Hiển thị các bài đăng có nhãn Trump. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trump. Hiển thị tất cả bài đăng

30 tháng 9 2020

Không phải thánh

Quan hệ giữa luật sư và thân chủ trong một nhà nước pháp trị (không phải đảng trị) không đơn giản trong nhiều trường hợp. Không phải giống như tôi cần sản phẩm A, anh giao tôi đúng sản phẩm A thì nhận tiền. Sau đây là một vài ví dụ:

Nếu thân chủ không nhận tội (plead Not Guilty), luật sư phải cảnh báo thân chủ về những rủi ro có thể xảy đến khi thân chủ quyết định như vậy. Một trong những rủi ro đó là, tòa án có thể tuyên án phạt nặng hơn sau khi bồi thẩm đoàn kết luận là thân chủ có tội (Guilty).

Nếu thân chủ đã hiểu và chấp nhận rủi ro đó, đồng thời giữ nguyên quyết định “không nhận tội” của mình; thì vai trò của luật sư trước tòa là tôn trọng quyết định của thân chủ, tìm và chỉ ra những nghi điểm đối với các bằng chứng của bên công tố, cùng lúc trưng ra các bằng chứng có thể thuyết phục được bồi thẩm đoàn, rằng thân chủ của mình là vô tội.

Nếu luật sư đã tận sức và chuyên nghiệp, nhưng thân chủ vẫn bị tòa phán là có tội, luật sư đã hành xử theo đúng đạo đức nghề nghiệp. Họ hoàn thành vai trò chuyên nghiệp được luật pháp bảo vệ. Họ xứng đáng với sự tôn trọng của công chúng và đồng nghiệp.

Nếu thân chủ chỉ sẵn sàng trả giá cao cho một phán quyết “vô tội”, và luật sư tư vấn rằng điều đó chỉ có thể bảo đảm nếu nhân chứng của bên công tố không thể làm chứng trong phiên tòa. Sau đó, nếu thân chủ thuê người thủ tiêu nhân chứng, hoặc luật sư tìm cách làm cho nhân chứng không thể xuất hiện trước tòa, thì luật sư đã hành xử không đúng theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải đối diện với các hình phạt do pháp luật quy định.

Vai trò chuyên nghiệp của luật sư là tranh đấu cho quyền lợi hợp pháp của thân chủ, chứ không phải là “gánh vác” các rủi ro của thân chủ hoặc chuyển các rủi ro đó sang cho mình.

Về mặt lý thuyết, ví dụ trên có thể không quá khó hiểu. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp vô tình hoặc cố ý “nhầm lẫn” đã xảy ra. Trường hợp của luật sư Michael Cohen và Tổng Thống Trump là một điển hình thời sự.

Michael Cohen và Donald Trump, những ngày còn nồng ấm. Nguồn: WSJ

Khi ông Trump ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ, dĩ nhiên ông không muốn những góc tối của đời tư của mình bị phanh phui, nên đã yêu cầu ông Cohen, luật sư riêng của mình, mua sự im lặng của các cô đã từng có quan hệ tình ái với ông Trump.

Luật hình sự giữa các tiểu bang của Mỹ hoàn toàn khác biệt nhau. Cùng một vụ việc, bang này xem đó là phạm tội, trong khi bang khác thì không. Ngoại tình hay quan hệ tình ái “ngoài chồng ngoài vợ” là vấn đề thuộc về luật hình sự ở một số tiểu bang. Mang súng ra đường ở một số tiểu bang là hợp pháp, nhưng ở một số tiểu bang khác sẽ là một tội hình. Tương tự, ở đa số tiểu bang của Mỹ, ngoại tình không phải là một tội hình sự. Luật pháp ở đó không can thiệp vào đời tư của một người trong những vấn đề được cho là thuần túy đạo đức.

Ngược lại, luật hình sự ở 21 tiểu bang khác của Mỹ quy định ngoại tình là vi phạm hình sự, có thể bị phạt tiền hay tù. Tuy nhiên, việc công tố viện ở một tiểu bang có thể vượt qua những rào cản pháp lý (và chính trị) để truy tố một tổng thống đương nhiệm về “tội” ngoại tình hay không sẽ liên quan tới những vấn đề phức tạp khác trong luật pháp Mỹ.

Việc mua sự im lặng của ai đó về đời tư của mình tự nó không phải là một tội hình sự. Đây không phải là chuyện “hối lộ” giữa dân và quan, mà là một thỏa thuận dân sự giữa hai người dân. Một thỏa thuận dân sự như vậy không vi phạm luật pháp trong một đất nước tự do.

Nhưng, luật liên bang Mỹ quy định rằng, ứng viên trong một cuộc bầu cử vào một chức vụ trong hành pháp Mỹ sử dụng tiền bạc để che đậy sự thật, định hướng sai lạc cử tri, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử là một tội hình sự.

Dù vậy, việc công tố viện liên bang Mỹ có thể truy tố Tổng Thống Trump về vai trò của ông liên quan đến việc dùng tiền để mua “sự im lặng” của các cô về những “sự thật”, có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vào năm 2016 là một trường hợp khó khăn.

Việc Cohen không hành xử như một luật sư chuyên nghiệp là khá rõ ràng. Cohen đã “rửa” số tiền mà Trump đã đưa cho Cohen trong các “phi vụ mua im lặng” nói trên, biến nó thành những khoản trao đổi hợp pháp.

Cohen đã tìm cách “biến” ông Trump trở nên hoàn hảo về đạo đức trước ngày bầu cử. Khi bị luật pháp phanh phui, cùng với các giao dịch khác về tài chính có liên quan đến thuế, luật ngân hàng và các quy định về việc quản lý quỹ tranh cử của Trump, Cohen phải trả cái giá 3 năm tù (1).

Cohen đã tìm cách chuyển cái rủi ro của Trump thành các rủi ro của mình. Các rủi ro của Trump không biến mất (có khi còn nặng hơn), nhưng các rủi ro của Cohen thì xuất hiện đồng loạt.

Cựu Tổng Thống Bill Clinton trước đây bị “nhức đầu” về vụ Monica Lewinski cũng trong một hoàn cảnh khá tương tự. Lúc bước vào Tòa Bạch Ốc để làm cô sinh viên tập sự, Monica 22 tuổi; và quan hệ giữa cô với TT Clinton (lúc đó 49 tuổi) không có tính cưỡng bức.

Ông Clinton có quá đáng là sử dụng văn phòng làm việc hoành tráng của tổng thống cho những “công việc” rất “không tổng thống”, và có thề thốt là “không có quan hệ gì với người phụ nữ đó (Lewinski)” cho tới khi có các bằng chứng thuyết phục là ông đã nói sai. Nhưng, nói sai về đời tư của mình không phải là một tội hình sự (2), mà ông bị Hạ viện tìm thấy phạm hai tội: Nói láo hữu thệ và cản trở công lý.

Khi đưa lên Thượng viện (lúc đó đảng Cộng Hòa nắm đa số với 55 Cộng Hòa và 45 Dân Chủ), các Thượng nghị sĩ đã tìm cách luận tội ông Clinton, nhưng không thành

***

Không ai hoàn hảo dưới ánh mặt trời. Ở đất nước tự do, người ta không tìm cách phong thánh những lãnh tụ. Luật pháp của những đất nước tự do có thể không hoàn hảo, nhưng là giấc mơ của những người dân đang sống trong chế độ độc tài.

Ngược lại, trong những quốc gia dưới sự cai trị của đảng cộng sản, các lãnh tụ đều được phong thánh. Nhiều người phụ nữ có quan hệ với Mao Trạch Đông, và Hồ Chí Minh đều bị thủ tiêu sau đó, để bảo vệ sự “thánh thần” của Mao và Hồ.

Tìm cách phong thánh một con người bằng xương bằng thịt nào đó chỉ là những cố gắng hợm hĩnh, nhố nhăng của một thiểu số tìm cách hưởng lợi từ những việc phong thánh đó.

Lừa gạt xương máu, công sức, tiền bạc của nhiều thế hệ, chia rẽ và làm suy yếu một dân tộc để duy trì quyền lợi phe nhóm là tội ác. Các khẩu hiệu, tượng đài của “bác” Hồ, “bác” Mao không khác gì những đồ vàng mã, chỉ dùng để đốt, một ngày không xa.

_____

Tham khảo:

– Michael Cohen: https://en.wikipedia.org/wiki/Michael_Cohen_(lawyer)

– Clinton and Lewinski – Scandal: https://en.wikipedia.org/wiki/Clinton%E2%80%93Lewinsky_scandal

– Ngoại tình ở tiểu bang nào của Mỹ là phạm tội: https://www.freep.com/story/life/family/2014/04/17/in-which-states-is-cheating-on-your-spouse-illegal/28936155/

– Trump’s Hush Money Payments Were Likely a Criminal Offense: https://www.americanprogress.org/issues/democracy/news/2018/12/19/464510/trumps-hush-money-payments-likely-criminal-offense/

Đã đăng ở:

02 tháng 3 2019

Trump - Kim: Ta không cần nhau

Cuộc hội đàm chính thức giữa TT Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Yong-un chính thức bắt đầu vào 9h sáng ngày 28/2/2019 đến 1h30 chiều thì hai bên bỏ về, bỏ luôn bữa cơm trưa đã được chuẩn bị chu đáo, không có một thỏa thuận nào được ký kết.

Những ngày trước đó, toàn bộ tai mắt của hệ thống truyền thông quốc tế đều hướng về cuộc họp lần này, được tổ chức ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản hy vọng trở thành “trung tâm hòa giải thế giới” như hệ thống truyền thông của đảng CSVN rêu rao.

Sau hội nghị lần đầu bất thành ở Singapore, lần này mọi người mong đợi một “thiên tài đàm phán” Donald Trump biểu diễn một pha “game” ngoạn mục để biến bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân. 

Và, Trump cũng kỳ vọng như vậy, nên khi vừa tới nơi, đã ca ngợi Kim như là một “lãnh tụ vĩ đại”, bất chấp sự tàn bạo của Kim ngay cả với chính người thân của hắn, và với người Mỹ, không nhắc đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên đất nước cộng sản sắt máu nhất thế giới này.

Thông thường trước khi các cuộc họp thượng đỉnh như thế này, các nhà ngoại giao, chuyên gia đàm phán của cả hai phía đi lại như con thoi để giải quyết các bất đồng của hai phía. Đa số các tranh chấp phải được bàn thảo và giải quyết trong giai đoạn này, để khi hai nhân vật chính ngồi lại, chỉ còn khoảng một vài điều cần phải thương lượng và hầu như cả hai đều sẵn sàng tương nhượng các khoản còn lại “nhỏ nhoi” này, nếu không nói là cuộc gặp mặt chỉ là hợp thức hóa các thỏa thuận trước đó bằng văn bản dưới sự chứng kiến của truyền thông.

Trước những cuộc họp như vậy, thường truyền thông sẽ được thông báo ít nhiều về những thỏa thuận cơ sở. Lần này, mặc dù sau lần thất bại ở Singapore, phía truyền thông cũng không được cho biết về những thỏa thuận cụ thể ở hai phía. Truyền thông có thể nghĩ là hai bên đã có nhưng họ không được thông báo, chứ không nghĩ tới chuyện “không có gì”.

Thực chất là đã không có bất kỳ một thỏa thuận cụ thể nào cả giữa hai phía. Sau cuộc họp, giới truyền thông mới “ngã ngữa” vì không thể không công nhận một sự thật như vậy. TT Trump buộc phải thừa nhận rằng, Mỹ và Bắc Hàn vẫn không thỏa thuận được về “định nghĩa chính xác của việc giải trừ vũ khí hạt nhân” (“US and North Korean officials remain at odds about the precise definition of denuclearization”). 

Sẽ là một sự ngây thơ, hay quá tự tin, khi nghĩ rằng chỉ bằng một vài cuộc gặp mặt ngoại giao, Kim sẽ cho phá hủy hoàn toàn các kho vũ khí hạt nhân của họ, giải tán các cơ sở tinh luyện, và rút khỏi các chương trình thử nghiệm.

Như trường hợp giữa Mỹ và Liên-Xô cũ cho dầu các văn bản giải trừ chạy đua vũ trang vẫn còn hiện hữu, bất cứ ai cũng không tin rằng, họ nghiêm chỉnh thi hành những điều họ đã ký kết. Tất cả các cam kết giữa quốc tế, nhất là giữa các quốc gia đối lập, chỉ có tính cách tương đối vì nhân loại vẫn chưa có được một “Tòa Án” đủ sức cưỡng hành, và trừng phạt một cách hiệu quả các vi phạm.

Hiệp Ước bất tương xâm giữa Hitler và Stalin bị xé bỏ dễ dàng sau đó, khi Hitler bất ngờ mở mặt trận phía đông thời chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân loại cũng không giải quyết được vấn đề Stalin, về việc tại sao Stalin lại ký kết hiệp ước đó, vào thời điểm đó. Gần hơn, đối với Việt Nam, có ai còn tin thỏa ước ngưng bắn giữa VC và VNCH trước Tết Mậu Thân 1968, hay Hiệp Định Paris năm 1973 ngăn cấm việc CS Bắc Việt xâm lược miền Nam Việt Nam.

Hy vọng nhiều thì thất vọng càng lớn hơn, khi Kim yêu cầu, rất rõ ràng rằng, phải hủy bỏ toàn bộ cấm vận đối với Bắc Hàn; họ Kim lại, rất không rõ ràng, trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Kim chỉ đồng ý việc “bắt đầu tháo dỡ” (“begin dismantling”) cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân ở Yongbyon. 

Mỹ thì bảo “chưa đủ”, và dĩ nhiên không nói thêm chi tiết là “còn mấy kho khác nữa”, và Kim thì đâu có khai thêm vị trí, tầm cỡ của những kho khác. Trump cũng không thể cho Kim biết là Mỹ biết những kho khác nằm ở đâu, bởi đó là những tin tức tình báo rất khó kiểm chứng. Những kho vũ khí khác của Kim đâu có dán bảng hiệu “Quân Đội Nhân Dân”.

Họ Kim định chơi một ván tháu cáy: OK, sẽ hủy bỏ, mở cửa những kho cũ thời “Napoleon còn mặc quần đùi”, giữ lại các kho hiện đại, không mất gì nhưng được tất cả, nếu Mỹ giải trừ toàn bộ cấm vận.
Trump hy vọng với “ba tấc lưỡi” có thể làm một người vĩ đại trong lịch sử nhân loại, nếu Kim cho tháo dỡ tất cả các kho vũ khí hạt nhân.

“Đời không như là mơ” nên cả hai Trump-Kim đều phải bỏ về, làm Tổng-Chủ “trung tâm hòa giải thế giới” tiu nghỉu, và chưng hửng.

“Nếu muốn hòa bình, chuẩn bị chiến tranh” (“If you want peace, prepare for war”) là một câu ngạn ngữ Latin, được Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt trong Thế Chiến Thứ Hai nhắc lại với ý: Nói nhẹ nhàng, nhưng đem theo một cây gậy lớn (“Speak softly and carry a big stick”). Với Tổng Thống Ronald Regan: Chúng ta biết nhân loại khao khát hòa bình, nhưng hòa bình không tự nhiên tồn tại, nó tùy thuộc vào sự can đảm của chúng ta để xây dựng, giữ gìn và chuyển đến các thế hệ sau (Nguyên văn: “We know that peace is the condition under which mankind was meant to flourish. Yet peace does not exist of its own will. It depends on us, on our courage to build it and guard it and pass it on to future generations”).

Kim sẽ giữ những đầu đạn hạt nhân của Bắc Hàn trong kho chừng nào mà gã còn hiểu rằng hệ thống phòng thủ và phản công của Mỹ sẽ rất hiệu quả. Và, thực ra, Kim không cần hòa giải với Mỹ, vấn đề Bắc Hàn không phải đến từ bất kỳ quốc gia nào khác, mà là đến từ chính người dân Bắc Hàn, nếu Kim bắt đầu cởi trói cho họ, và thực tâm hòa giải với người anh em phương nam của họ. Kim không cần Mỹ. Kim cần sự thay đổi của chính Kim, và đồng đảng của Kim.

Không có con đường tắt cho hòa bình. Hòa Bình là một con đường, không phải là một đích điểm. Chừng nào sức mạnh quân sự của Mỹ và Đồng Minh còn đủ sức ngăn chặn chiến tranh, chừng đó nhân loại, về cơ bản, còn đi trên con đường hòa bình. Hai ngàn năm trước, Đại Đế La Mã Hadrian nói: Hòa Bình bằng Sức Mạnh, nếu không, thì bằng sự đe dọa (“peace through strength or, failing that, peace through threat”). Lịch sử nhân loại đã minh chứng cho sự thật đó.

Nguyên Đại
2 Tháng Ba 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook