Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng

17 tháng 9 2020

Không có gì

Bài “Ý đảng”[Ý đảng] đăng hôm qua đã nhận được một số bình luận; cảm ơn các bạn. Phần hồi đáp của người viết ở đây (một cách hết sức ngắn gọn):

1. Lời Khai
Nghi phạm trong vụ Đồng Tâm
Để bảo đảm sự công bằng, lời khai của nghi phạm khi đưa ra tòa phải có ĐẦY ĐỦ các yếu tố sau đây: (a) Tự nguyện; (b) Tinh thần ổn định và được tư vấn pháp lý; (c) Tuyệt đối không có bất cứ dấu hiệu tra tấn, áp lực tâm lý, bức cung; (d) Chứng thực.

Nghi phạm phải được coi là “vô tội” trước khi bị phán là “có tội”. Vì là người vô tội, họ có quyền nói hoặc giữ im lặng. Họ có quyền được gặp người nhà để ổn định tinh thần, tâm lý. Họ có quyền gặp luật sư, đại diện pháp lý của họ để được tư vấn về những quyền hạn của họ. Điều tra viên không được phép tra tấn, bức cung vì làm như vậy là bất công, vi phạm các quyền căn bản của con người, và làm sai lệch tiến trình tìm kiếm công lý (1).

Các cuộc thẩm vấn của điều tra viên phải được thu hình (ít nhất là thu âm) để chứng minh rằng lời khai của nghi phạm thỏa mãn các điều kiện nói trên. Lời khai của nghi phạm phải được giao cho đại diện pháp lý của nghi phạm trước ngày xảy ra phiên tòa, và phải cho họ thời gian để xác minh lại với thân chủ của họ. Lời khai của nghi phạm phải được kiểm nhận lại trong điều kiện ở tòa án. Ngay cả lời "nhận tội" của nghi phạm cũng phải được so sánh đối chiếu và có giải thích hợp lý với bằng chứng khác.

"Lời khai" của các nghi phạm trong vụ Đồng Tâm nói trên không thể được đem ra tòa coi như những lời "nhận tội" được, vì nó không thỏa mãn bất cứ MỘT yếu tố nào ở trên.

2. Pháp Chứng
Giếng trời, bị cáo buộc là "hiện trường" 3 công an 
bị đốt cháy bằng xăng (nhưng không có khói)


Pháp chứng bao gồm tất cả các vật chứng, các thông tin liên quan cùng các nhân chứng, và các kết quả thực nghiệm khoa học. Pháp chứng được thành lập khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: (a) biên bản tìm kiếm, bảo lưu vật chứng, hiện trường; (b) thông tin từ các nhân chứng; (c) thông tin của chuyên gia pháp chứng dựa trên những thực nghiệm khoa học; (d) phải giao các pháp chứng này cho đại diện pháp lý của nghi phạm và, nếu họ yêu cầu, phải cho họ đủ thời gian để tìm hiểu, tìm kiếm ý kiến của các chuyên gia pháp chứng khác, giám định lại các bằng chứng ở các phòng thử nghiệm pháp chứng độc lập; (e) thông tin từ các nhân chứng phải được cả hai phía (công tố và bào chữa) truy vấn tường tận ở tòa.

Trong vụ Đồng Tâm: không có thử nghiệm gen di truyền (DNA) để liên hệ những vật chứng tại hiện trường và người chết (3 công an), không có thực nghiệm khoa học để hỗ trợ cho những suy diễn của bên điều tra (ai, đứng ở đâu, có ai thấy, cần bao nhiêu xăng, dùng cái gì để đổ xăng xuống, cần bao nhiêu không khí để đốt cháy ba người trong hố “kỷ thuật”. Tại sao hố đó không ám khói, hay ám khói quá ít? Các công an khác lúc đó ở đâu?...

Tại sao phải dời xác ông Kình khỏi hiện trường? Tại sao xác của ông lại bị mổ bụng sau khi trả về cho gia đình? Lời khai của các chuyên gia pháp y về chuyện này ở đâu? Một người khi bị bắn 3 phát đạn có thể còn giữ được quả lựu đạn trong tay hay không? v.v…Các pháp chứng mà bên công tố đưa ra là không có, và không có sự giải thích hợp lý. Bên bào chữa không được cho thời gian để truy vấn các nhân chứng từ bên công tố, và không được cho thời gian để trình bày, chứng minh các thông tin từ các nhân chứng của họ.

3. Bồi Thẩm Đoàn
Là những người được chọn để lắng nghe những truy tố và phản biện từ cả hai phía, cùng với những lời khai và pháp chứng, để quyết định nghi phạm là “có tội” (Guilty) hoặc “vô tội” (Not guilty).

Để bảo đảm sự công bằng, thành viên tham dự đoàn bồi thẩm phải là những người được chọn lựa ngẫu nhiên trong công chúng, và sau đó cả hai phía (bên truy tố và bên phản biện) có quyền hạn ngang nhau trong việc đồng ý, hoặc không đồng ý một thành viên nào đó với lý do chính đáng (chẳng hạn: cảnh sát và luật sư không được tham gia đoàn bồi thẩm, bởi họ có thể có thiên kiến, hoặc định kiến, và có thể ảnh hưởng tới phán đoán của các thành viên khác trong đoàn bồi thẩm).

Trước khi có phiên tòa, cảnh sát và luật sư đại diện không được đưa những thông tin có thể ảnh hưởng tới sự phán đoán của công chúng (vì trong số họ sẽ có người tham dự đoàn bồi thẩm). Luật sư của nghi phạm có thể yêu cầu tòa ra án lệnh không cho phép một số thông tin được công bố ra công chúng. Tòa án có thể yêu cầu truyền thông không được phép đưa những thông tin có thể làm lệch lạc tiến trình xét xử.

Vụ Đồng Tâm: không có bồi thẩm đoàn. Tòa án “nhân dân”, nhưng nhân dân không được tham dự. Tất cả người tham dự và có quyền quyết định đều do đảng chỉ định. Hệ thống truyền thông của đảng đã được chỉ thị mở hết công suất để chuẩn bị, biện giải cho quyết định của đảng đã có, trước ngày xảy ra phiên tòa.

Vụ Đồng Tâm: Lời khai không thỏa mãn các tiêu chuẩn pháp lý về sự công bằng cho dù sơ đẳng nhất. Pháp chứng: không có, không hợp lý, cho dẫu là các thực nghiệm đơn giản và hoàn toàn khả thi. Bồi Thẩm Đoàn: không có người nào được coi là vô tư, không thiên lệch, không có định kiến đối với nghi phạm, tham gia quá trình nghe, nghị và quyết án. Không có gì…ngoài ý đảng.

Nguyên Đại
17 Tháng Chín 2020

PS:

(1) Mặc dù Việt Nam đã ký vào Công Ước Quốc Tế chống tra tấn (United Nations Convention against Torture) vào ngày 7/11/2013; vụ Đồng Tâm (và rất nhiều vụ án khác) đều cho thấy dấu hiệu công an đã tra tấn các nghi phạm.
https://m-english.vov.vn/politics/vietnam-reports-on-un-convention-against-torture-implementation-387300.vov

16 tháng 9 2020

Ý đảng

Phiên tòa xử 29 người bị bắt trong vụ Đồng Tâm
ngày 16/9/202
Sau ba (3) ngày, “phiên tòa” đã kết thúc đối với 29 người bị bắt trong vụ ông Lê Đình Kình. Hai án tử hình phán cho hai người con của ông Kình (Công và Chức) và án chung thân cho cháu nội (Lê Đình Doanh) cùng nhiều mức án nặng nề cho những người khác. Đây quả thực là một màn trình diễn quá tệ của đảng…(không tìm được từ tương xứng) (định so sánh với một màn cải lương; nhưng dàn dựng một vở cải lương cũng không nhanh như vậy, và tội nghiệp cho những nghệ sĩ cải lương).

Chiếm, “cướp đất” là sự kết hợp của hai đảng ủy (bộ quốc phòng + ub Hà nội). Tấn công, giết và phanh thây ông Kình là quyết định của lãnh đạo đảng (ub HN + bộ công an). Tiếp tục, “điều tra”, tra tấn, ép cung, cung cấp chứng cứ (giả) là do lãnh đạo đảng (bộ công an) làm, quyết và duyệt.

Theo sau, trình diễn là: các viên chức “viện kiểm sát”, “thẩm phán” và chủ tọa “phiên tòa” đều do đảng cử. Và, “giàn loa kèn” là: hệ thống báo, đài, ti-vi do đảng kiểm soát và chỉ đạo. Nguyên nhân, dàn dựng, kết quả “phiên tòa” rõ ràng và toàn bộ là ý của đảng (CSVN).

Chính cái cơ chế “độc” đảng lãnh đạo (cướp cũng “tao”, quan cũng “tao”, tòa cũng là “tao”) đó, nó hủy diệt mọi giá trị nhân bản, quyền con người dưới chế độ cộng sản. Vụ Đồng Tâm cho thấy: người dân chỉ có thể ở trong nhà của mình, sống trên đất của mình khi mà đảng chưa muốn cướp. Chống lại? Giết.

Sống trong những dinh thự nguy nga, hưởng những phương tiện vật chất xa hoa, dĩ nhiên đảng không muốn chia cho ai khác, và dùng bạo lực để duy trì sự thống trị của băng-nhóm (“bạo lực cách mạng”, bạo lực chuyên chính vô sản” đấy!). Họ gọi nhau “đồng chí” trong tình huống có thể chia chác quyền lợi (cùng ở trên đầu và cắn và hút máu, nên gọi là “đồng (cái con) chí”). Khi quyền lợi mâu thuẫn, xung đột thì bất đồng “chí” hết (chết hí!). Ngọ, Thanh, Quang…là (bất) đồng chí-hết.

Cái cơ chế đó hủy diệt không những là đối với những người dân vô tội, mà ngay cả chính họ. Khi họ đang ở trên ngôi quyền lực, họ tìm mọi cách để duy trì cái cơ chế đó. Họ không thấy, hoặc không muốn thấy, cái sai sót nghiêm trọng, nguy hiểm, tàn độc của cái cơ chế đó. Ông Trọng (TBT) hiện nay là một ví dụ.

Hôm 3/9/20 vừa rồi, ông nói: không phải lỗi ở cơ chế, vì ở nơi khác người ta vẫn làm tốt cơ mà. Nhưng: ai? ở đâu? làm gì? tốt như thế nào? thì ông không đưa ra chi tiết. Và, nếu tốt thì “thành trì XHCN”, “quê hương cách mạng tháng mười” nơi ông theo học “chủ nghĩa duy vật biện chứng” tại sao lại sụp đổ? Ông không phân biệt được “đống rác” và “giòi bọ” chun ra từ trong đống rác đó. “Đống rác” chính là cái cơ chế độc đảng, mà ông đang làm đảng trưởng; và “giòi bọ” chính là các “đồng chí” của ông.

Khi các “đồng chí” đã vào tù, bị chính cái cơ chế đó nó quật xuống như Chung, Thăng, Thanh… thì có lẽ họ thấy rõ hơn một chút. Cho nên, lời cuối của Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng không phải là là “tòa án” là “chủ tọa (và) tòa”, không phải là thề quyết tuyệt đối trung thành với đảng (muộn rồi!), không phải là những mỹ từ dành cho cái cơ chế quyền lực độc trị đó, không phải là lý tưởng cộng sản, không phải chủ nghĩa duy (cái con) vật biện chứng gì sất, mà là: “con xin lỗi bác Trọng”; “con” cắn rơm cắn cỏ lạy bác (Trọng); bác là cái cơ chế; cơ chế là bác, bác tha thì con nhờ, bác bảo tù thì “ba triệu đô” Nguyễn Bắc Son vẫn cứ bị “tròng lộn” án chung thân, như đối với “đồng chí” đã vào tù khác mà bác “đã từng yêu”.

“Nhân họ Hồ chính sự”… “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc Lập? Không! (chỉ có “bốn tốt”).Tự Do? Không (chỉ có: Cướp và Giết). Con đường tiến lên CNXH hình như đi được một phần ba: “Không có gì” ngoài “ý đảng”.

Nguyên Đại
16 Tháng Chín 2020

Đã đọc trên YouTube/ 
Vietlive tv/ Ý đảng - ngày 20-09-2020
https://www.youtube.com/watch?v=2vYC2IvEDKI






11 tháng 9 2020

Hết dại

Bệnh mấy tháng… Chiều nay, lục lại vài tấm hình cũ, và viết. Hình ảnh “hơn vạn lời nói”, sau đây là một vài điển hình:

Hình 1 – Cam Kết
Ngày 22/4/17, tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, một văn bản do chính Nguyễn Đức Chung (nguyên chủ tịch UB TP Hà-Nội) viết, ký và “xin cam kết” ba (3) điều. Văn bản nguệch ngoạc trên một trang giấy kẻ ô để tập viết của học trò tiểu học nhưng có đầy đủ chữ ký của “Hành Pháp” (CT Chung), “Lập Pháp” (ĐB Quốc Hội”), Tư Pháp (luật sư) và “nhân dân” là một sự mỉa mai ngoài sức tưởng tượng về luật pháp của đảng CSVN về cả nội dung lẫn hình thức. 

Sau đó ba mươi tám người (38) bao gồm một số cảnh sát cơ động (CSCĐ) bị dân Đồng Tâm bắt “làm con tin” đã được giải cứu. CT Chung được truyền thông của đảng ngợi “ca” như một “người hùng”.

Ông Kình tin đảng, dân Đồng Tâm tin đảng; nhưng quan (Chung) và đảng thì không dại gì thực hiện lời cam kết. Không một “cam kết” nào được thi hành: Đất không trả, người bị truy tố, và thủ phạm gây thương tích cho ông Kình vẫn “biệt tăm”.

Hơn hai năm sau, ngày 9/1/2020, ba ngàn quân tiến vào Đồng Tâm trong đêm, ông Kình (“địch” với 58 tuổi đảng) bị bắn chết tại nhà, sau đó đem đi phanh thây, trước khi trả về cho gia đình. Phía “ta” có ba “đồng chí” hy sinh! “Đánh đấm” thế nào mà trang bị tận răng trong khi phía “địch” chỉ có vũ khí thời chống thực dân mà “ta” lại bị hy sinh nhiều thế! Sao vụ này, có nhiều sự việc mỉa mai đến không biện bạch được!

Bảy (7) tháng sau, 28/8/20, Chung “con” bị bắt. Đời đi còn nhanh hơn đạo diễn dựng phim. Cảnh sát bị bắt, Chung đi cứu. Đến lượt Chung bị cảnh sát bắt, ai cứu Chung đây? Dân ư? Chung đâu có thực hiện lời “cam kết”. Công an ư? đảng ư? Rằng: Chung và gia đình “hốt” nhiều quá, nên “đứt” đường “chun” rồi!

Hình 2 – Cảm thông 
Là sự cảm kích của các CSCĐ trong số 38 người được thả đối với những người đã “bắt giữ” họ. Dường như có sự thông cảm giữa những nạn nhân? Trong số những ánh mắt và nụ cười tri ân đó, có ai trở lại nơi đó trong đêm để chứng kiến việc thảm sát, và phanh thây một ông già 84 tuổi? Trong số những những người được CT Chung “cứu” hôm đó, có người nào tháp tùng đội bắt giữ “Chung con” ba năm sau? Bộ đồng phục cảnh sát không che hết tình người; và sự cảm thông chợt bùng lên như giữa những nạn nhân cùng cảnh ngộ.


Hình 3: Voi-Chó
Ông quan áo trắng “giản dị” thế kia có ai ngờ bây giờ là tội phạm buôn lậu, rửa tiền, “đánh cắp bí mật nhà nước”. Vợ quan là chủ của chuổi siêu thị Minh Hoa sang trọng, và gởi cả triệu đô sang Mỹ cho con trai ăn chơi. Sao mà trong hình trông ông hiền từ đến vậy? Nhưng, “tướng công an” có khác, đàn em bao bọc xung quanh, người chụp có lẽ “không rét mà run” không chừng. Quan trường CS khốc liệt quá, quan Chung đang “lên voi” lúc đó, ba năm sau “xuống chó” thê thảm. Có ai trong số những đàn em tháp tùng bảo vệ quan Chung trong hình lại là người của đối thủ không?

“Mỗi lần ngã là một lần bớt dại, để thêm khôn một chút nữa trong người” (TBT Trọng đã “nhấn mạnh” hôm 3/9/20, 5 ngày sau khi bắt Chung). Sao các quan lớn CS cứ “dại” rồi “ngã” hoài vậy! Mà là “một bộ phận không nhỏ cơ”. Từ ông Giáp “dại” nên bị chuyển từ đại tướng sang chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch, đến ông Dũng “dại” nên về làm “người tử tế”. Quan trường CS giống như sòng bài, “đặt lộn kèo” thì thua, và “thắng keo này” đâu có chắc thắng tiếp kèo sau. Bây giờ đặt kèo Tài (Trọng), không có nghĩa là bài không có lúc ra Xỉu, lúc đó không Xỉu - thì phải xỉu. Sáng như Quang, mạnh như Thanh lúc xỉu thì phải xỉu...luôn. Chung tới lúc đức hết (chữ "đức" trong văn bản (Hình Một) viết hai lần không trọn) thì phải kết vậy.

Phải kể một chút về ánh mắt của người phụ nữ áo xanh trong hình… sao mà buồn quá vậy. Bàn tay như đưa ra như một khẩn cầu, và cũng như một dự cảm cho những ngày sóng gió (đã tới). Dân mà! Mẹ mà! Thương chồng! Thương con mà! “Tiếng cuốc vọng năm canh”…u buồn!

Hình 4: Hết Dại?
Dân vỗ tay, dâng hoa cho quan, tiễn quan đi. Con đường làng nhỏ hẹp, quá nhỏ cho một đoàn xe…Cờ đỏ phất phới dưới những mái hiên xiêu vẹo, đó là hình ảnh thật của bọn “cường hào, địa chủ”, “bọn khủng bố” đấy! Đó là từ ngữ trong phiên tòa đang diễn ra công an xử dân Đồng Tâm những ngày này.

Bộ máy cai trị VC đang cố gắng dùng lại những ngôn từ thời cải cách ruộng đất. Muốn có “cách mạng” cần phải có “căm thù”, bần cố nông cần phải căm thù cường hào địa chủ… thế là “cải cách ruộng đất”. Mấy trăm ngàn người chết, đảng thú nhận đã “ngã” và… tiếp tục “dại”.

Lòng “căm thù giặc” nung nấu qua ba, bốn thế hệ, sách (giáo khoa) sử (đảng) còn ghi, và công nông dân vác búa liềm xây dựng đảng, xóa bỏ giai cấp (lý tưởng cộng sản mà). Tiến lên CNXH, nhưng càng tiến thì quan càng giàu, dân càng nghèo và trở thành “ký sinh trùng” trong xã hội, và nhiều thứ thuế đặt ra theo kiểu “vặt lông vịt”, sao cho được nhiều “lông” mà không “kêu”.

Lý tưởng cộng sản? Tầm bậy! Dân “ngã nhiều lần rồi, không dại nữa”. Quan tiếp tục bài bạc, đặt cược, “dại” và “ngã”, “tài” rồi “xỉu”. Còn đảng thì “dại nhiều lần” nhưng chưa ngã hẳn, có lẽ sẽ ngã lần cuối, và hết…dại.

Nguyên Đại
11 Tháng Chín 2020

17 tháng 1 2020

Đảng Quỷ

Cụ Lê Đình Kình sinh năm 1936, vào đảng CSVN năm 1962. Năm đó, Nguyễn Phú Trọng 18 tuổi, còn Nguyễn Xuân Phúc mới 8 tuổi.

Băng rôn của người dân Đồng Tâm trước đây 
thể hiện sự tin tưởng vào đảng và nhà nước
 
Niềm tin vào đảng như thấm vào máu của cụ Kình. “Bộ đội cụ Hồ” về làng là cụ Kình “báo cáo đồng chí” … Rồi thì, chính anh “bộ đội cụ Hồ” đó dẫn dụ cụ ra đồng để nói về đất, bất ngờ đá cụ một phát gãy chân hồi tháng 4/2017. Bộ công an sau đó lập đoàn thanh tra về việc này, và kết luận không ai sai phạm cả. Ông cụ “tự gãy chân” (trích lời ĐBQH Dương Trung Quốc), nên không tiếp tục truy cứu nữa.

Cụ vẫn tuyệt đối trung thành với đảng. Khi ông Trọng phát động chống tham nhũng, mở “lò” đốt “củi”; cụ gởi đơn tới Trọng, tới Phúc, tới Ngân (từ nhiều năm trước), rằng đất đồng Sênh là đất canh tác lâu đời của người dân Đồng Tâm, yêu cầu đảng giải quyết, chỉ có Phúc gởi tới cụ một lá thư. Nội vụ sau đó giao cho Nguyễn Đức Chung, tức “Chung con”, Chủ tịch Hà thành, xử lý. Chung hứa, Chung ký chưa ráo mực, rồi Chung xù…. 

Cụ giận Chung con, nhưng vẫn tuyệt đối tin vào đảng, tin vào Trọng. Khẩu hiệu của làng Đồng Tâm vẫn còn đó: “Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng 
vào chính sách và đường lối của đảng và nhà nước“.Băng rôn của người dân Đồng Tâm trước đây thể hiện sự tin tưởng vào đảng và nhà nước. 

Sau khi bị đá gãy chân, cụ Kình vẫn còn đi xe lăn… Rằm tháng Chạp (9/1/20), đảng sai ba ngàn quân, đặt bộc phá, tấn công vào nhà cụ, bắn cụ vào cái chân chưa gãy làm cho nó gần như đứt lìa. Họ bắn một phát nữa vào tim, một phát vào đầu, và dường như để dứt khoát, thêm một phát nữa vào đầu, để chắc chắn là cụ phải chết. Xác cụ được đảng đem đi, cho mổ tử thi. Sau đó đem về, báo cho người nhà để nhận xác, nhưng phải ký vào biên bản là cụ bị chết ở khu vực đất tranh chấp ở đồng Sênh, không phải bị giết trước mặt vợ con, tại chính căn nhà của cụ.


Bá góa phụ Dư thị Thành
Bà Kình, nhũ danh Dư Thị Thành, bị bắt phải khai là có cầm lựu đạn, bom xăng. Bà nói cả đời bà không thấy lựu đạn, bom xăng nên không khai được, thế thì “nó tát liên tục, hết bên nọ tới bên kia, rồi bị đá vào ống chân”. Con, cháu cụ bị bắt đi, bị đánh bầm dập, bị buộc phải lên truyền hình để “thú tội”. Đứa chắt ba tháng tuổi may mà qua khỏi suy hô hấp vì khói lựu đạn cay.

Đám tang cụ, công an chìm nổi tràn ngập để không ai được thu hình. Người dân thương, gởi tiền phúng điếu vào một trương mục ngân hàng ở VietcomBank, hơn nửa tỉ đồng (VNĐ), đảng phong tỏa trương mục.

Chỉ một ngày sau khi giết cụ, ông Trọng ban huân chương cho ba “đồng chí” đã tấn công vào nhà cụ, nhưng bị chết vì bất cẩn và liều lĩnh. Thủ tướng Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm về dự tang lễ của các “đồng chí” ấy.

Cụ một đời trung với đảng, nhưng đảng đối xử với cụ tệ quá!

Cái “đảng ủy” mà suốt đời cụ tận trung, cho đến khi lìa đời, trở về với đất, quy tổ quy tiên, có lẽ cụ phải thêm một chữ “Q” cho cái “ủy” đó để trở thành “Đảng Quỷ”; bởi chỉ có chữ Quỷ, mới may ra có thể diễn tả hết sự khốn nạn mà đảng đã dành cho cụ, một đảng viên trung kiên cho tới khi chết, với 58 tuổi đảng. Như một nhà thơ đã từng thốt lên:

"Là quỷ? Là ma? Là thú dữ?
Gian manh, tàn ác, đê hèn
Là cởi đầu, bóp cổ dân đen
Để gọi chúng, tiếng người không đủ chữ!


Và cũng khó tìm trong ngôn ngữ
Chữ gì diễn đạt nguyên si
Kiếp sống lầm than, đày ải, đen sì
Ngoài cái chết, không còn đâu lối thoát!”


Bây giờ, có lẽ cụ đã gặp tác giả bài thơ này, là người sinh sau cụ 3 năm, bị đảng nhốt 27 năm trong tù. Người đó là Nguyễn Chí Thiện. Bài thơ với tựa “Là Quỷ” này được viết vào năm 1969. Thay mặt tác giả, kính gởi cụ Lê Đình Kình.

Nguyên Đại
17 Tháng Một 2020

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân, ngày 17-01-2020

Tiếng Dân Facebook, ngày 18-01-2020


15 tháng 1 2020

Đồng Tâm: Một lời tuyên chiến

Sự việc xảy ra vào đêm 9/1/20, ở làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, đã rõ ràng:

1. Hơn ba ngàn quân tổng hợp từ lực lượng đặc công quân đội phối hợp với cảnh sát cơ động được trang bị những vũ khí hiện đại bao gồm: xe bọc thép, bộc phá, súng, lựu đạn cay, thiết bị phát âm phá màng nhĩ, chó nghiệp vụ v.v… đã mở cuộc tấn công vào làng. Đây là một cuộc đàn áp, một cuộc tấn công quân sự.

2. Giết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, với 4 phát súng: 2 vào đầu, 1 vào tim, 1 vào chân; và lấy đi nhiều tài liệu trong nhà cụ. Việc giết người và cướp của đã được thực hiện.

3. Bắt đi nhiều người trong gia đình cụ Kình, nhân chứng của vụ thảm sát, tra tấn và ép cung họ để có những lời khai theo ý của bên tấn công.

4. Chỉ đạo toàn bộ hệ thống báo đài của đảng tung tin giả, bênh vực cho tội phạm, quy tội cho nạn nhân.

5. Tiến hành truy tố các nạn nhân về “tội giết người”; đồng thời khen thưởng và truy tặng “huy chương chiến công hạng nhất” cho những kẻ đi đầu trong cuộc tấn công, bị chết vì tai nạn do bất cẩn và liều lĩnh.

Những việc làm đó vi phạm nghiêm trọng những luật lệ cơ bản nhất từ khi con người hình thành xã hội. Sự việc đó tồi tệ hơn những việc làm tàn nhẫn của tổ chức tội phạm hình sự khét tiếng Mafia; bởi Mafia vẫn thừa nhận họ là kẻ gây tội ác, chứ không tìm mọi cách quy tội ngược lại cho những nạn nhân.

Cho tới phút này, nhiều người vẫn còn bàng hoàng vì lẽ: cơ quan tổ chức tất cả những việc trên lại là Bộ công an CSVN, với sự chuẩn thuận của Tổng Bí Thư Đảng CSVN kiêm Chủ Tịch Nước Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, người mà sau đó một ngày (10/1/20) đã ban thưởng các huy chương nói trên.

Sự việc ở Đồng Tâm dĩ nhiên chà đạp lên tất cả các luật lệ do chính nhà nước và đảng CS đặt ra, và là dấu chấm hết cho bất kỳ một hy vọng nào đối với “luật pháp” ở VN hiện nay.

Không có bất kỳ lối thoát pháp lý nào cho hành động của đảng CSVN: Tấn công, đột nhập gia cư tư nhân bất hợp pháp, giết người, cướp của, cướp xác, mổ bụng tử thi, bắt người, tra tấn bức cung, tung tin giả, truy tố hình sự đối với nạn nhân, khen thưởng, ban tặng huy chương chiến công cho kẻ tấn công. Trừ phi, đảng CSVN thừa nhận là một bộ phận của đảng CS và nhà nước Trung Cộng. Khi đó, tất cả những bàng hoàng, ngạc nhiên, và tranh cãi sẽ trở nên không cần thiết.

Nhà nước và đảng CSVN thỏa hiệp với chính quyền Trung Cộng đối với các tranh chấp về biên giới, lãnh hải; tạo điều kiện cho các công ty dưới sự hỗ trợ của chính phủ TC vào Việt Nam, cướp đất của người dân, giao đất đai cướp được của dân cho các doanh nghiệp của đảng, các doanh nghiệp được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Cộng.

Chính quyền VN và đảng CSVN đã trở thành một phần của ĐCS Trung Quốc. Họ học tập lẫn nhau, mặc quân phục giống nhau, thỏa thuận với nhau trên xương máu của người dân Việt Nam.

Sự việc ở Đồng Tâm là một lời tuyên chiến của đảng CS với nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ Đồng Tâm.

Nguyên Đại
15 Tháng Một 2020

Đã đăng trên
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook