01 tháng 12 2018

Cụ đồ xem hát bộ

Nguyễn Tấn Dũng và Trần Bắc Hà
Lâu ngày ra thị xã Bình Định xem hát bộ, cụ Đồ phủi chân ngồi dưới đất (cho nó sang) chăm mắt nhìn lên sân khấu. Một lát…cụ bảo thằng bé ngồi chồm hổm bên cạnh: mày kiếm cho tau cây viết và tờ giấy. Thằng nhóc đi một lát, rồi đem lại cho cụ một cây bút lông và tờ giấy dài như tờ sớ. Cụ gật gù, rồi phóng bút viết:

Trống Bắc dâm-gian hà phải xuống
Kèn Nam còn kẹt dũng hết lên


Rồi bảo thằng nhỏ: mày đem lên dán chính giữa bục sân khấu cho tau. Thằng nhóc làm y chang, rồi về ngồi cạnh ông cụ. Nó cựa quậy, đọc đi đọc lại…Một lát không nhịn được, hỏi ông cụ: là sao hở cụ?

Ông cụ cười khà khà, rồi chỉ lên sân khấu, rồi nói: mày thấy thằng đánh trống ngồi ở phía Bắc cầm dùi đánh đùng đùng không, nó có cái trống to đùng, chắc là mua của tụi Tàu. Nó đánh hoài không mệt là vì trống còn tốt. 

Còn thằng thổi kèn ngồi ở phía Nam thì thổi được mấy cái thì cái kèn bị kẹt, không thổi được nữa, lui về phía sau hậu trường, muốn lên mấy lần nhưng cái kèn của nó cứ bị kẹt, cứ thậm thà thậm thụt hoài, mày không thấy sao. 

Tướng nó cũng còn trẻ, dũng cảm lắm, nhưng cái kèn còn kẹt, làm sao lên. Tiên sư nó, đi thổi kèn hát bộ mà không thủ cái xi-cua, bây giờ vô tuồng rồi, làm sao kịp…cũng may nó cũng tử tế, nên hồi nảy giờ không phá đám…

Dạ, à há…

Nhưng chữ “dâm-gian” là sao, hở cụ? Cụ gỏ nhẹ vào đầu thằng nhóc rồi bảo: người Bắc họ đọc chữ “râm-ran” nghe giống như chữ “dâm-gian” nên tau viết rõ luôn, khỏi tuyên đọc nhầm…Còn mày nói rặt giọng Quảng Nam (giống như Mười Khó) đọc chữ “còn kẹt” phải cẩn thận, khà…khà.

Thằng bé ngẫm nghĩ một chút, rồi cục cựa tiếp: nhưng con coi Facebook, nghe nói ông Trần Bắc Hà đã bị bắt và ông nguyên TT Dũng cũng đang run, câu của cụ nghe sao…sao. Ông cụ nói: mày lên lấy tờ giấy xuống đây. Thằng bé làm y chang. Ông cụ bèn sửa lại:

Trống BẮC dâm-gian HÀ phải xuống
Kèn nam còn kẹt, DŨNG hết lên


Rồi, mày lên dán lại y chang chỗ đó cho tau; để tau coi, cuối cùng thằng kèn nó có lên không cho biết.

Một lát nữa cũng không thấy thằng kèn lên, nó cứ lãng vãng chỗ mấy ông thầy chùa ở sau sân khấu. Ông cụ bực mình bỏ về… Thằng bé lại hỏi: Ơ cụ không ở lại xem hết tuồng, sao về sớm dzậy?? 

Ông cụ đứng phắt dậy: Không tao phải về, thằng Kim Trọng nhà tao đang đốt lò gạch, tao không về coi nó cử lảy (con) Kiều, thì cháy nhà mất, hy vọng nhà tao PHÚC dày chưa bị BẠT, không thì TAI nạn khó lường. dẫu sao nhà tau NGÂN lượng cũng còn hai cục đủ lớn, nếu có chuyện gì cũng không đến nỗi, nhưng tao phải về, chứ thằng TRỌNG nó đốt lò lung tung như Chí Phèo, thì làng Vũ Đại của tao lâm nguy!!!

Rồi ông cụ bỏ về, thằng nhỏ ngồi lại một chút, ngẫm nghĩ rồi lẩm bẩm: Á đù….

Nguyên Đại 
1 Tháng Mười Hai 2018

13 tháng 5 2018

Đường Đi Đâu - Truy Nã Quốc Tế Ngược

Đường Minh Hưng
Khoảng tháng Chín, 2016 lúc Trịnh Xuân Thanh (TXT) tự nhiên “biến mất” khỏi Việt Nam, và các báo trong nước nói rằng “Bộ Công An Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế” đối với TXT. Tôi có viết một bài tựa là Truy Nã Quốc Tế, đăng trên trang Ba Sàm, tờ báo mạng có nhiều độc giả, mà người khởi xướng nó đang bị chế độ CSVN cầm tù. 

Bài viết đó đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến tổ chức Interpol (Cảnh Sát Quốc Tế) và một số điều kiện phải được thỏa mãn trước khi một lệnh truy nã được tổ chức Interpol phát đi.

Thấm thoát đã gần hai năm, một số điều đã được thời gian trả lời rất rành mạch và rõ ràng. 

Thứ nhất: 
Bộ Công an CSVN không thể phát lệnh truy nã quốc tế (như các báo chí của Đảng loan tin), và tổ chức Interpol cũng không phát lệnh truy nã quốc tế đối với TXT. Cần nhắc lại rằng, tổ chức Interpol chỉ được phép phát lệnh truy nã quốc tế đối với những tội phạm hình sự. Interpol không được phép phát lệnh truy nã, nếu việc bắt giữ có liên quan đến các động cơ chính trị.

Chính phủ CSVN cho đến thời gian hiện nay vẫn chưa thể thuyết phục được bất cứ ai, đặc biệt là chính phủ Đức, rằng TXT hoàn toàn là một tội phạm hình sự. Ngược lại, các phiên tòa “bỏ túi” xử TXT (và Đinh La Thăng) được tiến hành một cách cẩu thả, chỉ có tính hình thức, khi hai bản án chung thân đã được chuẩn bị sẵn để tròng vào đầu TXT, và luật sư người Đức của TXT bị trục xuất trở lại Đức khi bà đến VN để tham dự phiên tòa xử thân chủ của bà (TXT) càng củng cố cho lý lẽ rằng có động cơ chính trị trong vụ án TXT trước các quan sát quốc tế.

Thứ hai: 
Không có một hiệp ước dẫn độ giữa VN và Đức, nơi TXT xin tỵ nạn chính trị, và vì vậy con đường ngắn nhất và hợp pháp để đưa TXT về nước đã không hiện hữu. Mặc dù, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc có đề cập vấn đề này với bà Merkel (Thủ Tướng Đức) trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Đức vào đầu tháng 7/2017. Bà Merkel đã từ chối, và nói rằng việc dẫn độ nếu có, phải thông qua một trình tự pháp lý. 

Trong tư cách là người đứng đầu hành pháp, bà không có quyền (và không được phép) can thiệp vào các tiến trình tư pháp. Tuy nhiên, song song với việc này, chính phủ CSVN vẫn chuẩn bị việc bắt cóc TXT, và điều đó xảy ra vào ngày 23/7/17, chỉ hai tuần sau khi bà Merkel và ông Phúc nói chuyện về TXT vào ngày 6/7/2017.

Ông Phúc, trong vai trò Thủ Tướng, không được biết gì về vụ bắt cóc TXT? Hay ông đã ra lệnh cho Trung Tướng Đường Minh Hưng trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc? Nếu ông Phúc không thể kiểm soát được một bộ dưới quyền Thủ Tướng, thì việc ông ký vào các hiệp ước thương mại, chiến lược quốc phòng với các quốc gia khác liệu có ý nghĩa gì? 

