Những năm 90, những người Việt đến Hong Kong được may mắn đi định cư, họ được đưa đến một trại ở Kai Tak, tên là New Horizons. Phải, đó là những chân trời mới. Bên cạnh, là trại dành cho những phụ nữ chờ sinh nở, vì các trại giữ người tỵ nạn thường ở các đảo xa trung tâm, bệnh viện, nên cần chuyển những “bà bầu” để tiện cho việc chăm sóc y tế. Hong Kong những năm tháng đó còn thuộc vương quốc Anh.
Đối diện hai trại này, là nhà thờ Công Giáo, St Joseph’s Church, nơi đã trở thành tụ điểm của cộng đồng người Việt, cho đến hiện nay, khi tôi trở lại nơi này, ba mươi năm sau. Tôi được mời “dẩm trà”, hôm đó khoảng mươi bàn, mỗi bàn khoảng 10 người. Câu chuyện bắt đầu…
Em (N.) chưa có giấy tờ…Bố Mẹ em vượt biên năm 89, đến trại rồi sinh em năm 92. Em được khoảng 3-4 tuổi, thì bố mẹ bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam. Bố mẹ em về cũng vất vả, vì đủ thứ lý do. Năm 2021, em lại vượt biên nữa. Sao? 2021? Phải, tháng Năm-2021, lần này, tụi em leo núi từ Cao Bằng, rồi đến Đông Hưng, sau đó qua Sám Trăng, rồi đi thuyền qua Hong Kong. Rồi ở đâu? Ở nhờ với bạn, rồi từ từ tính. Đời bố mẹ vượt biên, đời con cũng vượt biên anh ạ (cười…)
Em (T.) mới sang được 2 năm. Em gái của em sang trước, nó đi làm, kiếm tiền rồi nhờ một ông về VN kết hôn. Em làm “tài bùn”, phụ việc ở các công trình xây dựng. Nhưng…họ nhận phụ nữ? Nhận tất, anh ạ!
Em (H.) đến trại năm 89, năm 94, vẫn còn ở đó. Rồi thì có một người quen, thăm nuôi. Khách ngồi một bên, trại viên ngồi một bên. Bà phiên dịch hỏi một ông khách ngồi đối diện: Sao? có muốn lấy vợ không? Ông gật đầu. Rồi hỏi em, có muốn lấy chồng không, trả lời nhanh lên, không thì chuẩn bị về VN. Em gật đầu. Bà lấy số thẻ của em, căn cước của ông ấy…Rồi, em để cho đời nó trôi...
Sau này, em biết ông ấy là người Trung Quốc, ông nói ông đến biên giới năm 73, rồi bơi 3 ngày 3 đêm đến Hong Kong và xin tỵ nạn ở đây. Làm đủ mọi thứ nghề…vẫn không lấy được vợ, cho đến khi gặp em, không biết có phải là số phận không. Nhiều lúc, vừa sống vừa cầu nguyện...
Em có 3 đứa con, tụi nó bây giờ cũng đã lớn. Nhà em thường chia làm hai phe: phe ủng hộ Tập Cận Bình, phe Không. Em và hai đứa con nhỏ thuộc phe Không. Người Trung quốc họ thâm lắm anh ạ. Họ cho di dân sang Hong Kong hai dạng người: Một, rất có trình độ, nắm giữ các vị trí quan trọng, thay dần lớp lãnh đạo ở Hong Kong. Hai, là số người bệnh tật, già yếu, tâm thần…không làm được gì, chỉ sống nhờ trợ cấp, chuyển gánh nặng xã hội sang cho những người thọ thuế ở Hong Kong. Mấy năm nay, người Hong Kong bức xúc, biểu tình rầm rộ.
Nhưng tại sao, ông xã em lại ủng hộ Tập Cận Bình, khi mà ông đã từng liều chết bơi qua Hong Kong? Ông ấy nói, những năm trước khác, bây giờ Trung Quốc đã khác xưa. Em thì không tin, không bao giờ, cộng sản mà…Anh biết, sau khi giao trả lại Trung Quốc, những người có tiền ở Hong Kong được tạo điều kiện dễ dàng để đi lại và làm việc ở Trung Quốc, thế là nhiều người về Trung Quốc mở hãng xưởng, cơ sở kinh doanh…Rồi, thì gặp chuyện, bẫy nợ, bẫy tình, bẫy thuế…Mấy ông đó, sau này trở về Hong Kong tay trắng, nhảy lầu là thường.
Em (T.) đi Hong Kong năm 90, anh ạ. Trên tàu của em, thanh niên nó đánh nhau tranh giành thức ăn, rồi tàu vỡ, dạt vào Trung Quốc. Em đi với gia đình người chị lang thang xin ăn ở Trung Quốc cả tháng trời, rồi một mình em theo tàu than của bộ đội về lại VN báo lại cho bố mẹ em. Bố mẹ lại cho người em trai của em và em lên thuyền của nhà em sang Trung Quốc, đón chị em đi tiếp tới Hong Kong.
Đến trại, thằng em của em thấy khổ quá, nó xin hồi hương. Em trốn trại, ra Hong Kong đi làm đủ mọi nghề, tiếp tế cho gia đình của chị em ở trong trại, vì anh chị có con nhỏ. Nhà em không có người ở nước thứ ba như mấy anh chị ở miền Nam, không làm thế, ở trong trại miết, làm sao sống nổi, anh! Mấy năm sau, em để dành đủ tiền, thuê được người kết hôn, em xin vào trại trở lại… Rồi em lại ra Hong Kong, lại đi làm đủ mọi việc…Bây giờ, em bán thức ăn Việt ở chợ, cũng ổn anh ạ…
Chị em sau đó xin hồi hương, rồi được Mỹ nhận, hiện chị ở tiểu bang..cái gì xi xi. Tennessee phải không? À đúng rồi anh. Sao chị em không giúp em sang Mỹ? Em khai linh tinh với Bộ Di Trú (Hong Kong), rồi sau đó với Liên Hiệp Quốc, rồi sau này với chính phủ mới của Hong Kong…Bây giờ, em cũng không biết em là ai nữa…(cười)…
Em (H. D.) ra tự do năm 92, hồi đó em mừng lắm, người ta ngưỡng mộ lắm, bởi trong và ngoài trại là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, anh cũng biết mà…Người quen giới thiệu một anh người Việt ở Hong Kong vào để “giúp em”. Anh ấy ăn nói nhỏ nhẹ, cao, điển trai…Rồi em đến trại Tuen Mun, trại dành cho những người chờ tiếp kiến phái đoàn các nước thứ ba, để đi định cư.
Ai cũng lo đi làm ở Hong Kong, nên trại trống trơn vào ban ngày, có điều mọi thứ mình phải tự lo hết, không phải như ở trong trại giam có người phát cơm, và phát quần áo để mặc tạm. Ai sao mình vậy mà anh.
Nhưng, em bị sốc ngay tuần đầu tiên, vì ông xã em là người nghiện nên không được nhận đi định cư…Em choáng váng…Rồi cũng phải sống, phải kiếm cái gì để ăn chứ…Em vào các quán ăn xin rửa chén, họ nhìn cái dáng của em, rồi đuổi em đi, họ nói là em đùa với họ: “nị quản dzệ” “chẩu! chẩu la” (mày giỡn hả, cút!).
Rồi em cũng xin được vô một quán, sau khi cam kết là biết làm, họ đưa cho cái vòi nước tráng chén, thế là em xịt một phát ướt từ đầu đến chân…bọn nó cười như chưa bao giờ được cười…rồi thì cũng có người tốt bụng, chỉ vẽ cho em…giấu đồ ăn trong bếp cho em.
Mười hai (12) năm…em vẫn ở Hong Kong, “ông xã” cai nghiện thất bại và không đi định cư được. Em rời Hong Kong… Mười tám (18) năm sau, em trở lại…
Hong Kong…
Những con đường từ biển khơi đi lên
Những hành lang từ trên núi xuống
Những lối rẽ …nghiệt ngã!
Về phía tự do!
Nguyên Đại
12/1/23