02/08/2024

THÁNG BẢY VĨ ĐẠI

Tháng Bảy, 2024 qua đi với nhiều điều vĩ đại:

NGHIÊNG ĐẦU
Đầu tiên phải nói đến cú nghiêng đầu của ông Trump vào ngày thứ 13 (13/7). Làm thế nào mà một cậu nhóc mới 20 tuổi có thể lấy súng của cha mình, vượt qua hàng rào đặc vụ Mỹ, leo lên một mái nhà cách bục diễn thuyết của ứng viên tổng thống chưa đầy 140m, ngắm thẳng vào đầu ông Trump và bóp cò? Và, làm thế nào mà viên đạn chỉ có thể làm rách vành tai của ông Trump? Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm cho tất cả các phương tiện truyền thông trên thế giới dậy sóng, giống như vụ khủng bố 911, 23 năm về trước.
 
Hàng triệu tin nhắn “Chúa phù hộ nước Mỹ”, “Chúa phù hộ Trump” dường như muốn làm các mảng truyền thông xã hội…hết mực. Ông Trump có thể trở thành Tổng Thống thứ 47 của Mỹ hay không, phải chờ vài tháng nữa mới rõ. Và, có phải là một trong những tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ hay không, phải chờ đến vài chục năm sau mới chắc được. Nhưng, có thể chắc chắn là nếu ông không làm một cú nghiêng đầu đó thì lịch sử sẽ khác đi. Ông thực là một người NGHIÊNG ĐẦU vĩ đại.

LẮP BẮP
Dù ở nơi nào trên hành tinh này thì việc ai làm tổng thống Mỹ cũng ảnh hưởng ít nhiều. Sau cuộc tranh luận giữa Trump và Biden do hãng CNN tổ chức khoảng 2 tuần trước khi ông Trump bị nhắm bắn; TT Biden, 81 tuổi, đã rút khỏi đường đua về Tòa Bạch Ốc cho nhiệm kỳ tổng thống sắp tới.
Có một đoản phim (video clip) khá hài hước về cuộc tranh luận của hai ông, lúc Biden nói về một điều gì đó, và người điều khiển chương trình yêu cầu Trump bình luận. Trump nói: Tui không hiểu ổng nói cái gì cả, nhất là mấy câu cuối…Và tui nghĩ ổng cũng không hiểu ổng nói cái gì luôn, cùng với vẻ mặt hết sức nghiêm trọng của hai ông, có lẽ là một thước phim hài hước được xem nhiều nhất trong tháng Bảy.
 
Sau 52 năm thăng trầm trong chính trường Hoa Kỳ, Biden tuyên bố rút khỏi đường đua vào ngày 20/7, một tuần sau khi Trump bị bắn hụt. Ông Biden nhận được sự kính trọng của các đồng nghiệp thuộc lưỡng đảng chính trị Mỹ và dân chúng Hoa Kỳ. Trong số các người lắp bắp trên hành tinh này, ông là người LẮP BẮP vĩ đại nhất.

BẮT GIÒI
Ông Trọng qua đời vào ngày 19/7 ở tuổi 80, lúc đang giữ chức Tổng Bí Thư ĐCSVN, nổi tiếng nhất trong việc chống tham nhũng. Ông nói rõ là ông “đốt lò” và củi tươi cũng phải cháy, lúc lò đã nóng.
“Củi tươi” là các cán bộ cao cấp, dày công trạng, của đảng một thời; sau đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đục khoét, phá hoại tài nguyên đất nước, chiếm đoạt làm của riêng, ăn chơi phung phí. Những “con giòi” đó, có con to như con ếch (Ba X), có con biết hát những nốt La Thăng trầm bổng du dương khi về Saigon dọn rác trước một rừng ống kính PR, có con từ rừng núi Bắc Sơn đã đi lên chức bộ trưởng từ việc canh nghĩa địa/mộ/lăng.
 
Có điều, là sau khi bắt nhốt, biệt cư đống giòi bọ đó để tạo nên một nội các “sạch”, thì chính các thành viên tứ trụ đó lại trở thành những con “gì… oi” lớn hơn, mập hơn, và gian ác hơn: mua bộ thử Covid với giá rẻ từ TC, đè hàng triệu người dân chọt mũi, và bắt đóng tiền, dân Việt “lên bờ xuống ruộng” với đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ba X đi trước làm “người tử tế”, ba (3) trụ (Phúc, Thưởng, Huệ) đi sau như “hương thầm” “dịu dàng”, không tử tế chút nào, trước khi trụ cuối cùng gãy, để lại một chiến trường ngổn ngang: thịt bò, vàng, và những cú táp hứa hẹn sẽ rất lớn, và khủng khiếp như …hà mã.
 
Ông Trọng cũng nổi tiếng…như Tư Mã Ý, lúc nào biết nhường Tào, lặn sâu, rất sâu trong những ngày biển miền Trung đầy xác cá chết, ngài đã rất dịu hiền và từ tốn thăm một vườn rau gần đó và im lặng!…
Điều vĩ đại thật sự xin dành cho những người dân chài miền Trung một thời quằn quại đã im lặng chia buồn cùng gia đình của một vị nguyên thủ đã từng quay lưng với nỗi khổ đau thê thảm của họ.
Rác rưởi rồi cũng trôi đi theo luật vô thường, và lịch sử Việt Nam ghi nhận ông Trọng là người BẮT GIÒI vĩ đại.

HAY!
Hình: Youtuber tại buổi làm việc với
CAVN tỉnh An Giang
/ Ảnh của Tiến Tầm/ VN Express 4/7/24
Ở trên là chuyện của quan lớn, còn chuyện của “dân quèn” thì sao? 

Hai người dân, không hiểu họ “biết, làm, và kiểm tra” thế nào mà chụp hình một cục đá đưa lên mạng rồi nói (họ thấy) “giống sư Minh Tuệ”, kết quả là bị chính quyền phạt 10 triệu VNĐ (khoảng 400 đô Mỹ = hơn một tháng lương công nhân) vào ngày 4/7.
 
Cục đá thì nói cục đá, tưởng tưởng thì nói tưởng tượng thì là: “đăng tải thông tin bịa đặt…” (theo cáo trạng của công an). Trong khi, lấy một cộng cỏ đen (Pili) hô lớn là “tóc Phật” để hốt bạc của dân nghèo và cả các quan rất lớn nữa, thì luật pháp không quan tâm.
 
Nói THẬT về sự tưởng tượng là tung tin “không thật”. Ngược lại, sau khi bị phát hiện dùng đồ giả mà thông báo rầm rộ rằng đó là “đồ thật” thì vẫn là một sư trụ trì giàu nhất Việt Nam (TTT Minh), được chính quyền miễn truy cứu.
Minh sau đó nói: biết là đồ giả nhưng cứ coi như đồ thật và thờ cúng đi, không sao cả. Minh nói “hay”! như khẩu hiệu!

Nguyên Đại
2 Tháng Tám, 2024

30/06/2024

NHỮNG BÌNH THƯỜNG MẦU NHIỆM


Những công nhân Trung Đông lúc bị chôn vùi trong tai nạn hầm mỏ, dường như cái chết là chắc chắn trong tối tăm, và họ đã chuẩn bị. Vài ngày sau, họ thấy được một ánh đèn pin của những người cứu trợ, họ được cứu sống sau đó. Tia sáng le lói đến với họ trong lúc thập tử là mầu nhiệm từ thánh Ala (Allah).

Những chiến sĩ Ba-Lan, quê hương của Cố Giáo Hoàng, Gioan Phaolo Đệ Nhị (Pope John Paul II), bị lạc trong rừng tuyết phủ trắng, tiếng gọi của đồng đội, người đã dẫn đường cho họ sau đó, là thông điệp từ Chúa Jesus.

Những con thuyền lênh đênh đói khát trên biển Đông những năm 80-90 của thế kỷ trước, cơn mưa bất chợt đến như giọt nước độ sinh từ Phật. Những con người đen đủi đó đã quỳ xuống trên thuyền, giàn giụa nước mắt, cảm ơn những giọt nước mầu nhiệm. Người khác thì lặng lẽ làm dấu thánh và cầu kinh, cảm tạ ân sủng từ Thiên Chúa.
 
Không thể biết chắc những giọt nước mưa bình thường đó đến từ Chúa hay Phật, nhưng có thể chắc chắn rằng, đối với những con người bất hạnh khát khao trên thuyền lúc đó, những giọt mưa ấy là ân sủng, là mầu nhiệm.
 
Mầu nhiệm không phải là hào quang, chói chang, rực rỡ; không phải tiếng sấm sét rung chuyển đất trời; không phải là giọt nước ngọt ngào đặc biệt. Mầu nhiệm đến từ một vệt sáng mong manh, một tiếng gọi nhẹ nhàng của đồng nghiệp, những giọt nước mưa rất đỗi bình thường. Chính đêm tối tăm, nỗi cô đơn tột cùng, sự đói khát nghiệt ngã đã làm cho một tia sáng mặt trời, tiếng gọi của bạn, những giọt nước mưa bình thường trở nên những mầu nhiệm.

Cũng vậy, một ngày ra cửa gặp một nhà sư đầu trần, chân đất, áo vá chằng chịt, đứng lặng yên…
Tự nhiên thấy mình hạnh phúc, vì mình có một mái nhà để trú nắng mưa, bộ đồ mặc trên người cũng lành lặn, và …chí ít cũng có một đôi dép dưới chân, tại sao mình vẫn chưa có được sự bình an? Ông ấy chỉ cần thức ăn cho một bữa, không giữ tiền bạc. Tại sao mình có thức ăn thừa, có tiền “rất nhiều hơn ông ấy”; vì sao mình vẫn cứ băn khoăn, lo lắng quá nhiều?

Nhà sư vừa bị đánh, vì có có kẻ cho rằng sư vẫn mạnh khỏe, sao không đi làm, mà đi xin! Kẻ ấy có thể không cho ông ấy thức ăn, nhưng không thể can thiệp vào sự chọn lựa của nhà sư. Không thể vô cớ tạo thương tích cho một người, chỉ vì họ có cuộc sống khác mình. Dù vậy, nhà sư vẫn vui vẻ, và chúc phúc cho kẻ đánh mình.
 
Sự từ bỏ sân hận, nuôi dưỡng lòng từ bi là suối nguồn của hạnh phúc. Mình có thể dừng lại những “ăn miếng, trả miếng” để khởi đầu những bình an không? Mình có thể dằn lại những bực bội trong đời thường để hóa giải thành những cảm thông không?
Nhà sư đứng đó, chẳng có gì cả, không có chức tước từ bất cứ đoàn thể nào. Mình là cha, là mẹ, là thầy giáo với bao nhiêu học trò… “hơn ông ấy nhiều chứ”, tại sao mình vẫn cứ thấy chưa đủ, miệt mài giành giựt…?

Sự xuất hiện của một con người đen bụi trước mặt mình chính là lời khuyên từ kinh Phật, thông điệp của bình an và hạnh phúc. Thái độ sống của ông ấy dường như kích hoạt bộ phận phanh-thắng, giữ cho chiếc xe của cuộc đời mình trong một vận tốc chậm hơn, và vì thế an toàn hơn. Mình có duyên gặp ông ấy, nhưng cái duyên đó chỉ có thể khởi sinh, lớn lên cùng với sự thay đổi trong nhận thức của chính mình.
 
Ông sư ấy dường như không có gì để cho mình cả, ngoài ánh nhìn nhân hậu. Mình cũng không thể cung dưỡng ông ấy cái gì quá to tát, vượt tầm tay, ngoài một gói xôi, hay chai nước. Nhưng, nhân duyên vi tế đó có thể là khởi đầu cho một mầu nhiệm đến với cuộc đời mình, như một tia sáng, một ơn gọi từ đấng thiêng liêng.
 
Khi nhiều người Việt, ngoài việc đối diện với một lô “nghĩa vụ”, “những bôi trơn” trong cuộc sống hằng ngày ở kiếp này; họ còn có “nghĩa vụ” cúng dường cho các “thầy” vì sự an toàn của “(nhiều) kiếp sau”. Các “thầy”, các “cô”, những người “siêu việt, tài ba, với một lô bằng cấp”, trắng trẻo, mủm mỉm với nhà đẹp, xe sang, đồ hiệu, được giáo hội của chính phủ cấp giấy phép hành nghề, ngày ngày tháng tháng đem vào đầu các Phật tử, rằng: họ phải chịu tội cả kiếp sau, và cúng tiền, thật nhiều tiền, cho những vong, ma. Đêm tối, tuyết lạnh, đói khát, lạc đường?...

Trong đêm tối của “thập diện mai phục, trùng trùng nợ nần”, một ông sư đứng đó đen đúa bụi đường, không nhận tiền, chỉ cần một gói cơm cho qua một bữa…chính là những bình thường mầu nhiệm, là tia sáng le lói trong đêm trường lầm lạc từ những đe dọa tối tăm, là tiếng gọi thân thương của người bạn đồng hành trên trần thế này, là giọt nước bình thường làm tái sinh những cuộc đời lạc lối, u mê.

Nguyên Đại
30 Tháng Sáu, 2024

09/06/2024

NHỮNG BÔNG HOA


Chúng ta đã từng là một đôi hoàn hảo
Chúng ta đã có những giấc mơ hạnh phúc
Chúng ta đã xây căn nhà cho chúng mình, và rồi đánh mất nó đi
Chúng ta đã bên nhau, và rời xa…
Em không muốn rời xa anh
Em không muốn dối lòng
Đã bắt đầu khóc, và rồi em biết, em…
Có thể viết tên em trên cát
Có thể tâm sự nhiều giờ với chính em
Có thể nói những điều mà anh không hiểu
Có thể nắm lấy bàn tay của chính mình
Thật đấy, em có thể yêu em nhiều hơn anh có thể…
Em đã không muốn chia xa, nhưng…
Em sẽ không ân hận, hối tiếc, và sẽ tha thứ những điều anh đã nói…
và em
…Có thể tự tặng cho mình những bông hoa…




Người viết lược dịch ca từ trong “Flowers” của Miley Cyrus. Ca khúc Miley đã viết để kỷ niệm cuộc chia xa của chính mình với người tình, đã đoạt nhiều giải thưởng lớn từ năm ngoái; và năm nay 2024 vừa đoạt giải Grammy cho Best Pop Solo Performance, đơn ca hay nhất của năm.
 
Khi chia xa là điều không thể tránh, người trong cuộc có thể vẫn tìm được hạnh phúc cho chính mình, nếu buông bỏ những kỷ niệm cả vui lẫn buồn, từ chối việc chiếm hữu, tự tặng cho mình những bông hoa…

***

Những ngày qua, nhiều người Việt đã đi trên những con đường nhựa nóng cháy của thế giới thực, và cũng như vậy đối với thế giới ảo. Không vì điều gì cả…dường như chỉ là tình yêu lớn đối với một con người nhỏ bé và rất mực khiêm cung.

Không lợi, không có gì cả…
Không danh, không thuộc bất cứ một đoàn thể nào…
Không tham, không nhận thêm bất cứ gì...chỉ một phần cơm chay đủ sống mỗi ngày.
Không giận, dù bị đánh đập vô cớ
Không si mê, mong cầu. Không được và cũng không mất gì…

Nhưng, chính cái KHÔNG đó đã xuyên phá tất cả những lọc lừa, dối trá, những miếu đền lòe loẹt phù du, những lâu đài đong đưa trên cát. Tiếng chuông vô âm ấy đã làm thức tỉnh những u mê.
 
Bóng tối tìm cách gắn “căn cước”, định vị nguồn sáng vừa bừng lên đó. Sóng dữ tìm cách che chắn, lấn áp một ngọn hải đăng.

Khi cuộc chia ly là không thể tránh, hãy tặng cho mình những bông hoa… Bông hoa bình an, vô nhiễm, bông hoa của suy niệm. Không có màu sắc của chiếm hữu, giận dữ, mong cầu. Bông hoa của tâm thức hiểu biết sáng trong… minh tuệ.

Nguyên Đại
9 Tháng Sáu, 2024

21/11/2023

RẤT TIẾC...ÔNG KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Tháng 7- 2023, một ông già từ Mỹ, đã hơn 100 tuổi và dĩ nhiên đã về hưu từ rất lâu, đến Bắc Kinh, và Tập Cận Bình đã gặp ông như một người bạn quý [hình 1]. Một tháng trước đó, đương kim Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Anthony Blinken, đến Bắc Kinh và ông Tập tiếp đón theo cung cách “hoàng đế tiếp sứ giả” [hình 2]. Vì sao có sự khác biệt đó? Bởi, ông già đó là Henry Kissinger.
Kissinger & Xi Jiping (Peking, Nov-2023)
 
Kissinger gốc Do Thái, sinh ở Đức ngày 27-5-1923, đến Mỹ tỵ nạn Đức Quốc Xã, năm 1938. Ông tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chính trị tại đại học Harvard năm 1954. Sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục phục vụ ở trường đại học một thời gian, trước khi trở thành Cố Vấn An Ninh cho cựu tổng thống Nixon vào năm 1969. Một năm sau biến cố Mậu Thân trong chiến tranh Việt Nam.
 
Hai năm sau, 1971, Kissinger bắt đầu có những chuyến đi con thoi giữa Washington và Bắc Kinh. Năm 1972, Mỹ và Trung Cộng chính thức xác lập quan hệ ngoại giao, chấp dứt 23 năm cách ly và thù địch. Cùng năm, Đài Loan bị đẩy khỏi chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc, nhường chỗ cho Trung Cộng, cho tới tận ngày nay.

Blinken & Xi Jiping (Peking, Oct-2023)

Song song với việc xây dựng quan hệ Mỹ - Trung, Kissinger thúc đẩy chính phủ Mỹ thương lượng với chính phủ cộng sản Bắc Việt (CSBV), đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam, và rút quân Mỹ khỏi chiến trường Đông Dương.
 
Trong hai năm 1972 và 1973, Kissinger gặp Lê Đức Thọ nhiều lần ở Paris, chính thức và bí mật. Tháng 10-1972, Kissinger và Ellsworth Bunker, đại sứ Hoa Kỳ ở Miền Nam Việt Nam lúc đó, gặp Tổng Thống Thiệu ở Sài-gòn, và “ép” ông Thiệu ký hiệp ước “hòa bình”. Ông Thiệu từ chối, và yêu cầu bản thảo hiệp ước phải được chỉnh sửa. Kissinger rời Sài-gòn đến Paris gặp ông Thọ. Ngày 13-12-1972, ông Thọ rời khỏi bàn đàm phán ở Paris và trở về Hà Nội, từ chối các điểm chỉnh sửa do ông Thiệu yêu cầu.
Ngày 8-1-1973, Kissinger gặp lại ông Thọ ở Paris, và ngày hôm sau, Kissinger và Thọ đã đi đến sự đồng thuận, với một vài tiểu tiết nhượng bộ đối với người Mỹ. Ông Thiệu từ chối ký vào hiệp ước này, nhưng Nixon đã có quyết định chung cuộc. Ngày 27-1-1973, hiệp định Paris được ký kết, người Mỹ đồng ý hoàn tất việc rút quân vào tháng Ba cùng năm.
 
Tháng 12-1973, Kissinger và Thọ được trao giải Nobel Hòa Bình. Thọ từ chối nhận giải thưởng, nói rằng miền Nam vẫn không có hòa bình sau hiệp định. Kissinger cũng không tới nhận giải, sau đó ông viết cho Ủy Ban trao giải Nobel rằng ông nhận giải với sự trân trọng, nhưng yêu cầu tặng toàn bộ số tiền thưởng cho trẻ em của những gia đình Mỹ có người tham gia trong cuộc chiến Việt Nam.

Tháng 11-1974, Kissinger vận động để Brezhnev (Tổng Bí Thư Liên Xô thời đó) ngừng viện trợ cho CSBV, và ông cũng vận động để Mao và Chu Ân Lai của Trung Cộng ngừng viện trợ quân sự cho CSBV, ông cũng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự cho VNCH. Nhưng, đã muộn…tất cả các cuộc vận động đó đều không thành công. Sài-gòn sụp đổ, hay “được giải phóng”…tháng 4-1975.

Dù ở góc nhìn nào, không thể phủ nhận vai trò của Kissinger trong chiến tranh Việt Nam. 58 ngàn lính Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam, chưa kể quân đội Đồng Minh. Việc rút quân sau hiệp định Paris đã kết thúc dòng chảy hủy diệt đó, và dập tắt ngọn lửa phong trào phản chiến lan rộng khắp thế giới, trong những thập niên 60, 70. Kissinger đã góp phần đem con em những người Mỹ trở về nhà, thay vì những cuộc hành quân liên miên cùng với tử thần trên một chiến trường rừng núi, đầm lầy, cách quê hương của họ nhiều ngàn dặm.
 
Cuộc chiến kết thúc, và người Việt hai miền Nam Bắc không còn bị chết, thương tật trên chiến trường. Chiến tranh, dĩ nhiên, không bao giờ được yêu chuộng. Nhưng, nhiều thảm kịch sau cuộc chiến có lẽ là điều mà không bao giờ Kissinger có thể hình dung trước đó, bao gồm cuộc sống khốc liệt trong các trại tù “cải tạo”, những nghiệt ngã mưu sinh ở vùng “kinh tế mới”, những đau đớn chất ngất trên những chặng đường vượt biển, trong các trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á…và những giọt nước mắt xót xa đọng lại cùng với những vết thương khó lành, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Kissinger góp phần trong chiến lược định hình quan hệ Mỹ-Trung, chia cắt hai cường quốc cộng sản Trung-Xô, như một thế Domino, kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Không hiểu Kissinger nghĩ gì, khi một Liên-Xô trong thời trẻ của ông, ngay thời điểm này, lại chìm ngập trong “nội chiến” giữa hai bang Nga và Ukraine của ngày xưa.
 
Nếu có thể có một điều ước, có lẽ Tổng Thống Zelenskyy của Ukraine mong có một Kissinger nào đó của nước Nga, người sẽ tìm cách thuyết phục Putin rút quân khỏi chiến trường Ukraine, đem lại hòa bình trên đất nước mà số phận đặt để ở vị trí tiền đồn Đông Âu của NATO hiện nay, tương tự như Miền Nam Việt Nam trước năm 75.

Ở tuổi ngũ thập, Kissinger đã góp công lớn xây dựng quan hệ Mỹ-Trung, thay đổi cục diện trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Ở tuổi bách niên, ông lại đi Bắc Kinh, với ý định làm tan băng trong quan hệ Mỹ-Trung lần nữa. Ông là một công dân Hoa Kỳ, một người bạn của Trung Cộng.
 
Rất tiếc, ông không phải là một người Việt Nam. Và, có lẽ ông cũng chuẩn bị đi…rất xa. Kính tiễn ông.

Nguyên Đại
21 Tháng Mười Một, 2023

28/05/2023

"CHIÊU MỘ LIỆT SĨ"

Trong nghĩa trang liệt sĩ bộ đội Trường Sơn, có một cái chuông (Đại Hồng Chung), trên đó có một bài thơ của "GS" Vũ Khiêu, rằng:
"Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình"

Hoàng Tuấn Công, trên trang fb cá nhân, đã chỉ ra:
1. Chữ "chiêu mộ" là cách viết sai chính tả. Chữ đúng phải là "triêu mộ" (nghĩa là: sáng và chiều)
2. Không ai lại đi chiêu mộ (tuyển dụng) người đã chết
3. Hai câu cuối của bài thơ trên lại hao hao giống hai câu trong bài "Chơi Đài Khán Xuân" rất "Hồ Xuân Hương" như sau:

Êm ái chiều xuân tới Khán Đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ, chuông gầm sóng
Một vũng tang thương, nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào là cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười

Đây là một "tai nạn" kiểu:
Đường Mòn HCM = "ĐMHCM"
Thượng Lộ Bình An = "Up road in peace"

Người viết (NĐ) đề nghị nên sửa lại mấy câu trên Đại Hồng Chung ở Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn như sau:
Bát ngát Trường Sơn uất liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải oan anh linh
Ba hồi triêu mộ thức tâm trí
Muôn dặm non sông tận nghĩa tình

Nguyên Đại
28 Tháng Năm 2023














27/05/2023

NÓI VỚI LÂM

Chỉ là "thánh rắc hành"
Bán bún phở mưu sinh
Tù 5 năm 6 tháng
Cộng quản chế 4 năm

Ông quan ngồi quán sang
Há miệng đớp thịt vàng
Bắt hết người phản đối
Để "đảng ta" vinh quang

Ôi! cách mạng vô sản
Xương máu đổ bao năm
Kẻ ngồi mát bát vàng
Người đớn đau vô tội!

Đây! "cộng hòa xả nghĩa"
Nghe là muốn đi...
Này! cờ đỏ sao vàng
Lúc cần..., để cho sang

Nguyên Đại
27 Tháng Năm 2023











Bùi Tuấn Lâm








06/05/2023

TIỀN NHÂN

Tờ $1 đô Mỹ có in hình Washington, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ. Tướng George Washington, sau khi thắng quân đội Hoàng Gia Anh Quốc, giành độc lập cho Hoa Kỳ đã không “biến” mình trở thành vua Mỹ, mà tuân thủ quy định của hiến pháp, chỉ ở lại phủ tổng thống đúng 2 nhiệm kỳ (1789-1797).

Hình in trên tờ $5 đô Mỹ là chân dung của Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ, được biết đến như một nhân cách vĩ đại trong lịch sử nhân loại, khi ông chấm dứt cuộc nội chiến duy nhất, và đẫm máu nhất, trong lịch sử Hoa Kỳ, xóa bỏ chế độ nộ lệ, bằng một bài diễn văn chỉ gồm 76 từ, trong đó không có từ nào nói về sự chiến thắng. Không có chiến thắng ở cuộc chiến đó, bởi viên đạn xuyên qua bất kỳ một người lính nào của hai miền Nam-Bắc Mỹ, cũng đều xuyên qua trái tim của một người mẹ, cũng đều đưa đến cái chết của một người Mỹ. Ông là vị tổng thống được yêu thích nhất trong lịch sử nước Hoa Kỳ bởi viễn kiến, tài năng, và quan trọng nhất là lòng nhân ái.

Các tờ giấy bạc của Mỹ dường như ghi lại các giai đoạn lịch sử quan trọng và những đóng góp to lớn của các vị tổng thống Mỹ đối với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. $20: Andrew Jackson, $50: Ulysses Grant, $100: Benjamin Franklin.
 
Tờ bạc $100 đô có mệnh giá lớn nhất hiện lưu hành ở Úc in hình của John Monash, một vị tướng tài ba nhất trong lịch sử Úc, và một trong những vị tướng lỗi lạc bậc nhất trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất. Học thuyết quân sự của ông được áp dụng và phát triển ngay cả trong chiến tranh hiện đại, bởi nó đặt ưu tiên trên sinh mạng của người lính.
 
Washington, Lincoln…; Monash… là lịch sử, là tiền nhân của đất nước Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi.

Trên tất cả các tờ bạc do CSVN phát hành chỉ có hình của Hồ Chí Minh. Dân tộc Việt không có lịch sử, chỉ có HCM mới xứng đáng là tiền nhân?

Trên tờ giấy bạc $500 có mệnh giá lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước năm 1975 là hình ảnh của Hưng Đạo Đại Vương, ba lần lãnh đạo dân tộc Việt đánh bại quân xâm lược Mông Cổ.



Tháng Tư, 2023, Úc phát hành đồng tiền kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam (1973 -2023). Chính phủ đảng CSVN lên tiếng phản đối…

Quân đội Úc đã chiến đấu bên cạnh những người lính Việt, dưới là cờ VNCH. Sinh mạng và máu của những người lính Úc đã đổ xuống trên chiến trường VN để ngăn bước tiến của chủ nghĩa cộng sản ngoài vĩ tuyến 17 là Sự Thật, là Lịch Sử.

Người Mỹ, Úc tôn trọng sự thật, ghi nhận công đức của tiền nhân, vinh danh những người lính đã hy sinh xương máu cho lịch sử đất nước. Họ có tiền nhân suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc họ.
 
Khác với đảng CSVN chỉ có HCM là tiền nhân.

Nguyên Đại
6 Tháng Năm, 2023


Gen. John Monash