15 tháng 1 2020

Đồng Tâm: Một lời tuyên chiến

Sự việc xảy ra vào đêm 9/1/20, ở làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, đã rõ ràng:

1. Hơn ba ngàn quân tổng hợp từ lực lượng đặc công quân đội phối hợp với cảnh sát cơ động được trang bị những vũ khí hiện đại bao gồm: xe bọc thép, bộc phá, súng, lựu đạn cay, thiết bị phát âm phá màng nhĩ, chó nghiệp vụ v.v… đã mở cuộc tấn công vào làng. Đây là một cuộc đàn áp, một cuộc tấn công quân sự.

2. Giết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, với 4 phát súng: 2 vào đầu, 1 vào tim, 1 vào chân; và lấy đi nhiều tài liệu trong nhà cụ. Việc giết người và cướp của đã được thực hiện.

3. Bắt đi nhiều người trong gia đình cụ Kình, nhân chứng của vụ thảm sát, tra tấn và ép cung họ để có những lời khai theo ý của bên tấn công.

4. Chỉ đạo toàn bộ hệ thống báo đài của đảng tung tin giả, bênh vực cho tội phạm, quy tội cho nạn nhân.

5. Tiến hành truy tố các nạn nhân về “tội giết người”; đồng thời khen thưởng và truy tặng “huy chương chiến công hạng nhất” cho những kẻ đi đầu trong cuộc tấn công, bị chết vì tai nạn do bất cẩn và liều lĩnh.

Những việc làm đó vi phạm nghiêm trọng những luật lệ cơ bản nhất từ khi con người hình thành xã hội. Sự việc đó tồi tệ hơn những việc làm tàn nhẫn của tổ chức tội phạm hình sự khét tiếng Mafia; bởi Mafia vẫn thừa nhận họ là kẻ gây tội ác, chứ không tìm mọi cách quy tội ngược lại cho những nạn nhân.

Cho tới phút này, nhiều người vẫn còn bàng hoàng vì lẽ: cơ quan tổ chức tất cả những việc trên lại là Bộ công an CSVN, với sự chuẩn thuận của Tổng Bí Thư Đảng CSVN kiêm Chủ Tịch Nước Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, người mà sau đó một ngày (10/1/20) đã ban thưởng các huy chương nói trên.

Sự việc ở Đồng Tâm dĩ nhiên chà đạp lên tất cả các luật lệ do chính nhà nước và đảng CS đặt ra, và là dấu chấm hết cho bất kỳ một hy vọng nào đối với “luật pháp” ở VN hiện nay.

Không có bất kỳ lối thoát pháp lý nào cho hành động của đảng CSVN: Tấn công, đột nhập gia cư tư nhân bất hợp pháp, giết người, cướp của, cướp xác, mổ bụng tử thi, bắt người, tra tấn bức cung, tung tin giả, truy tố hình sự đối với nạn nhân, khen thưởng, ban tặng huy chương chiến công cho kẻ tấn công. Trừ phi, đảng CSVN thừa nhận là một bộ phận của đảng CS và nhà nước Trung Cộng. Khi đó, tất cả những bàng hoàng, ngạc nhiên, và tranh cãi sẽ trở nên không cần thiết.

Nhà nước và đảng CSVN thỏa hiệp với chính quyền Trung Cộng đối với các tranh chấp về biên giới, lãnh hải; tạo điều kiện cho các công ty dưới sự hỗ trợ của chính phủ TC vào Việt Nam, cướp đất của người dân, giao đất đai cướp được của dân cho các doanh nghiệp của đảng, các doanh nghiệp được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Cộng.

Chính quyền VN và đảng CSVN đã trở thành một phần của ĐCS Trung Quốc. Họ học tập lẫn nhau, mặc quân phục giống nhau, thỏa thuận với nhau trên xương máu của người dân Việt Nam.

Sự việc ở Đồng Tâm là một lời tuyên chiến của đảng CS với nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ Đồng Tâm.

Nguyên Đại
15 Tháng Một 2020

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

06 tháng 1 2020

Vai diễn và Đời thường

Nguyễn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân 
trong phim Ván Bài Lật Ngữa
Ngày 4/1/20, ca sĩ-diễn viên Nguyễn Chánh Tín (NCT) đã vĩnh viễn ra đi, để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè và khán thính giả. 

Ông Tín được biết nhiều nhất trong vai Thiếu Tá quân đội VNCH Nguyễn Thành Luân (NTL) trong bộ phim nhiều tập Ván Bài Lật Ngửa khởi chiếu từ năm 1982. Trong phim, Luân cũng là một gián điệp của VC.

Lần đầu tiên, sau 30/4/75, hình ảnh đẹp phong độ của sĩ quan quân lực VNCH được trở lại tự do hiên ngang trong màn ảnh được trình chiếu công khai. Miền Nam như được xoa dịu… 

Cảm giác thỏa mãn tâm lý bốc khói như ly cà phê thơm phức buổi sáng, khi những bộ đồ lính loang lỗ máu và đạn khói chiến tranh cùng với những dấu vết của sự phản bội, tàn độc, tủi buồn được tháo bỏ vội vàng trước đó bảy năm … xuất hiện trở lại. Những nội dung về sự “thần thánh của cách mạng” là không thành vấn đề.

Người ta thích nhân vật NTL với nhiều lý do khác nhau. Những cô gái thời đó thích NTL chỉ vì anh đẹp trai. Chấm. Những thằng nhóc con, thời những đêm cúp điện của miền Nam sau “giải phóng”, “rút súng” “pằng” thằng Tí, thằng Tèo chạy lăn quăn trong trong trò chơi bắn bùm, trốn tìm, thích NTL vì anh bắn một phát súng vào một con dao, viên đạn tách ra làm đôi làm nổ hai trái bong bóng đặt hai bên con dao. Quá đẹp! quá ấn tượng.

Năm 1982, Miền Nam nhớ lắm quá khứ… qua những hình ảnh không lời. Miền Nam nhớ hình bóng cha anh ngày trước. Miền Nam nhìn NTL và khóc cho cha anh mình… Người chết, người trở về xơ xác từ trại cải tạo. NTL không được yêu thích như một điệp viên cộng sản. Anh được yêu thích vì anh là một sĩ quan hiên ngang trong quân phục quân lực VNCH xuất hiện lại trên màn ảnh rộng, trong một tư thế nguyên vẹn oai phong.

NTL là một phép cộng trừ nhân chia của một số nhân vật trong đời thực, cùng với những hư cấu thêm bớt của đạo diễn, những xảo thuật điện ảnh của các kỹ thuật viên, những hóa trang của những chuyên viên hóa trang điện ảnh chuyên nghiệp. NTL là một nhân vật điện ảnh. Nguyễn Thành Luân không có thực và dĩ nhiên không phải là Nguyễn Chánh Tín.

Hãy yêu và ghét, thậm chí căm giận NTL, như yêu và ghét Tào Tháo, Quan Công, Khổng Minh trong truyện phim Tam Quốc Chí v.v… hay bất cứ nhân vật nào trong bất cứ bộ phim nào để lại ấn tượng cho mình. 

Yêu, ghét, say mê, căm giận là cảm giác của cuộc sống… Những cá nhân riêng rẽ, có cảm giác khác nhau. Cảm giác không phải là đối tượng để tranh cãi. Nhưng, đem cảm giác từ nghệ thuật vào đời thường có thể dẫn tới những hệ lụy không cần thiết, và đôi khi trở thành nạn nhân của cảm giác của chính mình.

Nguyễn Chánh Tín có vẻ như là nạn nhân nặng nề nhất của Nguyễn Thành Luân. Từ một tù nhân vì "tội" vượt biên năm 1981, NCT được cho ra khỏi tù với đề nghị thủ một vai Thiếu Tá Quân Lực VNCH. Đề nghị đó quá hấp dẫn! Nguyễn Chánh Tín bước vào vỏ bọc Nguyễn Thành Luân và rực sáng.

Nhưng, NTL không thể sáng mãi với thời gian được, vì nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và tự do. Nghệ thuật theo sự định hướng của đảng, phục vụ sự tuyên truyền cho đảng, là một nền nghệ thuật bị treo cổ, bị tử hình. Nguyễn Thành Luân đã chết, đã bị tử hình từ sau Ván Bài Lật Ngửa.

Những bản sao của NTL trong những bộ phim khác không được sự đáp ứng nồng nhiệt của khán giả. Sự mới mẻ trong Ván Bài Lật Ngữa khi lặp lại không còn lạ nữa, và những tuyên truyền rẻ tiền của đảng thì chỉ có một số ít thích thú. 

Hào quang NTL đã chết theo một thiên đường mù lòa cùng với một nền nghệ thuật phải theo định hướng của đảng. Các quan chức cộng sản hiện phải than rằng: ta nói chỉ cho ta nghe, ta chiếu phim chỉ cho ta coi, là vì vậy.

Nếu NTL bước vào trại cải tạo cùng với những đói khát, những đòn trả thù thâm độc của cán bộ canh tù. Nếu NTL lênh đênh trong những vùng biển đói khát, tối tăm đối diện với gió bão, với cướp biển, với mất mát tang thương, trên đường vượt thoát ngục tù CS. Nếu NTL sống lây lất trong trại giam thuyền nhân, đau khổ khi bị trả về VN như bị cả loài người quay lưng. Thì, NTL đã không chết mà sống rất thật, sáng như mặt trời buổi sáng rọi màu huyết dụ trên những con thuyền dân giã đời thường. Và, biết đâu NTL sẽ tiếp tục tỏa sáng; giống như Châu Nhuận Phát trong một nền điện ảnh tự do.

Nguyễn Thành Luân không phải là Nguyễn Chánh Tín. NTL đã chết, rất lâu, cho dẫu nhân cái chết của NCT, hệ thống truyền thông của đảng cho trình chiếu các bộ phim cũ. Thời đại đã khác, NTL cũng không thể tái sinh với những thái độ nhập nhằn vu vơ như vậy.

Cũng vậy, Nguyễn Chánh Tín không phải là Nguyễn Thành Luân. NCT kẹt trong NTL xưa cũ, và ông thất bại trong những bộ phim sau này. Trong đời thường, NCT là một người sống chan hòa vui vẻ với đồng nghiệp. Ông từ giã cuộc đời này trong một giấc ngủ cũng rất dịu êm.

Ông là một nghệ sĩ đã một thời được nhiều người yêu thích. Ông vừa qua đời. Xin được thắp một nén hương khán giả, chia buồn cùng gia đình ông. Kính tiễn biệt ông như một nạn nhân của một nền điện ảnh bị định hướng, bị treo cổ, bị tử hình.

Nguyên Đại
6 Tháng Một 2020

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook