Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Minh Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Minh Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

23 tháng 1 2016

Có Khi Nào?

Bùi Minh Quốc
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu


Bài thơ được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay trong thi ca Việt Nam, có lẽ vì nó đúng với tâm trạng của hầu hết mọi người. Có ai trên đường xuôi ngược không chợt thấy một hình bóng mà mình rất đỗi yêu thích, để rồi...sóng thấm vào bờ cát.

Tác giả bài thơ là Bùi Minh Quốc. Ông sinh năm 1940, lớn lên ở Hà Nội. Sau Đại học, ông về làm việc ở đài phát thanh. Vợ ông là bà Dương Thị Xuân Quý, viết văn và làm báo. Hai người kết hôn năm 1966. Họ sinh được một đứa con gái duy nhất được đặt tên là Bùi Dương Hương Ly. Năm 1967, ông Quốc xung phong vào chiến trường miền Nam, lúc bé Ly được 6 tháng tuổi.

Một năm sau, bà Quý gởi đứa con gái cho mẹ, và vào Nam với chồng. Một năm sau đó, bà đã hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam, khi đụng độ với quân đội đồng minh Nam Hàn. Bài Thơ Hạnh Phúc, với bút hiệu Dương Hương Ly, là một một bài thơ ông Quốc viết với nước mắt yêu thương cùng với một lý tưởng "Giải Phóng Miền Nam", năm 1969.

I
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.


Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc


Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy


Những viên đạn quân thù bắn em,
trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.

Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng.

II
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt


Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Em nói tới những điều em định viết


Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.

Và em gọi đó là hạnh phúc…

Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rừng bước vội
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi.

Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến

Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng

Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gai góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…


Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hòa, Xuyên Phú…
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em


Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư
Có tiếng hò như thực như hư
Em đã đến, tắm mình trong sóng nước
Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thủa trước


Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn
Và kêu lên khi được thấy cội nguồn
Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ
Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ

Đã cùng họ sẻ chia
Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa
Phút căng thẳng khi vòng vây giặc siết
Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết
Của một thời nô lệ đau thương


Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng


Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…

III
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.

Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.


Không cùng lý tưởng với tác giả, nhưng nhiều năm rồi, khi đọc lại những vần thơ này, tôi vẫn còn xúc động. Xúc động của tình yêu, con người đi qua chiến trang.

Tôi, đứng về phía bên kia chiến tuyến với ông. Tôi chia sẻ cùng ông, nỗi đau và mất mát của tất cả đồng bào Việt Nam, những nạn nhân của chiến tranh.

Một bài thơ khác của Bùi Minh Quốc cũng rất nổi tiếng trong thời chiến tranh, Đất Quê Ta Mênh Mông (1967), được phổ nhạc và hát vang trên nhiều đường phố miền Nam sau 1975:

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.

Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước

...

***

Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc ở Đà Nẵng, làm Phó Chủ Tịch hội Văn Nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Ðất Quảng.

Năm 1985, ông đến Đà Lạt và sau đó giữ chức Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng - Đà Lạt. Ông cùng đồng nghiệp thành lập tờ báo Lang Biang (lấy tên theo một câu chuyện thần thoại ở đây). Tờ báo hoạt động được 3 số, và sau đó bị đóng cửa; vì, theo lời ông, tờ báo đã "đăng tải những bài viết mà các vị lãnh đạo địa phương cũng như vĩ mô không hài lòng".

Nhà thơ Dương Hương Ly lừng lẫy một thời trên đường Trường Sơn đã viết:

Cay Đắng thay!
Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay


Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.


Ông (Tướng) Trần Độ đã trích dẫn bài thơ này trong Nhật Ký Rồng Rắn của mình.

Năm 1994, Bùi Minh Quốc viết Bài Thơ Tháng Tám, trong dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám. Ông lại tự hỏi "Có lẽ nào?":

Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” thật giả nhập nhằng!…


Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?

Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?

Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi
Những người Tháng Tám?
Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản

Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do?
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế

Mặc thân phận mình dưới ách tà gian
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…”
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu

Tháng tám ơi! Tháng Tám nước non mình
Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thế thôi! Thơ
Với cường quyền
Ðối mặt

Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Ðang thét đòi món nợ: Tự Do!


Những ngày này của năm 2016, dọc đường phố quê tôi có những bảng hiệu sặc sỡ "Nhiệt Liệt Chào Mừng...", hội trường đại hội ĐCS đỏ loét với tượng Karl Marx và Lenin, nhìn khuôn mặt của các "đồng chí lãnh đạo" khi sang Tàu dâng hoa, lúc nhìn vào nhau "đoàn kết", thấy các em học sinh vượt sông bằng dây "tử thần" cùng với những đêm trời đầy pháo bông, những người đi "cướp" của những người nghèo từng ổ bánh mì từ thiện, những em học sinh bị bạn đánh hội đồng tàn nhẫn dưới mái trường XHCN, tôi lại lẩm nhẩm: "Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi", và cũng hỏi: "Có khi nào?".

Nguyên Đại
23/1/2016