18 tháng 8 2016

Nhạy cảm. (chấm-không nói thêm)

Công an khóa đường vào Long Tân

Vâng, đây là lý do mà phía VN đưa ra để từ chối việc Úc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Long Tân, một sự kiện có tính quân sử của Úc, được dự trù diễn ra vào hôm nay ở Bia Thánh Giá Long Tân, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào hôm nay (18/8/2016).

Tổng Hội Cựu Quân Nhân Úc đã chuẩn bị cho sự kiện này từ 18 tháng trước. Việc chuẩn bị đã hoàn tất.

Sự kiện này bao gồm đêm họp mặt và triển lãm kỷ niệm chiến trường với có mặt của Đại Diện Nữ Hoàng và Thủ Tướng Úc, Thủ Lãnh Đối Lập và Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh Tân Tây Lan tổ chức tại Hội Trường Quốc Hội ở thủ đô Canberra của Úc cùng với hơn 900 người khác, bao gồm 400 cựu quân nhân Úc trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, vào đêm 17/8/16; trước khi, theo dự trù, sẽ có hơn 1000 người Úc bao gồm những quân nhân đã trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử đó, lần đầu tiên trở lại vùng đất chiến trường tại Việt Nam, sau nửa thế kỷ cùng với thân nhân của họ. 

Một cách hết sức đột ngột, lúc 3h30 chiều ngày 16/8/16, phía VN gởi một điện văn tới Úc, nói rằng, họ không đồng ý cho tổ chức sự kiện tại Bia Thánh Giá Long Tân, Việt Nam, lý do phía VN đưa ra là tính nhạy cảm của sự kiện đối với khu vự đó ("local sensitivity"); dù rằng hằng năm lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức (với quy mô nhỏ hơn) từ năm 1989.

Hôm qua 17/8/16, công an VN đã chận các xe của truyền thông Úc cách 200 mét trước khu vực này. Trong khi Ngoại Trưởng Úc, bà Julie Bishop xác nhận là phía VN đã không cho phép tổ chức lễ kỷ niệm ở Bia Thánh Giá Long Tân, thì Thủ Tướng Úc trả lời với giới báo chí rằng ông muốn nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ Tướng Việt Nam. TT Malcolm Turnbull nói rằng thông báo từ phía VN vào đúng phút chót của sự việc chứng tỏ sự coi thường những người Úc đã đến VN để tham dự sự kiện.

Khoảng 60,000 quân nhân Úc đã tham dự chiến tranh Việt Nam, trước khi họ rút đi vào năm 1973. Trong số đó có 521 người đã hy sinh, và hơn 3000 người bị thương. Chiến trường Long Tân đặc biệt đã đi vào quân sử Úc bởi tại rừng cao su Long Tân cách Sài Gòn 40 cây số về phía Đông Nam, 50 năm trước (ngày 18/8/1966) đã chứng kiến sự đụng độ ác liệt giữa 108 binh sĩ thuộc Đại Đội D, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Gia Úc với sự bao vây và quyết tâm tiêu diệt của một lực lượng đông hơn 20 lần của QĐ CSVN thuộc Trung Đoàn 275 và sư đoàn D455.

Phía VN, trong một bài báo mạng của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa hồi tháng Năm, năm nay ghi nhận rằng di tích Long Tân đánh dấu "sự thảm hại của quân đội Hoàng Gia Úc trong việc tiêu diệt quân giải phóng". Phía Úc ghi nhận có 18 quân nhân thiệt mạng, và 24 người khác bị thương trong trận này, cùng với 245 binh lính CSVN tử thương và ước lượng khoảng hơn 350 người khác bị thương, sau khi các binh sĩ Úc thuộc Đại Đội D được các đơn vị đồng đội xuất phát từ căn cứ Núi Đất gần đó phá được vòng vây trong đêm, và quân đội CSVN rút đi. Bia Thánh Giá Long Tân được ở vị trí chiến trường đúng vào ngày 18/8/1969.

Nửa thế kỷ trôi qua, dòng lịch sử chảy xiết với những đổi thay cùng với những sự kiện không thể nào thay đổi. Nhật Bản là một bạn hàng không thể thiếu, một một đồng minh không thể thay thế của Mỹ ở biển Hoa Đông, cho dù mấy trăm ngàn người Nhật đã biến mất sau khi hai quả bom nguyên tử đã tạo nên những cột nấm khổng lồ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, năm 1945. Quân đội Đức và Ý từng là kẻ thù của người Mỹ trong thế chiến thứ hai đã sát cánh trong các cuộc hành quân của NATO hiện nay.

Trong số hàng chục ngàn người định cư mà Úc tiếp nhận hàng năm từ Việt Nam có nhiều người là quân nhân của QĐ CSVN, có lẽ không thiếu những người đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Long Tân, Núi Đất. Những kỷ sư, công nhân Úc hoàn thành nhiều công trình xây dựng ở VN bao gồm chiếc cầu qua bắc Mỹ Thuận nối liền hai bờ của một nhánh Cửu Long chắc chắn có những người là con, cháu của những cựu quân nhân Úc trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam nhiều năm về trước.

Từ chối vào phút chót sự trở về thăm lại chiến trường xưa của những người lính già, trong những năm cuối đời, đến từ hai phía của chiến tranh để nhớ lại những ngày tháng nghẹn ngào kỷ niệm, đối với họ là một sự nhẫn tâm.

Lý do "Nhạy cảm" (Chấm. Không nói thêm) mà phía VN đưa ra trong sự việc này gợi nhớ đến một diễn biến khác mà người viết đã trình bày cách đây hai ngày về việc Úc từ chối việc hai công ty Trung Cộng trong việc mua lại mạng lưới cung cấp điện ở một tiểu bang của Úc, với lý do ngắn gọn: an ninh quốc gia. Không lẽ có sự liên hệ giữa hai việc này. Nếu đúng như vậy, đó là những liên hệ quái đảng.

Nguyên Đại
18/8/16

Tham khảo:
Battle of Long Tan
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan

Releasing photos to gallery
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

VN hủy lễ kỷ niệm 50 trận Long Tân
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160817_vn_cancels_anniversary_battle_longtan

Battle of Long Tan 50th Anniversary event announced
https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/156990653ce02ea0?projector=1

Long Tan: Vietnamese authorities cancel 50th anniversary commemoration event:
http://www.abc.net.au/news/2016-08-17/vietnam-police-block-access-to-long-tan-site/7756984

Hình: Công An Việt Nam phong tỏa đường vào khu vực kỷ niệm ở Long Tân - ABC News, Liam Cochrane

17 tháng 8 2016

Cướp Lộc

Động đất và sóng thần ở Fukushima, Nhật, năm 2011
Ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng kéo theo những cơn sóng thần đã tàn phá thành phố Fukushima của Nhật, nhiều người đã mất đi tất cả người thân và tài sản. Nạn nhân của trận thiên tai này nhiều lắm, trong đó có một cậu bé 9 tuổi đang học lớp 3 ở một trường tiểu học trong thành phố.

Em đang đứng tên tầng 3 của trường, giữa giờ thể thao. Ba em làm việc gần đó, và khi em thấy chiếc xe của ba em đến đón em về nhà, thì cũng là lúc cơn sóng thần cuốn chiếc xe đi. Nhà em ở gần bờ biển, nơi mẹ và em gái của em đang chờ hai cha con về nhà...Em đã không còn thấy ai trong gia đình em sau những cơn sóng đó, ngoài biển nước mênh mông và những hoang tàn nát đổ của thành phố sau một thiên tai lịch sử.

Trong chiếc áo thun mỏng manh, em sắp hàng để nhận thực phẩm cứu trợ. Người sắp hàng dài lắm, và em đứng xa lạnh run ở cuối hàng. Thấy như vậy, một người cảnh sát đã cởi chiếc áo khoát đang mặc của mình choàng cho em, và hộp đựng khẩu phần thức ăn của anh trong túi áo rơi xuống. 

Người cảnh sát nhặt lên, đưa cho em và nói: “Khi tới lượt của em, có thể đồ ăn đã phát hết, đây là phần ăn của anh. Anh đã ăn rồi. Em hãy ăn đi”. Đứa bé nhận lấy hộp thức ăn, và cúi thấp đầu chào anh. Người cảnh sát nghĩ rằng, đứa bé sẽ ăn ngay lập tức. Nhưng không, em đem phần thức ăn đến chiếc bàn ở đầu hàng, nơi để vật phẩm cứu trợ, và để ở đó.

Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi, và em đã trả lời: “Bởi vì em thấy nhiều người khác đang đói hơn em rất nhiều; em để ở đó để thức ăn có thể được chia đều”. Anh cảnh sát quay mặt đi, trong nước mắt...Anh cảm nhận được một cách trọn vẹn bài học lớn trong đời về sự hy sinh, và lòng vị tha. 

Một lễ hội ở VN
Anh cũng nhận ra bài học về tình người mà một người trưởng thành như anh có thể tiếp nhận được từ một đứa bé trong hoàn cảnh thương đau đó. Một xã hội có thể giáo dục một đứa bé 9 tuổi hiểu và thực hiện được những điều như vậy phải đến từ những con người vĩ đại, từ một nền văn hóa vĩ đại; anh viết trong thư gởi cho bạn của anh.

Tôi nhớ và tìm đọc lại câu chuyện trên, khi thấy một băng hình (video clip) về cảnh nhiều người giành giựt thức ăn trong khi tiếng ê-a kinh kệ của các ông sư áo quần mũ mão sặc sỡ trước những mâm cổ cao ngút trong rằm tháng 7 (15/8) vừa qua ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Cảnh tượng đó cũng tạo một ấn tượng cho tôi, nhưng là một ấn tượng rất khác. Sao lại ra nông nỗi này!...

Khi từ giã những tiện nghi của một Thái Tử, để bước vào đời sống của một tu sĩ, con người mà chúng ta gọi là Phật và thờ phượng trong suốt hơn hai ngàn năm qua, đã không hề đưa bất kỳ một phép mầu nào, vào bất kỳ một món ăn nào, cho bất kỳ một ai. 

Ngược lại, trên những nẻo đường bùn bụi của đất nước Ấn Độ cổ xưa, người ta chỉ thấy có một người mỗi ngày đi xin chút thức ăn đủ dùng cho mình trong ngày, trong suốt gần 40 năm rao giảng thông điệp về tình thương. “Phép thuật” mà ngài trao cho các môn đệ chính là lòng Từ Bi. Trí Tuệ mà ngài khai sáng cho các môn đệ chính là sự hiểu biết về lý lẽ về vô thường và nhân quả, và dũng khí mà môn đệ của ngài cần phải có chính là sự buông bỏ, hy sinh. Tất cả những gì liên quan đến mê tín đều không thuộc về Đạo Phật.

Cướp lộc
Hình ảnh những thanh niên hung hăng, đánh và cướp tế vật trong các lễ hội; những người phụ nữ giành giựt bất cứ thứ gì trên bàn thức ăn trong chùa với suy nghĩ rằng đó là “lộc” để cho con cháu họ “ngoan ăn, chóng lớn”, những lò nghi ngút khói với giấy vàng mã được đốt đi cùng với niềm tin sẽ gởi đi đâu đó những tiện nghi như vẽ cho những người đã chết cùng với những hy vọng, những tin tưởng vào cuộc đời này, để chỉ còn lại những bất an, đau khổ là những chỉ dấu cho sự xuống dốc thê thảm của một xã hội đang nhiễm độc.

“Lộc” không phải là những gì giành được từ những lễ hội, chay đàn, cúng tế... Điều đó đi ngược lại với tinh thần Phật giáo. Lộc là hộp thức ăn em bé 9 tuổi đặt trên bàn cứu trợ để chia sẻ với những người cùng khổ. Lộc chính là một phần tài vật thời gian, cho dù nhỏ nhoi đến bao nhiêu, được san sớt cho những sinh linh bất hạnh hơn, đau khổ hơn, trong đời sống này. Đó chính là Lộc từ Phật.

Nguyên Đại
17/8/16

Tham khảo:
Letter from Fukushima: A Vietnamese-Japanese Police Officer’s Account – 19/3/11
http://newamericamedia.org/2011/03/letter-from-fukushima-a-vietnamese-japanese-police-officers-account.php

Chùa Quán Sứ - 15/8/16
http://soha.vn/tranh-cuop-do-cung-ram-thang-bay-trong-chua-quan-su-20160816110427187.htm