Tưởng tượng rằng, một ngày, bên lề một hội nghị nào đó, nếu bà Merkel hỏi ông Phúc: “Thưa, ngài Thủ Tướng, ngài nghĩ sao về vụ bắt cóc TXT”. Ông Phúc sẽ trả lời như thế nào: Không biết? Trực tiếp ra lệnh bắt cóc vì “xin” dẫn độ không được? Không, chuyện đó là của bác Trọng, tôi không được biết? Hay là: Việt nam coi trọng quan hệ với Đức, “cờ lờ mờ vờ” “cờ lờ vờ”?

Thứ ba: 
Hiện nay tòa án Đức đang xử vụ bắt cóc TXT, thông qua “điểm tựa” Nguyễn Hải Long. Tại sao? 
Việc các điệp viên bắt cóc người của đối phương, nếu hai nước có chiến tranh “nóng” hay “lạnh” là chuyện “bình thường” như những hoạt động quân sự, và các gián điệp sẽ được đối xử tương tự như những chiến sĩ. Công, tội của họ sẽ được xem xét theo quy luật chiến tranh. Tòa án đâu có nhiều thời gian bỏ ra bao nhiêu tháng năm để xử từng vụ bắt cóc, hay “đánh nhau” giữa các “chiến sĩ”. 

Trong khi Đức và VN không ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng có một người đang cư trú ở Đức và được luật pháp Đức bảo vệ, người đó bị bắt cóc. Điểm khởi đầu phải là một vụ án hình sự. Tòa án là nơi giải quyết các vụ án hình sự chứ không phải bộ quốc phòng hay tình báo Đức. TXT vì vậy trở thành nạn nhân của một vụ án hình sự. 

TXT đang cư trú tại Đức, xin tỵ nạn tại Đức; TXT bị luật pháp Đức chế tài (giả sử uống rượu, lái xe, đánh nhau v.v…) chứ không phải Việt Nam; và ngược lại TXT cũng được luật pháp Đức bảo vệ khi ông ta đang ở Đức. Việc TXT có bị đưa tới ngồi vào ghế bị cáo tại một tòa án VN hay không sẽ do luật pháp Đức quyết định, chứ không phải công an VN.

Một người đang ở Đức, một vụ bắt cóc xảy ra tại Đức, tòa án Đức xử những nghi can trực tiếp và gián tiếp liên quan đến vụ bắt cóc. Đó là điểm khởi đầu hoàn toàn hợp lý phải được công nhận.

Nếu với nhân chứng, vật chứng đầy đủ và tòa tìm thấy đây rõ ràng là một vụ bắt cóc (chứ không phải tự nguyện "độn thổ" về VN tự thú) thì những người ra lệnh, chỉ huy, trực tiếp, hoặc gián tiếp phải là những tội phạm hình sự, và bị trừng phạt theo luật hình sự tại Đức. 

Cảnh sát Đức sẽ có nhiệm vụ bắt và giam giữ các tội phạm hình sự, sau đó đưa họ ra tòa án để được xét xử tại Đức. Nếu các tội phạm đó đã trốn thoát ra nước ngoài, và vì vậy không nằm trong phạm vi để thực thi quyền bắt giữ của cảnh sát Đức, Interpol có thể được yêu cầu phát lệnh truy nã quốc tế đối với các tội phạm hình sự này.

Cần hiểu rằng, khi Đường Minh Hưng chỉ huy việc bắt cóc TXT, trước đó chính phủ VN hoàn toàn không thông báo rằng chúng tôi sẽ cử một trung tướng công an đến Đức để đem TXT về. Cho đến hiện nay, chính phủ CSVN vẫn không thừa nhận họ ra lệnh bắt cóc TXT. 

Chính phủ Đức không có cơ sở để khẳng định là chính phủ CSVN đã ra lệnh bắt cóc TXT. Nghĩa là, họ “phải coi như” ông Đường Minh Hưng (mặc áo sơ mi, chứ không phải đồng phục công an với cấp bậc Trung Tướng) trong tư cách cá nhân đã chỉ huy việc bắt cóc. Nói cách khác: một người mang hộ chiếu VN tên là Đường Minh Hưng đã chỉ huy một vụ bắt cóc một người đang ở Đức. 

Đường Minh Hưng đã phạm tội hình sự trên đất Đức và hiện nay chúng tôi chưa bắt được ông ta. Chúng tôi thỉnh cầu sự trợ giúp của Interpol. Trong tình trạng đó, Interpol có thể phát lệnh truy nã quốc tế với ông Đường Minh Hưng và các trợ thủ của ông ta. Đây quả là một vụ truy nã quốc tế NGƯỢC.

Nếu TXT (đang ở Đức) bị đặt vào ghế bị cáo (một cách “bất hợp pháp”) trong một phiên tòa ở VN, và luật sư người Đức của ông ta không được phép tham dự phiên tòa dù là trong tư cách quan sát viên, tòa án CSVN đã thực hiện tiến trình xét xử một cách không đúng theo công lý tự nhiên và quy lệ được luật pháp quốc tế công nhận, và vì vậy việc xét xử đó coi như “bất hợp lệ”. Và vì không công nhận tính hợp lệ đó của các phiên tòa ở VN, nên TXT đã và gia đình đã được cố vấn để rút đơn kháng án.

Trả lại TXT cho Đức thì mất mặt quá! Bắt cóc: tốn kém “ồn ào” đủ chuyện, đưa “củi” vào “lò” với hai án chung thân rồi, bây giờ đem “củi” ra, thế thì uy danh “Người Đốt Lò Vĩ Đại” làm sao? Công nhận rằng Bộ Công An CSVN, Trung Tướng Đường Minh Hưng “gây án hình sự” tại Đức thì còn ra thể thống gì!

Giữ TXT trong tù, hy vọng “cứt trâu để lâu hóa bùn”, nhưng vấn đề là nó không hóa bùn, mà nó càng ngày “càng thúi”. Và nếu Interpol phải phát lệnh truy nã “một người mang quốc tịch Việt Nam tên là Đường Minh Hưng đã tổ chức một vụ bắt cóc tại Đức, và đã bị Tòa Thượng Thẩm Đức tuyên án”, thế thì “công dân” Đường Minh Hưng đi đâu? Nếu vài năm nữa, lấy lon trung tướng xuống, sang Âu châu chơi, bị bắt và bị đưa ra tòa ở đó về tội danh bắt cóc thì hỏi… Đường Đi Đâu?

Nguyên Đại
13 Tháng Năm 2018

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook



06 tháng 5 2018

200 năm ngày sinh Karl Marx

Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân Dân
 hôm 4/5/18 vinh danh Karl Marx.
Ảnh: AP Photo/ Ng Han Guan

Hôm qua nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx (Việt Nam phiên âm “Các-Mác”), triết gia người Đức sinh vào ngày 5/5/1818 tại thị trấn Trier thuộc miền Tây nước Đức; Trung Cộng đã tặng cho thị trấn này một bức một tượng Karl Marx bằng đồng cao 4.4m. Có khoảng 200 khách tham dự buổi lễ khánh thành bức tượng này, bao gồm người trong phái đoàn Trung Quốc.

Cùng ngày, Chủ Tịch Trung Cộng, ông Tập Cận Bình, trong một lễ kỷ niệm tại đại sảnh đường “Nhân Dân” ở Bắc Kinh, phát biểu (tạm dịch) rằng: “Hôm nay chúng ta tưởng niệm Marx để vinh danh nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng để khẳng định niềm tin của chúng ta và sự thật khoa học của chủ nghĩa Marx”.

Căn cứ vào tiêu chuẩn nào để đánh giá một tư tưởng là “vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”; và “sự thật khoa học” của một tư tưởng là cái gì?

Tư tưởng của Marx đã được trình bày cho sinh viên ở các đại học miền Nam VN trước năm 1975, và hiện nay trong các trường đại học Văn, Luật khoa ở các nước tây phương. Sinh viên có thể tự nghiên cứu, học hỏi, đánh giá và tranh luận về các quan điểm của Marx. 

Họ được khuyến khích để suy nghĩ độc lập, trình bày quan điểm, tư tưởng, nhận thức của họ, với tư cách là những cá thể độc lập, chứ không phải lập lại những điều mà người khác cho là “vĩ đại”, “sự thật khoa học”. Trước hết đó là sự khác biệt về giáo dục con người của những quốc gia theo Marx và không theo Marx.

Cốt lõi của chủ nghĩa Marx là “giai cấp” và “đấu tranh giai cấp” để “xóa bỏ giai cấp”. Marx chia xã hội ra làm hai thành phần dựa vào tài sản của họ “vô sản” và “tư sản”, và giai cấp vô sản phải đoàn kết lại để tiêu diệt giai cấp tư sản, khi không còn giai cấp tư sản nữa thì toàn xã hội chỉ còn một giai cấp “vô sản”, tài sản sẽ được “cộng lại” và chia “đều”, gọi là “cộng sản”.

Sai lầm của Marx, thứ nhất là ở phép chia, con người – theo Marx là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” họ: cao, thấp, mập, ốm, quan hệ, giáo dục, tư tưởng v.v…và vì vậy không thể phân chia theo giá trị tài sản mà họ sở hữu. 

Sự phân chia đó đã phá nát các mối quan hệ xã hội khác giữa người và người, khi một người con nói rằng “tao với mày không có cha con họ hàng gì với nhau cả” chỉ có “nông dân nghèo” và “địa chủ, phú nông”, và bây giờ là hai phía với lòng “căm thù giai cấp”. Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Bí Thư Đảng CSVN là một ví dụ, khi ông đấu tố cha mẹ mình trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất.

Thứ hai: Marx kêu gọi giải quyết sự chênh lệch trong việc sở hữu tài sản trong xã hội bằng cuộc đấu tranh giai cấp, bằng cách mạng bạo lực. Nhân loại được kêu gọi để bước vào những cuộc chém giết nhau để san bằng sự chênh lệch về tài sản. 

Những cuộc “cách mạng” này ở Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba đã cướp đi sinh mạng của trên 100 triệu người, hơn gấp đôi số người đã chết trong hai cuộc thế chiến cộng lại. Liên Xô với những trại giam ở vùng Siberia băng giá, Trung Quốc có Cách Mạng Văn Hóa, Việt Nam có Cải Cách Ruộng Đất, đánh Tư Sản, trại cải tạo. Đây mới chính là “sự thật khoa học” không thể phủ nhận của chủ nghĩa Marx.

Thứ ba: Marx cho rằng, sau “cách mạng” thì xã hội sẽ được công bằng hơn vì đã “xóa bỏ” “giai cấp”. Cái “sự thật khoa học” sau cách mạng là một sự thật bi thảm, vì khi quyền lực được giao cho một nhóm nhỏ, không có sự kiểm soát hữu hiệu, nhóm nhỏ đó đã trở thành giai cấp “siêu tư bản” tận thu tài sản xã hội để làm của riêng. 

Các nhóm quyền lực trong đảng CS là một ví dụ. Phải, không có giai cấp tư sản nữa, chỉ còn “quan” và “dân” cùng với sự xuống cấp của toàn xã hội vì tất cả các giá trị nhân bản đã được hình thành qua nhiều thế hệ đã bị “phá móng”.

Marx mất năm 1883, đã 135 năm qua, tư tưởng của Marx đã lạc hậu và lỗi thời, nếu không nói là ấu trĩ, tự mâu thuẫn và sai lầm nghiêm trọng. Lịch sử cũng đã minh chứng rằng những người tôn thờ tư tưởng Marx đã tạo ra quá nhiều thảm trạng, đau thương, tang tóc cho đồng loại, điều đó mới chính là “sự thật khoa học” của chủ nghĩa Marx.

Cái mà Marx nhắm tới đó là sự công bằng, nhưng con đường mà Marx chủ trương đã dẫn đến thảm họa và bất công nghiêm trọng.

Những kẻ cầm quyền ở vài quốc gia cộng sản còn sót lại trên hành tinh này đang có những cố gắng vô vọng dùng Marx như một bình phong để che đậy tham vọng quyền lực và tài sản trên những vùng đất đã chịu quá nhiều khổ đau, trong đó có Việt Nam.

Nguyên Đại
6 Tháng Năm 2018

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook