30 tháng 6 2022

SÀI-GÒN ƠI! TA ĐÃ VỀ ĐÂY!

"Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười
Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày
Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người
Sài gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!

Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta tiến về Thành Đô
Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này
Tiến về đồng bằng, giải phóng Thành Đô..."

Không! không phải lời “phản động”! Đó là ca từ của một nhạc phẩm “rất đỏ” “Tiến Về Sài-Gòn” của Lưu Hữu Phước/ Huỳnh Minh Siêng, được hát vang trời những năm đầu sau 1975.
 
Nó cũng từng được ca tưng bừng trong các “trại cải tạo”, nhà tù giam giữ lính và viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Câu chuyện là như vầy: Sau những ngày lao động khổ sai khốc liệt ở các trại tù “cải tạo” ở Bắc Việt, ban đêm các tù nhân bị tập họp để “học tập chính trị”, sau đó mới được về trại, và họ hát ca khúc này. Họ hát nhỏ các câu khác, nhưng đến điệp khúc “Tiến Về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù…” thì họ hát rất to, rõ.

Chính trị viên lúc đầu rất khoái chí, vì “các anh học tập rất tốt”, một tuần rồi vài tuần…cứ tới điệp khúc, các tù nhân lại hòa nhịp, hùng tráng và khí thế: “Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù…Hướng về đồng bằng, giải phóng Thành Đô”.
 
Rồi thì cán bộ quản giáo cũng nhận ra, có cái gì đó không ổn… “Á đù!”, “Không được hát nữa!” “không được hát bài này”. “Tại sao? Chúng tôi hát nhạc cách mạng mà!” "Đã bảo, không hát là không hát!”…"Không thì không!" Cười! (với nhau).
 
GIA TÀI CỦA MẸ
Đó là một ca khúc trong chuổi ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn (TCS). Những câu: Gia tài của mẹ: một rừng xương khô, một núi đầy mồ, ruộng đồng khô khan, nhà cháy từng ngàn… vẽ nên bức tranh điêu tàn của cuộc “nội chiến’’ cần phải chấm dứt.

“Mẹ mong con lũ con đường xa”, TCS đã, rất khéo léo, khơi dậy những liên tưởng về những bộ đội bên kia vĩ tuyến.

“Gia tài của mẹ: một bọn lai căn, một lũ bội tình”. Ai lai căn, ai bội tình? Dĩ nhiên không phải là “lũ con đường xa” của TCS. Họ là bạn bè thân, những người bên cạnh che chở cho TCS, như Chuẩn Tướng VNCH Lưu Kim Cương của “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống”?
 
TCS đã rất rõ ràng.

Vậy mà! Ca khúc này không được phép hát cho đến hôm nay.

Tại sao? “Lũ con đường xa” của TCS năm xưa rất sợ “lũ con đường xa” bây giờ, nếu “mẹ mong con mau bước về nhà”. “Lũ con đường xa” năm xưa của TCS lại chính là bọn rất lai căn, rất bội tình!
Ngày xưa, TCS tự do hát “Gia Tài Của Mẹ” rất to, rất rõ, giữa Sài Gòn bên cạnh nhiều bạn bè mà ông gọi là “một lũ bội tình”…
 
Bây giờ, nếu còn sống, TCS sẽ hát ca khúc đó ở đâu? Rất nhỏ, rất thì thầm…ở nơi rất riêng tư, vì sợ chính các “đồng chí” rất lai căn và rất bội tình. Ông có ràn rụa nước mắt không? Ông có còn mong “lũ con đường xa” không?
 
Năm tháng bụi mù…Hãy “Để Gió Cuốn Đi”. Những gì của TCS cũng sẽ là của TCS…Tại sao phải cấm?…Người Việt đã từng có một nền văn hóa nhân bản, khai phóng và tự do từ hơn nửa thế kỷ trước.

Nguyên Đại
30 Tháng Sáu 2022

03 tháng 6 2022

HOA HUỆ THÁNG NĂM

H.

Hôm qua (29/5), anh rời nhà người anh bà con ở McMinnville/Tennessee, đến Dallas/Texas nhà một người bạn hồi ở trại tỵ nạn. Sáng nay, anh dậy sớm, ngồi uống trà với một bà cụ "share phòng" trong nhà bạn anh. "Share phòng"? Ở tuổi của bà? Điều đó làm anh mong nói chuyện với bà, và câu chuyện của bà như sau:

Dì tên Huệ, dì sinh năm 1947, ở Chu Lai, Tam Kỳ. Lớn lên lấy chồng. Ông xã làm lính truyền tin trong bộ chỉ huy, đơn vị đóng ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Trước năm 1975, gia đình dì ở khu gia binh. Ông xã thường nói, đời lính không biết đâu mà nói, có khi bây giờ ngồi đây, ngày mai "đi luôn" hay mất tích không chừng, vì khi đánh trận, thường bộ chỉ huy bị tấn công, và lính truyền tin là người chết trước. Nếu anh có chuyện gì, em cố gắng nuôi con, đừng bỏ nó tội…

Mà thật, ngày 28/4/1975, ông xã của dì không về nữa. Cho tới giờ này đã 47 năm, dì cũng không biết ông xã dì đã chết, hay còn sống ở nước nào. Năm 75, lúc chạy loạn ra biển dì thấy xác lính chết lềnh khênh, có người vừa mới đeo lon đại úy còn mới tinh trên vai. Dì tìm hoài, nhưng không thấy xác ông xã của dì, nhắc lại cảnh đó buồn lắm…Đôi mắt bà bỗng xa xăm...

Dì có ba đứa con, đứa lớn nhất là con gái, sinh năm 1969, đứa thứ 2 là con trai được 4 tuổi năm 1975, và đứa con út cũng là con trai, dì sinh nó 2 ngày trước khi ba nó bị mất tích. Sau đó, khu gia binh bị giải tán. Dì không muốn về quê, ở đó ba dì có ruộng đất, sau 75, ruộng đất bị lấy mất, ba dì buồn khổ rồi mất sớm. Về quê, họ nói khó chịu lắm, sao không theo “Mỹ-Ngụy”, bây giờ dắt con về làm gì.
Dì và ba đứa con dại sau đó bị đưa đi vùng kinh tế mới ở Ấp 5, Tam Phước, Bà Rịa. Dì không biết làm gì, ngày xưa là vợ lính, bây giờ làm lụng ở vùng kinh tế mới để nuôi ba đứa con nhỏ. Khi đi cuốc đất làm cỏ, ngày nào cũng có người chết vì bom, mìn; dì vái Phật Bà Quan Âm cho dì sống để dì nuôi con dì.

Bạn của ông xã dì, cũng đi lính, nhưng chạy sang Mỹ được, và gởi tiền về cho vợ ông ấy, cũng là bạn của dì, để đi vượt biên. Năm 1981, lúc con gái dì được 12 tuổi, bạn của dì nói với dì cho đứa con gái của dì đi vượt biên, dì đồng ý. Tới trại tỵ nạn, nó không cha không mẹ, Mỹ nhận nó. Sau này, nó gặp một người Việt cùng lứa tuổi của nó, cũng không cha không mẹ, rồi lấy làm chồng. Nhưng chồng nó đánh bạc dữ quá, nên tụi nó ly dị. Nó lấy chồng sau là người Mỹ.
 
Năm 2001, nó bảo lãnh dì qua Mỹ, dì qua Mỹ ở nhà nuôi hai đứa cháu ngoại cho hai vợ chồng nó đi làm. Bây giờ hai đứa cháu đã lớn. Đứa thì có gia đình ở riêng, đứa đi làm xa. Dì ở nhà một mình buồn quá, con gái dì cũng bận rộn. Nó với chồng nó nói chuyện bằng tiếng Mỹ, dì không hiểu nhiều.
Khoảng 7,8 năm trước, dì rởi rời khỏi nhà con gái ở Houston, cách đây khoảng 4-5 tiếng lái xe, đi qua đây. Lúc đó dì đã hơn 60 rồi, đi làm hãng người ta không nhận, nên dì đi làm phụ việc, bó rau bó cải, ở các tiệm của người Việt.

Hôm qua, con trai út của dì gọi, nó nói: thôi má về ở với con. Dì nói: má ở đây cũng có tiền già, có bảo hiểm chính phủ cho, con cũng còn khó khăn. Nó nói: sao má cực khổ cho đến chết vậy má!…Dì cũng đâu cần gì nhiều, con, nhưng dì muốn kiếm chút tiền giúp cho hai đứa cháu nội đang đi học ở Việt Nam. Ở VN đi học tốn kém nhiều lắm, không phải chính phủ cho nợ sau này đi làm trả lại như ở đây...

Sau khi thất lạc với ông xã, dì có lấy chồng khác không? Không, con. Cực quá, và ba đứa con còn nhỏ quá, nên dì ráng nuôi con, rồi thời gian cũng qua đi. Hồi còn sống, chồng dì thường nói: Ước gì hết chiến tranh, mình về cất cái nhà nhỏ trên mấy miếng ruộng cha cho. Con cái lớn, chiều chiều mình ngồi trong nhà, nhìn đàn cò bay bay…Nhưng, có lẽ là không được đâu em! Đã lâu, nhưng dì vẫn nhớ lời chồng dì nói cho tới bây giờ. Mỗi lần nhớ lại, nước mắt dì đã cạn, nhưng vẫn thấy cay cay…
 
Thôi! tới giờ rồi, dì phải đi làm, trà và cà phê dì để đây, nước sôi dì nấu rồi để trong phích, con uống đi, mai mốt có dịp nói chuyện nhiều hơn.
Đời sống này, nhiều tao ngộ vui buồn...

Dallas, sáng nay...
Tháng Năm, 2022
A2
Nguyên Đại