29 tháng 12 2019

Phiếm: Tròng lộn

Nguyễn Bắc Son và "vua" Trọng

Tên công an đi rồi, gã ngồi bệt xuống bục xi-măng trong phòng giam. Chút bực mình nhỏ nhoi, cở tên công an này ngày xưa nhìn mặt gã còn không dám nhìn thẳng, bây giờ gã sa cơ; hắn còn đẩy đẩy, trợn trợn, hỏi gì cũng không trả lời, ra vẻ quan trọng hình sự. Nhưng thôi, tức làm chi với lũ ấy. Đời mà! “Hổ lạc bình dương khuyển mã khi”.

Gã là ai? Nguyễn Bắc Son, tù nhân chung thân mới nhất của chế độ “XHCN tươi đẹp”, từ hôm qua 28/12/19.

Thực tình, gã vẫn không tin được, khi tên quan tòa gào lên “chung thân”. Sao lại thế được nhỉ? Gã đã giao hết tiền rồi mà, gần 3 triệu đô Mỹ (66 tỷ VNĐ) cũng đâu ít gì! "Vua" Trọng nói: “người ta đã trả rồi thì nên tha cho người ta”. Vượng "Phó Vua" cũng nói: “…nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng”. Nghĩa là giao hết tiền thì tha, “giơ cao đánh khẽ”, “chữa bệnh” nhưng “cứu người”. Gã làm đúng mà; vậy là sao?

Có người nói, thần tượng của Trọng là Tập Cận Bình. Trọng sẽ đi theo Bình, sẽ không tử hình quan chức cao cấp của đảng: Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang tất cả hiện đang thụ án chung thân, sau khi bị bắt và kết án vào các năm 2013 và 2015. Nên, có hằn học đến đâu, thì hình phạt cao nhất mà gã có thể bị phán là “chung thân”; cho dẫu gã có nói gì, và tụi quan tòa có nói bá láp bá xàm gì ở ngoài tòa.

Hóa ra 3 triệu đô gả nộp vô, không giải quyết được việc gì cả, chỉ có việc “đấm mõm” cho cái bọn ngọng nghịu, líu lo đó, thiệt là tức chết. Gã thở dài cay đắng!

Hồi còn làm Bộ Trưởng, gã ghét nhứt câu này “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”, vì trước nhất nó là của ông Thiệu. Thứ hai, là dân chơi Facebook cứ trích đi, trích lại miệt mài.

Câu nói của ông Thiệu, thế mà hay, có điều bây giờ gã mới nhận ra. Bố khỉ!!! Cuối đời mà còn bị nó lừa một cú đau quá!!! Gã bỗng dưng cười …ra nước mắt!!!

Thằng Vũ, nhỏ hơn gã 19 tuổi. Gã đẻ nó ra được. Vụ này nếu trót lọt, nó hốt 300 triệu đô, nó đưa gã 3 triệu đô. Mẹ kiếp! dân gian nôm na: “cầm c. cho nó đái” cũng không xong! Bây giờ nó nhận án 3 năm; qua một lần “quốc khánh” và “giải phóng Tp HCM” là nó ra tù.

Còn gã, “chiến tranh” giữa Trọng với Dũng mà không ngã ngũ, thì gã còn viết “nhật ký trong tù” dài dài chứ không đùa đâu. Gã lại thở dài, bực tức mấy tháng trời cũng chai đá! Nhưng 300 triệu đô: 3 năm. Ba triệu đô: Chung Thân. Tính toán kiểu gì cũng thấy tào lao.

Thằng Tuấn cứ đổ hết tội cho gã, cũng không giải quyết được việc gì; 14 năm thành án, chắc nó thuộc lòng như cháo cuốn sách nó viết: “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Bố khỉ!!! Có ăn thì im đi, bày đặt viết sách lung tung, vô tù tụi nó tặng ngược lại mấy cuốn sách đó, thì có đi… kiểu gì cũng không hết. Tự nhiên gả cười lớn…

Thực ra, thì đối với dân nghèo và ngay cả với việt kiều bình dân, thì ba triệu đô cũng là số đáng kể, nhưng đối với quan chức thì đâu có nhiều, sao bác Trọng lại nặng tay với gã như vậy?! Gã cứ suy nghĩ hoài, cứ thấy không ổn. Hay là có chút hiểu lầm gì chăng?

Năm nay gã đã 66 tuổi, nộp vô 66 tỷ, nhận án chung thân, chẳng lẽ phải ở 66 năm. Không đâu! một phần tư số đó gã cũng đủ chết.

“Bác Trọng ơi, bác có tròng lộn cái án này vào đầu ta không?! Nếu có tròng lộn, bác cũng nên nghĩ là ta cũng đã từng làm phó ban tuyên giáo mà nghĩ lại cho ta. Bác Trọng ơi! Đừng tròng lộn án cho ta…”

“Đừng tròng lộn cho Son, bác Trọng ơi!”. Gã vỡ òa, nấc lên thành tiếng…rồi bất giác cười như điên. “Tròng lộn rồi…Tròng lộn rồi…Trọng ơi!…”

Nguyên Đại
29 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Nguyễn Xuân Châu Blog

Đã đọc trên YouTube:
Thông Tấn Việt TV- ngày 30-09-2020








24 tháng 12 2019

Đảng-Tòa

Quang cảnh phiên tòa xử hai bộ trưởng Son & Tuấn
hôm 20-12-2019
Phiên tòa xử hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ cùng một số nhân vật khác cuối năm 2019, phô diễn một số khía cạnh rất hài hước của hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay.

Thẩm phán không giữ vị trí trung dung (hay chí ít cũng tỏ ra như thế trước công chúng) nhảy sang vị trí của Công Tố Viên mỉa mai, chế giễu bị cáo. Khi thẩm phán có định kiến trong khi xử án, thì phiên tòa chỉ là một màn trình diễn, giống như một vở hài được đạo diễn sắp đặt sẵn.

Bị Cáo phải được coi như không có tội, cho tới lúc tòa tuyên án. Điều đó được quy định rõ ràng ngay cả trong luật pháp Việt Nam. Nếu bị cáo bị đối xử giống như những tội đồ trước tòa, Tòa án chỉ là một cuộc đấu tố xảy ra từ giữa thế kỷ trước được “sơn son thiếp vàng” một cách rẻ tiền.

Từ trong tù, ông Son gởi một lá thư tới gia đình. Lá thư đó bị công an giữ lại, giao cho bên công tố. Công tố đưa lá thư đó ra trước phiên tòa và thẩm phán chấp nhận lá thư đó như một tài liệu của cuộc điều tra, rồi coi như một bằng chứng của vụ án.

Tòa án là nơi luật pháp được bảo vệ. Tước đoạt thư từ riêng tư của người khác là một việc làm bất hợp pháp. Tòa án dung dưỡng một việc làm bất hợp pháp, không có bất cứ giải thích hợp lý nào, thì chính tòa án đã vi phạm luật pháp. Khi Tòa án vi phạm luật pháp thì làm sao có thể tuyên bố rằng, họ đã xét xử vụ án một cách công bằng và hợp pháp được. Phán quyết của tòa án vì thế không thể hợp pháp; cho dẫu là “luật pháp” của chính cái cơ chế độc đảng đặt ra.

Tòa cho ngưng phiên xử để bị cáo gặp gia đình, nộp tiền “khắc phục hậu quả”. Vô hình trung, công việc của tòa án lại rất giống các bố già Mafia: Mày đưa tiền hay là chết?!

Luật sư Trần Hoàng Anh, người bào chữa cho ông Phạm Nhật Vũ nói: “Thân chủ chúng tôi chủ quan, không ý thức được việc biếu tiền sẽ bị xem là đưa hố lộ. Theo văn hóa Việt Nam, biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân”. Luật sư căn cứ vào tài liệu, bằng chứng nào để nói rằng thân chủ của ông “không ý thức”? Làm sao luật sư lại có thể xác định tình trạng tinh thần, tâm lý của ông Vũ lúc ông ta giao tiền?

Dùng tiền để mua chữ ký trong một vụ mua bán liên quan đến 400 triệu Mỹ kim lại được luật sư đánh đồng với một hành vi văn hóa tri ân đối với cha mẹ, thầy cô… Luật sư là người trình bày các luận điểm pháp lý dựa trên bằng chứng và luật lệ. Đem những ngụy biện rẻ tiền, hài hước trình bày trước tòa là một sự khinh miệt luật pháp, tòa án, công luận, và ngay cả đối với chính thân chủ của ông ta.

Thực chất của vụ án là việc Phạm Nhật Vũ mua các chữ ký của các cán bộ đảng viên cao cấp của đảng với giá giao dịch trên 400 triệu Mỹ kim. Khi Vũ vô tù, đến lượt gia đình, tổ chức và những người chịu “ơn mưa móc” của Vũ xin các chữ ký cho đơn xin khoan hồng dành cho Vũ, một cư sĩ Phật giáo có nhiều vợ. Những cá nhân và các tổ chức đó nên có sự giải thích cho việc tại sao họ lại có lời xin khoan hồng cho Vũ, mà không phải cho Son, Tuấn hay những bị cáo khác.

Cá nhân có thể có những nguyên nhân khác nhau cho chữ ký xin khoan hồng cho Vũ, nhưng giáo hội Phật giáo cũng can thiệp vào các vụ án “nhạy cảm” này đối với Vũ, căn cứ trên các cúng dường hậu hĩnh của Vũ, thì xin lưu ý với các đảng-thầy một điều là, nếu tiền của Vũ được chứng minh là đồng tiền “dơ”, thì theo luật pháp, số tiền “dơ” Vũ đã cúng, phải trả lại cho dân, theo đúng tinh thần pháp luật. Khuyên “quý thầy” hãy cẩn trọng cuối năm.

Nếu mức án tỉ lệ nghịch với số chữ ký xin khoan hồng, thì “tòa án” cứ ra giá cho những phiên tòa khác, chẳng hạn như sắp tới đối với Phạm Chí Dũng, “quý quan” tòa nhất định sẽ có số chữ ký nhiều hơn yêu cầu rất nhiều lần. Các “quý quan” tòa có dám thử không? Nếu không, thì cũng nên rõ ràng.

Trong lúc những dòng này đang được viết, thì ông Nguyễn Bắc Son đã gởi lời xin lỗi ông Trọng, TBT đảng CSVN. Tương tự như Trịnh Xuân Thanh mếu máo xin lỗi “bác Trọng” trong các phiên tòa trước đây. Cuối cùng thì “vua” Trọng mới là vị “thẩm phán” đích thực, chứ không phải mấy ông bà líu lo ngọng nghịu, ngồi trên mấy cái ghế cao ở “tòa án nhân dân”. Tiền bạc trong vụ án trích ra từ ngân sách nhà nước, không phải tiền riêng của ông Trọng. Việc “xin lỗi bác Trọng” tưởng như là một việc làm tào lao, không ăn nhập gì đối với pháp luật, lại rất hợp lẽ và thực tế trong mọi phiên tòa “đốt lò” của Trẫm-Trọng.

Gọi là tòa án nhân dân, nhưng người dân không được tham gia vào tiến trình xiển dương công lý, quyền hạn cơ bản của người dân bị chà đạp. Không có tòa án trong vụ này, theo đúng nghĩa của chữ tòa án. Tòa án đã tự đổi tên thành một đảng-tòa.

Cùng với đảng-hội (đảng viên cộng sản chiếm hơn 90% thành phần đại biểu quốc hội), đảng-quân (“quân đội không thể tách rời khỏi đảng”), đảng-côn (công an nhân dân là công cụ của đảng dùng để đàn áp người dân), đảng-tòa đã phá hoại luật pháp, và mỉa mai công lý.

Có lẽ những ngày tất niên của năm 2019, là dịp các cơ quan đó kỷ niệm việc đổi tên của tổ chức cho phù hợp với vai trò và nhiệm vụ được giao của đảng.

Nguyên Đại
24 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng ở:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook








20 tháng 12 2019

Đống Rác và Giòi Bọ

Những ngày cuối cùng của năm 2019, ĐCSVN (đảng) cho trình diễn “phiên tòa” xử hai bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, với cáo buộc: dùng 800 triệu đô la Mỹ (hơn 16 ngàn tỷ VNĐ) vốn nhà nước mua lại một công ty tư nhân (AVG) đáng giá không tới 100 triệu đô (2 ngàn tỷ VNĐ), sau đó được chủ tịch công ty này (Phạm Nhật Vũ) “lại quả” cho tất cả các quan chức chưa tới 10 triệu đô.

Hệ thống truyền thông của đảng ra rả: điều đó cho thấy việc thực hiện “quyết tâm thép của đảng”; đảng lại tiếp tục “lập công” trong việc chống tham nhũng, và “bác Trọng” cứ thế là “minh quân”. Làm như thể đảng không dính líu gì đến các ông: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Hoàng Trung Hải…

Nhưng, các ông này là ai? Là ủy viên bộ chính trị, bí thư Tp HCM, bí thư Hà Nội, đô đốc hải quân….Những cán bộ thuộc hàng cao cấp nhất của đảng. Các ông đó từng được đảng xem là “những cán bộ ưu tú” được ưu ái, tưởng thưởng, cất nhắc lên những vị trí quyền lực, quyết định các vấn đề sinh tử, quan trọng nhất của đất nước.

Là đảng, giao quyền lực đã giao cho những người bất xứng. Là đảng, không kiểm soát hữu hiệu những kẻ được đảng giao quyền lực dẫn những phá hoại nghiêm trọng. Là đảng, thủ phạm chính của những vụ phá hoại đó. Là đảng, “bị cáo” trong phiên tòa lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các ông đó chỉ đơn giản là những kẻ thất thế, thua cuộc trong trò chơi “ai là đảng trưởng”, thế thôi.

Một trong những sai lầm nghiêm trọng trong tôn chỉ của đảng, chủ nghĩa “Mác Lê-nin”, là không nhận ra bản chất thay đổi tự nhiên của con người. Anh công nhân, chị nông dân, lúc vác búa liềm đi theo đảng đòi công bình xã hội; họ không có gì để mất, họ chỉ có sinh mạng để có thể cùng liều chết cho “cách mạng”. Nhưng, một khi họ có quyền lực, họ không còn là anh công nhân, chị nông dân ngày xưa nữa. Họ có quá nhiều thứ “không thể” mất được; họ phải dùng quyền lực để bảo vệ những thứ mà họ đang có, và “đồng chí” phải chết, nếu cản đường “tôi”. Họ “thịt” lẫn nhau.

Anh y-tá có thể khóc khi thấy đồng chí mình bị thương vì bom đạn chiến cuộc; nhưng một khi anh là thủ tướng, anh nghĩ khác. Anh nghĩ tới những biệt thự xa hoa lộng lẫy, những tâng bốc ngút trời… “đồng chí” nào cản “ta” sẽ “một mất một còn”.

Một thằng nhóc con, thời chiến tranh loạn lạc, chỉ mong được ăn đủ no, đã thương những bạn bè cùng cảnh ngộ. Nhưng, khi nó làm thủ tướng, nó không còn đủ lòng trắc ẩn đối với người nghèo đói nữa. Nó khoe khoang sự thành đạt của nó: bằng những đoàn xe loáng bóng sang trọng, và những xúm xít tung hô, lăn bánh trên những con đường yếu mềm, quằn quại của quê hương.

Chế độ độc đảng cố định quyền lực tuyệt đối vào một nhóm người; vì vậy, nó tạo ra sự phá hoại và xâu xé lẫn nhau.

Nhân loại đã tạo ra được một hình thái xã hội để quyền lực cá nhân phải được dùng để đem lại lợi ích cho toàn xã hội, không phải lợi ích cho cá nhân đó. Các lãnh đạo chính phủ của một đất nước phát triển phải chịu sự giám sát, chế tài của: Quốc Hội, Tòa Án, và Truyền Thông.

Muốn vậy, Quốc Hội phải đại diện cho tất cả khuynh hướng chính trị của người dân, và phải có bầu cử tự do, công khai và minh bạch. Tòa Án phải độc lập với Hành Pháp; và Truyền Thông phải được tự do. Cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự, không phải là công cụ bảo vệ đảng cầm quyền. Quân đội trung thành với hiến pháp, không được phép có liên hệ với bất kỳ đảng phái chính trị nào.

Cơ chế đó ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực dẫn đến sự phá hoại. Chế độ đó đem lại cho số đông dân chúng những con đường, những cách thức, những phản ứng nhanh và hữu hiệu, ngăn cản những cá nhân tìm cách đứng trên luật pháp, lạm dụng quyền lực cho quyền lợi cá nhân của họ.

Việt Nam ở đâu trên con đường phát triển của nhân loại? Chế độ độc đảng tạo ra một quốc hội “đảng cử dân bầu”; quốc hội trở thành một loại “con dấu” hợp pháp hóa quyết định của đảng. Khi “đảng là lãnh đạo duy nhất”, tòa án trở thành một công cụ, một “con dao” của đảng.

Chừng nào mà truyền thông còn chịu sự chi phối của ban tuyên giáo đảng, chừng đó báo đài làm việc như một “cái loa” của đảng. Công an và quân đội hiện nguyên hình là “thanh kiếm” đâm vào bất cứ ai có thể làm ảnh hưởng tới quyền lực tuyệt đối của đảng. “Con dấu”, “con dao”, “cái loa”, và “thanh kiếm” được đảng sử dụng để bảo vệ thế độc trị của đảng đối với hơn 100 triệu dân Việt Nam hiện nay.

Một bó cải đã hư thối, không ăn được, nó không có chức năng dinh dưỡng, nó trở thành rác. Khi quốc hội không phải là nơi luật pháp công bằng được thiết lập; tòa án không phải là nơi mà việc thi hành luật pháp được xiển dương và kiểm soát; truyền thông không phải là nơi để tất cả mọi ý kiến được tự do được bày tỏ; công an kết hợp với côn đồ để bòn rút người dân; quân đội tập trung “chống khủng bố”, đàn áp biểu tình; thay vì bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước; thì quốc hội, tòa án, truyền thông, công an, quân đội đang hoạt động theo những quy tắc “rác rưởi”.

Liên Xô và các nước CS Đông Âu đã vứt bỏ những quy điều “rác rưởi” đó vào sọt rác lịch sử, khi nhà nước cộng sản đầu tiên của nhân loại đã tan rã gần 30 năm trước, cũng đúng vào dịp Giáng Sinh. Những tượng đài Lenin bị kéo sập, và người dân lấy búa đập vào đầu những bức tượng đó.

Rác rưởi thì sinh ra giòi bọ, một cách tự nhiên, không thể khác. Các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Hoàng Trung Hải v.v… là “giòi bọ” sinh ra một cách “biện chứng” từ cái đống rác “đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước” đó.

Khi có một đống rác trong nhà, điều chắc chắn là không ai ngồi xuống để bắt từng con giòi, bọ chun ra từ trong đống rác đó. Vấn đề của Việt Nam là “đống rác”, không phải “giòi bọ”. Phải đem “đống rác”, cơ chế độc đảng lãnh đạo, đó đổ đi.

Nguyên Đại
20 Tháng Mười Hai 2019

Đã đăng ở:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân FaceBook

Nguyễn Xuân Châu Blog:

Đã đọc trên YouTube:
Anh Chí Râu Đen





29 tháng 11 2019

"Công Cụ Xâm Lăng"

Năm 1624, giáo sĩ Công giáo Alexandre de Rhodes, thường được gọi là Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ đến Việt Nam để rao giảng niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Jesus là nhà truyền giáo đầu tiên của nước Chúa với hạnh phúc được đi tới bằng con đường thương yêu và tha thứ. Sứ mạng của ngài Đắc-Lộ ở Việt Nam hơn 4 thế kỷ trước là tiếp tục con đường của Đức Giê-su. Thiên Chúa không tranh chấp với những ông vua của thế gian.

Hơn 5 thế kỷ trước công nguyên, Phật Thích-ca sau khi đắc đạo, xuống núi, khai ngộ chúng sinh. Công việc của Đức Phật lúc đó không có gì khác hơn là một nhà truyền giáo. Ngài kêu gọi tất cả chúng sinh bước vào “quốc gia của Ngài”. Nước Phật vượt ra ngoài các biên cương sỏi đá, không có đảng phái. Buông bỏ ngã chấp là con đường đi tới nước Phật.

Truyền giáo không phải là xâm lăng.

Người Việt “ghi tiếng nói” của mình vào thế kỷ 16 bằng chữ Nôm, tương tự như chữ Tàu hiện nay. Ngài Đắc-Lộ tìm cách ghi tiếng Việt bằng các mẫu tự La-tin. Ghi lại tiếng nói của một dân tộc khác bằng các âm ký, mẫu tự mà mình biết, là công việc của con người từ khi họ bắt đầu dùng chữ viết, cho đến hiện nay, và không biết chừng nào chấm dứt.

Tên khai sinh của ông chủ tịch Trung Quốc viết bằng chữ Hán. Người Mỹ nghe ông phát âm tên của ông ta, và ghi lại là Xi Jinping. Người Việt, tiến thêm một bước, việt hóa cái tên đó, với chữ Tập Cận Bình. Ông “Xi-Jinping” chưa chắc đã biết tên mình là “Tập Cận Bình”.

Hệ thống âm ký, ghi lại tiếng Việt bằng các mẫu tự La-Tin (hay có nguồn gốc La-Tin), khởi soạn từ ngài Đắc Lộ và một số đồng đạo của ngài, sau này trở nên tiện dụng, dần dần được hoàn thiện, và trở nên những chữ mà tất cả người Việt viết và đọc hiện nay. Công việc đó của ngài Đắc Lộ là công việc của một nhà văn hóa, không liên quan gì đến chính trị. Hơn hai trăm năm sau, kể từ ngày những chữ La-Tin được dùng khởi sự để ghi lại tiếng Việt, năm 1858, theo lệnh của vua Pháp thời bấy giờ, lính Pháp tiến vào Đà-Nẵng.

Truyền đạo Thiên Chúa giáo là công việc của Chúa Jesus, khởi đi từ chính Ngài, từ thế kỷ thứ 1. Khởi sự ghi lại tiếng Việt bằng các mẫu tự La-Tin là công việc của ngài Đắc-Lộ đầu thế 17. Tấn công vào cảng Đà Nẵng là lính Pháp vào thời điểm nửa sau thế kỷ 19. Nhưng: không hiểu sao hơn mười mấy ông GS. PGS. TS tuần trước xuất hiện, nhập chung 3 chuyện này lại mà nói rằng, dùng mẫu tự La-tin để ghi lại tiếng Việt với mục đích truyền giáo, ngài Đắc-Lộ có tội hơn là công, vì đã tạo ra “công cụ xâm lăng”…

Công cụ xâm lăng là súng đạn người Pháp đã dùng, và người Việt đã dùng các loại “công cụ xâm lăng” từ Trung Quốc để chống lại. Rồi thì Trung Cộng đã và đang mở một cuộc xâm lăng Việt Nam bằng một công cụ có khi hiệu quả hơn súng đạn; đó là: sự hèn hạ, khuất phục, tham lam, và tàn ác của các “trí thức” và quan chức Việt Cộng chỉ biết quỳ.

Biển học mênh mông, không ai tỏ tường, nếu các ông không, hoặc chưa biết, thì nên học lại. Nhưng, nếu đem các ý đồ chính trị vào các công việc văn hóa, các ông không tránh được sự khinh bỉ.

Nguyên Đại
29 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook





26 tháng 11 2019

Gián Điệp Trung Cộng

Wang Liqiang/ Nguồn: Steven Siewert/ Mark Stehle
Theo nhật báo The Sydney Morning Herald, hôm qua 25/11/19, Wang “William” Liqiang, một điệp viên của Trung Cộng (TC) đã “phản thùng” và cung cấp nhiều tin tức tình báo cho cơ quan phản gián Úc (ASIO), một tổ chức tương tự như CIA của Mỹ. 

Anh ta cho biết danh tính của trùm gián điệp quân đội Trung Cộng ở Hong Kong, cũng như các kế hoạch và nguồn tài trợ dùng để can thiệp chính trị ở Hong Kong, Đài Loan và Úc.

Wang cung cấp tin tức việc TC đã thông qua một số công ty lớn trên thị trường chứng khoán Hong Kong để cung cấp kinh phí cho các hoạt động gián điệp bao gồm việc theo dõi và lập hồ sơ những người phản kháng, kết hợp các các hoạt động truyền thông nhằm định hướng dư luận, tổ chức những vụ đe dọa khủng bố qua mạng đối với các nhân vật bất đồng chính kiến.

Wang đã có sự nối kết với một số điệp viên đã được cài cắm sâu và lâu năm tại Úc. Wang dính líu tới hoạt động tình báo nằm trong một công ty đăng ký tại Hong Kong, China Innovation Investment Limited (CIIL) nhằm thâm nhập vào các trường đại học ở Hong Kong, mở các chiến dịch truyền thông thân Bắc Kinh với lại các hoạt động của phong trào dân chủ và tự do ở Hong Kong.

Wang trực tiếp tham dự vào việc bắt cóc chủ đại lý sách Lee Bo ở Hong Kong sau đó đưa sang TC hồi tháng 10/2015. Wang cũng tham dự vào các tổ chức của TC mở các cuộc tấn công trên mạng đối với phong trào phản kháng. Wang tham dự vào các chương trình mua vũ khí của các nước khác, để từ đó đánh cắp các kỹ thuật quân sự của Mỹ.

Wang được cung cấp một hộ chiếu giả của Nam Hàn dùng để vào Đài Loan và sau đó hỗ trợ cho các hoạt động của TC, tổ chức lực lượng “quân đội trên mạng” để tấn công, định hướng và làm sai lệch các cuộc bầu cử cấp địa phương ở đây trong năm 2018. TC cũng đã có kế hoạch tác động vào cuộc bầu cử ở đây sắp tới vào năm 2020.

Wang cho biết ĐCS TC dưới thời Tập Cận Bình “xâm nhập vào mọi quốc gia trong vùng, bao gồm quân đội, thương trường, và các tổ chức hoạt động văn hóa nhằm để đạt được những mục tiêu của họ”; và rằng: “Quý vị không nên coi thường tổ chức của chúng tôi… Chúng tôi được huấn luyện và cài cắm lâu năm trong các tổ chức trước khi nhận những nhiệm vụ quan trọng”. Wang đã xuất hiện ở Hong Kong trong vài trò là một thương nhân cho công ty CIIL, dưới sự điều hành của một điệp viên thuộc tổ chức tình báo của quân đội TC.

Công việc của Wang cũng bao gồm việc kết nối các sinh viên TC trong các chương trình học bổng, tour du lịch, hội sinh viên… kêu gọi tinh thần yêu nước của họ, yêu đảng CS TC và lãnh tụ, phản ứng lại các phong trào đòi độc lập, ly khai, dân chủ ở Hong Kong. Wang cho biết, anh ta đã gặp một điệp viên cao cấp của TC ở Canberra, thủ đô Úc.

Báo chí Úc cũng đăng tin: một năm trước, một thành viên của đảng Tự Do (Liberal) Úc châu, Nick Zhao, người Úc gốc Hoa, chuyên kinh doanh xe hơi hạng sang, đã được các tổ chức tình báo TC móc nối với các hợp đồng nhiều triệu đô-la, để cắm anh vào quốc hội liên bang Úc, như là một điệp viên làm việc cho TC. Zhao được biết là đã trình báo việc này cho tổ chức phản gián ASIO của Úc. Sau đó, vào tháng 3/2019, người ta tìm thấy xác của Zhao trong một khách sạn ở Melbourne. Cảnh sát Úc, hiện vẫn chưa công bố kết quả điều tra về nguyên nhân cái chết của Zhao.

Giám đốc cục phản gián Úc, Mike Burgess cho biết, tổ chức của ông ta sẽ tiến hành việc thẩm tra hết sức nghiêm túc về các thông tin do Wang cung cấp. ASIO cho biết các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Úc nhằm can thiệp vào nội bộ chính trị của quốc gia này chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, rằng nó vượt xa thời kỳ chiến tranh lạnh. Cựu Giám Đốc ASIO, Duncan Lewis, phát biểu rằng, TC muốn khống chế chính trường Úc, qua các hoạt động “can thiệp từ trong”, xuyên qua các hoạt động tình báo.

Thủ Tướng Úc, ông Morrison phát biểu rằng, Úc không “ngây thơ” trước các đe dọa. “Chúng tôi đã gia tăng cao nhất mức đầu tư tài nguyên và nhân lực để bảo sự an toàn và tự do của đất nước này”.

_______
26 Tháng Mười Một 2019
Nguyên Đại, tổng hợp và lược dịch từ các nguồn:

Chinese foreign interference allegations ‘deeply disturbing’: Morrison/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Anthony Galloway.

Defecting Chinese spy offers information trove to Australian government/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Nick McKenzie, Paul Sakkal and Grace Tobin.

ABC News: How a dead Liberal Party member put a fresh spotlight on Beijing’s foreign interference efforts/Dan Conifer/ Updated November 25, 2019.

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

17 tháng 11 2019

Tự thắp đuốc mà đi

Phạm Quang, tu sĩ Phật giáo, pháp danh Thích Trí Quang (TTQ) sinh ngày 21/12/1923, mất ngày 8/11/2019. Đã có nhiều bài viết trên mạng xã hội về TTQ, bài viết này mong được đóng góp một vài ý kiến trong tinh thần xây dựng và học hỏi.

TTQ lãnh đạo nhiều ngàn tín đồ Phật giáo và tu sĩ Phật giáo, gây nên một tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ giữa năm 1963, góp phần làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. 

Tình trạng hỗn loạn còn tiếp diễn ba năm sau đó, khi phong trào do TTQ lãnh đạo lọt vào giữa các cuộc tranh chấp của một số tướng lãnh quân đội Miền Nam Việt Nam (MNVN).

Tháng Sáu 1966, tướng Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh giam lỏng TTQ tại chùa Ấn Quang, Sài gòn. Năm 1975, TTQ ủng hộ Dương Văn Minh nắm chính quyền, trước khi ông Minh đầu hàng Việt Cộng (VC). Dù vậy, VC vẫn tiếp tục duy trì lệnh giam giữ “tại chùa” đối với TTQ, sau khi họ đã nắm chính quyền. Lệnh này chỉ được tháo bỏ sau đó vài năm. Năm 2013, TTQ về chùa Từ Đàm, Huế và ở lại đây cho tới khi mất vào ngày 8/11/2019.

Trong những năm 60 đó, TTQ không phải là một tu sĩ Phật giáo. Ông ta là một nhân vật chính trị. TTQ lãnh đạo tu sĩ và nhiều tín đồ Phật giáo xuống đường, dàn bàn thờ ra đường phố, chống “đế quốc Mỹ xâm lược” và Ngô Đình Diệm, ủng hộ Nguyễn Chánh Thi, chống Nguyễn Khánh, chống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, gây ra tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam, góp phần làm sụp đổ nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, vốn đã chịu quá nhiều gió bão từ phía VC, phía Mỹ, và phía các tướng lãnh bất đồng. TTQ đã gián tiếp gây nên nhiều cái chết của tín đồ và tu sĩ Phật giáo, làm suy yếu chính quyền MNVN, và làm lợi cho VC.

Người ta còn trách TTQ ở chỗ, mặc dù rất hung hăng dưới chế độ cộng hòa ở MNVN, ông lại rất im lặng trước việc VC đập phá chùa chiền sau 75, và sau đó đưa các đảng viên CS vào các ngôi chùa, biến nơi đây thành cơ sở chính trị, cơ sở kinh tài của VC, và là trung tâm của những hoạt động mê tín, dị đoan.

Những tín đồ Phật giáo nghèo khổ đã bị vắt kiệt sức bên ngoài chùa, tưởng đâu tìm được bóng mát tâm linh đằng sau cánh cửa chùa; họ đâu ngờ chính nơi đây, họ lại một lần nữa “cúng dường” cho cô hồn, các đảng còn sống và huyênh hoang với nhiều bằng khen, chức sắc được phong từ phía đảng CS với khẩu hiệu rất rõ ràng “Đạo Pháp, Dân Tộc, và Chủ Nghĩa Xã Hội”.

Phật giáo không chủ trương việc tham dự vào các tranh chấp chính trị. Đức Phật lúc còn tại thế không dính líu đến các tranh chấp chính trị. Vua Tỳ Lưu-Ly của một nước lân cận đã đem quân san bằng thành Ca-tỳ-la-vệ, nơi ngài được sinh ra để làm Thái-tử, và giết hơn 500 người của dòng họ Thích-ca. 

Ngài không lãnh đạo các tu sĩ Phật giáo của vương quốc Thích-ca để làm một cuộc trả thù sau đó. Chủ trương của ngài đã rất rõ ràng từ hơn hai ngàn năm trước, nước Phật chỉ có Sự Thật, không có đảng phái, vua quan. Nước Phật mở cửa cho tất cả chúng sinh vì “máu ai cũng đỏ, và nước mắt ai cũng mặn”. Tương tự, Chúa cũng phán rằng: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".

Chủ trương của Phật, và của Chúa Jesus đều rất rõ ràng, rằng niềm tin tôn giáo và quan điểm chính trị là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, các tu sĩ được gọi là “thầy”, là “cha”, đã có tiếng nói rất quan trọng trong việc định hướng quan điểm chính trị của các tín đồ.

Đa số người Việt theo Phật giáo, những người theo đạo thờ cúng ông bà cũng có khi xa gần coi mình như một tín đồ Phật giáo không thuần thành. Chính vì vậy, các chính trị gia thường tranh thủ sự ủng hộ của các tu sĩ, đặc biệt là các “thầy”, bởi sự ủng hộ của các “thầy” là quá “hấp dẫn” đối với tham vọng chính trị của họ.

Ngược lại, đối với một số “thầy”, được sự ủng hộ của chính quyền để xây chùa lớn hơn, đẹp hơn, hưởng được những cung phụng, cúng dường công sức, tài vật từ phía tín đồ cả người giàu lẫn người nghèo, và quan chức từ thấp đến cao, cũng trở thành một sự hấp dẫn mạnh hơn cả giáo pháp của Phật.

Sự cộng tác đó giữa đảng CS và một số “thầy” đã làm tình trạng Phật giáo ở Việt Nam trở nên nát bét như hiện nay. Cái chết của TTQ một lần nữa làm nổi lên một số vấn đề liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng bài viết này không có ý “vơ đũa cả nắm”. Dĩ nhiên, trong ao bùn vẫn có nhiều hoa sen tinh khiết nở ra thật sự đón nhận bàn chân của Phật. Là bùn hay là sen, “tự thắp đuốc lên mà đi” như lời dạy của Phật đối với tất cả ai tin vào giáo pháp của Ngài bao gồm các tu sĩ (các “thầy”) và tất cả những tín đồ phật giáo, trong đó có người viết bài này.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook



"Sự độc hại" Trần Long Ẩn

Trần Long Ẩn (TLA) sinh ngày 29/9/1944 tại Bình Định, học trung học tại trường La-San (nay là Đại Học Quy Nhơn), sau đó vào học ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Tháng 4/1972, ông trốn theo VC vào chiến khu. Hai năm sau, năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc, học ở trường Âm Nhạc Việt Nam.

Ngày 10/11/19, trong buổi họp giao ban của hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM, ông TLA phát biểu: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa…”, theo báo Phụ Nữ, cơ quan ngôn luận của HLH Phụ nữ TPHCM.

Phát biểu của ông gây nên phản ứng dữ dội của những người tham gia mạng xã hội, có người cho rằng đó là câu nói “bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay” (Mặc Lâm/ VOA – 15/11/19). Tại sao?

Trước hết là tại cái chức vụ mà ông đang có. Ông không phải là một dư luận viên hạng bét, phát biểu vu vơ, không ai muốn tranh luận. Ông hiện là ủy viên thường vụ hội nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch hội âm nhạc và đồng chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Ông là tác giả của một số ca khúc từng được thanh niên Việt Nam yêu thích. Với chức vụ đó, ông không thể tùy tiện phát biểu, cho dẫu để lấy lòng ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy TPHCM, người có mặt trong buổi họp giao ban đó.

Thứ hai là tại ông nói bậy. Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nó “độc hại” ở chỗ nào? Em thương nhớ, lo sợ những điều xảy ra với anh, một người lính trong những đêm lửa đạn… Những điều mà em không dám nghĩ, tình của mình chia ly mất mát trong chiến tranh…, thì độc hại ở chỗ nào? Tết, con không về nhà thăm mẹ được. Con nhớ mẹ, nhưng vì chiến cuộc, vì đồng đội con còn ở chiến trường, con không thể riêng mình êm ấm… thì độc hại ở chỗ nào?

Buổi chiều, mẹ nhìn ra ngõ nhớ con, đứa còn, đứa mất trong chiến tranh, từng đợt đạn pháo…lo buồn…thì độc hại chỗ nào. Ông vào chiến khu, không thông báo với gia đình, chỉ sau 75 mới gặp lại. Mẹ ông và những người thân nhớ thương ông…là một sự độc hại? Khi nói những điều đó, ông có nhớ đến tình cảm của những người thân của ông, khi ông đột nhiên… “mất tích” để vào chiến khu VC không? Khi nói những điều đó, ông đã trở thành “sự độc hại” của gia đình ông, cho dẫu ông đã ở tuổi mà có thể để xuống tất cả những phiền phức về danh và lợi trong cuộc đời này.

Thứ ba, ông là một kẻ vô ơn. Trước khi vào chiến khu, ông đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường trung và đại học Sài-gòn, ông lớn lên từ cái nền văn hóa đó. Nó tạo cho ông những cơ sở để có thể viết được những lời nhạc sau này. Ông là kết quả của “sự độc hại” mà ông miệt thị đó.

Thứ tư, làm công việc “phê bình” văn hóa, nhưng ông không hiểu một điều cơ bản là: Khi tác phẩm đã phát hành, sinh mạng của nó không còn do tác giả, người tạo ra nó, quyết định nữa. Người đón nhận tác phẩm quyết định sự sống còn của tác phẩm đó. Chế Lan Viên, sau này có “Trừ Đi” cái “Bánh Vẽ” cũng không tẩy được ao ước của ông “cho con làm sóng dưới con tàu đưa tiễn bác” trong lòng người đọc được.

Trịnh Công Sơn cho dẫu “tiến thoái lưỡng nan” cũng không thể làm thính giả quên được những ca khúc phản chiến mà ông đã viết, cùng với lời “hiệu triệu” văn nghệ sĩ mà ông nói trên đài phát thanh Sài gòn, những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Và, đồng chí Tố Hữu của ông, sau này có than khóc bao nhiêu vì bị thất sủng, cũng không làm sao lấy đi được ấn tượng trong lòng người đọc rằng: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”…hay “Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin” được.

Sự sống còn của một tác phẩm không phải tùy thuộc và ý chí, quyết tâm đường lối của đảng, nó thuộc về người thưởng ngoạn. Không ai có thể “tẩy xóa”, ngay cả chính tác giả. Chính vì vậy, dòng nhạc trước 1975, người ta đã từng cố tẩy xóa, nhưng không thể nào, và bây giờ nó trở lại, sống vững vàng, sống mạnh mẽ, dầu đã hơn nửa thế kỷ.

Lẽ ra, là một “nhà phê bình” ông và các đồng chí của ông phải đặt câu hỏi “tại sao” trước khi dán cho nền văn hóa nghệ thuật trước 75 cái nhãn “độc hại”. Cái nhãn mà ông dán đó, vô hình chung lại dính hẳn vào con người của ông. Ông đã trở thành một sự độc hại, mà các đồng chí của ông sẽ buộc phải loại bỏ, một ngày rất gần; bởi vì ông không xứng là một nhà phê bình, ông không xứng là một nhạc sĩ, ngay cả trong cái nhìn của các đồng chí của ông.

Người xưa nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Ông không rút lại được những lời phát biểu độc hại đó, nó sẽ đi theo ông xuống mồ. Tự nhiên, tôi cảm thấy ông là một người đáng thương hại.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv




18 tháng 10 2019

Diêm Vương và Bố Già

Hai tên quỷ sứ điệu một người vào trước sân chầu. Diêm Vương phán: Ngươi tên họ là gì? Trên đó làm nghề gì? Người đang quỳ ở dưới, mếu máo: Dạ con tên là Lê Hải An, trên đó con đang giữ chức Thứ Trưởng thuộc Bộ Dục của nước CHXHCN Việt Nam, đang uống cà phê trên lan can lầu tám, vừa mới kéo vài hơi xì-gà, thì bất chợt bị quỷ sứ điệu đến đây, con không biết gì hết…

Diêm Vương, chau mày một giây, rồi phán: Ngươi tuổi Hợi, hôm nay (17/10/19) ngày Hợi, năm Hợi, và là ngày hoàng đạo, lẽ ra phải là tam hảo phát dương, ngươi chuẩn bị thăng chức mới phải, chứ tại sao xuống đây làm cái gì?

Người ở dưới khóc: Đèn trời soi xét, con không biết gì hết… Diêm Vương nói lớn: Đây là Địa Ngục, không có đèn trời chi cả; nhưng quả thực, ta chưa có gọi, tại sao ngươi nhào vô đây, hay là đứa nào cả gan dám xô ngươi xuống đây, khi ta chưa quyết.

Diêm Vương thét lớn: Tử Thư quan đâu? Quan giữ Sổ Tử dạ lớn, xuất hiện. Diêm Vương bực mình, quát: Tại sao dạo này có nhiều người cứ nhào xuống đây thình lình là sao, cho ta biết rõ ràng. Tử Thư quan bẩm: Thưa Diêm Chúa, danh sách các quan chức nước CHXHCN Việt Nam…

Diêm Chúa cắt ngang, ngươi dẹp ngay cái tên gọi dài thòng, ta nhức đầu quá, một là gọi Việt Cộng (VC), hai là gọi Việt Nam (VN), ngươi mà gọi dài dòng một lần nữa, ta không quăng ngươi vô chảo dầu, ta không phải là Diêm Chúa… Báo cáo mau!

Tử Thư quan thất kinh, nói: Dạ, danh sách các quan chức VC thình lình nhào xuống đây cho tới bây giờ trong 5 năm gần đây khá đều đặn. Khởi đi là tướng công an VC Phạm Quý Ngọ, năm 2014, đang ở trên đó, từ nhiên nhào xuống đây, sau vụ lùm xùm mà Dương Chí Dũng khai mua ụ-nổi của Nga có 2,3 triệu USD, mà chúng nó kê lên tới gần 20 triệu USD. Một năm sau, năm 2015, Nguyễn Bá Thanh chuẩn bị được thăng chức thì bị “bệnh lạ” nhào xuống đây.

Rồi năm 2016, thiếu tướng Lê Xuân Duy, tư lệnh quân khu 2, tướng lộ thênh thang, đột nhiên bị quăng xuống đây. Chưa đầy hai tuần sau, Bí Thư Yên Bái, Phạm Duy Cường và Chủ Tịch Yên Bái, Ngô Ngọc Tuấn tự nhiên nhảy xuống đây. Vụ này được cho là do Đỗ Cường Minh, kiểm lâm cục trưởng, xô xuống, nhưng Minh cũng nhào xuống luôn sau đó chưa đầy 5 phút. 

Tụi nó ba xạo nói là do tên Minh bắn rồi tự tử, nhưng thần coi lại thì có nhiều dấu hiệu khả nghi, vì không ai tự tử bằng cách, nghéo súng ra bắn từ sau ót, và cho dẫu có làm như vậy được thì tại sao viên đạn lại trổ ra trước trán, và sau đó thì súng lại nằm trong ngăn kéo bàn giấy. 

Không lẽ sau khi tên Minh chạy xuống đây, rồi chạy lên để súng vô hộc tủ, rồi chạy xuống đây lại. Chuyện này quỷ sứ cũng không làm được, huống chi là tên Minh. Vụ này trên đó cho chìm xuồng, nhưng thần vẫn âm thầm điều tra. Diêm Vương trợn mắt, muốn đổ lửa, không ngờ tụi trên đó làm quá.

Tử Thư Quan, chưa hết, thưa Diêm Vương, năm 2018, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang lại bị “vi-rút lạ” tấn công rồi nhào xuống đây vào tháng 9. Hơn một năm sau, ngày 17/10/19, tay Thứ trưởng bộ Dục này lại chạy thẳng vô đây nữa, thần không hiểu tại sao cái hành lang rộng thênh thang, và cái lan can cao như thế, mà hắn lại có thể “tự té” được, nếu không có người “giúp đỡ”?!

Diêm Vương vểnh đôi lông mày, hai mắt mở to như hai cái trứng vịt, bực mình hét lớn: Chuyện là sao, trên đó có thằng nào, dám qua quyền ta, ta chưa bảo xuống, mà nó dám đẩy xuống? Tử Thư quan thất kinh, dạ, bẩm Diêm Chúa, hiện có một tên, cầm tinh con khỉ đột, sinh năm 1944, hôm trước nó đi Kiên Giang, thần có nhờ Thiên Lôi gõ cửa, nhưng nó trốn ra cửa sau, quá bận rộn, nên thần chưa xem kỹ là nó trốn bằng cách nào. Tên này tổ chức đốt lò, làm chảo dầu, tuyên bố củi tươi hay khô gì nó cũng đốt cả. Diêm Vương hét lớn: cha chả… lại có tên này nữa sao, dám qua mặt ta… Xưa nay đã từng có tên nào giống như tên này chưa?

Tử Thư quan run run bẩm: Thưa Diêm Chúa, cách đây khoảng 30 năm có hai tên Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng đẩy xuống đây hàng loạt quan tướng VC: Năm 1984, Đại Tướng Chu Văn Tấn, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, bị cho là do Duẩn-Thọ giết. 

Hai năm sau, 1986, Đại Tướng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái cũng bị giết. Trước khi xuống đây, ông Thái có nói với vợ là “người ta sẽ giết tôi…” vì tôi biết nhiều chuyện liên quan tới tên Văn Tiến Dũng và Lê Đức Thọ. 

Cùng năm (1986) , Đại Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham Mưu Trưởng cũng bị Thọ giết tháng 12/1986, chỉ 5 tháng sau khi Thái qua đời. Hơn một tháng sau, đầu năm 1987, thượng tướng Đinh Đức Thiện lại chết vì “súng bị cướp cò” trong lúc đi săn. 

Rồi thì, Cục Trưởng Cục Quân Báo, Trung Tướng Phan Bình bị bắn vào đầu, với lý do “tự tử”. Trước đó Bình đã bị Lê Đức Anh tước mất quyền. Con trai của Bình sau đó cũng bị hãm hại, sau khi bị ép đưa vào bệnh viện tâm thần.

Diêm Chúa hỏi, Lê Đức Thọ là tên nào, đã xuống đây chưa. Hắn xuống đây năm 1990, có mùi hôi. Tại sao, Diêm Chúa hỏi. Thưa, không hiểu sao mộ của hắn ở nghĩa trang cao cấp Mai Dịch, Hà Nội vẫn có người đem phân đổ lên, sau đó gia đình hắn phải dời mộ về quê ở Nam Định. Diêm Chúa, đang bực bội, vẫn phải nhếch mép, giấu một nụ cười (địa ngục của ta có chảo dầu khủng khiếp, nhưng trên đó có những cách trả thù nặng (mùi) quá!).

Diêm Chúa tiếp tục truy vấn, như vậy là tình hình lặp lại sau 30 năm hả, tại sao? Tử Thư Quan cung kính đáp: Không phải, thưa Diêm Chúa, 30 năm trước chỉ có một trung tâm quyền lực thôi, đó là cánh của Duẩn-Thọ, “thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết”; còn cục diện bây giờ trên đó khá phức tạp. Ngay cả tên Lò Vương Tổng-Tịch, vừa rồi ở Kiên Giang, mém bị xô xuống đây. 

Tình hình trên đó bây giờ khá khốc liệt, rất nhiều “Bố Già”, chứ không phải chỉ có một Bố Già Marlon Brando trong tiểu thuyết về Mafia Ý của Mario Puzo. Ông nhà văn Puzo đó mà bây giờ có gởi tới VN, có lẽ cũng phải than rằng: Hồi đó trí tưởng tưởng của ta vẫn còn nghèo so với thực tế “thiên đường VC” hôm nay…

Diêm Chúa trầm ngâm một lát, nhiều bố già, như vậy cũng sẽ có nhiều thiên lôi, như vậy là đại loạn chứ không phải giỡn chơi. Rồi chợt cao giọng, bảo Tử Thư quan: Ông cho triệu Thiên Lôi xuống đây, ta có việc muốn nhờ y. Thiên Lôi tới, sấm sét ầm ầm. Diêm Chúa ôn tồn bảo, tình hình trên đó bây giờ khá hỗn loạn, ông có thể lên đó xem sao. Thiên Lôi sau khi nghe Tử Thư quan báo lại vắn tắt tình hình, đưa lưỡi búa lên trời chuẩn bị bay lên…

Diêm Chúa nói: Hãy khoan, ta biết ông là vô địch, nhưng trên đó bấy giờ là xứ “vô địch thiên lôi”, nghĩa là có quá nhiều thằng “thiên lôi” chỉ đâu đánh đó ở trên đó, ông không nên khinh địch, lỡ nó “bề hội đồng” thì rất quê xệ, chi bằng “cẩn tắc vô áy náy”, ông đem theo đội âm binh của ta lên đó, sẽ là những trợ thủ đắc lực cho ông. 
Chúc ông may mắn “mã đáo thành công”, mấy thằng tào lao, cho dẫu nó trốn ở đâu, cũng hốt hết đem xuống đây cho ta trị tội. Thiên Lôi gật gù, đoạn đưa búa lên trời ầm ầm đi lên, theo sau là đoàn âm binh la rú kinh hoàng.

Xứ Việt đang vào Đông, sẽ mưa gió, sấm sét vang rền trong những ngày tới…

Tài liệu tham khảo: “Những Cái Chết Bí Ẩn của hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN” – Đỗ Thông Minh.

Nguyên Đại
18 Tháng Mười 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook





01 tháng 10 2019

Quốc Khánh hay Quốc Táng?

Hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2019, Trung Cộng tổ chức lễ “quốc khánh” kỷ niệm 70 năm ngày ĐCS Trung Quốc cai trị Hoa lục.

Các lãnh tụ đã về hưu và đương nhiệm tập trung ở quảng trường Thiên An Môn để dự khán cuộc duyệt binh với 15 ngàn binh lính cùng với vũ khí hiện đại bao gồm các siêu máy bay tự động (không người lái/ drone) và giàn hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (intercontinental ballistic missiles).

Theo sau là cuộc diễu hành của “dân chúng”, cùng với hình ảnh của các lãnh tụ, kể từ Mao Trạch Đông, kèm theo một đội ngũ thanh thiếu niên dùng xe đạp, như một nhắc nhở rằng Trung Cộng đã tiến một bước khá dài từ sau cải tổ kinh tế hồi thập niên 1980.

Nhưng, người ta không khỏi liên tưởng đến việc: Chính nơi đây 30 mươi năm trước (1989), từng đoàn xe tăng nghiến lên thân xác của những sinh viên Trung Quốc, tụ tập để yêu cầu lãnh đạo thay đổi, dân chủ hơn cho đất nước Trung Hoa. Và, hàng triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình đòi độc lập với Bắc Kinh; cộng với sự cương quyết không chấp nhận sát nhập với Trung Cộng của quân và dân đảo quốc Đài Loan; đồng thời cuộc thương chiến với Mỹ không có dấu hiệu giảm nhiệt nào; tất cả đã tạo nên những nhức nhối không thể làm ngơ, được hiện rõ trên khuôn mặt các lãnh đạo Trung Cộng.

Để chuẩn bị cho ngày “quốc khánh”, thủ đô Bắc Kinh như bị khóa lại, không có bất cứ thứ gì được bay lên trên trời cho dù là cánh diều, bồ câu nuôi, hay các máy bay đồ chơi; và người dân cư trú trên con đường duyệt binh được yêu cầu phải rời khỏi nhà trước đó. Các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến đều nhận được lệnh không được tiếp xúc với truyền thông nước ngoài. Người nào ủng hộ cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong đều nhận được lệnh không được đến nơi này cho đến sau lễ “quốc khánh”.

Ở Hong Kong, các buổi lễ trong các văn phòng chính phủ dường như rất lặng lẽ. Một nhóm những người biểu tình đã trưng các băng-rôn với dòng chữ “Không có quốc khánh, chỉ có quốc táng. Chấm dứt độc đảng cai trị”. (There is no national celebration, only national mourning. End one-party rule”.

Trong lúc bà Carrie Lam đang ở Bắc Kinh, và là một trong số rất ít những phụ nữ trên khán đài quan chức nhìn xuống quảng trường Thiên An Môn. Không hiểu bà có cảm giác như thế nào khi liên tưởng những gì đã xảy ra nơi đây 30 năm trước, và hiện đang xảy ra ở Hong Kong, một quê hương dưới sự ủy trị của bà.

Tập Cận Bình mặc đúng bộ quần áo giống như Mao Trạch Đông, đứng ngay vị trí mà Mao Trạch Đông đứng vào ngày 1/10/1949, để đọc diễn văn. Các lãnh đạo khác (những người còn sống) như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào… thì mặc bộ vest bình thường.

Lời lẽ trong diễn văn của Tập Cận Bình có đoạn như sau: “Không có một sức mạnh nào có thể làm lung lay vị trí của quốc gia vĩ đại này. Không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản nhân dân và đất nước Trung Quốc tiến về phía trước”.

Quan sát kỹ nét mặt của ông Giang Trạch Dân, từ lúc ông ngồi như bất động trong bộ vest chỉnh chu, cho tới lúc ông đứng dậy, nhìn chiếc xe chở tấm hình “vĩ đại” của mình, cùng với đám đông dân chúng chung quanh với những vòng hoa. Không thấy ông có nụ cười.

Có vẻ như ông vẫn không để xuống được những bực bội vì Tập Cận Bình vạch một dấu bằng giữa Tập và Mao “Chủ Tịch Vĩ Đại”, và cái cách mà buổi lễ được tổ chức rất “tháu cáy” của Tập như cướp đi tất cả thành quả, bao gồm xương máu, của các vị lãnh đạo trước Tập. Có lẽ ông lẩm bẩm: “Mày có thể lừa người khác, chứ không thể nào qua mắt được ‘bố mày’ đang ngồi đây. Một ngày ‘quốc khánh’ rất TC, rất Tập Cận, rất ‘Tháu Cáy’…”

Nguyên Đại
1 Tháng Mười 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân
Người Biểu Tỉnh ở Hong Kong "Không có quốc khánh, chỉ có quốc táng"


16 tháng 8 2019

Thứ Sáu Cuối Cùng

Người dân Hong Kong xuống đường đòi tự do. Nguồn: Independent
Trong lúc này, các xe thiết giáp Trung Cộng (TC) đã áp sát biên giới Hồng-Kông (HK), nhưng tuổi trẻ HK không có dấu hiệu lùi bước. Cuối tuần này sẽ có nhiều cuộc biểu tình lớn ở thương cảng này. 

Liệu Tập Cận Bình có theo gương của Đặng Tiểu Bình trở thành một tội đồ của nhân loại? Có lẽ nào thế giới phải chứng kiến, sau đúng 30 năm, một Thiên An Môn nhuộm máu tái diễn ở HK? Có lẽ nào nhân loại lại phải thêm một lần thất bại vì không bảo vệ được tuổi trẻ, tinh anh của chính mình? Cả thế giới đang dõi mắt về HK…

Nếu thiết giáp của TC tiến vào HK vào cuối tuần này? Máu sẽ nhuộm HK? Có. Sẽ có sự can thiệp quân sự từ Mỹ hay Đồng Minh? Không. Người ta nói rằng, TC sẽ đối điện với những hậu quả sau đó, tình trạng kinh tế của HK, TC tuột dốc v.v… Tất cả những điều đó dường như không có ý nghĩa gì với những người HK đang nắm chặt tay nhau xuống đường cuối tuần này. Đối với họ, khao khát tự do lớn hơn cái chết.

Khi trao trả lại HK cho TC năm 1997, đã có một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn về quyền tự quyết của người dân HK trong “một quốc gia, hai thể chế” (“one country, two systems”) cho tới năm 2047. Vấn đề là chính phủ Trung Cộng không ngừng gia tăng sự quản trị của họ đối với HK về mọi phương diện: Giáo dục, chính trị, văn hóa… Tiệm tiến, thu gọn và triệt tiêu quyền tự trị của người HK.

“Giọt nước làm tràn ly” với dự luật dẫn độ các “tội phạm hình sự” người HK về TC đã làm cho hơn 2 triệu người HK phẫn uất và xuống đường biểu tình từ đầu tháng Sáu năm nay. Xin mở ngoặc: Thiên đường CS làm gì có tù nhân lương tâm (hehe), có nghĩa là phản đối chính phủ, xuống đường biểu tình sẽ là “gây rối trật tự công cộng” và là “tội phạm hình sự”. Dự luật đã bị hoãn lại, nhưng không hoàn toàn hủy bỏ, và các cuộc xuống đường tiếp tục.

Nếu thiết giáp TC tiến vào HK? Quyền tự quyết của HK coi như xóa sổ, TC đã xé bỏ hiệp định, cưỡng trị HK (Sao những từ ngữ này nghe quen quá!); thu ngắn hơn một nửa thời gian 50 năm được tự trị, theo như thoả thuận. Hong Kong đã bị bức tử.

Hà Nội và Bắc Kinh cũng có một thỏa thuận vào năm 1990. Gia tăng ảnh hưởng của TC lên Việt Nam về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…? Tiệm tiến, thu gọn và triệt tiêu quyền tự quyết của người Việt? Dẫn độ các tội phạm hình sự về TC? Thiết giáp TC chừng nào đến Hà Nội? Mỹ và Đồng Minh sẽ can thiệp quân sự?

Nếu thiết giáp TC quay đầu, trước khi tiến vào HK, sẽ là những ngày hội tưng bừng trên thương cảng tráng lệ này. HK coi như được tái sinh, và duy trì vị trí trung tâm thương mại quan trọng của thế giới. Dân chúng HK sẽ đốt pháo hoa. Phi trường HK sẽ nhộn nhịp như chưa bao giờ, với người về và những giọt nước mắt mừng vui. Điều đó có thể xảy ra không nếu Mỹ nhượng bộ TC trong cuộc chiến tranh thương mại? Sự chọn lựa bây giờ dường như là của hai ông: Tập Cận Bình và Donald Trump.

Hôm nay, thứ Sáu, 16 tháng 8 năm 2019, dường như là ngày cuối cùng để tất cả các nỗ lực ngoại giao đưa đến một sự chọn lựa được bấm nút. Last Friday is a Good Friday. Thứ Sáu Cuối Cùng là một thứ Sáu tuyệt vời. Mong thay! Thiên An Hồng. Bình An nơi Ngài. Xin Thượng Đế xót thương!

Nguyên Đại
16 Tháng Tám 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân


05 tháng 8 2019

Tử vong ngoại viện

Ở trại tỵ nạn Hong Kong, có một người bạn được cử đi xin giấy vệ sinh ở phòng phúc lợi. Anh ta đi một chặp rồi về tay không, nói rằng họ không cho. Quái! chuyện này tuy nhỏ, nhưng “đâu phải giỡn”.

Bạn bè mới xúm lại hỏi: Chứ ông nói làm sao mà họ không cho? Anh này kể: “Tao nói là, ‘Can you give us paper toilet?’ Nó hỏi: ‘Why’? Tao nói một tràng nữa: ‘Paper toilet, paper toilet, no paper toilet, very difficult, very difficult’. Nó cũng hỏi: ‘Why’ tiếp. Tao làm mặt nhăn nhó, nó cũng không hiểu. Tao đi về chứ biết làm sao”. Anh em được một trận cười, nhớ cho tới bây giờ.

Lý do: Toilet-paper (một cách miễn cưỡng, thay vì là: toilet tissue) nghĩa là giấy vệ sinh; còn paper-toilet là phòng vệ sinh bằng giấy. Dĩ nhiên, người ta không hiểu vì cớ làm sao các ông lại muốn xài phòng vệ sinh bằng giấy.

Tương tự, trong tiếng Hoa, chữ “bất đắc kỳ tử” diễn tả một cái chết chết lạ lùng, thình lình, bất ngờ, nguyên nhân không được xác định trước đó. Bất: không; đắc: đạt, như ý; kỳ: kỳ lạ, kỳ bí; tử: chết. Không ai nói “tử bất đắc kỳ” cả.

Cũng vậy, tình trạng “ngoại viện tử vong” có thể (miễn cưỡng) hiểu như là tình trạng bệnh nhân đã chết trước khi tới bệnh viện. Còn chữ “tử vong ngoại viện” lại có một ý nghĩa khác.

Ngày 18/7/19, đại tá Đỗ Quang Mão, chính-ủy quân y viện 105, xác nhận ông Trần Bắc Hà đã “tử vong ngoại viện” nghe rất-Hán, rất “sang”; nhưng trật lất khi dùng để biểu đạt một tình trạng “đã chết trước khi tới bệnh viện”. Tương tự như nói “paper-toilet” để xin giấy vệ sinh; hay nói “tử bất đắc kỳ” vậy.

Ngôn ngữ nào cũng có những chữ viết khác nhưng đọc giống nhau. Ví dụ, trong tiếng Hoa: tử là con, trong tử-tôn (con cháu). Tử là thầy, trong Mạnh Tử, Trang Tử (thầy Mạnh, thầy Trang). Tử là tím, trong tia tử ngoại/cực tím. Các chữ “tử” đó trong tiếng Tàu viết khác, nhưng trong tiếng Việt lại giống y chang, cho nên ngữ nghĩa của nó phải căn cứ theo các chữ đứng trước và sau.

Chữ “ngoại viện” thường được dùng để chỉ những trợ giúp từ phía bên ngoài, nước ngoài, khi đó “viện” nghĩa là “giúp”, “viện-trợ” nghĩa là trợ giúp, hay giúp đỡ.

“Tử vong ngoại viện” coi như là tình trạng không có bất kỳ một trợ giúp nào từ bên ngoài, giống như biệt giam cho tới chết vậy. Vô hình trung, chính quân y viện 105 thay vì phủ nhận cái chết của Trần Bắc Hà có liên quan tới bệnh viện lại xác nhận, và “tiết lộ bí mật nhà nước”, là ông Trần Bắc Hà bị biệt giam, và không có bất kỳ một sự giúp đỡ nào từ phía bên ngoài, cho tới khi chết.

Nếu viết là “Bắc Hà tử vong ngoại viện” thì điều này lại đúng với tình trạng của chính phủ VC hiện nay, khi mọi hình hình thức ngoại viện có vẻ như tử vong. ASEAN phản ứng rất yếu ớt về vụ bãi Tư Chính. Mỹ và Đồng Minh đã từng rút khỏi tiền đồn VN từ năm 1975.

Khi sư tử săn mồi, nó thường tách con mồi ra khỏi đàn, và tập trung tấn công con bị tách ra đó. Trung Cộng có vẻ như đã thành công trong việc tách “từng con mồi” Cambodia, Lào, Việt Nam, Philippines ra, khi đưa ra những cái bẫy để dụ các “con mồi” đứng về phía mình để bảo đảm sự an toàn của chế độ đương quyền.

Sư tử dễ dàng cô lập và tấn công từng con trâu một trong đàn trâu, nhưng không bao giờ dám mạo hiểm tấn công một đàn sói. Bởi, đàn sói rất gắn kết, không thể nào tấn công một con, mà không chịu phản ứng dữ dội của cả đàn. Ôi! bản năng loài vật cũng đã biết dựa vào thế liên minh vững chắc để sinh tồn.

Bắc Hà tử vong ngoại viện: Đất Bắc đã hoàn toàn bị cô lập. Ai bảo không có thiên ý, ai bảo trời không nhắc nhở, ai bảo không có điềm.

Nguyên Đại
5 Tháng Tám 2019

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

31 tháng 7 2019

Chiếc gậy Biển đông - Củ cà rốt Trung Cộng

Nếu tuần sau, đột nhiên Trung Cộng (TC) tuyên bố chủ quyền toàn diện trong phạm vi “đường lưởi bò”, thiết định vùng cấm bay, buộc tất cả các tàu qua lại trong khu vực này đều phải có sự cho phép của TC, cắt đứt hải lộ bận rộn nhất thế giới và thế hợp tung Nhật Bản – Đài Loan – Nam Hàn – Phi Luật Tân – Úc Đại Lợi thì việc gì sẽ xảy ra? Câu trả lời chỉ có hai chữ: Chiến Tranh.

Đó là một sự tưởng tưởng, vâng đúng vậy. Điều đó sẽ không xảy ra, bởi TC không, hay chưa phải là đối thủ của Mỹ và Đồng Minh trên biển, và họ hiểu rất rõ điều đó. Chiến tranh xảy ra, TC chắc chắn sẽ là kẻ thất bại. Tại sao lại vướng vào một cuộc chiến mà cơ hội chiến thắng không có?

Cho nên dù tuyên bố vung vít chủ quyền “không thể tranh cãi” về đường chín đoạn, TC vẫn không dám đụng vào các chiến hạm tuần tra của Mỹ, có khi cách các đảo mà TC đang chiếm giữ chỉ 12 hải lý. Các chiến lược gia của Mỹ cũng hiểu rõ điều đó, cho nên, chừng nào mà tình trạng thông thương trên hải lộ đó không bị cản trở, chừng đó, cũng chỉ là các cuộc tuần tra.

Nhưng, nếu Việt Nam hoàn toàn bị TC khống chế, và các tàu của TC được sử dụng toàn bộ vùng biển trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của VN và các khu vực quanh các quần đảo Hoàng và Trường sa. Thêm vào đó, Phi Luật Tân chấm dứt các tranh chấp trên vùng biển phía Tây của Phi, hợp tác toàn diện với TC, cùng nhau khai thác biển để “có lợi cho đôi bên”. TC coi như đã “bao vây” biển Đông. Tranh chấp biển Đông coi như đã giải quyết, và các chốt quan trọng trên đường lưởi bò coi như đã được cắm. Điều này không hề là một sự tưởng tượng, vì dường như TC đã gần hoàn tất kế hoạch này.

Trong thời điểm hiện tại, các va chạm tranh chấp trên biển Đông có thể xem như một “hư chiêu”, một chiếc gậy. Cú đánh mạnh, trực tiếp, hiệu quả, từ “tay mặt” của TC là cú đánh vào chính diện Việt Nam, vào đảng CSVN, vào hàng ngũ lãnh đạo ĐCSVN hiện nay. Mục tiêu từ nhiều năm trước cho đến thời điểm hiện nay của TC là Việt Nam. Không phải là biển Đông.

Năm 1988, TC chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Cộng (VC) “né” “chiếc gậy” đó, buộc các binh sĩ trên đảo Gạc-Ma trở thành bia thịt, để đổi lấy “củ cà rốt” cứu sống chế độ, vì Liên Bang Sô Viết và Đông Âu đã có dấu hiệu nứt gãy trầm trọng không thể vãn hồi, VC coi như hoàn toàn mất chỗ dựa.

Năm 1989, VC rút quân ở Cambodia về sau khi bị sa lầy ở đó hơn 10 năm, chấm dứt các xung đột ở biên giới phía Bắc với TC, qua những nhượng bộ đáng kể trên đất liền và vịnh Bắc Bộ. Hợp tác với TC để thoát khỏi sự sụp đổ về kinh tế theo sau các chính sách kinh tế Mác-Lê sai lầm. Tất cả để chuẩn bị cho việc Linh – Mười – Đồng ký các hiệp ước hợp tác với TC ở mật nghị Thành Đô vào tháng 9/1990. “Con thỏ” VC né “chiếc gậy” ở Trường Sa, buộc phải tiến thêm một bước “vào rọ” để ngoạm lấy “củ cà rốt” cứu mạng của TC đặt ở Thành Đô, hai năm sau đó.

Trường hợp chiếc gậy biển Đông, và củ cà rốt TC cũng đã từng xảy ra tương tự trước đó 15 năm. Năm 1973, khi Mỹ rút quân và ngừng viện trợ cho VNCH ở miền Nam. Năm 1974, TC tăng tốc, viện trợ toàn lực cho VC để tiến chiếm miền Nam. “Củ cà rốt” TC đã đưa ra, đồng thời với chiếc gậy từ tay bên kia quất xuống Hoàng Sa, cùng một thời gian, khóa một cánh cửa phía Đông, tạo một nút chặn phía bên này rọ để tăng sức khống chế lên “con thỏ” VC.

Tháng 5/2014, TC đưa giàn khoan 981 vào gần quần đảo Hoàng Sa trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của VN. Ba tháng sau, Nguyễn Phú Trọng cử đặc phái viên Lê Hồng Anh sang TC. Tháng 11/2015, Tập Cận Bình đến VN. Hai tháng sau, đại hội ĐCS VN lần thứ 12 tổ chức, và Trọng hất Dũng bật ngửa trên chiếc ghế TBT tưởng chừng như đã dán tên Dũng, chỉ việc đến và chễm chệ ngồi khảy móng tay chơi.

Ngày 12/1/17, đúng một năm sau, Trọng đến gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để “định hướng lâu dài cho quan hệ Việt-Trung”, và một loạt các văn bản thỏa hiệp được ký kết sau đó. “Chiếc gậy” của TC được quất xuống biển Đông với chiêu “Giàn khoan 981”, theo sau “củ cà rốt” được quăng ra cho Nguyễn Phú Trọng. Với “củ cà rốt” đó Trọng đột nhiên trở thành “người khổng lồ” đủ sức hất tung đế chế mafia của Dũng, buộc ông TT (thủ tướng) phải về làm người TT (tử tế); nhưng chưa hết, hiện nay cũng đang tê-tê, vì chiếc lò của Trọng đang đốt một cách kịch liệt.

Năm nay, 2019, chiếc gậy TC lại quất xuống biển Đông với chiêu “Bãi Tư Chính”, Trọng mượn cớ bệnh không yết kiến thiên triều. “Ta” đã già rồi, có ăn “cà rốt” cũng không “lột da sống đời” được; nợ nần từ “củ cà rốt” mấy năm trước vẫn chưa trả xong, lạng quạng “bệ hạ” “thí trà” (ban cho một ly trà) thì chiếc lò của ta chưa nướng được tê-tê đã bị tắt, thì ta chết cũng không nhắm mắt.

Đón cơ hội này, bà Ngân đem một phái đoàn hùng hậu sang TC để ăn “cà rốt”. Nhưng dường như bất cứ thứ/ bộ trưởng nào được cử đi TC cũng được coi như là một đặc ân. Nếu Tập Cận Bình mời “cà rốt” coi như an toàn, “đao thương bất nhập”, có lỡ bị quăng vào lò chưa chắc đã bị hề hấn gì, có khi lại trở thành người khổng lồ, như đã từng xảy ra với “người đốt lò vĩ đại”.

“Chiếc gậy và củ cà rốt” trong hầu hết các trường hợp được sử dụng gần như đồng thời, cho nên mới xảy ra việc trong lúc dân Việt bàng hoàng vì TC vừa xâm nhập bãi Tư Chính, TC vừa long trọng tiếp đón phái đoàn của bà Ngân. Báo đảng hô hào bảo vệ tổ quốc, trong khi phó tổng tham mưu trưởng quân đội VC, trung tướng Ngô Minh Tiến, hôm qua 30/7/19, phát biểu:

Lịch sử phát triển quan hệ hai nước tuy đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng vượt lên trên tất cả chúng ta đã và đang nỗ lực không biết mệt mỏi cùng nhau xử lý các khác biệt, duy trì môi trường ổn định và phát triển ở mỗi nước; vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu… đó không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam và Trung Quốc mà còn là tâm nguyện, khát vọng của thế giới văn minh ngày nay”.

Không hiểu làm thế nào mà ông này có thể biết được tới “tâm nguyện” của từng người dân, người lính, không những của VN mà cả của TC, trừ phi ông đã được ăn “củ cà rốt” của TC, nên như một “con thỏ” từng bước tiến vào rọ.

Đảng CSVN đang tiến vào rọ, đừng theo đảng đi vào rọ.

Nguyên Đại
31 Tháng Bảy 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube




16 tháng 5 2019

Chí Lò Vương Ngọa Triều

Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà. Thái tử Lê Long Việt được chỉ định nối ngôi. Người em là Lê Long Tích khởi binh tranh ngôi với anh. Hai bên giao chiến, Tích thua trận chạy vào nam, thuộc khu vực nước Champa thời bấy giờ, sau đó Tích bị người Champa giết chết. Long Việt lên ngôi, nhưng bị một người em khác là Lê Long Đỉnh (Đỉnh còn có tên khác là Lê Chí Trung, cũng lại “Chí”) cho người thuốc chết; cướp ngôi vua.

Sử ký ghi lại, Đỉnh rất tàn ác, đã sai lính bắt trói và chôn những người đã từng chống đối ông xuống bờ sông lúc thủy triều rút xuống. Đỉnh hạ lệnh là chỉ chôn đến ngực, để khi triều dâng, nhưng người này bị chết từ từ trong kinh hoàng và đau đớn.

Sau này Đỉnh bị bệnh trĩ, không ngồi được, nên sai người khiêng luôn cái giường ra để Đỉnh nằm nghe tấu trình và phán định công việc triều chính (có sách lại nói rằng, Đỉnh không ngồi dậy được vì hoang dâm quá độ). Trong lịch sử Việt nam, chỉ có Đỉnh là nằm thiết triều, nên dân gian đặt tên ông là vua Lê Ngọa Triều.

Long Đỉnh làm vua được 4 năm thì mất. Lý Thái Tổ lên ngôi, mở đầu triều đại Nhà Lý, một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử và cũng là duy nhất, lấy công làm thủ, đại tướng Lý Thường Kiệt đã đem quân nam đánh bại các quân Tống đang đồn trú ở hai tỉnh biên giới phía Bắc Việt nam, phá vỡ kế hoạch xâm lăng Đại Việt.

Lịch sử có vẻ tái diễn sau 1000 năm ở Đông-Lào, lần này là sau khi Tấn Dung thất thế chạy vào miền Nam (xưa thuộc nước Champa). Đại Quàng lên ngôi, nhưng không bao lâu thì bị trúng độc mà chết. Lu Trong thay Đại Quàng, lên ngôi tước hiệu là Lu Trong Vương. Khác với Long Đỉnh, người đã dùng thủy hình với những kẻ không theo ông ta, Lu Vương dùng hỏa hình, các quan lại trước đây không phò Lu Vương, lần lượt bị đưa vào “lò”.

Thắng thế ở phương bắc, Lu Vương cùng bộ hạ trực chỉ vào nam, vào cứ địa của Tấn Dung, bất ngờ bị té quỵ, phải nằm trong phòng kín. Khoảng 2 tuần sau, Lu Vương đã tỉnh dậy, cũng giống như Long Đỉnh, Lu Vương chỉ huy việc “hỏa hình”, đốt “lò” từ giường bệnh của mình.

Sau một tháng, Lu Vương đã tỉnh hẳn, tiếp tục dụng hỏa hình, đưa vào “lò” các quan lại không cùng phe cánh. Cao tuổi và vừa tỉnh dậy sau trận đột quỵ, nên khi thiết triều, Lu Vương phải dùng dây để buộc mình vào ghế cho an toàn. Một dụng cụ đặt biệt được các ngự y đeo vào tay Lu Vương có tác dụng phòng độc.

Triều đại của Lu Vương, các quan lại kẻ thì bị trúng độc, người thì bị đưa vào “lò”, kẻ thì trốn chạy qua các nước Tây phương. Dù vậy, Lu Vương bất chấp tuổi cao, trọng bệnh, quyết chí đốt “lò” cho bằng được. “Củi” tươi hay khô gì, đốt được là Lu Vương cho vào “lò” tất, nên dân gian đặt tên là Chí-Lò Vương, hay ngắn gọn hơn: Lò Vương.

Nguyên Đại
16 Tháng Năm 2019

Đã đăng trên :
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook


04 tháng 5 2019

Biếm: Học sinh lớp Hai tả miếu thờ "đứt thánh" và quốc tang

Tập làm văn lớp Hai [có nhiều "lỗi" chính tả]

Đề
Em hãy tả cảnh một ngôi miếu gần nhà

Bài làm

"Đứt thánh" trong bài văn
của một học sinh lớp Hai
Hôm nay chị em dẫn em đi tới một cái miếu gần nhà em. Em và bạn em hay gọi là miếu tàu, vì chính giữa có thờ một ông gì mặt đỏ mà râu dài, bạn em nói là ông Quan công, vì ổng không nghe lời nên bị chết, rồi anh em của ổng chết luôn. Không hiểu sao hôm nay có nhiều người đến thăm miếu, sắp hàng dài thiệt là dài.

Em thấy có một bàn thờ, có để tên là đức thánh trần trên bàn thờ có đặt bảng tên như mấy cái để trên bàn của mấy ông công an. 

Trên bàn thờ có hình một ông bị hói đầu, da mặt thì trắng hồng, còn môi thì đỏ như son như mấy chị ở gần nhà em. Em hỏi chị em ổng là ai, chị nói là ông trần đại quang, ổng giỏi lắm nhưng chết queo rồi vì cái gì… vi-rúc lạ. Em không biết “rúc lạ” là cái gì, để mai đi học em hỏi thằng beo, thằng đó cái gì nó cũng biết.

Rồi chị em nói thêm, nhưng có người nói không phải, đó là tượng của ông Vỏ nguyên giáp, còn thầy của tao thì nói giống mấy tên họn quan. 

Em hỏi chị em, họn quan là gì, chị em nói là mấy người bị cắt chim, rồi đưa vào nhà mấy ông vua, giúp việc cho dợ của ổng. Em hỏi chị em, ủa dậy là ông vỏ nguyên giáp bị cắt chim à. 

Chị em nói chỉ cũng không biết, nhưng chắc là dậy, vì đầu tiên thì ổng đi làm tướng, sau đó ổng chuyển sang làm cái gì đặt dòng cho mấy bà, chắc nếu không bị cắt chim thì làm sao ổng làm được.

Rồi chị em nói là: có người khác nói là hình đó là hình của ông tướng gì ghê lắm tên là đổ bá tị. Em hỏi chị em, nhưng mà em coi trên ti-di thấy ông tỵ mặt đen mà, chị em nói thì lúc lên bàn thờ họ vẻ trắng lại cho nó đẹp. Em hỏi chị, dậy ổng có bị cắt chim không, chị nói chị không biết, nhưng hồi xưa thì ổng đi quýnh lộn, sau đó ổng vô cái gì quốc hội. 
Bàn thờ "đứt thánh"
trong bài văn của một học sinh


Em hỏi, quốc hội là chỗ gì, chị nói là chổ người ta cải lộn, nhưng thầy chị nói thỉnh thoảng mới cải thôi, còn lộn thì nhiều. Em hỏi, dậy ông tị quýnh lộn mà vô đó làm chi, chị nói mày nhiều chiện quá, miễn có lộn là được, để ngày mai em hỏi thằng beo nữa.

Rồi thì em thấy người ta bỏ lên trên bàn thờ đó một bảng tên nữa, em đọc là lê đứt anh. Em hỏi chị em, ủa sao thêm tên nữa, chị nói ông này cũng là tướng quýnh lộn, nhưng ổng ra lệnh lộn nên lính của ổng bị chết, nên người ta đưa lên luôn, mày không coi ti-di à, hôm qua người ta làm đám tang cho ổng đó. 

Em cải lại, có mà, hôm qua em có coi ti-di nhưng thấy nhiều người cười quá, nên em tưởng là đám cưới, em chờ coi hình cô dâu, nhưng không thấy, chỉ thấy có một bà lớn tuổi mặc áo đen thôi. Chị nói, không phải, bà đó là bà Ngân, người ta đọc lộn bả là chủ tịch nước. Em nghỉ cái bàn thờ này sao nhiều người lộn. 

Em hỏi chị, tại sao em thấy có một ông bịt đầu bằng khăn màu đen, giống mấy người nin-ja quá, chị nói có lẻ vì cha ổng là tướng uýnh lộn, nên ông đeo lộn khăn cho nó hợp. Em hỏi chị, thằng beo bạn em, nó uýnh lộn hay lắm, nó có được lên đây không, chị em cười to, rồi nói đây là bàn thờ của người lớn, thằng beo là con nít mà…

Em lại thấy một bàn thờ nữa, có bảng tên, em đọc là đức thánh Nguyễn, nhưng em không thấy hình, chỉ thấy ba khuôn hình phủ vải màu đen. Em hỏi chị tiếp, chị nói, mấy người này chưa chết, họ làm sẳn, mai mốt chết rồi bỏ lên luôn, nghe nói là có ông Trọng chi đó chuẩn bị lên. Em hỏi, còn hai cái khung hình kia, chị nói chắc một cái để là để cho ông Phúc, một cái cho bà Ngân. Rồi thì em mắc tiểu quá, em nói với chị là em phải đi tiểu, chị nói em phải đi nhanh.

Em vào nhà vệ sinh, thấy nhiều người lắm, ai cũng cười nói to thiệt là to. Rồi em đi ra ngoài, em gặp ông bảo vệ, ổng nói, thằng nhỏ mày đứng đây rồi ổng đưa cho em một cái khăn quàng đỏ bảo em đeo vô, rồi thêm một cái khung hình nữa bảo em cầm đứng đây. 
Đám tang của Lê Đức Anh

Em thấy trong hình có một ông đội mũ cười cười, một mắt nheo nheo. Một lát, em đưa hình cho thằng bạn đứng gần bên, em nói xạo với nó là em phải đi toi-lét, rồi thì em chạy u về nhà. Em muốn rủ thằng beo, chia phe uýnh lộn.

Mở ngoặc, em viết bài này không biết thầy giáo cho mấy điểm, nhưng em không sợ, vì em biết thầy Linh của em thích nựng con nít lắm, ổng còn dạy, nên có gì em sẽ rủ bạn em đi xin điểm cho em.

Dạ em tên là Lê bảo Cò, mấy thằng bạn em nó hay chọc em là: lò bị cê. Em rủ thằng beo đi uýnh tụi nó.

Nguyên Đại "sưu tầm"
4 Tháng Năm 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube:
Vietlive tv 5/5/19


26 tháng 4 2019

Đông Lào diễn nghĩa (Phần 2)

Đông Lào Diễn Nghĩa - Phần 2

Nguyên Tác:                   La Quá Hạ
Dịch, Chú, và Bình:     Nguyên Đại

(Tiếp theo phần 1)

Hồi Thứ 44
Trực chỉ Kiên Giang, Lu vương té ghế
Đông Lào lật chủ, Phát tể thế thân


Lu vương từ từ mở mắt, “chúc mừng bệ hạ” quan ngự y và các y công đồng loạt xướng lên, nói cười râm ran. “Đây là đâu và các ngươi là ai?” Lu vương thều thào hỏi, mọi người tranh nhau tâu, nhưng cuối cùng thì nhường lời cho quan ngự y rằng: bệ hạ đang ở Kiên Giang phủ thì bất ngờ ngã quỵ, chúng thần vội vả đưa bệ hạ về phủ y-quán, sau đó đưa bệ hạ về đây. Đoạn, quan ngự y bảo mọi người ra ngoài để Lu vương nghỉ ngơi.

Nằm một mình, Lu vương cố nhớ lại mọi việc: tại sao ta lại ngã quỵ vào đúng ngày này? Trước đó vài hôm Mẫu hậu đã can rằng, hãy đợi thêm vài ngày để tổ chức mừng thọ cho ta, nhưng được tin của Thám quan, ta đã quyết trực chỉ Kiên Giang phủ, để cha con tên tặc thần Tấn Dung không kịp trở tay.

Nào ngờ… Không lẽ thám quân, thám quan của ta có vấn đề? Ngự y đoàn đã cho ta uống loại thuốc gì? Ta nhớ là cũng không có gì đặc biệt, dường như là có thêm một qườn thuốc cảm vặt, không lẽ chuyện là ở đây? Ngự y đoàn của ta có vấn đề? Không đâu, nếu mà có, mạng của ta đâu còn tới bây giờ. Nhưng, cũng có khi tụi nó bất cẩn; hay là… Lu vương cố mím môi. Không lẽ nào, tên tặc thần Tấn Dung không dại gì hại ta ngay ở tại nhà hắn ở Kiên Giang phủ, cái đầu của thằng con nó cứng hơn lưỡi đao trảm quan của ta sao? Hoặc giả, nó có liều mạng, hay hư hư thật thật, tương kế tựu kế chăng?

Nghĩ liên thuyên, đoạn Lu vương bất giác rùng mình… Không lẽ lại là lão Bằng (Hoàng Đế Cán Bằng của đại quốc Lũ-Tau). Nếu thật vậy, mạng của ta nguy rồi. Không lẽ việc ngọn đèn thứ ba, phía nam bị tắt trong lăng Thái Tổ đêm nào lại ứng rằng: mạng của ta phải kết thúc ở vùng hải địa ba đào Kiên Giang, kiêng gió này sao?

Lu vương mở mắt nhìn không chớp lên trần y quán. “Khuôn xanh nào biết vuông tròn mà hay”, quả thật đời người qua nhanh; thoáng chốc, hình hài, màu sắc đã đổi thay, nào ai biết, nào ai hay. Lúc ta còn đứng vuông vức, hiên ngang ở Kiên Giang phủ, một màu chói đỏ. Chớp mắt, giờ đã ở đây xung quanh là những chai lọ ngổn ngang, tròn trịa, và chỉ còn những màu xanh, trắng. Màu đỏ nơi đây là màu của tử thần, của sợ sệt, lo âu…Chợt có người vào báo, có quân sư Trần Vượn đến viếng. Lu vương cho mời vào.

Lu vương cho đuổi hết mọi người ra, chỉ để lại hai cận vệ tin cẩn nhất, y công cũng được cho lui ra ngoài mấy trượng. Lu vương nghe quân sư báo lại nội vụ, nghĩ đoạn, rồi hỏi: theo ý quân sư, ta nên như thế nào? 

Trần Vượn hạ giọng: Tạm thời bệ hạ cứ ở đây nghỉ ngơi một thời gian, thần sẽ theo ý chỉ của bệ hạ làm một số việc: lệnh cho tất cả cận thần phải hoàn toàn tuyệt đối giữ bí mật về sức khỏe của bệ hạ. Chừng nào mà thần sắc của bệ hạ còn là một bí mật, thì chừng đó những kẻ đối nghịch với bệ hạ còn tranh cãi, phân vân về những bước kế tiếp của bọn chúng, ta như người ở trong tối, ẩn mình quan sát tình hình cho kỹ, không nên vọng động.

Lu vương gật gù, đoạn thở dài, rồi rằng: Ta còn nhiều việc muốn làm, ta không cam tâm, chừng nào mà tên tặc thần Tấn Dung và bè lũ của nó còn nhởn nhơ cười cười nói nói… Trần Vượn tiếp lời: Bệ hạ là bậc minh quân, tặc thần Tấn Dung không thể sánh được với bệ hạ, trời sẽ cho bệ hạ sức khỏe để diệt nó. Lu vương cười, có chút mếu máo, vì phần miệng và nửa người bên trái không được toại ý. Trần Vượn đỡ Lu vương dậy, và định lấy chén sâm đưa cho Lu vương, nhưng Lu vương lắc đầu, ý là không cần.

Lu vương có ý kêu Trần Vượn tới gần hơn để nghe cho rõ, rồi tiếp: Ta muốn ngươi giúp ta một việc: Triệu tập các chỉ huy ngự lâm quân mở cuộc điều tra toàn diện đối với thám quân, vệ binh, ngự y đoàn và dĩ nhiên là tất cả những người trong Kiên Giang phủ, trực tiếp và gián tiếp có liên hệ tới các cuộc tiếp xúc với ta trong suốt thời gian ta ở Kiên Giang phủ và ngay cả nhiều ngày trước đó, ta muốn ngươi, đích thân ngươi, thừa ý chỉ của ta, rà xét lại toàn bộ mọi việc.

Trần Vượn gật đầu: Thần tuân lệnh. Lu vương nói nhỏ, ngay cả tên Phạm Chính cũng không được bỏ qua, hừm… nói gì là “ngọn đèn thứ ba…”. Trần Vượn dường như không hiểu câu cuối cùng, liên quan gì đến đèn đuốc??? Lu vương xua tay, ồ… không cần đâu, không quan trọng. Trần Vượn xin phép lui ra.

Đi được ba bước, như chợt nhớ ra điều gì, Lu vương vội ra dấu cho vệ sĩ gọi Trần Vượn quay lại. Đoạn Lu vương nói tiếp: mọi việc khác ngươi cứ việc thay ta, nhưng tuyệt đối không nên gặp lão Bằng, hắn có thể giết ta không được, tức mình hại ngươi luôn, thì nhà Lu của ta nguy mất. Trần Vượn cũng vừa chợt nhớ ra, còn một việc quan trọng chưa thỉnh ý Lu vương, ai sẽ thay Lu vương sang gặp Bằng lão hoàng đế. Lu vương nói nhỏ: ngươi không được đi, như ta đã nói, nên sắp xếp để cho Niêng Phát tể tướng đi thay ta.

Trần Vượn đã biết ý Lu vương, nhưng giả bộ nhìn Lu vương, để Lu vương nói ra cho chắc ăn. Lu vương cười (cũng còn chút mếu máo): bảo nó đi, nếu lão Bằng có nổi điên mà giết nó, thì coi như lão giúp ta, nhưng ta nghĩ lão không giết thằng “trẻ con cao tuổi” này đâu.

Lu vương chợt nhìn xa xăm… nhớ lại lúc chính lão Bằng đã có ý muốn Niêng Phát thay chỗ của Tấn Dung. Lu vương nói tiếp: Ta muốn mỗi ngày, người vào đây thăm ta một lần. Trần Vượn hiểu ý, dạ thật to, rồi xin phép cáo từ.

Lu vương cố gắng lắm, mỗi ngày cố gắng đi lại, ban đầu trong phòng, rồi dần dần ra hành lang, đi đi lại lại, ngắm các cây bon-sai trong vườn y quán. Lu vương bảo với quan ngự y rằng: Hãy nói với các quan trong triều, những người muốn gặp ta, là ta chưa được khỏe. Ta không muốn tiếp ai cả, người nào ta muốn gặp, ta sẽ báo cho ngươi biết. Ngự y vâng dạ.

Lu vương có nhiều thời gian hơn, không còn gặp quá nhiều người, nghe, đọc nhiều tấu chương, chợt cảm nhận hạnh phúc của một lão gia vui thú điền viên, không màng đến thế sự… Nhưng chỉ là vài phút thoáng qua, còn thì không thể quên được khi nhớ lại cái cảm giác té quỵ trong Kiên Giang phủ, lẽ nào “trời đã sinh Lu, sao còn sinh Tấn”. Không thể nào: Gia Cát là thần nhân, còn thằng Tấn Dung đâu có xứng. Ta còn sống, là trời còn thương, ta phải bắt nó tống vào thiên lao, thì ta mới cam lòng nhắm mắt đời này.

Trần Vượn làm y như vậy, mỗi ngày vào thăm Lu vương một lần, báo cáo tình hình. Có một ngày, Trần Vượn không vào, hôm sau mới vào, Lu vương gặp Vượn nhướn mày, có ý hỏi. Trần Vượn vội vàng tâu, xin bệ hạ tha tội, nguyên lão tam triều, tướng Bùi Lang vừa qua đời hôm qua, nên thời biểu của thần có chút xáo trộn. 

Lu vương cười gằn từng tiếng: lão già độc nhỡn đó bây giờ mới chịu chết à, không vì hắn kỳ-đà cản mũi che chở cho gian tặc Tấn Dung thì ta đã giải quyết xong thằng Tấn lâu rồi, không phải đến bây giờ, chưa bắt được được nó, mà phải té quỵ trong phủ của nó mới tức chứ!

Trần Vượn thấy Lu vương giận quá, không dám nói gì. Chờ cho Lu vương nguôi giận bèn tiếp, nhưng mà tang lễ của nguyên lão tam triều cần hoàng thượng đứng làm chủ lễ, đó cũng chính là điều quan trọng mà thần muốn thỉnh ý bệ hạ hôm nay.

Lu vương ngồi trầm ngâm một chặp khá lâu, nghĩ bụng: ta còn có thể đi lại được, mà không đứng ra làm chủ việc này thì không ổn. Tục lệ Đông Lào từ bao năm nay không thể bị phá trong tay ta. Nhưng đứng ra làm chủ lễ trong tình trạng chân miệng bất toại như thế này không khéo lại làm cho lũ phản tặc hả hê, ta thật không cam lòng. 

Ta cũng không thể lưu lại ở đây quá lâu, các vụ điều tra không hiểu vì sao tiến hành quá chậm chạp, không thấy có kết quả gì. Hay là bệnh già? Ồ, không đâu, vua nước Ma-Lày hơn ta những 19 tuổi, ta không sao đâu, Lu vương tự nói với mình. Người xưa cũng nói, nước không thể một ngày không vua, ta cũng không thể ẩn ở đây quá lâu, quan quân nghi ngờ, sinh biến loạn.

Nghĩ đoạn, Lu vương cười cười nói với Trần Vượn rằng: quân sư yên tâm, ta sẽ đích thân làm chủ vụ này, ta nghỉ ngơi cũng đủ rồi, giờ là lúc phải ra mặt để ổn định tình hình và tiếp tục các trận hỏa công còn dang dở, ta phải thắp đèn, và quân sư phải giúp ta chuẩn bị bài vị cho cái tên phản tặc. Đông Lào đang mùa hè nên lửa phải tiếp tục cháy.

Trần Vượn chợt rút khăn tay thấm mồ hôi vì trời nóng quá… và thấm luôn cả mồ hôi lạnh, vì bất chợt y cảm thấy rùng mình.

Nguyên Đại
26 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook