hoành tráng của tổng thống cho những “công việc” rất “không tổng thống”, và có thề thốt là “không có quan hệ gì với người phụ nữ đó (Lewinski)” cho tới khi có các bằng chứng thuyết phục là ông đã nói sai. Nhưng, nói sai về đời tư của mình không phải là một tội hình sự (2), mà ông bị Hạ viện tìm thấy phạm hai tội: Nói láo hữu thệ và cản trở công lý.

Khi đưa lên Thượng viện (lúc đó đảng Cộng Hòa nắm đa số với 55 Cộng Hòa và 45 Dân Chủ), các Thượng nghị sĩ đã tìm cách luận tội ông Clinton, nhưng không thành

***

Không ai hoàn hảo dưới ánh mặt trời. Ở đất nước tự do, người ta không tìm cách phong thánh những lãnh tụ. Luật pháp của những đất nước tự do có thể không hoàn hảo, nhưng là giấc mơ của những người dân đang sống trong chế độ độc tài.

Ngược lại, trong những quốc gia dưới sự cai trị của đảng cộng sản, các lãnh tụ đều được phong thánh. Nhiều người phụ nữ có quan hệ với Mao Trạch Đông, và Hồ Chí Minh đều bị thủ tiêu sau đó, để bảo vệ sự “thánh thần” của Mao và Hồ.

Tìm cách phong thánh một con người bằng xương bằng thịt nào đó chỉ là những cố gắng hợm hĩnh, nhố nhăng của một thiểu số tìm cách hưởng lợi từ những việc phong thánh đó.

Lừa gạt xương máu, công sức, tiền bạc của nhiều thế hệ, chia rẽ và làm suy yếu một dân tộc để duy trì quyền lợi phe nhóm là tội ác. Các khẩu hiệu, tượng đài của “bác” Hồ, “bác” Mao không khác gì những đồ vàng mã, chỉ dùng để đốt, một ngày không xa.

_____

Tham khảo:

– Michael Cohen: https://en.wikipedia.org/wiki/Michael_Cohen_(lawyer)

– Clinton and Lewinski – Scandal: https://en.wikipedia.org/wiki/Clinton%E2%80%93Lewinsky_scandal

– Ngoại tình ở tiểu bang nào của Mỹ là phạm tội: https://www.freep.com/story/life/family/2014/04/17/in-which-states-is-cheating-on-your-spouse-illegal/28936155/

– Trump’s Hush Money Payments Were Likely a Criminal Offense: https://www.americanprogress.org/issues/democracy/news/2018/12/19/464510/trumps-hush-money-payments-likely-criminal-offense/

Đã đăng ở:

24 tháng 9 2020

Nói thẳng cho vuông


Từ hôm 22-9-20, sau khi đăng bài viết “Ước mơ bị ung thư”, trang Facebook cá nhân của tôi đã bị hạ xuống. Những người điều hành Facebook (FB) đưa ra lý do là “không theo tiêu chuẩn cộng đồng” (does not follow community standards). Qua việc này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm và suy nghĩ.

Cứ thử đếm xem trong nhà bạn có bao nhiêu người, và bao nhiêu người tham gia FB, sẽ thấy là số lượng thành viên của FB là quá lớn; và họ viết bằng ngôn ngữ mà họ thông thạo (tiếng Việt, Anh, Tàu, Nga, Thái v.v…). Những người điều hành FB vì vậy không thể kiểm soát nội dung trên các trang cá nhân được. Họ có thể dùng các phần mềm (software), hoặc người máy (robot) để sàng lọc những từ ngữ có tính nhạy cảm (ví dụ như: đặt bom, khủng bố v.v…). Bộ phận quản lý FB không có thời gian để ngồi đọc, xem những điều bạn viết và chia sẻ.

Vậy thì, vì sao họ lại chụp cho mình (bạn hoặc tôi) một cái mũ “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, và tước quyền kiểm soát FB của mình; sau đó không ai có thể liên lạc với mình được qua FB và ngược lại. Tôi có hỏi bạn bè về trường hợp của mình; được biết tình trạng này là do có người báo cáo (report) với ban quản lý FB về trang cá nhân của tôi.

Ai báo cáo? Trang của tôi chỉ viết về các vấn đề thời sự và chính trị ở VN (hầu như không có gì khác hơn), nên kẻ báo cáo chỉ có thể là các dư luận viên của “tuyên giáo”, hoặc lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, những kẻ làm việc cho chính quyền CSVN.

Tôi vi phạm điều gì trong “tiêu chuẩn cộng đồng”, lúc nào, ở đâu, ban quản lý FB không cho biết chi tiết. Đây chính là một khiếm khuyết trong việc điều hành của FB: thay vì người báo cáo chứng minh sự “vi phạm”, FB lại trừng phạt nạn nhân. Các chú lính tuyên giáo lợi dụng điều này để “bịt miệng” những tiếng nói mà họ không thích. Vô hình trung, FB lại tiếp tay với chính quyền độc tài trong việc loại bỏ những tiếng nói, quan điểm bất đồng.

Hơn 2 năm trước, Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc Điều hành của FB đã phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ để giải thích về việc thông tin cá nhân của 87 triệu khách hàng của FB đã bị bán cho một công ty ở Anh Quốc (1). Tôi không hy vọng họ (FB) sẽ có lúc phải giải thích trước tòa án, hay quốc hội Hoa Kỳ về việc những quy định trong việc điều hành của họ có thể đi ngược lại với Tu Chính Án Số Một của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận (2).

Đã có thời hãng Nokia của Thụy Điển làm chủ thị trường điện thoại di động trên thế giới, vai trò của họ bị thay thế từ khi chiếc iPhone ra đời, tất cả chúng ta đều chứng kiến điều đó. Tôi không tin FB là bất khả thay thế, đặc biệt là với cách điều hành “bịt miệng” của họ như kinh nghiệm đã trải qua của tôi và một số bạn bè.

Trong sự việc này, tôi cũng nhận được một số ý kiến của các bạn khác rằng, tại sao tôi sống ở nước ngoài, mà không nói về các vấn đề ở đất nước tôi đang sống, không chịu “ăn cây nào rào cây nấy” mà “vác nguyên cả một cái hàng rào về Việt Nam…” (nên phải chấp nhận những “phiền phức” nói trên).

Có lẽ các bạn ấy không biết, hay đã quên. Tiện đây, xin được nhắc vài điều. Sau năm 1975, người Việt Nam bắt đầu bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh trên biển. Nếu không nhờ những thuyền trưởng quyết định cứu những con người khốn khổ, có lẽ bây giờ tôi, bạn và gia đình không có mặt ở nơi bạn đang sống.

Những thuyền trưởng và thủy thủ đó đã mở rộng lòng nhân đạo để cứu tôi, bạn và gia đình bạn, những chiến hạm Hoa Kỳ và Đồng Minh có những nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành, họ có những “cây phải rào”, nhưng họ sẵn sàng “quăng một cái hàng rào” ra giữa biển để cứu những người khốn khổ như bạn, như tôi…

Khi bạn tới trại tỵ nạn, những nhân viên của các tổ chức phi chính trị (Non-Government Organisations) (“NGOs”) vào trại tỵ nạn giúp đỡ bạn về tinh thần và vật chất. Đất nước họ cũng có những người nghèo khổ, khốn khó vậy, cũng có vô số những vấn đề cần giải quyết; nhưng họ sẵn sàng đem “nguyên cái hàng rào” đến tận trại tỵ nạn nơi bạn đang sống để bạn và tôi có thể “níu” mà giữ được chút thăng bằng sau những ngày chịu đựng gió bão.

Bạn có cơ hội sống ở ngoài Việt Nam, không bị cướp đất, cướp nhà như những người thân hoặc bạn bè của bạn. Chia sẻ với họ, nói dùm họ, tiếng nói họ không nói được, kêu giùm họ tiếng kêu đau đớn vì những bất công, đau khổ mà họ phải chịu đựng, không phải là “vác hàng rào về Việt Nam” mà là tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tình người, lòng nhân ái từ những người mà tôi và bạn trước đây đã từng thọ ơn.

Tự do là phân biệt giới hạn. Bạn có quyền im lặng, không ai buộc bạn phải nói, phải viết những điều bạn không thích. Bạn có thể có cách khác, thích hợp với bạn, để giúp đỡ người thân và gia đình bạn, bạn có thể có lý do để chọn cách làm đó. Chúng tôi cũng có quyền viết và nói những điều chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi chọn cách nói, vì chúng tôi cho là thích hợp, và chúng tôi có lý do của chúng tôi. Chúng tôi không trách bạn vì sự im lặng của bạn. Ngược lại, chúng tôi cũng kêu gọi một thái độ sòng phẳng tương tự đối với chúng tôi.

Bạn có những việc làm và lý do của bạn. Chúng tôi thích những việc chúng tôi đang làm và có lý do của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói những điều chúng tôi muốn nói.

Nói thẳng cho vuông, và lắng nghe để bước thẳng…

Nguyên Đại
24 Tháng Chín 2020

_____

(1) Facebook and Cambridge Analytica:
https://www.cnet.com/news/zuckerberg-facebook-data-was-sold-to-cambridge-analytica-too/

(2) Tu chính án số một của Hoa Kỳ bao gồm quyền tự do ngôn luận

22 tháng 9 2020

Ước mơ bị ung thư

Gã vói tay lấy tờ báo “Nhân Dân” đọc để giết thời gian…Trong này, ngoài việc đọc báo vớ vẩn này thì không biết làm gì cả. Vào đây từ hôm 28-8, gã nhẩm… gần 4 tuần. Báo cho dân đọc mà, nên hơn nửa thế kỷ nay vẫn vậy: Đường lối đảng và chính phủ thì “lúc nào chả đúng”, và cách mạng thì “muôn thuở thành công”!

Gã quên cái vụ đọc báo “Nhân Dân” từ lâu lắm rồi, có lẽ mấy chục năm. Gã không tưởng tượng ra là có ngày gã phải cố mà đọc. Tụi phản động nó bảo đọc mà muốn “ói” cũng không phải là cường điệu quá. Gã bất giác mỉm cười…

Cái gì? Thằng Thưởng nó đòi lập viện triết học hả? [1] Chắc là để nịnh bác Trọng thêm một chức viện trưởng nữa đây. Hồi nào tới giờ đảng có chấp nhận thứ triết học nào khác chủ nghĩa Mác-Lê đâu mà viện với chả vẹo. Cái chủ nghĩa Mác-Lê này đã hơn một thế kỷ rồi, “nghiêng-cứu” mấy đời rồi, bây giờ hết nghiêng, tới “đổ” luôn rồi, cứu gì mà cứu! “Bố thằng điên!” gã buộc miệng chửi.

Gã ngồi trầm ngâm nhớ lại…

Gần hai trăm năm trước, Mác [Karl Marx] học xong thần học, không kiếm được việc làm, ước mơ những người nghèo khổ được đổi chỗ với những người giàu có, rồi kiến tạo một xã hội bằng phẳng, không có giai cấp. Mác không thực hiện được ước mơ đó, và qua đời trong nghèo khó [1].

Khoảng năm mươi (50) năm sau, Lê-Nin [Vladimir Lenin] có tham vọng quyền lực, muốn lật đổ vua Nga. Muốn làm cách mạng thì phải có lực lượng và lòng căm thù. Lê-Nin vớ được lý luận của Mác, tập hợp những người nghèo và bọn lưu manh lại và giải thích rằng lý do của sự nghèo túng của họ là do bọn người giàu “bóc lột” phải căm thù bọn chúng, giết bọn chúng để xây dựng nhà nước của “giai cấp vô sản”; vậy là “Cách Mạng Tháng Mười” diễn ra…[3]

Nhưng sau cách mạng, có hai vấn đề lớn không giải quyết được: 

1- Lãnh đạo của giai cấp vô sản bây giờ nó không chịu vô sản, nó không chịu “bằng phẳng” với dân. Không ưu đãi lãnh đạo, công an thì ai bảo vệ “nhà nước vô sản”, lấy ai trấn áp bọn “phản cách mạng”. Sự phân chia tài sản chung của nhà nước bắt buộc phải không đều: có người nhiều, người ít. Vậy là lại nảy sinh giai cấp, nhưng sau cách mạng sự hình thành giai cấp và đấu tranh giữa các giai cấp còn khốc liệt, thê thảm hơn trước nhiều.

Tụi “đảng lãnh đạo” giàu có bây giờ, không những chỉ có tiền như bọn tư bản địa chủ ngày trước; tụi nó còn có quyền lực, súng đạn, được những người nghèo “thành phần trung kiên với cách mạng” bảo vệ, và được trí thức XHCN “bảo kê” nữa. Những người vô sản lý tưởng vẫn cứ vô sản…mất mạng, bị tử hình, tra tấn, chung thân.

2- Các hình thức kinh tế tập thể lại không đem lại kết quả như Mác từng mơ ước. Nông trường tập thể chỉ có lụn bại vì “cha chung không ai khóc”. Công trường, nhà máy nếu thuần túy để công nhân lãnh đạo thì chỉ có chết; phải có đảng lãnh đạo. Chi bộ đảng phải xuất hiện nếu không thì bọn “thù địch” nó phá hỏng mất.

Mà đảng vào thì tệ quan liêu, bao cấp, chạy đua để báo cáo thành tích…đảng ủy trở thành chủ mới, lần này họ có luật pháp, chính quyền, công an bảo kê. Các “ông trùm đỏ” trở nên bất khả xâm phạm. Công nhân thì vẫn bị tiếp tục bóc lột còn thậm tệ hơn trước, và hiệu quả công việc thì càng tệ hơn… Cho nên bác Mao nói xã hội của Mác ba ngàn năm nữa cũng không có. Rồi thì… người ta kéo tượng Lê-nin xuống, lấy búa đập vô đầu.

Nhưng thôi, mấy chuyện lý thuyết đó nhức đầu lắm, để cho “bố con” nó tự lừa, tự ngáo đá và “Trọng-Thưởng” với nhau…

*****

Mấy hôm nay, bụng gã đau thường xuyên hơn. Gã nghĩ: thuốc ở nhà gởi vô cho mình, tụi nó mà đổi thành “thuốc của con Kim Tiến” thì cũng phiền! Tuy vậy, còn đỡ chứ nó đổi thành thuốc dành cho “thanh-quan[g]” thì “bỏ mẹ” thật! Gã lại giật thót không dám nghĩ nữa…

Mấy hôm nay, tụi “nhóc con” có gọi mình lên thẩm vấn…Ối giời, “tao” là “vua thẩm vấn”; “tụi bay” không có cửa. Chiêu nào tao không biết, muốn không tao dạy thêm cho. Còn đánh tao hả, tụi bay chưa dám đâu…Thằng Trần Bắc Hà, nó bố lếu bố láo và ân oán nhiều quá! Tao thì tụi bay chưa dám đụng đâu…Đi chỗ khác chơi, các chú em…

Nhưng ở trong này thì không giải quyết được việc gì cả, phải thoát ra ngoài rồi mới tính. Gã đã báo cáo là đang trị bệnh ung thư, xin về nhà để tiện việc chăm sóc. Thứ nhất là kêu gọi lòng nhân đạo của “các bác”: Ung thư rồi…sắp chết rồi… “tha cho người ta đi”. Thứ hai là các-bác cũng đâu muốn cháu chết trong tù, ít nhiều gì cũng mang tiếng. Nhưng vấn đề là mấy cái tên bác sĩ khám cho “mình” nó có nhận tiền để viết báo cáo theo ý mình không. Nó mà cứ viết theo “ý đảng” thì cái án này thành án… (khỉ thật, tụi miền Nam hay nói lái).

Bao nhiêu năm “làm cách mạng” gã quá hiểu cái gì gọi là tình “đồng chí”, nhất là giữa các lãnh đạo với nhau. Lúc được thời, thì nó cười nịnh như “trâu hít…” giống như cái thằng Chu Ngọc Anh chuẩn bị thay cho gã làm chức chủ tịch Hà Nội. Lúc “xuống chó” thì tụi nó biến không thấy tăm hơi, ngon như “cha” Dũng, mà lúc “rớt”, rồi mẹ qua đời, đếch thằng nào tới, huống hồ là mình.


Tụi “địch” nó bắn mình công khai, mình bắn lại…ăn thua là chuyện của anh hùng. Nhưng, đồng chí nó bán, nó “bắn” mình, tụi nó đâu có công khai, sơ xuất là nó quất rụng ngay. Từ ngày rời khỏi trung học, bước vào nghề, gã đã hiểu chuyện này rồi. Tụi mày gọi tao là “Chung con”, nhưng tao không phải “con” đâu. Tao biết luật chơi! Lúc tao làm công an, truy án xét hỏi…tụi mày biết tao mà! Lúc tao “hiền từ” như con gái, trong vụ Đồng Tâm… tụi mày cũng biết tao mà…

Gã lục lại trong danh sách các “đồng chí” của gã để giải quyết cái ca “ung thư” này. Gã ước mơ cái bệnh của gã nó “trở nên” nặng, thật nặng lúc này, chỉ lúc này thôi, để gã có thể may mắn thoát được chỗ này thì còn cơ hội trở mình, chứ ở trong này không giải quyết được việc gì cả… Gã lẩm bẩm, mình mà thoát được keo này thì khối thằng ước mơ “bị” ung thư…thằng Thăng, thằng Son, thằng Tuấn…

Ước mơ bị ung thư! “Cách mạng vô sản” là cho tụi “vô sản” những ước mơ…Những ước mơ không bao giờ thành hiện thực, những ước mơ bị ung thư… Ngoi lên được như gã tới lúc này thì có một ước mơ. Ước mơ bị ung thư “thật” để được chết được một cách bình yên. Gã vất tờ báo “Nhân Dân” sang một bên, nằm thở dài…cay đắng.

Nguyên Đại
22 Tháng Chín 2020

Nguồn:

[1] Võ Văn Thưởng (1970 - ) Trưởng ban tuyên giáo trung ương: cần “làm sáng tỏ vai trò của triết học Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, 21-09-20: https://www.bbc.com/vietnamese/world-54230788

[2] Karl Heinrich Marx (1818 – 1883) viết Tuyên Ngôn Cộng Sản (The Communist Manifesto) và Tư Bản Luận (Das Kapital) (1867 – 1883)
https://en.wikipedia.org/wiki/Karl_Marx

[3] Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin) (1870-1924) dựng nên nhà nước “vô sản” đầu tiên năm 1917, đúng 50 năm sau khi Tư Bản Luận được Marx bắt đầu viết năm 1867.
https://en.wikipedia.org/wiki/Vladimir_Lenin

Đã đăng trên: 
Tin tức hằng ngày
https://www.tintuchangngay.org/2020/09/nguyen-ai-uoc-mo-bi-ung-thu.html

Đã đọc trên YouTube 
Vietlive Tivi - ngày 25/09/2020







19 tháng 9 2020

Tư bản hóa quân đội cộng sản

Hôm 14-9-20, lãnh đạo đảng CSVN đã ra quyết định kỷ luật ba (3) thiếu tướng và sáu (6) đại tá quân đội VC, bao gồm hai cựu tư lệnh và một quân ủy binh đoàn 15 vì tội ăn…đất {1}. Bốn tháng trước, ngày 21-5-20, thứ trưởng bộ quốc phòng quân đội VC, cựu đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến đã bị kỷluật và khai trừ khỏi đảng cũng vì tội ăn…đất {2}.

Ngược dòng thời gian, năm (5) năm trước (tháng 6-2015) có tin đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng bị phục kích và chết tại Pháp, nhưng sau đó “được xuất hiện” trở lại vài lần rồi “im luôn”. Lãnh đạo đảng và chính phủ “yêu cầu” Thanh lên “bàn dao”, “nhẹ nhàng” nhường lại chức vụ bộ trưởng cho Ngô Xuân Lịch.

Khối tài sản của Phùng-gia núp dưới bình phong tổng công ty 319 do con ruột của Thanh, đại tá Phùng Quang Hải, quản lý buộc phải giao lại cho con của Trần Đại Quang là đại tá Trần Đăng Tú thụ giữ hồi tháng 11-2016.

Nửa năm sau, Trần Đại Quang dính “ngay và luôn” “vi-rút lạ”. Một năm sau đó, tháng 9-2018, Quang “tự diệt”. Thế cuộc đã định: Sang “về vườn”, Dũng “té ghế”, Quang “lên đường”, Trọng kiêm hai chức (cộng 10 chức phụ), và Trọng gọi đó là “mưu lược”.

Từ khi Linh-Mười-Đồng sang Thành Đô, Trung Quốc năm 1990, quân đội CSVN không chỉa mũi súng về phía trước để bảo vệ biên giới nữa, họ gim súng vào thắt lưng, quay mũi súng xuống (đất) và …bắn. Rồi từ đó, nhiệm vụ “anh hùng” của quân đội VC là tập trung làm kinh tế.

Tiếp theo, quân đội CSVN “cái gì cũng có”: Súng, tiền, đất… Dĩ nhiên, các “tướng” đâu có muốn bất cứ một va chạm nào với “láng giềng” tốt. Phùng Quang Thanh, bởi vậy, xiết tay tướng Trung Cộng thật chặt, sau đó tuyên bố rằng: Dân ghét Trung Cộng là “mối nguy” của dân tộc.

Các tướng-tá quân đội VC nhanh chóng trở thành những nhà tư bản, địa chủ “thật”. Điển hình:

1- Sân gôn (goft) “tự nhiên” xuất hiện sát bên sân bay dân sự Tân Sơn Nhất hàng chục năm nay, không cách nào đem CSCĐ vào “cưỡng chế” để mở rộng sân bay dân sự được, vì sân goft đó là của quân đội.

2- Cấp đất cho bên quân đội để xây sân bay Miếu Môn (ngoại ô Hà Nội) năm 1980 là vì nhu cầu quốc phòng (chống Tàu). Khi không xây sân bay nữa, cánh quân đội không trả lại đất mà muốn lấy thêm và chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư. Dĩ nhiên, dân Đồng Tâm không chịu và sự việc xảy ra đưa tới cái chết của ông Kình gần đây, theo sau là con cháu bị tra tấn, mang án tử hình và chung thân.

Khi các tướng quân “lên”, thì bên công an cũng “lên”, bên chính quyền cũng “lên”, chưa kể bên quốc hội và mặt trận. Họ buộc phải lọt vào các vòng đấu (đài) kín, công khai, hợp pháp và “chợ đen”. Giặc (coi như) không có (vì có cũng không đánh, vì đánh chắc chắn thua). Dù vậy, các “tướng quân” cũng gian khổ lắm, vì phải cạnh tranh khốc liệt với phía công an và chính quyền (các ủy ban) nữa!

Nhà tướng Sang tặng cho con
Chưa hết, khi đánh giặc thì “đồng chí” giết nhiều địch, “ta” giết ít hơn cũng không sao. Nhưng khi “đánh” với tiền, với đất; “đồng chí” hốt nhiều quá, “ta” không có gì, đâu có được. Vậy là trong hàng ngũ tướng tá lại có sự cạnh tranh, “lăn tăn” với nhau.

Ba năm trước, ngày 23-06-2017, nhận ra các mối nguy hại do việc quân đội làm kinh tế đem lại, Thượng Tướng Lê Chiêm, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, tuyên bố quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, sẽ trả đất lại cho chính quyền, giải quyết các vấn đề do “lịch sử để lại” (do cái chủ nghĩa duy [con] vật lịch sử “để lại”), và tập trung xây dựng quân đội chính quy {3}.

Tuy nhiên, chưa đầy ba tuần sau, ngày 12-7-2017, cấp trên của tướng Chiêm, tân bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch “chữa cháy” ngay (không thì súng ống bom đạn sẳn có mà!). Ông Lịch vội vã đăng đàn khẳng định: làm kinh tế là một chức năng của quân đội.

“Ngài” dõng dạc cho biết vào thời điểm đó quân đội có 23 cơ sở kinh tế thuộc các binh đoàn, quân khu; và sở hữu hàng triệu hec-ta đất, dù đã giao lại cho phía chính quyền hàng ngàn hec-ta để phát triển kinh tế.

“Ngài” cũng mềm mỏng hứa là quân đội đã cho dừng các dự án “quốc phòng” đối với việc xây dựng nhà hàng, khách sạn và biệt thự trên hai sân goft ở Tân Sơn Nhất và Long Biên, và quân đội sẳn sàng “thu hồi” (nhường lại) hai sân goft, nếu chính phủ yêu cầu để mở rộng sân bay {4}.

Hơn ba năm trôi qua, hai sân goft vẫn còn nguyên. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn quá tải và ngập nước. Quân đội đã chiến đấu một cách rất “anh hùng”, đẩy lui mọi “thế lực thù địch”. Bên “ta”, có một “bộ phận không nhỏ” các tướng-tá đã anh dũng chịu “kỷ luật”.

Dù vậy, “phía đối thủ” cũng phải trả giá đắt; điển hình: Tại Yên Bái – Bí Thư Tỉnh Ủy Phạm Duy Cường, và Chủ Tịch Ngô Ngọc Tuấn “hy sinh” trước khi một gã cục trưởng cục gì đó xuất hiện không đúng giờ nên phải “tự tử” bằng cách nghéo súng ra sau ót và (bị) bắn. Nguyễn Bá Thanh (bên chính quyền) và Trần Đại Quang (trước bên công an, sau bên chính quyền) đã hy sinh “trong khi làm nhiệm vụ”.

Khi nghèo người ta chấp nhận lao động nhiều năm để trở thành giàu có, nhưng một khi đã trở thành giàu có, đột nhiên nghèo trở lại thì không ai chịu nổi cả…thà chết. Đó là lý do tại sao nhiều ông giàu có khi lỡ thua, thì đi…tự tử.

Tương tự, sẽ rất dễ hiểu, khi các tướng tá quân đội cộng sản xuất thân từ vô sản, đã được tư bản hóa để biến thành các nhà tư bản, các địa chủ. Đùng một cái, bây giờ “biến” họ thành vô sản lại, chuẩn bị chiến đấu. Hả?! Đừng nằm mơ… họ thà chết.

Cái “lò” của ông Trọng, cứ cà giựt…cà giựt là vì “nhiều củi” và “nhiều tay” quá! Một ngày, cái “lò” đó có lẽ phải nổ tung theo “biện chứng” pháp.

Nguyên Đại
19 Tháng Chín 2020

Nguồn:
{1} Cách chức 3 thiếu tướng và 6 đại tá:
https://zingnews.vn/3-thieu-tuong-6-dai-ta-quan-doi-bi-ky-luat-post1131078.html?fbclid=IwAR0OWIHV8dbRrQLbuFVcCO9ncNVQPP_tsKaFV6z64_g5vFa-rkx-MJ8tHR8

{2} Kỷ luật đô đốc hải quân VC Nguyên Văn Hiến:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52759034

{3} Quân đội không làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội chính quy:
https://tuoitre.vn/thuong-tuong-le-chiem-tphcm-hay-yen-tam-ve-san-bay-tan-son-nhat-1336722.htm

{4} Làm kinh tế là một chức năng của quân đội:
https://cafef.vn/bo-truong-quoc-phong-ngo-xuan-lich-lam-kinh-te-la-1-chuc-nang-cua-quan-doi-20170712132646048.chn

Đã đăng ở:
https://baotiengdan.com/2020/09/19/tu-ban-hoa-quan-doi-cong-san/

https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/3257683954309624

Hình:
1. Bản doanh Binh đoàn 15 ở Bình Dương
2. Nhà tướng Sang tặng cho con 
3. Ngô Xuân Lịch, Lê Chiêm, Nguyễn Văn Hiến và Nguyễn Xuân Sang
(Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, cựu Phó Bí Thư Đảng Ủy và Tư Lệnh Binh Đoàn 15)

Đã đọc ở: 



17 tháng 9 2020

Không có gì

Bài “Ý đảng”[Ý đảng] đăng hôm qua đã nhận được một số bình luận; cảm ơn các bạn. Phần hồi đáp của người viết ở đây (một cách hết sức ngắn gọn):

1. Lời Khai
Nghi phạm trong vụ Đồng Tâm
Để bảo đảm sự công bằng, lời khai của nghi phạm khi đưa ra tòa phải có ĐẦY ĐỦ các yếu tố sau đây: (a) Tự nguyện; (b) Tinh thần ổn định và được tư vấn pháp lý; (c) Tuyệt đối không có bất cứ dấu hiệu tra tấn, áp lực tâm lý, bức cung; (d) Chứng thực.

Nghi phạm phải được coi là “vô tội” trước khi bị phán là “có tội”. Vì là người vô tội, họ có quyền nói hoặc giữ im lặng. Họ có quyền được gặp người nhà để ổn định tinh thần, tâm lý. Họ có quyền gặp luật sư, đại diện pháp lý của họ để được tư vấn về những quyền hạn của họ. Điều tra viên không được phép tra tấn, bức cung vì làm như vậy là bất công, vi phạm các quyền căn bản của con người, và làm sai lệch tiến trình tìm kiếm công lý (1).

Các cuộc thẩm vấn của điều tra viên phải được thu hình (ít nhất là thu âm) để chứng minh rằng lời khai của nghi phạm thỏa mãn các điều kiện nói trên. Lời khai của nghi phạm phải được giao cho đại diện pháp lý của nghi phạm trước ngày xảy ra phiên tòa, và phải cho họ thời gian để xác minh lại với thân chủ của họ. Lời khai của nghi phạm phải được kiểm nhận lại trong điều kiện ở tòa án. Ngay cả lời "nhận tội" của nghi phạm cũng phải được so sánh đối chiếu và có giải thích hợp lý với bằng chứng khác.

"Lời khai" của các nghi phạm trong vụ Đồng Tâm nói trên không thể được đem ra tòa coi như những lời "nhận tội" được, vì nó không thỏa mãn bất cứ MỘT yếu tố nào ở trên.

2. Pháp Chứng
Giếng trời, bị cáo buộc là "hiện trường" 3 công an 
bị đốt cháy bằng xăng (nhưng không có khói)


Pháp chứng bao gồm tất cả các vật chứng, các thông tin liên quan cùng các nhân chứng, và các kết quả thực nghiệm khoa học. Pháp chứng được thành lập khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: (a) biên bản tìm kiếm, bảo lưu vật chứng, hiện trường; (b) thông tin từ các nhân chứng; (c) thông tin của chuyên gia pháp chứng dựa trên những thực nghiệm khoa học; (d) phải giao các pháp chứng này cho đại diện pháp lý của nghi phạm và, nếu họ yêu cầu, phải cho họ đủ thời gian để tìm hiểu, tìm kiếm ý kiến của các chuyên gia pháp chứng khác, giám định lại các bằng chứng ở các phòng thử nghiệm pháp chứng độc lập; (e) thông tin từ các nhân chứng phải được cả hai phía (công tố và bào chữa) truy vấn tường tận ở tòa.

Trong vụ Đồng Tâm: không có thử nghiệm gen di truyền (DNA) để liên hệ những vật chứng tại hiện trường và người chết (3 công an), không có thực nghiệm khoa học để hỗ trợ cho những suy diễn của bên điều tra (ai, đứng ở đâu, có ai thấy, cần bao nhiêu xăng, dùng cái gì để đổ xăng xuống, cần bao nhiêu không khí để đốt cháy ba người trong hố “kỷ thuật”. Tại sao hố đó không ám khói, hay ám khói quá ít? Các công an khác lúc đó ở đâu?...

Tại sao phải dời xác ông Kình khỏi hiện trường? Tại sao xác của ông lại bị mổ bụng sau khi trả về cho gia đình? Lời khai của các chuyên gia pháp y về chuyện này ở đâu? Một người khi bị bắn 3 phát đạn có thể còn giữ được quả lựu đạn trong tay hay không? v.v…Các pháp chứng mà bên công tố đưa ra là không có, và không có sự giải thích hợp lý. Bên bào chữa không được cho thời gian để truy vấn các nhân chứng từ bên công tố, và không được cho thời gian để trình bày, chứng minh các thông tin từ các nhân chứng của họ.

3. Bồi Thẩm Đoàn
Là những người được chọn để lắng nghe những truy tố và phản biện từ cả hai phía, cùng với những lời khai và pháp chứng, để quyết định nghi phạm là “có tội” (Guilty) hoặc “vô tội” (Not guilty).

Để bảo đảm sự công bằng, thành viên tham dự đoàn bồi thẩm phải là những người được chọn lựa ngẫu nhiên trong công chúng, và sau đó cả hai phía (bên truy tố và bên phản biện) có quyền hạn ngang nhau trong việc đồng ý, hoặc không đồng ý một thành viên nào đó với lý do chính đáng (chẳng hạn: cảnh sát và luật sư không được tham gia đoàn bồi thẩm, bởi họ có thể có thiên kiến, hoặc định kiến, và có thể ảnh hưởng tới phán đoán của các thành viên khác trong đoàn bồi thẩm).

Trước khi có phiên tòa, cảnh sát và luật sư đại diện không được đưa những thông tin có thể ảnh hưởng tới sự phán đoán của công chúng (vì trong số họ sẽ có người tham dự đoàn bồi thẩm). Luật sư của nghi phạm có thể yêu cầu tòa ra án lệnh không cho phép một số thông tin được công bố ra công chúng. Tòa án có thể yêu cầu truyền thông không được phép đưa những thông tin có thể làm lệch lạc tiến trình xét xử.

Vụ Đồng Tâm: không có bồi thẩm đoàn. Tòa án “nhân dân”, nhưng nhân dân không được tham dự. Tất cả người tham dự và có quyền quyết định đều do đảng chỉ định. Hệ thống truyền thông của đảng đã được chỉ thị mở hết công suất để chuẩn bị, biện giải cho quyết định của đảng đã có, trước ngày xảy ra phiên tòa.

Vụ Đồng Tâm: Lời khai không thỏa mãn các tiêu chuẩn pháp lý về sự công bằng cho dù sơ đẳng nhất. Pháp chứng: không có, không hợp lý, cho dẫu là các thực nghiệm đơn giản và hoàn toàn khả thi. Bồi Thẩm Đoàn: không có người nào được coi là vô tư, không thiên lệch, không có định kiến đối với nghi phạm, tham gia quá trình nghe, nghị và quyết án. Không có gì…ngoài ý đảng.

Nguyên Đại
17 Tháng Chín 2020

PS:

(1) Mặc dù Việt Nam đã ký vào Công Ước Quốc Tế chống tra tấn (United Nations Convention against Torture) vào ngày 7/11/2013; vụ Đồng Tâm (và rất nhiều vụ án khác) đều cho thấy dấu hiệu công an đã tra tấn các nghi phạm.
https://m-english.vov.vn/politics/vietnam-reports-on-un-convention-against-torture-implementation-387300.vov

16 tháng 9 2020

Ý đảng

Phiên tòa xử 29 người bị bắt trong vụ Đồng Tâm
ngày 16/9/202
Sau ba (3) ngày, “phiên tòa” đã kết thúc đối với 29 người bị bắt trong vụ ông Lê Đình Kình. Hai án tử hình phán cho hai người con của ông Kình (Công và Chức) và án chung thân cho cháu nội (Lê Đình Doanh) cùng nhiều mức án nặng nề cho những người khác. Đây quả thực là một màn trình diễn quá tệ của đảng…(không tìm được từ tương xứng) (định so sánh với một màn cải lương; nhưng dàn dựng một vở cải lương cũng không nhanh như vậy, và tội nghiệp cho những nghệ sĩ cải lương).

Chiếm, “cướp đất” là sự kết hợp của hai đảng ủy (bộ quốc phòng + ub Hà nội). Tấn công, giết và phanh thây ông Kình là quyết định của lãnh đạo đảng (ub HN + bộ công an). Tiếp tục, “điều tra”, tra tấn, ép cung, cung cấp chứng cứ (giả) là do lãnh đạo đảng (bộ công an) làm, quyết và duyệt.

Theo sau, trình diễn là: các viên chức “viện kiểm sát”, “thẩm phán” và chủ tọa “phiên tòa” đều do đảng cử. Và, “giàn loa kèn” là: hệ thống báo, đài, ti-vi do đảng kiểm soát và chỉ đạo. Nguyên nhân, dàn dựng, kết quả “phiên tòa” rõ ràng và toàn bộ là ý của đảng (CSVN).

Chính cái cơ chế “độc” đảng lãnh đạo (cướp cũng “tao”, quan cũng “tao”, tòa cũng là “tao”) đó, nó hủy diệt mọi giá trị nhân bản, quyền con người dưới chế độ cộng sản. Vụ Đồng Tâm cho thấy: người dân chỉ có thể ở trong nhà của mình, sống trên đất của mình khi mà đảng chưa muốn cướp. Chống lại? Giết.

Sống trong những dinh thự nguy nga, hưởng những phương tiện vật chất xa hoa, dĩ nhiên đảng không muốn chia cho ai khác, và dùng bạo lực để duy trì sự thống trị của băng-nhóm (“bạo lực cách mạng”, bạo lực chuyên chính vô sản” đấy!). Họ gọi nhau “đồng chí” trong tình huống có thể chia chác quyền lợi (cùng ở trên đầu và cắn và hút máu, nên gọi là “đồng (cái con) chí”). Khi quyền lợi mâu thuẫn, xung đột thì bất đồng “chí” hết (chết hí!). Ngọ, Thanh, Quang…là (bất) đồng chí-hết.

Cái cơ chế đó hủy diệt không những là đối với những người dân vô tội, mà ngay cả chính họ. Khi họ đang ở trên ngôi quyền lực, họ tìm mọi cách để duy trì cái cơ chế đó. Họ không thấy, hoặc không muốn thấy, cái sai sót nghiêm trọng, nguy hiểm, tàn độc của cái cơ chế đó. Ông Trọng (TBT) hiện nay là một ví dụ.

Hôm 3/9/20 vừa rồi, ông nói: không phải lỗi ở cơ chế, vì ở nơi khác người ta vẫn làm tốt cơ mà. Nhưng: ai? ở đâu? làm gì? tốt như thế nào? thì ông không đưa ra chi tiết. Và, nếu tốt thì “thành trì XHCN”, “quê hương cách mạng tháng mười” nơi ông theo học “chủ nghĩa duy vật biện chứng” tại sao lại sụp đổ? Ông không phân biệt được “đống rác” và “giòi bọ” chun ra từ trong đống rác đó. “Đống rác” chính là cái cơ chế độc đảng, mà ông đang làm đảng trưởng; và “giòi bọ” chính là các “đồng chí” của ông.

Khi các “đồng chí” đã vào tù, bị chính cái cơ chế đó nó quật xuống như Chung, Thăng, Thanh… thì có lẽ họ thấy rõ hơn một chút. Cho nên, lời cuối của Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng không phải là là “tòa án” là “chủ tọa (và) tòa”, không phải là thề quyết tuyệt đối trung thành với đảng (muộn rồi!), không phải là những mỹ từ dành cho cái cơ chế quyền lực độc trị đó, không phải là lý tưởng cộng sản, không phải chủ nghĩa duy (cái con) vật biện chứng gì sất, mà là: “con xin lỗi bác Trọng”; “con” cắn rơm cắn cỏ lạy bác (Trọng); bác là cái cơ chế; cơ chế là bác, bác tha thì con nhờ, bác bảo tù thì “ba triệu đô” Nguyễn Bắc Son vẫn cứ bị “tròng lộn” án chung thân, như đối với “đồng chí” đã vào tù khác mà bác “đã từng yêu”.

“Nhân họ Hồ chính sự”… “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc Lập? Không! (chỉ có “bốn tốt”).Tự Do? Không (chỉ có: Cướp và Giết). Con đường tiến lên CNXH hình như đi được một phần ba: “Không có gì” ngoài “ý đảng”.

Nguyên Đại
16 Tháng Chín 2020

Đã đọc trên YouTube/ 
Vietlive tv/ Ý đảng - ngày 20-09-2020
https://www.youtube.com/watch?v=2vYC2IvEDKI