16 tháng 8 2021

TALIBAN CHIẾN THẮNG "ĐẾ QUỐC MỸ"?

Hôm nay các chiến binh Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan chấm dứt cuộc chiến tranh với liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đây sau 20 năm, kể từ khi hai tòa tháp đôi ở New York bị nổ sập vào ngày 11/9/2001.

Taliban đã chiến thắng quân Mỹ?
Người ta so sánh ngày hôm nay ở Kabul với ngày 30/4/1975 ở Saigon, khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người Việt Nam ngơ ngác thời đó không hiểu sao một quân đội Mỹ đồ sộ lại có thể bị bại trận nhanh như vậy. 

Giờ đây, sau 46 năm, chính họ đã trở thành người Mỹ, có con em là các tướng lãnh trong quân đội Mỹ hiện nay. Ngay cả những người ở bên kia vĩ tuyến trước năm 1975, hiện nay đã có mặt ở Mỹ, là công dân Hoa Kỳ, và có thể có con em làm việc trong các tổ chức, công ty quan trọng trên đất Mỹ. Người Việt, ngoại trừ một số ít có vấn đề tâm lý, đều có câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi trên.

Các tướng lãnh trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ vài ba năm trước đó, khi mà các hành lang chính trị được nối lại giữa quân Mỹ và Taliban, kéo theo các hiệp ước ngưng bắn trong giai đoạn. Cũng vậy, người Mỹ đã chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, từ lúc Không Quân Mỹ ngưng oanh tạc Bắc Việt, và sau đó hiệp định Paris được ký kết giữa các chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt, và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, ngày 27/1/1973.

Sau khi tiến vào Afghanistan, đánh bại các căn cứ của Al-Qaeda, quân Mỹ không rút đi, mà ở lại đó xây dựng một chính phủ thân Mỹ, và một quân đội đồng minh mới ở đây. Khác với quân đội Đức Quốc Xã, và quân phiệt Nhật Bản, họ bị quân Mỹ và Đồng Minh đánh bại hoàn toàn, tiếng súng chiến tranh chấm dứt, ngưng hẳn, và họ bắt tay kiến thiết quốc gia sau chiến tranh. Ở Afghanistan và Việt Nam chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó. Việt Cộng nhận vũ khí của Trung Cộng và Nga-Sô cầm chân quân Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa Thủy Quân Lục Chiến vào cảng Đà Nẵng năm 1965. Taliban nhận vũ khí của một số quốc gia trong khối Ả Rập và Hồi Giáo tham dự một cuộc chiến hơn 20 năm, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khối Cộng Sản đã dùng Việt Cộng như một đội quân tiên phong cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Quân Mỹ không thể hoàn toàn đánh bại quân đội Việt Cộng, trừ khi khai chiến luôn với Trung Cộng và Liên Xô. Chiến trường Việt Nam không thể thắng bằng tiếng súng. Sau khi khai thác mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Nga Sô, Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) đã thõa hiệp với Bắc Kinh, và rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam.

Cũng vậy, cuộc chiến ở Afghanistan không thể chiến thắng bằng súng đạn, trừ khi tấn công luôn vào các đồng minh của Mỹ bao gồm Pakistan và Arab Saudi, trong số những quốc gia đã viện trợ vũ khí cho Taliban chống Mỹ. Mỹ rút quân, và quân Taliban reo hò tiến vào Kabul.

Quân Mỹ đã rút, không tham chiến nữa, năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, và hôm nay 16/8/2021 ở Afghanistan. Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, chiến trường sắp tới là ở đó. Đối thủ của Mỹ hiện nay là Trung Cộng, mũi súng của quân Mỹ quay về khu vực Đông Bắc Á. Đó là vấn đề thay đổi trong chiến lược. Chúng ta đều hiểu rất rõ, quân Mỹ không có “thắng” hay “thua” ở Việt Nam năm 1975, và hôm nay cũng vậy, họ cũng không “thắng” hay “thua” tại Afghanistan.

Khổ Đau?
Ừ thì: “dân tộc Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ”. Ừ thì: “những người học trò Hồi Giáo, cầm súng trường và lựu đạn đã chiến thắng Liên Xô, và liên quân Mỹ-Tây Phương”.

Dân tộc Việt Nam đã quá cay đắng với “chiến thắng” đó, hy vọng điều đau khổ này không lặp lại trên đất nước Afghanistan, nhưng có vẻ như còn quá sớm để có thể nói được điều gì, trong cơn say “chiến thắng” hôm nay.

Mỹ và Đồng Minh “thua” ở Việt Nam, nhưng 15 năm sau đó, toàn bộ khối Cộng Sản ở châu Âu sụp đổ. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ “thua” ở Afghanistan? Thắng, thua là điều có thể tranh cãi, có thể chưa biết rõ ràng sau một vài thập niên.

Nhưng, khổ đau là sự thật, không thể phủ nhận, không thể tranh cãi. Những đau khổ ngút trời của người Việt ở cả hai miền Nam-Bắc trong và sau cuộc chiến là không thể đong đếm. Nước mắt…biển khơi.

Nhìn xác của những người lính trẻ thuộc quân đội của chính phủ Afghanistan trước đây rải rác trong trên các ngọn đồi khô của một đất nước tan hoang sau bao năm dài chiến tranh, những người vài tháng trước đây còn say sưa với lý tưởng dân chủ tự do Tây phương…có nhớ lại thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa không?

Nhìn những chiến binh Taliban lớn lên trong cuộc chiến dường như chẳng biết gì ngoài súng đạn ngơ ngác trước những gì họ thấy tại thủ đô, tại các dinh thự người Mỹ bỏ lại, có nhớ những bộ đội Trường Sơn ngây ngô, đến tội nghiệp, ngày xưa không?

Nhìn lại cục diện hôm nay và năm xưa để thấy sự thật cuả “thắng” và “thua”. Một dân tộc tránh được chiến tranh mới là một dân tộc chiến thắng, một dân tộc có thể hòa giải những khác biệt mới là một dân tộc thật sự chiến thắng. Bài học đang ghi ở đó bằng lịch sử của dân tộc Việt Nam, bằng lịch sử của dân tộc Afghanistan hôm nay.

Nguyên Đại
16 Tháng Tám 2021

Hình: 
1) [Aamir Qureshi/AFP] Trang đầu trên một nhật báo của Pakistan về Afghanistan.
2) [Time Magazine] Việt Cộng chiếm Sai-gòn ngày 30/4/1975

Đã đăng trên báo Tiếng Dân:

Đã đọc trên YouTube
Vietlive Tivi 20/8/2021





29 tháng 10 2020

Access Now - Mở Ngay

Từ hôm 22-9-2020, trang cá nhân của tôi (trang này) đã bị những người điều hành Facebook hạ xuống. Facebook không gởi cho tôi bất cứ một cảnh báo nào trước đó. Khi mở trang của mình ra chỉ thấy một hàng chữ bằng Anh ngữ “…does not follow community standards” (không tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng” (chấm hết). 

Nhờ bạn bè hướng dẫn, tôi đã liên lạc với một tổ chức có tên gọi là Access Now. Họ đã giúp đỡ tôi; và họ đã thành công. Sáng nay, 29-10-2020, họ cho tôi biết là Facebook đã mở lại trang này của tôi.
Facebook đã báo cho Access Now biết là: Facebook đã đóng trang của tôi không đúng (“was incorrectly removed”) vào 5 tuần trước đó; và Facebook lấy làm tiếc vì những bất tiện đã xảy ra (cho tôi) (“are sorry for inconvenience it had caused”).

Access Now là một tổ chức quốc tế, vô vị lợi (non-profit), do Brett Solomon và Cameran Ashraf thành lập năm 2009, tiếp sau các cuộc biểu tình liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi ở Iran.

Tổ chức Access Now có những mục tiêu như sau:
• làm việc với các công ty xuyên quốc gia để hoạt động thương mại của các công ty này minh bạch, có trách nhiệm và tôn trọng nhân quyền;
• hướng tới việc bảo đảm cho các hoạt động trực tuyến (online) của các cá nhân có được sự tự do, an toàn và quyền riêng tư được bảo vệ;
• tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, tự do phản biện, tự do báo chí và quyền con người;
• tranh đấu cho một hệ thống thông tin mạng (internet) được tự do và mở rộng cho mọi người.

Hoạt động của tổ chức Access Now trải rộng trên khắp thế giới. Họ có các trụ sở chính đặt ở Bỉ, Costa-Rica, Tunisia, và Hoa Kỳ. Access Now đã được cấp tư cách Cố vấn đặc biệt cho Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội Liên Hiệp Quốc (United Nations Economic and Social Council) từ năm 2016.

Một số bạn bè của tôi trên trang này đã bị trường hợp giống như tôi, hoặc đang bị Facebook gởi cảnh báo trước là họ đã “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” để chuẩn bị cho việc đóng trang cá nhân của họ. Xin giới thiệu với các bạn tổ chức Access Now (tôi tạm dịch là “Mở ngay”). Họ đã thành công trong trường hợp của tôi. Tôi cảm ơn và trân trọng sự giúp đỡ của họ, Access Now.

Các tổ chức dân sự, đặc biệt các tổ chức phi chính trị (non-government) và vô vị lợi (non-profit) đóng vai trò hết sức quan trọng trong các xã hội tự do. Nhờ họ, tiếng nói của những người thiệt thòi, bị đối xử bất công được lắng nghe và giúp đỡ. 

Các tổ chức này lấy kinh phí từ các nguồn tài trợ tư nhân. Họ không nhận các nguồn tài trợ, nếu như nhà tài trợ có những yêu cầu ngược lại với tôn chỉ hoạt động của họ. 

Tôi chợt nghĩ đến bão lũ miền Trung trong những ngày này, và sự việc nhiều người và công ty tư nhân đã ủng hộ cho những cá nhân và tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lũ. Giá mà họ được cho phép để có thể tổ chức một cách chuyên nghiệp và bài bản; giá mà hoạt động của họ được chính phủ khuyến khích, và tạo điều kiện (thay vì gây khó khăn và muốn chiếm đoạt số tiền mà họ quyên góp được); họ có thể mang hạnh phúc đến cho nhiều người hơn, thay vì cái chữ “- Hạnh phúc” được vẽ vời lên tất cả các văn kiện, tài liệu của chính quyền CSVN. 

Nguyên Đại
29 Tháng Mười 2020