23 tháng 1 2022

NHƯ TẤT CẢ CHÚNG TA

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (TNH), một tu sĩ Việt Nam nổi tiếng thế giới vừa qua đời, hôm qua 22-1-22.
TNH sinh năm 1926 ở Huế, xuất gia ở chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Năm 1961, ông sang Mỹ du học. Sau đó trở về Việt Nam, năm 1963, đứng chung trong phong trào Phật giáo xuống đường chống chiến tranh và nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở MNVN. Năm 1966, ông trở lại Mỹ, cùng năm ông bị chính phủ VNCH cấm trở về nước vì lập trường Phản-Chiến và Thân-Cộng.
 
Tuy vậy, sau khi chế độ CS thiết lập trên toàn cõi VN năm 1975, ông vẫn bị cấm về nước. Ông xây dựng tu viện Làng Mai ở Pháp sau đó. Ba mươi năm sau, năm 2005, chế độ CHXHCN Việt Nam cho phép ông về nước. Ông bị xuất huyết não và đột quỵ năm 2014. TNH được đưa về chùa Từ Hiếu, sống những ngày tháng cuối trước khi mất.
 
Cuộc đời của TNH nhắc nhở đến một tên tuổi rất nổi tiếng khác, Trịnh Công Sơn (TCS). Ông Sơn sinh năm 1939 ở Buôn Ma Thuột, nhưng lớn lên ở Huế. TCS vào Sài-gòn năm 1949, năm đó TNH cũng từ Huế vào SG. Năm 1961, TCS học sư phạm ở Quy Nhơn, sau đó đi dạy ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
TCS bắt đầu nổi tiếng năm 1958 với ca khúc “Ướt Mi”, sau đó là những ca khúc Phản-Chiến, điển hình là “Ngủ đi con” (1970). Ngày 30-04-1975, ông hát ca khúc “Nối Vòng Tay Lớn” trên đài phát thanh Sài-Gòn “giải phóng”; dù vậy ông vẫn phải vào trại “cải tạo” sau đó, và được “học tập” ở đây vài tháng. TCS mất năm 2001.

Trịnh với hơn 500 ca khúc, bao gồm những tình ca “Hạ Trắng”, “Diễm Xưa”…chiếm nhiều ưu ái của thính giả. Những ca khúc về thân phận của con người trong chiến tranh được giới phản chiến ngợi ca.
Tuy nhiên, dường như không có ca khúc nào của ông về trại cải tạo, về di tản và vượt biên. Ông ảo thuật với sự nhớ nhung yêu đương, nỗi niềm tương tư khi mất người yêu, nhưng không đủ dũng cảm để cảm nhận cùng với những đứa trẻ mất cha trong trại cải tạo, mất mẹ trên đường vượt biển, chị em bị đày đọa bởi nạn hải tặc.
 
Dưới nhãn hiệu phản chiến, Trịnh mong đợi chiến tranh kết thúc với chiến thắng của người cộng sản. TCS chọn đứng về phía đối nghịch với VNCH, để rồi sau đó đón nhận sự dè dặt, nghi ngờ trong chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót” của người CS. Cuối đời TCS thú nhận: “Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Ngày xưa lận đận không biết về đâu” (ca khúc “Tiến Thoái Lưỡng Nan”).

Nếu TCS ma mị trong ca từ, thì TNH pháp thuật trong “kinh từ”. Với hơn 130 tác phẩm được xuất bản, phần lớn trong số đó viết bằng Anh Ngữ, TNH chinh phục không những nhiều đệ tử là người Việt, tu viện của ông có nhiều người theo học từ khắp các nơi trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ và Âu Châu. Khuyến khích đấu tranh bất bạo động và bảo vệ môi trường, TNH được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia và lãnh đạo tôn giáo Tây Phương. Mục sư Luther King đã từng đề cử TNH cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Dù vậy, TNH lại khá dè dặt trong việc lên tiếng chống lại sự bức hại của chế độ CS đối với các tu sĩ Phật Giáo nói chung sau năm 1975, và các tu sĩ không chịu sự quản trị của “Mặt Trận TQVN” trong giáo hội quốc doanh của đảng CS. Trái lại, TNH chấp nhận một số nhượng bộ để về VN, xênh xang áo mão, trong cái vẻ “Đức Phật về Ca-Tỳ-La-Vệ”, cho dẫu có những tu sĩ cùng thuộc giáo hội mà ông đã chịu ơn vẫn còn bị chế độ CSVN cầm tù hoặc cấm rời khỏi nơi cư trú.
 
TNH thấy nỗi đau của động vật và chủ trương chay tịnh, nhưng lại không có khả năng cảm nhận nỗi đau của đồng môn trong lao tù CS. Ông có thái độ dứt khoát đứng chung với Thích Trí Quang đối đầu với nền Đệ Nhất Cộng Hòa, bởi Miền Nam Việt Nam cho phép tự do ngôn luận và tư tưởng. Nhưng, ông lại “lận đận” trong việc chọn thái độ rõ ràng đối với một chế độ phá hoại Phật Giáo, và mong cầu một sự thay đổi trong “diễn biến hòa bình”.
 
Năm 2007, TNH chấp nhận việc được CS cho phép cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh, nhưng không được phép xướng danh các tử sĩ VNCH. TNH đã chặt đứt chân của chiếc ghế cao đã đưa ông lên vị trí cao hơn nhiều người.
 
Có vẻ như TCS đã viết giùm cho những người ‘’lận đận” đến cuối đời trong niềm an ủi: Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Ngày nay lận đận là giọt hư không …

Thích Nhất Hạnh đã thiền tọa vĩnh viễn trên mặt đất bao dung. Giống như Trịnh Công Sơn, ông cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản…Như tất cả chúng ta.
 
Xin hãy an nghỉ (R.I.P), thầy Thích Nhất Hạnh.
Nguyên Đại
23-1-22