01 tháng 9 2016

Quá dài cho một cuộc mộng du

Hôm nay (1/9), nhiều ngàn người dân Hà Tĩnh xuống đường đi biểu tình, những chiếc nón lá, những bộ quần áo lam lũ trên con đường bụi, họ đi thành từng hàng tha thiết kêu gọi những đồng bào giàu có, sang trọng của họ hãy cho họ một con đường sống, đóng cửa Formosa, "Chọn Nhân Dân hay chọn Formosa", và những người đó đã chịu những trận đòn dùi cui của CSCĐ đánh xuống người họ, không chút nương tay.

Hai hôm trước (30/8), đại tướng bộ trưởng BQP VN, Ngô Xuân Lịch đã ôm thân mật ông BT BQP Trung Quốc, Thường Vạn Toàn. Ông Lịch cảm ơn sự tiếp đón chu đáo mà phía TQ dành cho đoàn VN, rằng nhà nước và ĐCSVN tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, đưa quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới và mục tiêu hàng đầu là "bảo đảm lợi ích tối đa của quốc gia, dân tộc".

Lợi ích của ai, quốc gia nào? Câu hỏi vỗ vào mặt như muối xát. Dường như có hai đất nước. Một, có những bệnh viện với những bệnh nhân la liệt, hai bệnh nhân một giường, dưới gầm giường, dọc hành lang, đau đớn, thất thần; có những con thuyền điêu đứng quấn khăn tang bên cạnh những đàn cá quằn quại trúng độc; có những ngôi nhà ngập ngụa trong nước bẩn chỉ sau một cơn mưa; có những em bé tự tử để kết thúc một tuổi thơ rách rưới không có nổi một bộ quần áo lành lặn để đến trường, có những mạng người rẻ hơn mạng một con chó bị mất trộm. 

Và có một đất nước khác, với những biệt thự sừng sững nguy nga của các quan chức lớn nhỏ, những ngôi nhà với tất cả gỗ quý, những quan ông, quan bà với nhiều người hầu hạ chung quanh. Ông Lịch và các đồng chí của ông đang "bảo đảm lợi ích tối đa" cho cái đất nước "thứ hai" đó.

Ông Lịch cảm ơn sự giúp đỡ của TQ cho "sự nghiệp giải phóng dân tộc" và "công cuộc đổi mới ngày nay". Ngày 2/9/45, có một người đã mượn những lời lẽ hùng hồn trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ về tự do và nhân quyền, rồi thì 71 năm sau, cũng đúng vào những ngày tháng này, sau khi bao thế hệ đã ngã xuống trong khói lửa chiến tranh, người Việt vẫn còn khao khát cái quyền được nói và được lắng nghe lời lẽ của chính mình. 

Giải phóng cho ai? Đổi mới được những gì? Vẫn là những câu hỏi đau đớn như tiếng nấc nghẹn ngào của những em bé đói lạnh ngơ ngác trước những tượng đài bệ vệ đứng chông chênh trên những con đường xiêu vẹo, đứt gảy.

Ông Lịch nhất trí với ông Toàn rằng "quan hệ giữa hai quân đội đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển" trong khi những cơ sở quân sự, những hầm chứa máy bay không ngừng được xây dựng trên các đảo nhân tạo, và tên lửa được đưa tới các đảo trên biển Đông. 

Nếu sự "nhất trí" của hai ông Lịch-Toàn có giá trị tương đương những lời nói lảm nhảm của những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt, thì sự lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn lại là một điều hết sức rõ ràng. Trong khi ở Bắc Kinh ông Lịch cho rằng: "Hơn bao bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước", thì ở Singapore, gần như trong cùng một ngày, ông Trần Đại Quang (CTN) phát biểu: "Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều thua".

Chính quyền đầu tiên trên của đảng CS xuất hiện một năm trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất hoàn toàn chấm dứt, và các chính quyền CS khác xuất hiện ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các đảng CS lợi dụng chiến tranh để cướp chính quyền, thì bây giờ đến lượt họ lại sợ mất chính quyền, nếu chiến tranh xảy ra. 

Trong chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, kẻ thực sự bại trận là dân tộc Việt Nam, sự mất mát đến với toàn bộ các gia đình trên cả hai miền Nam-Bắc Việt, và kẻ thực sự thắng lợi đó là làn sóng cộng sản được nối dài tới cực Nam của nước Việt, và biên giới của nước Trung Hoa cộng sản được trải tới Hoàng Sa và (một phần) Trường Sa.

Nếu "tất cả đều thua" nói về những đau thương mà đất nước dân tộc phải chịu trong một cuộc chiến; và bởi vì thế mà cần phải tránh chiến tranh, thì lẽ ra đảng CSVN, phải dừng lại, như nước Đức, mà không phải lao vào mục tiêu "thống nhất'' bằng xương máu của cả một dân tộc trong suốt hơn hai mươi năm khói lửa và tang tóc. Chưa bao giờ đảng CS đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng.

"Diễn Biến Hòa Bình" là từ ngữ mà đảng CS dùng để đặt những khát vọng tự do dân chủ vào thế đối nghịch với họ, để đặt những đồng bào, cùng tiếng nói, cùng quê hương với họ vào thế tử thù. Thực chất, chính những "đồng chí" của họ ở bên kia biên giới mới là những tay chơi "diễn biến hòa bình" tinh vi nhất, thành công nhất, và tàn độc nhất. Họ hiện có những vùng đất tự trị trên toàn cõi Việt Nam. 

Formosa ở Hà Tĩnh chỉ là một trong những khu vực "tự trị" đó. Không ai được phép vào khu vực thành phố bên trong của nhà máy, ngoài việc vài tháng một số viên chức CSVN rảo bước lấy lệ để gọi là kiểm tra, và vì thế đã tạo nên thảm họa biển chết miền Trung, việc xả độc đã "diễn biến" một cách rất "hòa bình", trước khi hàng trăm ngàn tấn cá chết dạt vào bờ trong suốt mấy tháng liền.

Nhiều ngàn "công nhân" Trung quốc đang có mặt trên khắp các tỉnh thành Việt nam, việc chiếm đất di dân đã được thực hiện một cách hết sức mềm mại, ngọt ngào. Các quan chức CSVN duy trì, nuôi dưỡng các diễn biến rất hòa bình này, miễn là họ có thời gian để thâu tóm, vơ vét và chuẩn bị hậu sự cho họ và gia đình của họ ở một nơi nào đó ngoài VN.

Tại sao ngoài các công trình giải trí, khu nghỉ dưỡng hoành tráng, thì tất cả các dự án quan trọng của Việt Nam như Vinashin, PVC, ...đều thua lỗ và phá sản. Đồng bằng Cửu Long điêu đứng, ngư nghiệp dường như chết lịm, nông nghiệp Việt nam phập phồng theo nhịp tay của các thương lái trung quốc, giáo dục loay hoay không lối ra, y tế trở thành một thảm trạng...Tất cả những điều đó không đến từ các "thế lực thù địch" bên kia bờ Thái Bình Dương, mà nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp đến từ các "đồng chí anh em" ở phía bắc biên giới.

Ông tổ của người CS (Karl Marx) đã viết: cuối cùng thì quan hệ sản xuất quyết định thắng lợi. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất. Marx kêu gọi một quan hệ sản xuất tốt đẹp hơn, không còn cảnh "người bóc lột người"; nhưng thực chất các nhà nước cộng sản đã phá hoại tất cả các quan hệ sản xuất khả thi mà lịch sử xã hội loài người có thể kiến tạo, để thay bằng một thứ... "quan hệ quan chức". 

Những quan chức cộng sản không có lý tưởng cộng sản, một lý thuyết không tưởng và bất khả thi, như Marx; họ chỉ đơn thuần là những kẻ dối trá, tàn ác và tham lam. Các nhà nước cộng sản ở Âu Châu đã sụp đổ không vì chiến tranh, mà vì sự thiếu vắng những quan hệ sản xuất hiệu quả kéo theo một sự sụp đổ kinh tế và bất ổn xã hội.

Còn vài phút nữa là sáng ngày 2/9/16, đọc lướt qua tờ Quân Đội Nhân Dân để kiểm lại những trích dẫn, và chợt thấy dòng chữ "Đảng CSVN lãnh đạo nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử". Tôi chợt rùng mình... 71 năm qua, đã quá dài cho một cuộc mộng du.

Nguyên Đại
1/9/16

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh

Bauxite Vietnam


27 tháng 8 2016

Về "Đôi Lời" của Thái Bá Tân

Tôi thích những vần thơ năm chữ của ông Thái Bá Tân (TBT). Tôi nghĩ có lẽ hầu như ai sinh hoạt Facebook (FB) cũng đều biết tới những vần thơ đó của ông. Tôi đọc ở đâu đó trên FB nói về một lưu ký (status) với đầu đề "Đôi Lời" của TBT và rất ngạc nhiên.

Tôi không tin là của ông, cho nên đã vào trang nhà của TBT để tìm bài này, và tôi đã thấy "Đôi Lời" ở đó, cùng với những bài thơ, những truyện ngắn của ông Tân. Nếu tất cả đều là của một ông Tân, thì xin có vài lời trao đổi với ông Tân, với sự tôn trọng:

1. "Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết..." [TBT]
Ông Trọng có phải là người liêm khiết hay không? Không ai biết, hay chính xác hơn, (tôi) chưa thấy có tài liệu nào về tài sản của ông như về các khối tài sản kếch sù của các quan chức CS khác. Hồi ông Nông Đức Mạnh là TBT, tôi cũng không nghe ai nói về tài sản của ông Mạnh, nhưng có lẽ ông Tân đã thấy những hình ảnh, và băng hình ghi lại cuộc viếng thăm của các phóng viên ở cơ ngơi ông Mạnh (sau khi ông Mạnh hết làm TBT).

Nói về "liêm khiết" có lẽ ông Trọng so với ông Hồ (HCM) sẽ có khoảng cách (theo báo đảng), nhưng có lẽ ông Tân không xa lạ với những tài liệu về ông Hồ, ngay cả từ những người là đồng chí của ông ở phía bên kia biên giới. Người ta đã từng tin tưởng vào sự vĩ đại, liêm khiết, mẫu mực của các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông... cho đến khi bị chính các đồng chí của họ phơi bày một cách rõ ràng. Tôi nghĩ ông Tân biết rõ ràng những điều đó.

Hitler là kẻ thù của cả hai phe cộng sản và tư bản, vì vậy cả hai phía đều không có lý do, và không thêu dệt những điều tốt về Hitler. Chuyện của Hitler đã được ánh sáng lịch sử soi rọi đến mọi ngóc ngách từ hơn nửa thế kỷ qua.

Trong suốt những năm tháng cầm quyền, Hitler chỉ ăn độc một món, tương tự như cháo trắng, cho bữa sáng, và di chúc của con người đã tạo nên Thế Chiến Thứ Hai cướp đi hơn 30 triệu sinh mạng viết rằng: "Tất cả những gì tôi có, những thứ có chút giá trị nào đó, đều thuộc về đảng [Đảng Đức Quốc Xã]. Nếu đảng không còn, thì là tài sản của nước Đức, và nếu quốc gia này bị tàn phá, thì điều này không cần quyết định của tôi nữa". Tôi không được biết đến bất kỳ di chúc nào của bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào có những lời lẽ nào tương tự như vậy.

Xét về chuyện "liêm khiết", nhiều lãnh tụ quốc gia của cả hai phía có lẽ cách Hitler một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, tham vọng quyền lực đã biến Hitler trở thành kẻ thù của nhân loại. Không vì "liêm khiết" mà lịch sử nhân loại không ghi nhận những tội ác của Hitler mà một trong số đó là việc đưa hơn 6 triệu dân Do Thái vào lò sát sinh.

Giả như ông Trọng "liêm khiết'', thì không phải vì vậy mà ông Tân không thấy việc ông Trọng im lặng trong suốt những tháng biển miền Trung gánh chịu những thảm họa do Formosa gây ra, một nhà máy của Trung Cộng mà ông Trọng đã cho phép nó hoạt động và hiện đang dung dưỡng nó.

Ông Tân viết : "... làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.". Những ngày cá chết trắng biển, Facebook như lên cơn sốt, ông Tân chắc có biết, và cũng có biết việc ông Trọng ghé thăm một cơ sở trồng rau sạch gần đó, nhưng không nhắc gì về thảm họa diệt chủng mà đồng bào đang gánh chịu. Tôi thật không hiểu lắm về "cái tốt" trong việc "làm quan" của ông Trọng, như ông Tân đã viết nó có ý nghĩa gì.

2. " Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu" [TBT]
Khi Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận tuyên bố về hải phận của Trung Cộng, ông Tân mới 9 tuổi, ông Tân có thể nói ông không biết. Nhưng, sau hiệp định Paris, quân Mỹ rút đi, viện trợ quân sự cho VNCH bị cắt xuống nghiêm trọng, và Trung Cộng tấn công Hoàng Sa, lúc đó ông Tân đã là một thanh niên trưởng thành, có lẽ đã tốt nghiệp đại học, không biết ông Tân có biết đến bất kỳ một văn kiện nào của "lãnh đạo ta" phản đối về việc chiếm giữ đó không?

Hôm nay, ở tuổi "thất thập cổ lai hy", có lẽ ông Tân không thiếu kinh nghiệm sống đến nỗi chưa từng thấy qua việc người ta dù vẫn ở trong căn nhà của mình; tuy nhiên căn nhà đó đã bán đi từ lâu, hay đã thế chấp gần như trọn vẹn cho ngân hàng.

Vua Bảo Đại của Việt Nam cho tới năm 1945 mới thoái vị, trong khi Việt nam đã là thuộc địa của Pháp từ hơn nửa thế kỷ trước đó, một người uyên bác như ông Tân đâu lẽ nào tin rằng các vua quan nhà Nguyễn từ sau năm 1884 mới là chủ nhân thật sự của nước Việt. Có lẽ tới tuổi gần đất xa trời, nếu ông Tân chưa có dịp đến các tỉnh phía Bắc biên giới Việt Nam, Trung Cộng, ông nên đi đến đó ít nhất một lần, biết đâu niềm tin của ông sẽ thay đổi.

Khi Tập Cận Bình sang Việt Nam, tất cả các phóng viên báo chí đều ở bên ngoài để theo dõi một cái tivi có hình mà không có tiếng, ông Tân thấy buồn không? Nếu như chính phủ của một quốc gia "độc lập" mà không có khả năng bắt giữ và truy tố một người phạm pháp đến từ một quốc gia "lạ", trong khi sinh mạng của ngư dân mình nổi trôi theo cơn sóng may rủi từng ngày, thì quốc gia đó có thực sự "độc lập" không, ông Tân?

3. "Ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy" [TBT]
Có lẽ ông Tân đang so sánh những gì ông đang thấy với những gì ông đã trải qua trong thời kỳ bao cấp, khi những người cộng sản làm kinh tế với những tư tưởng được viết ra từ cách đó một thế kỷ.

Khi so sánh, sự khác biệt nằm ở chỗ đối tượng đem ra so sánh. Khoảng năm 79, trong số hàng trăm những người tôi biết trong thành phố tôi ở, có khoảng vài đứa có "xế nổ", nó thuộc con nhà giàu, và có chỗ dựa chi đó, nên nó không sợ. Bây giờ, hầu như rất nhiều người có thể có một chiếc "xế nổ", không lẽ ông cho rằng người Việt đã "tiến bộ, và đổi mới lắm rồi đấy".

Không lẽ ông không biết rằng ông Lý Quang Diệu đã có lúc ao ước Singapore chỉ bằng Sài-gòn. Sau bao nhiêu năm, những con đường sau cơn mưa biến Sài-gòn thành hồ hôm 26/8 vừa qua nếu so sánh với những đường phố của Singapore, ông sẽ thấy khoảng cách đó dường như ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Nhiều thanh thiếu nữ Việt Nam có lẽ sẽ thấy thật sự đổi đời nếu họ có được một cơ hội để ra nước ngoài lao động, thậm chí là để bán thân, trong khi những người đáng tuổi ông ngoại, ông nội của họ, giống như ông, cười hài lòng với những "tiến bộ" mà ĐCS mang lại cho đất nước này, đó có phải là một nghịch lý, không thưa ông Tân?

4. '' Con người VN cơ bản tốt'' [TBT]
Ở đâu cũng có những tội phạm hình sự, những kẻ cướp, giết người, hãm hiếp...Nước Mỹ, nơi đạt được những tiến bộ khoa học có thể gọi là số một trên thế giới hiện nay cũng không ngoại lệ. Luật lệ tự do sở hữu súng ở một số tiểu bang của nước Mỹ tạo ra không ít những bi kịch cho nhiều người vô tội.

Vấn đề không phải là có hay không, mà là mức độ, tỉ lệ. Không lẽ ông không thấy sự việc bạo lực ở học đường là đáng báo động, không lẽ chứng kiến cảnh người trẻ liếm ghế ngồi của các sao Hàn, ông không thấy xót xa. Không lẽ ông không thấy nhiều ngôi chùa ở VN hiện nay họ thờ tượng của một ông gì đó, hao hao hoặc giống như đúc, ông Hồ.

Không lẽ ông không thấy các quán nhậu Việt Nam mở tưng bừng từ sáng tới khuya và hàng tỉ lít bia rượu được bán ra trong một năm không phải là điều đáng chú ý, và là "cơ bản vẫn tốt". ĐCS trong mục đích duy trì sự cầm quyền đã tạo nên những chia rẽ sâu sắc các thành phần trong xã hội để họ không thể tập hợp lại được.

"Đoàn kết" nhưng phải dưới ngọn cờ của đảng, và trong đảng thì họ thanh toán lẫn nhau, một xã hội phân rã, những tuổi trẻ mất định hướng hoặc bị tẩy não không thể là "cơ bản tốt" được. Không bi quan, nhưng không thể chữa một căn bệnh hiểm nghèo bằng thuốc giảm đau mang nhãn hiệu "xuyên tâm liên".

5. "Tôi ...biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới" [TBT]
Khi những ngư dân Hà Tĩnh nhận những hạt gạo hỗ trợ của chính quyền CS, sau khi Formosa đã chiếm biển và cơ hội sinh sống của họ, những hạt gạo đã bị mốc xanh, đến gà chó cũng không ăn; tôi không biết có người nào biết ơn chế độ vì đó là gạo chứ không phải là sắn, hay bo-bo như những ngày chiến tranh, bao cấp.

Tôi cũng không nghe nói đến họ biết ơn chính phủ vì họ có thể xuất ngoại - sang Lào để kiếm sống - chứ không như thời chưa "đổi mới" mà việc mang vài cân gạo từ vùng ngoại ô lên thị trấn gần đó là một việc làm "phạm pháp".

Chính vì vậy, khi đọc những dòng "biết ơn" này của ông Tân, tôi không khỏi sửng sốt. Tôi tin là ông Tân cũng sẽ gặp những người đã trải qua thời bao cấp, họ có thể nói thẳng với ông rằng, thời bao cấp người ta sống còn có "chút tình" hơn bây giờ nhiều lắm.

Và, dù đói, nhưng hồi đó có lẽ ít người mắc bệnh ung thư hơn bây giờ nhiều, và thức ăn thiếu thốn lắm, nhưng nếu họ có được miếng rau, cục thịt mỡ, thì họ cảm thấy khá ngon vì biết nó không có chất độc. Không lẽ nào, một trí thức lão thành và tên tuổi như ông Tân, lại không thấy nước Việt có những bước lùi đáng sợ như vậy, và cảm ơn chế độ về những "đổi mới", "tiến lên" đó.

6. "Tôi tin...sớm muộn gì sẽ có dân chủ và tự do thật sự" [TBT]
"Chủ Nghĩa Xã Hội nhất định thắng lợi", từ năm 1917 người ta đã nói như vậy rồi, và nhiều người cũng đã tin như vậy, nhiều thế hệ trẻ ở một nửa nhân loại cũng đã đổi sinh mạng của mình cho một niềm tin như vậy.

Nhưng từ khi các sĩ quan Liên Xô không còn tin như vậy để từ chối quay nòng súng xe tăng vào phong trào dân chủ; từ khi Đức Giáo Hoàng người Ba Lan thổi bùng khát vọng độc lập của những người dân cùng quốc gia của ông thì thế giới đã chứng kiến những đổi thay. Sự thay đổi không phải đến từ niềm tin mù quáng mà là sự thức tỉnh thật sự để nhận diện đúng-sai.

Khi một bác ngư dân, không nhiều chữ nghĩa, nói rằng "các ông không làm được thì xuống đi, để người khác làm..." và "đừng coi thường chúng tôi quá, vì chúng tôi không có gì để mất", tôi hiểu là bác đã thấy rất rõ trắng-đen, đúng-sai hơn cả một trí thức uyên bác lão thành trong khi tin rằng ông Trọng liêm khiết (gần) giống như ông Hồ, "quan như thế là tốt", "lãnh đạo ta không bán nước", và cảm ơn những đổi mới mà chế độ đem lại cho dân tộc này...vẫn, mặt khác, tin rằng dân chủ và tự do "sớm muộn gì cũng sẽ tới".

Vài hàng thô thiển "kính lão đắc thọ" gởi đến ông Thái Bá Tân.

Nguyên Đại
27/8/16

Đã đăng trên:
Trang "Ba Sàm" - Cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Vỉa Hè



***************************
ĐÔI LỜI
Fb Thái Bá Tân, 25/8/16, 2.30pm

Thái Bá Tân. Ảnh: Internet
Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.

Nói rõ thế này nhé.

Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.

Nhân tiện:

1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.

2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.

3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.

4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.

6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.

Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.

Hơi thật thà quá. Xin lỗi.