11/03/2023

ĐỪNG TÙY TIỆN

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ tiếc rằng chưa được xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù….” đó là lời Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại Vương, ba lần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, vào thế kỷ 13.
 
Lời lẽ đó, hay tương tự, khó có thể dùng vào một văn bản ngày nay để hiệu triệu chiến sĩ xung trận, bởi nó “kinh khủng” quá! Nó “dã man” quá! Vó ngựa dồn dập trên những con đường sỏi đá của năm tháng xa xưa không thể so sánh với thiết vận xa, tên lửa mang đầu đạn nguyên tử hôm nay. Đốt, giết, hiếp…sự tàn bạo của quân Mông Cổ ngày xưa, và quyết tâm “Sát Thát” xăm hằn trên ngực của nhưng binh sĩ nhà Trần không thể nào đối xứng với quy định đối xử với tù nhân chiến tranh thế kỷ 21.

Nếu để cho hợp với các tiêu chuẩn hôm nay, mà đổi lời Hịch, chẳng hạn, chỉ tiếc là chưa bắt được quân giặc, thuyết phục chúng cải tà quy chánh…thì văn bản đó không thể là Hịch Tướng Sĩ được, chỉ có thể là “Hạch” (“dở như hạch”). Lời lẽ của cha ông, không thể đổi thay tuỳ tiện.

Tác phẩm khi đã ra đời có sinh mệnh riêng của nó, có khi không còn thuộc về tác giả, người đã sinh ra nó. “Này em hỡi, con đường em đi đó, đúng hay sao em…”, cho dẫu được chính tác giả Vũ Thành An, sau gần ba mươi năm sau, thấm thía với những thăng trầm nghiệt ngã của cuộc đời, đổi lại rằng “…con đường em đi đó đúng đấy em ơi”, thì thính giả vẫn cứ thích cái xót xa “non trẻ” ngày xưa. Lời sau, trong âm vang tiềm thức của thính giả vẫn cứ là một phiên bản “lỗi”, “không hoàn hảo” của lời trước, mặc dù đã được chính tác giả “đóng dấu, ký tên”. Dù người ta có ghét con người chính trị của Trịnh như thế nào thì “làm sao em biết bia đá không đau”, để cho dẫu “sỏi đá cũng cần có nhau” vẫn cứ là những nỗi buồn mượt mà…rất đáng yêu.

Khi người yêu xuất ngoại, những năm 70 của thế kỷ trước, Lam Phương bổng thấy “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm, em ơi!”, và thính giả đã trải qua hơn 15 năm chiến tranh Nam-Bắc Việt, chứng kiến một quê hương lửa khói, chia ly, không buồn sao được, cho dẫu nỗi buồn của thính giả có khi không giống cái buồn của Lam Phương, nhưng người viết, người hát, người nghe đều biết: họ có một Việt Nam buồn lắm… 

Từ “Việt Nam” trong lời hát này có nỗi thất tình của nhạc sĩ, có xót xa của thính giả trong ly loạn chiến tranh, có lịch sử, có “văn hoá” riêng của nó; và dĩ nhiên, không thể thay bằng “Trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi”, nghe cứ như lời lẽ của một cậu bé mới lớn viết câu thơ tình đầu tiên trong đời.

Ca sĩ được nhiều người ưu ái và mến mộ như Tuấn Ngọc, lẽ ra, không nên, làm như vậy. Ông có “riêng một góc trời” để yêu một nghệ thuật mà ông tận hiến cả một đời, và cũng để khán thính giả yêu thích ông. Ông không cần một “vụng về” như vậy!

Văn hoá có tính trường cửu, trong khi quan điểm chính trị có tính nhất thời, ngắn hạn. Uốn nắn cái trường cửu để phù hợp với những mục tiêu tuyên truyền ngắn hạn đó là hoạt động chính trị, không phải là niềm đam mê được ân sủng của người làm nghệ thuật.
 
Nghêu ngao trong bàn rượu, thay chữ đổi lời để vui, để cười thì không sao, tác giả nghe được có khi cũng chung vui. Nhưng, tuỳ tiện thay đổi lời của nhạc sĩ khi trình diễn nhạc phẩm của họ trước công chúng là tạo dựng một thứ “hàng nhái”, phá cách để ăn cắp bản quyền, sao lỗi các sản phẩm hàng hiệu để kiếm tiền trên sức lao động trí óc của người khác, của mấy gã bất lương tuồn hàng giả ra các chợ trời. Điều đó không phải là việc nên làm của những nghệ sĩ có phong độ và tên tuổi, chưa nói đến sự tôn trọng, và cảm ơn, dứt khoát phải có của họ đối với những nhạc sĩ, những người đã góp phần tạo nên tên tuổi, sự nghiệp, và sự mến mộ của khán thính giả đối với ca sĩ. 

Người nghệ sĩ cần có tình yêu với nghệ thuật mà mình đam mê. Yêu là nâng niu, trân trọng không phải tàn phá, huỷ hoại…tuỳ tiện.

Nguyên Đại
11/03/2023