20 tháng 9 2016

Truy Nã Quốc Tế

Interpol logo
Ngày xưa, phải gọi như thế vì đã khá lâu, tôi có một mẫu đối thoại với mấy thằng bạn nhóc con. Một thằng nói: “Tao là Mỹ, mạnh thiệt mạnh luôn”. Thằng khác: “Tao là Pháp, chiếm nhiều nước làm thuộc địa…”. Thằng nữa: “Tao là Mông-Cổ”… (tôi cũng chọn một nước nào đó, có thằng chọn rồi thì không được chọn trùng), chợt một thằng nói: “Tao lớn nhất, tao là Liên Hiệp Quốc, gồm hết tất cả các nước lại”, và tất cả đều thua thằng đó, tức anh ách. Tôi đã cảm nhận có cái gì đó không ổn, nhưng hồi đó không nói lại được…

Bây giờ thì biết rồi. Liên Hiệp Quốc (LHQ) không phải là là một quốc gia, đó là một tổ chức, một tên gọi của một văn phòng, có nhiều chi nhánh trụ sở ở nhiều quốc gia. Bởi không là một quốc gia, nên LHQ không có lãnh thổ riêng, không có dân, v.v…

Tôi nhớ lại câu chuyện trẻ thơ trên khi đọc một số báo chí ở Việt Nam, rằng ngày 16/9/16 vừa qua Bộ Công An Việt Nam đã phát lệnh truy nã trong nước, và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, người mà chính phủ VN cho là chịu trách nhiệm cho việc thua lỗ khoảng 3200 tỷ VN đồng (gần 160 triệu Mỹ kim) của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí VN (PVC). 

Nghe đâu, ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, và sau đó, blogger “Người Buôn Gió” đã thổi một hơi nhiều “cơn gió” qua các trang mạng xã hội.

Interpol (còn được gọi International Criminal Police Commission, tạm dịch: Cao Ủy Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế) là một tổ chức quốc tế lớn thứ hai, sau Liên Hiệp Quốc. Đó là một hệ thống văn phòng, có trụ sở chính đặt tại thành phố Lyon, Pháp. 

Nếu Liên Hiệp Quốc, không phải là một quốc gia, không có dân, không có đất, thì Interpol cũng vậy, không có cảnh sát viên mang súng đi bắt người, không có nhà giam riêng. Nếu nói ngắn gọn, Interpol là một hệ thống văn phòng với các nhân viên liên lạc cùng với chuyên gia điện toán quản lý một hệ thống lưu trữ dữ kiện giúp việc điều tra các tội phạm hình sự.

Tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc là một hội với tên gọi là “Hội Quốc Liên”, giống như nhiều hội khác, ban đầu có ít thành viên, sau đó thì số thành viên tăng lên. Interpol cũng có thể coi như là một “hội” với 190 hội viên, trong số đó có Việt Nam, và Interpol mở một văn phòng liên lạc ở Hà Nội. 

Một cách đơn giản, hoạt động của Interpol được tiến hành như sau: giả sử có một tội phạm hình sự (cướp ngân hàng chẳng hạn) ở VN, mà công an (CA) tin rằng đã rời khỏi VN trốn sang một nước nào đó (Đức, chẳng hạn). Tất nhiên, CA không thể mang súng tung tăng trên đường phố Munich để bắt người được; và cũng không thể gọi điện trực tiếp tới sở cảnh sát Munich để yêu cầu giúp đỡ.

CA Việt Nam sẽ gởi một thỉnh cầu tới văn phòng Interpol ở Hà Nội, từ đây hồ sơ sẽ được chuyển về trụ sở chính (hay trụ sở khu vực Đông Nam Á, đặt tại Thái Lan) của Interpol; hồ sơ sẽ được một ban chuyên trách gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, sau đó những người này sẽ cố vấn cho Tổng Thư Ký (General Secretariat) của Interpol. 

Chính ông Tổng Thư Ký này mới ký quyết định và gởi các thẻ đỏ, vàng, xanh (theo cấp độ của yêu cầu)…. đến các trụ sở liên lạc của Interpol ở các quốc gia hội viên, và ở đây họ sẽ liên lạc với cảnh sát ở quốc gia sở tại hay thành phố địa phương nào đó (Munich chẳng hạn), và chính cảnh sát ở đây mới phái điều tra viên (Detective) để lo việc điều tra và bắt giữ nghi phạm. 

Giả sử họ bắt được, nghi phạm sẽ bị giam giữ ở trại giam (ở Munich), sau đó cảnh sát phải đưa nội vụ ra tòa, và chính tòa án (Munich) sẽ là nơi quyết định giao nghi phạm cho CAVN, hoặc tiếp tục tạm giam, cho tạm thời tại ngoại, hoặc yêu cầu thả người.

