24 tháng 9 2016

XHCN: Xã Hội Chủ-Nô

Điều 25, Hiến Pháp Việt Nam hiện nay viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Sự "tự do" trong câu này có nghĩa là tự do trong khuôn khổ một quy định khác (do ai đó đặt ra, và được ghi ở đâu đó). Ở đa số các nước, hiến pháp là văn bản pháp luật tối cao, nhưng điều này của hiến pháp Việt Nam thì nằm "dưới" một quy định khác.

Điều 258, luật hình sự hiện nay của Việt Nam viết: "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, ... xâm phạm lợi ích của Nhà nước ... thì bị ...phạt tù ...đến bảy năm". À, thì ra điều luật này "quy định" cho cái "hiến pháp".

Nhà nước: do đảng CSVN lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, ngoại trừ "chức" tổ trưởng dân phố, thì ngay từ cấp phường đã có bí thư phường, chủ tịch phường....xã, thành phố, tỉnh... Nước: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội...tất cả đều là đảng viên CS. Ồ, thì ra đảng CS "nặn" ra điều 258.

Động chạm đến lợi ích của đảng thì dĩ nhiên là "xâm phạm lợi ích của Nhà nước" và thế là có tội. Bất cứ hoạt động nào mà không có lợi ích cho đảng là có tội. Đảng viên: 4 triệu. Dân số Việt Nam: trên 100 triệu.

Công dân "có quyền tự do"; nhưng là "tự do" làm lợi cho đảng; ngược lại là có tội - Đó là "pháp luật" Việt nam. Lợi ích của cái gọi là "Nhà nước", của đảng, mới là cái trên cùng.

Chế độ phong kiến: Vua bảo chết, không chết, là không trung; nhưng không có chuyện: quan xử thần tử, thần bất tử bất trung. Chế độ nô lệ: chủ nhân có quyền bắt nô lệ phục vụ lợi ích của mình, có quyền giam giữ, và quyết định sự sống chết của nô lệ.

Hiện nay ở Việt Nam: dân có thể bị đánh chết trong đồn công an, và công an hưởng án "treo". Ông Dũng, trước làm công an sau làm thủ tướng. Ông Quang, trước làm công an, sau làm chủ tịch nước. Ông Trọng đang làm Tổng bí thư, bây giờ vào "thêm" đảng ủy công an. Nói và viết những điều đảng không thích: tù. Chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay gần với chế độ nô lệ hơn. Và, Việt Nam đã và đang tiến lên theo con đường XHCN, Xã Hội Chủ-Nô.

Trong khi, ở các nước dân chủ, việc tổ chức phê bình, chỉ trích chính phủ được luật pháp bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Thì, ở VN hiện nay, quyền hạn này, bị đảng CS Việt nam quy định thành một "tội phạm hình sự".

Tổng Thống Mỹ Richard Nixon, bị buộc phải từ chức ngày 9/8/74, trước khi kết thúc nhiệm kỳ; về vụ ông cho nghe lén các buổi họp của Đảng Dân Chủ, ở vị trí đối lập vào lúc đó, có thể xem như một vết dơ khó gột rửa.

Nguyễn Hữu Vinh & Nguyễn Thị Minh Thúy.
Ảnh: Minh Quang/ Vietnamnet 23/3/2016

Hai hôm trước, ngày 22/9/16, phiên tòa phúc thẩm xử ông Nguyễn Hữu Vinh ("Anh Ba Sàm") và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, 5 và 3 năm tù; các ông tòa đã "y án", dựa theo điều 258.

Ông Vinh thành lập blog "Ba Sàm" từ ngày 9/9/07, là một trang web đăng tin nổi tiếng, có tiếng nói trái ngược với tuyên truyền của báo chí dưới sự chỉ đạo của đảng. 

Mục tiêu của Ba Sàm: "khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người", với slogan “Phá Vòng Nô Lệ”. Ông Vinh cùng với cộng sự của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt bỏ tù từ ngày 5/5/14.

Ông Vinh bị tù, nhưng blog Ba Sàm thì không thể bị bỏ tù. Ngược lại, với hơn 10 ngàn bài viết tính đến thời điểm hiện nay, và trên 125 triệu lượt truy cập, theo thống kê của WordPress, trang Ba Sàm đứng hàng thứ 4 trên thế giới về số lượng truy cập trong số các blog sử dụng WordPress.

Một người có thể bị tù, thậm chí bị giết, nhưng cái tinh thần của họ thì bất diệt. Đó là lịch sử nhân loại. Xã Hội Chủ-Nô đã là bóng đen đã qua đi trong lịch sử loài người. Cái XHCN mà đảng CSVN đang cố níu kéo sẽ qua đi như một đêm đen. Đừng đứng về phía bóng tối!

Nguyên Đại
24 Tháng Chín 2016

Đã đăng trên:
Trang Anh Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh

20 tháng 9 2016

Truy Nã Quốc Tế

Interpol logo
Ngày xưa, phải gọi như thế vì đã khá lâu, tôi có một mẫu đối thoại với mấy thằng bạn nhóc con. Một thằng nói: “Tao là Mỹ, mạnh thiệt mạnh luôn”. Thằng khác: “Tao là Pháp, chiếm nhiều nước làm thuộc địa…”. Thằng nữa: “Tao là Mông-Cổ”… (tôi cũng chọn một nước nào đó, có thằng chọn rồi thì không được chọn trùng), chợt một thằng nói: “Tao lớn nhất, tao là Liên Hiệp Quốc, gồm hết tất cả các nước lại”, và tất cả đều thua thằng đó, tức anh ách. Tôi đã cảm nhận có cái gì đó không ổn, nhưng hồi đó không nói lại được…

Bây giờ thì biết rồi. Liên Hiệp Quốc (LHQ) không phải là là một quốc gia, đó là một tổ chức, một tên gọi của một văn phòng, có nhiều chi nhánh trụ sở ở nhiều quốc gia. Bởi không là một quốc gia, nên LHQ không có lãnh thổ riêng, không có dân, v.v…

Tôi nhớ lại câu chuyện trẻ thơ trên khi đọc một số báo chí ở Việt Nam, rằng ngày 16/9/16 vừa qua Bộ Công An Việt Nam đã phát lệnh truy nã trong nước, và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, người mà chính phủ VN cho là chịu trách nhiệm cho việc thua lỗ khoảng 3200 tỷ VN đồng (gần 160 triệu Mỹ kim) của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí VN (PVC). 

Nghe đâu, ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, và sau đó, blogger “Người Buôn Gió” đã thổi một hơi nhiều “cơn gió” qua các trang mạng xã hội.

Interpol (còn được gọi International Criminal Police Commission, tạm dịch: Cao Ủy Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế) là một tổ chức quốc tế lớn thứ hai, sau Liên Hiệp Quốc. Đó là một hệ thống văn phòng, có trụ sở chính đặt tại thành phố Lyon, Pháp. 

Nếu Liên Hiệp Quốc, không phải là một quốc gia, không có dân, không có đất, thì Interpol cũng vậy, không có cảnh sát viên mang súng đi bắt người, không có nhà giam riêng. Nếu nói ngắn gọn, Interpol là một hệ thống văn phòng với các nhân viên liên lạc cùng với chuyên gia điện toán quản lý một hệ thống lưu trữ dữ kiện giúp việc điều tra các tội phạm hình sự.

Tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc là một hội với tên gọi là “Hội Quốc Liên”, giống như nhiều hội khác, ban đầu có ít thành viên, sau đó thì số thành viên tăng lên. Interpol cũng có thể coi như là một “hội” với 190 hội viên, trong số đó có Việt Nam, và Interpol mở một văn phòng liên lạc ở Hà Nội. 

Một cách đơn giản, hoạt động của Interpol được tiến hành như sau: giả sử có một tội phạm hình sự (cướp ngân hàng chẳng hạn) ở VN, mà công an (CA) tin rằng đã rời khỏi VN trốn sang một nước nào đó (Đức, chẳng hạn). Tất nhiên, CA không thể mang súng tung tăng trên đường phố Munich để bắt người được; và cũng không thể gọi điện trực tiếp tới sở cảnh sát Munich để yêu cầu giúp đỡ.

CA Việt Nam sẽ gởi một thỉnh cầu tới văn phòng Interpol ở Hà Nội, từ đây hồ sơ sẽ được chuyển về trụ sở chính (hay trụ sở khu vực Đông Nam Á, đặt tại Thái Lan) của Interpol; hồ sơ sẽ được một ban chuyên trách gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, sau đó những người này sẽ cố vấn cho Tổng Thư Ký (General Secretariat) của Interpol. 

Chính ông Tổng Thư Ký này mới ký quyết định và gởi các thẻ đỏ, vàng, xanh (theo cấp độ của yêu cầu)…. đến các trụ sở liên lạc của Interpol ở các quốc gia hội viên, và ở đây họ sẽ liên lạc với cảnh sát ở quốc gia sở tại hay thành phố địa phương nào đó (Munich chẳng hạn), và chính cảnh sát ở đây mới phái điều tra viên (Detective) để lo việc điều tra và bắt giữ nghi phạm. 

Giả sử họ bắt được, nghi phạm sẽ bị giam giữ ở trại giam (ở Munich), sau đó cảnh sát phải đưa nội vụ ra tòa, và chính tòa án (Munich) sẽ là nơi quyết định giao nghi phạm cho CAVN, hoặc tiếp tục tạm giam, cho tạm thời tại ngoại, hoặc yêu cầu thả người.

CAVN không có quyền hạn gì ngoài lãnh thổ VN, không thể “phát lệnh” truy nã quốc tế được. CAVN chỉ có thể gởi chi tiết về nghi phạm đến văn phòng liên lạc của Interpol ở Hà Nội, và thỉnh cầu sự giúp đỡ của Interpol, thế thôi. 

Tổng Thư Ký của Interpol, hiện nay là ông Jürgen Stock, ở Lyon. Ông mới chính là người “phát lệnh”, thực chất là một yêu cầu sự hợp tác của lực lượng cảnh sát ở tất cả các quốc gia hội viên. Vì vậy, nói: “Bộ CAVN phát lệnh truy nã quốc tế…” không khác lắm với “Tao là Liên Hiệp Quốc, tao lớn nhất, gồm tất cả các nước lại”.

Tôn chỉ của Interpol là tuyệt đối không liên quan đến chính trị, nghĩa là nếu có sự nghi ngờ rằng, yêu cầu bắt giữ nghi phạm có động cơ chính trị, Tổng Thư Ký của Interpol sẽ không được phép “phát lệnh”. Chuyện chính trị không phải là chuyện của Interpol. 

Trước năm 1970, Interpol vẫn không được phép dính dáng tới các tội phạm chiến tranh thuộc Đức Quốc Xã, cho tới lúc đó, vẫn được coi như có động cơ chính trị. Năm 2008, Văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra một số vấn đề của Interpol có liên quan đến việc bắt giữ một số người tỵ nạn chính trị.

Ngày 31/1/2014, Quốc Hội Liên Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) đã có nghị quyết phê phán một số hoạt động của Interpol đã dẫn đến những quyết định không đúng đắn của tổ chức này. 

Tháng 5 năm 2015, Ủy Ban Pháp Luật và Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Liên Âu đã tổ chức một cuộc điều trần để các tổ chức phi chính phủ (NGOs - Non-Governmental Organisations) và Interpol có cơ hội để trình bày những quan điểm khác biệt của họ. Tổ chức Interpol nhận nguồn tài trợ từ các quốc gia thành viên, và đại diện các quốc gia thành viên đều có quyền hạn giám sát hoạt động của Interpol.

Nếu nhận thấy rằng yêu cầu bắt giữ có động cơ chính trị, Interpol phải rút tên của “nghi phạm” ra khỏi danh sách truy tìm của họ, đó là trường hợp của của nhà hoạt động dân sự Indonesia, Benny Wenda, chính trị gia xứ Georgia (một quốc gia thuộc Liên Xô cũ) Givi Targamadze, hoặc cựu tổng thống Honduras, thuộc Trung Mỹ, Manuel Zelaya Rosales. Khi tên của họ được Interpol rút khỏi danh sách, cảnh sát ở các quốc gia hội viên cũng chấm dứt việc truy tìm và bắt giữ nghi phạm.

Một số các trường hợp, sau khi Interpol đã “phát lệnh”, nhưng được cấp quy chế tỵ nạn chính trị ở Mỹ và Âu Châu, bao gồm thương gia người Nga, Andrey Borodin, chính trị gia đối lập người Kazakh, Mukhtar Ablyazov.

Tuy nhiên, vẫn có người, mặc dầu đã được công nhận tư cách tỵ nạn, Interpol vẫn giữ tên của họ trong danh sách, bao gồm nhà báo Sri Lanka Chandima Withana, và Pavel Zabelin, nhân chứng trong vụ của Mikhail Khodorkovsky.

Trịnh Xuân Thanh
Khi tên của nghi phạm chưa được rút ra khỏi danh sách của Interpol, cho dù đã được công nhận tư cách tỵ nạn, nếu người này vượt biên giới sang một quốc gia thành viên khác của Interpol, họ có thể bị bắt giữ tại đây. Tiến trình pháp lý với Interpol có khi kéo dài cả năm trời như trường hợp của phóng viên Patrica Poleo, người Venezuela, và đồng nghiệp người Kazakh Ablyazov Tatiana Paraskevich.

Trong trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Interpol có quyết định đưa tên ông vào danh sách truy tìm của họ hay không, đó là một vấn đề. Sự can thiệp vào quyết định này của Interpol của các tổ chức nhân quyền là điều thứ hai. 

Nếu ông Thanh ở nước ngoài, và giả sử sau đó ông bị cảnh sát (ở Munich chẳng hạn) bắt giữ, các tổ chức luật pháp thông qua hệ thống tòa án có thể ngăn cản một lệnh chuyển giao ông Thanh cho phía Việt Nam hay không là vấn đề thứ ba. Nếu ông Thanh được cấp quy chế tỵ nạn, Interpol có đồng ý rút tên ông Thanh ra khỏi danh sách của Interpol là vấn đề thứ tư, và …

Nếu chỉ để bắt một ông Thanh, chính phủ của ông Trọng có thể chịu giao cho Interpol các tài liệu chi tiết liên quan đến vụ thất thoát trên 150 triệu đô Mỹ, để chứng minh rằng nó hoàn toàn liên quan đến hình sự, không có một màu sắc chính trị nào, hay không? 

Một cách logic và “khoa học biện chứng” thì một mình ông Thanh không thể nào “nuốt trọn” số tiền này, vậy thì còn ai… và ai nữa? Liệu ông Trọng có đồng ý cho công khai tất cả các tài liệu liên quan đến vụ này hay không lại là chuyện khác. Câu chuyện này có lẽ sẽ kéo dài nhiều tập…

Nguyên Đại

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh
Nguyên Đại

01 tháng 9 2016

Quá dài cho một cuộc mộng du

Hôm nay (1/9), nhiều ngàn người dân Hà Tĩnh xuống đường đi biểu tình, những chiếc nón lá, những bộ quần áo lam lũ trên con đường bụi, họ đi thành từng hàng tha thiết kêu gọi những đồng bào giàu có, sang trọng của họ hãy cho họ một con đường sống, đóng cửa Formosa, "Chọn Nhân Dân hay chọn Formosa", và những người đó đã chịu những trận đòn dùi cui của CSCĐ đánh xuống người họ, không chút nương tay.

Hai hôm trước (30/8), đại tướng bộ trưởng BQP VN, Ngô Xuân Lịch đã ôm thân mật ông BT BQP Trung Quốc, Thường Vạn Toàn. Ông Lịch cảm ơn sự tiếp đón chu đáo mà phía TQ dành cho đoàn VN, rằng nhà nước và ĐCSVN tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, đưa quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới và mục tiêu hàng đầu là "bảo đảm lợi ích tối đa của quốc gia, dân tộc".

Lợi ích của ai, quốc gia nào? Câu hỏi vỗ vào mặt như muối xát. Dường như có hai đất nước. Một, có những bệnh viện với những bệnh nhân la liệt, hai bệnh nhân một giường, dưới gầm giường, dọc hành lang, đau đớn, thất thần; có những con thuyền điêu đứng quấn khăn tang bên cạnh những đàn cá quằn quại trúng độc; có những ngôi nhà ngập ngụa trong nước bẩn chỉ sau một cơn mưa; có những em bé tự tử để kết thúc một tuổi thơ rách rưới không có nổi một bộ quần áo lành lặn để đến trường, có những mạng người rẻ hơn mạng một con chó bị mất trộm. 

Và có một đất nước khác, với những biệt thự sừng sững nguy nga của các quan chức lớn nhỏ, những ngôi nhà với tất cả gỗ quý, những quan ông, quan bà với nhiều người hầu hạ chung quanh. Ông Lịch và các đồng chí của ông đang "bảo đảm lợi ích tối đa" cho cái đất nước "thứ hai" đó.

Ông Lịch cảm ơn sự giúp đỡ của TQ cho "sự nghiệp giải phóng dân tộc" và "công cuộc đổi mới ngày nay". Ngày 2/9/45, có một người đã mượn những lời lẽ hùng hồn trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ về tự do và nhân quyền, rồi thì 71 năm sau, cũng đúng vào những ngày tháng này, sau khi bao thế hệ đã ngã xuống trong khói lửa chiến tranh, người Việt vẫn còn khao khát cái quyền được nói và được lắng nghe lời lẽ của chính mình. 

Giải phóng cho ai? Đổi mới được những gì? Vẫn là những câu hỏi đau đớn như tiếng nấc nghẹn ngào của những em bé đói lạnh ngơ ngác trước những tượng đài bệ vệ đứng chông chênh trên những con đường xiêu vẹo, đứt gảy.

Ông Lịch nhất trí với ông Toàn rằng "quan hệ giữa hai quân đội đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển" trong khi những cơ sở quân sự, những hầm chứa máy bay không ngừng được xây dựng trên các đảo nhân tạo, và tên lửa được đưa tới các đảo trên biển Đông. 

Nếu sự "nhất trí" của hai ông Lịch-Toàn có giá trị tương đương những lời nói lảm nhảm của những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt, thì sự lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn lại là một điều hết sức rõ ràng. Trong khi ở Bắc Kinh ông Lịch cho rằng: "Hơn bao bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước", thì ở Singapore, gần như trong cùng một ngày, ông Trần Đại Quang (CTN) phát biểu: "Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều thua".

Chính quyền đầu tiên trên của đảng CS xuất hiện một năm trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất hoàn toàn chấm dứt, và các chính quyền CS khác xuất hiện ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các đảng CS lợi dụng chiến tranh để cướp chính quyền, thì bây giờ đến lượt họ lại sợ mất chính quyền, nếu chiến tranh xảy ra. 

Trong chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, kẻ thực sự bại trận là dân tộc Việt Nam, sự mất mát đến với toàn bộ các gia đình trên cả hai miền Nam-Bắc Việt, và kẻ thực sự thắng lợi đó là làn sóng cộng sản được nối dài tới cực Nam của nước Việt, và biên giới của nước Trung Hoa cộng sản được trải tới Hoàng Sa và (một phần) Trường Sa.

Nếu "tất cả đều thua" nói về những đau thương mà đất nước dân tộc phải chịu trong một cuộc chiến; và bởi vì thế mà cần phải tránh chiến tranh, thì lẽ ra đảng CSVN, phải dừng lại, như nước Đức, mà không phải lao vào mục tiêu "thống nhất'' bằng xương máu của cả một dân tộc trong suốt hơn hai mươi năm khói lửa và tang tóc. Chưa bao giờ đảng CS đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng.

"Diễn Biến Hòa Bình" là từ ngữ mà đảng CS dùng để đặt những khát vọng tự do dân chủ vào thế đối nghịch với họ, để đặt những đồng bào, cùng tiếng nói, cùng quê hương với họ vào thế tử thù. Thực chất, chính những "đồng chí" của họ ở bên kia biên giới mới là những tay chơi "diễn biến hòa bình" tinh vi nhất, thành công nhất, và tàn độc nhất. Họ hiện có những vùng đất tự trị trên toàn cõi Việt Nam. 

Formosa ở Hà Tĩnh chỉ là một trong những khu vực "tự trị" đó. Không ai được phép vào khu vực thành phố bên trong của nhà máy, ngoài việc vài tháng một số viên chức CSVN rảo bước lấy lệ để gọi là kiểm tra, và vì thế đã tạo nên thảm họa biển chết miền Trung, việc xả độc đã "diễn biến" một cách rất "hòa bình", trước khi hàng trăm ngàn tấn cá chết dạt vào bờ trong suốt mấy tháng liền.

Nhiều ngàn "công nhân" Trung quốc đang có mặt trên khắp các tỉnh thành Việt nam, việc chiếm đất di dân đã được thực hiện một cách hết sức mềm mại, ngọt ngào. Các quan chức CSVN duy trì, nuôi dưỡng các diễn biến rất hòa bình này, miễn là họ có thời gian để thâu tóm, vơ vét và chuẩn bị hậu sự cho họ và gia đình của họ ở một nơi nào đó ngoài VN.

Tại sao ngoài các công trình giải trí, khu nghỉ dưỡng hoành tráng, thì tất cả các dự án quan trọng của Việt Nam như Vinashin, PVC, ...đều thua lỗ và phá sản. Đồng bằng Cửu Long điêu đứng, ngư nghiệp dường như chết lịm, nông nghiệp Việt nam phập phồng theo nhịp tay của các thương lái trung quốc, giáo dục loay hoay không lối ra, y tế trở thành một thảm trạng...Tất cả những điều đó không đến từ các "thế lực thù địch" bên kia bờ Thái Bình Dương, mà nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp đến từ các "đồng chí anh em" ở phía bắc biên giới.

Ông tổ của người CS (Karl Marx) đã viết: cuối cùng thì quan hệ sản xuất quyết định thắng lợi. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất. Marx kêu gọi một quan hệ sản xuất tốt đẹp hơn, không còn cảnh "người bóc lột người"; nhưng thực chất các nhà nước cộng sản đã phá hoại tất cả các quan hệ sản xuất khả thi mà lịch sử xã hội loài người có thể kiến tạo, để thay bằng một thứ... "quan hệ quan chức". 

Những quan chức cộng sản không có lý tưởng cộng sản, một lý thuyết không tưởng và bất khả thi, như Marx; họ chỉ đơn thuần là những kẻ dối trá, tàn ác và tham lam. Các nhà nước cộng sản ở Âu Châu đã sụp đổ không vì chiến tranh, mà vì sự thiếu vắng những quan hệ sản xuất hiệu quả kéo theo một sự sụp đổ kinh tế và bất ổn xã hội.

Còn vài phút nữa là sáng ngày 2/9/16, đọc lướt qua tờ Quân Đội Nhân Dân để kiểm lại những trích dẫn, và chợt thấy dòng chữ "Đảng CSVN lãnh đạo nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử". Tôi chợt rùng mình... 71 năm qua, đã quá dài cho một cuộc mộng du.

Nguyên Đại
1/9/16

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh

Bauxite Vietnam


27 tháng 8 2016

Về "Đôi Lời" của Thái Bá Tân

Tôi thích những vần thơ năm chữ của ông Thái Bá Tân (TBT). Tôi nghĩ có lẽ hầu như ai sinh hoạt Facebook (FB) cũng đều biết tới những vần thơ đó của ông. Tôi đọc ở đâu đó trên FB nói về một lưu ký (status) với đầu đề "Đôi Lời" của TBT và rất ngạc nhiên.

Tôi không tin là của ông, cho nên đã vào trang nhà của TBT để tìm bài này, và tôi đã thấy "Đôi Lời" ở đó, cùng với những bài thơ, những truyện ngắn của ông Tân. Nếu tất cả đều là của một ông Tân, thì xin có vài lời trao đổi với ông Tân, với sự tôn trọng:

1. "Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết..." [TBT]
Ông Trọng có phải là người liêm khiết hay không? Không ai biết, hay chính xác hơn, (tôi) chưa thấy có tài liệu nào về tài sản của ông như về các khối tài sản kếch sù của các quan chức CS khác. Hồi ông Nông Đức Mạnh là TBT, tôi cũng không nghe ai nói về tài sản của ông Mạnh, nhưng có lẽ ông Tân đã thấy những hình ảnh, và băng hình ghi lại cuộc viếng thăm của các phóng viên ở cơ ngơi ông Mạnh (sau khi ông Mạnh hết làm TBT).

Nói về "liêm khiết" có lẽ ông Trọng so với ông Hồ (HCM) sẽ có khoảng cách (theo báo đảng), nhưng có lẽ ông Tân không xa lạ với những tài liệu về ông Hồ, ngay cả từ những người là đồng chí của ông ở phía bên kia biên giới. Người ta đã từng tin tưởng vào sự vĩ đại, liêm khiết, mẫu mực của các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông... cho đến khi bị chính các đồng chí của họ phơi bày một cách rõ ràng. Tôi nghĩ ông Tân biết rõ ràng những điều đó.

Hitler là kẻ thù của cả hai phe cộng sản và tư bản, vì vậy cả hai phía đều không có lý do, và không thêu dệt những điều tốt về Hitler. Chuyện của Hitler đã được ánh sáng lịch sử soi rọi đến mọi ngóc ngách từ hơn nửa thế kỷ qua.

Trong suốt những năm tháng cầm quyền, Hitler chỉ ăn độc một món, tương tự như cháo trắng, cho bữa sáng, và di chúc của con người đã tạo nên Thế Chiến Thứ Hai cướp đi hơn 30 triệu sinh mạng viết rằng: "Tất cả những gì tôi có, những thứ có chút giá trị nào đó, đều thuộc về đảng [Đảng Đức Quốc Xã]. Nếu đảng không còn, thì là tài sản của nước Đức, và nếu quốc gia này bị tàn phá, thì điều này không cần quyết định của tôi nữa". Tôi không được biết đến bất kỳ di chúc nào của bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào có những lời lẽ nào tương tự như vậy.

Xét về chuyện "liêm khiết", nhiều lãnh tụ quốc gia của cả hai phía có lẽ cách Hitler một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, tham vọng quyền lực đã biến Hitler trở thành kẻ thù của nhân loại. Không vì "liêm khiết" mà lịch sử nhân loại không ghi nhận những tội ác của Hitler mà một trong số đó là việc đưa hơn 6 triệu dân Do Thái vào lò sát sinh.

Giả như ông Trọng "liêm khiết'', thì không phải vì vậy mà ông Tân không thấy việc ông Trọng im lặng trong suốt những tháng biển miền Trung gánh chịu những thảm họa do Formosa gây ra, một nhà máy của Trung Cộng mà ông Trọng đã cho phép nó hoạt động và hiện đang dung dưỡng nó.

Ông Tân viết : "... làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.". Những ngày cá chết trắng biển, Facebook như lên cơn sốt, ông Tân chắc có biết, và cũng có biết việc ông Trọng ghé thăm một cơ sở trồng rau sạch gần đó, nhưng không nhắc gì về thảm họa diệt chủng mà đồng bào đang gánh chịu. Tôi thật không hiểu lắm về "cái tốt" trong việc "làm quan" của ông Trọng, như ông Tân đã viết nó có ý nghĩa gì.

2. " Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu" [TBT]
Khi Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận tuyên bố về hải phận của Trung Cộng, ông Tân mới 9 tuổi, ông Tân có thể nói ông không biết. Nhưng, sau hiệp định Paris, quân Mỹ rút đi, viện trợ quân sự cho VNCH bị cắt xuống nghiêm trọng, và Trung Cộng tấn công Hoàng Sa, lúc đó ông Tân đã là một thanh niên trưởng thành, có lẽ đã tốt nghiệp đại học, không biết ông Tân có biết đến bất kỳ một văn kiện nào của "lãnh đạo ta" phản đối về việc chiếm giữ đó không?

Hôm nay, ở tuổi "thất thập cổ lai hy", có lẽ ông Tân không thiếu kinh nghiệm sống đến nỗi chưa từng thấy qua việc người ta dù vẫn ở trong căn nhà của mình; tuy nhiên căn nhà đó đã bán đi từ lâu, hay đã thế chấp gần như trọn vẹn cho ngân hàng.

Vua Bảo Đại của Việt Nam cho tới năm 1945 mới thoái vị, trong khi Việt nam đã là thuộc địa của Pháp từ hơn nửa thế kỷ trước đó, một người uyên bác như ông Tân đâu lẽ nào tin rằng các vua quan nhà Nguyễn từ sau năm 1884 mới là chủ nhân thật sự của nước Việt. Có lẽ tới tuổi gần đất xa trời, nếu ông Tân chưa có dịp đến các tỉnh phía Bắc biên giới Việt Nam, Trung Cộng, ông nên đi đến đó ít nhất một lần, biết đâu niềm tin của ông sẽ thay đổi.

Khi Tập Cận Bình sang Việt Nam, tất cả các phóng viên báo chí đều ở bên ngoài để theo dõi một cái tivi có hình mà không có tiếng, ông Tân thấy buồn không? Nếu như chính phủ của một quốc gia "độc lập" mà không có khả năng bắt giữ và truy tố một người phạm pháp đến từ một quốc gia "lạ", trong khi sinh mạng của ngư dân mình nổi trôi theo cơn sóng may rủi từng ngày, thì quốc gia đó có thực sự "độc lập" không, ông Tân?

3. "Ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy" [TBT]
Có lẽ ông Tân đang so sánh những gì ông đang thấy với những gì ông đã trải qua trong thời kỳ bao cấp, khi những người cộng sản làm kinh tế với những tư tưởng được viết ra từ cách đó một thế kỷ.

Khi so sánh, sự khác biệt nằm ở chỗ đối tượng đem ra so sánh. Khoảng năm 79, trong số hàng trăm những người tôi biết trong thành phố tôi ở, có khoảng vài đứa có "xế nổ", nó thuộc con nhà giàu, và có chỗ dựa chi đó, nên nó không sợ. Bây giờ, hầu như rất nhiều người có thể có một chiếc "xế nổ", không lẽ ông cho rằng người Việt đã "tiến bộ, và đổi mới lắm rồi đấy".

Không lẽ ông không biết rằng ông Lý Quang Diệu đã có lúc ao ước Singapore chỉ bằng Sài-gòn. Sau bao nhiêu năm, những con đường sau cơn mưa biến Sài-gòn thành hồ hôm 26/8 vừa qua nếu so sánh với những đường phố của Singapore, ông sẽ thấy khoảng cách đó dường như ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Nhiều thanh thiếu nữ Việt Nam có lẽ sẽ thấy thật sự đổi đời nếu họ có được một cơ hội để ra nước ngoài lao động, thậm chí là để bán thân, trong khi những người đáng tuổi ông ngoại, ông nội của họ, giống như ông, cười hài lòng với những "tiến bộ" mà ĐCS mang lại cho đất nước này, đó có phải là một nghịch lý, không thưa ông Tân?

4. '' Con người VN cơ bản tốt'' [TBT]
Ở đâu cũng có những tội phạm hình sự, những kẻ cướp, giết người, hãm hiếp...Nước Mỹ, nơi đạt được những tiến bộ khoa học có thể gọi là số một trên thế giới hiện nay cũng không ngoại lệ. Luật lệ tự do sở hữu súng ở một số tiểu bang của nước Mỹ tạo ra không ít những bi kịch cho nhiều người vô tội.

Vấn đề không phải là có hay không, mà là mức độ, tỉ lệ. Không lẽ ông không thấy sự việc bạo lực ở học đường là đáng báo động, không lẽ chứng kiến cảnh người trẻ liếm ghế ngồi của các sao Hàn, ông không thấy xót xa. Không lẽ ông không thấy nhiều ngôi chùa ở VN hiện nay họ thờ tượng của một ông gì đó, hao hao hoặc giống như đúc, ông Hồ.

Không lẽ ông không thấy các quán nhậu Việt Nam mở tưng bừng từ sáng tới khuya và hàng tỉ lít bia rượu được bán ra trong một năm không phải là điều đáng chú ý, và là "cơ bản vẫn tốt". ĐCS trong mục đích duy trì sự cầm quyền đã tạo nên những chia rẽ sâu sắc các thành phần trong xã hội để họ không thể tập hợp lại được.

"Đoàn kết" nhưng phải dưới ngọn cờ của đảng, và trong đảng thì họ thanh toán lẫn nhau, một xã hội phân rã, những tuổi trẻ mất định hướng hoặc bị tẩy não không thể là "cơ bản tốt" được. Không bi quan, nhưng không thể chữa một căn bệnh hiểm nghèo bằng thuốc giảm đau mang nhãn hiệu "xuyên tâm liên".

5. "Tôi ...biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới" [TBT]
Khi những ngư dân Hà Tĩnh nhận những hạt gạo hỗ trợ của chính quyền CS, sau khi Formosa đã chiếm biển và cơ hội sinh sống của họ, những hạt gạo đã bị mốc xanh, đến gà chó cũng không ăn; tôi không biết có người nào biết ơn chế độ vì đó là gạo chứ không phải là sắn, hay bo-bo như những ngày chiến tranh, bao cấp.

Tôi cũng không nghe nói đến họ biết ơn chính phủ vì họ có thể xuất ngoại - sang Lào để kiếm sống - chứ không như thời chưa "đổi mới" mà việc mang vài cân gạo từ vùng ngoại ô lên thị trấn gần đó là một việc làm "phạm pháp".

Chính vì vậy, khi đọc những dòng "biết ơn" này của ông Tân, tôi không khỏi sửng sốt. Tôi tin là ông Tân cũng sẽ gặp những người đã trải qua thời bao cấp, họ có thể nói thẳng với ông rằng, thời bao cấp người ta sống còn có "chút tình" hơn bây giờ nhiều lắm.

Và, dù đói, nhưng hồi đó có lẽ ít người mắc bệnh ung thư hơn bây giờ nhiều, và thức ăn thiếu thốn lắm, nhưng nếu họ có được miếng rau, cục thịt mỡ, thì họ cảm thấy khá ngon vì biết nó không có chất độc. Không lẽ nào, một trí thức lão thành và tên tuổi như ông Tân, lại không thấy nước Việt có những bước lùi đáng sợ như vậy, và cảm ơn chế độ về những "đổi mới", "tiến lên" đó.

6. "Tôi tin...sớm muộn gì sẽ có dân chủ và tự do thật sự" [TBT]
"Chủ Nghĩa Xã Hội nhất định thắng lợi", từ năm 1917 người ta đã nói như vậy rồi, và nhiều người cũng đã tin như vậy, nhiều thế hệ trẻ ở một nửa nhân loại cũng đã đổi sinh mạng của mình cho một niềm tin như vậy.

Nhưng từ khi các sĩ quan Liên Xô không còn tin như vậy để từ chối quay nòng súng xe tăng vào phong trào dân chủ; từ khi Đức Giáo Hoàng người Ba Lan thổi bùng khát vọng độc lập của những người dân cùng quốc gia của ông thì thế giới đã chứng kiến những đổi thay. Sự thay đổi không phải đến từ niềm tin mù quáng mà là sự thức tỉnh thật sự để nhận diện đúng-sai.

Khi một bác ngư dân, không nhiều chữ nghĩa, nói rằng "các ông không làm được thì xuống đi, để người khác làm..." và "đừng coi thường chúng tôi quá, vì chúng tôi không có gì để mất", tôi hiểu là bác đã thấy rất rõ trắng-đen, đúng-sai hơn cả một trí thức uyên bác lão thành trong khi tin rằng ông Trọng liêm khiết (gần) giống như ông Hồ, "quan như thế là tốt", "lãnh đạo ta không bán nước", và cảm ơn những đổi mới mà chế độ đem lại cho dân tộc này...vẫn, mặt khác, tin rằng dân chủ và tự do "sớm muộn gì cũng sẽ tới".

Vài hàng thô thiển "kính lão đắc thọ" gởi đến ông Thái Bá Tân.

Nguyên Đại
27/8/16

Đã đăng trên:
Trang "Ba Sàm" - Cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Vỉa Hè



***************************
ĐÔI LỜI
Fb Thái Bá Tân, 25/8/16, 2.30pm

Thái Bá Tân. Ảnh: Internet
Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.

Nói rõ thế này nhé.

Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.

Nhân tiện:

1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.

2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.

3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.

4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.

6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.

Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.

Hơi thật thà quá. Xin lỗi.

18 tháng 8 2016

Nhạy cảm. (chấm-không nói thêm)

Công an khóa đường vào Long Tân

Vâng, đây là lý do mà phía VN đưa ra để từ chối việc Úc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Long Tân, một sự kiện có tính quân sử của Úc, được dự trù diễn ra vào hôm nay ở Bia Thánh Giá Long Tân, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào hôm nay (18/8/2016).

Tổng Hội Cựu Quân Nhân Úc đã chuẩn bị cho sự kiện này từ 18 tháng trước. Việc chuẩn bị đã hoàn tất.

Sự kiện này bao gồm đêm họp mặt và triển lãm kỷ niệm chiến trường với có mặt của Đại Diện Nữ Hoàng và Thủ Tướng Úc, Thủ Lãnh Đối Lập và Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh Tân Tây Lan tổ chức tại Hội Trường Quốc Hội ở thủ đô Canberra của Úc cùng với hơn 900 người khác, bao gồm 400 cựu quân nhân Úc trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, vào đêm 17/8/16; trước khi, theo dự trù, sẽ có hơn 1000 người Úc bao gồm những quân nhân đã trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử đó, lần đầu tiên trở lại vùng đất chiến trường tại Việt Nam, sau nửa thế kỷ cùng với thân nhân của họ. 

Một cách hết sức đột ngột, lúc 3h30 chiều ngày 16/8/16, phía VN gởi một điện văn tới Úc, nói rằng, họ không đồng ý cho tổ chức sự kiện tại Bia Thánh Giá Long Tân, Việt Nam, lý do phía VN đưa ra là tính nhạy cảm của sự kiện đối với khu vự đó ("local sensitivity"); dù rằng hằng năm lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức (với quy mô nhỏ hơn) từ năm 1989.

Hôm qua 17/8/16, công an VN đã chận các xe của truyền thông Úc cách 200 mét trước khu vực này. Trong khi Ngoại Trưởng Úc, bà Julie Bishop xác nhận là phía VN đã không cho phép tổ chức lễ kỷ niệm ở Bia Thánh Giá Long Tân, thì Thủ Tướng Úc trả lời với giới báo chí rằng ông muốn nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ Tướng Việt Nam. TT Malcolm Turnbull nói rằng thông báo từ phía VN vào đúng phút chót của sự việc chứng tỏ sự coi thường những người Úc đã đến VN để tham dự sự kiện.

Khoảng 60,000 quân nhân Úc đã tham dự chiến tranh Việt Nam, trước khi họ rút đi vào năm 1973. Trong số đó có 521 người đã hy sinh, và hơn 3000 người bị thương. Chiến trường Long Tân đặc biệt đã đi vào quân sử Úc bởi tại rừng cao su Long Tân cách Sài Gòn 40 cây số về phía Đông Nam, 50 năm trước (ngày 18/8/1966) đã chứng kiến sự đụng độ ác liệt giữa 108 binh sĩ thuộc Đại Đội D, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Gia Úc với sự bao vây và quyết tâm tiêu diệt của một lực lượng đông hơn 20 lần của QĐ CSVN thuộc Trung Đoàn 275 và sư đoàn D455.

Phía VN, trong một bài báo mạng của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa hồi tháng Năm, năm nay ghi nhận rằng di tích Long Tân đánh dấu "sự thảm hại của quân đội Hoàng Gia Úc trong việc tiêu diệt quân giải phóng". Phía Úc ghi nhận có 18 quân nhân thiệt mạng, và 24 người khác bị thương trong trận này, cùng với 245 binh lính CSVN tử thương và ước lượng khoảng hơn 350 người khác bị thương, sau khi các binh sĩ Úc thuộc Đại Đội D được các đơn vị đồng đội xuất phát từ căn cứ Núi Đất gần đó phá được vòng vây trong đêm, và quân đội CSVN rút đi. Bia Thánh Giá Long Tân được ở vị trí chiến trường đúng vào ngày 18/8/1969.

Nửa thế kỷ trôi qua, dòng lịch sử chảy xiết với những đổi thay cùng với những sự kiện không thể nào thay đổi. Nhật Bản là một bạn hàng không thể thiếu, một một đồng minh không thể thay thế của Mỹ ở biển Hoa Đông, cho dù mấy trăm ngàn người Nhật đã biến mất sau khi hai quả bom nguyên tử đã tạo nên những cột nấm khổng lồ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, năm 1945. Quân đội Đức và Ý từng là kẻ thù của người Mỹ trong thế chiến thứ hai đã sát cánh trong các cuộc hành quân của NATO hiện nay.

Trong số hàng chục ngàn người định cư mà Úc tiếp nhận hàng năm từ Việt Nam có nhiều người là quân nhân của QĐ CSVN, có lẽ không thiếu những người đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Long Tân, Núi Đất. Những kỷ sư, công nhân Úc hoàn thành nhiều công trình xây dựng ở VN bao gồm chiếc cầu qua bắc Mỹ Thuận nối liền hai bờ của một nhánh Cửu Long chắc chắn có những người là con, cháu của những cựu quân nhân Úc trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam nhiều năm về trước.

Từ chối vào phút chót sự trở về thăm lại chiến trường xưa của những người lính già, trong những năm cuối đời, đến từ hai phía của chiến tranh để nhớ lại những ngày tháng nghẹn ngào kỷ niệm, đối với họ là một sự nhẫn tâm.

Lý do "Nhạy cảm" (Chấm. Không nói thêm) mà phía VN đưa ra trong sự việc này gợi nhớ đến một diễn biến khác mà người viết đã trình bày cách đây hai ngày về việc Úc từ chối việc hai công ty Trung Cộng trong việc mua lại mạng lưới cung cấp điện ở một tiểu bang của Úc, với lý do ngắn gọn: an ninh quốc gia. Không lẽ có sự liên hệ giữa hai việc này. Nếu đúng như vậy, đó là những liên hệ quái đảng.

Nguyên Đại
18/8/16

Tham khảo:
Battle of Long Tan
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan

Releasing photos to gallery
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

VN hủy lễ kỷ niệm 50 trận Long Tân
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160817_vn_cancels_anniversary_battle_longtan

Battle of Long Tan 50th Anniversary event announced
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

Long Tan: Vietnamese authorities cancel 50th anniversary commemoration event:
http://www.abc.net.au/news/2016-08-17/vietnam-police-block-access-to-long-tan-site/7756984

Hình: Công An Việt Nam phong tỏa đường vào khu vực kỷ niệm ở Long Tân - ABC News, Liam Cochrane

17 tháng 8 2016

Cướp Lộc

Động đất và sóng thần ở Fukushima, Nhật, năm 2011
Ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng kéo theo những cơn sóng thần đã tàn phá thành phố Fukushima của Nhật, nhiều người đã mất đi tất cả người thân và tài sản. Nạn nhân của trận thiên tai này nhiều lắm, trong đó có một cậu bé 9 tuổi đang học lớp 3 ở một trường tiểu học trong thành phố.

Em đang đứng tên tầng 3 của trường, giữa giờ thể thao. Ba em làm việc gần đó, và khi em thấy chiếc xe của ba em đến đón em về nhà, thì cũng là lúc cơn sóng thần cuốn chiếc xe đi. Nhà em ở gần bờ biển, nơi mẹ và em gái của em đang chờ hai cha con về nhà...Em đã không còn thấy ai trong gia đình em sau những cơn sóng đó, ngoài biển nước mênh mông và những hoang tàn nát đổ của thành phố sau một thiên tai lịch sử.

Trong chiếc áo thun mỏng manh, em sắp hàng để nhận thực phẩm cứu trợ. Người sắp hàng dài lắm, và em đứng xa lạnh run ở cuối hàng. Thấy như vậy, một người cảnh sát đã cởi chiếc áo khoát đang mặc của mình choàng cho em, và hộp đựng khẩu phần thức ăn của anh trong túi áo rơi xuống. 

Người cảnh sát nhặt lên, đưa cho em và nói: “Khi tới lượt của em, có thể đồ ăn đã phát hết, đây là phần ăn của anh. Anh đã ăn rồi. Em hãy ăn đi”. Đứa bé nhận lấy hộp thức ăn, và cúi thấp đầu chào anh. Người cảnh sát nghĩ rằng, đứa bé sẽ ăn ngay lập tức. Nhưng không, em đem phần thức ăn đến chiếc bàn ở đầu hàng, nơi để vật phẩm cứu trợ, và để ở đó.

Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi, và em đã trả lời: “Bởi vì em thấy nhiều người khác đang đói hơn em rất nhiều; em để ở đó để thức ăn có thể được chia đều”. Anh cảnh sát quay mặt đi, trong nước mắt...Anh cảm nhận được một cách trọn vẹn bài học lớn trong đời về sự hy sinh, và lòng vị tha. 

Một lễ hội ở VN
Anh cũng nhận ra bài học về tình người mà một người trưởng thành như anh có thể tiếp nhận được từ một đứa bé trong hoàn cảnh thương đau đó. Một xã hội có thể giáo dục một đứa bé 9 tuổi hiểu và thực hiện được những điều như vậy phải đến từ những con người vĩ đại, từ một nền văn hóa vĩ đại; anh viết trong thư gởi cho bạn của anh.

Tôi nhớ và tìm đọc lại câu chuyện trên, khi thấy một băng hình (video clip) về cảnh nhiều người giành giựt thức ăn trong khi tiếng ê-a kinh kệ của các ông sư áo quần mũ mão sặc sỡ trước những mâm cổ cao ngút trong rằm tháng 7 (15/8) vừa qua ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Cảnh tượng đó cũng tạo một ấn tượng cho tôi, nhưng là một ấn tượng rất khác. Sao lại ra nông nỗi này!...

Khi từ giã những tiện nghi của một Thái Tử, để bước vào đời sống của một tu sĩ, con người mà chúng ta gọi là Phật và thờ phượng trong suốt hơn hai ngàn năm qua, đã không hề đưa bất kỳ một phép mầu nào, vào bất kỳ một món ăn nào, cho bất kỳ một ai. 

Ngược lại, trên những nẻo đường bùn bụi của đất nước Ấn Độ cổ xưa, người ta chỉ thấy có một người mỗi ngày đi xin chút thức ăn đủ dùng cho mình trong ngày, trong suốt gần 40 năm rao giảng thông điệp về tình thương. “Phép thuật” mà ngài trao cho các môn đệ chính là lòng Từ Bi. Trí Tuệ mà ngài khai sáng cho các môn đệ chính là sự hiểu biết về lý lẽ về vô thường và nhân quả, và dũng khí mà môn đệ của ngài cần phải có chính là sự buông bỏ, hy sinh. Tất cả những gì liên quan đến mê tín đều không thuộc về Đạo Phật.

Cướp lộc
Hình ảnh những thanh niên hung hăng, đánh và cướp tế vật trong các lễ hội; những người phụ nữ giành giựt bất cứ thứ gì trên bàn thức ăn trong chùa với suy nghĩ rằng đó là “lộc” để cho con cháu họ “ngoan ăn, chóng lớn”, những lò nghi ngút khói với giấy vàng mã được đốt đi cùng với niềm tin sẽ gởi đi đâu đó những tiện nghi như vẽ cho những người đã chết cùng với những hy vọng, những tin tưởng vào cuộc đời này, để chỉ còn lại những bất an, đau khổ là những chỉ dấu cho sự xuống dốc thê thảm của một xã hội đang nhiễm độc.

“Lộc” không phải là những gì giành được từ những lễ hội, chay đàn, cúng tế... Điều đó đi ngược lại với tinh thần Phật giáo. Lộc là hộp thức ăn em bé 9 tuổi đặt trên bàn cứu trợ để chia sẻ với những người cùng khổ. Lộc chính là một phần tài vật thời gian, cho dù nhỏ nhoi đến bao nhiêu, được san sớt cho những sinh linh bất hạnh hơn, đau khổ hơn, trong đời sống này. Đó chính là Lộc từ Phật.

Nguyên Đại
17/8/16

Tham khảo:
Letter from Fukushima: A Vietnamese-Japanese Police Officer’s Account – 19/3/11
http://newamericamedia.org/2011/03/letter-from-fukushima-a-vietnamese-japanese-police-officers-account.php

Chùa Quán Sứ - 15/8/16
http://soha.vn/tranh-cuop-do-cung-ram-thang-bay-trong-chua-quan-su-20160816110427187.htm


15 tháng 8 2016

An Ninh Quốc Gia. (Chấm). Không cần nói thêm.

Scott Morrison
Hai ngày trước (13/8), Tổng Trưởng Tài Chánh Úc, ông Scott Morrison, đã thông báo quyết định của chính phủ trong việc rút giấy phép đầu tư của các công ty Trung Quốc vào mạng lưới cung cấp điện cho tiểu bang New South Wales (NSW).

Lý do mà nhân vật quyền lực số 2 trong chính phủ, sau Thủ Tướng Úc, đưa ra là: “an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, ảnh hưởng cụ thể của việc đầu tư này đối với nền quốc phòng Úc như thế nào đã không được ông đưa ra chi tiết; mặc dù ông nhấn mạnh rằng, quyết định của ông dựa trên các báo cáo về quốc phòng. Nói một cách ngắn gọn: Úc từ chối nhận 10 tỉ đô la của Trung Cộng với một câu duy nhất: "an ninh quốc gia". Chấm. Không cần nói thêm.

Quyết định của ông Tổng Trưởng gây "sốc" đối với nhiều người, lớn tiếng nhất là Cựu Thủ Hiến NSW Bob Carr, hiện là Chủ Tịch Viện Quan Hệ Úc-Trung, và Phó Thủ Lãnh Đối Lập, ông Anthony Albanese.

Trong khi ông Albanes chỉ vào sự thiếu thống nhất trong chính sách của chính phủ, khi vừa cuối năm ngoái (2015) đã cho phép các công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin, mặc dù có sự cảnh báo của Hoa Kỳ, thì ông Carr đặt câu hỏi rằng tại sao việc tương tự có thể xảy ra ở tiểu bang Victoria, và Nam Úc trước đó, lại không thể xảy ra đối với tiểu bang NSW bây giờ, và việc loại bỏ gói thầu đã làm thiệt hại cho nền kinh tế của tiểu bang NSW. Ông nói thêm rằng có vẻ như quyết định này mang tính chính trị nhằm mục đích kiếm phiếu, và là chỉ dấu của phong trào Bài Trung đang lan rộng.

Các dự án đầu tư về năng lượng của Trung Cộng cũng cũng bị dội lại ở Anh và Mỹ. Tháng trước (7/16), bà Thủ Tướng Anh Quốc vừa mới nhậm, Theresa May, đã ra lệnh vào phút cuối việc đình chỉ dự án năng lượng hạt nhân lên đến 30 tỉ đô la, theo sau cáo buộc của cảnh sát liên bang Mỹ rằng cố vấn cao cấp Allen (Szuhsiung) Ho (Hồ) của Công Ty Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power) đã tuyển mộ các chuyên gia của Mỹ với mục đích ăn cắp thông tin khoa học bí mật về hạt nhân để bán cho Trung Cộng. Ông Hồ sẽ phải ra hầu tòa vào tuần tới, và nếu bị buộc tội, ông sẽ đối diện với bản án 10 năm tù và đóng phạt $250, 000 đô Mỹ về việc vi phạm các điều luật bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.

Quyết định của chính phủ Úc hôm 13/8 được đưa lên bảng tin hàng đầu ở nhiều thông tấn xã trên thế giới không phải vì nó mới, mà bởi vì nó ngắn; như đã nói ở trên, lý do đưa ra là: "an ninh quốc gia" (Chấm). Điều đó gởi đến một thông điệp quan trọng cho các công ty của Úc rằng sự hợp tác của họ với các công ty của Trung Cộng có thể bị chấm dứt bất ngờ với cùng một lý do cực kỳ ngắn gọn như vậy.

Mấy chữ ngắn gọn đó có vẻ như một hiệu lệnh cho thấy sự cảnh báo cao độ của chính phủ đối với dã tâm của Trung Cộng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và năng lượng như một vũ khí chiến lược để thực hiện giấc mơ Trung hoa của họ. Hiểm họa Trung Cộng đã được báo động rõ ràng, và phải chấm dứt.

Trong khi đó, người viết không dám tin là chính phủ CSVN hoàn lại tiền thuế để công ty Formosa của Trung Cộng tiếp tục hoạt động; và hôm qua 14/8, công ty này đã đã tiến hành việc xả khí thử nghiệm ở 6 ống khói đã hoàn tất trong số 23 ống khói theo dự án. Tác hại đối với môi trường do công ty này tạo ra sẽ vượt sức tưởng tượng của nhiều người theo sau việc hủy hoại mội trường sinh thái biển ở các tỉnh miền Trung từ 4 tháng trước.

Cũng trong thời gian này có tin VN đã đưa tên lửa ra các đảo mà VN đang giữ thuộc khu vực đảo Trường Sa. Theo ông Gregory Poling, Giám Đốc Tổ Chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu thì tổ chức của ông ta không thể xác nhận hay phủ nhận điều này. Quan điểm của người viết, thực chất của việc xuất hiện tên lửa của VN ở Trường Sa không phải là điều quan trọng tới mức sống chết. Trường Sa có thể chỉ là một cái bẫy. Thực ra vấn đề không phải ở đảo, mà là ở đất liền.

Vũ khí khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất của Trung Cộng, đối với Việt Nam, không phải là tên lửa hay tàu ngầm mà là các dự án, các công trình lớn nhỏ đang ngày mỗi nhiều hơn trên khắp mọi tỉnh thành Việt Nam. Hiểm họa Trung Cộng đối với Việt Nam đã quá rõ ràng. Hiểm họa này phải chấm dứt, cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam.

Yêu cầu mà hàng chục ngàn người dân đang xuống đường để biểu tình hôm nay cũng rất rõ ràng: Formosa phải đóng cửa.

Nguyên Đại
15/8/16 

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm/ Nguyễn Hữu Vinh

04 tháng 8 2016

Khóc nữa đi con!

Sáng nay, tôi đọc bài viết "Nghệ Sĩ Kim Tuyến: "Tôi chọn tự do, và không hối tiếc"" của nhạc sĩ Tuấn Khanh đến đoạn nói về những gì xảy ra đối với bà Kim Tuyến trong những ngày vừa sau 30/4/1975:

"...Sau đó theo lời kêu gọi của chị Kim Cương, tôi [Kim Tuyến] đến họp tại Hội Nghệ Sĩ. Rất đông các cô chú và anh chị nghệ sĩ tân cổ tụ tập bên hông trụ sở và phía sân sau. Khi thấy tôi và nghệ sĩ Tùng Lâm ngồi trò chuyện, chị Kim Cương ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nói “Chị ơi em buồn quá”.

Chị Kim Cương kéo đầu tôi ngả vào vai chị, một tay vuốt tóc vỗ về: “Đừng buồn em, chị em mình rồi sẽ được giải phóng ra khỏi bốn bức tường”. Tôi sững sờ nhìn chú Tùng Lâm. Chị Kim Cương nói lớn “Mọi người vào trong, đến giờ họp. Chị nắm tay tôi, kéo tôi theo chị vào phòng họp. Chị ngồi vào đầu bàn chủ tọa.

Chị dõng dạc tuyên bố: “Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên quê hương ta, tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành. Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức (nhạc sĩ) lập những tiểu tổ để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ …”. Chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: “Tuyến, khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con”"

Tôi [Nguyên Đại] dừng lại, nhìn ra vườn...Tôi nhớ ông cụ, ba tôi quá! Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những gì xảy ra trong buổi sáng ngày 30/4/75 tôi vẫn còn nhớ, như có thể vẽ lại không sót một chi tiết nào...

Thành phố Cần Thơ, những ngày cuối tháng 4 năm đó dường như quằn xuống với những người di tản từ miền Trung đổ về, trong đó có gia đình tôi, trong một hy vọng ở đây sẽ là thành lũy bình yên cuối cùng. Sáng hôm ấy, khi lệnh buông súng ban hành trên radio...

Trong căn phòng chật hẹp của một người quen cho ở tạm, ba tôi, bác tôi, và những anh em trong dòng họ tôi đã khóc nức nở. Tôi chỉ là một thằng bé chạy lăn quăn trong những ngày tháng ấy, nhưng tôi cảm nhận có một chuyện gì hết sức nghiêm trọng xảy ra. Không có ai nằm chết trong nhà, không có khói nhang...nhưng sao có nhiều người khóc, khóc nghẹn ngào, khóc như nuốt vào trong cổ những sửng sờ, bất ngờ, sụp đổ...

Ba tôi thích ông Tùng Lâm lắm, mỗi khi có chương trình nào trên ti vi, ông cũng đón xem và tôi đi theo ông, lăn quăn...cười thích thú (có khi hiểu, có khi chỉ là cười theo ba tôi) khi ông Tùng Lâm trong những vai ngô nghê của một người lính quê ngờ nghệch trước những tân kỳ rực rỡ của đô thành Sài-gòn. Tôi nghĩ nếu tôi đủ lớn để có thể chia sẻ với ông những thất vọng, buồn bã trong những ngày tháng đó, có lẽ ông cũng sẽ nói với tôi:"khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con".

Phải, "...khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con", "mầy" khóc giùm "tao" vì sự sụp đổ của một chính thể chống cộng sản mà tao đã chọn lựa và cống hiến, một nền cộng hòa mong manh trong cơn bão chiến tranh, một đất nước bất hạnh ở vị trí tiền đồn trong toan tính chiến lược của những siêu cường.

"Mầy" khóc giùm "tao" vì những anh em, bạn bè tao đã hy sinh oan uổng xương máu của họ trong cuộc chiến này. Khóc nữa đi con, vì sự hụt hẫng đau đớn khi thần tượng, chị em của con hôm qua; hôm nay trở thành một cán bộ cộm cán của phía bên kia..."Mầy khóc nữa đi con" cho vơi nỗi đau của một tâm hồn thơ ngây bị phản bội..."Mầy" khóc đi cho vơi bớt những buồn và đau..."mầy" khóc giùm "tao".

Tôi tin bà Kim Tuyến sẽ suốt đời không quên, không thể nào quên, câu nói đó của ông Tùng Lâm. Một sự chia sẻ, một sự an ủi, một tình người, một tình thương đẹp não lòng trong hoàn cảnh đó.

Tôi đi làm...buổi trưa, một người khách đến gặp, vì yêu cầu công việc nên ông phải kể lại những điều đã xảy ra với ông gần 40 năm trước:

***

"...Tôi [vị khách hàng của Nguyên Đại] sinh năm 1945, học xong trung học ở Nha Trang năm 63, tôi vào không quân. Rồi 75 vô, sau khi đi "học tập cải tạo" về tôi vượt biên khoảng tháng 4/79 cùng với vợ và 4 đứa con, hai vợ chồng đứa em gái, một đứa em trai và một đứa em gái nữa chưa có gia đình.

Ghe tôi khoảng trên 100 người. Hôm đó, khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi tới khu vực đảo Trường Sa thì ghe mắc cạn, tôi và mấy người trẻ nữa bơi vào đảo, mấy người trước tôi vừa đặt chân lên cát thì súng bắn như mưa từ phía bên trong đảo ra, mấy người trẻ gục chết trên cát, máu loang trên sóng biển. Tôi bơi sau chưa vô kịp bờ thì vội bơi ra. Súng bắn như mưa càng ngày càng nhiều vào chiếc ghe của chúng tôi. Tôi chỉ biết bơi ra thật nhanh không biết bơi đi đâu, xung quanh tôi chỉ còn 7, 8 người.

Chúng tôi cứ bơi đi, lênh đênh trên biển. Tôi nghe nói phải cởi hết quần áo thì mới tránh được cá mập tấn công. Tôi đã cởi hết quần áo của mình, và với chiếc can nhựa, tôi lênh đênh khoảng 4 tiếng đồng hồ trên biển, khoảng 11 giờ trưa thì chúng tôi dạt vô một đảo khác, tôi không dám vô, mấy người vô trước thì mất hút đâu trong đảo.

Không nghe tiếng súng, nên cuối cùng tôi cũng vô thì thấy một người cao lớn ở trần đen bong, mặc quần rằn ri cầm M-16. Tôi đi lính nên dĩ nhiên là tôi biết là súng gì. Thằng đó nó quắt [ra dấu tay cho] tôi vô, và nó nói bằng tiếng Anh, tôi cũng nói lại bằng tiếng Anh, mặc dầu lúc đó tiếng Anh của tôi cũng không nhiều gì. Tôi nói cho nó biết là tôi không có quần áo.

Nó cởi chiếc quần nó mặc quăng cho tôi, nó chỉ còn mặc quần lót. Đảo mà, nên ở bên trong thì nó cạn có đá, qua khỏi đá thì nó sâu thăm thẳm, tôi bước xuống hụt chân chới với, cuối cùng thì tôi cũng mặc được cái quần và vô tới bờ. Tôi hỏi và biết được đó là lính Phi [Philippines]. Nó dẫn tôi vào chung nhóm với 7 người trong thuyền của tôi. Mấy đứa đó mệt quá nên nằm thằng cẳng la liệt trên bãi cát, tụi nó không biết tiếng Anh, chỉ tôi biết chút ít.

Tụi lính Phi chia khẩu phần ăn của tụi nó cho chúng tôi. Tụi nó cũng tội. Ngày hôm sau thì có trực thăng tới thả xuống quần áo cho tụi tôi và thêm thức ăn. Tôi ở đó khoảng mấy tuần, có gặp các phóng viên BBC, và VOA, họ hỏi tôi nhiều về hoàn cảnh của tôi, và chuyện gì xảy ra cho chiếc ghe của tôi. Tôi kể lại cho họ y như vậy.

Từ đó tôi không bao giờ gặp lại vợ con và các em tôi nữa. Họ đưa tôi đến đảo Palawan, và mấy tháng sau, Úc tiếp nhận tôi. Tôi đã đến đây một mình, 37 năm trôi qua. Có mấy người nói có gặp người thân tôi ở chỗ đó, chỗ kia, và cần tiền, tôi có gởi, "tin còn hơn không"; nhưng cuối cùng thì chỉ là sự nhầm lẫn hay lừa gạt. Tôi nghĩ có lẽ tất cả đều đã chết trên hòn đảo đó bao gồm những người thân trong gia đình tôi."

Hồi sáng lúc đọc bài của NS Tuấn Khanh, tôi đã dừng lại; bây giờ thì tôi quay mặt đi và xoa tay trên mắt mình...

Buổi chiều, tôi đọc bản tin của RFA nói về việc Trung Quốc ngăn chận tất cả các thông tin về việc họ cho phá hủy trung tâm tu học Phật Giáo Larung Gar lớn nhất ở Tây Tạng. Họ không cho phép bất kỳ ai đến khu vực này, và "thăm hỏi" những nguồn thông tin bên trong Trung Quốc đã đưa những thông tin "sai lạc" về vấn đề này trên các trang mạng xã hội.

Ngày hôm nay đối với tôi có những trùng hợp xúc động. Tôi về ghi vội tối nay, những dòng này...vì sợ công việc hằng ngày cuốn đi những con chữ lăn quăn của tôi.

Nguyên Đại
4 Tháng Tám 2016


12 tháng 4 2016

Tướng, Tá Việt Nam

TT Lê Xuân Duy
Chủ nhật tuần rồi (7/8/16), khoảng 10 giờ tối, thiếu tướng QĐ CSVN Lê Xuân Duy đã đột ngột qua đời. Theo truyền thông nhà nước VN, lý do là "lâm bệnh hiểm nghèo". 

Ba tháng trước đó, ngày 6/5/16, tướng Duy được bổ nhiệm là Tư Lệnh quân khu 2 có nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh vùng Tây Bắc và nửa phía Tây của miền Bắc VN, bao gồm khu vực biên giới ba nước: VN, TQ và Lào; đây là khu vực hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay vì những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam. 

Tướng Duy đã từng tham chiến ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên. Sư đoàn 313 của tướng Duy đã đụng độ ác liệt với ít nhất hai sư đoàn lính Trung Quốc và buộc phải rút khỏi cao điểm 1200, vào tháng 4/1984.

Điều đáng chú ý là các tướng lĩnh đã trực tiếp tham chiến chống Trung Quốc lần lượt chết vì những lý do bất thường hay chuyển tới những vị trí không tương xứng: Trung Tướng Đào Trọng Lịch (Tư lệnh QK2 1992-1997) và Trung Tướng Trần Tất Thành (Tư lệnh QK2 1997-1998) cả hai đều thiệt mạng trong một tai nạn máy bay tại Xiêng Khoảng, Lào, năm 1998. Những trùng hợp đó đã làm dấy lên những nghi ngờ về sự thanh trừng, triệt hạ phe cánh sau những đấu đá chính trị trong nội bộ đảng CSVN, và cũng không loại trừ có sự giật dây từ phía Bắc Kinh.

Quân đội CSVN thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Đảng ủy Quân Khu, đứng đầu là Chính Ủy có quyền hạn cao nhất. Nguyên tắc đó duy trì sự trung thành của quân đội với đảng, nhưng cũng vì thế những tướng lãnh giỏi chỉ huy, giàu kinh nghiệm trận mạc, lần lượt bị thay thế bởi những quân nhân biết đầu cơ, hiểu biết và nhiều thủ đoạn hậu trường chính trị. Khi có sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, các tướng lãnh chỉ huy trong quân đội cũng bị thay thế.

Vài năm sau khi Hồ Chí Minh mất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã bị thất sủng, từ chức vụ Tổng Tư Lệnh QĐ, ông "được" chuyển sang làm nhiệm vụ của một Phó Thủ Tướng, chủ tịch ủy ban dân số và sinh đẻ có kế hoạch, và đó là chức vụ cuối cùng của ông trước khi về hưu. 

Gần đây hơn, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ (nguyên Tư lệnh QK2 2007-2010) đang giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng QĐ "được" thuyên chuyển sang làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội, giúp việc cho bà CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân; và hình như để giúp cho ông Tỵ tập trung hơn vào công việc ở Quốc hội, ngày 27/4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bãi chức Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng của ông Tỵ.

Ngược lại, ở các nước dân chủ, các tướng lĩnh quân đội tuyệt đối không được dính líu tới chính trị (cũng giống như các quan tòa). Nguyên tắc phi chính trị của quân đội các nước dân chủ bảo đảm việc các tướng lãnh tài ba về quân sự và giàu kinh nghiệm chiến trường luôn có cơ hội phát triển và được trọng dụng.

Ngày 14/6/16, một máy bay quân sự SU-30 MK2 biến mất khỏi màn hình radar trên vùng biển Diễn Châu, cách đất liền 26 hải lý sau khi xuất phát từ sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau đó, khoảng 1 giờ chiều ngày 16/6/16, chiếc máy bay tuần thám CASA 8983 bị phá hủy trong khu vực gần đảo Bạch Long Vĩ thuộc vịnh Bắc Bộ, sau khi xuất phát từ sân bay Gia Lâm, Hà nội, mang theo sinh mạng của 9 người bao gồm 3 người thuộc phi hành đoàn có nhiệm vụ đi tìm chiếc máy bay quân sự bị mất liên lạc trước đó. 

Hai vụ rơi máy bay trong vòng hai ngày có vẻ như một phép thử về khả năng chiến đấu của không quân VN, nhiều hơn là những tai nạn; đặc biệt là cho đến hiện nay, chính phủ CSVN vẫn chưa công khai tiết lộ nguyên nhân thật sự của hai "tai nạn" máy bay rất đáng ngờ này. Lãnh đạo ĐCS vẫn còn nợ họ, những quân nhân đã mất, và thân nhân của họ một câu trả lời rõ ràng, minh bạch, và khả tín về nguyên nhân cái chết của họ.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận sự hy sinh của những chiến sĩ VNCH trong trận hải chiến cô đơn năm 1974, cũng sẽ tô những vết son máu đối với những nhiều ngàn anh hùng đã ngã xuống, mười năm sau đó trên mặt trận Vị Xuyên để giữ gìn từng cột mốc biên giới ở vùng cực bắc của đất nước trước hỏa lực tràn ngập của quân đội Trung Cộng. 

Họ, tất cả đều là chiến sĩ Việt Nam, họ có cùng một nhiệm vụ: bảo vệ đất nước, và cùng một kẻ thù: quân xâm lược Trung Cộng. Cũng vậy, lịch sử sẽ chỉ ghi dấu những vết nhơ cho những phí phạm xương máu mà đảng CS đã dùng để bảo đảm sự thống trị của họ như những chủ nô trên đất nước quá đau thương này.

Tám (8) tiếng đồng hồ, sau cái chết đột ngột của tướng Duy, "phụ trách" tư lệnh quân khu 2, ông Nguyễn Xuân Phúc, với một đoàn xe sang trọng đen bóng sầm sập tiến vào phố cổ Hội An. Ông Phúc không nhắc một chữ nào, cho dù chỉ là một sự chia sẻ giả vờ, về sự ra đi đột ngột của tướng Duy, ngược lại ông thong thả chụp hình tự sướng, và đùa vui rằng ông đang quảng cáo cho ngành du lịch ở đây.

Trong cương vị Thủ Tướng, ông không được thông báo về cái chết của Tướng Tư Lệnh quân khu 2? Trong tình cảm đồng chí, cái chết của tướng Duy không bằng chiều dày của một tấm hình tự sướng? Ông Thủ tướng đã về quê như một quan chức cộng sản giàu sang, tự cho mình cái quyền đổ bộ lên những con đường di sản mong manh của tổ tiên bằng những đoàn xe bọc thép. Trong bài viết "Đoàn xe tang trên đường phố Hội An", Trần Trung Đạo đã có những câu hỏi nhức nhói và xúc động:

"Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý ánh mắt đầy giận dữ của người dân Hội An đứng nhìn đoàn xe nặng nề đang lăn bánh trên con đường mỏng manh sau mấy trăm năm chịu đựng lụt lội, nắng mưa?

Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý đôi mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của các du khách ngoại quốc đứng bên đường nhìn lãnh đạo cao cấp của một quốc gia đang vi phạm luật lệ do chính các lãnh đạo đó ban hành?

******
Hôm nay (12/8), vận động viên bơi lội người Mỹ Michael Phelps đã giành được chiếc huy chương vàng thứ 22, trong số 26 huy chương Thế Vận Hội mà anh có được. Dĩ nhiên, báo chí Mỹ và nhiều nước khác ca ngợi anh, một người có thành tích quá xuất sắc trong thể thao. Xin được nhấn mạnh: Thể Thao - một cách rõ ràng, chính xác, và nghiêm chỉnh. 

Hoàng Xuân Vinh
Năm ngày trước đó, anh Hoàng Xuân Vinh đã giành được một huy chương vàng đầu tiên trong môn bắn súng hơi. Sẽ là quá khập khiểng nếu so sánh Mỹ và Việt Nam về một điều gì đó, kinh tế chẳng hạn; nhưng, nếu so sánh thành tích Thế Vận giữa hai vận động viên thể thao sẽ không có gì quá đáng.

Người viết không hề coi thường chiếc huy chương vàng duy nhất trong lịch sử Thế Vận mùa hè mà anh Vinh đã đem về cho tất cả các tuyển thủ Việt Nam tại Thế Vận Hội, trong hơn 60 năm qua. Anh cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam nhận được hai huy chương trong một mùa Thế Vận (anh Vinh giành được một huy chương bạc, cũng trong môn bắn súng, nhưng dưới hình thức thi đấu khác). 

Cũng sẽ rất cập kênh, nếu không nói tới sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với phong trào thể thao nói chung và đối với tuyển thủ Olympic đại điện cho nước Mỹ, khi so sánh với sự thiếu thốn về dụng cụ, hỗ trợ chuyên nghiệp của huấn luyện viên, và việc các quan chức của đảng bộ thể thao VN đã giành lấy cơ hội để đi du lịch mà tước đi sự trợ giúp về y tế và huấn luyện mà các tuyển thủ Việt Nam cần phải có.

Điều khôi hài là các báo chí của Đảng lại chạy những hàng tít quá nhột nhạt như "phát súng vang năm châu bốn biển". Con người của thế kỷ tin học hôm nay không dễ bị "bốc thơm" như vậy. Điều thực sự chấn động năm châu bốn biển là hàng vạn tấn cá chết dọc suốt bờ biển miền Trung, hàng triệu ngư dân đang điêu đứng, mỗi ngày đau đáu nhìn biển mờ dần trong nước mắt. Sự nhức nhối đó thấm thía trong từng bữa ăn mỗi ngày của nhiều người Việt và bạn bè của họ ở khắp năm châu bốn biển.

Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974, năm 20 tuổi tốt nghiệp trường công binh, anh thường đạt giải trong các cuộc thi bắn súng trong quân đội. Năm 1999, anh được Câu Lạc Bộ Quân đội rút về, và sau đó thường được cử tham dự các cuộc tranh tài về môn bắn súng ở SEA Games (Giải Thể Thao Đông Nam Á), và vì các thành tích đạt được trong môn thể thao này, anh được thăng chức Đại Tá.

Có thể anh Vinh sẽ có chút lúng túng khi ngồi chung với những Đại Tá đã chứng kiến xương máu của đồng đội mình trên những cao điểm của mặt trận Vị Xuyên, Lão Sơn. Xin nhường sự lúng túng đó cho những người đã gắn lon Đại Tá cho anh.

Nguyên Đại
12 Tháng Tư 2016 

Đã đăng trên:
Trang Ba Sàm

29 tháng 1 2016

Ai thắng?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thắng trong cuộc đua về chiếc ghế Tổng Bí Thư ĐCS. Ông Trọng có biệt danh là "Trọng Lú", vậy thì ông có lú không? Và, tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà trước đây, tưởng chừng như chiếc ghế TBT đã ghi tên ông và chỉ cần ông đến là có thể chễm chệ ngồi vào, lại phải "xin rút" tên trong danh sách ứng cử?

Ngược lại với mấy năm trước, khi mà Vinashin chìm xuồng, ông Dũng tưởng như phải bị kỷ luật, nhưng đến lúc phải đem ra hội nghị mổ xẻ, thì trong khi ông Dũng điềm nhiên ngồi khảy móng tay, ông Trọng đã không dám gọi thẳng tên ông Dũng. Sau đó Dũng được Trương Tấn Sang đặt cho biệt danh là "Đồng chí X.". Trước đại hội đảng 12, có người đã nói rằng ông Dũng là Thủ Tướng có nhiều quyền hạn nhất, và ngược lại ông Trọng là TBT ít quyền hạn nhất, trong lịch sử đảng CSVN.

Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời tương đối rõ ràng có lẽ phải đợi nhiều năm nữa, khi mà một số thông tin được bạch hóa, và khoảng vài chục cuốn hồi ký ra đời, thì sự đấu đá khốc liệt trong thâm cung của đảng CS mới có thể một phần nào được hé lộ. Người viết bài này chỉ chia sẻ một vài suy nghĩ để rộng đường dư luận.

Ông Trọng đã tuyên bố Tổng Bí Thư (TBT) phải là người miền Bắc và phải là người có lý luận. Không kể đến tác hại của tuyên bố này đối với sự đoàn kết dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị chia cắt vì thuộc địa và nội chiến, tuyên bố đó rõ ràng phản ánh sự chia rẽ và phân biệt vùng miền trong nội bộ ĐCS. Đối với ông Trọng mà nói, nó có lợi cho ông trong việc lôi kéo các đảng viên gốc miền Bắc về phía ông, và đặt ông Dũng ở thế đối đầu với họ. 

Tuyên bố đó coi như một lời tuyên chiến giữa hai ông Trọng và Dũng trước thềm đại hội. Chia rẽ là kẻ thù của sự hợp tác và phát triển, nhưng nó thường xuyên được sử dụng như là một vũ khí của những chính trị gia. Trước mắt bàn dân thiên hạ thì ông Trọng có vẻ như "lú" càng "lú" hơn khi tuyên bố như vậy, nhưng đối với nội bộ ĐCS thì coi như sau một tiếng chuông mở màn cho hai võ sĩ quyền anh thượng đài, ông Trọng đã đánh trước một cú "direct" (cú đấm thẳng trực tiếp). 

Trong khi đó ông Dũng được biết đến như là một người cấp tiến, thân Mỹ, có thể trở thành một Putin phiên bản Việt Nam. Sau vụ Vinashin, ông Dũng trở nên như một nhân vật bất khả xâm phạm. Thực tế cho thấy, ông Dũng sau những năm tháng trong các chức vụ khác nhau đã tạo nên một hệ thống quyền lực chằng chịt, một đế chế Mafia. Ở đó, quyền lực có thể được phân chia cho những thuộc cấp tin tưởng và thân nhân gia đình; nhưng trụ cột chính, mũi nhọn quyền lực vẫn phải nằm trong tay một "Bố Già".

Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình
Người ta nói ông Dũng thân Mỹ và Tây Phương, nhưng thực ra ông được tập thể các nhân vật nặng ký trong Đảng giao nhiệm vụ làm gạch nối (chính) giữa ĐCSVN với thế giới tư bản; và ông Dũng đã lợi dụng điều này để mở rộng quyền hạn đế chế của riêng ông, cũng như củng cố lợi ích những phe nhóm có liên hệ hay chịu ảnh hưởng. 

Điều đó cũng phản ánh chính sách ngoại giao đu dây của ĐCSVN, một chính sách nhằm kéo dài sự tồn tại của của ĐCS hơn là một chiến lược dài hạn nhằm vào sự phát triển đất nước. Bản thân các ông Dũng, Trọng cũng không muốn bị cho là đứng hẳn về một phía: hoặc Mỹ hoặc Trung Cộng. Ông Trọng vẫn thăm dò sự ủng hộ của Mỹ khi viếng thăm chính thức TT Obama. 

Và, trong khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Dũng đã muốn chứng minh rằng ông cũng được sự ủng hộ của ông Tập qua việc hai ông "ôm qua ôm lại" đến ba lần khi gặp nhau ở VN mấy tháng trước đây. Cho dù là bản thân của các ông, khi ôm nhau như vậy, đã không phải ngây thơ đến nỗi tin tưởng rằng sẽ "sống chết có nhau", nhưng "diễn được thì cứ diễn", tại sao lại từ chối việc "tương kế tựu kế".

Đối với Trung Cộng, mà người đại diện là ông Tập, thì việc lựa chọn giữa ông Dũng và ông Trọng không phải là một câu hỏi khó khăn. Tại sao không chọn cho "người anh em" một ông già lèm nhèm, tham quyền cố vị, không có quyết sách, giỏi việc hậu trường, trung thành với thiên triều; mà phải ủng hộ cho một người giảo hoạt hơn, có khuynh hướng thân Mỹ hơn và đã từng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ chủ quyền Việt nam đối với các vùng biển và quần đảo Hoàng-Trường Sa. 

Câu trả lời là dễ dàng và dứt khoát; cho dầu cách đây một thập niên, chính họ đã ủng hộ cho ông Dũng vào các chức vụ quan trọng vì tin tưởng ông này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước (và ông này đã thi hành khá nghiêm chỉnh). Trong khi Mỹ không ủng hộ ông Dũng, như vụ đảo chánh năm 1963; và ông Trọng được sự ủng hộ của Bắc Kinh, thì ông Dũng không có cách nào an toàn hơn là đi phía sau ông Trọng.

Ông Dũng nên sớm hiểu là ông đã hết giá trị sử dụng đối với Trung Cộng, vì những người thay ông sẽ mở đường mạnh hơn và rộng hơn cho sự xâm lược của Trung Cộng vào Việt Nam bằng cả hai cách ngấm ngầm và công khai. Người ký bản án tử hình cho sự nghiệp chính trị của ông Dũng, không phải là một ông già đang say men chiến thắng ở gần hồ con Rùa vừa chết, mà chính là đồng chí Tổng Bí Thư kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Trung Cộng Tập Cận Bình, người vừa nồng nhiệt ôm ông Dũng cách đây không lâu. 

Việc ông Nguyễn Sinh Hùng sang yết kiến ông Tập trước ngày đại hội ĐCS không có gì khác hơn là khẳng định lần cuối cùng sự tồn tại của một bản án như vậy đối với đồng chí X. Có thể nói người thắng cuộc trong cuộc đấu đá vừa rồi trong nội bộ ĐCS VN không phải là một ông "chánh tổng" đang bắn pháo bông ở Bắc Bộ Phủ, mà chính là ông Tổng Chánh ở Trung Nam Hải.

Đồng chí Tổng khẳng định thêm sự ủng hộ của Bắc Kinh cho phe của ông Trọng bằng cách cho tàu đánh cá trá hình và giàn khoan áp sát Vịnh Bắc Bộ và cho máy bay gầm rú trên không phận Việt Nam trước thềm ĐHĐ cũng vừa để đo lường sức mạnh quyền lực và quyết tâm của ông Dũng, cũng như thăm do phản ứng cứng rắn của CSVN nói chung. 

Thực tế cho thấy là chính phủ Việt Nam chỉ phản ứng có lệ, và ông Dũng cũng không khẳng định sức mạnh quyền lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền như đã từng tuyên bố. Thực ra thì ông không thể có đủ thời gian để đối phó với quá nhiều mũi tấn công trong một thời gian ngắn như vậy. Mô hình "đế chế Mafia" có khả năng bảo đảm uy thế của ông đối với hệ thống mà ông tạo ra không có khả năng bảo vệ ông đối với đòn "đánh hội đồng, có hậu thuẫn" mà phe ông Trọng và Bắc Kinh tiến hành.

Nhưng chỉ như vậy không cũng chưa đủ, phe ông Trọng đã âm thầm chiêu dụ các "tướng tá" trong hàng ngũ của ông Dũng, trong số đó ông Phúc được nhắm đến đầu tiên, vì là người "cực kỳ" giảo hoạt và tham vọng, mặc dù ông đã chứng minh sự trung thành giai đoạn của mình đối với ông Dũng trong việc hạ gục ông Nguyễn Bá Thanh. 

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là sẽ thay ông Dũng sau khi ông Dũng chính thức về vườn, đã từng là một cộng sự, cánh tay đắc lực của ông Dũng. Với mục tiêu là ông Dũng, phe ông Trọng có thể thỏa thuận ngay cả với lãnh chúa của địa ngục. 

Ông Trần Đại Quang, cũng nằm trong tầm ngắm này, và khi gió đã có vẻ đổi chiều, ông Quang không thể không dương buồm theo hướng gió. Những ngày trước đại hội, Hà Nội rung chuyển với "lực lượng chống khủng bố, bảo vệ ĐHĐ". Những bệnh nhân tâm thần cũng không tin là khủng bố Hồi Giáo lại rảnh đến độ đi tấn công ĐHĐ CSVN. 

"Các thế lực thù địch" thì không đủ mạnh để làm chuyện đó, và phe ông Trọng cũng không cho ông Dũng thấy là ông Dũng "bị dồn vào góc tường" để phải chọn một sinh lộ cuối cùng trong tử địa. Cuộc hành binh bảo vệ ĐHĐ không có gì khác hơn là chứng tỏ sự mất kiểm soát của ông Dũng đối với công an và quân đội. Lẽ tất nhiên là ông Dũng không đơn phương chủ trương cuộc hành binh này để có thể bị rớt ngay xuống thung lũng tử thần.

Nhưng tại sao một đế chế Mafia của ông Dũng có thể tê liệt nhanh như vậy, cho dù nó đã rất hữu hiệu trong vụ Vinashin. Câu trả lời, theo người viết, vẫn là ở ông Tổng, xin lặp lại: ông Tổng Chánh Tập Cận Bình chứ không phải ông chánh tổng Nguyễn Phú Trọng. 

Tình báo Hoa Nam đã thâm nhập đến mọi ngóc ngách quyền lực của cả hai phe: Trọng và Dũng, và khi được bật đèn xanh thì họ muốn bên nào thắng thì bên đó có muốn hy sinh chọn thua cũng không được cho phép. Cho dù ông Dũng có cho đàn em phủ đầu ông Trọng trong kỳ họp đầu tiên rằng ông Trọng bán đất biển cho Tàu, làm tay sai cho Trung Cộng v.v... thì với sự giúp đỡ của tình báo Hoa Nam, phía ông Trọng cũng đã chuẩn bị cáo trạng dài hơn 300 trang về các hoạt động "Mafia" của ông Dũng với đầy đủ vật chứng, nhân chứng, trong số đó có những người mà ông Dũng đã hết sức tin tưởng. 

Giống như nàng Kiều khi biết Sở Khanh là người của Tú Bà, ông Dũng không còn cách nào hơn là chấp nhận ký đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử và lùi lại đi phía sau ông chánh tổng Trọng. Dù vậy, không thể coi thường ông Dũng cũng như lính và tướng của ông ta. Cả hai phía đều đi đến một sự thỏa thuận ngầm vì lẽ phía ông Trọng dù "thắng nhanh, thắng đẹp" thực lực ông Trọng có vẻ như "đồ mã" nhiều hơn, và chiêu "dĩ hòa vi quý" được đưa ra để bảo vệ sự toàn vẹn tạm thời của ĐCS. Phía ông Dũng cũng cần thời gian để thu dọn, cài cắm, và quan trọng nhất là "hạ cánh an toàn".

Chế độ cộng sản và một nền dân chủ thật sự không thể đứng chung, như nước và dầu, như ban ngày và ban đêm. Mơ ước, khao khát của một dân tộc cũng chỉ mãi là mơ ước chừng nào mà bất hạnh ra đi nhường chỗ cho sự xuất hiện những kỳ duyên. Có vẻ như ngày đó trước mắt vẫn còn xa...

Nguyên Đại
29/1/2016 

27 tháng 1 2016

Thủ Tướng và Khổng Tử

Thủ Tướng (TT) vào Viện Khổng Tử (KT) xin một quẻ. KT nói như vầy:
Đồng chí Tổng xử đồng chí tử
Đồng chí bất tử, tử đồng chí tử


TT hoang mang hỏi: Ngài có thể nói rõ thêm không ạ?

KT đáp: Ta từ bên Tàu. Ngày xưa ta đã nói: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung (Vua bảo chết mà không chết là không trung). Quẻ hôm nay là như vậy, "thiên cơ bất khả lậu". Nói xong KT biến mất. 

Nguyễn Tấn Dũng thôi chức Thủ Tướng
TT tự nhủ KT dầu sao cũng là người Tàu chắc gì không thiên vị, thử hỏi một "Vietnamese" xem sao, rồi bảo đồ đệ đem một quyển Kiều tới. 

TT im lặng khấn vái rồi giở ngay, đọc:
"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu"


Vẫn thấy mông lung quá, TT lại khấn và đọc:
"Nàng rằng: "phận gái chữ tòng"
Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi"


TT về phủ, gọi mười mấy cú điện thoại, và chiều quyết định ký đơn "xin rút".

Nguyên Đại
27/1/16

23 tháng 1 2016

Có Khi Nào?

Bùi Minh Quốc
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu


Bài thơ được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay trong thi ca Việt Nam, có lẽ vì nó đúng với tâm trạng của hầu hết mọi người. Có ai trên đường xuôi ngược không chợt thấy một hình bóng mà mình rất đỗi yêu thích, để rồi...sóng thấm vào bờ cát.

Tác giả bài thơ là Bùi Minh Quốc. Ông sinh năm 1940, lớn lên ở Hà Nội. Sau Đại học, ông về làm việc ở đài phát thanh. Vợ ông là bà Dương Thị Xuân Quý, viết văn và làm báo. Hai người kết hôn năm 1966. Họ sinh được một đứa con gái duy nhất được đặt tên là Bùi Dương Hương Ly. Năm 1967, ông Quốc xung phong vào chiến trường miền Nam, lúc bé Ly được 6 tháng tuổi.

Một năm sau, bà Quý gởi đứa con gái cho mẹ, và vào Nam với chồng. Một năm sau đó, bà đã hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam, khi đụng độ với quân đội đồng minh Nam Hàn. Bài Thơ Hạnh Phúc, với bút hiệu Dương Hương Ly, là một một bài thơ ông Quốc viết với nước mắt yêu thương cùng với một lý tưởng "Giải Phóng Miền Nam", năm 1969.

I
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.


Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc


Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy


Những viên đạn quân thù bắn em,
trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.

Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng.

II
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt


Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Em nói tới những điều em định viết


Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.

Và em gọi đó là hạnh phúc…

Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rừng bước vội
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi.

Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến

Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng

Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gai góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…


Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hòa, Xuyên Phú…
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em


Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư
Có tiếng hò như thực như hư
Em đã đến, tắm mình trong sóng nước
Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thủa trước


Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn
Và kêu lên khi được thấy cội nguồn
Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ
Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ

Đã cùng họ sẻ chia
Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa
Phút căng thẳng khi vòng vây giặc siết
Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết
Của một thời nô lệ đau thương


Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng


Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…

III
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.

Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.


Không cùng lý tưởng với tác giả, nhưng nhiều năm rồi, khi đọc lại những vần thơ này, tôi vẫn còn xúc động. Xúc động của tình yêu, con người đi qua chiến trang.

Tôi, đứng về phía bên kia chiến tuyến với ông. Tôi chia sẻ cùng ông, nỗi đau và mất mát của tất cả đồng bào Việt Nam, những nạn nhân của chiến tranh.

Một bài thơ khác của Bùi Minh Quốc cũng rất nổi tiếng trong thời chiến tranh, Đất Quê Ta Mênh Mông (1967), được phổ nhạc và hát vang trên nhiều đường phố miền Nam sau 1975:

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.

Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước

...

***

Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc ở Đà Nẵng, làm Phó Chủ Tịch hội Văn Nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Ðất Quảng.

Năm 1985, ông đến Đà Lạt và sau đó giữ chức Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng - Đà Lạt. Ông cùng đồng nghiệp thành lập tờ báo Lang Biang (lấy tên theo một câu chuyện thần thoại ở đây). Tờ báo hoạt động được 3 số, và sau đó bị đóng cửa; vì, theo lời ông, tờ báo đã "đăng tải những bài viết mà các vị lãnh đạo địa phương cũng như vĩ mô không hài lòng".

Nhà thơ Dương Hương Ly lừng lẫy một thời trên đường Trường Sơn đã viết:

Cay Đắng thay!
Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay


Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.


Ông (Tướng) Trần Độ đã trích dẫn bài thơ này trong Nhật Ký Rồng Rắn của mình.

Năm 1994, Bùi Minh Quốc viết Bài Thơ Tháng Tám, trong dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám. Ông lại tự hỏi "Có lẽ nào?":

Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” thật giả nhập nhằng!…


Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?

Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?

Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi
Những người Tháng Tám?
Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản

Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do?
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế

Mặc thân phận mình dưới ách tà gian
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…”
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu

Tháng tám ơi! Tháng Tám nước non mình
Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thế thôi! Thơ
Với cường quyền
Ðối mặt

Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Ðang thét đòi món nợ: Tự Do!


Những ngày này của năm 2016, dọc đường phố quê tôi có những bảng hiệu sặc sỡ "Nhiệt Liệt Chào Mừng...", hội trường đại hội ĐCS đỏ loét với tượng Karl Marx và Lenin, nhìn khuôn mặt của các "đồng chí lãnh đạo" khi sang Tàu dâng hoa, lúc nhìn vào nhau "đoàn kết", thấy các em học sinh vượt sông bằng dây "tử thần" cùng với những đêm trời đầy pháo bông, những người đi "cướp" của những người nghèo từng ổ bánh mì từ thiện, những em học sinh bị bạn đánh hội đồng tàn nhẫn dưới mái trường XHCN, tôi lại lẩm nhẩm: "Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi", và cũng hỏi: "Có khi nào?".

Nguyên Đại
23/1/2016