17 tháng 4 2019

Diễn Văn 30/4 ?

“Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã khai sinh một quốc gia mới trên lục địa này, dựa trên nền tảng của tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Chúng ta bước vào cuộc nội chiến thách thức sự tồn tại lâu dài của quốc gia này. Chúng ta gặp nhau trên chiến trường và nơi đây trở thành chốn yên nghỉ cuối cùng của nhiều người, để cho quốc gia này được tồn tại. Tất cả chúng ta đều đã làm đúng những gì mà chúng ta phải làm.

Nhưng, trong nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể biến đất nước này trở thành một linh địa. Chính những con người anh dũng, dầu đã ngã xuống hay còn sống hôm nay, đã chiến đấu nơi đây đã làm cho vùng đất này trở thành một linh địa. Thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay, nhưng sẽ không bao giờ quên được những hy sinh của họ nơi đây. Họ đã chiến đấu, với danh dự cao cả, cho cuộc sống của chúng ta và để chúng ta tiếp tục những công việc còn dang dở của tất cả chúng ta.

Chúng ta ở đây hôm nay vinh danh những nhiệm vụ vĩ đại của những người đã danh dự ngã xuống và sẽ tiếp tục phát triển những cống hiến của họ đến mức cao nhất, để những hy sinh của họ không trở nên oan uổng. Và đất nước này, dưới sự che chở của Thượng Đế, tự do được tái sinh – một chính phủ của tất cả người dân, do người dân tạo ra, và vì người dân – sẽ không lụi tàn trên mặt đất.”

Đó là bài diễn văn của kẻ chiến thắng 30/4/1975? Đúng một nửa.

Nửa đúng là diễn văn của lãnh tụ bên thắng cuộc.

Và, nửa còn lại là: đó là bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln (bản tạm dịch của người viết) đọc vào ngày 19/11/1863 trên lộ trình kết thúc cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cuộc chiến giữa Liên quân các tiểu bang miền Bắc nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Lincoln, và tổng chỉ huy của tướng Ulysses S. Grant, là người sau này trở thành vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, và quân đội của các tiểu bang miền nam nước Mỹ dưới sự chỉ huy của tướng Robert E. Lee. Các tiểu bang miền Nam chủ trương duy trì giai cấp nô lệ, trong khi các tiểu bang miền Bắc chủ trương sự bình đẳng cho tất cả mọi người.

Bài diễn văn đã đi vào lịch sử nhân loại bởi vì: (1) rất ngắn, chưa tới 300 chữ; (2) không có một từ ngữ nào về chiến thắng; (3) vinh danh những người đã hy sinh từ hai phía của cuộc chiến, họ – tất cả họ – đã anh dũng, và danh dự ngã xuống cho sự tồn tại của Hoa Kỳ, bao gồm vị Tổng Thống Abraham Lincoln, là người đã bị một tay súng ủng hộ liên quân miền Nam ám sát bằng súng vào vào ngày 14/4/1865, chỉ 5 ngày sau khi quân đội miền Nam đầu hàng liên quân miền Bắc.

Hơn một tháng sau, ngày 1/6/1865, khi tiếng súng chiến tranh thật sự im bặt, Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner đã viết rằng, Tổng Thống Lincoln đã có một “nhầm lẫn” khi nói rằng: “thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay”, bởi, khác hơn là, “thế giới đã ghi nhận lập tức những điều ngài đã nói, những trận đánh, tự bản chất của nó, đã không còn quan trọng bằng những lời lẽ này của ngài”. Ông Sumner đã phán đoán chính xác, nhân loại không bao giờ quên những lời lẽ đó của Tổng Thống Abraham Lincoln.

Những lời lẽ ngắn gọn đó có sức mạnh khép lại tất cả những bất đồng, hướng đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 750 ngàn binh sĩ tử trận từ hai phía chiến tuyến, chưa kể những thường dân. Những lời lẽ đó định vị cho một tương lai chung cho mọi người trên đất Mỹ, cho tất cả mọi người từ hai phía của cuộc chiến. Và, nhiệm vụ của tất cả những người còn sống là xây dựng một chính phủ của tất cả người dân, vì tất cả, và cho tất cả người dân.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua (1863-1975), những người “chiến thắng” – những người Việt cộng sản – quả thực không học hỏi được điều vĩ đại đó từ lịch sử nhân loại. Hơn 150 năm sau, họ – vẫn cứ huênh hoang trên xương máu anh em, vẫn cứ khoét sâu những rạn nứt tương tàn, và loay hoay với những giáo điều không tưởng, dối trá.

Chừng nào mà những “ngợi ca”, những “hồ hởi”, những “tự sướng”, còn tung bay như những ngọn cờ thấm máu đồng bào trên các nẻo đường của quốc gia này, chừng đó dân tộc này còn thất bại. Thất bại bởi không học hỏi bài học hy sinh, bài học tương tàn, bài học về sự khác biệt, bài học con người.

Nguyên Đại
17 Tháng Tư 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook

31 tháng 3 2019

Ánh Sáng và Bóng Tối

Thành phố Melbourne, tháng Ba này có 3 sự việc được dư luận chú ý đều liên quan đến tôn giáo.

Vụ thứ nhất: 
Hôm 13/3/19, Chánh Thẩm Phán Tòa Trung Thẩm Melbourne tuyên án ông George Pell sáu năm và tám tháng tù về tội xâm phạm tình dục trẻ dưới 16 tuổi vào thập niên 90. Hồng Y George Pell là chức sắc cao nhất của tòa thánh La Mã bị tuyên bố là có tội liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em.

Ông Pell thụ phong chức linh mục từ năm 1966, từng giữ chức Chủ tịch Caritas Australia, một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ nhiều người tỵ nạn Việt Nam ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Ông nhận chức Tổng Giám Mục Melbourne năm 1996, và sau đó Tổng Giám Mục Sydney năm 2001, hai năm sau ông thụ chức Hồng Y. Từ năm 2014, ông Pell được mời làm Cố vấn Kinh tế cho Đức Giáo Hoàng Francis, và đã được coi như một trong ba ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vị Giáo Hoàng trong tương lai.

Ông Pell là tác giả của nhiều cuốn sách viết về tôn giáo, và phụ trách chuyên mục tôn giáo của tuần báo lớn Sunday Telegraph Sydney. Ông được chính phủ Úc trao huy chương Centenary Medal, thừa nhận những đóng góp của ông cho xã hội Úc, và được phong danh hiệu Companion of the Order of Australia, một danh hiệu do Nữ Hoàng Elizabeth II ban từ năm 1975, dành cho những người tài giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Khi giữ chức Tổng Giám Mục Melbourne, ông Pell đã thành lập nhóm chuyên tác để điều tra và giải quyết các khiếu nại về xâm hại tình dục trẻ em liên quan đến nhà thờ Công giáo trong địa phận Melbourne. Trên cơ sở đó ông chỉ ra những thất bại trong quá khứ của các chức sắc giáo hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những xâm hại tình dục ở nhà thờ, và chứng tỏ những cố gắng của ông với tư cách Tổng Giám Mục trong cuộc chiến chống lại sự xâm hại tình dục mà các nạn nhân là trẻ em.

Vì vậy, việc ông Pell bị tuyên án tù về tội xâm hại tình dục đối hai cậu bé trong ca đoàn, sau một thánh lễ vào Chủ Nhật, khoảng vài tháng đầu sau khi nhận chức Tổng Giám Mục địa phận Melbourne năm 1996, có thể nói như một cơn địa chấn đối với Giáo hội Công giáo ở Úc châu nói riêng, và người dân nước Úc nói chung.

***

Vụ thứ hai: 
Hai ngày sau khi bản án dành cho ông Pell được công bố trên phương tiện truyền thông như là một sự kiện lịch sử đối với giáo hội Công giáo, và luật pháp Úc, vào chiều ngày 15/3/19, một thanh niên 28 tuổi người Úc, Brenton Harrison Tarrant, đã xả súng bắn chết 50 người, và làm bị thương 50 người khác ở hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, thuộc Tân Tây Lan (New Zealand).

Dường như các bình luận gia của các tờ báo lớn chuyên mục tôn giáo của Úc chưa viết xong đoạn văn đầu tiên trong bài bình luận của họ về sự việc liên quan đến ông Pell, đã vội vả vác ba lô bay sang Tân Tây Lan để thu nhận tin tức mới nhất về vụ nổ súng gây chấn động một đất nước nhỏ bé nhưng xinh đẹp và yên bình này.

Hung thủ Tarrant sinh năm 1991 ở thị trấn Grafton, khoảng 500 cây số Đông-Bắc Sydney, tốt nghiệp trung học ở đây, sau đó làm huấn luyện viên trong các phòng tập thể hình ở địa phương. Năm 2012, Tarrant bắt đầu đi du lịch Á châu, và Âu châu. Tarrant quan tâm tới những di tích về cuộc thánh chiến giữa những người Công giáo và đế quốc Ottoman.

Tarrant tuyên bố chống lại sự can thiệp của NATO đối với các cuộc thảm sát người Hồi Giáo ở Kosovo, Anbania, và cho rằng đó là những cố gắng của người công giáo Âu châu nhằm đưa những người Hồi Giáo ra khỏi lục địa này. Tarrant cho phát hình trực tuyến (live-stream) 17 phút đầu tiên của vụ bắn giết trên trang mạng xã hội Facebook Live. 

Tarrant đã bị bắt, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau khi hắn bắt đầu cuộc thảm sát, trên đường chạy tới một nhà thờ Hồi Giáo thứ ba. Tarrant đối diện với tội mưu sát, đã ra tòa hôm 16/3 và sẽ ra tòa trở lại vào thứ Sáu tuần tới, ngày 5/4/19.

Thủ Tướng Ardern của Tân Tây Lan gọi đây là một ngày đen tối của đất nước này. Bà cho rằng đây là một vụ khủng bố đã được tính toán kỷ. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), ông Recep Tayyip Erdogan, cho chiếu đoạn băng ghi hình của Tarrant về vụ bắn giết tại cuộc tụ họp những người ủng hộ chính phủ của ông cho những cuộc bầu cử địa phương sắp tới. Các chính phủ Úc, Tân Tây Lan, và đảng đối lập Thổ đã phản đối Tổng thống Thổ về việc này.

***

Vụ thứ ba: 
Ngày 26/3/19, nhật báo lớn và uy tín nhất Melbourne, báo The Age đã lên khuôn bài “Buddhist monk who bet temple on high-risk property empire saved by $8m cash payment” (Tạm dịch: Nhà sư Phật giáo thế chấp ngôi chùa cho các đầu tư địa ốc có rủi ro cao đã được cứu nhờ 8 triệu đô tiền mặt được trả), viết về sư trụ trì ngôi chùa Linh Sơn của người Việt ở Reservoir cách trung tâm thành phố Melbourne khoảng 14 cây số. The Age cho đăng hình cổng ngôi chùa có dán bảng “Mortgagee now in possession” (Tạm dịch: Chủ nợ hiện sở hữu).

Theo The Age, có khoảng 2000 tín hữu thường đến ngôi chùa tọa lạc trên khu đất rộng 2.4 hec-ta này và năm ngoái số tiền cúng dường khoảng chừng $100 ngàn đô, sút giảm nhiều so với khoảng $400 ngàn đô trong năm 2013. Dù vậy sư trụ trì chùa, ông Nguyễn Đức Thắng, đã thế chấp ngôi chùa này cho các khoảng đầu tư đất đai bao gồm khu vực 10 hec-ta đất ở Melton South, và 63 hec-ta đất khác ở Mount Cottrell. Ông Thắng còn được biết đến với tên gọi Thầy Đạo (Master Dao) đến Úc từ Việt Nam năm 1992. Các nhà báo đã tìm cách liên lạc với ông Thắng sau đó, nhưng không gặp.

Ngôi chùa đã được dùng để thế chấp cho khoản nợ 8 triệu đô vào tháng 12/2017 với lãi suất lên tới 14.5%, đáo hạn trong vòng một năm. Ngôi chùa đã được cứu thoát khỏi sự tịch thu của chủ nợ nhờ khoản chi trả $8 triệu đô từ một “mạnh thường quân” (“A benefactor stepped in”). Theo bài báo, một nguồn thu của chùa đến từ việc cho thuê những căn hộ trong chùa, với quảng cáo “enlightened living” (tạm dịch: đời sống giác ngộ). Bài báo kết thúc với việc dẫn lời một tín hữu, nói rằng việc nhà chùa sở hữu nhiều bất động sản là việc rất đáng quan tâm, mục đích của chùa là phát triển Phật pháp, không phải là đầu tư đất để kiếm lời.

Vụ thứ ba, tuy không lớn bằng hai vụ trên, nhưng có lẽ không dừng hẳn ở đây, sẽ có sự tham dự của sở thuế, các nhà lập pháp và hành pháp tiểu bang và liên bang về các luật lệ liên quan đến nhiều ngôi chùa liên tục được xây dựng trong các khu vực có nhiều người Á châu bao gồm người Việt sinh sống ở khắp mọi tiểu bang trên nước Úc.

Nếu có một cây viết trên bàn, ai cũng sẽ đồng ý với câu: có một cây viết trên bàn. Nếu không có cây viết trên bàn, mọi người cũng sẽ gật đầu là không có cây viết trên bàn. KHÔNG và CÓ rõ ràng và đơn giản. Nhưng đối với tôn giáo thì vấn đề không đơn giản như vậy: trên và trong khoảng không bao la xung quanh con người, đối với người Công Giáo là sự hiện hữu của Chúa, với người theo đạo Phật giáo, đó là Phật Tổ, Phật Bà Quan Âm, và đối với người Hồi giáo là thánh Ala. 

Con người dễ dàng đồng ý với sự CÓ, nhưng không bao giờ có thể đồng ý về “cái” KHÔNG. Khoảng KHÔNG đó thuộc về niềm tin, và bởi nó là KHÔNG, nên sẽ không bao giờ có được sự đồng ý về điều gì tồn tại trong khoảng KHÔNG đó.

Nếu niềm tin của người Công giáo rằng miếng bánh làm bằng bột mì sau khi đọc kinh sẽ trở thành “mình” Chúa, và rượu đỏ sau khi làm lễ sẽ trở nên “máu” Chúa, và linh mục sẽ uống “máu” Chúa, và tín đồ sẽ ăn “mình” Chúa, và Chúa ở cùng với họ. 

Tương tự, đó là niềm tin đối với các tín đồ đạo Phật rằng việc cúi đầu phủ phục dưới những bức tượng làm bằng thạch cao, đất nung, xi-măng… có dáng hình ông Phật, hay Phật-Bà, thì những may mắn, an lành sẽ đến với họ. Và, cũng sẽ là một niềm tin đối với người Hồi giáo trong việc họ cầu nguyện mỗi ngày nhiều lần trước khi mặt trời lặn, có thể chỉ với bằng một vuông khăn trắng để quỳ trên đó, hướng về phía mặt trời và niệm kinh Koran, với hy vọng được thánh Ala ban cho sự bình an trong cuộc đời này.

Chúa của người Công Giáo, Phật của người Phật giáo, và thánh Ala của người Hồi Giáo, tồn tại trong niềm tin của mỗi tín đồ, bất kể thuộc tôn giáo nào, như là Thượng Đế. Thượng Đế của người Công Giáo, của tín đồ Phật giáo, và Hồi Giáo, v.v… có hình hài khác nhau, lời lẽ khác nhau. Những niềm tin khác nhau đối với những Thượng Đế khác nhau. 

Niềm tin thì không tính đến chuyện đúng-sai. Niềm tin thì không thể lý luận. Niềm tin thì không thể tranh chấp. Niềm tin tôn giáo là góc tâm linh riêng biệt của mỗi cá nhân. Một người tin vào Thượng Đế của mình và có thực hiện những điều mà Thượng Đế của họ dạy hay không, chỉ có họ mới biết một cách rõ ràng và đầy đủ. Thượng Đế không tranh chấp, bởi Thượng Đế là niềm tin.

Vấn đề là: Một số người đã sử dụng niềm tin vào Thượng Đế của những người khác để mưu cầu lợi ích cá nhân cho chính họ, cho đảng, cho phe nhóm của họ. Niềm tin khác với sự lợi dụng niềm tin. Niềm tin tôn giáo, và việc lợi dụng niềm tin tôn giáo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc sở hữu con dao, và việc sử dụng con dao để hại người, cướp đoạt tài sản, sinh mạng của người khác là hai chuyện khác nhau.

Việc ông Pell bị kết án như nói ở trên là chuyện của riêng ông Pell và những người có dính dáng tới việc che chở cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở nhà thờ. Một tín đồ Công giáo thuần thành sẽ không cảm thấy việc truyền thông loan tải những tin tức này như là một sự xúc phạm đến niềm tin của họ. Niềm tin của bạn là của bạn, nó còn hay mất là do chính bạn. 

Không ai có thể xúc phạm được niềm tin của bạn. Thượng Đế của bạn ở cùng với niềm tin của bạn. Gia đình, người thân, bạn bè, và đồng nghiệp của bạn đang cùng với bạn sống trong yêu thương, và những hành động nhân ái của bạn được hướng dẫn bởi niềm tin của bạn vào Chúa, vào Thánh Kinh Công Giáo.

Việc một thanh niên người Úc bắn giết những người Hồi Giáo, chỉ vì họ tin ở thánh Ala, Thượng Đế của người Hồi Giáo, là một hành động giết người vô tội. Điều đáng tiếc là một số chính trị gia của Úc lại lợi dụng việc này để kiếm phiếu bằng cách tấn công vào chính sách di dân của chính phủ đối với người tỵ nạn, khoét sâu những va chạm văn hóa, xã hội, giữa những người đã định cư lâu năm trên đất Úc và những người tỵ nạn vừa đến xứ sở này. Thượng Đế tồn tại trong niềm tin của mỗi người. Thượng Đế không bước vào nghị viện cho quyền lợi riêng của một đảng phái nào, không bị lôi kéo vào các tranh chấp chính trị.

Phật giáo, và những tôn giáo khác, đều kêu gọi mọi người sống tốt với nhau. Việc cúng dường trong Phật giáo khởi đi từ việc Phật xuống núi khất thực, xin thức ăn bố thí. Hành động đó kêu gọi sự buông bỏ đối với những tranh chấp về vật chất, và khơi dậy lòng từ bi giữa những con người với nhau. 

Điều đó hoàn toàn không phải là một sự trao đổi, đầu tư, và trục lợi. Việc các sư-sãi sử dụng tài vật, công sức, cúng dường đó vào các kế hoạch mua đất, đầu cơ kiếm lợi nhuận, là hoàn toàn trái với tinh thần Phật giáo. Đó là sự lợi dụng niềm tin của những tín đồ Phật giáo.

Khi Tarrant bước vào một ngôi nhà thờ Hồi giáo, một tín đồ Hồi giáo đã chào hắn “Hello, Brother” (Chào người anh em), Tarrant rút súng bắn gục người đó và bắt đầu cuộc thảm sát. Người Hồi Giáo thuần thành không kêu gọi bắn giết và khủng bố. Tín đồ Hồi Giáo bị nghiêm cấm sử dụng rượu vì cho rằng rượu sẽ làm loạn tánh và thánh Ala không ở cùng với người bị loạn tánh vì rượu. Việc lợi dụng niềm tin của người Hồi Giáo để kêu gọi sự giết chóc, không phải là tinh thần của đạo Hồi.

Những người tham gia mạng xã hội những ngày này đăng hình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nắm tay ông sư chùa Ba Vàng, là người đang bị truy vấn về các khoản tiền đóng vào chùa để “nộp cho vong”, họ cũng đăng hình tổng thống Nam Dương, đất nước Hồi Giáo đông dân nhất thế giới, ông Joko Widodo, đã đến cắt băng khánh thành một hệ thống tàu điện do Nhật tài trợ và xây dựng trên đất nước của ông, với bộ đồ dân dã, bình dị.

Một người có niềm tin mạnh mẽ vào Thượng Đế, sẽ được Thượng Đế của họ hướng dẫn để phân biệt được đâu là niềm tin, và đâu là sự lợi dụng niềm tin. Tôn giáo và điều đối lập, khác biệt chính là sự lợi dụng tôn giáo. Đâu là Thượng Đế và đâu là Ma Vương trá hình Thượng Đế.

Ta là đường đi, là sự thật, và ánh sáng” – Kinh Thánh. Đường đi không phân biệt những bước chân dẫm đạp. Đường đi bao dung và tha thứ. Sự thật đối lập với điều giả trá. Ánh sáng soi rọi đến những vùng u mê tăm tối. Niềm tin tôn giáo chính là niềm tin vào sự thật, đường đi, và ánh sáng. Việc lợi dụng tôn giáo chính là chướng ngại, sự giả dối và bóng tối.

Nguyên Đại
31 Tháng Ba 2019

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân

Tiếng Dân Facebook