14/10/2022

TAM QUI

Ngày 23-9-22, Nguyễn Phú Trọng (NPT), Phan Văn Giang, Tô Lâm…đồng loạt bay vào Tp HCM, sau khi đã dụng kế “nghi binh” ở Đà Nẵng (1).

Hai tuần sau, ngày 8-10-22, bà Trương Mỹ Lan (TML), nhà tài phiệt gốc Hoa, cùng ba người khác thuộc tập đoàn kinh doanh Vạn Thịnh Phát bị bắt. Hai ngày trước đó, ông Nguyễn Tiến Thành “đột tử”, và bà Nguyễn Phương Hồng bỗng nhiên từ trần trong đồn công an sau đó một ngày (2).

Trong ba ngày, từ ngày 9-10 đến 12-10-22, hội nghị trung ương 7 khóa XIX đảng CS Trung quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, dưới sự chủ trì của Bộ Chính Trị Trung Cộng, đứng đầu là TBT Tập Cận Bình.
Người Hoa ở chợ Lớn SG rúng động, và dân SG nhào ra đường đi rút tiền từ các ngân hàng có liên quan (SCB, Sacom).

Chuỗi sự kiện đó nói lên điều gì?

Nhất Qui
NPT đã chứng tỏ dù đã 78 tuổi, ông vẫn kiểm soát được quân đội, công an, và đảng. Ông là một lực lượng, xứng đáng với sự hỗ trợ, giúp đỡ và “quỷ thác” của “thiên triều” Trung Cộng. Ông đã giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong đảng (ít nhứt là lúc này, và ở tầm trung ương). Ông vẫn là đầu lĩnh, là trung tâm quy tụ quyền lực.

Nhị Qui
Mật chiếu của thiên triều đã được thi hành một cách hết sức nghiêm túc. Lãnh đạo tương lai của Việt Nam cũng tuân lệnh, qui thuận thiên triều. Hoàng Đế Tập Cận Bình (TCB) có thể yên tâm về việc đó cho nhiệm kỳ kế tiếp của ngài.




Tam Qui
Một ‘’đòn chân” nhắm vào đối thủ của TCB đã được tung ra, nhờ vào sự hỗ trợ của quan thái thú và bộ đầu phía Nam. Các phe cánh CS ở miền Nam VN thân cận với tiền triều Giang Trạch Dân không thể ngờ được một đòn đá khụy chân trái bất ngờ và lợi hại này được tung ra vào lúc này để khẳng định tư thế của Hoàng Đế TCB trong hội nghị trung ương Trung Cộng, trong khi Mỹ và Tây Phương đang chú mục vào chiến trường Ukraine.
 
Trong “binh thư cổ”, thần chiêu này gọi là: Bộ Tam Qui Đầu .

Nguyên Đại
14 Tháng Mười 2022

(1) Ngày 22-9-22, công an chìm nổi bố trí dày đặc ở khắp các ngã đường nội thành Đà Nẵng, sau khi nhận được thông tin chuẩn bị đón phái đoàn từ trung ương do NPT dẫn đầu. Ngày 23-9-22, NPT cùng với Tô Lâm (Đại Tướng Bộ Trưởng Công An), Phan Văn Giang (Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng), Võ Văn Thưởng (Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng), Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương), Trương Thị Mai (Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương), Lê Minh Hưng (Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng), cùng nhiều các lãnh đạo khác, bất ngờ bay vào Tp HCM, và làm việc ở đây chỉ một (1) ngày.

(2) Trương Mỹ Lan (Chủ Tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát), Trương Huệ Vân (Tổng Giám Đốc công ty cổ phần tập đoàn quản lý bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát), Hồ Bửu Phương (Cựu phó giám đốc tài chinh VTP).

05/10/2022

CHUYỆN CÁ NHÂN

Tôi trải qua thời niên thiếu ở phố nhỏ thuộc một thành phố Trung Việt. Rồi 1975, bạn bè nhóc con cùng xóm tôi, tất cả đều quàng khăn đỏ đến trường, buổi tối đi biểu tình hô “đả đảo”, “nhiệt liệt”, mừng đất nước được “giải phóng”, “độc lập”, “muôn năm”…cũng vui!...

Nhưng lớn lên một chút thì khác…bạn bè mỗi đứa một số phận: thằng H. vào đại học Y, thằng X. điên, thằng N. khùng, thằng C. mất trí, thằng T. mất tích, thằng K. đi bộ đội sang Cam-pu-chia rồi cụt chân trở về, thằng G. quanh quẩn ở nhà cho tới già. Phố chúng tôi chừng 50 nóc gia, khoảng 100 mét đường, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh. Lũ bạn tôi thiếu ý chí, ba má tụi nó có lẽ nặng nghiệp, vụng đường tu…?Chuyện riêng mỗi gia đình, chuyện cá nhân mà!

Không! Không phải! Thằng X. điên vì ba nó là sĩ quan “ngụy” đi cải tạo hơn 10 năm, về được mấy tháng rồi chết. Nó học, nhưng không biết để làm gì, rồi gia đình có chuyện buồn…nó điên rồi chết. Ba thằng G. là “ngụy quyền”, gia đình vất vả, nó học không xong; em nó, cho tới năm 91 mới vượt biên được qua Phi, trại đóng cửa nó bị trả về Việt nam, rồi bị tâm thần. Ba nó đi lang thang, rồi chết dọc đường.
 
Thằng H. vào đại học Y với 16.5 điểm cho 3 môn học, vì gia đình “có công cách mạng”, khi thằng bạn khác của tôi 3 năm liền thi đại học với 21, 24, rồi 28 điểm vẫn không vào đại học được, vì ba nó là sĩ quan cao cấp của “ngụy”. 

Ba tôi “ngụy quân” sau khi đi cải tạo về, đi kinh tế mới, đạp xích lô…rồi bệnh qua đời. Mẹ tôi, sau 75, bán rau cho tới già. Tôi vượt biên… Tất cả những điều đó đâu phải là chuyện cá nhân. Đó là chuyện lý lịch, chuyện “chính sách” của đảng.

Cái “tập thể lãnh đạo” đó đã hủy diệt những “cá nhân” chúng tôi, những thằng 9, 10 tuổi năm 75 có tội gì? Với ai? Ai phải chịu trách nhiệm về những mất mát vô cùng đó? Đã bao giờ có một thừa nhận sai lầm, dù là một lời xin lỗi đối với thế hệ chúng tôi?

Tôi nói về quá khứ, chuyện đã xưa? Lăng của ông CT Trần Đại Quang rộng gần 3 héc-ta (30.000 mét vuông), một bà mẹ ở Thủ Thiêm hai mươi năm đi kiện không đòi được một nền nhà, không phải là “chuyện cá nhân” của ông Quang và gia đình ông cố CT, và cũng không phải là “chuyện cá nhân” của những bà mẹ Thủ Thiêm.
 
Biệt thự của Tất Thành Cang và những mái tranh xiêu vẹo, vá víu, khi đảng nhất quyết “xóa bỏ giai cấp”, “tiến lên XHCN”, không phải chuyện cá nhân của ông Cang, và những gia đình vất vả nắng mưa.
Một số “ông bà” khác tổ chức vụ Việt-Á, ngoáy mũi cả 90 triệu dân bằng que thử dỏm của Tàu mua với giá rẻ, tính lại cho người dân nghèo khó với giá gấp 10-20 lần, lấy tiền đổ sang các nước tư bản “giãy chết” mua nhà đầu tư, không phải là chuyện cá nhân của các “ông” các “bà” đó.
 
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin có thể đến hầu như lập tức về một chuyện vừa xảy ra ở bên kia đại dương. Chúng ta có liên quan. Chuyện cá nhân hầu như chỉ còn là những khoe khoang.

Nguyên Đại
5 Tháng Mười 2022

Hình: Một trong nhiều biệt thự của Tất Thành Cang (SN 1971) từng giữ chức: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

02/10/2022

"THIÊN ĐƯỜNG GIÃY CHẾT"

Cái tựa nghe lớn như vậy
, nhưng tôi “thề” sẽ không lý luận hay văn chương gì trong bài viết này, chỉ muốn kể hai câu chuyện trong ngày thôi

Chuyện Thứ Nhất
Tôi thường đi bộ tập thể dục trong công viên gần nhà. Một sáng, tôi gặp một bà người Úc (Úc 100%, chứ không phải “ba rọi”: mỡ nhiều hơn nạc như tôi), chào hỏi xã giao khi đi đối diện, và giới thiệu tên, rồi “hôm nay trời đẹp quá!” rồi đi tiếp…

Vì khi nào rảnh thì tôi đi bộ, chứ không phải theo một giờ nhất định, nên khoảng tuần sau, tôi gặp lại bà, và bà kêu đúng tên tôi, và thật ngạc nhiên, tôi ít nhớ tên, nhưng sao cũng gọi đúng tên bà, và (chúng) tôi cảm thấy hài lòng với trí nhớ của mình

Bà nói tiếp, để tôi giới thiệu ông với chồng tôi, bà chỉ vào người đàn ông, hơi đậm người, đi sau bà một quãng, bà nói đây là Ray, chồng tôi, ông ta vừa kỷ niệm 80 tuổi tuần trước. Và tôi chúc mừng (muộn) sinh nhật của ông.
 
Rồi đi tiếp, ông đi chậm nên một lát sau tôi lại ở sau lưng ông, vì đường mòn trong công viên chạy vòng vòng mà! Tôi nói: này Ray, tôi nhìn ông và đang suy nghĩ xem tôi sẽ làm những việc gì bây giờ cho đến khi tôi bằng tuổi ông. Chúng tôi dừng lại, và ông nói: đúng rồi, tôi đã ở đây 50 năm trước, nhà tôi ở đằng kia, ông chỉ tay về phía hàng cây sau công viên....

Hồi đó, tôi làm công việc cắt cỏ và làm vườn, một ngày kia tôi vô ý khiêng nặng nên bị cụp xương sống, bây giờ đi lại khó khăn như anh thấy đó. Nhưng mỗi sáng thức dậy, tôi đều lên kế hoạch mình phải làm gì trong ngày, phải thế anh ạ, bởi vì nếu không một ngày của mình sẽ qua đi, và mình không có lại nữa. Tôi ngạc nhiên với suy nghĩ của một người đã cao tuổi như ông. Thêm một bài học từ kinh nghiệm sống cho tôi.
 
Ông nói tiếp, vợ tôi cũng vậy, bà rất năng động, 20 năm trước, bà cùng tôi cũng đi trên con đường này, lúc đó chỉ là con đường đất, cỏ xung quanh cao khoảng hơn 1 mét (ông đưa bàn tay ra dấu về phía trước), và bà đã chụp hình, viết thư gởi lên Council (chính quyền địa phương) kèm theo hình, và bà nói Council phải sửa sang lại, nếu không lỡ mà cỏ cháy mùa hè, nhà của chúng tôi và những gia đình xung quanh đây sẽ bị thiệt hại.
 
Một tháng sau, Council bắt đầu công việc làm công viên, và con đường lát đá này, tôi và anh đang đi, đã được làm từ đó, cùng với những hàng cây và chỗ cho trẻ con chơi khang trang đằng kia. Tôi có thể cùng ông đi một đoạn nữa không, tôi muốn nói chuyện nhiều với ông, tôi hỏi. Không, tôi phải đi về nhà, hẹn anh khi khác, ông chào tôi và bước đi chầm chậm về phía lối ra công viên.

Tôi rảo bước đi nhanh, và rồi tôi gặp bà Val, vợ ông Ray. Thưa bà, tôi vừa nói chuyện với ông Ray, ông đã nói về bà và công viên này, bà có thể nói cho tôi biết thêm về câu chuyện đó không. Tôi thích viết và sẽ viết câu chuyện này lên trang Facebook và Blog của tôi.
 
Bà cười, pha trò: đừng nhé, ông phải hứa là đừng nêu tên tôi nhé, nếu không ngày mai, chiếc helicopter đó, bà chỉ lên bầu trời có chiếc trực thăng đang bay, sẽ tìm ông đó. Lão Ray cũng thiệt là!

Nhưng, rồi bà cũng kể tôi nghe, hồi đó có ông thầu khoán xây dựng, tên họ và cũng là tên công ty của ông là Nickson, ông ấy mua một vùng đất rộng ở xung quanh đây, và xây nhà để bán, chúng tôi, tôi và Ray, là một trong số những người mua nhà của ông. Rồi ông Nickson, tặng cho cho Council khu đất công viên này, chính thức là cho thuê 99 năm với giá $1 mỗi năm. Tôi hiểu: đó là cách thức để một hợp đồng cho tặng có giá trị pháp lý theo luật Anh/ Úc.

Rồi thì Council không làm gì cả, nên tôi mới viết thư và chụp hình gởi lên cho họ. Ông không tìm thấy một nhà thầu tên Nickson nào trên mạng đâu, vì tôi chắc ông Nickson đã qua đời, và có lẽ con cái của ông không tiếp tục làm công việc xây dựng nữa.

Council đã lắng nghe, một tháng sau, họ khởi công và một năm sau, anh thấy đó đã thành công viên khang trang như bây giờ, nhưng …Ồ, họ vẫn còn tệ quá, anh thấy cỏ vẫn còn mọc cao, bà chỉ về một vạt cỏ cao khoảng 10 phân bên đường, nhưng có vẻ như thời tiết đã làm nó lên nhanh như vậy; tôi cười.

Nhưng tại sao ông Nickson lại cho đất cho Council như vậy? Tôi hỏi. Bà đáp: tôi cũng không biết nữa nhưng nghe đâu ông đã kiếm đủ tiền, là triệu phú nhiều triệu đô những ngày đó, và ông cũng lớn tuổi nên muốn tặng lại miếng đất này để làm công viên, như một món quà cho những khách hàng của ông…
 
Rồi… tôi năm nay đã 76 tuổi, nhỏ hơn Ray 4 tuổi, con trai thứ hai của tôi không ổn chuyện gia đình nên đã về ở chung với chúng tôi. Thôi, bây giờ là giờ uống cà phê của chúng tôi. Chào ông nhé, chúng ta sẽ gặp lại, chắc chắn rồi, vì chúng tôi chưa chết nhanh như vậy, bà cười và rảo bước về phía sau của công viên… Tôi đi thêm một vòng nữa, và về nhà, vì hôm nay tôi phải làm xong một chuyện thứ hai nữa.

Chuyện thứ hai
Đó là một việc “kiếm cơm”, thực ra không có gì để kể, nhưng nó lại thú vị, tôi nghĩ thế, khi tôi đã học từ việc thứ nhất trong ngày. Đó là tôi phải hoàn tất dịch vụ giấy tờ cho một ông người Nghệ An, đang sinh sống ở Saigon (không, đúng hơn phải gọi là thành phố HCM của ông ấy). Ông ấy gởi con trai qua Úc du học, rồi con trai kết hôn, định cư và ông mua nhà cho con trai ông đứng tên, đây là căn thứ 4, mỗi căn có giá từ 1.5 đến 2 triệu đô Úc, ở một khu vực đắc địa nhất, chỉ cách trung tâm thương mại của thành phố có 8 Km.

Tôi đi và thầm nghĩ đất nước tư bản mà tôi may mắn đang sống ở đây có lẽ không bao giờ “giãy chết” vì có những người như Ray, Val, Nickson, chính quyền địa phương biết lắng nghe từ một lá thư của một người dân…

Và, cũng vì có, những người như ông khách hàng người Nghệ An của tôi, vì: không phải có bằng tiến sĩ kinh tế mới hiểu được rằng hơn 10 triệu đô Úc đã chuyển từ Việt Nam sang Úc để 4 căn nhà chuyển tên từ công dân Úc tên A sang công dân Úc tên B, và chính phủ Úc đóng thuế con niêm (stamp duty) trên từng việc mua bán đó…và tôi cũng có việc làm

“Thiên đường” nào sẽ giãy chết vì có những người như ông khách hàng của tôi và những dư luận viên sẽ vào comment lung tung trong bài viết này ?

Nguyên Đại
2 Tháng Mười 2022