Hiển thị các bài đăng có nhãn 30/4. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn 30/4. Hiển thị tất cả bài đăng

30 tháng 4 2020

45 năm cô đơn

Dinh Độc Lập 30/4/1975
Mỗi năm cứ đến ngày 30/4, các chú tổ trưởng dân phố lại có một nhiệm vụ đi nhắc nhở từng nhà treo cờ đỏ, thế là những người Việt yêu đảng (VC) lại nhìn thấy một rừng cờ để tự sướng với nhau, rằng “chúng ta đã từng thắng hai đế quốc to, Pháp và Mỹ…”. Nhiều người trẻ lớn lên sau này “dưới mái trường XHCN”, nếu không chịu tìm hiểu, sẽ ngơ ngác tự hỏi tại sao một “dân tộc vĩ đại” như thế vẫn cứ chìm trong đói nghèo và “ngạo nghễ” với mức lương lao động trung bình thấp nhất Á Châu, và giá trị của tờ đồng in hình “bác” là nhất nhì thế giới, nếu tính từ dưới lên.

Nếu những người trẻ tội nghiệp đó tự tìm và hiểu, để thấy bằng đôi mắt của mình chứ không phải chỉ những gì mà mình được phép thấy, nghe bằng đôi tai của chính mình chứ không phải là những gì mình được cho nghe, để không uổng một kiếp người, một con người tự do bình thường như mọi người khác trên hành tinh này, họ sẽ hiểu rất rõ ràng rằng:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai (WWII), Hitler đã bị đánh bại, nước Đức bị chia đôi. Nhật gục đầu sau hai quả bom nguyên tử. Đại Hàn, bị Nhật chiếm đóng trước đó, đã trở thành Bắc Hàn (Triều Tiên) và Nam Hàn (Hàn Quốc). Và, cũng vậy Việt Nam có VNDCCH (Bắc Việt) và VNCH (Miền Nam Việt Nam). Những đất nước bị phân chia đó kết quả của những thỏa thuận giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Cái gọi là “chiến thắng đế quốc Pháp” đó phải được nhìn như một bất hạnh của một dân tộc nhỏ, vừa thoát ra từ một thuộc địa, lại lâm vào cảnh phân ly, bởi vị trí địa chính trị của nó, trong sự sắp xếp giữa các cường quốc, để tiếng súng tạm yên, mở màn cho cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Cái khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được đem ra để biện minh cho những chiến trường thảm khốc trên toàn cõi Việt Nam, khi mà vũ khí của các cường quốc có nơi để phô trương sức mạnh trên xương máu của cả một dân tộc; trong khi tiếng súng đã thực sự im bặt ở Đông-Tây Đức, và Nam-Bắc Hàn. Vạn gia đình chia ly, triệu cuộc đời tan nát, trong tiếng bom đạn tơi bời ở mọi ngóc ngách của những con đường nhỏ hẹp đau đớn của Việt Nam heo hút trong những ngọn đèn dầu thắp bằng nước mắt của những bà mẹ Việt Nam có những đứa con mình tàn sát nhau dưới hai màu áo trận, không thể nào là một ngạo nghễ tự hào.

Khi những tàu chiến trang bị hiện đại của Trung Cộng bắn những phát đạn cuối cùng vào những tàu chiến lạc hậu, hư hỏng của VNCH, tháng 1-1974 để chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong khi Hạm Đội Bảy Hoa Kỳ cắm neo để…ngắm hoàng hôn, gần đó, tuân thủ chiến lược của Washington thỏa hiệp với Bắc Kinh để cô lập Liên Xô, cắt đôi khối CS kéo theo sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và các nước CS Đông-Âu sau này. Thì, cái gọi là “chiến thắng đế quốc Mỹ” đã được tuyên bố khắp địa cầu từ ngày đó, chứ không phải là nụ cười của chú bộ đội ngông nghênh trên chiếc xe tăng ủi sập cổng Dinh Độc Lập, Sài-gòn, ngày 30/4 của 45 năm trước.

Ngày những thỏa thuận về cuộc chiến VN được các cường quốc được ký kết, và bữa ăn tối được dọn đi, người ta nghe thấy tiếng gầm gừ “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” dưới gầm bàn, và sau đó là hàng loạt các trại tù, cưỡng bức lao động được hình thành để “cải tạo” anh em. Từng tiếng cuốc, xẻng “tiến nhanh, tiếng mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” phá nát những gì còn lại của Miền Nam Việt Nam sau chiến tranh, đẩy hàng triệu người Việt ra biển, trên những con tàu mong manh như chiếc lá tìm kiếm cơ hội trong giông bão và lòng nhân đạo của những người không thuộc về “dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Những chiếc hôn, cái ôm trao nhau giữa lãnh đạo “đảng ta” và “người anh lớn Trung Quốc” vẫn còn ấm trong niềm vui “chiến thắng” vẫn còn ngây ngất, đồng chí “em” VC đâu có ngờ rằng, tiếng súng và lưỡi lê của “quân đội nhân dân Trung quốc” lại xộc thẳng vào thân xác của những người dân vô tội ở đồng loạt bảy (7) tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, trong chiến dịch dạy cho bọn “côn đồ” Việt Nam một bài học bằng cách giết, hiếp, đốt, phá sạch trên đường tiến quân. Rồi bài ca “chiến thắng” được vang lên, sau khi chiến lược giữa Mạc-tư-khoa và Bắc Kinh được định hình.

Lúc mà học viên tiến sĩ xây dựng đảng, Nguyễn Phú Trọng, sang Liên Xô năm 1981, đang đọc tới chương “thế giới cộng sản đại đồng”, thì cũng là lúc những thanh niên Việt Nam vướng những bãi mìn tàn phế cuộc đời vì bị bắt đi thi hành “nghĩa vụ quân sự” ở Cambodia. “Chủ Nghĩa Mác-Lenin” nói gì về những người cùng lý tưởng cộng sản, cùng tiến lên CNXH lại đánh nhau dữ dội: Liên Sô -Trung Cộng, Việt Cộng -Trung Cộng, Việt Cộng -Khơme Đỏ…

“Anh Cả” Liên Xô bị buộc phải tan rã, vì không sống sót nổi trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ cùng với sự cô lập và ghẻ lạnh của “bạn vàng” Trung Cộng. Kỷ niệm lần thứ 1991 ngày Thiên Chúa Giáng Sinh cũng là lúc Tổng Bí Thư ĐCS Liên Xô đóng lại trang sử sợ sệt trong đêm lạnh của người dân xứ họ sau hơn 70 năm xây dựng nhà nước CS. Công cụ búa liềm dùng cho những kế hoạch “Kinh Tế Mới” đã không mở ra những con đường phát triển bình an và hạnh phúc, ngược lại đẩy một đất nước to lớn vào sự tan rã đã được ghi vào lịch sử thế giới như là một bài học rất rõ ràng cho những ai còn có khả năng nhìn được bằng đôi mắt của chính mình.

Bức tường Bá Linh sụp đổ mở cửa cho một cơn gió lạnh khủng khiếp cho thân phận cô đơn của đảng CSVN trước một “kẻ thù phương Bắc” cùng với một sự cô lập, đề phòng của phần thế giới còn lại trong gần hai thập niên đã buộc phái đoàn Linh-Mười-Đồng khăn gói sang TC thần phục “thiên triều” trong mục đích cứu nguy cho đảng, và nền kinh tế èo-uột trong mô hình thiểu năng, khởi đầu cho ba thập niên lệ thuộc về mọi mặt trong thân phận chư hầu. Các lãnh đạo của “đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân” đã quyết định hy sinh dân tộc này cho sự tồn vong của đảng, dù biết rằng ông bạn “tốt, vàng” không đơn giản đưa bàn tay cưu mang, mà không lấy lại cái gì.

Vi-rút Vũ-Hán vung những đòn “thiết bảng” tới tấp buộc ĐCS TQ hiện nguyên hình trước thế giới, và đối với ĐCS VN, “con ma” TC cùng lúc vứt bỏ tất cả những đồ mã “vàng, tốt” vào sọt rác sau khi thành lập hai huyện đảo Tây, Nam Sa, và bêu rếu “tiểu quỷ” bằng lá bùa công hàm.

Chưa bao giờ VC cảm thấy bất an vì không còn bất kỳ một chỗ dựa nào, chưa bao giờ họ thấy cô đơn như lúc này, trong cái nhìn ngao ngán về một đống giòi bọ tham nhũng, ngay cả trong những ngày thất thần của đại dịch, và một thế hệ lớn lên “dưới mái trường XHCN” tội nghiệp trong niềm tin mù quáng, cào bàn phím với những lời thô lỗ, tục tằn, trong tiếng rọt rẹt của những lá cờ độc sao, trước một đêm tối 30/4/2020.

Nguyên Đại
30 Tháng Tư 2020

17 tháng 4 2019

Diễn Văn 30/4 ?

“Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã khai sinh một quốc gia mới trên lục địa này, dựa trên nền tảng của tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Chúng ta bước vào cuộc nội chiến thách thức sự tồn tại lâu dài của quốc gia này. Chúng ta gặp nhau trên chiến trường và nơi đây trở thành chốn yên nghỉ cuối cùng của nhiều người, để cho quốc gia này được tồn tại. Tất cả chúng ta đều đã làm đúng những gì mà chúng ta phải làm.

Nhưng, trong nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể biến đất nước này trở thành một linh địa. Chính những con người anh dũng, dầu đã ngã xuống hay còn sống hôm nay, đã chiến đấu nơi đây đã làm cho vùng đất này trở thành một linh địa. Thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay, nhưng sẽ không bao giờ quên được những hy sinh của họ nơi đây. Họ đã chiến đấu, với danh dự cao cả, cho cuộc sống của chúng ta và để chúng ta tiếp tục những công việc còn dang dở của tất cả chúng ta.

Chúng ta ở đây hôm nay vinh danh những nhiệm vụ vĩ đại của những người đã danh dự ngã xuống và sẽ tiếp tục phát triển những cống hiến của họ đến mức cao nhất, để những hy sinh của họ không trở nên oan uổng. Và đất nước này, dưới sự che chở của Thượng Đế, tự do được tái sinh – một chính phủ của tất cả người dân, do người dân tạo ra, và vì người dân – sẽ không lụi tàn trên mặt đất.”

Đó là bài diễn văn của kẻ chiến thắng 30/4/1975? Đúng một nửa.

Nửa đúng là diễn văn của lãnh tụ bên thắng cuộc.

Và, nửa còn lại là: đó là bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln (bản tạm dịch của người viết) đọc vào ngày 19/11/1863 trên lộ trình kết thúc cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cuộc chiến giữa Liên quân các tiểu bang miền Bắc nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Lincoln, và tổng chỉ huy của tướng Ulysses S. Grant, là người sau này trở thành vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, và quân đội của các tiểu bang miền nam nước Mỹ dưới sự chỉ huy của tướng Robert E. Lee. Các tiểu bang miền Nam chủ trương duy trì giai cấp nô lệ, trong khi các tiểu bang miền Bắc chủ trương sự bình đẳng cho tất cả mọi người.

Bài diễn văn đã đi vào lịch sử nhân loại bởi vì: (1) rất ngắn, chưa tới 300 chữ; (2) không có một từ ngữ nào về chiến thắng; (3) vinh danh những người đã hy sinh từ hai phía của cuộc chiến, họ – tất cả họ – đã anh dũng, và danh dự ngã xuống cho sự tồn tại của Hoa Kỳ, bao gồm vị Tổng Thống Abraham Lincoln, là người đã bị một tay súng ủng hộ liên quân miền Nam ám sát bằng súng vào vào ngày 14/4/1865, chỉ 5 ngày sau khi quân đội miền Nam đầu hàng liên quân miền Bắc.

Hơn một tháng sau, ngày 1/6/1865, khi tiếng súng chiến tranh thật sự im bặt, Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner đã viết rằng, Tổng Thống Lincoln đã có một “nhầm lẫn” khi nói rằng: “thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay”, bởi, khác hơn là, “thế giới đã ghi nhận lập tức những điều ngài đã nói, những trận đánh, tự bản chất của nó, đã không còn quan trọng bằng những lời lẽ này của ngài”. Ông Sumner đã phán đoán chính xác, nhân loại không bao giờ quên những lời lẽ đó của Tổng Thống Abraham Lincoln.

Những lời lẽ ngắn gọn đó có sức mạnh khép lại tất cả những bất đồng, hướng đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 750 ngàn binh sĩ tử trận từ hai phía chiến tuyến, chưa kể những thường dân. Những lời lẽ đó định vị cho một tương lai chung cho mọi người trên đất Mỹ, cho tất cả mọi người từ hai phía của cuộc chiến. Và, nhiệm vụ của tất cả những người còn sống là xây dựng một chính phủ của tất cả người dân, vì tất cả, và cho tất cả người dân.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua (1863-1975), những người “chiến thắng” – những người Việt cộng sản – quả thực không học hỏi được điều vĩ đại đó từ lịch sử nhân loại. Hơn 150 năm sau, họ – vẫn cứ huênh hoang trên xương máu anh em, vẫn cứ khoét sâu những rạn nứt tương tàn, và loay hoay với những giáo điều không tưởng, dối trá.

Chừng nào mà những “ngợi ca”, những “hồ hởi”, những “tự sướng”, còn tung bay như những ngọn cờ thấm máu đồng bào trên các nẻo đường của quốc gia này, chừng đó dân tộc này còn thất bại. Thất bại bởi không học hỏi bài học hy sinh, bài học tương tàn, bài học về sự khác biệt, bài học con người.

Nguyên Đại
17 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

04 tháng 8 2016

Khóc nữa đi con!

Sáng nay, tôi đọc bài viết "Nghệ Sĩ Kim Tuyến: "Tôi chọn tự do, và không hối tiếc"" của nhạc sĩ Tuấn Khanh đến đoạn nói về những gì xảy ra đối với bà Kim Tuyến trong những ngày vừa sau 30/4/1975:

"...Sau đó theo lời kêu gọi của chị Kim Cương, tôi [Kim Tuyến] đến họp tại Hội Nghệ Sĩ. Rất đông các cô chú và anh chị nghệ sĩ tân cổ tụ tập bên hông trụ sở và phía sân sau. Khi thấy tôi và nghệ sĩ Tùng Lâm ngồi trò chuyện, chị Kim Cương ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nói “Chị ơi em buồn quá”.

Chị Kim Cương kéo đầu tôi ngả vào vai chị, một tay vuốt tóc vỗ về: “Đừng buồn em, chị em mình rồi sẽ được giải phóng ra khỏi bốn bức tường”. Tôi sững sờ nhìn chú Tùng Lâm. Chị Kim Cương nói lớn “Mọi người vào trong, đến giờ họp. Chị nắm tay tôi, kéo tôi theo chị vào phòng họp. Chị ngồi vào đầu bàn chủ tọa.

Chị dõng dạc tuyên bố: “Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên quê hương ta, tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành. Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức (nhạc sĩ) lập những tiểu tổ để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ …”. Chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: “Tuyến, khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con”"

Tôi [Nguyên Đại] dừng lại, nhìn ra vườn...Tôi nhớ ông cụ, ba tôi quá! Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những gì xảy ra trong buổi sáng ngày 30/4/75 tôi vẫn còn nhớ, như có thể vẽ lại không sót một chi tiết nào...

Thành phố Cần Thơ, những ngày cuối tháng 4 năm đó dường như quằn xuống với những người di tản từ miền Trung đổ về, trong đó có gia đình tôi, trong một hy vọng ở đây sẽ là thành lũy bình yên cuối cùng. Sáng hôm ấy, khi lệnh buông súng ban hành trên radio...

Trong căn phòng chật hẹp của một người quen cho ở tạm, ba tôi, bác tôi, và những anh em trong dòng họ tôi đã khóc nức nở. Tôi chỉ là một thằng bé chạy lăn quăn trong những ngày tháng ấy, nhưng tôi cảm nhận có một chuyện gì hết sức nghiêm trọng xảy ra. Không có ai nằm chết trong nhà, không có khói nhang...nhưng sao có nhiều người khóc, khóc nghẹn ngào, khóc như nuốt vào trong cổ những sửng sờ, bất ngờ, sụp đổ...

Ba tôi thích ông Tùng Lâm lắm, mỗi khi có chương trình nào trên ti vi, ông cũng đón xem và tôi đi theo ông, lăn quăn...cười thích thú (có khi hiểu, có khi chỉ là cười theo ba tôi) khi ông Tùng Lâm trong những vai ngô nghê của một người lính quê ngờ nghệch trước những tân kỳ rực rỡ của đô thành Sài-gòn. Tôi nghĩ nếu tôi đủ lớn để có thể chia sẻ với ông những thất vọng, buồn bã trong những ngày tháng đó, có lẽ ông cũng sẽ nói với tôi:"khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con".

Phải, "...khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con", "mầy" khóc giùm "tao" vì sự sụp đổ của một chính thể chống cộng sản mà tao đã chọn lựa và cống hiến, một nền cộng hòa mong manh trong cơn bão chiến tranh, một đất nước bất hạnh ở vị trí tiền đồn trong toan tính chiến lược của những siêu cường.

"Mầy" khóc giùm "tao" vì những anh em, bạn bè tao đã hy sinh oan uổng xương máu của họ trong cuộc chiến này. Khóc nữa đi con, vì sự hụt hẫng đau đớn khi thần tượng, chị em của con hôm qua; hôm nay trở thành một cán bộ cộm cán của phía bên kia..."Mầy khóc nữa đi con" cho vơi nỗi đau của một tâm hồn thơ ngây bị phản bội..."Mầy" khóc đi cho vơi bớt những buồn và đau..."mầy" khóc giùm "tao".

Tôi tin bà Kim Tuyến sẽ suốt đời không quên, không thể nào quên, câu nói đó của ông Tùng Lâm. Một sự chia sẻ, một sự an ủi, một tình người, một tình thương đẹp não lòng trong hoàn cảnh đó.

Tôi đi làm...buổi trưa, một người khách đến gặp, vì yêu cầu công việc nên ông phải kể lại những điều đã xảy ra với ông gần 40 năm trước:

***

"...Tôi [vị khách hàng của Nguyên Đại] sinh năm 1945, học xong trung học ở Nha Trang năm 63, tôi vào không quân. Rồi 75 vô, sau khi đi "học tập cải tạo" về tôi vượt biên khoảng tháng 4/79 cùng với vợ và 4 đứa con, hai vợ chồng đứa em gái, một đứa em trai và một đứa em gái nữa chưa có gia đình.

Ghe tôi khoảng trên 100 người. Hôm đó, khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi tới khu vực đảo Trường Sa thì ghe mắc cạn, tôi và mấy người trẻ nữa bơi vào đảo, mấy người trước tôi vừa đặt chân lên cát thì súng bắn như mưa từ phía bên trong đảo ra, mấy người trẻ gục chết trên cát, máu loang trên sóng biển. Tôi bơi sau chưa vô kịp bờ thì vội bơi ra. Súng bắn như mưa càng ngày càng nhiều vào chiếc ghe của chúng tôi. Tôi chỉ biết bơi ra thật nhanh không biết bơi đi đâu, xung quanh tôi chỉ còn 7, 8 người.

Chúng tôi cứ bơi đi, lênh đênh trên biển. Tôi nghe nói phải cởi hết quần áo thì mới tránh được cá mập tấn công. Tôi đã cởi hết quần áo của mình, và với chiếc can nhựa, tôi lênh đênh khoảng 4 tiếng đồng hồ trên biển, khoảng 11 giờ trưa thì chúng tôi dạt vô một đảo khác, tôi không dám vô, mấy người vô trước thì mất hút đâu trong đảo.

Không nghe tiếng súng, nên cuối cùng tôi cũng vô thì thấy một người cao lớn ở trần đen bong, mặc quần rằn ri cầm M-16. Tôi đi lính nên dĩ nhiên là tôi biết là súng gì. Thằng đó nó quắt [ra dấu tay cho] tôi vô, và nó nói bằng tiếng Anh, tôi cũng nói lại bằng tiếng Anh, mặc dầu lúc đó tiếng Anh của tôi cũng không nhiều gì. Tôi nói cho nó biết là tôi không có quần áo.

Nó cởi chiếc quần nó mặc quăng cho tôi, nó chỉ còn mặc quần lót. Đảo mà, nên ở bên trong thì nó cạn có đá, qua khỏi đá thì nó sâu thăm thẳm, tôi bước xuống hụt chân chới với, cuối cùng thì tôi cũng mặc được cái quần và vô tới bờ. Tôi hỏi và biết được đó là lính Phi [Philippines]. Nó dẫn tôi vào chung nhóm với 7 người trong thuyền của tôi. Mấy đứa đó mệt quá nên nằm thằng cẳng la liệt trên bãi cát, tụi nó không biết tiếng Anh, chỉ tôi biết chút ít.

Tụi lính Phi chia khẩu phần ăn của tụi nó cho chúng tôi. Tụi nó cũng tội. Ngày hôm sau thì có trực thăng tới thả xuống quần áo cho tụi tôi và thêm thức ăn. Tôi ở đó khoảng mấy tuần, có gặp các phóng viên BBC, và VOA, họ hỏi tôi nhiều về hoàn cảnh của tôi, và chuyện gì xảy ra cho chiếc ghe của tôi. Tôi kể lại cho họ y như vậy.

Từ đó tôi không bao giờ gặp lại vợ con và các em tôi nữa. Họ đưa tôi đến đảo Palawan, và mấy tháng sau, Úc tiếp nhận tôi. Tôi đã đến đây một mình, 37 năm trôi qua. Có mấy người nói có gặp người thân tôi ở chỗ đó, chỗ kia, và cần tiền, tôi có gởi, "tin còn hơn không"; nhưng cuối cùng thì chỉ là sự nhầm lẫn hay lừa gạt. Tôi nghĩ có lẽ tất cả đều đã chết trên hòn đảo đó bao gồm những người thân trong gia đình tôi."

Hồi sáng lúc đọc bài của NS Tuấn Khanh, tôi đã dừng lại; bây giờ thì tôi quay mặt đi và xoa tay trên mắt mình...

Buổi chiều, tôi đọc bản tin của RFA nói về việc Trung Quốc ngăn chận tất cả các thông tin về việc họ cho phá hủy trung tâm tu học Phật Giáo Larung Gar lớn nhất ở Tây Tạng. Họ không cho phép bất kỳ ai đến khu vực này, và "thăm hỏi" những nguồn thông tin bên trong Trung Quốc đã đưa những thông tin "sai lạc" về vấn đề này trên các trang mạng xã hội.

Ngày hôm nay đối với tôi có những trùng hợp xúc động. Tôi về ghi vội tối nay, những dòng này...vì sợ công việc hằng ngày cuốn đi những con chữ lăn quăn của tôi.

Nguyên Đại
4 Tháng Tám 2016