![]() |
Kissinger & Xi Jiping (Peking, Nov-2023) |
Kissinger gốc Do Thái, sinh ở Đức ngày 27-5-1923, đến Mỹ tỵ nạn Đức Quốc Xã, năm 1938. Ông tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chính trị tại đại học Harvard năm 1954. Sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục phục vụ ở trường đại học một thời gian, trước khi trở thành Cố Vấn An Ninh cho cựu tổng thống Nixon vào năm 1969. Một năm sau biến cố Mậu Thân trong chiến tranh Việt Nam.
Hai năm sau, 1971, Kissinger bắt đầu có những chuyến đi con thoi giữa Washington và Bắc Kinh. Năm 1972, Mỹ và Trung Cộng chính thức xác lập quan hệ ngoại giao, chấp dứt 23 năm cách ly và thù địch. Cùng năm, Đài Loan bị đẩy khỏi chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc, nhường chỗ cho Trung Cộng, cho tới tận ngày nay.
![]() |
Blinken & Xi Jiping (Peking, Oct-2023) |
Song song với việc xây dựng quan hệ Mỹ - Trung, Kissinger thúc đẩy chính phủ Mỹ thương lượng với chính phủ cộng sản Bắc Việt (CSBV), đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam, và rút quân Mỹ khỏi chiến trường Đông Dương.
Trong hai năm 1972 và 1973, Kissinger gặp Lê Đức Thọ nhiều lần ở Paris, chính thức và bí mật. Tháng 10-1972, Kissinger và Ellsworth Bunker, đại sứ Hoa Kỳ ở Miền Nam Việt Nam lúc đó, gặp Tổng Thống Thiệu ở Sài-gòn, và “ép” ông Thiệu ký hiệp ước “hòa bình”. Ông Thiệu từ chối, và yêu cầu bản thảo hiệp ước phải được chỉnh sửa. Kissinger rời Sài-gòn đến Paris gặp ông Thọ. Ngày 13-12-1972, ông Thọ rời khỏi bàn đàm phán ở Paris và trở về Hà Nội, từ chối các điểm chỉnh sửa do ông Thiệu yêu cầu.
Ngày 8-1-1973, Kissinger gặp lại ông Thọ ở Paris, và ngày hôm sau, Kissinger và Thọ đã đi đến sự đồng thuận, với một vài tiểu tiết nhượng bộ đối với người Mỹ. Ông Thiệu từ chối ký vào hiệp ước này, nhưng Nixon đã có quyết định chung cuộc. Ngày 27-1-1973, hiệp định Paris được ký kết, người Mỹ đồng ý hoàn tất việc rút quân vào tháng Ba cùng năm.
Tháng 12-1973, Kissinger và Thọ được trao giải Nobel Hòa Bình. Thọ từ chối nhận giải thưởng, nói rằng miền Nam vẫn không có hòa bình sau hiệp định. Kissinger cũng không tới nhận giải, sau đó ông viết cho Ủy Ban trao giải Nobel rằng ông nhận giải với sự trân trọng, nhưng yêu cầu tặng toàn bộ số tiền thưởng cho trẻ em của những gia đình Mỹ có người tham gia trong cuộc chiến Việt Nam.
Tháng 11-1974, Kissinger vận động để Brezhnev (Tổng Bí Thư Liên Xô thời đó) ngừng viện trợ cho CSBV, và ông cũng vận động để Mao và Chu Ân Lai của Trung Cộng ngừng viện trợ quân sự cho CSBV, ông cũng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự cho VNCH. Nhưng, đã muộn…tất cả các cuộc vận động đó đều không thành công. Sài-gòn sụp đổ, hay “được giải phóng”…tháng 4-1975.
Dù ở góc nhìn nào, không thể phủ nhận vai trò của Kissinger trong chiến tranh Việt Nam. 58 ngàn lính Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam, chưa kể quân đội Đồng Minh. Việc rút quân sau hiệp định Paris đã kết thúc dòng chảy hủy diệt đó, và dập tắt ngọn lửa phong trào phản chiến lan rộng khắp thế giới, trong những thập niên 60, 70. Kissinger đã góp phần đem con em những người Mỹ trở về nhà, thay vì những cuộc hành quân liên miên cùng với tử thần trên một chiến trường rừng núi, đầm lầy, cách quê hương của họ nhiều ngàn dặm.
Cuộc chiến kết thúc, và người Việt hai miền Nam Bắc không còn bị chết, thương tật trên chiến trường. Chiến tranh, dĩ nhiên, không bao giờ được yêu chuộng. Nhưng, nhiều thảm kịch sau cuộc chiến có lẽ là điều mà không bao giờ Kissinger có thể hình dung trước đó, bao gồm cuộc sống khốc liệt trong các trại tù “cải tạo”, những nghiệt ngã mưu sinh ở vùng “kinh tế mới”, những đau đớn chất ngất trên những chặng đường vượt biển, trong các trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á…và những giọt nước mắt xót xa đọng lại cùng với những vết thương khó lành, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Kissinger góp phần trong chiến lược định hình quan hệ Mỹ-Trung, chia cắt hai cường quốc cộng sản Trung-Xô, như một thế Domino, kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Không hiểu Kissinger nghĩ gì, khi một Liên-Xô trong thời trẻ của ông, ngay thời điểm này, lại chìm ngập trong “nội chiến” giữa hai bang Nga và Ukraine của ngày xưa.
Nếu có thể có một điều ước, có lẽ Tổng Thống Zelenskyy của Ukraine mong có một Kissinger nào đó của nước Nga, người sẽ tìm cách thuyết phục Putin rút quân khỏi chiến trường Ukraine, đem lại hòa bình trên đất nước mà số phận đặt để ở vị trí tiền đồn Đông Âu của NATO hiện nay, tương tự như Miền Nam Việt Nam trước năm 75.
Ở tuổi ngũ thập, Kissinger đã góp công lớn xây dựng quan hệ Mỹ-Trung, thay đổi cục diện trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Ở tuổi bách niên, ông lại đi Bắc Kinh, với ý định làm tan băng trong quan hệ Mỹ-Trung lần nữa. Ông là một công dân Hoa Kỳ, một người bạn của Trung Cộng.
Rất tiếc, ông không phải là một người Việt Nam. Và, có lẽ ông cũng chuẩn bị đi…rất xa. Kính tiễn ông.
Nguyên Đại
21 Tháng Mười Một, 2023
21 Tháng Mười Một, 2023