CAVN không có quyền hạn gì ngoài lãnh thổ VN, không thể “phát lệnh” truy nã quốc tế được. CAVN chỉ có thể gởi chi tiết về nghi phạm đến văn phòng liên lạc của Interpol ở Hà Nội, và thỉnh cầu sự giúp đỡ của Interpol, thế thôi. 

Tổng Thư Ký của Interpol, hiện nay là ông Jürgen Stock, ở Lyon. Ông mới chính là người “phát lệnh”, thực chất là một yêu cầu sự hợp tác của lực lượng cảnh sát ở tất cả các quốc gia hội viên. Vì vậy, nói: “Bộ CAVN phát lệnh truy nã quốc tế…” không khác lắm với “Tao là Liên Hiệp Quốc, tao lớn nhất, gồm tất cả các nước lại”.

Tôn chỉ của Interpol là tuyệt đối không liên quan đến chính trị, nghĩa là nếu có sự nghi ngờ rằng, yêu cầu bắt giữ nghi phạm có động cơ chính trị, Tổng Thư Ký của Interpol sẽ không được phép “phát lệnh”. Chuyện chính trị không phải là chuyện của Interpol. 

Trước năm 1970, Interpol vẫn không được phép dính dáng tới các tội phạm chiến tranh thuộc Đức Quốc Xã, cho tới lúc đó, vẫn được coi như có động cơ chính trị. Năm 2008, Văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra một số vấn đề của Interpol có liên quan đến việc bắt giữ một số người tỵ nạn chính trị.

Ngày 31/1/2014, Quốc Hội Liên Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) đã có nghị quyết phê phán một số hoạt động của Interpol đã dẫn đến những quyết định không đúng đắn của tổ chức này. 

Tháng 5 năm 2015, Ủy Ban Pháp Luật và Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Liên Âu đã tổ chức một cuộc điều trần để các tổ chức phi chính phủ (NGOs - Non-Governmental Organisations) và Interpol có cơ hội để trình bày những quan điểm khác biệt của họ. Tổ chức Interpol nhận nguồn tài trợ từ các quốc gia thành viên, và đại diện các quốc gia thành viên đều có quyền hạn giám sát hoạt động của Interpol.

Nếu nhận thấy rằng yêu cầu bắt giữ có động cơ chính trị, Interpol phải rút tên của “nghi phạm” ra khỏi danh sách truy tìm của họ, đó là trường hợp của của nhà hoạt động dân sự Indonesia, Benny Wenda, chính trị gia xứ Georgia (một quốc gia thuộc Liên Xô cũ) Givi Targamadze, hoặc cựu tổng thống Honduras, thuộc Trung Mỹ, Manuel Zelaya Rosales. Khi tên của họ được Interpol rút khỏi danh sách, cảnh sát ở các quốc gia hội viên cũng chấm dứt việc truy tìm và bắt giữ nghi phạm.

Một số các trường hợp, sau khi Interpol đã “phát lệnh”, nhưng được cấp quy chế tỵ nạn chính trị ở Mỹ và Âu Châu, bao gồm thương gia người Nga, Andrey Borodin, chính trị gia đối lập người Kazakh, Mukhtar Ablyazov.

Tuy nhiên, vẫn có người, mặc dầu đã được công nhận tư cách tỵ nạn, Interpol vẫn giữ tên của họ trong danh sách, bao gồm nhà báo Sri Lanka Chandima Withana, và Pavel Zabelin, nhân chứng trong vụ của Mikhail Khodorkovsky.

Trịnh Xuân Thanh
Khi tên của nghi phạm chưa được rút ra khỏi danh sách của Interpol, cho dù đã được công nhận tư cách tỵ nạn, nếu người này vượt biên giới sang một quốc gia thành viên khác của Interpol, họ có thể bị bắt giữ tại đây. Tiến trình pháp lý với Interpol có khi kéo dài cả năm trời như trường hợp của phóng viên Patrica Poleo, người Venezuela, và đồng nghiệp người Kazakh Ablyazov Tatiana Paraskevich.

Trong trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Interpol có quyết định đưa tên ông vào danh sách truy tìm của họ hay không, đó là một vấn đề. Sự can thiệp vào quyết định này của Interpol của các tổ chức nhân quyền là điều thứ hai. 

Nếu ông Thanh ở nước ngoài, và giả sử sau đó ông bị cảnh sát (ở Munich chẳng hạn) bắt giữ, các tổ chức luật pháp thông qua hệ thống tòa án có thể ngăn cản một lệnh chuyển giao ông Thanh cho phía Việt Nam hay không là vấn đề thứ ba. Nếu ông Thanh được cấp quy chế tỵ nạn, Interpol có đồng ý rút tên ông Thanh ra khỏi danh sách của Interpol là vấn đề thứ tư, và …

Nếu chỉ để bắt một ông Thanh, chính phủ của ông Trọng có thể chịu giao cho Interpol các tài liệu chi tiết liên quan đến vụ thất thoát trên 150 triệu đô Mỹ, để chứng minh rằng nó hoàn toàn liên quan đến hình sự, không có một màu sắc chính trị nào, hay không? 

Một cách logic và “khoa học biện chứng” thì một mình ông Thanh không thể nào “nuốt trọn” số tiền này, vậy thì còn ai… và ai nữa? Liệu ông Trọng có đồng ý cho công khai tất cả các tài liệu liên quan đến vụ này hay không lại là chuyện khác. Câu chuyện này có lẽ sẽ kéo dài nhiều tập…

Nguyên Đại

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh
Nguyên Đại

01 tháng 9 2016

Quá dài cho một cuộc mộng du

Hôm nay (1/9), nhiều ngàn người dân Hà Tĩnh xuống đường đi biểu tình, những chiếc nón lá, những bộ quần áo lam lũ trên con đường bụi, họ đi thành từng hàng tha thiết kêu gọi những đồng bào giàu có, sang trọng của họ hãy cho họ một con đường sống, đóng cửa Formosa, "Chọn Nhân Dân hay chọn Formosa", và những người đó đã chịu những trận đòn dùi cui của CSCĐ đánh xuống người họ, không chút nương tay.

Hai hôm trước (30/8), đại tướng bộ trưởng BQP VN, Ngô Xuân Lịch đã ôm thân mật ông BT BQP Trung Quốc, Thường Vạn Toàn. Ông Lịch cảm ơn sự tiếp đón chu đáo mà phía TQ dành cho đoàn VN, rằng nhà nước và ĐCSVN tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, đưa quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới và mục tiêu hàng đầu là "bảo đảm lợi ích tối đa của quốc gia, dân tộc".

Lợi ích của ai, quốc gia nào? Câu hỏi vỗ vào mặt như muối xát. Dường như có hai đất nước. Một, có những bệnh viện với những bệnh nhân la liệt, hai bệnh nhân một giường, dưới gầm giường, dọc hành lang, đau đớn, thất thần; có những con thuyền điêu đứng quấn khăn tang bên cạnh những đàn cá quằn quại trúng độc; có những ngôi nhà ngập ngụa trong nước bẩn chỉ sau một cơn mưa; có những em bé tự tử để kết thúc một tuổi thơ rách rưới không có nổi một bộ quần áo lành lặn để đến trường, có những mạng người rẻ hơn mạng một con chó bị mất trộm. 

Và có một đất nước khác, với những biệt thự sừng sững nguy nga của các quan chức lớn nhỏ, những ngôi nhà với tất cả gỗ quý, những quan ông, quan bà với nhiều người hầu hạ chung quanh. Ông Lịch và các đồng chí của ông đang "bảo đảm lợi ích tối đa" cho cái đất nước "thứ hai" đó.

Ông Lịch cảm ơn sự giúp đỡ của TQ cho "sự nghiệp giải phóng dân tộc" và "công cuộc đổi mới ngày nay". Ngày 2/9/45, có một người đã mượn những lời lẽ hùng hồn trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ về tự do và nhân quyền, rồi thì 71 năm sau, cũng đúng vào những ngày tháng này, sau khi bao thế hệ đã ngã xuống trong khói lửa chiến tranh, người Việt vẫn còn khao khát cái quyền được nói và được lắng nghe lời lẽ của chính mình. 

Giải phóng cho ai? Đổi mới được những gì? Vẫn là những câu hỏi đau đớn như tiếng nấc nghẹn ngào của những em bé đói lạnh ngơ ngác trước những tượng đài bệ vệ đứng chông chênh trên những con đường xiêu vẹo, đứt gảy.

Ông Lịch nhất trí với ông Toàn rằng "quan hệ giữa hai quân đội đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển" trong khi những cơ sở quân sự, những hầm chứa máy bay không ngừng được xây dựng trên các đảo nhân tạo, và tên lửa được đưa tới các đảo trên biển Đông. 

Nếu sự "nhất trí" của hai ông Lịch-Toàn có giá trị tương đương những lời nói lảm nhảm của những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt, thì sự lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn lại là một điều hết sức rõ ràng. Trong khi ở Bắc Kinh ông Lịch cho rằng: "Hơn bao bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước", thì ở Singapore, gần như trong cùng một ngày, ông Trần Đại Quang (CTN) phát biểu: "Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều thua".

Chính quyền đầu tiên trên của đảng CS xuất hiện một năm trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất hoàn toàn chấm dứt, và các chính quyền CS khác xuất hiện ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các đảng CS lợi dụng chiến tranh để cướp chính quyền, thì bây giờ đến lượt họ lại sợ mất chính quyền, nếu chiến tranh xảy ra. 

Trong chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, kẻ thực sự bại trận là dân tộc Việt Nam, sự mất mát đến với toàn bộ các gia đình trên cả hai miền Nam-Bắc Việt, và kẻ thực sự thắng lợi đó là làn sóng cộng sản được nối dài tới cực Nam của nước Việt, và biên giới của nước Trung Hoa cộng sản được trải tới Hoàng Sa và (một phần) Trường Sa.

Nếu "tất cả đều thua" nói về những đau thương mà đất nước dân tộc phải chịu trong một cuộc chiến; và bởi vì thế mà cần phải tránh chiến tranh, thì lẽ ra đảng CSVN, phải dừng lại, như nước Đức, mà không phải lao vào mục tiêu "thống nhất'' bằng xương máu của cả một dân tộc trong suốt hơn hai mươi năm khói lửa và tang tóc. Chưa bao giờ đảng CS đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng.

"Diễn Biến Hòa Bình" là từ ngữ mà đảng CS dùng để đặt những khát vọng tự do dân chủ vào thế đối nghịch với họ, để đặt những đồng bào, cùng tiếng nói, cùng quê hương với họ vào thế tử thù. Thực chất, chính những "đồng chí" của họ ở bên kia biên giới mới là những tay chơi "diễn biến hòa bình" tinh vi nhất, thành công nhất, và tàn độc nhất. Họ hiện có những vùng đất tự trị trên toàn cõi Việt Nam. 

Formosa ở Hà Tĩnh chỉ là một trong những khu vực "tự trị" đó. Không ai được phép vào khu vực thành phố bên trong của nhà máy, ngoài việc vài tháng một số viên chức CSVN rảo bước lấy lệ để gọi là kiểm tra, và vì thế đã tạo nên thảm họa biển chết miền Trung, việc xả độc đã "diễn biến" một cách rất "hòa bình", trước khi hàng trăm ngàn tấn cá chết dạt vào bờ trong suốt mấy tháng liền.

Nhiều ngàn "công nhân" Trung quốc đang có mặt trên khắp các tỉnh thành Việt nam, việc chiếm đất di dân đã được thực hiện một cách hết sức mềm mại, ngọt ngào. Các quan chức CSVN duy trì, nuôi dưỡng các diễn biến rất hòa bình này, miễn là họ có thời gian để thâu tóm, vơ vét và chuẩn bị hậu sự cho họ và gia đình của họ ở một nơi nào đó ngoài VN.

Tại sao ngoài các công trình giải trí, khu nghỉ dưỡng hoành tráng, thì tất cả các dự án quan trọng của Việt Nam như Vinashin, PVC, ...đều thua lỗ và phá sản. Đồng bằng Cửu Long điêu đứng, ngư nghiệp dường như chết lịm, nông nghiệp Việt nam phập phồng theo nhịp tay của các thương lái trung quốc, giáo dục loay hoay không lối ra, y tế trở thành một thảm trạng...Tất cả những điều đó không đến từ các "thế lực thù địch" bên kia bờ Thái Bình Dương, mà nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp đến từ các "đồng chí anh em" ở phía bắc biên giới.

Ông tổ của người CS (Karl Marx) đã viết: cuối cùng thì quan hệ sản xuất quyết định thắng lợi. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất. Marx kêu gọi một quan hệ sản xuất tốt đẹp hơn, không còn cảnh "người bóc lột người"; nhưng thực chất các nhà nước cộng sản đã phá hoại tất cả các quan hệ sản xuất khả thi mà lịch sử xã hội loài người có thể kiến tạo, để thay bằng một thứ... "quan hệ quan chức". 

Những quan chức cộng sản không có lý tưởng cộng sản, một lý thuyết không tưởng và bất khả thi, như Marx; họ chỉ đơn thuần là những kẻ dối trá, tàn ác và tham lam. Các nhà nước cộng sản ở Âu Châu đã sụp đổ không vì chiến tranh, mà vì sự thiếu vắng những quan hệ sản xuất hiệu quả kéo theo một sự sụp đổ kinh tế và bất ổn xã hội.

Còn vài phút nữa là sáng ngày 2/9/16, đọc lướt qua tờ Quân Đội Nhân Dân để kiểm lại những trích dẫn, và chợt thấy dòng chữ "Đảng CSVN lãnh đạo nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử". Tôi chợt rùng mình... 71 năm qua, đã quá dài cho một cuộc mộng du.

Nguyên Đại
1/9/16

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh

Bauxite Vietnam