Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng

16 tháng 8 2021

TALIBAN CHIẾN THẮNG "ĐẾ QUỐC MỸ"?

Hôm nay các chiến binh Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan chấm dứt cuộc chiến tranh với liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đây sau 20 năm, kể từ khi hai tòa tháp đôi ở New York bị nổ sập vào ngày 11/9/2001.

Taliban đã chiến thắng quân Mỹ?
Người ta so sánh ngày hôm nay ở Kabul với ngày 30/4/1975 ở Saigon, khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người Việt Nam ngơ ngác thời đó không hiểu sao một quân đội Mỹ đồ sộ lại có thể bị bại trận nhanh như vậy. 

Giờ đây, sau 46 năm, chính họ đã trở thành người Mỹ, có con em là các tướng lãnh trong quân đội Mỹ hiện nay. Ngay cả những người ở bên kia vĩ tuyến trước năm 1975, hiện nay đã có mặt ở Mỹ, là công dân Hoa Kỳ, và có thể có con em làm việc trong các tổ chức, công ty quan trọng trên đất Mỹ. Người Việt, ngoại trừ một số ít có vấn đề tâm lý, đều có câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi trên.

Các tướng lãnh trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ vài ba năm trước đó, khi mà các hành lang chính trị được nối lại giữa quân Mỹ và Taliban, kéo theo các hiệp ước ngưng bắn trong giai đoạn. Cũng vậy, người Mỹ đã chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, từ lúc Không Quân Mỹ ngưng oanh tạc Bắc Việt, và sau đó hiệp định Paris được ký kết giữa các chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt, và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, ngày 27/1/1973.

Sau khi tiến vào Afghanistan, đánh bại các căn cứ của Al-Qaeda, quân Mỹ không rút đi, mà ở lại đó xây dựng một chính phủ thân Mỹ, và một quân đội đồng minh mới ở đây. Khác với quân đội Đức Quốc Xã, và quân phiệt Nhật Bản, họ bị quân Mỹ và Đồng Minh đánh bại hoàn toàn, tiếng súng chiến tranh chấm dứt, ngưng hẳn, và họ bắt tay kiến thiết quốc gia sau chiến tranh. Ở Afghanistan và Việt Nam chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó. Việt Cộng nhận vũ khí của Trung Cộng và Nga-Sô cầm chân quân Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa Thủy Quân Lục Chiến vào cảng Đà Nẵng năm 1965. Taliban nhận vũ khí của một số quốc gia trong khối Ả Rập và Hồi Giáo tham dự một cuộc chiến hơn 20 năm, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khối Cộng Sản đã dùng Việt Cộng như một đội quân tiên phong cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Quân Mỹ không thể hoàn toàn đánh bại quân đội Việt Cộng, trừ khi khai chiến luôn với Trung Cộng và Liên Xô. Chiến trường Việt Nam không thể thắng bằng tiếng súng. Sau khi khai thác mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Nga Sô, Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) đã thõa hiệp với Bắc Kinh, và rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam.

Cũng vậy, cuộc chiến ở Afghanistan không thể chiến thắng bằng súng đạn, trừ khi tấn công luôn vào các đồng minh của Mỹ bao gồm Pakistan và Arab Saudi, trong số những quốc gia đã viện trợ vũ khí cho Taliban chống Mỹ. Mỹ rút quân, và quân Taliban reo hò tiến vào Kabul.

Quân Mỹ đã rút, không tham chiến nữa, năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, và hôm nay 16/8/2021 ở Afghanistan. Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, chiến trường sắp tới là ở đó. Đối thủ của Mỹ hiện nay là Trung Cộng, mũi súng của quân Mỹ quay về khu vực Đông Bắc Á. Đó là vấn đề thay đổi trong chiến lược. Chúng ta đều hiểu rất rõ, quân Mỹ không có “thắng” hay “thua” ở Việt Nam năm 1975, và hôm nay cũng vậy, họ cũng không “thắng” hay “thua” tại Afghanistan.

Khổ Đau?
Ừ thì: “dân tộc Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ”. Ừ thì: “những người học trò Hồi Giáo, cầm súng trường và lựu đạn đã chiến thắng Liên Xô, và liên quân Mỹ-Tây Phương”.

Dân tộc Việt Nam đã quá cay đắng với “chiến thắng” đó, hy vọng điều đau khổ này không lặp lại trên đất nước Afghanistan, nhưng có vẻ như còn quá sớm để có thể nói được điều gì, trong cơn say “chiến thắng” hôm nay.

Mỹ và Đồng Minh “thua” ở Việt Nam, nhưng 15 năm sau đó, toàn bộ khối Cộng Sản ở châu Âu sụp đổ. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ “thua” ở Afghanistan? Thắng, thua là điều có thể tranh cãi, có thể chưa biết rõ ràng sau một vài thập niên.

Nhưng, khổ đau là sự thật, không thể phủ nhận, không thể tranh cãi. Những đau khổ ngút trời của người Việt ở cả hai miền Nam-Bắc trong và sau cuộc chiến là không thể đong đếm. Nước mắt…biển khơi.

Nhìn xác của những người lính trẻ thuộc quân đội của chính phủ Afghanistan trước đây rải rác trong trên các ngọn đồi khô của một đất nước tan hoang sau bao năm dài chiến tranh, những người vài tháng trước đây còn say sưa với lý tưởng dân chủ tự do Tây phương…có nhớ lại thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa không?

Nhìn những chiến binh Taliban lớn lên trong cuộc chiến dường như chẳng biết gì ngoài súng đạn ngơ ngác trước những gì họ thấy tại thủ đô, tại các dinh thự người Mỹ bỏ lại, có nhớ những bộ đội Trường Sơn ngây ngô, đến tội nghiệp, ngày xưa không?

Nhìn lại cục diện hôm nay và năm xưa để thấy sự thật cuả “thắng” và “thua”. Một dân tộc tránh được chiến tranh mới là một dân tộc chiến thắng, một dân tộc có thể hòa giải những khác biệt mới là một dân tộc thật sự chiến thắng. Bài học đang ghi ở đó bằng lịch sử của dân tộc Việt Nam, bằng lịch sử của dân tộc Afghanistan hôm nay.

Nguyên Đại
16 Tháng Tám 2021

Hình: 
1) [Aamir Qureshi/AFP] Trang đầu trên một nhật báo của Pakistan về Afghanistan.
2) [Time Magazine] Việt Cộng chiếm Sai-gòn ngày 30/4/1975

Đã đăng trên báo Tiếng Dân:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive Tivi 20/8/2021





17 tháng 2 2019

Trọng không lú, mà là láu!

Ngày này, 17-2, đúng 40 năm trước, năm 1979, Trung Cộng tấn công Việt Cộng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hệ thống tuyên truyền của ĐCS VN hoạt động với công suất tối đa, khuyếch đại lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam. 

Lúc đó không ai dám hát “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, ôi tình hữu nghị sáng như biển Đông…”. Bài ca con cá này VC đã hát suốt thời kỳ nhận viện trợ toàn diện của Trung Cộng để tấn công chính quyền Miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến tranh biên giới giữa VC và TC diễn ra chớp nhoáng trong khoảng một tháng nhưng đã cướp đi trung bình mỗi ngày, mỗi phía hơn 1000 nhân mạng. Quân chủ lực Trung Cộng sau đó kéo về phía bên kia biên giới, tàn sát mọi sinh vật và tiêu hủy mọi thứ, trên đường rút quân.

Sau năm 1979, chiến tranh vẫn âm ỉ ở mức độ cục bộ suốt 10 năm sau đó. Trung Cộng vẫn không ngừng, bằng mọi thủ đoạn, lấn đất, lấn biển. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc bây giờ đã nằm sâu trong phần đất thuộc quyền kiểm soát của Trung Cộng. Mặt trận biên giới Vị Xuyên 1984 -1989 với trận chiến đẫm máu ở Lão Sơn đâu có nhiều người biết. Báo chí đảng cũng không nói đến trong thời gian xảy ra chiến tranh.

Năm 1988, Lê Đức Anh ra lệnh không nổ súng và toàn bộ sĩ quan, bộ đội Việt Nam đóng ở đảo Gạc-Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, đã bị hải quân Trung Cộng tàn sát. Trong suốt 10 năm đó, hệ thống tuyên truyền của ĐCS VN vẫn không nhắc tới những trận đụng độ cục bộ giữa VC và TC. Tại sao? VC phạm những sai lầm chiến thuật, mất nhiều nhân mạng và cứ điểm?

Năm 1989, Đông Âu sụp đổ, và sau đó Liên Bang Xô-Viết tan rã, ĐCS VN mất chỗ dựa, họ buộc phải thương lượng với TC. Nguyễn Văn Linh đang cổ súy cho chính sách “Perestroika” theo mẫu mã của Liên Bang Sô-Viết, buộc phải khựng lại. 

Mật Ước Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) ra đời năm 1990, và VC bẻ hướng “đổi mới” theo kiểu của Đặng Tiểu Bình. Từ đó, hệ thống tuyên truyền của VC không được phép nói gì về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cũng như các cuộc đụng độ nhỏ hơn trong 10 năm sau đó. Rồi thì, như “quý vị đã biết”: “16 chữ vàng, 4 tốt” mà Trung Cộng ban cho VC ra đời.

Vài tuần trước, tự nhiên hệ thống tuyên truyền VC lại mở hết các loa về cuộc chiến biên giới 1979. Điều này làm ngạc nhiên không những “bọn phản động” mà các đồng chí “bò đỏ” cũng chẳng hiểu mô-tê, ất giáp gì cả, họ “hớ toàn diện”. 

Các ông GS-TS VC cũng bán tín, bán nghi, bèn phán rằng là phải tránh các từ nhạy cảm như “dã man” v.v… khi nói về sự tàn phá và tàn ác của quân Trung Cộng đối với các phụ nữ và trẻ em ở các tỉnh biên giới khi TC chiếm giữ các nơi này. “Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam” mở hội thảo về đề tài này lần thứ HAI, lần thứ nhất vào năm 1979!

Câu hỏi là, tại sao “nín” tới 40 năm, để rồi bây giờ mới cho “xả”? Chơi chiêu: “Trăm Hoa Đua Nở”, “Dụ Rắn Xuất Động”? Không, bởi vì kể từ khi internet và các trang mạng xã hội phát triển, không phải “trăm hoa” mà là “triệu hoa” đua nở, không cần đảng “cho phép”. Luật An Ninh Mạng (i.e. “Animal”) cũng không giải quyết được điều gì. Bắt “thằng” viết, không lẽ không bắt “thằng” “comment”, và rồi cũng phải bắt luôn “thằng” thích/ like và love/ “thả tim”. Bắt hết rồi thì nhốt ở đâu?…

“Gió đổi chiều”? Ngả hẳn về phía Mỹ? Không, cả hai phía Mỹ và VC đều chưa có sự chuẩn bị cho một lộ trình như vậy. Ông Trọng, cách đây không lâu cũng đã tuyên bố là “quan hệ Việt Trung chưa bao giờ tốt đẹp hơn…” và “kiên định đi theo con đường XHCN”.

Vậy thì, hà cớ gì mà cho mở hết “loa phóng thanh” như vậy? 

Trước hết, ai cho phép? Vụ này Trọng không gật đầu, không ai dám làm. Phúc và Ngân không thể đơn phương tự quyết việc này được. Vậy thì tại sao Trọng gật?

Dĩ nhiên không phải là ý của Tập Cận Bình. Tập không tâm thần đến nỗi yêu cầu bộ máy tuyên truyền của Trọng tấn công đảng, nhà nước và quân đội nhân dân Trung Hoa. Vậy là giữa Trọng và Tập có chút vấn đề. Ủa, mới dắt tay nhau đi như “không thể nào gần hơn nữa”, và Trọng ký một loạt 15 văn bản với TC, bây giờ là vấn đề gì?

Chỉ có thể giải thích bằng cách là: Tập muốn Trọng thực thi các văn bản đó, bao gồm mật ước Thành Đô, nhưng Trọng thì bảo rằng, chưa được, cần phải có thời gian. Mật ước Thành Đô, mấy “đồng chí” ký xong, qua ải rồi, ăn nhậu và hạ cánh an toàn hết, bây giờ bảo “tớ” thực thi… “Tớ” cũng “thất thập cổ lai hy” và từ xưa tới nay tớ chỉ có dưới chủ tịch Hồ Chí Minh, còn thì không thua cho bất kỳ một đồng chí TBT nào cả trong lịch sử Đảng CSVN để có thể vừa nắm công an, quân đội, chủ tịch nước và TBT đảng. “Lú” thì là do tụi nó đặt thôi chứ, tớ “đâu có ngu”!

Trong khi đó, quyền hạn của Tập cũng chỉ có sau mức của Mao Trạch Đông lúc còn tại thế chứ tuyệt đối không thua bất kỳ ai cả, kể cả Đặng Tiểu Bình. Tập muốn VN phải là một khu vực tự trị, hay ít nhất phải để Tập kiểm soát biển Đông, trong lúc Tập còn đương quyền, chứ không “hẹn hò” gì cả. Tập không muốn bị Trọng cho “leo cây”, và leo “cho đến bao giờ”.

Vậy thì phải làm sao? Vũ khí, quân đội, kinh tế, tất cả mọi thứ đều bị TC khống chế. Kinh tế? Tiền không đủ để trả tiền lời vay từ ngoại quốc, làm sao đấu với ông chủ nợ của thế giới. Vũ khí, quân đội? Các tướng lĩnh VC quá “tâm tư” trong việc làm kinh tế, nên không đủ tài lực để đương đầu với một cuộc chiến như năm 79, nhất là không có sự hậu thuẫn của một cường quốc. 

Bây giờ, chỉ còn là “nòng” người thôi. Mở “loa” lên để Trọng có cớ nói với Tập rằng: “bác” thấy đấy, tớ bảo chưa được mà, lòng người dân Việt Nam sùng sục thế kia, bác không cho thời gian thì tớ phải làm sao? 

Mở “loa” cho phép hệ thống tuyên truyền, tuyên giáo hoạt động hết công suất về cuộc chiến 1979 sẽ được lòng các đồng chí đi lên từ cuộc chiến chống bành trướng Trung Quốc. Đồng chí X trước đây có nói một câu được lưu chú khá nhiều là “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông…”. Tập ghét câu này của Dũng nên đã giúp Trọng đưa Dũng về: vừa làm “người tử tế”… vừa run. 

Còn Trọng bây giờ cho nguyên cả một bộ máy tuyên truyền phản kích Trung Cộng, như vậy so với các đồng chí trong đảng, Trọng “ngon” hơn đồng chí X nhiều. Các đồng chí “anh hùng các lực lượng vũ trang” lại gần bên tớ, sao lại đứng xa thế kia, đừng sợ… Tớ chỉ “thịt” đồng chí X vì nó vừa ăn tạp vừa láo, chứ các đồng chí thì không việc gì phải sợ…

Mở “loa” vừa được tiếng là “không hèn với giặc” như bọn “phản động” vu vạ. Các ông chửi TC, thì bây giở tôi cũng chửi TC, chúng ta là “khúc ruột” dẫu “ngàn dặm”, bây giờ các ông muốn sao, hử?

Mở “loa” và đăng cai tổ chức hội nghị Trump-Kim, Trọng gởi một thông điệp tới Trump rằng: Ông cứ yên tâm, ông không thích TC, tui cũng vậy. Chừng nào ông còn cho chiến hạm đi tuần ở biển Đông, thì chừng đó TC không nuốt được biển Đông, và tui cũng không cho TC vào hẳn VN, và ông thấy đó “quân của tui đang chửi nó xối xả” đó, ông cứ làm Tổng Thống của ông, tui làm Tổng-Chủ của tui, vậy nhé!

Cái chiêu mở “loa”, “nhứt tiễn xạ hai ba con chim”, thực ra đâu phải dở… Trọng không lú a, mà là “láu” cá!

Nguyên Đại
17 Tháng Hai 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube




18 tháng 8 2016

Nhạy cảm. (chấm-không nói thêm)

Công an khóa đường vào Long Tân

Vâng, đây là lý do mà phía VN đưa ra để từ chối việc Úc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Long Tân, một sự kiện có tính quân sử của Úc, được dự trù diễn ra vào hôm nay ở Bia Thánh Giá Long Tân, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào hôm nay (18/8/2016).

Tổng Hội Cựu Quân Nhân Úc đã chuẩn bị cho sự kiện này từ 18 tháng trước. Việc chuẩn bị đã hoàn tất.

Sự kiện này bao gồm đêm họp mặt và triển lãm kỷ niệm chiến trường với có mặt của Đại Diện Nữ Hoàng và Thủ Tướng Úc, Thủ Lãnh Đối Lập và Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh Tân Tây Lan tổ chức tại Hội Trường Quốc Hội ở thủ đô Canberra của Úc cùng với hơn 900 người khác, bao gồm 400 cựu quân nhân Úc trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, vào đêm 17/8/16; trước khi, theo dự trù, sẽ có hơn 1000 người Úc bao gồm những quân nhân đã trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử đó, lần đầu tiên trở lại vùng đất chiến trường tại Việt Nam, sau nửa thế kỷ cùng với thân nhân của họ. 

Một cách hết sức đột ngột, lúc 3h30 chiều ngày 16/8/16, phía VN gởi một điện văn tới Úc, nói rằng, họ không đồng ý cho tổ chức sự kiện tại Bia Thánh Giá Long Tân, Việt Nam, lý do phía VN đưa ra là tính nhạy cảm của sự kiện đối với khu vự đó ("local sensitivity"); dù rằng hằng năm lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức (với quy mô nhỏ hơn) từ năm 1989.

Hôm qua 17/8/16, công an VN đã chận các xe của truyền thông Úc cách 200 mét trước khu vực này. Trong khi Ngoại Trưởng Úc, bà Julie Bishop xác nhận là phía VN đã không cho phép tổ chức lễ kỷ niệm ở Bia Thánh Giá Long Tân, thì Thủ Tướng Úc trả lời với giới báo chí rằng ông muốn nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ Tướng Việt Nam. TT Malcolm Turnbull nói rằng thông báo từ phía VN vào đúng phút chót của sự việc chứng tỏ sự coi thường những người Úc đã đến VN để tham dự sự kiện.

Khoảng 60,000 quân nhân Úc đã tham dự chiến tranh Việt Nam, trước khi họ rút đi vào năm 1973. Trong số đó có 521 người đã hy sinh, và hơn 3000 người bị thương. Chiến trường Long Tân đặc biệt đã đi vào quân sử Úc bởi tại rừng cao su Long Tân cách Sài Gòn 40 cây số về phía Đông Nam, 50 năm trước (ngày 18/8/1966) đã chứng kiến sự đụng độ ác liệt giữa 108 binh sĩ thuộc Đại Đội D, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Gia Úc với sự bao vây và quyết tâm tiêu diệt của một lực lượng đông hơn 20 lần của QĐ CSVN thuộc Trung Đoàn 275 và sư đoàn D455.

Phía VN, trong một bài báo mạng của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa hồi tháng Năm, năm nay ghi nhận rằng di tích Long Tân đánh dấu "sự thảm hại của quân đội Hoàng Gia Úc trong việc tiêu diệt quân giải phóng". Phía Úc ghi nhận có 18 quân nhân thiệt mạng, và 24 người khác bị thương trong trận này, cùng với 245 binh lính CSVN tử thương và ước lượng khoảng hơn 350 người khác bị thương, sau khi các binh sĩ Úc thuộc Đại Đội D được các đơn vị đồng đội xuất phát từ căn cứ Núi Đất gần đó phá được vòng vây trong đêm, và quân đội CSVN rút đi. Bia Thánh Giá Long Tân được ở vị trí chiến trường đúng vào ngày 18/8/1969.

Nửa thế kỷ trôi qua, dòng lịch sử chảy xiết với những đổi thay cùng với những sự kiện không thể nào thay đổi. Nhật Bản là một bạn hàng không thể thiếu, một một đồng minh không thể thay thế của Mỹ ở biển Hoa Đông, cho dù mấy trăm ngàn người Nhật đã biến mất sau khi hai quả bom nguyên tử đã tạo nên những cột nấm khổng lồ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, năm 1945. Quân đội Đức và Ý từng là kẻ thù của người Mỹ trong thế chiến thứ hai đã sát cánh trong các cuộc hành quân của NATO hiện nay.

Trong số hàng chục ngàn người định cư mà Úc tiếp nhận hàng năm từ Việt Nam có nhiều người là quân nhân của QĐ CSVN, có lẽ không thiếu những người đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Long Tân, Núi Đất. Những kỷ sư, công nhân Úc hoàn thành nhiều công trình xây dựng ở VN bao gồm chiếc cầu qua bắc Mỹ Thuận nối liền hai bờ của một nhánh Cửu Long chắc chắn có những người là con, cháu của những cựu quân nhân Úc trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam nhiều năm về trước.

Từ chối vào phút chót sự trở về thăm lại chiến trường xưa của những người lính già, trong những năm cuối đời, đến từ hai phía của chiến tranh để nhớ lại những ngày tháng nghẹn ngào kỷ niệm, đối với họ là một sự nhẫn tâm.

Lý do "Nhạy cảm" (Chấm. Không nói thêm) mà phía VN đưa ra trong sự việc này gợi nhớ đến một diễn biến khác mà người viết đã trình bày cách đây hai ngày về việc Úc từ chối việc hai công ty Trung Cộng trong việc mua lại mạng lưới cung cấp điện ở một tiểu bang của Úc, với lý do ngắn gọn: an ninh quốc gia. Không lẽ có sự liên hệ giữa hai việc này. Nếu đúng như vậy, đó là những liên hệ quái đảng.

Nguyên Đại
18/8/16

Tham khảo:
Battle of Long Tan
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan

Releasing photos to gallery
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

VN hủy lễ kỷ niệm 50 trận Long Tân
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160817_vn_cancels_anniversary_battle_longtan

Battle of Long Tan 50th Anniversary event announced
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

Long Tan: Vietnamese authorities cancel 50th anniversary commemoration event:
http://www.abc.net.au/news/2016-08-17/vietnam-police-block-access-to-long-tan-site/7756984

Hình: Công An Việt Nam phong tỏa đường vào khu vực kỷ niệm ở Long Tân - ABC News, Liam Cochrane