17 tháng 11 2019

Tự thắp đuốc mà đi

Phạm Quang, tu sĩ Phật giáo, pháp danh Thích Trí Quang (TTQ) sinh ngày 21/12/1923, mất ngày 8/11/2019. Đã có nhiều bài viết trên mạng xã hội về TTQ, bài viết này mong được đóng góp một vài ý kiến trong tinh thần xây dựng và học hỏi.

TTQ lãnh đạo nhiều ngàn tín đồ Phật giáo và tu sĩ Phật giáo, gây nên một tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ giữa năm 1963, góp phần làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. 

Tình trạng hỗn loạn còn tiếp diễn ba năm sau đó, khi phong trào do TTQ lãnh đạo lọt vào giữa các cuộc tranh chấp của một số tướng lãnh quân đội Miền Nam Việt Nam (MNVN).

Tháng Sáu 1966, tướng Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh giam lỏng TTQ tại chùa Ấn Quang, Sài gòn. Năm 1975, TTQ ủng hộ Dương Văn Minh nắm chính quyền, trước khi ông Minh đầu hàng Việt Cộng (VC). Dù vậy, VC vẫn tiếp tục duy trì lệnh giam giữ “tại chùa” đối với TTQ, sau khi họ đã nắm chính quyền. Lệnh này chỉ được tháo bỏ sau đó vài năm. Năm 2013, TTQ về chùa Từ Đàm, Huế và ở lại đây cho tới khi mất vào ngày 8/11/2019.

Trong những năm 60 đó, TTQ không phải là một tu sĩ Phật giáo. Ông ta là một nhân vật chính trị. TTQ lãnh đạo tu sĩ và nhiều tín đồ Phật giáo xuống đường, dàn bàn thờ ra đường phố, chống “đế quốc Mỹ xâm lược” và Ngô Đình Diệm, ủng hộ Nguyễn Chánh Thi, chống Nguyễn Khánh, chống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, gây ra tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam, góp phần làm sụp đổ nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, vốn đã chịu quá nhiều gió bão từ phía VC, phía Mỹ, và phía các tướng lãnh bất đồng. TTQ đã gián tiếp gây nên nhiều cái chết của tín đồ và tu sĩ Phật giáo, làm suy yếu chính quyền MNVN, và làm lợi cho VC.

Người ta còn trách TTQ ở chỗ, mặc dù rất hung hăng dưới chế độ cộng hòa ở MNVN, ông lại rất im lặng trước việc VC đập phá chùa chiền sau 75, và sau đó đưa các đảng viên CS vào các ngôi chùa, biến nơi đây thành cơ sở chính trị, cơ sở kinh tài của VC, và là trung tâm của những hoạt động mê tín, dị đoan.

Những tín đồ Phật giáo nghèo khổ đã bị vắt kiệt sức bên ngoài chùa, tưởng đâu tìm được bóng mát tâm linh đằng sau cánh cửa chùa; họ đâu ngờ chính nơi đây, họ lại một lần nữa “cúng dường” cho cô hồn, các đảng còn sống và huyênh hoang với nhiều bằng khen, chức sắc được phong từ phía đảng CS với khẩu hiệu rất rõ ràng “Đạo Pháp, Dân Tộc, và Chủ Nghĩa Xã Hội”.

Phật giáo không chủ trương việc tham dự vào các tranh chấp chính trị. Đức Phật lúc còn tại thế không dính líu đến các tranh chấp chính trị. Vua Tỳ Lưu-Ly của một nước lân cận đã đem quân san bằng thành Ca-tỳ-la-vệ, nơi ngài được sinh ra để làm Thái-tử, và giết hơn 500 người của dòng họ Thích-ca. 

Ngài không lãnh đạo các tu sĩ Phật giáo của vương quốc Thích-ca để làm một cuộc trả thù sau đó. Chủ trương của ngài đã rất rõ ràng từ hơn hai ngàn năm trước, nước Phật chỉ có Sự Thật, không có đảng phái, vua quan. Nước Phật mở cửa cho tất cả chúng sinh vì “máu ai cũng đỏ, và nước mắt ai cũng mặn”. Tương tự, Chúa cũng phán rằng: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".

Chủ trương của Phật, và của Chúa Jesus đều rất rõ ràng, rằng niềm tin tôn giáo và quan điểm chính trị là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, các tu sĩ được gọi là “thầy”, là “cha”, đã có tiếng nói rất quan trọng trong việc định hướng quan điểm chính trị của các tín đồ.

Đa số người Việt theo Phật giáo, những người theo đạo thờ cúng ông bà cũng có khi xa gần coi mình như một tín đồ Phật giáo không thuần thành. Chính vì vậy, các chính trị gia thường tranh thủ sự ủng hộ của các tu sĩ, đặc biệt là các “thầy”, bởi sự ủng hộ của các “thầy” là quá “hấp dẫn” đối với tham vọng chính trị của họ.

Ngược lại, đối với một số “thầy”, được sự ủng hộ của chính quyền để xây chùa lớn hơn, đẹp hơn, hưởng được những cung phụng, cúng dường công sức, tài vật từ phía tín đồ cả người giàu lẫn người nghèo, và quan chức từ thấp đến cao, cũng trở thành một sự hấp dẫn mạnh hơn cả giáo pháp của Phật.

Sự cộng tác đó giữa đảng CS và một số “thầy” đã làm tình trạng Phật giáo ở Việt Nam trở nên nát bét như hiện nay. Cái chết của TTQ một lần nữa làm nổi lên một số vấn đề liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng bài viết này không có ý “vơ đũa cả nắm”. Dĩ nhiên, trong ao bùn vẫn có nhiều hoa sen tinh khiết nở ra thật sự đón nhận bàn chân của Phật. Là bùn hay là sen, “tự thắp đuốc lên mà đi” như lời dạy của Phật đối với tất cả ai tin vào giáo pháp của Ngài bao gồm các tu sĩ (các “thầy”) và tất cả những tín đồ phật giáo, trong đó có người viết bài này.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook



"Sự độc hại" Trần Long Ẩn

Trần Long Ẩn (TLA) sinh ngày 29/9/1944 tại Bình Định, học trung học tại trường La-San (nay là Đại Học Quy Nhơn), sau đó vào học ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Tháng 4/1972, ông trốn theo VC vào chiến khu. Hai năm sau, năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc, học ở trường Âm Nhạc Việt Nam.

Ngày 10/11/19, trong buổi họp giao ban của hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM, ông TLA phát biểu: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa…”, theo báo Phụ Nữ, cơ quan ngôn luận của HLH Phụ nữ TPHCM.

Phát biểu của ông gây nên phản ứng dữ dội của những người tham gia mạng xã hội, có người cho rằng đó là câu nói “bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay” (Mặc Lâm/ VOA – 15/11/19). Tại sao?

Trước hết là tại cái chức vụ mà ông đang có. Ông không phải là một dư luận viên hạng bét, phát biểu vu vơ, không ai muốn tranh luận. Ông hiện là ủy viên thường vụ hội nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch hội âm nhạc và đồng chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Ông là tác giả của một số ca khúc từng được thanh niên Việt Nam yêu thích. Với chức vụ đó, ông không thể tùy tiện phát biểu, cho dẫu để lấy lòng ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy TPHCM, người có mặt trong buổi họp giao ban đó.

Thứ hai là tại ông nói bậy. Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nó “độc hại” ở chỗ nào? Em thương nhớ, lo sợ những điều xảy ra với anh, một người lính trong những đêm lửa đạn… Những điều mà em không dám nghĩ, tình của mình chia ly mất mát trong chiến tranh…, thì độc hại ở chỗ nào? Tết, con không về nhà thăm mẹ được. Con nhớ mẹ, nhưng vì chiến cuộc, vì đồng đội con còn ở chiến trường, con không thể riêng mình êm ấm… thì độc hại ở chỗ nào?

Buổi chiều, mẹ nhìn ra ngõ nhớ con, đứa còn, đứa mất trong chiến tranh, từng đợt đạn pháo…lo buồn…thì độc hại chỗ nào. Ông vào chiến khu, không thông báo với gia đình, chỉ sau 75 mới gặp lại. Mẹ ông và những người thân nhớ thương ông…là một sự độc hại? Khi nói những điều đó, ông có nhớ đến tình cảm của những người thân của ông, khi ông đột nhiên… “mất tích” để vào chiến khu VC không? Khi nói những điều đó, ông đã trở thành “sự độc hại” của gia đình ông, cho dẫu ông đã ở tuổi mà có thể để xuống tất cả những phiền phức về danh và lợi trong cuộc đời này.

Thứ ba, ông là một kẻ vô ơn. Trước khi vào chiến khu, ông đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường trung và đại học Sài-gòn, ông lớn lên từ cái nền văn hóa đó. Nó tạo cho ông những cơ sở để có thể viết được những lời nhạc sau này. Ông là kết quả của “sự độc hại” mà ông miệt thị đó.

Thứ tư, làm công việc “phê bình” văn hóa, nhưng ông không hiểu một điều cơ bản là: Khi tác phẩm đã phát hành, sinh mạng của nó không còn do tác giả, người tạo ra nó, quyết định nữa. Người đón nhận tác phẩm quyết định sự sống còn của tác phẩm đó. Chế Lan Viên, sau này có “Trừ Đi” cái “Bánh Vẽ” cũng không tẩy được ao ước của ông “cho con làm sóng dưới con tàu đưa tiễn bác” trong lòng người đọc được.

Trịnh Công Sơn cho dẫu “tiến thoái lưỡng nan” cũng không thể làm thính giả quên được những ca khúc phản chiến mà ông đã viết, cùng với lời “hiệu triệu” văn nghệ sĩ mà ông nói trên đài phát thanh Sài gòn, những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Và, đồng chí Tố Hữu của ông, sau này có than khóc bao nhiêu vì bị thất sủng, cũng không làm sao lấy đi được ấn tượng trong lòng người đọc rằng: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”…hay “Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin” được.

Sự sống còn của một tác phẩm không phải tùy thuộc và ý chí, quyết tâm đường lối của đảng, nó thuộc về người thưởng ngoạn. Không ai có thể “tẩy xóa”, ngay cả chính tác giả. Chính vì vậy, dòng nhạc trước 1975, người ta đã từng cố tẩy xóa, nhưng không thể nào, và bây giờ nó trở lại, sống vững vàng, sống mạnh mẽ, dầu đã hơn nửa thế kỷ.

Lẽ ra, là một “nhà phê bình” ông và các đồng chí của ông phải đặt câu hỏi “tại sao” trước khi dán cho nền văn hóa nghệ thuật trước 75 cái nhãn “độc hại”. Cái nhãn mà ông dán đó, vô hình chung lại dính hẳn vào con người của ông. Ông đã trở thành một sự độc hại, mà các đồng chí của ông sẽ buộc phải loại bỏ, một ngày rất gần; bởi vì ông không xứng là một nhà phê bình, ông không xứng là một nhạc sĩ, ngay cả trong cái nhìn của các đồng chí của ông.

Người xưa nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Ông không rút lại được những lời phát biểu độc hại đó, nó sẽ đi theo ông xuống mồ. Tự nhiên, tôi cảm thấy ông là một người đáng thương hại.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv