02 tháng 10 2022

"THIÊN ĐƯỜNG" GIÃY CHẾT

Cái tựa nghe lớn như vậy, nhưng tôi “thề” sẽ không lý luận hay văn chương gì trong bài viết này, chỉ muốn kể hai câu chuyện trong ngày thôi.

Chuyện Thứ Nhất
Tôi thường đi bộ tập thể dục trong công viên gần nhà. Một sáng, tôi gặp một bà người Úc (Úc 100%, chứ không phải “ba rọi”: mỡ nhiều hơn nạc như tôi), chào hỏi xã giao khi đi đối diện, và giới thiệu tên, rồi “hôm nay trời đẹp quá!” rồi đi tiếp…


Vì khi nào rảnh thì tôi đi bộ, chứ không phải theo một giờ nhất định, nên khoảng tuần sau, tôi gặp lại bà, và bà kêu đúng tên tôi, và thật ngạc nhiên, tôi ít nhớ tên, nhưng sao cũng gọi đúng tên bà, và (chúng) tôi cảm thấy hài lòng với trí nhớ của mình. 

Bà nói tiếp, để tôi giới thiệu ông với chồng tôi, bà chỉ vào người đàn ông, hơi đậm người, đi sau bà một quãng, bà nói đây là Ray, chồng tôi, ông ta vừa kỷ niệm 80 tuổi tuần trước. Và tôi chúc mừng (muộn) sinh nhật của ông.
 
Rồi đi tiếp, ông đi chậm nên một lát sau tôi lại ở sau lưng ông, vì đường mòn trong công viên chạy vòng vòng mà! Tôi nói: này Ray, tôi nhìn ông và đang suy nghĩ xem tôi sẽ làm những việc gì bây giờ cho đến khi tôi bằng tuổi ông. Chúng tôi dừng lại, và ông nói: đúng rồi, tôi đã ở đây 50 năm trước, nhà tôi ở đằng kia, ông chỉ tay về phía hàng cây sau công viên....

Hồi đó, tôi làm công việc cắt cỏ và làm vườn, một ngày kia tôi vô ý khiêng nặng nên bị cụp xương sống, bây giờ đi lại khó khăn như anh thấy đó. Nhưng mỗi sáng thức dậy, tôi đều lên kế hoạch mình phải làm gì trong ngày, phải thế anh ạ, bởi vì nếu không một ngày của mình sẽ qua đi, và mình không có lại nữa. Tôi ngạc nhiên với suy nghĩ của một người đã cao tuổi như ông. Thêm một bài học từ kinh nghiệm sống cho tôi.
 
Ông nói tiếp, vợ tôi cũng vậy, bà rất năng động, 20 năm trước, bà cùng tôi cũng đi trên con đường này, lúc đó chỉ là con đường đất, cỏ xung quanh cao khoảng hơn 1 mét (ông đưa bàn tay ra dấu về phía trước), và bà đã chụp hình, viết thư gởi lên Council (chính quyền địa phương) kèm theo hình, và bà nói Council phải sửa sang lại, nếu không lỡ mà cỏ cháy mùa hè, nhà của chúng tôi và những gia đình xung quanh đây sẽ bị thiệt hại.
 
Một tháng sau, Council bắt đầu công việc làm công viên, và con đường lát đá này, tôi và anh đang đi, đã được làm từ đó, cùng với những hàng cây và chỗ cho trẻ con chơi khang trang đằng kia. Tôi có thể cùng ông đi một đoạn nữa không, tôi muốn nói chuyện nhiều với ông, tôi hỏi. Không, tôi phải đi về nhà, hẹn anh khi khác, ông chào tôi và bước đi chầm chậm về phía lối ra công viên.

Tôi rảo bước đi nhanh, và rồi tôi gặp bà Val, vợ ông Ray. Thưa bà, tôi vừa nói chuyện với ông Ray, ông đã nói về bà và công viên này, bà có thể nói cho tôi biết thêm về câu chuyện đó không. Tôi thích viết và sẽ viết câu chuyện này lên trang Facebook và Blog của tôi.
 
Bà cười, pha trò: đừng nhé, ông phải hứa là đừng nêu tên tôi nhé, nếu không ngày mai, chiếc helicopter đó, bà chỉ lên bầu trời có chiếc trực thăng đang bay, sẽ tìm ông đó. Lão Ray cũng thiệt là!
Nhưng, rồi bà cũng kể tôi nghe, hồi đó có ông thầu khoán xây dựng, tên họ và cũng là tên công ty của ông là Nickson, ông ấy mua một vùng đất rộng ở xung quanh đây, và xây nhà để bán, chúng tôi, tôi và Ray, là một trong số những người mua nhà của ông. Rồi ông Nickson, tặng cho cho Council khu đất công viên này, chính thức là cho thuê 99 năm với giá $1 mỗi năm. Tôi hiểu: đó là cách thức để một hợp đồng cho tặng có giá trị pháp lý theo luật Anh/ Úc.

Rồi thì Council không làm gì cả, nên tôi mới viết thư và chụp hình gởi lên cho họ. Ông không tìm thấy một nhà thầu tên Nickson nào trên mạng đâu, vì tôi chắc ông Nickson đã qua đời, và có lẽ con cái của ông không tiếp tục làm công việc xây dựng nữa.

Council đã lắng nghe, một tháng sau, họ khởi công và một năm sau, anh thấy đó đã thành công viên khang trang như bây giờ, nhưng …Ồ, họ vẫn còn tệ quá, anh thấy cỏ vẫn còn mọc cao, bà chỉ về một vạt cỏ cao khoảng 10 phân bên đường, nhưng có vẻ như thời tiết đã làm nó lên nhanh như vậy; tôi cười.

Nhưng tại sao ông Nickson lại cho đất cho Council như vậy? Tôi hỏi. Bà đáp: tôi cũng không biết nữa nhưng nghe đâu ông đã kiếm đủ tiền, là triệu phú nhiều triệu đô những ngày đó, và ông cũng lớn tuổi nên muốn tặng lại miếng đất này để làm công viên, như một món quà cho những khách hàng của ông…

Rồi… tôi năm nay đã 76 tuổi, nhỏ hơn Ray 4 tuổi, con trai thứ hai của tôi không ổn chuyện gia đình nên đã về ở chung với chúng tôi. Thôi, bây giờ là giờ uống cà phê của chúng tôi. Chào ông nhé, chúng ta sẽ gặp lại, chắc chắn rồi, vì chúng tôi chưa chết nhanh như vậy, bà cười và rảo bước về phía sau của công viên… Tôi đi thêm một vòng nữa, và về nhà, vì hôm nay tôi phải làm xong một chuyện thứ hai nữa.

Chuyện thứ hai
Đó là một việc “kiếm cơm”, thực ra không có gì để kể, nhưng nó lại thú vị, tôi nghĩ thế, khi tôi đã học từ việc thứ nhất trong ngày. Đó là tôi phải hoàn tất dịch vụ giấy tờ cho một ông người Nghệ An, đang sinh sống ở Saigon (không, đúng hơn phải gọi là thành phố HCM của ông ấy). Ông ấy gởi con trai qua Úc du học, rồi con trai kết hôn, định cư và ông mua nhà cho con trai ông đứng tên, đây là căn thứ 4, mỗi căn có giá từ 1.5 đến 2 triệu đô Úc, ở một khu vực đắc địa nhất, chỉ cách trung tâm thương mại của thành phố có 8 Km.

Tôi đi và thầm nghĩ đất nước tư bản mà tôi may mắn đang sống ở đây có lẽ không bao giờ “giãy chết” vì có những người như Ray, Val, Nickson, chính quyền địa phương biết lắng nghe từ một lá thư của một người dân…

Và, cũng vì có, những người như ông khách hàng người Nghệ An của tôi, vì: không phải có bằng tiến sĩ kinh tế mới hiểu được rằng hơn 10 triệu đô Úc đã chuyển từ Việt Nam sang Úc để 4 căn nhà chuyển tên từ công dân Úc tên A sang công dân Úc tên B, và chính phủ Úc đóng thuế con niêm (stamp duty) trên từng việc mua bán đó…và tôi cũng có việc làm.

“Thiên đường” nào sẽ giãy chết vì có những người như ông khách hàng của tôi và những dư luận viên sẽ vào comment lung tung trong bài viết này.

Nguyên Đại
2 Tháng Mười 2022

Hình: Công viên giống công viên gần nhà tôi.

30 tháng 6 2022

SÀI-GÒN ƠI! TA ĐÃ VỀ ĐÂY!

"Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười
Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày
Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người
Sài gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!

Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta tiến về Thành Đô
Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này
Tiến về đồng bằng, giải phóng Thành Đô..."

Không! không phải lời “phản động”! Đó là ca từ của một nhạc phẩm “rất đỏ” “Tiến Về Sài-Gòn” của Lưu Hữu Phước/ Huỳnh Minh Siêng, được hát vang trời những năm đầu sau 1975.
 
Nó cũng từng được ca tưng bừng trong các “trại cải tạo”, nhà tù giam giữ lính và viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Câu chuyện là như vầy: Sau những ngày lao động khổ sai khốc liệt ở các trại tù “cải tạo” ở Bắc Việt, ban đêm các tù nhân bị tập họp để “học tập chính trị”, sau đó mới được về trại, và họ hát ca khúc này. Họ hát nhỏ các câu khác, nhưng đến điệp khúc “Tiến Về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù…” thì họ hát rất to, rõ.

Chính trị viên lúc đầu rất khoái chí, vì “các anh học tập rất tốt”, một tuần rồi vài tuần…cứ tới điệp khúc, các tù nhân lại hòa nhịp, hùng tráng và khí thế: “Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù…Hướng về đồng bằng, giải phóng Thành Đô”.
 
Rồi thì cán bộ quản giáo cũng nhận ra, có cái gì đó không ổn… “Á đù!”, “Không được hát nữa!” “không được hát bài này”. “Tại sao? Chúng tôi hát nhạc cách mạng mà!” "Đã bảo, không hát là không hát!”…"Không thì không!" Cười! (với nhau).
 
GIA TÀI CỦA MẸ
Đó là một ca khúc trong chuổi ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn (TCS). Những câu: Gia tài của mẹ: một rừng xương khô, một núi đầy mồ, ruộng đồng khô khan, nhà cháy từng ngàn… vẽ nên bức tranh điêu tàn của cuộc “nội chiến’’ cần phải chấm dứt.

“Mẹ mong con lũ con đường xa”, TCS đã, rất khéo léo, khơi dậy những liên tưởng về những bộ đội bên kia vĩ tuyến.

“Gia tài của mẹ: một bọn lai căn, một lũ bội tình”. Ai lai căn, ai bội tình? Dĩ nhiên không phải là “lũ con đường xa” của TCS. Họ là bạn bè thân, những người bên cạnh che chở cho TCS, như Chuẩn Tướng VNCH Lưu Kim Cương của “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống”?
 
TCS đã rất rõ ràng.

Vậy mà! Ca khúc này không được phép hát cho đến hôm nay.

Tại sao? “Lũ con đường xa” của TCS năm xưa rất sợ “lũ con đường xa” bây giờ, nếu “mẹ mong con mau bước về nhà”. “Lũ con đường xa” năm xưa của TCS lại chính là bọn rất lai căn, rất bội tình!
Ngày xưa, TCS tự do hát “Gia Tài Của Mẹ” rất to, rất rõ, giữa Sài Gòn bên cạnh nhiều bạn bè mà ông gọi là “một lũ bội tình”…
 
Bây giờ, nếu còn sống, TCS sẽ hát ca khúc đó ở đâu? Rất nhỏ, rất thì thầm…ở nơi rất riêng tư, vì sợ chính các “đồng chí” rất lai căn và rất bội tình. Ông có ràn rụa nước mắt không? Ông có còn mong “lũ con đường xa” không?
 
Năm tháng bụi mù…Hãy “Để Gió Cuốn Đi”. Những gì của TCS cũng sẽ là của TCS…Tại sao phải cấm?…Người Việt đã từng có một nền văn hóa nhân bản, khai phóng và tự do từ hơn nửa thế kỷ trước.

Nguyên Đại
30 Tháng Sáu 2022

03 tháng 6 2022

HOA HUỆ THÁNG NĂM

H.

Hôm qua (29/5), anh rời nhà người anh bà con ở McMinnville/Tennessee, đến Dallas/Texas nhà một người bạn hồi ở trại tỵ nạn. Sáng nay, anh dậy sớm, ngồi uống trà với một bà cụ "share phòng" trong nhà bạn anh. "Share phòng"? Ở tuổi của bà? Điều đó làm anh mong nói chuyện với bà, và câu chuyện của bà như sau:

Dì tên Huệ, dì sinh năm 1947, ở Chu Lai, Tam Kỳ. Lớn lên lấy chồng. Ông xã làm lính truyền tin trong bộ chỉ huy, đơn vị đóng ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Trước năm 1975, gia đình dì ở khu gia binh. Ông xã thường nói, đời lính không biết đâu mà nói, có khi bây giờ ngồi đây, ngày mai "đi luôn" hay mất tích không chừng, vì khi đánh trận, thường bộ chỉ huy bị tấn công, và lính truyền tin là người chết trước. Nếu anh có chuyện gì, em cố gắng nuôi con, đừng bỏ nó tội…

Mà thật, ngày 28/4/1975, ông xã của dì không về nữa. Cho tới giờ này đã 47 năm, dì cũng không biết ông xã dì đã chết, hay còn sống ở nước nào. Năm 75, lúc chạy loạn ra biển dì thấy xác lính chết lềnh khênh, có người vừa mới đeo lon đại úy còn mới tinh trên vai. Dì tìm hoài, nhưng không thấy xác ông xã của dì, nhắc lại cảnh đó buồn lắm…Đôi mắt bà bỗng xa xăm...

Dì có ba đứa con, đứa lớn nhất là con gái, sinh năm 1969, đứa thứ 2 là con trai được 4 tuổi năm 1975, và đứa con út cũng là con trai, dì sinh nó 2 ngày trước khi ba nó bị mất tích. Sau đó, khu gia binh bị giải tán. Dì không muốn về quê, ở đó ba dì có ruộng đất, sau 75, ruộng đất bị lấy mất, ba dì buồn khổ rồi mất sớm. Về quê, họ nói khó chịu lắm, sao không theo “Mỹ-Ngụy”, bây giờ dắt con về làm gì.
Dì và ba đứa con dại sau đó bị đưa đi vùng kinh tế mới ở Ấp 5, Tam Phước, Bà Rịa. Dì không biết làm gì, ngày xưa là vợ lính, bây giờ làm lụng ở vùng kinh tế mới để nuôi ba đứa con nhỏ. Khi đi cuốc đất làm cỏ, ngày nào cũng có người chết vì bom, mìn; dì vái Phật Bà Quan Âm cho dì sống để dì nuôi con dì.

Bạn của ông xã dì, cũng đi lính, nhưng chạy sang Mỹ được, và gởi tiền về cho vợ ông ấy, cũng là bạn của dì, để đi vượt biên. Năm 1981, lúc con gái dì được 12 tuổi, bạn của dì nói với dì cho đứa con gái của dì đi vượt biên, dì đồng ý. Tới trại tỵ nạn, nó không cha không mẹ, Mỹ nhận nó. Sau này, nó gặp một người Việt cùng lứa tuổi của nó, cũng không cha không mẹ, rồi lấy làm chồng. Nhưng chồng nó đánh bạc dữ quá, nên tụi nó ly dị. Nó lấy chồng sau là người Mỹ.
 
Năm 2001, nó bảo lãnh dì qua Mỹ, dì qua Mỹ ở nhà nuôi hai đứa cháu ngoại cho hai vợ chồng nó đi làm. Bây giờ hai đứa cháu đã lớn. Đứa thì có gia đình ở riêng, đứa đi làm xa. Dì ở nhà một mình buồn quá, con gái dì cũng bận rộn. Nó với chồng nó nói chuyện bằng tiếng Mỹ, dì không hiểu nhiều.
Khoảng 7,8 năm trước, dì rởi rời khỏi nhà con gái ở Houston, cách đây khoảng 4-5 tiếng lái xe, đi qua đây. Lúc đó dì đã hơn 60 rồi, đi làm hãng người ta không nhận, nên dì đi làm phụ việc, bó rau bó cải, ở các tiệm của người Việt.

Hôm qua, con trai út của dì gọi, nó nói: thôi má về ở với con. Dì nói: má ở đây cũng có tiền già, có bảo hiểm chính phủ cho, con cũng còn khó khăn. Nó nói: sao má cực khổ cho đến chết vậy má!…Dì cũng đâu cần gì nhiều, con, nhưng dì muốn kiếm chút tiền giúp cho hai đứa cháu nội đang đi học ở Việt Nam. Ở VN đi học tốn kém nhiều lắm, không phải chính phủ cho nợ sau này đi làm trả lại như ở đây...

Sau khi thất lạc với ông xã, dì có lấy chồng khác không? Không, con. Cực quá, và ba đứa con còn nhỏ quá, nên dì ráng nuôi con, rồi thời gian cũng qua đi. Hồi còn sống, chồng dì thường nói: Ước gì hết chiến tranh, mình về cất cái nhà nhỏ trên mấy miếng ruộng cha cho. Con cái lớn, chiều chiều mình ngồi trong nhà, nhìn đàn cò bay bay…Nhưng, có lẽ là không được đâu em! Đã lâu, nhưng dì vẫn nhớ lời chồng dì nói cho tới bây giờ. Mỗi lần nhớ lại, nước mắt dì đã cạn, nhưng vẫn thấy cay cay…
 
Thôi! tới giờ rồi, dì phải đi làm, trà và cà phê dì để đây, nước sôi dì nấu rồi để trong phích, con uống đi, mai mốt có dịp nói chuyện nhiều hơn.
Đời sống này, nhiều tao ngộ vui buồn...

Dallas, sáng nay...
Tháng Năm, 2022
A2
Nguyên Đại



27 tháng 3 2022

Buôn Lậu Niềm Tin

Buôn lậu niềm tin lãi vô vàn
"Cách mạng thành công" chúng giàu gian
Đất mất, nước nát...đảng "gìn giữ"?
Dân đau!...Sấm vọng giữa non ngàn

Nguyên Đại
27/3/22
(Họa lại bài thơ của Nguyễn Thúy Hường)


23 tháng 1 2022

NHƯ TẤT CẢ CHÚNG TA

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (TNH), một tu sĩ Việt Nam nổi tiếng thế giới vừa qua đời, hôm qua 22-1-22.
TNH sinh năm 1926 ở Huế, xuất gia ở chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Năm 1961, ông sang Mỹ du học. Sau đó trở về Việt Nam, năm 1963, đứng chung trong phong trào Phật giáo xuống đường chống chiến tranh và nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở MNVN. Năm 1966, ông trở lại Mỹ, cùng năm ông bị chính phủ VNCH cấm trở về nước vì lập trường Phản-Chiến và Thân-Cộng.
 
Tuy vậy, sau khi chế độ CS thiết lập trên toàn cõi VN năm 1975, ông vẫn bị cấm về nước. Ông xây dựng tu viện Làng Mai ở Pháp sau đó. Ba mươi năm sau, năm 2005, chế độ CHXHCN Việt Nam cho phép ông về nước. Ông bị xuất huyết não và đột quỵ năm 2014. TNH được đưa về chùa Từ Hiếu, sống những ngày tháng cuối trước khi mất.
 
Cuộc đời của TNH nhắc nhở đến một tên tuổi rất nổi tiếng khác, Trịnh Công Sơn (TCS). Ông Sơn sinh năm 1939 ở Buôn Ma Thuột, nhưng lớn lên ở Huế. TCS vào Sài-gòn năm 1949, năm đó TNH cũng từ Huế vào SG. Năm 1961, TCS học sư phạm ở Quy Nhơn, sau đó đi dạy ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
TCS bắt đầu nổi tiếng năm 1958 với ca khúc “Ướt Mi”, sau đó là những ca khúc Phản-Chiến, điển hình là “Ngủ đi con” (1970). Ngày 30-04-1975, ông hát ca khúc “Nối Vòng Tay Lớn” trên đài phát thanh Sài-Gòn “giải phóng”; dù vậy ông vẫn phải vào trại “cải tạo” sau đó, và được “học tập” ở đây vài tháng. TCS mất năm 2001.

Trịnh với hơn 500 ca khúc, bao gồm những tình ca “Hạ Trắng”, “Diễm Xưa”…chiếm nhiều ưu ái của thính giả. Những ca khúc về thân phận của con người trong chiến tranh được giới phản chiến ngợi ca.
Tuy nhiên, dường như không có ca khúc nào của ông về trại cải tạo, về di tản và vượt biên. Ông ảo thuật với sự nhớ nhung yêu đương, nỗi niềm tương tư khi mất người yêu, nhưng không đủ dũng cảm để cảm nhận cùng với những đứa trẻ mất cha trong trại cải tạo, mất mẹ trên đường vượt biển, chị em bị đày đọa bởi nạn hải tặc.
 
Dưới nhãn hiệu phản chiến, Trịnh mong đợi chiến tranh kết thúc với chiến thắng của người cộng sản. TCS chọn đứng về phía đối nghịch với VNCH, để rồi sau đó đón nhận sự dè dặt, nghi ngờ trong chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót” của người CS. Cuối đời TCS thú nhận: “Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Ngày xưa lận đận không biết về đâu” (ca khúc “Tiến Thoái Lưỡng Nan”).

Nếu TCS ma mị trong ca từ, thì TNH pháp thuật trong “kinh từ”. Với hơn 130 tác phẩm được xuất bản, phần lớn trong số đó viết bằng Anh Ngữ, TNH chinh phục không những nhiều đệ tử là người Việt, tu viện của ông có nhiều người theo học từ khắp các nơi trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ và Âu Châu. Khuyến khích đấu tranh bất bạo động và bảo vệ môi trường, TNH được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia và lãnh đạo tôn giáo Tây Phương. Mục sư Luther King đã từng đề cử TNH cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Dù vậy, TNH lại khá dè dặt trong việc lên tiếng chống lại sự bức hại của chế độ CS đối với các tu sĩ Phật Giáo nói chung sau năm 1975, và các tu sĩ không chịu sự quản trị của “Mặt Trận TQVN” trong giáo hội quốc doanh của đảng CS. Trái lại, TNH chấp nhận một số nhượng bộ để về VN, xênh xang áo mão, trong cái vẻ “Đức Phật về Ca-Tỳ-La-Vệ”, cho dẫu có những tu sĩ cùng thuộc giáo hội mà ông đã chịu ơn vẫn còn bị chế độ CSVN cầm tù hoặc cấm rời khỏi nơi cư trú.
 
TNH thấy nỗi đau của động vật và chủ trương chay tịnh, nhưng lại không có khả năng cảm nhận nỗi đau của đồng môn trong lao tù CS. Ông có thái độ dứt khoát đứng chung với Thích Trí Quang đối đầu với nền Đệ Nhất Cộng Hòa, bởi Miền Nam Việt Nam cho phép tự do ngôn luận và tư tưởng. Nhưng, ông lại “lận đận” trong việc chọn thái độ rõ ràng đối với một chế độ phá hoại Phật Giáo, và mong cầu một sự thay đổi trong “diễn biến hòa bình”.
 
Năm 2007, TNH chấp nhận việc được CS cho phép cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh, nhưng không được phép xướng danh các tử sĩ VNCH. TNH đã chặt đứt chân của chiếc ghế cao đã đưa ông lên vị trí cao hơn nhiều người.
 
Có vẻ như TCS đã viết giùm cho những người ‘’lận đận” đến cuối đời trong niềm an ủi: Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Ngày nay lận đận là giọt hư không …

Thích Nhất Hạnh đã thiền tọa vĩnh viễn trên mặt đất bao dung. Giống như Trịnh Công Sơn, ông cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản…Như tất cả chúng ta.
 
Xin hãy an nghỉ (R.I.P), thầy Thích Nhất Hạnh.
Nguyên Đại
23-1-22