16 tháng 3 2019

Trung Cộng: Cắm và siết ốc

Nguyễn Phú Trọng trà đàm
với Tập Cận Bình:
Trà Việt Nam không ngon bằng
 trà Trung Quốc.
Ảnh: Internet
Nếu muốn nối hai vật thể, hai thanh sắt hay gỗ ngay cả hai mảnh xương, phải làm gì: Cắm và Siết Ốc. Trung Cộng (TC) đã thực hiện chiến lược này đối với nhiều nước, đặc biệt là với Việt Nam.

1974
Sau chuyến đi Trung Quốc của TT Mỹ Nixon năm 1972, quan hệ chiến lược Mỹ-Trung chống Liên Xô được chính thức ký kết ở Thượng Hải. VNCH bị bỏ rơi, buộc phải ký hiệp định Paris năm 1973. 

Mỹ án binh bất động và TC chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 cây số, với sự thỏa thuận của VC trước đó nhiều năm (Công Hàm Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai năm 1958).

Các cầu không và hải vận được thiết lập để chuyển khí tài và nhân lực đến Hoàng Sa biến nơi này trở thành một căn cứ quân sự có tính chiến lược trên biển Đông. Bốn mươi lăm (45) năm đã trôi qua, Hoàng Sa trở thành Tam Sa của TC. “Con ốc” Hoàng Sa đã được cắm và siết chắc, cố định như thể được hàn cứng xuống lòng biển để trở thành một trạm gác đối với VN, một pháo đài của TC trên biển Đông.

1984
Tranh thủ viện trợ toàn diện của cả Liên Xô và TC, xé bỏ hiệp định Paris, VC chiếm Miền Nam VN năm 1975, biến toàn cõi VN thành một trại cải tạo khổng lồ bọc trong một cả nước – hợp tác xã chìm trong thất bại và nghèo đói. Thỏa thuận với Liên Xô, VC đưa bộ đội sang Cambodia đánh bại quân Pol-Pot do TC hỗ trợ; và TC xua quân thọc vào toàn tuyến biên giới phía Bắc VN để “dạy cho VN một bài học”.

Các thế hệ thanh niên VN, sau 21 năm chiến tranh Nam-Bắc, tiếp tục đổ xương máu xuống cả hai mặt trận phía Tây và Bắc, năm 1979. Vướng vào hai cuộc chiến cục bộ ở hai tuyến biên giới, cộng với việc ôm cứng mô hình kinh tế XHCN “truyền thống Mác-Lê”, VC đã làm kiệt quệ nền kinh tế VN; trong khi các cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã khởi sắc đại lục Trung Cộng.

TC chiếm giữ một số vị trí chiến lược ở biên giới trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn mười năm sau đó. Ải Nam quan một vị trí có ý nghĩa lịch sử bị TC chiếm, nhưng được nhắc nhiều nhất là các va chạm đẫm máu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, năm 1984. “Con ốc” phía Bắc được TC cắm vào nền đất cứng biên giới trên lãnh địa VN.

1994
Chuẩn bị xây dựng thêm một pháo đài nữa trên biển Đông, năm 1988 TC tiến chiếm các bãi đá Colin, Len-Đao và Gạc-Ma, thuộc quần đảo Trường Sa; trong khi Liên Xô đã có những xáo trộn, nứt gãy sâu sắc sau một thời gian chạy đua vũ trang với Mỹ, đuổi theo các mô hình kinh tế XHCN sai lầm, và bị liên minh Mỹ-Trung bao vây. 

VC rơi vào tình trạng kiệt quệ, thiếu chỗ dựa, tìm cách hướng về TC để duy trì chế độ. Lê Đức Anh đã ra lệnh buông súng và 64 binh sĩ VN trên đảo Gạc Ma đã bị hải quân TC tàn sát ngày 14/3/1988.

Năm 1989, VC rút quân khỏi Campuchia. Linh-Mười-Đồng đã ký hiệp ước Thành Đô với Giang Trạch Dân và Lý Bằng ở TC vào tháng 9-1990, dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, cùng với các trung gian Lê Đức Anh và Trương Đức Duy, viên Đại Sứ TC tại VN vào thời điểm đó.

Căng thẳng quân sự biên giới giữa VC và TC coi như tạm ngưng, và ngưng hẳn theo sau những nhượng bộ về đất đai dọc tuyến biên giới, với các cột mốc được cài sâu vào trong phần đất của Việt Nam, kèm theo một số nhượng bộ khác của VN trên vịnh Bắc Bộ. 

Các chướng ngại địa lý và chiến lược được dọn dẹp, mở đường để quan hệ giữa hai đảng CS Trung-Việt rẽ sang một bước ngoặc mới, đưa đến việc Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt ký hiệp định mậu dịch Trung-Việt vào tháng 11/1991 tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.

Hỗ trợ cho chính phủ Hun-Sen của Campuchia, TC áp sát sườn Tây của VN, đóng thêm một “con ốc” nữa trên quần đảo Trường Sa, phía Đông VN, và thiết lập các đường dẫn cho các bước tiến “mềm mại” từ phía Bắc. Bên cạnh đó, TC đẩy hộp kẹo nhãn hiệu “Liên Quan Thông Đồng” và chai nước tương (xì-dầu) [Sơn thủy tương liên. Lý Tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan] về phía VC trên bàn đàm phán để cùng “phát triển kinh tế trong hòa bình hữu nghị” và duy trì sự sống-còn và quyền lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS.

2004
Sau Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo của hai ĐCS thường xuyên thăm viếng qua lại, diễn biến hòa bình từng bước xác lập. Sang Việt Nam: TT Lý Bằng (1992), TBT Giang Trạch Dân (1994), CTQH Kiều Thạch (1996), TT Chu Dung Cơ (1999), và Giang Trạch Dân (lần thứ hai) năm 2002. 

Quan trọng nhất phải kể đến chuyến viếng thăm của Hồ Cẩm Đào vào cuối năm 2005 với tư cách là TBT Đảng CSTQ, Chủ Tịch nước CHND Trung Hoa, và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Chỉ trong chuyến đi này, TC và VC đã ký kết với nhau 14 hiệp ước và các thỏa thuận kinh tế với tổng số vốn lên đến 1.2 tỷ USD.

Năm 1999, Giang Trạch Dân đã “hát” tặng Lê Khả Phiêu bài “16 chữ vàng”: “Ổn định lâu dài. Hướng tới tương lai. Hữu nghị láng giềng. Hợp tác toàn diện”. Một năm sau, Nông Đức Mạnh với chức Tổng Bí Thư và “song ca” với Giang Trạch Dân ca khúc 16 chữ vàng và bốn tốt [láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt] trong chuyến viếng thăm TC vào tháng 11/2000.

Quan hệ giữa VC và TC được nâng tầm từ các thỏa thuận mậu dịch, biên giới, sau đó lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo sau chuyến đi của Nông Đức Mạnh đến Trung Quốc vào năm 2008. 

Trước đó, vào ngày 10/4/2007, tại Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ Tịch Quốc Hội VN, đã tuyên bố “quan hệ Trung-Việt chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này”. Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 30 triệu USD năm 1991 tăng lên thành 22.5 tỷ USD vào năm 2009, gấp 700 lần sau 18 năm.

VN xuất khẩu sang TQ chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô: than đá, dầu thô, quặng Bauxite … và nhập khẩu các máy móc, thiết bị, hóa chất, sản phẩm kỹ nghệ. Vấn đề là sự mất cân bằng mậu dịch: trong khi hàng hóa VN không đủ sức cạnh tranh ở thị trường TQ, thì hàng hóa TQ lại thống trị hoặc phá hoại nền kinh tế lệ thuộc và èo uột của VN. 

TC đã cung cấp vốn cho VC qua các hình thức viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi, ngược lại các dự án về cơ sở hạ tầng, ngay cả liên quan đến an ninh, ở tất cả các thành phố quan trọng của VN đều do TC thực hiện.

TC cấp nhiều học bổng cho sinh viên VN. Các đoàn văn công của hai quốc gia thường xuyên đi lại. Phim ảnh TQ tràn ngập thị trường và các đài tivi nhà nước của VN. Sách giáo khoa lịch sử VN, không viết gì đằng sau chữ “giặc” (giặc gì không cần biết). Truyền thông VN khi diễn dịch các va chạm giữa tàu thuyền trên biển giữa VC và TC, họ viết: tàu Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công.

Năm 2013, Nguyễn Văn Thơ Đại Sứ VN tại TQ, phát biểu: “quan hệ Trung-Việt về tổng thể đã đạt nhiều phát triển mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu”, nghĩa là “các con ốc” trên khắp các lãnh vực địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa đã được cắm nhiều và sâu vào VN. Sự lệ thuộc của VC vào TC dường như bất khả vãn hồi.

2014
Đã xảy ra một vụ “chạm điện” trên sân khấu “ca-nhọt” của hai phía; tháng 5-2014, TC đưa giàn khoan 981 vào gần quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN. Vụ tranh cãi này đưa đến một số va chạm của tàu thuyền giữa hai “láng giềng tốt”. Các cuộc biểu tình nổ ra phản đối TC, ở cả trong và ngoài VN, đáng kể là các cuộc biểu tình của công nhân các khu vực công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, và Sài-gòn, đồng thời ở Vũng Án/ Hà Tĩnh.

Một vài cơ sở thương mại của người nói tiếng TQ bị đốt phá. Thêm vào là các cuộc biểu tình khác ở khu vực có đông người tỵ nạn VN sinh sống: Cali, Berlin, Frankfurt. Ngày 23/5/14 đã có một phụ nữ châm lửa tự thiêu trước Dinh Độc Lập. Ngày 20/6/14 có thêm một cuộc tự thiêu nữa của một cựu sĩ quan pháo binh VNCH ở Floria, Hoa Kỳ.

Trong khi nội bộ ĐCS Trung Cộng khá đồng nhất về các vấn đề với VN, thì nội bộ ĐCS VN đã có một số đồng chí đặt câu hỏi về “đồng chí tốt” TC. Ngày 22/5/14, trong chuyến viếng thăm Philippines, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”, và “những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” [câu này lập lại một ý rất quen].

TC coi giàn khoan 981 như một cái “cặp nhiệt”, và phép thử này cho thấy có một số “đối-TÁT” chưa “tốt” do bị “nhiễm khuẩn” thân Mỹ và Tây Phương. Thắng VN trong một cuộc chiến trên biển là một điều không mấy khó khăn, nhưng nó phá hoại tất cả mọi cố gắng “mềm mại” đã thực hiện đối với VN trong hơn hai thập niên, kể từ mật ước Thành Đô. Hơn nữa, điều này có thể đẩy các nước trong khu vực tranh chấp ở biển Đông xích lại và gắn kết hơn trong một liên minh dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Ngày 15/7/14, giàn khoan 981 rút đi vì “đã thực hiện xong các hoạt động thăm dò trong khu vực” theo Hồng Lỗi, phát ngôn của Bộ Ngoại Giao TC, một ngày sau đó. Phát biểu hông-lỗi này “đúng” và chính xác trong từng dấu chấm, nhấn, và nháy. Tháng 7 nhằm đầu mùa mưa bão trong khu vực biển Trung phần VN, rõ ràng là cái mà TC thăm dò không phải là dầu. Tháng 8/14, Nguyễn Phú Trọng cử đặc phái viên Lê Hồng Anh sang TQ theo lời mời của chính phủ TC để hạ nhiệt tình hình.

Cần phải có một sự thanh lọc toàn diện các “đồng chí tốt” ở VN để chuẩn bị nhân sự cho bước kế tiếp. Tháng 11/2015, Tập Cận Bình đến Việt Nam, tiếp xúc với Sang, Trọng, Hùng, Dũng. Sang đã mệt mỏi dã tâm, Hùng bất tài, Dũng không dùng được. Tập chọn Trọng.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã được khởi trồng từ năm 2012, sau đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc, nở rộ vào đúng thời điểm này. Thượng Tướng TC Quách Bá Hùng bị khai trừ khỏi ĐCS TQ tháng 7/2015. Trước đó một tháng là Bộ Trưởng Công An Chu Vĩnh Khang, một năm trước đó là Từ Tài Hậu, phó CT quân ủy trung ương ĐCS TQ. 

Sẽ không có điều gì thích hợp hơn là giúp Trọng giành quyền lực, thanh lọc hàng ngũ chống TQ trong nội bộ ĐCS VN với chiêu bài “chống tham nhũng”. “Con ốc” Nguyễn Phú Trọng được cắm vào chóp bu của ĐCS VN, và chiếc cờ-lê ma-dze in “chống tham nhũng” bắt đầu xiết thuận theo chiều kim đồng hồ theo sự điều khiển của siêu kỷ sư chế tạo robot, Tập Cận Bình.

Tham nhũng là mặt trái của đồng bạc, mặt kia là quyền lực tập trung, là độc tài cai trị. Vì vậy, từ tổ trưởng tổ dân phố đến chủ tịch nước, chỉ cần chỉ tay tới thì ma quỷ tham nhũng hiện nguyên hình. Việc bắt giam, quy án, xét xử đúng quy trình “tứng từng tưng” bất cứ “đồng chí” nào cũng đều không sai, và chắc chắn được sự ủng hộ của dân chúng. 

Cái bắt tay của ông Tập đối với ông Trọng đã nói rất rõ những điều tương tự như vậy, rằng: ta sẽ giúp ông lấy lại uy tín của đảng, sẽ giúp ông trở nên một minh quân, hay là một “ông Phật” cũng được (nếu ông muốn gọi như vậy), cùng với một đội ngũ cán bộ trung kiên, và trung thành với ông [và dĩ nhiên cũng sẽ trung thành với ta, với những mục tiêu mà ta và ĐCS TC nhắm đến].

Hai tháng sau khi Tập viếng thăm VN, tháng 1-2016, đại hội ĐCS VN lần thứ 12 được tổ chức: Hùng, Dũng, Sang đều được ĐH “cho phép rút tên” cùng với Rứa, Nghị và Hải. Tống Đào, đặc phái viên của Tập, có mặt tại VN trong suốt thời gian xảy ra ĐH. Các “tàu đánh cá” và hải cảnh của TC “tự nhiên” xuất hiện nhiều hơn trên vịnh Bắc Bộ. Các đơn vị bộ đội đặc biệt “không biết thuộc bộ chỉ huy nào” được triệu về thủ đô để bảo vệ ĐH. Dường như trong lịch sử ĐCS VN, chưa có một ĐH nào được bảo vệ chặt chẽ đến mức như vậy.

Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí Thư và nói nhỏ nhẹ đến “dễ thương”: “… được ban chấp hành TƯ…bầu tôi làm Tổng bí thư, gần như 100% tuyệt đối, đấy là tôi bất ngờ… tuổi tôi là cao nhất, sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng trách nhiệm của đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành”. 

Thực ra, người đắc cử chức TBT qua đại hội này không phải là ông Trọng, mà là ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã nắm được ĐCSVN, điều này chỉ có Mao Trạch Đông làm được với Hồ Chí Minh, khi chưa bị Lê Duẩn đề nghị “bác” ngồi chơi và “nghiên cứu lại các tập thơ” đã sao chép.

Các phe phái trong ĐCS VN đã có những tranh chấp dữ dội kể từ sau ĐH 12. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ được cử sang giữ chức phó chủ tịch quốc hội, giúp việc gì đó cho bà Ngân CTQH. Việc này tương tự như lúc ĐT Võ Nguyên Giáp được thăng thẳng sang chức Chủ tịch Ủy ban Sinh đẻ Có kế hoạch, dưới triều Lê Duẩn. 

Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, “không biết đi lạc ở đâu” không thấy về làm việc. Tư lệnh quân khu 2, tướng Lê Xuân Duy, “đột ngột qua đời”. Mười một ngày sau khi tướng Duy chết, bí thư và chủ tịch tỉnh Yên Bái nơi Duy làm việc bị giết. Vụ ám sát đôi này được tròng vào đầu Đỗ Cường Minh, được cho là tự tử sau khi gây án bằng cách “tự bắn vào gáy”.

Các tay anh chị trong ngành ngân hàng: Hà Văn Thắm, Trầm Bê, Trần Bắc Hà lần lượt sa lưới. Tay dính dầu Trịnh Xuân Thanh, BT tpHCM Đinh La Thăng, và bé hơn một chút, Vũ “Nhôm” cũng không thoát. Gần đây nhất, CTN Trần Đại Quang bị nhiễm bệnh lạ và qua đời, sau cái chết giống đến lạ lùng của Nguyễn Bá Thanh mấy năm trước đó. Buổi chiều, ở Trung Nam Hải, ngồi nhâm nhi ly rượu Mao-Đài thượng hạng, có đứa bé bên cạnh đang chơi game chiến tranh robot, ông Tập cười một mình.

2024
Tháng 3-2019, VN tổ chức hội nghị Trump-Kim, người ta không thấy ở đó có bất kỳ một sự tương đồng nào giữa Mỹ và Hàn Cộng về vấn đề giải giới vũ khí hạt nhân, nhưng có thể thấy rõ một liên minh chặt chẽ giữa Trung Cộng-Việt Cộng-Hàn Cộng. 

Đối với Tập, Trump là một ông già bị bệnh khó ngủ, cứ khoảng sáng sớm là nhảy “tuýt” lung tung trên mạng xã hội. Trump cần một người trẻ hơn để đi dạo chơi, và cậu Un đã được Tập đề nghị để cùng thư giãn với ông Trump một chút. Sau đó, hai người Trump-Kim đã dắt tay nhau đi vòng vo ở Singapore và Hà nội, rồi… về.

Nếu Trump ngồi tiếp được ở Nhà Trắng thêm được một nhiệm kỳ nữa, ông cũng tiếp tục là một “ông già dễ mến” đối với Tập trong vấn đề VN. Việc duy trì chính sách “Một nước Mỹ vĩ đại là trên hết” là một sự hỗ trợ cho các chiến lược quốc tế đối với TC, bao gồm các chiến lược đối với VN.

Nếu Trump buộc phải rút lui, vị tân tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết các vấn đề mà Trump để lại, bao gồm các vấn đề pháp lý trong nội bộ nước Mỹ. Đây chính là thời điểm cho một BOT Việt Nam thiết lập trên con đường tơ lụa của TC.

Nguyễn Phú Trọng bước vào tuổi 80, có muốn gì nữa trời cũng không cho, nhưng nợ của Tập thì phải trả. Ngày 23/10/18, khi nhận chức CTN sau cái chết của Trần Đại Quang, ông Trọng lẩy Kiều rằng:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay


Những ngày tháng sắp tới có lẽ, ông phải nghe, từ ông Tập và nhiều phía khác, đối lại rằng:
Nghĩ mình phận mỏng tính chuồn (hả)
Nợ nần phải trả, không tròn biết tay (ta).

Nguyên Đại
16 Tháng Ba 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét