13 tháng 5 2018

Đường Đi Đâu - Truy Nã Quốc Tế Ngược

Đường Minh Hưng
Khoảng tháng Chín, 2016 lúc Trịnh Xuân Thanh (TXT) tự nhiên “biến mất” khỏi Việt Nam, và các báo trong nước nói rằng “Bộ Công An Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế” đối với TXT. Tôi có viết một bài tựa là Truy Nã Quốc Tế, đăng trên trang Ba Sàm, tờ báo mạng có nhiều độc giả, mà người khởi xướng nó đang bị chế độ CSVN cầm tù. 

Bài viết đó đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến tổ chức Interpol (Cảnh Sát Quốc Tế) và một số điều kiện phải được thỏa mãn trước khi một lệnh truy nã được tổ chức Interpol phát đi.

Thấm thoát đã gần hai năm, một số điều đã được thời gian trả lời rất rành mạch và rõ ràng. 

Thứ nhất: 
Bộ Công an CSVN không thể phát lệnh truy nã quốc tế (như các báo chí của Đảng loan tin), và tổ chức Interpol cũng không phát lệnh truy nã quốc tế đối với TXT. Cần nhắc lại rằng, tổ chức Interpol chỉ được phép phát lệnh truy nã quốc tế đối với những tội phạm hình sự. Interpol không được phép phát lệnh truy nã, nếu việc bắt giữ có liên quan đến các động cơ chính trị.

Chính phủ CSVN cho đến thời gian hiện nay vẫn chưa thể thuyết phục được bất cứ ai, đặc biệt là chính phủ Đức, rằng TXT hoàn toàn là một tội phạm hình sự. Ngược lại, các phiên tòa “bỏ túi” xử TXT (và Đinh La Thăng) được tiến hành một cách cẩu thả, chỉ có tính hình thức, khi hai bản án chung thân đã được chuẩn bị sẵn để tròng vào đầu TXT, và luật sư người Đức của TXT bị trục xuất trở lại Đức khi bà đến VN để tham dự phiên tòa xử thân chủ của bà (TXT) càng củng cố cho lý lẽ rằng có động cơ chính trị trong vụ án TXT trước các quan sát quốc tế.

Thứ hai: 
Không có một hiệp ước dẫn độ giữa VN và Đức, nơi TXT xin tỵ nạn chính trị, và vì vậy con đường ngắn nhất và hợp pháp để đưa TXT về nước đã không hiện hữu. Mặc dù, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc có đề cập vấn đề này với bà Merkel (Thủ Tướng Đức) trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Đức vào đầu tháng 7/2017. Bà Merkel đã từ chối, và nói rằng việc dẫn độ nếu có, phải thông qua một trình tự pháp lý. 

Trong tư cách là người đứng đầu hành pháp, bà không có quyền (và không được phép) can thiệp vào các tiến trình tư pháp. Tuy nhiên, song song với việc này, chính phủ CSVN vẫn chuẩn bị việc bắt cóc TXT, và điều đó xảy ra vào ngày 23/7/17, chỉ hai tuần sau khi bà Merkel và ông Phúc nói chuyện về TXT vào ngày 6/7/2017.

Ông Phúc, trong vai trò Thủ Tướng, không được biết gì về vụ bắt cóc TXT? Hay ông đã ra lệnh cho Trung Tướng Đường Minh Hưng trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc? Nếu ông Phúc không thể kiểm soát được một bộ dưới quyền Thủ Tướng, thì việc ông ký vào các hiệp ước thương mại, chiến lược quốc phòng với các quốc gia khác liệu có ý nghĩa gì? 

Tưởng tượng rằng, một ngày, bên lề một hội nghị nào đó, nếu bà Merkel hỏi ông Phúc: “Thưa, ngài Thủ Tướng, ngài nghĩ sao về vụ bắt cóc TXT”. Ông Phúc sẽ trả lời như thế nào: Không biết? Trực tiếp ra lệnh bắt cóc vì “xin” dẫn độ không được? Không, chuyện đó là của bác Trọng, tôi không được biết? Hay là: Việt nam coi trọng quan hệ với Đức, “cờ lờ mờ vờ” “cờ lờ vờ”?

Thứ ba: 
Hiện nay tòa án Đức đang xử vụ bắt cóc TXT, thông qua “điểm tựa” Nguyễn Hải Long. Tại sao? 
Việc các điệp viên bắt cóc người của đối phương, nếu hai nước có chiến tranh “nóng” hay “lạnh” là chuyện “bình thường” như những hoạt động quân sự, và các gián điệp sẽ được đối xử tương tự như những chiến sĩ. Công, tội của họ sẽ được xem xét theo quy luật chiến tranh. Tòa án đâu có nhiều thời gian bỏ ra bao nhiêu tháng năm để xử từng vụ bắt cóc, hay “đánh nhau” giữa các “chiến sĩ”. 

Trong khi Đức và VN không ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng có một người đang cư trú ở Đức và được luật pháp Đức bảo vệ, người đó bị bắt cóc. Điểm khởi đầu phải là một vụ án hình sự. Tòa án là nơi giải quyết các vụ án hình sự chứ không phải bộ quốc phòng hay tình báo Đức. TXT vì vậy trở thành nạn nhân của một vụ án hình sự. 

TXT đang cư trú tại Đức, xin tỵ nạn tại Đức; TXT bị luật pháp Đức chế tài (giả sử uống rượu, lái xe, đánh nhau v.v…) chứ không phải Việt Nam; và ngược lại TXT cũng được luật pháp Đức bảo vệ khi ông ta đang ở Đức. Việc TXT có bị đưa tới ngồi vào ghế bị cáo tại một tòa án VN hay không sẽ do luật pháp Đức quyết định, chứ không phải công an VN.

Một người đang ở Đức, một vụ bắt cóc xảy ra tại Đức, tòa án Đức xử những nghi can trực tiếp và gián tiếp liên quan đến vụ bắt cóc. Đó là điểm khởi đầu hoàn toàn hợp lý phải được công nhận.

Nếu với nhân chứng, vật chứng đầy đủ và tòa tìm thấy đây rõ ràng là một vụ bắt cóc (chứ không phải tự nguyện "độn thổ" về VN tự thú) thì những người ra lệnh, chỉ huy, trực tiếp, hoặc gián tiếp phải là những tội phạm hình sự, và bị trừng phạt theo luật hình sự tại Đức. 

Cảnh sát Đức sẽ có nhiệm vụ bắt và giam giữ các tội phạm hình sự, sau đó đưa họ ra tòa án để được xét xử tại Đức. Nếu các tội phạm đó đã trốn thoát ra nước ngoài, và vì vậy không nằm trong phạm vi để thực thi quyền bắt giữ của cảnh sát Đức, Interpol có thể được yêu cầu phát lệnh truy nã quốc tế đối với các tội phạm hình sự này.

Cần hiểu rằng, khi Đường Minh Hưng chỉ huy việc bắt cóc TXT, trước đó chính phủ VN hoàn toàn không thông báo rằng chúng tôi sẽ cử một trung tướng công an đến Đức để đem TXT về. Cho đến hiện nay, chính phủ CSVN vẫn không thừa nhận họ ra lệnh bắt cóc TXT. 

Chính phủ Đức không có cơ sở để khẳng định là chính phủ CSVN đã ra lệnh bắt cóc TXT. Nghĩa là, họ “phải coi như” ông Đường Minh Hưng (mặc áo sơ mi, chứ không phải đồng phục công an với cấp bậc Trung Tướng) trong tư cách cá nhân đã chỉ huy việc bắt cóc. Nói cách khác: một người mang hộ chiếu VN tên là Đường Minh Hưng đã chỉ huy một vụ bắt cóc một người đang ở Đức. 

Đường Minh Hưng đã phạm tội hình sự trên đất Đức và hiện nay chúng tôi chưa bắt được ông ta. Chúng tôi thỉnh cầu sự trợ giúp của Interpol. Trong tình trạng đó, Interpol có thể phát lệnh truy nã quốc tế với ông Đường Minh Hưng và các trợ thủ của ông ta. Đây quả là một vụ truy nã quốc tế NGƯỢC.

Nếu TXT (đang ở Đức) bị đặt vào ghế bị cáo (một cách “bất hợp pháp”) trong một phiên tòa ở VN, và luật sư người Đức của ông ta không được phép tham dự phiên tòa dù là trong tư cách quan sát viên, tòa án CSVN đã thực hiện tiến trình xét xử một cách không đúng theo công lý tự nhiên và quy lệ được luật pháp quốc tế công nhận, và vì vậy việc xét xử đó coi như “bất hợp lệ”. Và vì không công nhận tính hợp lệ đó của các phiên tòa ở VN, nên TXT đã và gia đình đã được cố vấn để rút đơn kháng án.

Trả lại TXT cho Đức thì mất mặt quá! Bắt cóc: tốn kém “ồn ào” đủ chuyện, đưa “củi” vào “lò” với hai án chung thân rồi, bây giờ đem “củi” ra, thế thì uy danh “Người Đốt Lò Vĩ Đại” làm sao? Công nhận rằng Bộ Công An CSVN, Trung Tướng Đường Minh Hưng “gây án hình sự” tại Đức thì còn ra thể thống gì!

Giữ TXT trong tù, hy vọng “cứt trâu để lâu hóa bùn”, nhưng vấn đề là nó không hóa bùn, mà nó càng ngày “càng thúi”. Và nếu Interpol phải phát lệnh truy nã “một người mang quốc tịch Việt Nam tên là Đường Minh Hưng đã tổ chức một vụ bắt cóc tại Đức, và đã bị Tòa Thượng Thẩm Đức tuyên án”, thế thì “công dân” Đường Minh Hưng đi đâu? Nếu vài năm nữa, lấy lon trung tướng xuống, sang Âu châu chơi, bị bắt và bị đưa ra tòa ở đó về tội danh bắt cóc thì hỏi… Đường Đi Đâu?

Nguyên Đại
13 Tháng Năm 2018

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét