29 tháng 12 2019

Phiếm: Tròng lộn

Nguyễn Bắc Son và "vua" Trọng

Tên công an đi rồi, gã ngồi bệt xuống bục xi-măng trong phòng giam. Chút bực mình nhỏ nhoi, cở tên công an này ngày xưa nhìn mặt gã còn không dám nhìn thẳng, bây giờ gã sa cơ; hắn còn đẩy đẩy, trợn trợn, hỏi gì cũng không trả lời, ra vẻ quan trọng hình sự. Nhưng thôi, tức làm chi với lũ ấy. Đời mà! “Hổ lạc bình dương khuyển mã khi”.

Gã là ai? Nguyễn Bắc Son, tù nhân chung thân mới nhất của chế độ “XHCN tươi đẹp”, từ hôm qua 28/12/19.

Thực tình, gã vẫn không tin được, khi tên quan tòa gào lên “chung thân”. Sao lại thế được nhỉ? Gã đã giao hết tiền rồi mà, gần 3 triệu đô Mỹ (66 tỷ VNĐ) cũng đâu ít gì! "Vua" Trọng nói: “người ta đã trả rồi thì nên tha cho người ta”. Vượng "Phó Vua" cũng nói: “…nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng”. Nghĩa là giao hết tiền thì tha, “giơ cao đánh khẽ”, “chữa bệnh” nhưng “cứu người”. Gã làm đúng mà; vậy là sao?

Có người nói, thần tượng của Trọng là Tập Cận Bình. Trọng sẽ đi theo Bình, sẽ không tử hình quan chức cao cấp của đảng: Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang tất cả hiện đang thụ án chung thân, sau khi bị bắt và kết án vào các năm 2013 và 2015. Nên, có hằn học đến đâu, thì hình phạt cao nhất mà gã có thể bị phán là “chung thân”; cho dẫu gã có nói gì, và tụi quan tòa có nói bá láp bá xàm gì ở ngoài tòa.

Hóa ra 3 triệu đô gả nộp vô, không giải quyết được việc gì cả, chỉ có việc “đấm mõm” cho cái bọn ngọng nghịu, líu lo đó, thiệt là tức chết. Gã thở dài cay đắng!

Hồi còn làm Bộ Trưởng, gã ghét nhứt câu này “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”, vì trước nhất nó là của ông Thiệu. Thứ hai, là dân chơi Facebook cứ trích đi, trích lại miệt mài.

Câu nói của ông Thiệu, thế mà hay, có điều bây giờ gã mới nhận ra. Bố khỉ!!! Cuối đời mà còn bị nó lừa một cú đau quá!!! Gã bỗng dưng cười …ra nước mắt!!!

Thằng Vũ, nhỏ hơn gã 19 tuổi. Gã đẻ nó ra được. Vụ này nếu trót lọt, nó hốt 300 triệu đô, nó đưa gã 3 triệu đô. Mẹ kiếp! dân gian nôm na: “cầm c. cho nó đái” cũng không xong! Bây giờ nó nhận án 3 năm; qua một lần “quốc khánh” và “giải phóng Tp HCM” là nó ra tù.

Còn gã, “chiến tranh” giữa Trọng với Dũng mà không ngã ngũ, thì gã còn viết “nhật ký trong tù” dài dài chứ không đùa đâu. Gã lại thở dài, bực tức mấy tháng trời cũng chai đá! Nhưng 300 triệu đô: 3 năm. Ba triệu đô: Chung Thân. Tính toán kiểu gì cũng thấy tào lao.

Thằng Tuấn cứ đổ hết tội cho gã, cũng không giải quyết được việc gì; 14 năm thành án, chắc nó thuộc lòng như cháo cuốn sách nó viết: “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Bố khỉ!!! Có ăn thì im đi, bày đặt viết sách lung tung, vô tù tụi nó tặng ngược lại mấy cuốn sách đó, thì có đi… kiểu gì cũng không hết. Tự nhiên gả cười lớn…

Thực ra, thì đối với dân nghèo và ngay cả với việt kiều bình dân, thì ba triệu đô cũng là số đáng kể, nhưng đối với quan chức thì đâu có nhiều, sao bác Trọng lại nặng tay với gã như vậy?! Gã cứ suy nghĩ hoài, cứ thấy không ổn. Hay là có chút hiểu lầm gì chăng?

Năm nay gã đã 66 tuổi, nộp vô 66 tỷ, nhận án chung thân, chẳng lẽ phải ở 66 năm. Không đâu! một phần tư số đó gã cũng đủ chết.

“Bác Trọng ơi, bác có tròng lộn cái án này vào đầu ta không?! Nếu có tròng lộn, bác cũng nên nghĩ là ta cũng đã từng làm phó ban tuyên giáo mà nghĩ lại cho ta. Bác Trọng ơi! Đừng tròng lộn án cho ta…”

“Đừng tròng lộn cho Son, bác Trọng ơi!”. Gã vỡ òa, nấc lên thành tiếng…rồi bất giác cười như điên. “Tròng lộn rồi…Tròng lộn rồi…Trọng ơi!…”

Nguyên Đại
29 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Nguyễn Xuân Châu Blog

Đã đọc trên YouTube:
Thông Tấn Việt TV- ngày 30-09-2020








24 tháng 12 2019

Đảng-Tòa

Quang cảnh phiên tòa xử hai bộ trưởng Son & Tuấn
hôm 20-12-2019
Phiên tòa xử hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ cùng một số nhân vật khác cuối năm 2019, phô diễn một số khía cạnh rất hài hước của hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay.

Thẩm phán không giữ vị trí trung dung (hay chí ít cũng tỏ ra như thế trước công chúng) nhảy sang vị trí của Công Tố Viên mỉa mai, chế giễu bị cáo. Khi thẩm phán có định kiến trong khi xử án, thì phiên tòa chỉ là một màn trình diễn, giống như một vở hài được đạo diễn sắp đặt sẵn.

Bị Cáo phải được coi như không có tội, cho tới lúc tòa tuyên án. Điều đó được quy định rõ ràng ngay cả trong luật pháp Việt Nam. Nếu bị cáo bị đối xử giống như những tội đồ trước tòa, Tòa án chỉ là một cuộc đấu tố xảy ra từ giữa thế kỷ trước được “sơn son thiếp vàng” một cách rẻ tiền.

Từ trong tù, ông Son gởi một lá thư tới gia đình. Lá thư đó bị công an giữ lại, giao cho bên công tố. Công tố đưa lá thư đó ra trước phiên tòa và thẩm phán chấp nhận lá thư đó như một tài liệu của cuộc điều tra, rồi coi như một bằng chứng của vụ án.

Tòa án là nơi luật pháp được bảo vệ. Tước đoạt thư từ riêng tư của người khác là một việc làm bất hợp pháp. Tòa án dung dưỡng một việc làm bất hợp pháp, không có bất cứ giải thích hợp lý nào, thì chính tòa án đã vi phạm luật pháp. Khi Tòa án vi phạm luật pháp thì làm sao có thể tuyên bố rằng, họ đã xét xử vụ án một cách công bằng và hợp pháp được. Phán quyết của tòa án vì thế không thể hợp pháp; cho dẫu là “luật pháp” của chính cái cơ chế độc đảng đặt ra.

Tòa cho ngưng phiên xử để bị cáo gặp gia đình, nộp tiền “khắc phục hậu quả”. Vô hình trung, công việc của tòa án lại rất giống các bố già Mafia: Mày đưa tiền hay là chết?!

Luật sư Trần Hoàng Anh, người bào chữa cho ông Phạm Nhật Vũ nói: “Thân chủ chúng tôi chủ quan, không ý thức được việc biếu tiền sẽ bị xem là đưa hố lộ. Theo văn hóa Việt Nam, biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân”. Luật sư căn cứ vào tài liệu, bằng chứng nào để nói rằng thân chủ của ông “không ý thức”? Làm sao luật sư lại có thể xác định tình trạng tinh thần, tâm lý của ông Vũ lúc ông ta giao tiền?

Dùng tiền để mua chữ ký trong một vụ mua bán liên quan đến 400 triệu Mỹ kim lại được luật sư đánh đồng với một hành vi văn hóa tri ân đối với cha mẹ, thầy cô… Luật sư là người trình bày các luận điểm pháp lý dựa trên bằng chứng và luật lệ. Đem những ngụy biện rẻ tiền, hài hước trình bày trước tòa là một sự khinh miệt luật pháp, tòa án, công luận, và ngay cả đối với chính thân chủ của ông ta.

Thực chất của vụ án là việc Phạm Nhật Vũ mua các chữ ký của các cán bộ đảng viên cao cấp của đảng với giá giao dịch trên 400 triệu Mỹ kim. Khi Vũ vô tù, đến lượt gia đình, tổ chức và những người chịu “ơn mưa móc” của Vũ xin các chữ ký cho đơn xin khoan hồng dành cho Vũ, một cư sĩ Phật giáo có nhiều vợ. Những cá nhân và các tổ chức đó nên có sự giải thích cho việc tại sao họ lại có lời xin khoan hồng cho Vũ, mà không phải cho Son, Tuấn hay những bị cáo khác.

Cá nhân có thể có những nguyên nhân khác nhau cho chữ ký xin khoan hồng cho Vũ, nhưng giáo hội Phật giáo cũng can thiệp vào các vụ án “nhạy cảm” này đối với Vũ, căn cứ trên các cúng dường hậu hĩnh của Vũ, thì xin lưu ý với các đảng-thầy một điều là, nếu tiền của Vũ được chứng minh là đồng tiền “dơ”, thì theo luật pháp, số tiền “dơ” Vũ đã cúng, phải trả lại cho dân, theo đúng tinh thần pháp luật. Khuyên “quý thầy” hãy cẩn trọng cuối năm.

Nếu mức án tỉ lệ nghịch với số chữ ký xin khoan hồng, thì “tòa án” cứ ra giá cho những phiên tòa khác, chẳng hạn như sắp tới đối với Phạm Chí Dũng, “quý quan” tòa nhất định sẽ có số chữ ký nhiều hơn yêu cầu rất nhiều lần. Các “quý quan” tòa có dám thử không? Nếu không, thì cũng nên rõ ràng.

Trong lúc những dòng này đang được viết, thì ông Nguyễn Bắc Son đã gởi lời xin lỗi ông Trọng, TBT đảng CSVN. Tương tự như Trịnh Xuân Thanh mếu máo xin lỗi “bác Trọng” trong các phiên tòa trước đây. Cuối cùng thì “vua” Trọng mới là vị “thẩm phán” đích thực, chứ không phải mấy ông bà líu lo ngọng nghịu, ngồi trên mấy cái ghế cao ở “tòa án nhân dân”. Tiền bạc trong vụ án trích ra từ ngân sách nhà nước, không phải tiền riêng của ông Trọng. Việc “xin lỗi bác Trọng” tưởng như là một việc làm tào lao, không ăn nhập gì đối với pháp luật, lại rất hợp lẽ và thực tế trong mọi phiên tòa “đốt lò” của Trẫm-Trọng.

Gọi là tòa án nhân dân, nhưng người dân không được tham gia vào tiến trình xiển dương công lý, quyền hạn cơ bản của người dân bị chà đạp. Không có tòa án trong vụ này, theo đúng nghĩa của chữ tòa án. Tòa án đã tự đổi tên thành một đảng-tòa.

Cùng với đảng-hội (đảng viên cộng sản chiếm hơn 90% thành phần đại biểu quốc hội), đảng-quân (“quân đội không thể tách rời khỏi đảng”), đảng-côn (công an nhân dân là công cụ của đảng dùng để đàn áp người dân), đảng-tòa đã phá hoại luật pháp, và mỉa mai công lý.

Có lẽ những ngày tất niên của năm 2019, là dịp các cơ quan đó kỷ niệm việc đổi tên của tổ chức cho phù hợp với vai trò và nhiệm vụ được giao của đảng.

Nguyên Đại
24 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng ở:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook