04 tháng 8 2016

Khóc nữa đi con!

Sáng nay, tôi đọc bài viết "Nghệ Sĩ Kim Tuyến: "Tôi chọn tự do, và không hối tiếc"" của nhạc sĩ Tuấn Khanh đến đoạn nói về những gì xảy ra đối với bà Kim Tuyến trong những ngày vừa sau 30/4/1975:

"...Sau đó theo lời kêu gọi của chị Kim Cương, tôi [Kim Tuyến] đến họp tại Hội Nghệ Sĩ. Rất đông các cô chú và anh chị nghệ sĩ tân cổ tụ tập bên hông trụ sở và phía sân sau. Khi thấy tôi và nghệ sĩ Tùng Lâm ngồi trò chuyện, chị Kim Cương ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nói “Chị ơi em buồn quá”.

Chị Kim Cương kéo đầu tôi ngả vào vai chị, một tay vuốt tóc vỗ về: “Đừng buồn em, chị em mình rồi sẽ được giải phóng ra khỏi bốn bức tường”. Tôi sững sờ nhìn chú Tùng Lâm. Chị Kim Cương nói lớn “Mọi người vào trong, đến giờ họp. Chị nắm tay tôi, kéo tôi theo chị vào phòng họp. Chị ngồi vào đầu bàn chủ tọa.

Chị dõng dạc tuyên bố: “Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên quê hương ta, tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành. Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức (nhạc sĩ) lập những tiểu tổ để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ …”. Chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: “Tuyến, khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con”"

Tôi [Nguyên Đại] dừng lại, nhìn ra vườn...Tôi nhớ ông cụ, ba tôi quá! Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những gì xảy ra trong buổi sáng ngày 30/4/75 tôi vẫn còn nhớ, như có thể vẽ lại không sót một chi tiết nào...

Thành phố Cần Thơ, những ngày cuối tháng 4 năm đó dường như quằn xuống với những người di tản từ miền Trung đổ về, trong đó có gia đình tôi, trong một hy vọng ở đây sẽ là thành lũy bình yên cuối cùng. Sáng hôm ấy, khi lệnh buông súng ban hành trên radio...

Trong căn phòng chật hẹp của một người quen cho ở tạm, ba tôi, bác tôi, và những anh em trong dòng họ tôi đã khóc nức nở. Tôi chỉ là một thằng bé chạy lăn quăn trong những ngày tháng ấy, nhưng tôi cảm nhận có một chuyện gì hết sức nghiêm trọng xảy ra. Không có ai nằm chết trong nhà, không có khói nhang...nhưng sao có nhiều người khóc, khóc nghẹn ngào, khóc như nuốt vào trong cổ những sửng sờ, bất ngờ, sụp đổ...

Ba tôi thích ông Tùng Lâm lắm, mỗi khi có chương trình nào trên ti vi, ông cũng đón xem và tôi đi theo ông, lăn quăn...cười thích thú (có khi hiểu, có khi chỉ là cười theo ba tôi) khi ông Tùng Lâm trong những vai ngô nghê của một người lính quê ngờ nghệch trước những tân kỳ rực rỡ của đô thành Sài-gòn. Tôi nghĩ nếu tôi đủ lớn để có thể chia sẻ với ông những thất vọng, buồn bã trong những ngày tháng đó, có lẽ ông cũng sẽ nói với tôi:"khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con".

Phải, "...khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con", "mầy" khóc giùm "tao" vì sự sụp đổ của một chính thể chống cộng sản mà tao đã chọn lựa và cống hiến, một nền cộng hòa mong manh trong cơn bão chiến tranh, một đất nước bất hạnh ở vị trí tiền đồn trong toan tính chiến lược của những siêu cường.

"Mầy" khóc giùm "tao" vì những anh em, bạn bè tao đã hy sinh oan uổng xương máu của họ trong cuộc chiến này. Khóc nữa đi con, vì sự hụt hẫng đau đớn khi thần tượng, chị em của con hôm qua; hôm nay trở thành một cán bộ cộm cán của phía bên kia..."Mầy khóc nữa đi con" cho vơi nỗi đau của một tâm hồn thơ ngây bị phản bội..."Mầy" khóc đi cho vơi bớt những buồn và đau..."mầy" khóc giùm "tao".

Tôi tin bà Kim Tuyến sẽ suốt đời không quên, không thể nào quên, câu nói đó của ông Tùng Lâm. Một sự chia sẻ, một sự an ủi, một tình người, một tình thương đẹp não lòng trong hoàn cảnh đó.

Tôi đi làm...buổi trưa, một người khách đến gặp, vì yêu cầu công việc nên ông phải kể lại những điều đã xảy ra với ông gần 40 năm trước:

***

"...Tôi [vị khách hàng của Nguyên Đại] sinh năm 1945, học xong trung học ở Nha Trang năm 63, tôi vào không quân. Rồi 75 vô, sau khi đi "học tập cải tạo" về tôi vượt biên khoảng tháng 4/79 cùng với vợ và 4 đứa con, hai vợ chồng đứa em gái, một đứa em trai và một đứa em gái nữa chưa có gia đình.

Ghe tôi khoảng trên 100 người. Hôm đó, khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi tới khu vực đảo Trường Sa thì ghe mắc cạn, tôi và mấy người trẻ nữa bơi vào đảo, mấy người trước tôi vừa đặt chân lên cát thì súng bắn như mưa từ phía bên trong đảo ra, mấy người trẻ gục chết trên cát, máu loang trên sóng biển. Tôi bơi sau chưa vô kịp bờ thì vội bơi ra. Súng bắn như mưa càng ngày càng nhiều vào chiếc ghe của chúng tôi. Tôi chỉ biết bơi ra thật nhanh không biết bơi đi đâu, xung quanh tôi chỉ còn 7, 8 người.

Chúng tôi cứ bơi đi, lênh đênh trên biển. Tôi nghe nói phải cởi hết quần áo thì mới tránh được cá mập tấn công. Tôi đã cởi hết quần áo của mình, và với chiếc can nhựa, tôi lênh đênh khoảng 4 tiếng đồng hồ trên biển, khoảng 11 giờ trưa thì chúng tôi dạt vô một đảo khác, tôi không dám vô, mấy người vô trước thì mất hút đâu trong đảo.

Không nghe tiếng súng, nên cuối cùng tôi cũng vô thì thấy một người cao lớn ở trần đen bong, mặc quần rằn ri cầm M-16. Tôi đi lính nên dĩ nhiên là tôi biết là súng gì. Thằng đó nó quắt [ra dấu tay cho] tôi vô, và nó nói bằng tiếng Anh, tôi cũng nói lại bằng tiếng Anh, mặc dầu lúc đó tiếng Anh của tôi cũng không nhiều gì. Tôi nói cho nó biết là tôi không có quần áo.

Nó cởi chiếc quần nó mặc quăng cho tôi, nó chỉ còn mặc quần lót. Đảo mà, nên ở bên trong thì nó cạn có đá, qua khỏi đá thì nó sâu thăm thẳm, tôi bước xuống hụt chân chới với, cuối cùng thì tôi cũng mặc được cái quần và vô tới bờ. Tôi hỏi và biết được đó là lính Phi [Philippines]. Nó dẫn tôi vào chung nhóm với 7 người trong thuyền của tôi. Mấy đứa đó mệt quá nên nằm thằng cẳng la liệt trên bãi cát, tụi nó không biết tiếng Anh, chỉ tôi biết chút ít.

Tụi lính Phi chia khẩu phần ăn của tụi nó cho chúng tôi. Tụi nó cũng tội. Ngày hôm sau thì có trực thăng tới thả xuống quần áo cho tụi tôi và thêm thức ăn. Tôi ở đó khoảng mấy tuần, có gặp các phóng viên BBC, và VOA, họ hỏi tôi nhiều về hoàn cảnh của tôi, và chuyện gì xảy ra cho chiếc ghe của tôi. Tôi kể lại cho họ y như vậy.

Từ đó tôi không bao giờ gặp lại vợ con và các em tôi nữa. Họ đưa tôi đến đảo Palawan, và mấy tháng sau, Úc tiếp nhận tôi. Tôi đã đến đây một mình, 37 năm trôi qua. Có mấy người nói có gặp người thân tôi ở chỗ đó, chỗ kia, và cần tiền, tôi có gởi, "tin còn hơn không"; nhưng cuối cùng thì chỉ là sự nhầm lẫn hay lừa gạt. Tôi nghĩ có lẽ tất cả đều đã chết trên hòn đảo đó bao gồm những người thân trong gia đình tôi."

Hồi sáng lúc đọc bài của NS Tuấn Khanh, tôi đã dừng lại; bây giờ thì tôi quay mặt đi và xoa tay trên mắt mình...

Buổi chiều, tôi đọc bản tin của RFA nói về việc Trung Quốc ngăn chận tất cả các thông tin về việc họ cho phá hủy trung tâm tu học Phật Giáo Larung Gar lớn nhất ở Tây Tạng. Họ không cho phép bất kỳ ai đến khu vực này, và "thăm hỏi" những nguồn thông tin bên trong Trung Quốc đã đưa những thông tin "sai lạc" về vấn đề này trên các trang mạng xã hội.

Ngày hôm nay đối với tôi có những trùng hợp xúc động. Tôi về ghi vội tối nay, những dòng này...vì sợ công việc hằng ngày cuốn đi những con chữ lăn quăn của tôi.

Nguyên Đại
4 Tháng Tám 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét