30 tháng 9 2020

Không phải thánh

Quan hệ giữa luật sư và thân chủ trong một nhà nước pháp trị (không phải đảng trị) không đơn giản trong nhiều trường hợp. Không phải giống như tôi cần sản phẩm A, anh giao tôi đúng sản phẩm A thì nhận tiền. Sau đây là một vài ví dụ:

Nếu thân chủ không nhận tội (plead Not Guilty), luật sư phải cảnh báo thân chủ về những rủi ro có thể xảy đến khi thân chủ quyết định như vậy. Một trong những rủi ro đó là, tòa án có thể tuyên án phạt nặng hơn sau khi bồi thẩm đoàn kết luận là thân chủ có tội (Guilty).

Nếu thân chủ đã hiểu và chấp nhận rủi ro đó, đồng thời giữ nguyên quyết định “không nhận tội” của mình; thì vai trò của luật sư trước tòa là tôn trọng quyết định của thân chủ, tìm và chỉ ra những nghi điểm đối với các bằng chứng của bên công tố, cùng lúc trưng ra các bằng chứng có thể thuyết phục được bồi thẩm đoàn, rằng thân chủ của mình là vô tội.

Nếu luật sư đã tận sức và chuyên nghiệp, nhưng thân chủ vẫn bị tòa phán là có tội, luật sư đã hành xử theo đúng đạo đức nghề nghiệp. Họ hoàn thành vai trò chuyên nghiệp được luật pháp bảo vệ. Họ xứng đáng với sự tôn trọng của công chúng và đồng nghiệp.

Nếu thân chủ chỉ sẵn sàng trả giá cao cho một phán quyết “vô tội”, và luật sư tư vấn rằng điều đó chỉ có thể bảo đảm nếu nhân chứng của bên công tố không thể làm chứng trong phiên tòa. Sau đó, nếu thân chủ thuê người thủ tiêu nhân chứng, hoặc luật sư tìm cách làm cho nhân chứng không thể xuất hiện trước tòa, thì luật sư đã hành xử không đúng theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải đối diện với các hình phạt do pháp luật quy định.

Vai trò chuyên nghiệp của luật sư là tranh đấu cho quyền lợi hợp pháp của thân chủ, chứ không phải là “gánh vác” các rủi ro của thân chủ hoặc chuyển các rủi ro đó sang cho mình.

Về mặt lý thuyết, ví dụ trên có thể không quá khó hiểu. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp vô tình hoặc cố ý “nhầm lẫn” đã xảy ra. Trường hợp của luật sư Michael Cohen và Tổng Thống Trump là một điển hình thời sự.

Michael Cohen và Donald Trump, những ngày còn nồng ấm. Nguồn: WSJ

Khi ông Trump ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ, dĩ nhiên ông không muốn những góc tối của đời tư của mình bị phanh phui, nên đã yêu cầu ông Cohen, luật sư riêng của mình, mua sự im lặng của các cô đã từng có quan hệ tình ái với ông Trump.

Luật hình sự giữa các tiểu bang của Mỹ hoàn toàn khác biệt nhau. Cùng một vụ việc, bang này xem đó là phạm tội, trong khi bang khác thì không. Ngoại tình hay quan hệ tình ái “ngoài chồng ngoài vợ” là vấn đề thuộc về luật hình sự ở một số tiểu bang. Mang súng ra đường ở một số tiểu bang là hợp pháp, nhưng ở một số tiểu bang khác sẽ là một tội hình. Tương tự, ở đa số tiểu bang của Mỹ, ngoại tình không phải là một tội hình sự. Luật pháp ở đó không can thiệp vào đời tư của một người trong những vấn đề được cho là thuần túy đạo đức.

Ngược lại, luật hình sự ở 21 tiểu bang khác của Mỹ quy định ngoại tình là vi phạm hình sự, có thể bị phạt tiền hay tù. Tuy nhiên, việc công tố viện ở một tiểu bang có thể vượt qua những rào cản pháp lý (và chính trị) để truy tố một tổng thống đương nhiệm về “tội” ngoại tình hay không sẽ liên quan tới những vấn đề phức tạp khác trong luật pháp Mỹ.

Việc mua sự im lặng của ai đó về đời tư của mình tự nó không phải là một tội hình sự. Đây không phải là chuyện “hối lộ” giữa dân và quan, mà là một thỏa thuận dân sự giữa hai người dân. Một thỏa thuận dân sự như vậy không vi phạm luật pháp trong một đất nước tự do.

Nhưng, luật liên bang Mỹ quy định rằng, ứng viên trong một cuộc bầu cử vào một chức vụ trong hành pháp Mỹ sử dụng tiền bạc để che đậy sự thật, định hướng sai lạc cử tri, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử là một tội hình sự.

Dù vậy, việc công tố viện liên bang Mỹ có thể truy tố Tổng Thống Trump về vai trò của ông liên quan đến việc dùng tiền để mua “sự im lặng” của các cô về những “sự thật”, có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vào năm 2016 là một trường hợp khó khăn.

Việc Cohen không hành xử như một luật sư chuyên nghiệp là khá rõ ràng. Cohen đã “rửa” số tiền mà Trump đã đưa cho Cohen trong các “phi vụ mua im lặng” nói trên, biến nó thành những khoản trao đổi hợp pháp.

Cohen đã tìm cách “biến” ông Trump trở nên hoàn hảo về đạo đức trước ngày bầu cử. Khi bị luật pháp phanh phui, cùng với các giao dịch khác về tài chính có liên quan đến thuế, luật ngân hàng và các quy định về việc quản lý quỹ tranh cử của Trump, Cohen phải trả cái giá 3 năm tù (1).

Cohen đã tìm cách chuyển cái rủi ro của Trump thành các rủi ro của mình. Các rủi ro của Trump không biến mất (có khi còn nặng hơn), nhưng các rủi ro của Cohen thì xuất hiện đồng loạt.

Cựu Tổng Thống Bill Clinton trước đây bị “nhức đầu” về vụ Monica Lewinski cũng trong một hoàn cảnh khá tương tự. Lúc bước vào Tòa Bạch Ốc để làm cô sinh viên tập sự, Monica 22 tuổi; và quan hệ giữa cô với TT Clinton (lúc đó 49 tuổi) không có tính cưỡng bức.

Ông Clinton có quá đáng là sử dụng văn phòng làm việc hoành tráng của tổng thống cho những “công việc” rất “không tổng thống”, và có thề thốt là “không có quan hệ gì với người phụ nữ đó (Lewinski)” cho tới khi có các bằng chứng thuyết phục là ông đã nói sai. Nhưng, nói sai về đời tư của mình không phải là một tội hình sự (2), mà ông bị Hạ viện tìm thấy phạm hai tội: Nói láo hữu thệ và cản trở công lý.

Khi đưa lên Thượng viện (lúc đó đảng Cộng Hòa nắm đa số với 55 Cộng Hòa và 45 Dân Chủ), các Thượng nghị sĩ đã tìm cách luận tội ông Clinton, nhưng không thành

***

Không ai hoàn hảo dưới ánh mặt trời. Ở đất nước tự do, người ta không tìm cách phong thánh những lãnh tụ. Luật pháp của những đất nước tự do có thể không hoàn hảo, nhưng là giấc mơ của những người dân đang sống trong chế độ độc tài.

Ngược lại, trong những quốc gia dưới sự cai trị của đảng cộng sản, các lãnh tụ đều được phong thánh. Nhiều người phụ nữ có quan hệ với Mao Trạch Đông, và Hồ Chí Minh đều bị thủ tiêu sau đó, để bảo vệ sự “thánh thần” của Mao và Hồ.

Tìm cách phong thánh một con người bằng xương bằng thịt nào đó chỉ là những cố gắng hợm hĩnh, nhố nhăng của một thiểu số tìm cách hưởng lợi từ những việc phong thánh đó.

Lừa gạt xương máu, công sức, tiền bạc của nhiều thế hệ, chia rẽ và làm suy yếu một dân tộc để duy trì quyền lợi phe nhóm là tội ác. Các khẩu hiệu, tượng đài của “bác” Hồ, “bác” Mao không khác gì những đồ vàng mã, chỉ dùng để đốt, một ngày không xa.

_____

Tham khảo:

– Michael Cohen: https://en.wikipedia.org/wiki/Michael_Cohen_(lawyer)

– Clinton and Lewinski – Scandal: https://en.wikipedia.org/wiki/Clinton%E2%80%93Lewinsky_scandal

– Ngoại tình ở tiểu bang nào của Mỹ là phạm tội: https://www.freep.com/story/life/family/2014/04/17/in-which-states-is-cheating-on-your-spouse-illegal/28936155/

– Trump’s Hush Money Payments Were Likely a Criminal Offense: https://www.americanprogress.org/issues/democracy/news/2018/12/19/464510/trumps-hush-money-payments-likely-criminal-offense/

Đã đăng ở:

24 tháng 9 2020

Nói thẳng cho vuông


Từ hôm 22-9-20, sau khi đăng bài viết “Ước mơ bị ung thư”, trang Facebook cá nhân của tôi đã bị hạ xuống. Những người điều hành Facebook (FB) đưa ra lý do là “không theo tiêu chuẩn cộng đồng” (does not follow community standards). Qua việc này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm và suy nghĩ.

Cứ thử đếm xem trong nhà bạn có bao nhiêu người, và bao nhiêu người tham gia FB, sẽ thấy là số lượng thành viên của FB là quá lớn; và họ viết bằng ngôn ngữ mà họ thông thạo (tiếng Việt, Anh, Tàu, Nga, Thái v.v…). Những người điều hành FB vì vậy không thể kiểm soát nội dung trên các trang cá nhân được. Họ có thể dùng các phần mềm (software), hoặc người máy (robot) để sàng lọc những từ ngữ có tính nhạy cảm (ví dụ như: đặt bom, khủng bố v.v…). Bộ phận quản lý FB không có thời gian để ngồi đọc, xem những điều bạn viết và chia sẻ.

Vậy thì, vì sao họ lại chụp cho mình (bạn hoặc tôi) một cái mũ “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, và tước quyền kiểm soát FB của mình; sau đó không ai có thể liên lạc với mình được qua FB và ngược lại. Tôi có hỏi bạn bè về trường hợp của mình; được biết tình trạng này là do có người báo cáo (report) với ban quản lý FB về trang cá nhân của tôi.

Ai báo cáo? Trang của tôi chỉ viết về các vấn đề thời sự và chính trị ở VN (hầu như không có gì khác hơn), nên kẻ báo cáo chỉ có thể là các dư luận viên của “tuyên giáo”, hoặc lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, những kẻ làm việc cho chính quyền CSVN.

Tôi vi phạm điều gì trong “tiêu chuẩn cộng đồng”, lúc nào, ở đâu, ban quản lý FB không cho biết chi tiết. Đây chính là một khiếm khuyết trong việc điều hành của FB: thay vì người báo cáo chứng minh sự “vi phạm”, FB lại trừng phạt nạn nhân. Các chú lính tuyên giáo lợi dụng điều này để “bịt miệng” những tiếng nói mà họ không thích. Vô hình trung, FB lại tiếp tay với chính quyền độc tài trong việc loại bỏ những tiếng nói, quan điểm bất đồng.

Hơn 2 năm trước, Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc Điều hành của FB đã phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ để giải thích về việc thông tin cá nhân của 87 triệu khách hàng của FB đã bị bán cho một công ty ở Anh Quốc (1). Tôi không hy vọng họ (FB) sẽ có lúc phải giải thích trước tòa án, hay quốc hội Hoa Kỳ về việc những quy định trong việc điều hành của họ có thể đi ngược lại với Tu Chính Án Số Một của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận (2).

Đã có thời hãng Nokia của Thụy Điển làm chủ thị trường điện thoại di động trên thế giới, vai trò của họ bị thay thế từ khi chiếc iPhone ra đời, tất cả chúng ta đều chứng kiến điều đó. Tôi không tin FB là bất khả thay thế, đặc biệt là với cách điều hành “bịt miệng” của họ như kinh nghiệm đã trải qua của tôi và một số bạn bè.

Trong sự việc này, tôi cũng nhận được một số ý kiến của các bạn khác rằng, tại sao tôi sống ở nước ngoài, mà không nói về các vấn đề ở đất nước tôi đang sống, không chịu “ăn cây nào rào cây nấy” mà “vác nguyên cả một cái hàng rào về Việt Nam…” (nên phải chấp nhận những “phiền phức” nói trên).

Có lẽ các bạn ấy không biết, hay đã quên. Tiện đây, xin được nhắc vài điều. Sau năm 1975, người Việt Nam bắt đầu bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh trên biển. Nếu không nhờ những thuyền trưởng quyết định cứu những con người khốn khổ, có lẽ bây giờ tôi, bạn và gia đình không có mặt ở nơi bạn đang sống.

Những thuyền trưởng và thủy thủ đó đã mở rộng lòng nhân đạo để cứu tôi, bạn và gia đình bạn, những chiến hạm Hoa Kỳ và Đồng Minh có những nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành, họ có những “cây phải rào”, nhưng họ sẵn sàng “quăng một cái hàng rào” ra giữa biển để cứu những người khốn khổ như bạn, như tôi…

Khi bạn tới trại tỵ nạn, những nhân viên của các tổ chức phi chính trị (Non-Government Organisations) (“NGOs”) vào trại tỵ nạn giúp đỡ bạn về tinh thần và vật chất. Đất nước họ cũng có những người nghèo khổ, khốn khó vậy, cũng có vô số những vấn đề cần giải quyết; nhưng họ sẵn sàng đem “nguyên cái hàng rào” đến tận trại tỵ nạn nơi bạn đang sống để bạn và tôi có thể “níu” mà giữ được chút thăng bằng sau những ngày chịu đựng gió bão.

Bạn có cơ hội sống ở ngoài Việt Nam, không bị cướp đất, cướp nhà như những người thân hoặc bạn bè của bạn. Chia sẻ với họ, nói dùm họ, tiếng nói họ không nói được, kêu giùm họ tiếng kêu đau đớn vì những bất công, đau khổ mà họ phải chịu đựng, không phải là “vác hàng rào về Việt Nam” mà là tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tình người, lòng nhân ái từ những người mà tôi và bạn trước đây đã từng thọ ơn.

Tự do là phân biệt giới hạn. Bạn có quyền im lặng, không ai buộc bạn phải nói, phải viết những điều bạn không thích. Bạn có thể có cách khác, thích hợp với bạn, để giúp đỡ người thân và gia đình bạn, bạn có thể có lý do để chọn cách làm đó. Chúng tôi cũng có quyền viết và nói những điều chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi chọn cách nói, vì chúng tôi cho là thích hợp, và chúng tôi có lý do của chúng tôi. Chúng tôi không trách bạn vì sự im lặng của bạn. Ngược lại, chúng tôi cũng kêu gọi một thái độ sòng phẳng tương tự đối với chúng tôi.

Bạn có những việc làm và lý do của bạn. Chúng tôi thích những việc chúng tôi đang làm và có lý do của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói những điều chúng tôi muốn nói.

Nói thẳng cho vuông, và lắng nghe để bước thẳng…

Nguyên Đại
24 Tháng Chín 2020

_____

(1) Facebook and Cambridge Analytica:
https://www.cnet.com/news/zuckerberg-facebook-data-was-sold-to-cambridge-analytica-too/

(2) Tu chính án số một của Hoa Kỳ bao gồm quyền tự do ngôn luận