23 tháng 10 2020

Luật của dân

Hai tuần qua, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc xả nước để bảo vệ các đập thủy điện lớn nhỏ cắm chi chít trên thượng nguồn Trường sơn của những con sông ngắn và dốc ở miền Trung - Việt nam đã tạo ra những cơn lũ, kéo theo những vụ sạt lở đất với quy mô lớn và trên diện rộng, phơi bày những thất bại của đảng cai trị VN bao gồm:

1) Việc phá rừng Trường sơn để xây dựng các đập thủy điện đã tàn phá thế cân bằng sinh thái của thiên nhiên dẫn đến những thảm họa do lũ gây ra ngày càng lớn và rộng hơn;

2) Hàng năm, hễ tới mùa mưa, đều có lũ, nhưng chưa bao giờ bộ máy cai trị của đảng xây dựng được một hệ thống thông tin, liên lạc để có thể cứu hộ kịp thời và hữu hiệu cho người dân ở vùng có lũ;

3) Không có một khoản kinh phí dự trù, được quản trị minh bạch, để ít nhất có thể ứng phó hữu hiệu đối với nhu cầu cơ bản và khẩn cấp về ăn, mặc, và chỗ ở cho những nạn nhân ở vùng lũ.

Trong tiếng khóc mếu máo vì đói lạnh của những người dân miền Trung trong vùng lũ, cô ca sĩ Thủy Tiên, trong một thời gian rất ngắn, đã quyên góp được hơn 100 tỷ đồng tiền VN (khoảng 5 triệu đô Mỹ), và lên thuyền đi cứu hộ đồng bào, cùng với các đoàn từ thiện của các tổ chức tư nhân khác. Việc này cho thấy:

a) Dòng nước lũ, vô hình trung, đã làm nổi lên những chia sẻ rất nhân ái giữa những người may mắn hơn, và những đồng bào gặp nạn trong vùng lũ. Trong cơn giông bão, trời đất đã chứng kiến: “lá lành đùm lá rách”, “lá rách bọc lá tả tơi”…

b) Một số cá nhân, và các tổ chức tư nhân đã được người dân tin tưởng, gởi gắm tiền và vật phẩm cứu trợ để giúp đỡ nạn nhân. Trong khi các tổ chức của đảng và “chính phủ” đã hoàn toàn thất bại trong việc tạo dựng và nuôi dưỡng sự tín nhiệm của đại đa số dân chúng.

Người dân không còn tin vào sự trong sáng và minh bạch của các tổ chức đảng và chính phủ CSVN trong việc quản trị tiền bạc của họ. Niềm tin vào đảng đã “khô”, và nhiệt tình với đoàn đã “nhạt”, như chính ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận.

Không như ở các nước tự do, các tổ chức xã hội thiện nguyện được khuyến khích, tạo điều kiện để họ hoạt động dễ dàng, và chia sẻ gánh nặng kinh phí của chính phủ trong việc ứng phó với thảm họa.

Chính phủ đảng CSVN đặt ra nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định rằng ngoại trừ các tổ chức được đảng cho phép, bao gồm Mặt trận Tổ quốc…thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nói cách khác, đảng giữ độc quyền cho phép việc làm từ thiện.

Trong khuôn khổ của bài viết này, tạm gác qua những lý luận có tính lý thuyết, một ví dụ cụ thể dưới đây mong có thể làm dễ hiểu một số điều có liên quan đến cái gọi là điều “luật” này.

Tôi bị bọn cướp bắt và đưa lên núi. Tên đầu đàn nói: “Mày biết luật không?”. “Dạ! Không”. Nó nói tiếp: “Luật ở đây là: mày có bao nhiêu đưa cho tao 6 phần, 3 phần cho thằng kia (thằng dắt mày lên đây), và giữ lại một phần làm lộ phí, rồi tao cho mày đi”. Tôi chấp hành, làm đúng y như vậy. Nếu may, tôi giữ được mạng; nếu không, bọn cướp giết tôi để bịt miệng.

Trong ví dụ đó, thứ nhất: Tôi không phải là cướp. Luật chia phần đó không liên quan gì đến tôi cả, nó có sòng phẳng hay không, có “đúng” có “đều” hay không là giữa bọn chúng với nhau. Thứ hai, khi bọn cướp đặt ra luật chia như vậy, nó không có hỏi ý kiến của tôi. Tôi không tham gia xây dựng cái “luật” ăn cướp đó.

Tôi đã làm theo lời bọn cướp không phải vì tôi công nhận cái “luật ăn cướp” đó là đúng và tôi phải có bổn phận phải thi hành. Tôi đã làm theo lời bọn cướp, bởi vì tụi nó đông người, có súng có dao (có cả dùi cui nữa); còn tôi muốn giữ mạng, thế thôi.

*** 

Tương tự, Quốc hội VN là nơi hợp pháp hóa các luật lệ của đảng, như bà chủ tịch Ngân đã từng công nhận: Phải ra luật, vì Bộ Chính Trị đã quyết rồi. Thêm vào đó, chỉ có thành viên của một đảng CSVN, hay thân đảng CSVN, mới được phép có mặt trong cái Quốc hội đó.

Thỉnh thoảng có một vài ý kiến khác biệt, nhưng luật do đảng muốn là phải thành, phải xuất hiện cho bằng được, bằng cách biểu quyết qua hình thức bấm nút. Các ghế đại biểu Quốc hội đã ghi tên sẳn nên đảng biết chắc chắn, ai bấm nút gì; và đảng sẽ nhắc nhở các đại biểu là nên bấm vào nút gì, khi đảng yêu cầu. Sự xuất hiện các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú quốc bất chấp sự phản đối của người dân là một minh chứng.

Mỉa mai hơn, cái quốc hội đó thông qua cái luật phản lại tôn chỉ, nguyên tắc làm việc của chính nó, rằng: Tuyên truyền, phát tán các tài liệu chống phá nhà nước… là tội phạm hình sự (điều 117, Bộ luật Hình sự của đảng CSVN). Nghĩa là, nói và viết khác với đảng thì coi như là “tội phạm hình sự”.

Cái quốc hội đó là của đảng. Nó không đại diện cho dân. Nó không có sự đại diện của các thành phần dân chúng với những quan điểm và khuynh hướng chính trị khác nhau. Người dân nói chung, không dính dáng gì tới cái “luật” do cái quốc hội đó đóng dấu cả.

Đa số người dân không đồng ý với các luật do đảng đặt ra; điều này đảng không bao giờ dám thử. Giống như nhân vật “tôi”, trong ví dụ trên, không dính líu gì tới cái luật lệ do bọn cướp đặt ra cả. Nhân vật “tôi” trong ví dụ đó đã từng tuân thủ các luật đảng, bởi vì chỉ muốn giữ mạng, thế thôi.

Luật của dân đơn giản hơn nhiều: Tôi đang đói lạnh vì lũ, bạn đem thức ăn, quần áo cho tôi; bất chấp mưa gió, bất chấp sự ngăn cản, gây khó khăn của các quan chức địa phương và sự hăm dọa của đảng.

Bạn chỉ cần bảo đảm sự minh bạch về tài chánh, bạn sẽ được trân trọng và thương yêu. Luật của dân đặt trên cơ sở tự nguyện, không có súng đạn, cưỡng bức. Luật của dân là luật của nhân ái, và tình thương.

Luật của đảng là luật của súng, dao, và dùi cui. Luật của đảng chỉ có một mục đích duy nhất là củng cố vị trí cầm quyền của nó. Luật của đảng là sự sợ sệt, xấu hổ, tối tăm, bẩn thỉu, và khốn nạn.

Dân không có liên hệ gì với luật của đảng. Dân đang sống và sẽ sống với luật của dân. 

Nguyên Đại
23 Tháng Mười 2020

Đã đăng trên:
Báo Tiếng Dân, ngày 23/10/2020

Tiếng Dân Facebook
Tiếng Dân News, ngày 23/10/2020

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv - Thanh Tâm - 28 Tháng Mười 2020


17 tháng 10 2020

Cơ chế "Cờ Lờ Vờ"

Khoảng 4 năm trước, ngày 2-12-2016, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân Hàng Phát Triển Á-Châu (ADB), thủ tướng Phúc đã gây “chấn động” trên cộng đồng mạng với bài diễn văn có một đoạn như sau: “Mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác của khu vực như: Tiểu vùng Mekong, ACMECS, Cờ Lờ Mờ Vờ và Cờ Lờ Vờ về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”. 

Ông Phúc, đương kim Thủ tướng Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, “đăng ký thương hiệu” “Cờ Lờ Mờ Vờ” và “Cờ Lờ Vờ” từ đó. Có ai vui tính tặng ông thủ tướng cái tên “Bảy nghẻo”. Người nói có thể nghẻo, bây giờ hoặc sau này; nhưng có vẻ như bảy (7) chữ nổi tiếng đó sẽ không bao giờ nghẻo, sẽ đi theo tác giả nhiều năm sau.

Nếu nói chín trong mười người Việt nam trưởng thành đều biết tác giả của bảy chữ đó là ai cũng không phải là quá cường điệu. Hình như nó trở thành tên gọi của một cơ chế? Cơ chế “Cờ Lờ Vờ”.

Có thể nói mà không sợ tranh cãi là diễn văn mà ông Phúc đọc đó do người khác viết. Vậy thì ai viết? Trình lên cho thủ tướng (TT) khi nào? TT có đọc trước không? Tại sao TT không kiểm tra lại với tác giả bài viết? Đành rằng rất tức, nhưng ông Phúc cũng đủ tỉnh táo để không khui một con “cờ” (một “đồng chí” đánh máy chẳng hạn) để đổ lỗi, bởi nếu khui ra sẽ “rối” và “thối” nữa; nên phải “lờ” và “vờ” đi.

Tương tự, một cuốn sách tập đánh vần Lớp Một do nhiều Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ biên soạn lại dính một loạt những lỗi “kinh hoàng”. Thử đặt một số câu hỏi tương tự: Ai viết? (Không lẽ mấy ông GS, TS đó mỗi người viết vài trang? Nếu vậy, thì ai viết trang nào?). Ai đọc lại để chỉnh sửa bản thảo? Ai ký phê duyệt bản cuối cùng trước khi cho in? Không thấy “khui” ra “con cờ” nào, bởi tương tự như trường hợp của TT Phúc, khui ra sẽ “rối” và “thối” nữa.

Trong vụ ông Phúc thì “lời nói thoảng gió bay”, nhưng vụ sách giáo khoa thì “giấy trắng mực đen” tới mấy trăm ngàn cuốn, không thể nào cứ nghẻo, cứ “lờ” và “vờ” đi là xong được. Dân mạng đâu chịu! Nên các giáo sư, tiến sĩ chủ biên phải đăng đàn “chữa lửa” rằng: phải nhìn cuốn sách như nhìn một cô gái, tổng thể “đẹp là được” còn soi chi tiết sẽ thấy vết đen vết trắng là chuyện thường, rằng giáo viên phải có nhiệm vụ giảng cho “trong sáng” sách giáo khoa, rằng học sinh lớp Một cần “hiểu cái sai” để “làm cái đúng” v.v…Càng chữa càng cháy, càng bao biện càng tào lao.

Vấn đề là bây giờ chỉnh sửa làm sao? Đồng loạt xé bỏ mấy trang đó? Tuyển lại một đội ngũ soạn sách giáo khoa khác? Vậy còn tiền tài trợ của chính phủ? Tiền bán sách có trả lại cho phụ huynh không? Tiền vô túi rồi, lỡ tiêu xài, lo lót cấp trên rồi, làm sao thối lại. Càng khui, càng “rối” và “thối”; vậy thì cái chắc sẽ là “lờ” và “vờ” đi, cho tới năm sau, lại “cải cách” tiếp.

Rồi tới vụ bão lụt hiện nay ở miền Trung, tin tức ghi nhận là có một tướng, một số sĩ quan cấp tá và úy trong quân đội đã đi cứu hộ và qua đời. Lại thử đặt một vài câu hỏi tương tự như hai vụ trên: Ai ra lệnh cho quân đội đi chống lũ? Ai yêu cầu quân đội tham gia cứu hộ? Kế hoạch như thế nào? Từ lúc nào, trong quân đội VN các tướng tá phải đi trước để nắm bắt thông tin trước khi ra lệnh, mà không phải là các đơn vị đặc nhiệm?

Ai phải chịu trách nhiệm về những hy sinh không cần thiết và những cái chết oan uổng của những tùy tùng, và người dân vô tội. Các tướng tá và sĩ quan đó đem theo phương tiện gì để cứu hộ? Đi bằng xe làm sao băng qua vùng lũ, và thấy được gì? Tại sao không dùng trực thăng v.v… Càng khui lại càng “rối”.

Điều “nhức đầu” trong vụ này là lần này liên quan đến “nước”, không phải “lửa” như vụ Đồng Tâm, nên không kiếm ra tụi phản động, khủng bố nào “đổ” nước mưa xuống hố làm cho các đồng chí phải hy sinh. Có vẻ như không thể (hay không nên) khui ra con “cờ” trong vụ này, nên phải kéo cờ rủ, phong liệt sĩ, rồi thì “lờ” và “vờ” đi.

Cơ chế “cờ lờ vờ” quả thật bi hài, như khởi thủy của nó.

Nguyên Đại
16 Tháng Mười 2020

Tham khảo:
https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/videos/1434804776532260/?v=1434804776532260

Đã đăng ở:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive tv 20/10/20