17 tháng 9 2020

Không có gì

Bài “Ý đảng”[Ý đảng] đăng hôm qua đã nhận được một số bình luận; cảm ơn các bạn. Phần hồi đáp của người viết ở đây (một cách hết sức ngắn gọn):

1. Lời Khai
Nghi phạm trong vụ Đồng Tâm
Để bảo đảm sự công bằng, lời khai của nghi phạm khi đưa ra tòa phải có ĐẦY ĐỦ các yếu tố sau đây: (a) Tự nguyện; (b) Tinh thần ổn định và được tư vấn pháp lý; (c) Tuyệt đối không có bất cứ dấu hiệu tra tấn, áp lực tâm lý, bức cung; (d) Chứng thực.

Nghi phạm phải được coi là “vô tội” trước khi bị phán là “có tội”. Vì là người vô tội, họ có quyền nói hoặc giữ im lặng. Họ có quyền được gặp người nhà để ổn định tinh thần, tâm lý. Họ có quyền gặp luật sư, đại diện pháp lý của họ để được tư vấn về những quyền hạn của họ. Điều tra viên không được phép tra tấn, bức cung vì làm như vậy là bất công, vi phạm các quyền căn bản của con người, và làm sai lệch tiến trình tìm kiếm công lý (1).

Các cuộc thẩm vấn của điều tra viên phải được thu hình (ít nhất là thu âm) để chứng minh rằng lời khai của nghi phạm thỏa mãn các điều kiện nói trên. Lời khai của nghi phạm phải được giao cho đại diện pháp lý của nghi phạm trước ngày xảy ra phiên tòa, và phải cho họ thời gian để xác minh lại với thân chủ của họ. Lời khai của nghi phạm phải được kiểm nhận lại trong điều kiện ở tòa án. Ngay cả lời "nhận tội" của nghi phạm cũng phải được so sánh đối chiếu và có giải thích hợp lý với bằng chứng khác.

"Lời khai" của các nghi phạm trong vụ Đồng Tâm nói trên không thể được đem ra tòa coi như những lời "nhận tội" được, vì nó không thỏa mãn bất cứ MỘT yếu tố nào ở trên.

2. Pháp Chứng
Giếng trời, bị cáo buộc là "hiện trường" 3 công an 
bị đốt cháy bằng xăng (nhưng không có khói)


Pháp chứng bao gồm tất cả các vật chứng, các thông tin liên quan cùng các nhân chứng, và các kết quả thực nghiệm khoa học. Pháp chứng được thành lập khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: (a) biên bản tìm kiếm, bảo lưu vật chứng, hiện trường; (b) thông tin từ các nhân chứng; (c) thông tin của chuyên gia pháp chứng dựa trên những thực nghiệm khoa học; (d) phải giao các pháp chứng này cho đại diện pháp lý của nghi phạm và, nếu họ yêu cầu, phải cho họ đủ thời gian để tìm hiểu, tìm kiếm ý kiến của các chuyên gia pháp chứng khác, giám định lại các bằng chứng ở các phòng thử nghiệm pháp chứng độc lập; (e) thông tin từ các nhân chứng phải được cả hai phía (công tố và bào chữa) truy vấn tường tận ở tòa.

Trong vụ Đồng Tâm: không có thử nghiệm gen di truyền (DNA) để liên hệ những vật chứng tại hiện trường và người chết (3 công an), không có thực nghiệm khoa học để hỗ trợ cho những suy diễn của bên điều tra (ai, đứng ở đâu, có ai thấy, cần bao nhiêu xăng, dùng cái gì để đổ xăng xuống, cần bao nhiêu không khí để đốt cháy ba người trong hố “kỷ thuật”. Tại sao hố đó không ám khói, hay ám khói quá ít? Các công an khác lúc đó ở đâu?...

Tại sao phải dời xác ông Kình khỏi hiện trường? Tại sao xác của ông lại bị mổ bụng sau khi trả về cho gia đình? Lời khai của các chuyên gia pháp y về chuyện này ở đâu? Một người khi bị bắn 3 phát đạn có thể còn giữ được quả lựu đạn trong tay hay không? v.v…Các pháp chứng mà bên công tố đưa ra là không có, và không có sự giải thích hợp lý. Bên bào chữa không được cho thời gian để truy vấn các nhân chứng từ bên công tố, và không được cho thời gian để trình bày, chứng minh các thông tin từ các nhân chứng của họ.

3. Bồi Thẩm Đoàn
Là những người được chọn để lắng nghe những truy tố và phản biện từ cả hai phía, cùng với những lời khai và pháp chứng, để quyết định nghi phạm là “có tội” (Guilty) hoặc “vô tội” (Not guilty).

Để bảo đảm sự công bằng, thành viên tham dự đoàn bồi thẩm phải là những người được chọn lựa ngẫu nhiên trong công chúng, và sau đó cả hai phía (bên truy tố và bên phản biện) có quyền hạn ngang nhau trong việc đồng ý, hoặc không đồng ý một thành viên nào đó với lý do chính đáng (chẳng hạn: cảnh sát và luật sư không được tham gia đoàn bồi thẩm, bởi họ có thể có thiên kiến, hoặc định kiến, và có thể ảnh hưởng tới phán đoán của các thành viên khác trong đoàn bồi thẩm).

Trước khi có phiên tòa, cảnh sát và luật sư đại diện không được đưa những thông tin có thể ảnh hưởng tới sự phán đoán của công chúng (vì trong số họ sẽ có người tham dự đoàn bồi thẩm). Luật sư của nghi phạm có thể yêu cầu tòa ra án lệnh không cho phép một số thông tin được công bố ra công chúng. Tòa án có thể yêu cầu truyền thông không được phép đưa những thông tin có thể làm lệch lạc tiến trình xét xử.

Vụ Đồng Tâm: không có bồi thẩm đoàn. Tòa án “nhân dân”, nhưng nhân dân không được tham dự. Tất cả người tham dự và có quyền quyết định đều do đảng chỉ định. Hệ thống truyền thông của đảng đã được chỉ thị mở hết công suất để chuẩn bị, biện giải cho quyết định của đảng đã có, trước ngày xảy ra phiên tòa.

Vụ Đồng Tâm: Lời khai không thỏa mãn các tiêu chuẩn pháp lý về sự công bằng cho dù sơ đẳng nhất. Pháp chứng: không có, không hợp lý, cho dẫu là các thực nghiệm đơn giản và hoàn toàn khả thi. Bồi Thẩm Đoàn: không có người nào được coi là vô tư, không thiên lệch, không có định kiến đối với nghi phạm, tham gia quá trình nghe, nghị và quyết án. Không có gì…ngoài ý đảng.

Nguyên Đại
17 Tháng Chín 2020

PS:

(1) Mặc dù Việt Nam đã ký vào Công Ước Quốc Tế chống tra tấn (United Nations Convention against Torture) vào ngày 7/11/2013; vụ Đồng Tâm (và rất nhiều vụ án khác) đều cho thấy dấu hiệu công an đã tra tấn các nghi phạm.
https://m-english.vov.vn/politics/vietnam-reports-on-un-convention-against-torture-implementation-387300.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét