30 tháng 4 2020

45 năm cô đơn

Dinh Độc Lập 30/4/1975
Mỗi năm cứ đến ngày 30/4, các chú tổ trưởng dân phố lại có một nhiệm vụ đi nhắc nhở từng nhà treo cờ đỏ, thế là những người Việt yêu đảng (VC) lại nhìn thấy một rừng cờ để tự sướng với nhau, rằng “chúng ta đã từng thắng hai đế quốc to, Pháp và Mỹ…”. Nhiều người trẻ lớn lên sau này “dưới mái trường XHCN”, nếu không chịu tìm hiểu, sẽ ngơ ngác tự hỏi tại sao một “dân tộc vĩ đại” như thế vẫn cứ chìm trong đói nghèo và “ngạo nghễ” với mức lương lao động trung bình thấp nhất Á Châu, và giá trị của tờ đồng in hình “bác” là nhất nhì thế giới, nếu tính từ dưới lên.

Nếu những người trẻ tội nghiệp đó tự tìm và hiểu, để thấy bằng đôi mắt của mình chứ không phải chỉ những gì mà mình được phép thấy, nghe bằng đôi tai của chính mình chứ không phải là những gì mình được cho nghe, để không uổng một kiếp người, một con người tự do bình thường như mọi người khác trên hành tinh này, họ sẽ hiểu rất rõ ràng rằng:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai (WWII), Hitler đã bị đánh bại, nước Đức bị chia đôi. Nhật gục đầu sau hai quả bom nguyên tử. Đại Hàn, bị Nhật chiếm đóng trước đó, đã trở thành Bắc Hàn (Triều Tiên) và Nam Hàn (Hàn Quốc). Và, cũng vậy Việt Nam có VNDCCH (Bắc Việt) và VNCH (Miền Nam Việt Nam). Những đất nước bị phân chia đó kết quả của những thỏa thuận giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Cái gọi là “chiến thắng đế quốc Pháp” đó phải được nhìn như một bất hạnh của một dân tộc nhỏ, vừa thoát ra từ một thuộc địa, lại lâm vào cảnh phân ly, bởi vị trí địa chính trị của nó, trong sự sắp xếp giữa các cường quốc, để tiếng súng tạm yên, mở màn cho cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Cái khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được đem ra để biện minh cho những chiến trường thảm khốc trên toàn cõi Việt Nam, khi mà vũ khí của các cường quốc có nơi để phô trương sức mạnh trên xương máu của cả một dân tộc; trong khi tiếng súng đã thực sự im bặt ở Đông-Tây Đức, và Nam-Bắc Hàn. Vạn gia đình chia ly, triệu cuộc đời tan nát, trong tiếng bom đạn tơi bời ở mọi ngóc ngách của những con đường nhỏ hẹp đau đớn của Việt Nam heo hút trong những ngọn đèn dầu thắp bằng nước mắt của những bà mẹ Việt Nam có những đứa con mình tàn sát nhau dưới hai màu áo trận, không thể nào là một ngạo nghễ tự hào.

Khi những tàu chiến trang bị hiện đại của Trung Cộng bắn những phát đạn cuối cùng vào những tàu chiến lạc hậu, hư hỏng của VNCH, tháng 1-1974 để chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong khi Hạm Đội Bảy Hoa Kỳ cắm neo để…ngắm hoàng hôn, gần đó, tuân thủ chiến lược của Washington thỏa hiệp với Bắc Kinh để cô lập Liên Xô, cắt đôi khối CS kéo theo sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và các nước CS Đông-Âu sau này. Thì, cái gọi là “chiến thắng đế quốc Mỹ” đã được tuyên bố khắp địa cầu từ ngày đó, chứ không phải là nụ cười của chú bộ đội ngông nghênh trên chiếc xe tăng ủi sập cổng Dinh Độc Lập, Sài-gòn, ngày 30/4 của 45 năm trước.

Ngày những thỏa thuận về cuộc chiến VN được các cường quốc được ký kết, và bữa ăn tối được dọn đi, người ta nghe thấy tiếng gầm gừ “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” dưới gầm bàn, và sau đó là hàng loạt các trại tù, cưỡng bức lao động được hình thành để “cải tạo” anh em. Từng tiếng cuốc, xẻng “tiến nhanh, tiếng mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” phá nát những gì còn lại của Miền Nam Việt Nam sau chiến tranh, đẩy hàng triệu người Việt ra biển, trên những con tàu mong manh như chiếc lá tìm kiếm cơ hội trong giông bão và lòng nhân đạo của những người không thuộc về “dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Những chiếc hôn, cái ôm trao nhau giữa lãnh đạo “đảng ta” và “người anh lớn Trung Quốc” vẫn còn ấm trong niềm vui “chiến thắng” vẫn còn ngây ngất, đồng chí “em” VC đâu có ngờ rằng, tiếng súng và lưỡi lê của “quân đội nhân dân Trung quốc” lại xộc thẳng vào thân xác của những người dân vô tội ở đồng loạt bảy (7) tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, trong chiến dịch dạy cho bọn “côn đồ” Việt Nam một bài học bằng cách giết, hiếp, đốt, phá sạch trên đường tiến quân. Rồi bài ca “chiến thắng” được vang lên, sau khi chiến lược giữa Mạc-tư-khoa và Bắc Kinh được định hình.

Lúc mà học viên tiến sĩ xây dựng đảng, Nguyễn Phú Trọng, sang Liên Xô năm 1981, đang đọc tới chương “thế giới cộng sản đại đồng”, thì cũng là lúc những thanh niên Việt Nam vướng những bãi mìn tàn phế cuộc đời vì bị bắt đi thi hành “nghĩa vụ quân sự” ở Cambodia. “Chủ Nghĩa Mác-Lenin” nói gì về những người cùng lý tưởng cộng sản, cùng tiến lên CNXH lại đánh nhau dữ dội: Liên Sô -Trung Cộng, Việt Cộng -Trung Cộng, Việt Cộng -Khơme Đỏ…

“Anh Cả” Liên Xô bị buộc phải tan rã, vì không sống sót nổi trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ cùng với sự cô lập và ghẻ lạnh của “bạn vàng” Trung Cộng. Kỷ niệm lần thứ 1991 ngày Thiên Chúa Giáng Sinh cũng là lúc Tổng Bí Thư ĐCS Liên Xô đóng lại trang sử sợ sệt trong đêm lạnh của người dân xứ họ sau hơn 70 năm xây dựng nhà nước CS. Công cụ búa liềm dùng cho những kế hoạch “Kinh Tế Mới” đã không mở ra những con đường phát triển bình an và hạnh phúc, ngược lại đẩy một đất nước to lớn vào sự tan rã đã được ghi vào lịch sử thế giới như là một bài học rất rõ ràng cho những ai còn có khả năng nhìn được bằng đôi mắt của chính mình.

Bức tường Bá Linh sụp đổ mở cửa cho một cơn gió lạnh khủng khiếp cho thân phận cô đơn của đảng CSVN trước một “kẻ thù phương Bắc” cùng với một sự cô lập, đề phòng của phần thế giới còn lại trong gần hai thập niên đã buộc phái đoàn Linh-Mười-Đồng khăn gói sang TC thần phục “thiên triều” trong mục đích cứu nguy cho đảng, và nền kinh tế èo-uột trong mô hình thiểu năng, khởi đầu cho ba thập niên lệ thuộc về mọi mặt trong thân phận chư hầu. Các lãnh đạo của “đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân” đã quyết định hy sinh dân tộc này cho sự tồn vong của đảng, dù biết rằng ông bạn “tốt, vàng” không đơn giản đưa bàn tay cưu mang, mà không lấy lại cái gì.

Vi-rút Vũ-Hán vung những đòn “thiết bảng” tới tấp buộc ĐCS TQ hiện nguyên hình trước thế giới, và đối với ĐCS VN, “con ma” TC cùng lúc vứt bỏ tất cả những đồ mã “vàng, tốt” vào sọt rác sau khi thành lập hai huyện đảo Tây, Nam Sa, và bêu rếu “tiểu quỷ” bằng lá bùa công hàm.

Chưa bao giờ VC cảm thấy bất an vì không còn bất kỳ một chỗ dựa nào, chưa bao giờ họ thấy cô đơn như lúc này, trong cái nhìn ngao ngán về một đống giòi bọ tham nhũng, ngay cả trong những ngày thất thần của đại dịch, và một thế hệ lớn lên “dưới mái trường XHCN” tội nghiệp trong niềm tin mù quáng, cào bàn phím với những lời thô lỗ, tục tằn, trong tiếng rọt rẹt của những lá cờ độc sao, trước một đêm tối 30/4/2020.

Nguyên Đại
30 Tháng Tư 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét