29 tháng 11 2019

"Công Cụ Xâm Lăng"

Năm 1624, giáo sĩ Công giáo Alexandre de Rhodes, thường được gọi là Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ đến Việt Nam để rao giảng niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Jesus là nhà truyền giáo đầu tiên của nước Chúa với hạnh phúc được đi tới bằng con đường thương yêu và tha thứ. Sứ mạng của ngài Đắc-Lộ ở Việt Nam hơn 4 thế kỷ trước là tiếp tục con đường của Đức Giê-su. Thiên Chúa không tranh chấp với những ông vua của thế gian.

Hơn 5 thế kỷ trước công nguyên, Phật Thích-ca sau khi đắc đạo, xuống núi, khai ngộ chúng sinh. Công việc của Đức Phật lúc đó không có gì khác hơn là một nhà truyền giáo. Ngài kêu gọi tất cả chúng sinh bước vào “quốc gia của Ngài”. Nước Phật vượt ra ngoài các biên cương sỏi đá, không có đảng phái. Buông bỏ ngã chấp là con đường đi tới nước Phật.

Truyền giáo không phải là xâm lăng.

Người Việt “ghi tiếng nói” của mình vào thế kỷ 16 bằng chữ Nôm, tương tự như chữ Tàu hiện nay. Ngài Đắc-Lộ tìm cách ghi tiếng Việt bằng các mẫu tự La-tin. Ghi lại tiếng nói của một dân tộc khác bằng các âm ký, mẫu tự mà mình biết, là công việc của con người từ khi họ bắt đầu dùng chữ viết, cho đến hiện nay, và không biết chừng nào chấm dứt.

Tên khai sinh của ông chủ tịch Trung Quốc viết bằng chữ Hán. Người Mỹ nghe ông phát âm tên của ông ta, và ghi lại là Xi Jinping. Người Việt, tiến thêm một bước, việt hóa cái tên đó, với chữ Tập Cận Bình. Ông “Xi-Jinping” chưa chắc đã biết tên mình là “Tập Cận Bình”.

Hệ thống âm ký, ghi lại tiếng Việt bằng các mẫu tự La-Tin (hay có nguồn gốc La-Tin), khởi soạn từ ngài Đắc Lộ và một số đồng đạo của ngài, sau này trở nên tiện dụng, dần dần được hoàn thiện, và trở nên những chữ mà tất cả người Việt viết và đọc hiện nay. Công việc đó của ngài Đắc Lộ là công việc của một nhà văn hóa, không liên quan gì đến chính trị. Hơn hai trăm năm sau, kể từ ngày những chữ La-Tin được dùng khởi sự để ghi lại tiếng Việt, năm 1858, theo lệnh của vua Pháp thời bấy giờ, lính Pháp tiến vào Đà-Nẵng.

Truyền đạo Thiên Chúa giáo là công việc của Chúa Jesus, khởi đi từ chính Ngài, từ thế kỷ thứ 1. Khởi sự ghi lại tiếng Việt bằng các mẫu tự La-Tin là công việc của ngài Đắc-Lộ đầu thế 17. Tấn công vào cảng Đà Nẵng là lính Pháp vào thời điểm nửa sau thế kỷ 19. Nhưng: không hiểu sao hơn mười mấy ông GS. PGS. TS tuần trước xuất hiện, nhập chung 3 chuyện này lại mà nói rằng, dùng mẫu tự La-tin để ghi lại tiếng Việt với mục đích truyền giáo, ngài Đắc-Lộ có tội hơn là công, vì đã tạo ra “công cụ xâm lăng”…

Công cụ xâm lăng là súng đạn người Pháp đã dùng, và người Việt đã dùng các loại “công cụ xâm lăng” từ Trung Quốc để chống lại. Rồi thì Trung Cộng đã và đang mở một cuộc xâm lăng Việt Nam bằng một công cụ có khi hiệu quả hơn súng đạn; đó là: sự hèn hạ, khuất phục, tham lam, và tàn ác của các “trí thức” và quan chức Việt Cộng chỉ biết quỳ.

Biển học mênh mông, không ai tỏ tường, nếu các ông không, hoặc chưa biết, thì nên học lại. Nhưng, nếu đem các ý đồ chính trị vào các công việc văn hóa, các ông không tránh được sự khinh bỉ.

Nguyên Đại
29 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook





26 tháng 11 2019

Gián Điệp Trung Cộng

Wang Liqiang/ Nguồn: Steven Siewert/ Mark Stehle
Theo nhật báo The Sydney Morning Herald, hôm qua 25/11/19, Wang “William” Liqiang, một điệp viên của Trung Cộng (TC) đã “phản thùng” và cung cấp nhiều tin tức tình báo cho cơ quan phản gián Úc (ASIO), một tổ chức tương tự như CIA của Mỹ. 

Anh ta cho biết danh tính của trùm gián điệp quân đội Trung Cộng ở Hong Kong, cũng như các kế hoạch và nguồn tài trợ dùng để can thiệp chính trị ở Hong Kong, Đài Loan và Úc.

Wang cung cấp tin tức việc TC đã thông qua một số công ty lớn trên thị trường chứng khoán Hong Kong để cung cấp kinh phí cho các hoạt động gián điệp bao gồm việc theo dõi và lập hồ sơ những người phản kháng, kết hợp các các hoạt động truyền thông nhằm định hướng dư luận, tổ chức những vụ đe dọa khủng bố qua mạng đối với các nhân vật bất đồng chính kiến.

Wang đã có sự nối kết với một số điệp viên đã được cài cắm sâu và lâu năm tại Úc. Wang dính líu tới hoạt động tình báo nằm trong một công ty đăng ký tại Hong Kong, China Innovation Investment Limited (CIIL) nhằm thâm nhập vào các trường đại học ở Hong Kong, mở các chiến dịch truyền thông thân Bắc Kinh với lại các hoạt động của phong trào dân chủ và tự do ở Hong Kong.

Wang trực tiếp tham dự vào việc bắt cóc chủ đại lý sách Lee Bo ở Hong Kong sau đó đưa sang TC hồi tháng 10/2015. Wang cũng tham dự vào các tổ chức của TC mở các cuộc tấn công trên mạng đối với phong trào phản kháng. Wang tham dự vào các chương trình mua vũ khí của các nước khác, để từ đó đánh cắp các kỹ thuật quân sự của Mỹ.

Wang được cung cấp một hộ chiếu giả của Nam Hàn dùng để vào Đài Loan và sau đó hỗ trợ cho các hoạt động của TC, tổ chức lực lượng “quân đội trên mạng” để tấn công, định hướng và làm sai lệch các cuộc bầu cử cấp địa phương ở đây trong năm 2018. TC cũng đã có kế hoạch tác động vào cuộc bầu cử ở đây sắp tới vào năm 2020.

Wang cho biết ĐCS TC dưới thời Tập Cận Bình “xâm nhập vào mọi quốc gia trong vùng, bao gồm quân đội, thương trường, và các tổ chức hoạt động văn hóa nhằm để đạt được những mục tiêu của họ”; và rằng: “Quý vị không nên coi thường tổ chức của chúng tôi… Chúng tôi được huấn luyện và cài cắm lâu năm trong các tổ chức trước khi nhận những nhiệm vụ quan trọng”. Wang đã xuất hiện ở Hong Kong trong vài trò là một thương nhân cho công ty CIIL, dưới sự điều hành của một điệp viên thuộc tổ chức tình báo của quân đội TC.

Công việc của Wang cũng bao gồm việc kết nối các sinh viên TC trong các chương trình học bổng, tour du lịch, hội sinh viên… kêu gọi tinh thần yêu nước của họ, yêu đảng CS TC và lãnh tụ, phản ứng lại các phong trào đòi độc lập, ly khai, dân chủ ở Hong Kong. Wang cho biết, anh ta đã gặp một điệp viên cao cấp của TC ở Canberra, thủ đô Úc.

Báo chí Úc cũng đăng tin: một năm trước, một thành viên của đảng Tự Do (Liberal) Úc châu, Nick Zhao, người Úc gốc Hoa, chuyên kinh doanh xe hơi hạng sang, đã được các tổ chức tình báo TC móc nối với các hợp đồng nhiều triệu đô-la, để cắm anh vào quốc hội liên bang Úc, như là một điệp viên làm việc cho TC. Zhao được biết là đã trình báo việc này cho tổ chức phản gián ASIO của Úc. Sau đó, vào tháng 3/2019, người ta tìm thấy xác của Zhao trong một khách sạn ở Melbourne. Cảnh sát Úc, hiện vẫn chưa công bố kết quả điều tra về nguyên nhân cái chết của Zhao.

Giám đốc cục phản gián Úc, Mike Burgess cho biết, tổ chức của ông ta sẽ tiến hành việc thẩm tra hết sức nghiêm túc về các thông tin do Wang cung cấp. ASIO cho biết các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Úc nhằm can thiệp vào nội bộ chính trị của quốc gia này chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, rằng nó vượt xa thời kỳ chiến tranh lạnh. Cựu Giám Đốc ASIO, Duncan Lewis, phát biểu rằng, TC muốn khống chế chính trường Úc, qua các hoạt động “can thiệp từ trong”, xuyên qua các hoạt động tình báo.

Thủ Tướng Úc, ông Morrison phát biểu rằng, Úc không “ngây thơ” trước các đe dọa. “Chúng tôi đã gia tăng cao nhất mức đầu tư tài nguyên và nhân lực để bảo sự an toàn và tự do của đất nước này”.

_______
26 Tháng Mười Một 2019
Nguyên Đại, tổng hợp và lược dịch từ các nguồn:

Chinese foreign interference allegations ‘deeply disturbing’: Morrison/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Anthony Galloway.

Defecting Chinese spy offers information trove to Australian government/ The Sydney Morning Herald/ November 25, 2019/ Nick McKenzie, Paul Sakkal and Grace Tobin.

ABC News: How a dead Liberal Party member put a fresh spotlight on Beijing’s foreign interference efforts/Dan Conifer/ Updated November 25, 2019.

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

17 tháng 11 2019

Tự thắp đuốc mà đi

Phạm Quang, tu sĩ Phật giáo, pháp danh Thích Trí Quang (TTQ) sinh ngày 21/12/1923, mất ngày 8/11/2019. Đã có nhiều bài viết trên mạng xã hội về TTQ, bài viết này mong được đóng góp một vài ý kiến trong tinh thần xây dựng và học hỏi.

TTQ lãnh đạo nhiều ngàn tín đồ Phật giáo và tu sĩ Phật giáo, gây nên một tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ giữa năm 1963, góp phần làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. 

Tình trạng hỗn loạn còn tiếp diễn ba năm sau đó, khi phong trào do TTQ lãnh đạo lọt vào giữa các cuộc tranh chấp của một số tướng lãnh quân đội Miền Nam Việt Nam (MNVN).

Tháng Sáu 1966, tướng Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh giam lỏng TTQ tại chùa Ấn Quang, Sài gòn. Năm 1975, TTQ ủng hộ Dương Văn Minh nắm chính quyền, trước khi ông Minh đầu hàng Việt Cộng (VC). Dù vậy, VC vẫn tiếp tục duy trì lệnh giam giữ “tại chùa” đối với TTQ, sau khi họ đã nắm chính quyền. Lệnh này chỉ được tháo bỏ sau đó vài năm. Năm 2013, TTQ về chùa Từ Đàm, Huế và ở lại đây cho tới khi mất vào ngày 8/11/2019.

Trong những năm 60 đó, TTQ không phải là một tu sĩ Phật giáo. Ông ta là một nhân vật chính trị. TTQ lãnh đạo tu sĩ và nhiều tín đồ Phật giáo xuống đường, dàn bàn thờ ra đường phố, chống “đế quốc Mỹ xâm lược” và Ngô Đình Diệm, ủng hộ Nguyễn Chánh Thi, chống Nguyễn Khánh, chống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, gây ra tình trạng hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam, góp phần làm sụp đổ nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, vốn đã chịu quá nhiều gió bão từ phía VC, phía Mỹ, và phía các tướng lãnh bất đồng. TTQ đã gián tiếp gây nên nhiều cái chết của tín đồ và tu sĩ Phật giáo, làm suy yếu chính quyền MNVN, và làm lợi cho VC.

Người ta còn trách TTQ ở chỗ, mặc dù rất hung hăng dưới chế độ cộng hòa ở MNVN, ông lại rất im lặng trước việc VC đập phá chùa chiền sau 75, và sau đó đưa các đảng viên CS vào các ngôi chùa, biến nơi đây thành cơ sở chính trị, cơ sở kinh tài của VC, và là trung tâm của những hoạt động mê tín, dị đoan.

Những tín đồ Phật giáo nghèo khổ đã bị vắt kiệt sức bên ngoài chùa, tưởng đâu tìm được bóng mát tâm linh đằng sau cánh cửa chùa; họ đâu ngờ chính nơi đây, họ lại một lần nữa “cúng dường” cho cô hồn, các đảng còn sống và huyênh hoang với nhiều bằng khen, chức sắc được phong từ phía đảng CS với khẩu hiệu rất rõ ràng “Đạo Pháp, Dân Tộc, và Chủ Nghĩa Xã Hội”.

Phật giáo không chủ trương việc tham dự vào các tranh chấp chính trị. Đức Phật lúc còn tại thế không dính líu đến các tranh chấp chính trị. Vua Tỳ Lưu-Ly của một nước lân cận đã đem quân san bằng thành Ca-tỳ-la-vệ, nơi ngài được sinh ra để làm Thái-tử, và giết hơn 500 người của dòng họ Thích-ca. 

Ngài không lãnh đạo các tu sĩ Phật giáo của vương quốc Thích-ca để làm một cuộc trả thù sau đó. Chủ trương của ngài đã rất rõ ràng từ hơn hai ngàn năm trước, nước Phật chỉ có Sự Thật, không có đảng phái, vua quan. Nước Phật mở cửa cho tất cả chúng sinh vì “máu ai cũng đỏ, và nước mắt ai cũng mặn”. Tương tự, Chúa cũng phán rằng: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".

Chủ trương của Phật, và của Chúa Jesus đều rất rõ ràng, rằng niềm tin tôn giáo và quan điểm chính trị là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, các tu sĩ được gọi là “thầy”, là “cha”, đã có tiếng nói rất quan trọng trong việc định hướng quan điểm chính trị của các tín đồ.

Đa số người Việt theo Phật giáo, những người theo đạo thờ cúng ông bà cũng có khi xa gần coi mình như một tín đồ Phật giáo không thuần thành. Chính vì vậy, các chính trị gia thường tranh thủ sự ủng hộ của các tu sĩ, đặc biệt là các “thầy”, bởi sự ủng hộ của các “thầy” là quá “hấp dẫn” đối với tham vọng chính trị của họ.

Ngược lại, đối với một số “thầy”, được sự ủng hộ của chính quyền để xây chùa lớn hơn, đẹp hơn, hưởng được những cung phụng, cúng dường công sức, tài vật từ phía tín đồ cả người giàu lẫn người nghèo, và quan chức từ thấp đến cao, cũng trở thành một sự hấp dẫn mạnh hơn cả giáo pháp của Phật.

Sự cộng tác đó giữa đảng CS và một số “thầy” đã làm tình trạng Phật giáo ở Việt Nam trở nên nát bét như hiện nay. Cái chết của TTQ một lần nữa làm nổi lên một số vấn đề liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng bài viết này không có ý “vơ đũa cả nắm”. Dĩ nhiên, trong ao bùn vẫn có nhiều hoa sen tinh khiết nở ra thật sự đón nhận bàn chân của Phật. Là bùn hay là sen, “tự thắp đuốc lên mà đi” như lời dạy của Phật đối với tất cả ai tin vào giáo pháp của Ngài bao gồm các tu sĩ (các “thầy”) và tất cả những tín đồ phật giáo, trong đó có người viết bài này.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook



"Sự độc hại" Trần Long Ẩn

Trần Long Ẩn (TLA) sinh ngày 29/9/1944 tại Bình Định, học trung học tại trường La-San (nay là Đại Học Quy Nhơn), sau đó vào học ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Tháng 4/1972, ông trốn theo VC vào chiến khu. Hai năm sau, năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc, học ở trường Âm Nhạc Việt Nam.

Ngày 10/11/19, trong buổi họp giao ban của hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM, ông TLA phát biểu: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa…”, theo báo Phụ Nữ, cơ quan ngôn luận của HLH Phụ nữ TPHCM.

Phát biểu của ông gây nên phản ứng dữ dội của những người tham gia mạng xã hội, có người cho rằng đó là câu nói “bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay” (Mặc Lâm/ VOA – 15/11/19). Tại sao?

Trước hết là tại cái chức vụ mà ông đang có. Ông không phải là một dư luận viên hạng bét, phát biểu vu vơ, không ai muốn tranh luận. Ông hiện là ủy viên thường vụ hội nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch hội âm nhạc và đồng chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Ông là tác giả của một số ca khúc từng được thanh niên Việt Nam yêu thích. Với chức vụ đó, ông không thể tùy tiện phát biểu, cho dẫu để lấy lòng ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy TPHCM, người có mặt trong buổi họp giao ban đó.

Thứ hai là tại ông nói bậy. Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nó “độc hại” ở chỗ nào? Em thương nhớ, lo sợ những điều xảy ra với anh, một người lính trong những đêm lửa đạn… Những điều mà em không dám nghĩ, tình của mình chia ly mất mát trong chiến tranh…, thì độc hại ở chỗ nào? Tết, con không về nhà thăm mẹ được. Con nhớ mẹ, nhưng vì chiến cuộc, vì đồng đội con còn ở chiến trường, con không thể riêng mình êm ấm… thì độc hại ở chỗ nào?

Buổi chiều, mẹ nhìn ra ngõ nhớ con, đứa còn, đứa mất trong chiến tranh, từng đợt đạn pháo…lo buồn…thì độc hại chỗ nào. Ông vào chiến khu, không thông báo với gia đình, chỉ sau 75 mới gặp lại. Mẹ ông và những người thân nhớ thương ông…là một sự độc hại? Khi nói những điều đó, ông có nhớ đến tình cảm của những người thân của ông, khi ông đột nhiên… “mất tích” để vào chiến khu VC không? Khi nói những điều đó, ông đã trở thành “sự độc hại” của gia đình ông, cho dẫu ông đã ở tuổi mà có thể để xuống tất cả những phiền phức về danh và lợi trong cuộc đời này.

Thứ ba, ông là một kẻ vô ơn. Trước khi vào chiến khu, ông đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường trung và đại học Sài-gòn, ông lớn lên từ cái nền văn hóa đó. Nó tạo cho ông những cơ sở để có thể viết được những lời nhạc sau này. Ông là kết quả của “sự độc hại” mà ông miệt thị đó.

Thứ tư, làm công việc “phê bình” văn hóa, nhưng ông không hiểu một điều cơ bản là: Khi tác phẩm đã phát hành, sinh mạng của nó không còn do tác giả, người tạo ra nó, quyết định nữa. Người đón nhận tác phẩm quyết định sự sống còn của tác phẩm đó. Chế Lan Viên, sau này có “Trừ Đi” cái “Bánh Vẽ” cũng không tẩy được ao ước của ông “cho con làm sóng dưới con tàu đưa tiễn bác” trong lòng người đọc được.

Trịnh Công Sơn cho dẫu “tiến thoái lưỡng nan” cũng không thể làm thính giả quên được những ca khúc phản chiến mà ông đã viết, cùng với lời “hiệu triệu” văn nghệ sĩ mà ông nói trên đài phát thanh Sài gòn, những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Và, đồng chí Tố Hữu của ông, sau này có than khóc bao nhiêu vì bị thất sủng, cũng không làm sao lấy đi được ấn tượng trong lòng người đọc rằng: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”…hay “Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin” được.

Sự sống còn của một tác phẩm không phải tùy thuộc và ý chí, quyết tâm đường lối của đảng, nó thuộc về người thưởng ngoạn. Không ai có thể “tẩy xóa”, ngay cả chính tác giả. Chính vì vậy, dòng nhạc trước 1975, người ta đã từng cố tẩy xóa, nhưng không thể nào, và bây giờ nó trở lại, sống vững vàng, sống mạnh mẽ, dầu đã hơn nửa thế kỷ.

Lẽ ra, là một “nhà phê bình” ông và các đồng chí của ông phải đặt câu hỏi “tại sao” trước khi dán cho nền văn hóa nghệ thuật trước 75 cái nhãn “độc hại”. Cái nhãn mà ông dán đó, vô hình chung lại dính hẳn vào con người của ông. Ông đã trở thành một sự độc hại, mà các đồng chí của ông sẽ buộc phải loại bỏ, một ngày rất gần; bởi vì ông không xứng là một nhà phê bình, ông không xứng là một nhạc sĩ, ngay cả trong cái nhìn của các đồng chí của ông.

Người xưa nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Ông không rút lại được những lời phát biểu độc hại đó, nó sẽ đi theo ông xuống mồ. Tự nhiên, tôi cảm thấy ông là một người đáng thương hại.

Nguyên Đại
17 Tháng Mười Một 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv